Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Việt Nam Khai Quốc: Sĩ Nhiếp (Chương 2, phần 3) Keith Weller Taylor

Tượng trên mộ Sĩ Nhiếp

Sĩ Nhiếp là con trai lớn của Sĩ Tứ, Thái Thú Việt Nam dưới thời Hoàng Đế Hoàn (147-67). Trước đó, gia đình Sĩ di cư khỏi Sơn Đông để xuống Nam trong thời đại Vương Mãng. Sĩ Nhiếp sanh năm 137 ở Thương Ngô (tức Quảng Tây bây giờ). Thời còn trẻ, ông lên miền Bắc, ở Dĩnh Xuyên (tức Hồ Nam bây giờ) để học văn dưới sự hướng dẫn của Lưu Tử Kỳ. Lớn lên, ông được bổ nhiệm làm quan ở triều đình Hán. Khi phụ thân ông mất, ông trở về quê nhà ở Thương Ngô. Chịu tang phụ thân xong, ông đi thi và đỗ Mậu Tài, được bổ làm Lịnh ở huyện Ngô tại miền Đông Tứ Xuyên. Hình như vào thời ông Cổ Tông làm Thứ Sử, trong những năm 180 khi những người địa phương có khả năng được tuyển chọn để thực thi một chính sách nhân đạo mới thì Sĩ Nhiếp được chọn làm Thái Thú Giao Chỉ.

Đối với triều đình nhà Hán, Sĩ Nhiếp tỏ ra là một viên Tổng Quản làm việc trung thành của bộ máy quận, huyện. Tuy nhiên, suy từ những biến cố xảy ra sau khi ông mất, người ta thấy rõ ràng lúc sinh thời, ông điều khiển một tổ chúc quyền lực ở địa phương, dựa trên những đại gia đình Hán-Việt có khả năng cung cấp những đạo quân bản bộ riêng. Viễn tượng hỗn hợp của môi trường Hán-Việt trở thành một yếu tố quan trọng cho kinh nghiệm lịch sử Việt Nam. Về phía Hán, Sĩ Nhiếp hành động với danh nghĩa một người lính giữ gìn biên cương của Hán. Nhưng về phía Việt Nam, ông là thủ lãnh của một xã hội gồm có những người cầm quyền ở địa phương. Trong bối cảnh hỗn hợp này, cũng không khó để chuyển dịch khuynh hướng từ bên này sang bên kia. Vì vậy, một lãnh đạo thuộc giòng máu lai Trung Quốc giữ vai trò Hán-Việt hỗn hợp, hay trong vài trường hợp thiên hẳn về phía Việt Nam là một khuôn mẫu rất phổ biến trong xã hội Việt Nam thuở ấy. Sĩ Nhiếp là vị lãnh đạo đầu tiên trong số nhiều lãnh đạo mạnh của địa phương đã xuất hiện với mục đích xây dựng một xã hội bản xứ trong khuôn khổ của nền văn minh Trung Quốc.

Chu Tuấn, viên tướng đã bình định Giao Chỉ năm 181, đã giúp phá giặc Khăn Vàng ở Bắc Trung Quốc năm 184. Dưới sự bảo trợ của gia đình Chu, nhiều người tị nạn thuộc giới thượng lưu đã chạy xuống Giao Chỉ để tránh cơn bão loạn của giặc. Con trai của ông là Chu Phù đã được phong làm Thứ Sử Giao Chỉ. Quan hệ giữa Thứ Sử Chu Phù và Thái Thú Sĩ Nhiếp có phần chênh lệch. Chu Phù là người ở xa đến, phải nhờ cậy vào các bộ tướng của mình và cả những người tị nạn ở giai cấp thuợng lưu. Sĩ Nhiếp là người ở địa phương đứng đầu các đại gia đình thuộc xã hội cầm quyền ở địa phương. Lãnh thổ cầm quyền của Sĩ Nhiếp được ổn định và ngày càng thịnh vượng. Tuy ở chức vị cao hơn, Chu Phù không thể khẳng định uy quyền của mình với Sĩ Nhiếp; những đất đai dưới quyền Chu Phù (ngày nay là Lưỡng Quảng) đầy rẫy những giặc cướp và quan chức bất mãn.

Chu Tuấn chết năm 195, và gia đình Chu về sau bị sa sút. Năm 196, Chu Phù bị “theo dõi và bị giết chết” bởi một “người hùng địa phương.” Ta có lý do để nhận thấy bàn tay của Sĩ Nhiếp sau vụ này. Bởi vì lúc Chu Phù chết, Sĩ Nhiếp đã mau lẹ chiếm lấy quyền kiểm soát vùng duyên hải Giao Chỉ. Ông bổ nhiệm 3 người em trai của ông là Sĩ Nhất, Sĩ Vi, và Sĩ Vũ làm Thái Thú Hợp Phố, Cửu Chân và Nam Hải. Khoảng 100 sĩ phu theo Chu Phù xuống Nam đều được Sĩ Nhiếp tiếp đón và dung nạp.

Vào lúc đó, giang sơn nhà Hán đang bị quân phân thành 3 nước mà về sau gọi là thời “Tam Quốc” trong lịch sử. Nhà Hán cố gắng để vãn hồi quyền hành đang tàn tạ của mình bằng một cuộc cải cách hành chánh trong đó quyền hành được ủy nhiệm rộng rãi cho các quan Mục Bá (đứng đầu các châu). Giao Chỉ Bộ không nằm trong hệ thống mới này và triều đình bổ nhiệm Truơng Tần thay Chu Phù làm Thứ Sử.

Trương Tần là một người lập dị, mà theo các sử gia “không nghe theo những lời dạy trong sách của các hiền triết xưa, và hủy bỏ luật pháp của nhà Hán.” Ông hay chít một cái khăn đỏ, ngồi đốt trầm hương, gảy đàn và đọc “những sách nhảm nhí.” Thật vậy, Trương Tần rất yêu chuộng Lão Giáo, và từ khi Lão Giáo trở thành một đặc điểm của Giặc Khăn Vàng, có thể kết luận rằng đó là nguyên nhân ông bị lớp quan lại của triều đình dè bỉu. Điều đó giải thích tại sao ông bị đổi xuống Giao Chỉ Bộ.

Tuy nhiên, quyền hành ở phần lớn Giao Chỉ nằm trong tay Sĩ Nhiếp. Trương Tần chỉ có quyền giới hạn trong hai huyện hẻo lánh là Thương Ngô và Uất Lâm ở thượng lưu sông Tích. Địa vị của Trương Tần rất bấp bênh vì nó nằm trong phạm vi tham vọng của Lưu Biểu là thủ lãnh Kinh Châu ở ngay phía Bắc. Chẳng bao lâu, Truơng Tần và Lưu Biểu thường xuyên gây sự xung đột với nhau . Sĩ Nhiếp ủng hộ Trương Tần vì họ Lưu bị triều Hán coi như đang làm phản. Triều đình Hán quá yếu và ở quá xa, nên không giúp đỡ gì được cho Trương Tần. Nhưng đến năm 203, triều đình nâng Giao Chỉ Bộ lên hàng Châu và do đó, thăng chức Trương Tần lên hàng Mục bá. Kể tự đó, Giao Chỉ Bộ được chính thức gọi là Giao Châu. Mặc dầu được hậu thuẫn tinh thần, hai năm sau Trương Tần bị một trong những bộ tướng phản bội và giết chết. Lưu Biểu lập tức sai bộ tướng là Lai Cung đến Thương Ngô để huy động những binh sĩ trung thành với họ Lưu.

Khi tin Trương Tần bị giết đến tai nhà Hán, tờ chiếu dưới đây được gởi đến cho Sĩ Nhiếp:

Giao Chỉ là đất miền Nam xa xôi ở gần các sông ngòi và bờ biển; những đặc ân của triều đình từ trước đã không xuống tới nơi được, và những tin tức từ dưới cũng không lên được tới triều đình. Trẫm biết rằng loạn tặc Lưu Biểu đã sai bộ tướng Lai Cung xuống để canh giữ miền Nam. Nay trẫm ban chiếu phong Sĩ Nhiếp làm Bình Nam Tướng Quân, có quyền hành 7 quận và xác nhận vẫn làm Thái Thú Giao Chỉ như trước.

Dựa trên tài liệu này, rõ ràng là triều đình Hán từ nay không còn khả năng áp đặt uy quyển trung ương đến mọi việc ở đất Nam. Triều đình chỉ còn cách gia phong chức tước với hy vọng sẽ ảnh hưởng được những diễn biến ở xa. Sĩ Nhiếp đáp ứng lại bằng cách gửi sứ giả mang những đồ triều cống về dâng vua. Vì có những nhiễu loạn, nên đây là một thành tích đáng ghi. Triều đình công nhận sự biểu dương lòng trung thành bằng cách phong thêm cho Sĩ Nhiếp chức Trấn An Tướng Quân và một tước vị nữa lên hàng quí tộc.

Giang sơn của Sĩ Nhiếp thực sự đứng bên ngoài đế quốc nhà Hán. Nó thuộc vào cái thế giới thương mại đang phát triển ở biển Nam Hải với những con đường thông thương trên biển đi xuống phía Nam và sang phiá Tây. Như vậy, Sĩ Nhiếp lại vừa có thể đứng ngoài những cuộc tranh chấp ở miền Bắc xa xôi, vừa giữ được địa vị chính thống của mỉnh đối với một triều đình không còn quyền hành gì. Cho tới khi tương lai của nhà Hán bị cạn kiệt, Sĩ Nhiếp mới ngả về phe thắng thế ở Nam Trung Quốc, tức là Tôn Quyền, người sáng lập nhà Ngô thời Tam Quốc.

Liên minh của Sĩ Nhiếp với Tôn Quyền đã chặn đứng những tham vọng của Lưu Biểu tại miền Nam. Lưu Biểu chết năm 208 và hai năm sau, Tôn Quyền sai một vị tướng là Bộ Chính xuống quan sát Giao Châu. Bộ Chính rất vui lòng quét sạch được sự can thiệp của Lưu Biểu ở Thương Ngô và để đất miền Nam còn lại cho Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp và các em trai của ông đón tiếp Bộ Chính long trọng, nhận lãnh chức tước được ban và dâng biếu cho Bộ Chính rất nhiều tặng phẩm. Tôn Quyền phong Sĩ Nhiếp làm Tả Tướng Quân để thừa nhận sự cai trị thực sự của ông ở miền Nam.

Năm 220, một người họ Tào bắt vua Hán cuối cùng phải thoái vị, nhường ngôi cho y để lập nhà Ngụy ở Hoa Bắc. Họ Lưu ở Tứ Xuyên bèn lập nhà Thục Hán và Tôn Quyền ở Nam Kinh lập ra nhà Ngô. Sĩ Nhiếp lập tức gởi con trai là Sĩ Tấn lên Nam Kinh để bày tỏ lòng trung thành. Tôn Quyền lại phong cho Sĩ Tấn làm Thái Thú một quận ở lưu vực sông Dương Tử. Đồng thời cả Sĩ Nhiếp cả em ông là Sĩ Nghi và những con của họ được Ngô phong cho chức tước mới. Khi Sĩ Nhiếp thuyết phục được những thủ lãnh các bộ lạc ở vùng núi Quế Châu thần phục Tôn Quyền, ông lại được phong thêm chức tước nữa.

Sĩ Nhiếp liên tiếp gởi về triều đình Ngô những đồ hàng xa xỉ quý hiếm như nước hoa, ngọc trai, vỏ đồi mồi, san hô, hổ phách, trái cây các loại, chim công, sừng tê giác, ngà voi, thuốc và nhiều thứ hiếm hoi khác. Em ông là Sĩ Nghi triều cống hàng trăm con ngựa. Không có năm nào là không có vật triều cống mới. Đó là một nguồn lợi tức quan trọng cho nhà Ngô và nó cũng bảo đảm cho địa vị họ Sĩ ở Giao Châu.

Trị sở của Sĩ Nhiếp là Luy Lâu, một trung tâm chính trị rất lâu đời. Triệu Đà đã thiết lập một sứ bộ ở đó vào khoảng 450 năm trước (?). Nó bị bỏ hoang trong những năm 140 khi loạn lạc làm cho Luy Lâu không được an ninh, do đó thành Long Biên ở giữa vùng đối bìa phía Bắc của đồng bằng được dùng làm trung tâm hành chánh của quận từ đó cho tới khi Sĩ Nhiếp lên nắm quyền vào những năm 180. Việc Sĩ Nhiếp lại lấy Luy Lâu làm trị sở cho thấy là quyền hành của ông được địa phương ủng hộ mạnh mẽ. Ông là một nhà cai trị mẫu mực, theo lời người viết tiểu sử ông như sau:

Sở học của Sĩ Nhiếp rất rộng và xuất sắc. Ông lại có tài tuyệt vời về các vấn đề cai trị. Ông rất khiêm nhượng với các thuộc hạ, kính trọng các bậc sĩ phu và có tính tình rất phóng khoáng. Trong thời đại loạn (cuối triều Hán) ông đã bảo vệ được cả 1 vùng rộng lớn. Trong 29 năm trời, ông chặn đứng được mọi rối ren ở trong vùng và nhân dân đều được yên ổn làm ăn sung sướng. Khi ông đi đâu, có chiêng, trống, nhạc, còi, đi trước. Ngựa và xe chật đường. Bất cứ nơi nào ông đến đều có cả chục người Hồ cầm hương đi theo; hàng chục thê thiếp của ông ngồi xe có rèm che theo sau. Anh em, con cháu ông cưỡi ngựa có lính đi hộ vệ. Quyền hạn và uy tín của ông không ai sánh kịp. Tất cả những dân tộc man di ở miền Nam đều run sợ và quy thuận ông. Triệu Đà cũng không bằng ông.

Việc so sánh Sĩ Nhiếp với Triệu Đà là có ý nghĩa. Giang sơn của ông ở cùng khu vực địa lý như đất Nam Việt cũ của Triệu Đà mặc dầu Sĩ Nhiếp cai trị từ miền Bắc Việt Nam chứ không phải từ miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên có một điều khác biệt là trong những thế kỷ tiếp sau thời Triệu Đà, một nền văn minh mới được phát triển ở các vùng biển phía Nam. Sự thịnh vượng của Giao Chỉ dưới quyền Sĩ Nhiếp có liên hệ mật thiết với sự xuất hiện của cực thu hút mới ấy.

Một học giả người Pháp còn đi xa hơn khi so sánh Sĩ Nhiếp với Alcuin, người có công thành lập trường học triều đình vào thời vua Charlemagne và nhờ đó văn hóa La Tinh được truyền bá ở miền Bắc Âu Châu. Danh tiếng của Sĩ Nhiếp là người theo Khổng Giáo cũng được nâng cao nhờ chuyện ông bảo trợ những nho sĩ Hán đến tị nạn. Một số trong những người tị nạn ấy là những bậc sĩ phu thượng hạng và đa diện rất tiêu biểu trong thời Hán. Tuy vậy, ảnh hưởng văn hóa của những bậc sĩ phu Hán đối với dân Việt Nam lúc đó vẫn chưa được sâu đậm. Thật vậy, phần lớn các hoạt động liên hệ đến việc Trung Quốc hóa người bản xứ do các quan chức Hán ghi lại thường chỉ là những tuyên truyền hời hợt và chỉ là một phương tiện cho các học giả này dễ dàng được thăng quan tiến chức ở chốn biên thùy heo hút này.

Những danh sĩ Hán không cho Giao Chỉ là nơi xứng đáng để họ làm việc nên chỉ nôn nóng trở về Bắc ngay khi nào tình hình chính trị cho phép. Khi Sĩ Nhiếp liên minh với Tôn Quyền, nhiều người đã bỏ về Tứ Xuyên và Bắc Trung Hoa. Vốn đã phải chạy xuống Nam làm khách của họ Chu, họ vẫn chống Tôn Quyền là ngưòi đã lên nắm quyền làm thương tổn nhà Chu. Còn những người khác thì dễ dãi hơn và về sau đều quy thuận nhà Ngô.

Tài liệu xác đáng nhất về thời kỳ này là do ngòi bút của Tiết Tống. Ông đã đi xuống miền Nam lúc còn trẻ để trốn tránh hỗn loạn khi nhà Hán sụp đổ và được học hành ở Giao Chỉ với một danh sĩ tị nạn là Lưu Chiểu, người đã được Sĩ Nhiếp che chở trong nhiều năm. Tiết Tống đã làm việc với Sĩ Nhiếp và lập nghiệp ở phương Nam. Sau khi Sĩ Nhiếp chết, ông được nhà Ngô phong làm Thái Thú Hợp Phố ở miền Tây Quảng Đông. Năm 231, 5 năm sau khi Sĩ Nhiếp qua đời, ông viết một tờ biểu dài dâng lên vua Ngô để tóm tắt tất cả những kinh nghiệm của ông với tư cách là một viên chức hành chánh của Giao Châu.

Ý chính trong biểu trình của Tiết Tống là sự gần như vô hiệu quả trong quá trình văn minh hóa dân chúng miền Nam. Tính cách hỗn tạp của các nhóm dân thiểu số cũng đủ làm nản lòng những nhà cai trị. Ông viết:

Những phong tục không đồng nhất, và ngôn ngữ, không ai hiểu được ai đến nỗi phải có nhiều thông ngôn cho mỗi lần nói chuyện.

Đối với một người Trung Quốc “có học” như Tiết Tống, sự man rợ của người dân bản xứ quả là kinh khiếp:

Dân chúng như chim muông và thú vật; họ búi tóc và đi chân đất; còn y phục, chỉ khoét 1 cái lỗ ở giữa mảnh vải rồi chui đầu qua hay là buộc túm vào 1 bên sườn trái (theo kiểu man di). Thật là vô ích nếu bổ nhiệm những quan cai trị địa phương từ nhóm của họ; nếu có bổ nhiệm, các quan chức huyện kiểu này có cũng như không.

Tiết Tống duyệt xét lại những biện pháp văn minh hóa do những quan chức thuộc các thế hệ trưóc đã thi hành và có ghi lại trong sử liệu. Ông đề cập đến những tội phạm được Tần Thủy Hoàng đưa xuống miền Nam và nhất là những cải cách lớn thời Vương Mãng mà các quan chức như Tích Quang, Thái Thú Giao Chỉ và Nhâm Diên, Thái Thú Cửu Chân đã thi hành. Những ông này đã dạy dân cày cấy; lập trường học để dạy họ học chữ theo các sách giáo khoa Trung Quốc, và bắt mọi người phải theo những lễ nghi về hôn nhân chính thức, phải có người làm mai mối, có bố cáo của quan chức và có các bậc cha mẹ chứng kiến khi hứa hôn. Nhưng thật ra, những người đã đọc sách chỉ biết “một cách thô sơ về chữ nghĩa” và ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với đời sống địa phương thật là “tiêu cực.” Chỉ những viên chức được bổ nhiệm đến những vùng này mới biết cách cư xử theo đúng phép văn minh.

Những cố gắng Trung Quốc Hóa tóm lại đã không để lại dấu tích gì trên văn hóa địa phương vào thời Tiết Tống:

Cứ theo những thư tịch còn lại, những hoạt động để văn minh hoá dân đã được tiến hành trên 400 năm rồi; nhưng theo những gì mà chính tôi được nhìn thấy trong nhiều năm từ ngày tôi đến đây, tình hình thực sự rất khác.

Tiết Tống kể ra tỉ mỉ những phong tục địa phương không thấm nhuần được ảnh huởng Trung Quốc:

Về hôn nhân ở Châu Nhai trên đảo Hải Nam, nơi không ai chịu tuân theo các quy luật hành chánh, cứ đến tháng 8, những chủ gia đình tập hợp mọi người lại; đàn ông và đàn bà cứ tự ý mình người này lấy người kia và trở thành vợ chồng trong khi cha mẹ chẳng có quyền hành gì. Trong hai huyện Mê Linh ở Giao Chỉ và Đô Long ở Cửu Chân, khi trong nhà có người anh chết, người em trai được lấy chị dâu làm vợ mình. Tục này đã có từ bao nhiêu thế hệ, do đó đã thành lệ hẳn hoi. Và những quan chức huyện cũng đành chịu mà phải cho phép chứ không bắt bỏ đi được. Tại Nhật Nam, đàn ông và đàn bà ở trần truồng mà đi ra ngoài, chẳng thẹn thùng gì cả. Tóm lại, có thể nói rằng những dân ấy ở ngang trình độ với sâu bọ.

Người Trung Quốc đặc biệt ghê tởm những phong tục hôn nhân không chính thống mà lại chối bỏ quyền phụ hệ vốn là trọng tâm trong nền chính trị của họ nếu không muốn nói là toàn diện nền văn minh của họ. Nói đến chuyện em chồng được lấy chị dâu khi anh mình chết là một điều có ý nghiã với người Việt Nam bởi vì đó là bằng chứng hùng hồn của tính cách song phương trong xã hội Việt Nam cũ. Như đã nói, Mê Linh là trung tâm chính trị thời tiền sử của đồng bằng sông Hồng; đó là quê hương của các vua Hùng và của Hai Bà Trưng. Nếu Mê Linh nằm ở ngay cửa ngõ đồng bằng sông Hồng, Đô Long nằm ở ngay cửa ngõ đồng bằng sông Mã. Đó là những “bếp lò” được sùng kính của văn minh Việt Nam với cội rễ rất sâu từ thời kỳ đá mới.

Tục gọi là “em trai chồng lấy chị dâu khi anh mình chết” trước kia được cho là “di thừa của chế độ mẫu hệ”, nhưng trong những năm gần đây, quan điểm này đã bị các nhà nhân chủng học bác bỏ bởi vì không ai đồng ý là làm thế nào mà một thói quen lại có thể là di tích của một lối sống cổ và hơn nữa, ngày nay ít có ai muốn dùng từ “mẫu hệ” bởi vì mọi người không ước lượng được ý nghĩa của nó như thế nào trong các xã hội thời cổ.

Tục này, như đã được thi hành qua các thời kỳ lịch sử, cho người đàn bà quyền được lấy em trai của người chồng chỉ khi nào người chồng chết. Đây là một cách chối bỏ nguồn gốc của truyền thống đa phu-đa thê, và hàm ý là nó đã tồn tại sau khi xã hội thẩm định lại vấn đề tình dục. Hơn thế, đứa con đẻ ra do một cuộc hôn nhân “em thay anh” như thế lại được coi như là con của người chồng đã chết. Cái luật thừa kế ít người ưa này, dựa trên những quan niệm về phụ hệ, có lẽ đã nhanh chóng hủy bỏ tục lệ “em trai chồng kế anh lấy chị chồng” trong một môi trường mà nam giới khống chế, bởi vì chúng ta có thể nghĩ rằng hầu hết mọi đàn ông đều không ai muốn làm cha một đứa con nối dõi một người đàn ông khác, cho dù người đó là anh mình.

Sư phụ của Tiết Tống là Lưu Hi, cũng phê bình về phụ nữ ở đất Nam. Lưu Hi coi người Giao Chỉ là những “người man di không thể sửa đổi được,” và ông trở về Bắc ngay khi những điều kiện cho phép. Về sau, ông viết một cuốn sách nhan đề “Chính Danh” và trong mục giải thích về tên gọi của những đồ trang sức phụ nữ, ông viết:

Đeo hạt ngọc trai bằng cách sâu vào lỗ tai: thế gọi là đeo bông tai. Nguyên thủy là do người man di phía Nam xử dụng. Những phụ nữ man di không tin cậy được; họ là những con người lang chạ đi lung tung ngủ hết với mọi người . Vì thế, họ bị bắt buộc phải đeo những thứ kêu leng keng ấy để giữ họ ở nhà. Ngày nay, những người ở Trung Quốc lại bắt chước họ.

Trong khi không có chỗ nào trong đoạn này nêu rõ người Việt Nam, chúng ta biết rằng Lưu Hi sống chung với người Việt Nam trong nhiều năm, gần mười năm, và những điều ông biết về “những người man di” miền Nam là do các cuộc tiếp xúc của ông với người Việt. Chúng ta không biết chắc Lưu Hi đánh giá chính xác đến đâu lý do mà những phụ nữ Việt Nam đeo bông tai, nhưng những lời ông viết có thể biểu hiện sự thay đổi về vai trò giới tính trong xã hội Việt Nam. Đoạn văn trên thể hiện sự áp đặt của giá trị phụ hệ trên xã hội Việt Nam. Những phụ nữ dường như quen được hưởng quyền hành mạnh mẽ gồm cả một vài đặc quyền về tình dục. Những người đàn ông mong được nắm quyền phụ hệ muốn ra vẻ là biết cách trị những bà vợ cứng đầu bằng cách bắt họ đeo một sức nặng như những đôi bông tai kêu leng keng.

Không những người Việt Nam khó dạy về phương diện văn hoá, mà về phương diện chính trị, họ cũng không dễ thuần thục. Tiết Tống đã làm cho độc giả của ông thắc mắc không hiểu tại sao Trung Quốc lại chú tâm đến một nơi như Việt Nam và sau đó ông đưa ra vài lý do:

Họ dễ dàng nổi loạn và khó bình định; những quan chức huyện hành động rất đường hoàng và cẩn thận tránh không khiêu khích họ. Những gì ở ngoài đồng hay ở trong nhà mà có thể thu được bằng thuế rất ít. Mặt khác ở đó nổi tiếng về những đồ quý hiếm: ngọc trai; hương trầm; thuốc; ngà voi; sừng tê giác; mai rùa; san hô; chim vẹt; chim trả; công; và nhiều thứ quý báu có thể thoả mãn được tất cả mọi người. Vì vậy, không cần thiết phải tùy thuộc vào thuế má để đem lợi về cho triều đình.

Những sinh hoạt bình thường của chính quyền Trung Quốc như giáo dục hay thuế má thường hay gặp rắc rối vì những sự khác biệt hiện hữu trong lề lối của dân bản xứ. Chính ra, những quan tâm của Trung Quốc đối với Việt Nam không phải là về mặt hành chánh, mà là về sự khai thác và vơ vét. Sức quyến rũ của những đồ xa xỉ miền nhiệt đới đầu tiên đã khiến Tần Thủy Hoàng phải đem quân xuống miền Nam, và những lợi tức vơ vét được mau lẹ vẫn là sức thu hút của vùng ấy đối với người Trung Quốc. Kết quả là các quan chức Trung Quốc không phải là những nhà cai trị mà là những chuyên gia “làm giàu mau lẹ.” Tiết Tống lại nhận xét như sau:

Phải công nhận rằng ở bên ngoài đất nước (ở miền Bắc và Trung Trung Quốc) những người được tuyển chọn làm quan cấp huyện không được xem xét cẩn thận. Dưới thời Hán, luật pháp lỏng lẻo, và nhiều quan chức bê tha và trác táng. Kết cục là có nhiều hoạt động bất hợp pháp xảy ra.

Tiết Tống đưa ra một vài thí dụ tỉ mỉ. Ông nói Hán phải bỏ đảo Hải Nam sau một cuộc nổi dậy được sách động bởi những quan chức tham ô đến nỗi họ buộc dân phải cắt tóc để họ thu đem bán cho nơi làm tóc giả để lấy tiền. Một Thái Thú tên là Hoàng Cái đến Nhật Nam rồi giết vài thủ lãnh địa phương vì cho rằng họ đã không chịu nộp ông nhiều đồ tặng phẩm. Rồi ông bị dân nổi lên đuổi chạy về Trung Quốc.

Những quan chức Cửu Chân coi thường pháp luật đến nỗi có một lần quân sĩ do Sĩ Nhiếp sai đến để vãn hồi trật tự cũng bị đuổi về. Thế thì vùng này có thể được cai trị như thế nào? Tiết Tống khuyến cáo rằng những người được tuyển lựa ra làm quan phải:

Khôn ngoan và cẩn trọng; có khả năng nghĩ ra những phương pháp khéo léo để duy trì lòng trung thành của dân chúng. Chỉ như thế nền hành chánh mới có thể thực thi được. Những người tầm thường được dùng để cai trị theo đường lối bình thường không được tinh tế hay không có những biện pháp đặc biệt ra ngoài khuôn phép, sẽ có ngày càng nhiều cướp bóc và loạn lạc.

Như thế, rõ ràng là người Việt Nam vượt ra ngoài khuôn khổ cai trị thông thường. Những quan chức Trung Quốc ở Việt Nam không thể thành công chỉ qua cách áp dụng luật pháp. Cai trị người Việt Nam đòi hỏi tài nghệ đặc biệt.

Theo những điều Tiết Tống nói thì chúng ta phải nên nghi ngờ là vẫn có cái khuynh hướng nói quá đáng về ảnh hưởng của văn hoá Hán đối với người Việt Nam và của vai trò được cho là của Sĩ Nhiếp để củng cố ảnh hưởng ấy.

Sĩ Nhiếp là một thủ lãnh khôn ngoan, hiểu thấu thời và vị trí của mình. Ông là người được hưởng lợi ở những trào lưu chính trị có thế lực xuất phát từ xã hội bản xứ. Ông lãnh đạo lớp người lai Hán-Việt đã ăn sâu gốc rễ trong xã hội địa phương sau nhiều thế hệ có hôn nhân qua lại giữa hai bên. Lớp người đã giác ngộ rõ hơn về quyền lực chính trị khi chính quyền Hán bắt đầu bị nao núng. Cái thời đại lâu dài đầy những rối loạn, bất ổn tiêu biểu phần lớn thế kỷ 2 được kết thúc với sự thăng thiên của Sĩ Nhiếp.

Thật ra, cũng không chắc nhân cách của một người lại có thể là nguyên nhân của nhiều thay đổi như thế. Sự thăng tiến của Sĩ Nhiếp trùng hợp với chuyện hạ màn của chính quyền Hán ở miền Nam. Các biến cố xảy ra sau khi ông mất cho ta thấy rằng gia đình ông khác hẳn với giới cầm quyền ở địa phương. Gia đình ông đứng ra như là đại diện của hoàng triều và là người trung gian giữa các thế lực ở địa phương với chế độ chính trị ở miền Bắc. Việc ông được triều đình gia phong quan tước đem lại tính cách chính thống cho lớp người cai trị ở địa phương bằng những giây ràng buộc họ chặt chẽ vào xã hội địa phương. Có thể nói rằng lớp người ấy rút kinh nghiệm ở truyền thống quyền hành mà họ được hưởng của các Lạc hầu cũng như của các quan chức Hán, vì cả hai đều là tổ tiên của họ.

Lăng Sĩ Nhiếp, Thuận Thành, Bắc Ninh
Gia đình Sĩ Nhiếp và những gia đình khác vẫn giữ đặc tính Hán rất mạnh. Hầu hết những người trẻ tuổi trong gia đình họ Sĩ đều được học hành ở miền Bắc. Tiểu sử của Sĩ Nhiếp nói đến “hàng chục thê thiếp”; và nhiều, nếu không phải là hầu hết những người này là đàn bà địa phương, mà ảnh hưởng của họ ít nhiều cũng được nhận thấy trong nội bộ gia đình. Đàng sau gia đình Sĩ, những người Hán-Việt lai cũng tiêu biểu cho một nét văn hoá bị chi phối bởi sự thăng trầm của các cuộc hôn nhân hai giòng. Điều tất nhiên là trong khi các dân lai Hán-Việt, vì hãnh diện và muốn có uy tín, hoặc là vì sở thích riêng, khao khát được thích ứng hoàn toàn với văn minh Hán mặc dầu tổ tiên họ đã bị pha trộn, lại có những người, vì có ác cảm với những sự khoa trương của văn minh Hán, hoặc cũng vì sở thích riêng lại hăng hái giữ chặt lấy lối sống địa phương.

Về sau, Sĩ Nhiếp được giữ một địa vị danh dự trong hàng ngũ anh hùng của dân tộc Việt Nam Sự thành công của ông không được thấy nhiều qua những điều ông làm, mà qua những điều ông không làm. Ông không đi ngược lại nhân sinh quan của người bản xứ. Ông không thi hành những đường lối cai trị nào có tính cách ngoại lai đối với họ; ông không bòn rút, vơ vét của cải của họ bỏ vào túi riêng. Ông đã để cho lối sống địa phương được phát triển nảy nở.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét