Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

Nguyen ly Me trong van hoa Viet Nam

VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG LỊCH SỬ
(Qua giải mã một vài biểu tượng
tín ngưỡng và huyền tích nữ thần)


Tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam theo GS. Trần Quốc Vượng có ba đặc điểm chính: 1. Sự hỗn dung tôn giáo; 2. Đạo thờ cúng Tổ tiên; 3. Tâm thức vật linh- Đa thần. Thần điện dân gian Việt về cơ bản hình thành từ cơ tầng tín ngưỡng Đông Nam Á của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước với cơ cấu kinh tế tiểu nông mà trong đó người phụ nữ có vai trò rất lớn. Người phụ nữ làm nông nghiệp chẳng kém gì đàn ông, là người nắm “tay hòm chìa khoá” và nuôi dưỡng con cái.
Một số học giả như Phạm Quỳnh, Từ Chi, M.Durand và P. Huard- toàn đàn ông cả Việt, cả Tây- đã đưa ra công thức nổi tiếng về gai đình của người Việt: “Người chồng trị vì, người vợ cai quản”.
Do và từ nhiều nguyên nhân/điều kiện xã hội, tự nhiên, lịch sử... mà Thần điện dân gian Việt nam bị nhiều những lớp văn hoá tôn giáo từ bên ngoài (Phật - Đạo - Nho...) phủ lấp. Những tôn giáo này đậm dương tính đã là thách thức lớn đối với tín ngưỡng bản địa của người Việt vốn là tín ngưỡng nông nghiệp đậm âm tính. Tuy vậy, Tam giáo đã không thể làm mất đi tâm thức vật linh- cơ nền của tín ngưỡng bản địa Việt. Mặc dù bị các tôn giáo bên ngoài tác động - cưỡng bức hay tự nguyện - những tín ngưỡng này phần nào đã bị biến đổi. Song ý niệm biểu tượng về căn bản thay đổi không đáng kể. Nổi bật trong hệ thống này chính là tín ngưỡng nữ thần với nhiều biểu hiện khác nhau. Việc thờ nữ thần có gốc gác đa dạng- nhân thần, nhiên thần, thiên thần...- dù đã được dung hoá ở các cấp/mức độ khác nhau với những văn hoá, tôn giáo... bên ngoài - cũng chính là biểu tượng thể hiện vị thế của người đàn bà Việt- ảo - thực/ thiêng - phàm - trong đời sống gia đình và xã hội. GS. Trần Quốc Vượng đã gọi đó là “Nguyên lý Mẹ” của nền văn hoá Việt Nam.
Biểu tượng 1: Mỵ Châu (1)
Những truyền thuyết lưu truyền về Mỵ Châu dù có những biến thể khác nahu do xuất hiện không đồng đều trong thời gian, không gian và đã bị ảnh xạ qua lăng kính phụ hệ đều đồng thanh xác nhận rằng Nàng là người được giao trọng trách trông và cất Nỏ thần - và cho dù đây là nguyên nhân chính của bi kịch tình yêu - bi kịch lịch sử thì cũng chính là chìa khoá để giải mã biểu tượng văn hoá - biểu thị vai trò cao của người đàn bà và tính cách truyền dõi theo dòng mẹ của xã hội Việt thời cổ và ảnh hưởng của nó ở những giai đoạn lịch sử muộn hơn.
Biểu tượng 2: Âu Cơ
Truyền thuyết về nguồn gốc của người Việt và quá trình hoà hợp/đối kháng của hai bộ phận dân cư miền cao và miền thấp - theo tư duy lưỡng phân/lưỡng hợp - cho thấy vai trò mang tính ưu thế của yếu tố nữ - dòng mẹ: 50 con theo Mẹ Âu Cơ lên núi (tức là ở lại đất Tổ Phong Châu) - Làng Cả và suy tôn một người làm Vua (Vua Hùng), 50 con theo Cha Lạc Long Quân xuống biển. Sơn Tinh (Thánh Tản Viên - Ba Vì) ban đầu theo cha xuống Biển sau vì nhớ mẹ lại ngược sông về non theo Mẹ, để rồi luôn là vị Thánh đứng đầu trong Tứ Bất Tử của người Việt “Nhất cao là núi Tản Viên”...
Mặc dù ở những lớp phủ muộn hơn ta đã thấy quan điểm phụ hệ được điểm xuyết vào một cách lộ liễu - thông qua sự tích tết mùng 8 tháng 3 âm lịch ở vùng Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Tây). Vùng này còn tục nặn 100 viên bánh trôi, hình bầu dục, để tưởng nhớ đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Âuu Cơ đã sinh trăm trứng. Làm lễ xong, người ta lấy 49 viên bánh cho vào chiếc thuyền bằng lá thả xuống sông Hát, cho thuyền trôi ra biển, gưỉ xuống Long cung với ý, đó là 49 người con trai theo Lạc Long Quân về biển (một con ở lại làm vua mặt đất, và 50 con theo Âu Cơ lên rừng).
Vua Hùng - Tổ dựng nước là ở trong số các con theo Mẹ. Chỉ mãi đến cuối thế kỷ 19 các tác giả sách “Việt sử thông giám cương mục” mới “chữa” lại là theo Cha ! đó là sự xuyên tạc “giả dân gian” (fakelore) về Truyền thuyết khởi nguyên. (Trần Quốc Vượng 1996: 43).
Biểu tượng 3: Man Nương và Tứ Pháp
Phật giáo cũng như nhiều tôn giáo và hệ tư tưởng khác khi du nhập vào Việt Nam bằng các cách thức và con đường khác nhau đều được tiếp biến/giao thoa hay “vượt gộp” theo từng mức độ với những tín ngưỡng, triết lý bản địa. Trong “Lĩnh Nam chích quái” còn ghi lại chuyện Man Nương và Khâu Đà La (2), được giải mã một cách cơ bản như một sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa và Phật giáo chính thống, để tạo ra Phật giáo Dâu - SƠN MÔN DÂU rát riêng, rất độc đáo. Tính riêng, tính độc đáo thể hiện ở yếu tố Nữ áp đảo - Một PHẬT MẪU MAN NƯƠNG, một hệ thống TỨ PHÁP: VÂN - VŨ - LÔI - ĐIỆN cũng toàn bà. Đây được coi là đặc điểm chung của tín ngưỡng vIệt. Cũng là biểu hiện của cái Sinh (Phồn thực Thiêng), chất Mẹ của người Việt cực kỳ sâu đậm bát chấp cả Phật giáo lẫn Khổng giáo. Đó chính là cốt lõi tâm hồn Việt, cái cốt lõi đó được bảo tồn trong dân gian. (Nguyễn Duy Hinh 1996: 210-213).
Có thể còn những cách giải mã khác nữa song đó lại là chủ đề của một nghiên cứu sâu. Chỉ xin lưu ý những từ in đậm trong đoạn trên để minh giải rõ hơn ý tưởng khi Phật giáo Ấn Độ (dương tính) tới nơi mà người đàn bà nắm vị trí chủ chốt đã buộc phải làm một sự dung hoà để có thể hội nhập. Tín ngưỡng bản địa của cư dân trồng lúa nước - biểu tượng là hòn đá cầu mưa thành Thạch Quang Phật, các phụ tính thiêng liêng của thần trở thành các Phật Mây, Mưa, Sấm, Chớp lấn át các Phật chính thức, tất cả có uy vũ đến đâu cũng phải chịu tôn xưng Man Nương là Tổ. (Tạ Chí Đại Trường 1989: 86-87).
Biểu tượng 4: Bà Chúa Ba - Phật Bà Quan Âm.
Những nhà nghiên cứu tôn giáo cho rằng một trong những đặc điểm của Phật giáo dân gian Việt Nam là tính Nữ nổi trội. Phật điện của chùa Việt có tới hàng trăm các vị Phật, đó là chưa kể những đại diện của Nho - Đạo - Tín ngưỡng dân gian khác, song cũng chỉ một Bà được dân kính nhớ: Quan Âm, thường được gọi bằng cái tên giản dị - Phật Bà.
Khởi nguyên Quan Âm hay Quan Thế Âm (Avalokitesvara), một trong hai Bồ tát phụ tá Phật A Di Đà mang dạng Nam. Rồi được nữ hoá trên đất Trung Hoa, nhất là từ thời Tống. Và không hẳn như một số nhà nghiên cứu Việt Nam khẳng định nguyên nhân nữ hoá là do khi nhập vào Việt Nam của cư dân nông nghiệp lúa nước, luôn đề cao bà Mẹ Đất và bà Mẹ Nước ... nên vị Bồ tát này đã được Việt Nam hoá để trở thành Phật bà Quan Âm (Nguyễn Minh Hoàng 1996: 58). Cũng không cần bàn nhiều về quá trình chuyển hoá này, chỉ cần lưu ý rằng do tính chất và vai trò của mình, Phật Bà quan Âm đã đáp ứng trọn vẹn những ước muốn, tâm tư của người Việt và đã được dung hoá nhiều lần với những nữ thần dân gian - những Bà, những Mẹ, những Mẫu, để rồi trong tâm thức dân gian chỉ còn đọng lại hình tượng Bà Quan Âm. Bà át cả Ông, đến nỗi người ta quên cả sự tồn tại của Quan Âm nam tính trong Phật điện Việt Nam. (Nguyễn Duy Hinh 1996: 213-214).
Khu di tích Hương Sơn gắn liền với sự tích Bà Chúa Ba - Phật Bà Quan Âm - hay Đức Nam Hải Quán thế âm mà bản Diễn ca gắn với vị Phật này được giải mã như một sự tổng hợp cả tín ngưỡng Tam giáo với truyền thống dân tộc mà nổi bật lên là thế ứng xử Hiếu - Nhân của con người. (Nguyễn Minh Hoàng 1996: 60).
Hương Sơn là cả một tổng thể - hay phức thể tôn giáo - văn hoá Việt nam cổ truyền. Ở toàn thể khu vực này, đặc biệt là ở khu vực Tuyết Sơn còn nhiều đền thờ Mãu Đệ nhị - Thượng ngàn (Bà Chúa Rừng xanh và Thế giới người đã khuất). Một số nhà nghiên cứu đã nhận định khá hợp lý rằng Bà Chúa Ba khu Hương Sơn là một hoá thân theo Phật đạo của Mẫu Thượng Ngàn. Một ví dụ tuyệt vời về sự dung hoá nhuần nhuyễn giữa cái nội sinh và cái ngoại sinh.
Và cũng không phải chỉ là một Phật Bà Việt như Bà Chúa Ba này, có thể kể một số trường hợp khác như Bà Trắng Chùa Dâu, các Thánh Mẫu... rồi cả Ỷ Lan Thái Phi được đồng nhất với Phật Quan Âm.
Biểu tượng 5: Bà Chúa Kho
Những thần nữ trong tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc đa dạng và ở mỗi khu vực khác nhau lại có những biến thái khác nhau. Trường hợp Bà Chúa Kho cũng nằm trong thông lệ đó. Ở châu thổ Bắc Bộ có hai nơi thờ tự Bà: Giảng Võ, Hà Nội và Cổ Mễ, Bắc Ninh. Huyền thoại về hai Bà mang những nét chung và riêng với huyền thoại về các nữ thần của người Việt.
Huyền thoại kể lại rằng cả hai Bà sinh thời đều làm nghề giữ kho, đều hoàn thành công việc xuất sắc, xứng đáng được lưu danh sử sách, đáng được muôn đời ghi nhớ. Huyền tích cũng nhấn mạnh vai trò nội tướng của các Bà Mẹ Việt trong cả sự nghiệp dựng/khai phá và giữ nước.
Dù rằng tín ngưỡng Bà Chúa Kho ở cả hai nơi đã được hội nhập với những tín ngưỡng dân gian khác... đặc biệt là tín ngưỡng Tam Toà - Tứ Phủ... song không vì thế mà vai trò của các Bà bị lu mờ. Ngược lại sự phối tự này (rất Việt) đã làm nổi bật vị trí trung tâm của bà Chúa Kho trong hệ thống thần linh Việt đầy tính nữ.
Biểu tượng 6: Mẫu Liễu Hạnh - Thiên Y A Na - Bà Chúa Xứ - Bà Đen...
Đạo thờ Mẫu

Theo Ngô Đức Thịnh tục thờ Mẫu “... hình thành và định hình đầu tiên ở Bắc Bộ, sau đó theo chân cư dân Việt vào Nam, hoà nhập với thần linh địa phương mang tính độc đáo, địa phương ở Huế, ở Nam Bộ...” (Ngô Đức Thịnh 1992: 17).
Khởi nguyên là tín ngưỡng thờ Mẹ: Mẹ Xứ sở, Mẹ Đất, Mẹ Nước... rồi theo dòng lịch sử qua sự hội nhập với các tín ngưỡng, tôn giáo và hệ tư tưởng khác mà đã hình thành Đạo thờ Mãu độc đáo với Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Tục thờ mẹ hiện diện ở nhiều dân tộc, mỗi một nơi lại có một bà Mẫu khởi nguyên, xem đó là tổ tiên của mình. Mẫu Âu Cơ của người Việt, Mẫu Thiên Y A Na của người Chăm... Và trong quá trình phát triển các tín đồ Mẫu lại tiếp nhận và tôn thờ thêm những hình tượng khác và Điện thờ Mẫu không phải chỉ có một vị Mẫu mà gồm nhiều vị. Diện mạo Mẫu khá đa dạng cả về nguồn gốc lẫn thành tích và công trạng, cũng như sự “hiển linh”. Hệ thống thần điện gồm nhiều nhiên thần và nhân thần trong đó có khá nhiều các nhân vật lịch sử - văn hoá không chỉ của tộc người Việt. Quá trình hội nhập và dung háo giữa các Mẫu Việt đặc biệt là Thánh Mẫu Liễu Hạnh với các thần nữ - các Bà Mẹ Xứ sở của một số tộc người khác trong diễn trình lịch sử đã tạo ra nhiều hiện tượng độc đáo.
Hình tượng Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện vào thế kỷ 16 được nhiều nhà nghiên cứu gắn với sự quay trở về Nguyên lý Mẹ của văn hoá Việt cổ truyền. là sự phản kháng của dân gian chống lại tư tưởng độc tôn Nho giáo, trọng nam khinh nữ. Mẫu Liễu Hạnh còn là một trong những vị thánh “Tứ Bất Tử” Việt. Có thể còn có những nguyên nhân khác để giải thích sự phổ biến sâu rộng của vị nữ thần này như sự xuất hiện của Thiên Chúa giáo, của Nội Đạo và sự phát triển của thương mại đường biển... Dù lý do nào đi nữa chúng ta phải ghi nhận khuynh hướng thời đại lúc bấy giờ là tôn sùng nữ thần.
Trên Điện thần Mẫu, Mẫu Liễu Hạnh được đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên - Tiên Thiên Thánh Mẫu - lực lượng sáng tạo ra trời và đặt ra cách vận hành của bầu trời. Huyền tích về Bà chứa đựng những yếu tố phàm mà thiêng, bình thường mà phi thường. Bà là biểu tượng cho sức giải phóng, ý thức tự do và lòng nhân đạo của phụ nữ.
Hinh tượng Thiên Y Ana Ngọc Diễn Phi
Thiên Y Ana (YANGSPIRO NEGARA) tức Bà Mẹ Xứ sở (tiếng Việt) là vị nữ thần nổi tiến của người Chăm. Nơi thờ chính là Tháp Bà - Nha Trang, Khánh Hoà (3). Tại miền Trung, còn nhiều đền thờ Bà mẹ Xứ sở và thường được người Viẹt gọi tắt là đền bà “Yang” - Giàng như kiểu lùm Bà Dàng, đồi Bà Giàng, xứ Bà Yang...
Sự đồng cảm giữa hai tộc Việt - Chăm có cùng một cơ sở tín ngưỡng nông nghiệp thờ Mẹ đã là nguyên nhân chính của sự xuất hiện những Mẫu hai hoà Một - kết quả của sự dung hợp cả hai nền văn hoá. Có thể kể tới vị thần Nữ Tối Thượng ở Điện Hòn Chén rồi chùa Thiên Mụ - Huế, rồi tiếp theo hàng loạt là những Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi được thờ suốt dọc miền Trung. Uy thế của vị Nữ thần này thật sự sâu rộng và bên cạnh những cụm di tích thờ cúng có qui mô lớn như Điện Hòn Chén - Huế, Tháp Bà - Nha Trang hay những đền thờ riêng lẻ thì vị thần này được phối thờ rất nhiều, rồi lại được triều đình phong kiến sắc phong làm thần Thành hoàng của nhiều làng ở Miền Trung Việt Nam. Tư liệu điền dã của chúng tôi tháng 2 năm 2002 cho thấy trong bộ sắc phong gồm 34 đạo sắc đình Nam Thọ - Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có niên đại từ Minh Mạng đến Bảo Đại thì đã có tới 5 đạo sắc của Bà Chúa Ngọc. 5/25 đạo sắc từ Minh Mạng đến Khải Định của đình Tuý Loan, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng là của Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi . Tục thờ nữ thần in đậm đến mức từ tượng thần nam (Kubera - Chăm) được biến thành tượng Nữ thần - Phật Bà như ở Hội An mà chúng tôi đã phát hiện trong đợt điền dã tháng 8 năm 1989.
Ngay cả ở miền Bắc cũng lưu giữ vết tích Thiên Y A Na và những Nữ thần khác của dòng văn hoá Chăm chảy ngược được hội nhập vào văn hoá Việt dù không hoàn toàn tự nguyện, và tất nhiên cũng đã được Việt hoá theo cả hai cách Chính thông và Dân gian. Đó là trường hợp thần hậu thổ (thời Lý) ở Thăng Long với những danh hiệu phong tặng “Hậu thổ Địa kỳ Nguyên quân” năm 1258; “Nguyên Trung” năm 1288; “Ứng Thiên Hoá Dục” năm 1313. Huyền tích và tên gọi gợi nhắc nguồn gốc và tính chất Chăm của thần (Tạ Chí Đại Trường 1989: 114-115). Trường hợp nữa là vị thần được thờ ở Châu Lâm tự (tên nôm là chùa Bà Đanh-Bà Banh) cũng ở Thăng Long - thời Lê. Đây là nữ thần Po Yan Dari của người Chăm được Việt hoá. Nói như vậy để thấy một điều nữ thần ngoại tộc do đáp ứng được những yêu cầu sâu thẳm của đời sống tâm linh dễ được hội nhập và phổ biến rộng rãi hơn.
Hình tượng Bà Chúa Xứ, Bà Đen...
Bà Chúa Xứ có nguồn gốc ở Châu Đốc, điện thờ chính ở núi Sam (Châu Đốc - An Giang) có cùng gốc với Chúa Ngọc, Chúa Tiên, là biến thiên của Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi song đã được Nam Bộ hoá. Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen), điện thờ chính ở núi Bà Đen (Tây Ninh) lại là kết quả của sự hội nhập các yếu tố Khmer - Hoa - Phât... Những vị thần này cùng với hàng loạt các vị nữ thần địa phương khác có mặt thường nhật trong đời sống gia đình và xã hội của các cộng đồng cư dân Nam Bộ. Tín ngưỡng thờ Nữ thần in đậm dấu ấn trong tục thờ cúng ở gia đình, ở lễ hội, ở đình, chùa miếu...

Kết luận
Chỉ qua một vài biểu tượng chọn lựa ngẫu nhiên đã thấy sự đa dạng, đa nghĩa của các biểu tượng nữ thần. Bài viết do yêu cầu của đề tài cũng không đíi sâu vào việc phân tích nguồn gốc, tính chất và các lớp văn hoá khác nhau của mỗi một biểu tượng. Có thể thấy rằng cơ tầng văn hoá sâu và lâu bền nhất của người Việt thiên về tính nữ. Tính nữ bền vững tới mức dù chịu áp lực rất lớn của những hệ tư tưởng và tôn giáo từ bên ngoài của các dòng phụ hệ Đông và Tây để rồi lớp vỏ phải thay hình đổi dạng, thì vẫn bao bên ngoài của cái “Lõi Việt”. Khi ảnh hưởng của Nho giáo gia tăng, vai trò của người phụ nữ thực suy giảm, ta lại thấy có xu hướng gia tăng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Theo thóng kê có tới 75 nữ thần chính. Trong Hội Chân Biên - một phái của đạo Nội, tuy tổ sư là một tiên ông (Chử Đồng Tử), nhưng tổng số nam thần chỉ là 13 so với 14 thần nữ. Nhiều đình làng Thành Hoàng là Nữ thần và như vậy có một nghịch lý giữa cái thực và cái thiêng, giữa phàm và ảo khi lui tới chốn đình chung trước đây chỉ là những người đàn ông!
Xã hội Việt, Văn hoá Việt đã trải qua bao thăng trầm, đã biết bao lần hội nhập, dung hoá với những luồng văn hoá, văn minh song vẫn lưu giữ cơ tầng bản địa với nguyên lý trọng Nữ (cả từ trong vô thức chứ không chỉ ý thức). Truyền thuyết về việc 50 người con theo Mẹ Âu Cơ ở lại vùng núi, lập Quốc, việc Trọng Thuỷ ở rể và Mỵ Châu coi giữ nỏ thần, hiện tượng Hai Bà Trưng, Bà Triệu... tín ngữơng thờ Nữ thần... đã chứng thực điều đó.
Cũng không rõ tại sao những nơi thờ nữ thần (bất kể có tên tuổi hay không) thường đông đúc và có xu thế ngày càng tấp nập. Có thể lấy ví dụ về Bà Chúa Kho, Bắc Ninh. Mẫu Liễu- Phủ Tây Hồ, hà Nội hay Bia Bà, hà Đông hiện nay...

Chú thích
1/ Mỵ Châu - theo nhiều nhà nghiên cứu không hẳn là tên riêng mà là tên chung của các bà chúa - mệ nàng theo kiểu Mị - Mê - Mệ, trong những tên gọi như Me - Ku nữ hoàng Lava, Mị Châu, Mị Nương... (Tạ đức 1999: 338).
2/ Thời Sĩ Nhiếp (Tây Hán) làm thái thú Giao Châu (178-226), nhà sư ấn Độ A-Đà-La (Khâu Đà La) tới trị sở của Sĩ Nhiếp ở Luy Lâu, được một người mộ đạo mời về nhà mình ở. Cô con gái (Man Nương-tên chỉ người đàn bà bản xứ) mang thai (không theo kiểu thông thường - mà là sự thai sinh gián tiếp trong không khí thần bí - kiểu thiêng hoá yếu tố phàm, ảo hoá yếu tố thực), sinh con gái, bế đi tìm trả Khâu Đà la. Sư niệm chú cho một cây lớn tách đôi ra, đặt đứa bé vào giữa hai mảnh cây khép lại. Bão giật đổ cây, nước lũ cuốn đến thành Luy Lâu. Sĩ Nhiếp cho kéo cây lên bờ, nhưng không được. Man Nương đến đẩy nhẹ, cây tự lăn lên bờ. Sĩ Nhiếp sai lấy gỗ tạc bốn pho tượng Tứ Pháp - tượng Nữ thần. Gặp năm hạn hán, ông cho bày 4 pho tượng ra làm lễ cầu đảo. Lễ xong, mưa to gió lớn, sấm chớp. Các tượng được đưa vào chùa dâu, chùa Đậu, chùa phi Tướng, chùa Trí Quả. đứa bé trong thân cây hoá đá (Thạch Quang Phật) đặt trước tượng Pháp Vân.
3/ Nữ thần Nagar (Thiên Y A Na) giáng sinh nhập vào cây gỗ trầm hương trôi trên biển. Gặp và kết hôn với một người, sinh hai con. Sau về với người Chăm và lên ngôi gọi là Po Nagar (Bà Chúa Xứ sở). Đền thờ ở tháp Bà Nha Trang.

Tài liệu sử dụng
1/ Tạ Đức 1999. Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn. Hội dân tộc học Việt Nam. Hà nội.
2/ Trần quốc Vượng 1996. nguyên lý Mẹ của nền văn hoá Việt Nam. Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật. Số 150. Hà Nội.
3/ Nguyễn Duy Hinh 19996. về hai đặc điểm Phật giáo Việt Nam. Trong Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay. NXBKHXH. Hà nội.
4/ Tạ Chí Đại Trường 1989. Thần, Người và Đất Việt. Văn Nghệ. California.
5/ Nguyễn Minh Hoàng 1996. Tư tưởng Phật giáo Việt Nam qua truyện Bà Chúa Ba - Phật Bà Quan Âm. Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật.Số 144. Hà Nội.
6/ Ngô Đức Thịnh 1992. Tục thờ Mẫu Liễu Hạnh - một sinh hoạt tín ngưỡng - văn hó acộng đồng. Tạp chí Văn hoá. Số 5. Hà Nội.

Lâm Thị Mỹ Dung

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

Van hoa Sa Huynh


VĂN HÓA SA HUỲNH TỪ NHỮNG PHÁT HIỆN VÀ NGHIÊN CỨU MỚI

1. Nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh: Thành tựu và Cách thức tiếp cận
1.1. Khởi đầu nghiên cứu (1909 – 1960).
Trong giai đoạn này việc phát hiện nghiên cứu, xác định và định danh nền văn hóa Sa Huỳnh thuộc về những học giả Pháp. Nhiều cuộc khai quật đã được tiến hành ở tỉnh Quảng Ngãi, Phan Thiết (muộn hơn một chút là những khai quật mộ chum ở khu vực Đông Nam Bộ). Mặc dù còn có không ít ý kiến phê phán phương pháp khai quật của các học giả Pháp cũng như quan điểm truyền bá luận của họ trong diễn giải di tích, di vật, nhưng tư liệu khai quật các địa điểm này đã làm sáng tỏ đáng kể một số khía cạnh của văn hóa Sa Huỳnh như niên đại, táng thức, loại hình hiện vật...
Bên cạnh nghiên cứu điền dã, văn hóa Sa Huỳnh bước đầu đã được nghiên cứu trong bối cảnh Đông Nam Á. Tiếp cận liên văn hóa đã được W. Soilhem áp dụng trong những nghiên cứu của mình về đồ gốm, khái niệm “truyền thống gốm Sa Huỳnh- Kalanay” sau đổi thành “phức hệ gốm Sa Huỳnh- Kalanay” mà ông đưa ra tuy gặp nhiều ý kiến trái chiều song không phải là không có cơ sở. Những tư liệu mới đây ở Hòa Diêm (Khánh Hòa), Giồng Nổi (Bến Tre), Giồng Lớn (Bà Rịa – Vũng Tàu)… đã củng cố quan điểm về hai truyền thống gốm và mối quan hệ giữa hai truyền thống này ở Đông Nam Á thời tiền sử.
1.2. Chặng đường từ 1975 đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20
 Lập bản đồ phân bố của văn hóa Sa Huỳnh - Không gian phân bố của văn hóa Sa Huỳnh được mở rộng theo cả hai chiều Bắc – Nam và Tây – Đông
 Xác định nguồn gốc của văn hóa Sa Huỳnh (theo diễn tiến Tiền Sa Huỳnh – Sa Huỳnh). Văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt được xác định qua những chứng cứ xác thực có nguồn gốc nội sinh từ hợp nguồn của các dòng chảy văn hóa sớm hơn cuối đá mới đầu kim khí được gọi chung dưới cái tên Tiền Sa Huỳnh. Mặt khác vai trò của các yếu tố ngoại sinh cũng đã được đánh giá đúng mức trong một só nghiên cứu về nguòn gốc của văn hoá này.
 Phân loại hình văn hóa Sa Huỳnh theo không gian và thời gian, trong giai đoạn nghiên cứu này khái niệm văn hoá Sa Huỳnh bao hàm cả thời kỳ Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh (xem quan điểm của Vũ Công Quý và một số nhà nghiên cứu khác) (Vũ Công Quý 1989).
 Bước đầu đặt văn hóa Sa Huỳnh trong bối cảnh Việt Nam và Đông Nam Á.
 Xem xét lại nhiều quan điểm khoa học do các học giả người Pháp đưa ra về chủ nhân, nguồn gốc và niên đại của VHSH. Sử dụng các phương pháp nghiên cứu duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong nghiên cứu. Đặc biệt quá trình diễn tiến của văn hoá Sa Huỳnh đã được đặt trong phổ hệ chung của diễn tiến văn hóa khảo cổ Việt Nam theo mô hình tiến hóa liên tục của các thời đại khảo cổ từ đá cũ đến các giai đoạn lịch sử. Long Thạnh - Bình Châu - Sa Huỳnh (Trung bộ) song hành với Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn (Bắc bộ) và Cầu Sắt - Bến Đò - Dốc Chùa (Nam bộ).
1.3. Giai đoạn từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến thập niên đầu thế kỷ 21
 Kế thừa,phát huy và nhìn nhận lại những kết quả nghiên cứu của những giai đoạn trước
 Xóa nhiều vùng trắng trên bản đồ phân bố của văn hóa Sa Huỳnh - Xác định những trung tâm phát triển của văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt ở một số lưu vực sông (bản đồ 1,2,3) liên quan đến những hình thức tổ chức xã hội phân tầng dạng lãnh địa và nhà nước sơ khai.
 Hình thành một số quan điểm mới về phân loại hình văn hóa Sa Huỳnh dựa trên tiếp cận sinh thái nhân văn và so sánh văn hóa.
 Tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các đại học và viện nghiên cứu trong nước cũng như hợp tác quốc tế trong nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh
 Khai quật lớn nhiều di tích văn hóa Sa Huỳnh như Cồn Dàng (TT-Huế); Gò Mả Vôi, Lai Nghi (Quảng Nam); Gò Quê (Quảng Ngãi); Động Cườm (Bình Định); Hòa Diêm (Khánh Hòa)…
 Giải quyết một cách khá toàn diện và hệ thống một số vấn đề của văn hóa Sa Huỳnh như nguồn gốc, niên đại, giai đoạn, mối quan hệ đồng đại, lịch đại, lối sống và vị trí của văn hóa Sa Huỳnh trong khu vực.
 Tiếp cận những vấn đề kinh tế-xã hội-tinh thần của văn hóa Sa Huỳnh từ quan điểm gần gũi với khảo cổ học Mới như tiếp cận khảo cổ học kỹ thuật, khảo cổ học mọ tang, khảo cổ học xã hội… .
2. Văn hóa Sa Huỳnh - Nhận thức qua những phát hiện và nghiên cứu mới
2.1. Văn hóa Sa Huỳnh trong chiều kích không gian và thời gian
Bản đồ khảo cổ học tiền sơ sử miền Trung cho thấy các di tich của văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở hầu khắp các dạng địa hình ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, từ vùng đồi gò, cồn cát ven sông, ven biển đến các đảo ven bờ (bản đồ 4, bảng 1). Mỗi loại môi trường sinh thái đều có những nét riêng góp phần hình thành các dạng địa phưong của văn hoá Sa Huỳnh. Tuy vậy, giống như văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc, tính thống nhất trong văn hoá Sa Huỳnh được thể hiện rất rõ trong cấu tạo di tích, táng thức và bộ di vật.
2.1.1. Chiều kích thời gian của văn hóa Sa Huỳnh
Hiện nay có nhiều quan niệm về diễn biến của văn hóa Sa Huỳnh theo thời gian và không gian. Dựa vào tiêu chi loại hình chum gốm quan tài, loại hình đồ tuỳ táng, táng thức và kết quả phân tích niên đại tuyệt đối C14, AMS mới nhất (bảng 2), chúng tôi phân chia các nhóm di tích theo thời gian từ sớm đến muộn (với lưu ý một địa điểm có thể kéo dài từ giai đoạn sớm sang giai đoạn muộn):
i. Nhóm sớm nhất bao gồm những địa điểm mộ chum với chum quan tài đa dạng về hình thức (hình cầu, hình trứng với nhiều biến thể), táng thức xen kẽ giữa mộ chum và mộ đất, táng tục hỏa táng và cải táng. Đồ gốm tuỳ táng phong phú, đa dạng về loại hình và trang trí cầu kỳ. Điểm nổi bật của những địa điểm này là sự có mặt của nhiều đồ tuỳ táng bằng đồng (công cụ và vũ khí) mang dáng dấp của đồ đồng trong văn hoá Đông Sơn. Tiếp xúc với văn hoá Đông Sơn là xu thế chính trong văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn sớm. Những địa điểm điển hình: Gò Mả Vôi, Gò Quê, Bình Châu II, Bình Yên I, Bàu Trám- Trảng Đổng Du... Ở khu vực từ Khánh Hòa tới Ninh, Bình Thuận những địa điểm văn hóa Sa Huỳnh như Hòn Đỏ, Truông Xe... có mối quan hệ gần gũi với các di tích đồng đại ở Đông Nam Bộ.
ii. Nhóm muộn hơn, gồm những địa điểm mộ chum giai đoạn phát triển của văn hoá Sa Huỳnh với loại quan tài gốm chủ đạo là chum hình trụ có kích thước lớn. Đồ tuỳ táng có công cụ sắt, trang sức bằng thuỷ tinh, mã não. Loại hình mộ đất vẫn được thực hành bên cạnh mộ chum. Trong nhiều địa điểm đã xuất hiện đồ đồng (gương, lục lạc, đồ đựng, đồ dùng) có nguồn gốc từ Trung Hoa (Hán). Bắt đầu xuất hiện một số loại hình và trang trí gốm và kim loại xem ra chịu ảnh hưởng của Hán như dao sắt có chuôi hình vành khăn kiểu Tây Hán, qua đồng, qua sắt, bát có chân trổ lỗ tam giác kiểu « đậu » ở Động Cườm... Địa điểm tiêu biểu cho giai đoạn này là An Bang, Hậu Xá, Bình Yên, Gò Dừa, Lai Nghi, Tiên Lãnh, Đại Lãnh, Động Cườm...
iii. Nhóm muộn nhất, giai đoạn kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh và kéo dài tới những thế kỷ sau công nguyên. Chum mai táng nhiều loại, không chỉ hình trụ mà khá nhiều chum hình cầu (dạng mộ nồi). Đồ tuỳ táng bằng sắt và bằng đồng, đồ trang sức bằng mã não, thủ tinh, bằng vàng, trong bộ đồ tuỳ táng này vẫn tiếp tục phản ánh quan hệ giao lưu văn hoá mạnh mẽ vói bên ngoài như Trung Hoa và Ấn Độ. Mộ chum/nồi song hành cùng mộ đất và có những khu mộ như vậy ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà có niên đại kéo dài đến thế kỷ 2, 3 sau Công nguyên như Rừng Long Thủy (Phú Yên), Hoà Diêm (Khánh Hoà) và Suối Chình, Xóm Ốc (Quảng Ngãi). Thuộc vào nhóm cực muộn này cũng có thể tính cả nhóm hiện vật sưu tập Hậu Xá II năm 1998, tại đây có loại chum trang trí văn in ô vuông kiểu Hán, trang sức hình dấu phẩy, mộ chum trang trí văn in kỷ hà Xóm Ốc, mộ đất với bộ đồ đồng Đông Hán ở Lai Nghi, bát có bốn chân ở Lai Nghi (ảnh 1).
2.2.2. Chiều kích không gian của văn hóa Sa Huỳnh
Tư liệu điền dã cho thấy truyền thống dùng quan tài gốm - chum/nồi kéo dài hơn ở khu vực Nam Trung Bộ so với Bắc và Trung Trung Bộ. Nhóm mộ Xóm Ốc, Suối Chình, Rừng Long Thuỷ và Hoà Diêm có thể được xem là một dạng văn hoá Sa Huỳnh mang tính khu vực?
Đáng chú ý là hiện tượng cài răng lược của các kiểu quan tài gốm khác nhau trên cùng một địa bàn. Mộ chum Sa Huỳnh kiểu chum hình trụ, nắp hình nón cụt song hành cùng chum hình cầu, mộ đất. Quảng Ngãi có Sa Huỳnh bên cạnh Xóm Ốc, Suối Chình, Khánh Hoà có Hoà Diêm bên cạnh Diên Khánh, Mỹ Ca...
Từ góc độ thời gian loại mộ chum hình cầu xen lẫn mộ đất hung táng, hỏa táng và cải táng kiểu Hoà Diêm, Suối Chình... có niên đại kéo dài hơn loại hình trụ với nắp hình nón cụt.
Theo Chử Văn Tần và sau đó là Vũ Quốc Hiền trong diễn biến văn hoá từ Tiền Sa Huỳnh đến Sa Huỳnh có thể nhận thấy ít nhất hai truyền thống Long Thạnh - Sa HuỳnhBình Châu - Bàu Trám - Sa Huỳnh.
Dư­ới ánh sáng của khối tư­ liệu hiện nay, chúng tôi cho rằng có thể xác định hai truyền thống này một cách cụ thể như­ sau (xem thêm Lâm Thị Mỹ Dung 2008, Hoàng Thúy Quỳnh 2008):
i. Truyền thống Long Thạnh - Sa Huỳnh (Truyền thống I). Chum quan tài hình trứng, trụ, cầu lớn, sắt nhiều, đồng hiếm… khởi đầu vào cuối thiên niên kỷ I TCN và kết thúc cơ bản vào cuối thế kỷ 1 TCN (bản vẽ 1)
ii. Truyền thống Bàu Trám/Bình Châu/ Hoà Vinh II/ GMV -_Hoà Diêm/Suối Chình…(Truyền thống II). Chum quan tài hình cầu biến thể, mộ đất nhiều, nhiều hiện vật đồng hơn ở những địa điểm sớm (bản vẽ 2). Táng thức mộ chum tồn tại đến thế kỷ 2,3 SCN. Trong truyền thống này còn có sự tham gia rất mạnh mẽ của các yếu tố từ văn hoá Xóm Cồn.
Về loại hình chum quan tài, tư­ liệu cho tới nay cho thấy, chum hình trụ xuất hiện muộn và chấm dứt sự tồn tại của mình vào cuối thế kỷ 1 TCN đầu thế kỷ 1 SCN, chum hình cầu xuất hiện sớm hơn và kéo dài đến những thế kỷ sau Cụng nguyên
2.2.3. Văn hoá Sa Huỳnh trong chiều kích không gian và thời gian.
Có hai địa bàn chính của văn hoá Sa Huỳnh đư­ợc các nhà nghiên cứu khái quát là Bắc Sa Huỳnh và Nam Sa Huỳnh, ngoài ra còn có những không gian giáp ranh (vùng biên) giữa văn hoá Sa với các văn hoá đồng đại khác.
i. Ở vùng Bắc Sa Huỳnh (từ Huế đến Bình Định). Đây là địa bàn phân bố chính của truyền thống I, như­ng vẫn có truyền thống II theo thế cài răng lược.
ii. Ở vùng Nam Sa Huỳnh (từ Phú Yên đến Đồng Nai), chuỗi diễn tiến từ Xóm Cồn --- Xóm Cồn giai đoạn muộn Bích Đầm, Bình Đa, Bình Hưng, Hoà Vinh I đến Hoà Diêm/Hoà Vinh II… Tại địa bàn này có cả truyền thống I như­ Diên Khánh, Mỹ Ca, như­ng chủ yếu lại là truyền thống II, nơi mà chum hình cầu áp đảo và mộ đất khá nhiều, đồ sắt ít hơn so với những địa điểm của truyền thống I. Những địa điểm tiêu biểu là Hoà Diêm/Hoà Vinh II, Rừng Long Thuỷ, Cồn Đình, Phú Hòa (Phú Yên)… Trang trí gốm kế thừa một phần của văn hoá Xóm Cồn, đặc biệt là giai đoạn muộn của văn hoá này (hoa văn in chấm với các đồ án độc lập, thừng, tô/vẽ màu…), công cụ bằng vỏ nhuyễn thể tồn tại dai dẳng. Mộ chum kéo dài tới những thế kỷ sau Công nguyên, nhiều loại hình gốm mới, trang trí lối in chấm áp đảo, trang trí trổ lỗ và cắt hình hạt đậu, hỡnh thoi khá phổ biến... Đặc biệt ở giai đoạn muộn của Hoà Diêm đã xuất hiện chất liệu gốm tinh mịn màu trắng vàng, trắng xám, chất liệu điển hình của gốm thời lịch sử sớm…
Giữa hai truyền thống này có sự khác nhau khá rõ rệt về loại hình và trang trí gốm, nh­ng lại khá thống nhất về đồ sắt, đồ đồng, đồ trang sức đá, thuỷ tinh và kim loại… Dư­ới ánh sáng của khối tư­ liệu hiện nay, có thể phân định truyền thống I phân bố chủ yếu ở địa bàn Bắc Sa Huỳnh và truyền thống II chủ yếu ở Nam Sa Huỳnh, song trong mỗi địa bàn không gian bên cạnh truyền thống chính vẫn có những di tích của truyền thống khác. Thống nhất trong một số khía cạnh văn hoá vật chất và tinh thần chủ đạo, mỗi địa điểm bao giờ cũng có một vài sắc thái riêng.
2.2. Đời sống vật chất - tinh thần của các cộng đồng dân cư thời sơ sử - văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt
2.2.1. Thành tựu kinh tế - xã hội
i. Mở rộng không gian sinh tồn - Những di tích văn hoá Sa Huỳnh được phát hiện ở hầu hết mọi địa bàn từ vùng rừng núi đến các đảo ven bờ. Tuy mật độ phân bố các di tích không đồng đều (một phần do tình trạng nghiên cứu chưa hệ thống, một phần do tính chất không thuận tiện cho sinh sống của một số loại địa hình) phản ánh mật độ dân số khác nhau song tại các lưu vực sông lớn số lượng di tích đã phát hiện ngày càng tăng mạnh trong những năm gần đấy cho thấy tại những nơi này đã hình thành những không gian sống lớn tương đương với lãnh địa quy mô lớn hay liên minh giữa các lãnh địa theo mô hình hình cây hay mô hình những vòng tròn liên kết phổ biến ở Đông Nam Á cùng thời..
Quy mô và phạm vi của những cộng đồng dân cư mở rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn Tiền Sa Huỳnh cho thấy sự tăng nhanh và mở rộng mức độ khai thác các nguồn lực tự nhiên và xã hội do sự gia tăng của đồ sắt dẫn đến sự tích luỹ của cải vật chất đẩy mạnh tính phức hợp xã hội. Quy mô những khu mộ địa và sự phân tầng của các mức mộ theo đồ tuỳ táng gia tăng theo thời gian từ sớm đến muộn.
ii. Đa dạng và linh hoạt trong phương thức mưu sinh tận dụng tối đa ưu thế địa hình và môi trường sinh thái.
Các cộng đồng dân cư văn hoá Sa Huỳnh có nền kinh tế đa dạng trong đó nông nghiệp trồng lúa có thể đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của xã hội. Tuy chứng cứ về nghề trồng lúa nước mới tìm được rất ít trong các di tích và chủ yếu là những thông báo về vỏ trấu trong đồ gốm hay gạo cháy trong chum mộ (Lai Nghi, Tiên Phước, Gò Miếu Ông…) nhưng dựa vào loại hình nông cụ bằng sắt, bằng đồng (Theo thống kê loại hình đồ sắt ở một số địa điểm văn hoá Sa Huỳnh có thể thấy rằng công cụ sản xuất chiếm số lượng rất lớn so với vũ khí 306 công cụ sản xuất/ 56 vũ khí) và việc chiếm cư đông đúc (các khu mộ táng và cư trú phân bố dày đặc ở các lưu vực sông lớn, nhỏ) các đồng bằng - lưu vực sông khá màu mỡ mà nhiều người nghiên cứu đã đánh giá cư dân văn hoá Sa Huỳnh có nền kinh tế phát triển mà phần nào đó dựa trên nông nghiệp. Quan điểm của chúng tôi về vị trí và vai trò của sản xuất lương thực trong văn hoá Sa Huỳnh là chí ít việc tự làm ra lương thức của người Sa Huỳnh đã đủ để đảm bảo thoả mãn nhu cầu nội bộ. Việc đảm bảo “an ninh lương thực” này lại là điều kiện quyết định cho sự phát triển của các cộng đồng cư dân và là nền tảng cơ sở cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác, phi nông nghiệp tạo ra cơ sở vật chất giàu có và dư thừa, mà phần nào được phản ánh qua đồ chôn theo và đồ sử dụng trong mai táng. Như vậy, nông nghiệp không phải là ngành kinh tế đóng vai trò quyết định nhưng lại là diều kiện cần và đủ để tạo nên sự giàu có được phản ánh qua các di tích và di vật và sản lượng lúa chỉ đủ để đảm bảo an ninh lương thực cho cư dân địa phương.
Như vậy, văn hoá Sa Huỳnh là sản phẩm của những cư dân sống định cư trên đất liền với xu hướng hướng biển mạnh mẽ. Hệ sinh thái chủ đạo tạo nên nhiều đăc trưng văn hoá là hệ sinh thái cồn, bàu. Nền kinh tế đa ngành kết hợp giữa trồng lúa nước ở các đồng bằng nhỏ duyên hải, trồng lúa kiểu nương rẫy ở vùng đồi gò. Cư dân văn hoá này sớm biết khai thác những nguồn lợi của biển, của rừng, biết phát triển các nghề thủ công, từng bước họ đã mở rộng quan hệ trao đổi buôn bán với các cư dân trong khu vực Đông Nam Á lục địa, hải đảo và rộng hơn với Ấn Độ và Trung Hoa.
ii. Các ngành nghề thủ công rất phát triển một số ngành có quy mô sản xuất lớn và chuyên hoá ở mức độ nhất định như sản xuất đồ gốm , luyện kim sắt, chế tạo đồ trang sức bằng thủy tinh....
Nghề làm gốm của cư dân Sa Huỳnh chỉ có thể biết qua những di vật còn lại. Không có bất cứ chứng cứ nào về nơi khai thác nguyên liệu, lò nung, dụng cụ làm gốm... Đồ gốm văn hoá Sa Huỳnh đa phần được tìm thấy trong các khu mộ, do vậy loại hình, chất liệu, trang trí và cả kỹ thuật chế tác gốm liên quan chặt chẽ tới sự biến đổi theo nhu cầu sử dụng trong táng thức. Gốm ở các địa điểm cư trú không khác biệt so với gốm mộ song đơn điệu hơn rất nhiều về loại hình. Giữa hai loại hình theo khu vực Bắc và Nam của văn hoá Sa Huỳnh bên cạnh những nét chung cũng có không ít những đặc trưng riêng về đồ gốm. (Hoàng Thúy Quỳnh 2008, Lâm Thị Mỹ Dung 2008).
Trong giai đoạn này người ta đã làm được các chum mộ cao trên một mét, đường kích gần một mét. Đây là những đồ gốm lớn nhất trong các văn hóa tiền sơ sử Việt Nam. Song song với việc chế tác hàng loạt những nồi đơn giản hình cầu tròn là có dấu in văn thừng mịn còn có những hoa văn tuyệt tác trang trí trên bình, bát, mâm bồng. Những phương pháp chế tạo đơn giản cùng những dụng cụ thô sơ và cách nung cổ điển gần như không để lại dấu vết gì trong sưu tập di vật. Kỹ thuật tạo hình đơn giản các loại bình đất mà không dùng đến bàn xoay và lò nung gốm lộ thiên vẫn còn được các làng gốm miền Trung duy trì cho đến ngày nay.” (Reinecke A. và nnk 2002:169). Nhưng để chế tạo những chum gốm lớn đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và đời sống phát triển, cư trú ổn định. Những chum quan tài trong văn hóa Sa Huỳnh dù được phát hiện ở các địa điểm cách xa nhau hàng trăm kilômét nhưng giống nhau đến kinh ngạc từ kích cỡ, thủ pháp trang trí, xử lý bề mặt, chất liệu... Đây là những chứng cứ để cho rằng chế tạo gốm đã trở thành một nghề thủ công mang tính chuyên môn hoá cao để tạo ra được số lượng lớn đồ gốm mà trong đó nhiều loại hình có sự đồng nhất cao giữa các địa điểm về hình dáng cũng như hoa văn..
Trong văn hoá Sa Huỳnh, đồ sắt chiếm một vị trí rất quan trọng. Theo thống kê loại hình đồ sắt ở một số địa điểm văn hoá Sa Huỳnh (Lâm Thị Mỹ Dung 2008 minh hoạ bản vẽ, bản ảnh 35. Phụ lục thống kê bảng 3) có thể thấy rằng công cụ sản xuất chiếm số lượng rất lớn so với vũ khí (306 công cụ sản xuất/ 56 vũ khí).
Trong nhóm công cụ sản xuất loại hình dao và rìu tương đương nhau và chiếm số lượng nhiều nhất, rựa và thuổng cũng rất phổ biến, ngoài ra các loại công cụ khác như đục, cuốc, xẻng và xà beng… xuất hiện lẻ tẻ ở một vài địa điểm với số lượng ít.
Nhóm vũ khí gồm có rìu, giáo, kiếm, dao găm, lao, qua. Công cụ sản xuất của cư dân Sa Huỳnh rất đa dạng và phong phú với các loại: rìu, cuốc, xẻng, rựa (dao quắm), đục, dao, liềm, xà beng, thuổng, lưỡi câu….
Đồ sắt trong văn hóa Sa Huỳnh có số lượng rất phong phú và đa dạng, số lượng nhiều hơn hẳn đồ sắt ở Đông Sơn hay Dốc Chùa. Các loại hình công cụ được cư dân Sa Huỳnh chế tạo và sử dụng thích hợp với từng môi trường sống khác nhau. Công cụ sản xuất trong các địa điểm vùng núi thường có thuổng, rựa, xà beng,… đó là những công cụ rất phù hợp với nền kinh tế vùng núi như các địa điểm Đại Lãnh, Tiên Hà, Quế Lộc, Paxua (Tabhing), Gò Dừa, Bình Yên, B’rang. Vùng hải đảo như Suối Chình có loại hình công cụ thích hợp với nền kinh tế biển là lưỡi câu. Tất cả các địa điểm có sự hiện diện của loại hình rựa đều là những địa điểm Sa Huỳnh có niên đại muộn, điều này cũng phù hợp về mặt kỹ thuật chế tác loại hình này đòi hỏi trình độ cao hơn.
Trong các khu mộ táng Sa Huỳnh, đồ sắt thường được dùng làm đồ tùy táng, đó là các vật dụng được dùng trong đời sống hàng ngày được chôn theo, không có đồ minh khí. Qua các loại hình đồ sắt có thể nhận thấy có những loại hình hiện vật mang yếu tố ảnh hưởng hoặc trao đổi với bên ngoài như loại hình giáo búp đa thể hiện mối quan hệ với Đông Sơn, loại dao có chuôi hình vành khăn hay qua thể hiện mối quan hệ với Hán.
Góp phần tạo nên nền tảng cơ sở vật chất giàu có và bền vững của xã hội Sa Huỳnh lúc bấy giờ không chỉ là những ngành nghề kinh tế như trồng trọt, buôn bán mà cả nghề thủ công chế tác đồ kim loại (chủ yếu là đồ sắt). Chính sắt đã tạo ra những thay đổi có tính chất bước ngoặt trong kinh tế và từ đó dẫn đến những chuyển biến sâu sắc trong xã hội. Sắt đóng vai trò kết tinh và thúc đẩy sự gia tăng của tính phức hợp xã hội.
Đồ trang sức bằng thuỷ tinh được phát hiện ở hầu hết các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh từ sớm đến muộn. Nhiều bán thành phẩm, phế phẩm và đặc biệt là những vụn thuỷ tinh nguyên liệu hiện diện trong các sưu tập đồ tuỳ táng được xem là chứng cứ của việc chế tác thuỷ tinh tại chỗ của người Sa Huỳnh. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo đa số các nhà nghiên cứu, thuỷ tinh trong văn hoá Sa Huỳnh phần lớn được chế tác tại chỗ và cư dân văn hoá này có nghề thủ công chế tạo thuỷ tinh phát triển, một số sản phẩm thuỷ tinh Sa Huỳnh được buôn bán trao đổi đi những nơi khác trong khu vực Đông Nam Á. Sự thống nhất trong loại hình và mức độ tinh tế của kỹ thuật cho thấy đã có những người thợ chuyên chế tác mặt hàng thuỷ tinh và ở mức độ nào đó họ đã biết cập nhật trình độ sản xuất thuỷ tinh của khu vực. Tuy vậy, quy mô sản xuất chắc vẫn dừng ở hộ gia đình hay cá nhân. Ở miền Trung chưa phát hiện được chứng cứ vật chất về sự tồn tại của trung tâm chế tác đồ thuỷ tinh trang sức. Chứng cứ về chế tạo trang sức thuỷ tinh đáng tin cậy nhất cho tới nay là những phát hiện ở Giồng Cá Vồ, TP.Hồ Chí Minh. Những phân tích thuỷ tinh Giồng Cá Vồ do Glover và Salisbury tiến hành cho thấy cư dân ở đây (và có nhiều khả năng ở cả những nơi khác nữa ở miền Trung Việt Nam) bên cạnh sử dụng đồ thuỷ tinh bản địa thì họ vẫn nhập đồ trang sức thuỷ tinh nấu chảy lại của Ấn Độ (Francis P. 2004: 2).
ii. Mở rộng và phức tạp hoá mạng lưới trao đổi trong, ngoài Sự tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ của các cộng đồng cư dân kéo theo sự mở rộng và phức tạp hoá mạng lưới trao đổi trong, ngoài. Sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh tính phức hợp xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến sự có mặt của nhiều hàng hoá có nguồn gốc từ bên ngoài. Những ngôi mộ chứa hiện vật có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ, miền Bắc Việt Nam... phân bố ở nhiều khu vực ở cả địa bàn Bắc và Nam của văn hoá Sa Huỳnh. Tác động ngược lại của những vật mang tính biểu thị địa vị, thân phận này đó là chúng đã góp phần thúc đẩy phân tầng xã hội trong từng lãnh địa và đặc biệt là sự phân hoá giữa các lãnh địa. Hiện vật nhập khẩu và cùng với chúng là những ý tưởng văn hoá-kỹ thuật đã góp phần tạo ra một số chuyển biến cơ cấu giữa các ngành thủ công và trong mỗi ngành. Tất cả những điều này đã tạo ra những thay đổi trong khai thác tìm kiếm nguyên liệu, tổ chức sản xuất và cách thức phân phối sản phẩm (thiết yếu và xa xỉ) trong từng lãnh địa và giữa các lãnh địa.
Văn hóa Sa Huỳnh có mối quan hệ giao lưu mạnh mẽ với các văn hóa đồng đại trong khu vực. Trong giai đoạn cuối của nền văn hóa này (từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên) có sự tăng cường trong tiếp xúc và trao đổi với những vùng xa hơn như Trung Hoa, Ấn Độ, Địa Trung Hải... Những hiện vật khảo cổ học liên quan đến quan hệ tiếp xúc giữa miền Trung Việt Nam với thế giới bên ngoài như với Đông Nam Á Hải đảo, Trung Hoa, Ấn Độ, Địa Trung Hải ngày càng được phát lộ nhiều trong các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà...
Tiếp xúc, quan hệ, giao lưu và theo sau đó là quá trình tiếp biến giữa các văn hóa chịu tác động bởi nhiều điều kiện khác nhau. Như trên đã trình bày, có nhiều nguyên nhân từ môi trường sinh thái đến văn hóa, chính trị ảnh hưởng đến tính chất và mức độ của quá trình giao lưu và hội nhập các yếu tố ngoại sinh (Hán, Ấn, Đông Nam Á) vào văn hóa bản địa (Sa Huỳnh). Toàn bộ quá trình này được phản ánh một cách rõ nét qua di tích và di vật.
Có thể nói, tiếp xúc và trao đổi Sa Huỳnh - Hán, Sa Huỳnh-Ấn bắt đầu từ giai đoạn giữa của văn hóa Sa Huỳnh sơ kì sắt, từ thế kỷ 4 TCN, tăng cường trong giai đoạn cuối và tăng mạnh mẽ từ thế kỷ 1, 2 trước và sau Công nguyên. Chứng cứ về sự tiếp xúc và ảnh hưởng này thường tìm thấy ở địa điểm hay nhóm địa điểm phân bố ven sông lớn, cửa sông ven biển, những địa hình thuận tiện cho việc tiếp xúc và trao đổi kinh tế văn hóa. Những địa điểm nằm sâu hơn trong nội địa cũng cung cấp nhiều chứng cứ về quan hệ tiếp xúc, trao đổi với bên ngoài (những tiếp xúc, quan hệ trong nội địa có thể diễn ra chủ yếu theo đường sông và qua các đèo).
Trong thời tiền, sơ sử, giao lưu và tiếp xúc giữa các cộng đồng dân cư được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau và thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống từ kinh tế, văn hoá, xã hội, tôn giáo đến chính trị. Một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt đối với tiếp xúc và giao lưu là trao đổi kinh tế. Giữa các cộng đồng sống trên các địa bàn khác nhau thường có sự trao đổi nguyên liệu và sản phẩm và sau đó là trao đổi hàng hoá với nhau . Ngoài hoạt động trao đổi kinh tế còn có những hoạt động trao đổi “phi kinh tế” mà ảnh hưởng của chúng tới biến đổi văn hoá không hề nhỏ, đặc biệt là vai trò của những hoạt động này trong việc củng cố mối quan hệ xã hội và thay đổi cấu trúc xã hội.
Có thể thấy rằng, mạng lưới trao đổi và buôn bán nội vùng và liên vùng cùng với buôn bán khoảng cách xa có một vai trò quyết định trong việc tiếp thu, chuyển tiếp và biến đổi những yếu tố văn hoá ngoại sinh trong văn hoá Sa Huỳnh để dẫn đến những thay đổi quan trọng trong quá trình tiến hoá nội tại và thay đổi cấu trúc, quan hệ xã hội (Lam Thi My Dzung 2006).
2.2.2. Đời sống tinh thần từ diễn giải táng thức và táng tục
Có thể thấy một sự chuyển biến rõ rệt trong táng thức đó là từ những kiểu táng thức mộ nồi nhỏ phân bố lẻ tẻ trong khu cư trú Tiền Sa Huỳnh đến những mộ chum chuyên biệt với những quan tài hình trứng, hình cầu và hình trụ có kích thước lớn của văn hoá Sa Huỳnh. Những khu mộ của từng làng được phân chia nơi chôn cất có nhiều khả năng theo từng dòng họ hay gia đình lớn.
Cách thức cư dân ứng xử với cái chết, người chết và những táng thức, táng tục mà họ thực hiện cung cấp cho những người nghiên cứu những thông tin hết sức quan trọng để tìm hiểu không chỉ những khía cạnh vật chất của văn hoá như loại hình mộ, loại hình đồ tuỳ táng, đặc trưng thể lý của người chết mà còn nhiều những khía cạnh liên quan đến đời sống tinh thần, tâm linh, thân phận của người hết mối quan hệ giữa người chết với người sống và những vấn đề khác liên quan đến cơ cấu, tổ chức xã hội.
Mai táng người chết và những nghi lễ kèm theo là hình thức thể hiện sinh động các mối quan hệ xã hội kể cả những xã hội dạng đơn giản (kiểu bình quân địa tầng) đến những xã hội phức hợp (phân tầng). Lễ mai táng vừa là nghi lễ (mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo) vừa là sự kiện xã hội (phản ánh mối quan hệ giữa người được mai táng với cộng đồng và ngược lại, giữa người sống với người sống, giữa các nhóm người với nhau), thậm chí còn là sự kiện chính trị nếu như thân phận của người được mai táng đặc biệt so với số đông còn lại. Như thế lễ mai táng phản ánh gần như đầy đủ các khía cạnh của đời sống cá nhân và cộng đồng. Lễ mai táng bao hàm thời gian đặc biệt và không gian đặc biệt, do đó người ta thường lưu ý các nhà nghiên cứu về một dạng ứng xử tâm lý khác hơn so với bình thường, người được mai táng thường sẽ được đối xử cao hơn, nhận được nhiều hơn từ cộng đồng so với thực tế đáng được hưởng. Giống như tâm lý của người hiện đại “Nghĩa tử là nghĩa tận”.
Trên thế giới có rất nhiều những nghiên cứu mà trong đó người ta tìm cách lý giải việc ứng xử với cái chết, xử lý xác chết và hình thức mai táng bằng những tư liệu văn hoá so sánh và đặt trong bối cảnh kinh tế-chính trị cụ thể. Đặc biệt là mối tương quan giữa thái độ đối với mai táng và những tư liệu khảo cổ còn lại trong mộ táng. Binford một đại diện tiêu biểu của Khảo cổ học Mới và muộn hơn là Khảo cổ học Quá trình, qua nghiên cứu liên văn hoá sử dụng tư liệu từ hàng chục các xã hội khác nhau đã nhận thấy như:
i. Có sự tương liên trực tiếp giữa cấp bậc xã hội của người chết với số lượng người quan hệ với người chết và
ii. Những khía cạnh thân phận xã hội ngưòi chết được nhận biết qua phong tục. Nghi lễ mai táng biến đổi một cách trực tiếp theo cấp bậc tương đối của vị thế xã hội khi còn sống của người chết (Pearson M. 2005: 28).
Việc nghiên cứu những đặc điểm thể lý của người được chôn giúp tìm hiểu những quan hệ dòng máu, họ hàng và một số tục lệ chôn cất của xã hội người chết như tục tuẫn tiết, tục hiến tế, hiến sinh và phong tục chôn cất đơn, song hay nhóm. Ở mỗi tầng bậc phát triển xã hội khác nhau thì mức độ quan tâm và tiêu tốn tiền của vào mai táng khác nhau. Theo quan sát dân tộc học và dựa vào kết quả phân tích tư liệu khảo cổ có một quy luật được khẳng định chắc chắn, đó là tính phức hợp của xã hội càng cao thì tính phức tạp của tang lễ càng tăng, một kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Tuy nhiên, nhiều mệnh đề tưởng như chắc chắn theo kinh nghiệm nhưng lại không được chứng minh qua thử nghiệm và quan sát hoặc có thể thế nọ, có thể thế kia (xem giả thiết của Saxe trong Pearson M. 2005: 29-30). Do vậy, việc sử dụng tư liệu so sánh cần hết sức thận trọng.
Từ quan điểm tiếp cận trên, sử dụng những tư liệu từ mộ táng và liên quan đến mộ táng, chúng tôi thử tìm cách lý giải một số vấn đề liên quan đến xã hội Sa Huỳnh. Tuy nhiên, chúng tôi phải nhấn mạnh ngay từ đầu rằng một số ý kiến đưa ra chưa thể hoàn chỉnh, đôi khi mang tính võ đoán do tư liệu ít về số lượng, lại chưa được nghiên cứu đầy đủ về tính chất. Các báo cáo khai quật phần lớn chỉ đáp ứng được phần phân loại loại hình đồ tuỳ táng và quan tài táng. Hầu như không có số liệu về nhân chủng học, bệnh lý, chế độ ăn, thức ăn, đồ ăn chôn theo hay sử dụng trong tang lễ do việc thu thập tư liệu còn nhiều hạn chế và đặc biệt việc phân tích tư liệu hầu như không được tiến hành đầy đủ. Dù sao từ những phân loại này, ta có thể nhận biết phần nào chức năng của từng loại và mối quan hệ giữa người được chôn với đồ chôn theo.
Táng thức và táng tục
Táng thức của cư dân Sa Huỳnh rất phong phú và đa dạng. Có hai dạng chính là mộ chum và mộ đất, trong đó mộ chum được xác định là kiểu táng thức phổ biến và độc đáo của cư dân. Mộ đất ít hơn nhưng không phải phân bố riêng biệt mà xen kẽ với mộ chum.
Táng tục liên quan đến táng thức mộ chum gồm có hoả táng, cải táng, hung táng và chôn tượng trưng. Táng thức kiểu mộ đất cũng có những táng tục tương tự.

Mộ táng và một số vấn đề liên quan
Lứa tuổi: Trong các báo cáo khai quật hầu như không có thông tin chi tiết về tuổi của người được chôn, do đa phần không tìm thấy xương cốt. Những tư liệu từ Hoà Diêm hay Giồng Cá Vồ cho thấy các lứa tuổi được chôn ở cùng một khu. Cho tới nay chỉ ở Suối Chình có sự phân biệt khu vực chôn cất, như khai quật năm 2000 cho thấy trong hố I có 06 mộ nồi thì tất cả đều là mộ cải táng trẻ em, khai quật năm 2005 phát hiện 03 mộ nồi thì 02 cải táng trẻ em, mộ kia chưa rõ vì không còn dấu tích xương.
Giới tính. Tương tự như lứa tuổi, giới tính cũng không có tư liệu cụ thể. Một số chum Lai Nghi nhờ có xương cốt còn lại nên có thể xác định được chủ nhân của những mộ đó thuộc về giới tính nào. Tư liệu từ Lai Nghi và Hoà Diêm cho thấy không có sự phân biệt cách thức chôn và nơi chôn theo giới tính.
Nghề nghiệp. Hầu như không có tư liệu ngoại trừ mộ Gò Quê, Động Cườm và một số mộ khác có chôn theo quặng sắt. So sánh kiểu chôn này với một số mộ có nhiều tư liệu liên quan đến nghề nghiệp như mộ người thợ đúc đồng ở Non Nok Tha, Thái Lan và dựa trên cách tiếp cận phân tích chức năng, ý nghĩa của đồ chôn theo, chúng tôi cho rằng, những đồ tuỳ táng là nguyên liệu sản xuất, dụng cụ lao động ít nhiều đều có liên quan đến nghề nghiệp của người được chôn. Tuy nhiên, do mức độ chuyên hoá về nghề thủ công trong văn hoá Sa Huỳnh chưa cao cho nên chúng ta không thấy những mộ “đậm đặc” tính nghề nghiệp sinh thời của chủ nhân mộ. Gần như trong các mộ có đồ tuỳ táng, mộ nào cũng chứa một vài vật dụng - công cụ lao động.
Mộ số 37 Lai Nghi có chôn theo 01 bộ nghiên ấn, trên một mặt ấn có chữ Hán ?. Đây phải chăng là một vị đại diện cho chính quyền Tây Hán (Hậu kỳ) và Đông Hán (Sơ kỳ) ở địa vực huyện Tượng Lâm của quận Nhật Nam thời Hán hay vị thủ lĩnh địa phương? Chứng cứ chưa đủ để có thể đưa ra lý giải thích hợp, tuy nhiên đây là những báo dẫn đầu tiên để tìm hiểu thân phận, nghề nghiệp trong xã hội lúc bấy giờ.
Thân thế địa vị. Thân phận có thể được quy định không chỉ theo uy tín và của cải mà có thể còn được kế thừa theo dòng họ. Chứng cứ về điều này có thể được tìm thấy trong những mộ táng trẻ em. Mộ nồi chôn trẻ em ở Suối Chình cho thấy có sự phân bố số lượng và chất lượng đồ tuỳ táng không đều từ nghèo, trung bình và giàu trong 5 ngôi mộ khai quật năm 2000.
Đồ chôn theo hay đồ tuỳ táng có thể bao gồm nhiều loại. Loại thứ nhất là đồ dùng của bản thân người chết, loại thứ hai là đồ dành cho người chết và loại thứ ba là đồ dùng trong nghi lễ mai táng.
Trong nhiều nghiên cứu hiện nay, đồ tuỳ táng không chỉ được xem xét thuần tuý theo loại hình và số lượng tìm thấy mà xu hướng của các nhà khảo cổ, nhân học là liên hệ đồ tuỳ táng với quan hệ xã hội và cấu trúc xã hội. Những đồ gốm tìm thấy trong các mộ táng thời đại đá mới, thời đại đồ đồng ở Trung Quốc được xem xét và tìm hiểu từ góc độ vai trò xã hội và vai trò nghi lễ của thức ăn trong mai táng (Underhill A. 2002: 15). Ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới, việc chia thức ăn và đồ uống cho nhau để thắt chặt các mối quan hệ giữa những người tham dự các nghi lễ, nhất là những loại nghi thức như đám tang và đồ dùng trong những buổi lễ như thế này được xem là đối tượng nghiên cứu tìm hiểu bối cảnh kinh tế xã hội.
Áp dụng một số phương pháp nghiên cứu khảo cổ học mộ táng trong một vài nghiên cứu của mình chúng tôi đã thống kê hiện vật chôn theo mộ của một số địa điểm đã khai quật để xem xét mức độ phân hoá của cải và xã hội. Số liệu của những thống kê này chỉ có ý nghĩa tương đối do nhiều nguyên nhân như mức độ bảo tồn giữa các địa điểm và giữa các mộ chum hay mộ đất trong từng địa điểm không đồng đều. Diện tích khai quật của mỗi địa điểm thường chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, số liệu thống kê không đầy đủ do nhiều mộ khi khai quật lên vẫn chưa được xử lý hết. Chúng tôi chọn một số địa điểm đã đựơc xử lý khá kỹ và có số liệu tương đối đầy đủ (Lâm Thị Mỹ Dung 2008;, Hoàng Thuý Quỳnh 2008).
Địa điểm Gò Mả Vôi. Khai quật chữa cháy 1998 được 30 chum mộ nhưng không rõ tình trạng. Do vậy chúng tôi chỉ sử dụng số liệu khai quật của năm 1999 và 2000.
Năm 1999 phát hiện 11 mộ chum và 3 mộ đất, năm 2000 phát hiện 6 mộ . Tổng số mộ là 20. Dựa vào số lượng và loại hình đồ tuỳ táng có thể chia thành các mức sau (Biểu đồ 1).
i. Loại thứ nhất có gốm tuỳ táng và ít kim loại hay đá, thuỷ tinh (13 mộ).
ii. Loại thứ hai có số lượng vừa đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá (03 mộ).
iii. Loại thứ 3 có đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá, thuỷ tinh... số lượng khá nhiều, một số hiện vật quí- mộ giàu (03 mộ)
Số liệu thống kê cho thấy có ba mức phân hoá về của cải chôn theo người chết, tuy vậy giữa ba mức này sự cách biệt giữa mức 1 và 2 không lớn. Ở Gò Mả Vôi không có loại mộ rất giàu, mộ của thủ lĩnh lớn giống như ở Lai Nghi qua thống kê dưới đây. Điều này có thể lý giải bằng hai nguyên nhân. i. Nguyên nhân thứ nhất do Gò Mả Vôi sớm hơn Lai Nghi do vậy có thể tính phức hợp xã hội chưa cao hay không cao như Lai Nghi thuộc giai đoạn muộn hơn; ii. Cũng có thể do cộng đồng cư dân Lai Nghi có ngành kinh tế thiên về trao đổi, buôn bán nên chất và lượng của cải nổi trội so với các khu vực khác.
Địa điểm Lai Nghi (khai quật năm 2002,2003, 2004)
Tại đây, có tỉ lệ thuận giữa số lượng đồ tuỳ táng trong một mộ, có nghĩa là mộ nào có nhiều đồ sắt thì thường có nhiều đồ trang sức (biểu đồ 2).
Có ba loại xét theo số và loại hình đồ tuỳ táng (một cách tương đối, có thể có những mộ bị phá nhiều hơn, hiện vật đã bị mất hoặc không còn ở vị trí ban đầu), tuy vậy số liệu cung cung cấp một bức tranh chung vì tình trạng bảo tồn các mộ không khác nhau nhiều lắm. Trong so sánh này, chúng tôi không tính đến những cụm gốm (có lẽ liên quan đến dạng mộ đất, đã bị phá huỷ), và những mộ chum mà chỉ còn chút ít phần đáy (có thể liên quan đến mộ đất hoạc mộ chum nào đó đã bị phá), mà chỉ tính những mộ còn thấy rõ.
Bằng cách thống kê đồ trang sức tìm thấy trong 63 ngôi mộ Lai Nghi đã phát hiện trong ba đợt khai quật 2002, 2003 và 2004 chúng ta thấy rõ có sự phân hoá rất rõ rệt trong loại hình và chất lượng đồ tuỳ táng chôn theo. Có sự tỉ lệ thuận giữa chất lượng đồ trang sức (chất liệu, loại hình, hàng ngoại nhập) và số lượng đồ trang sức. Có thể nhận thấy ít nhất là ba mức/cấp độ phân hoá tài sản và địa vị qua đồ trang sức chôn theo từ nghèo đến rất giàu. Mặc dù khá nhiều chum bị phá huỷ nhưng chủ yếu là bị phá ở phần trên. Những đồ tuỳ táng bằng kim loại, thủy tinh và đá thường được đặt trong đáy chum. Do vậy số lượng đồ gốm tuỳ táng (đặt trên nắp và ngoài chum) có thể có sai số khá lớn so với thực tế, xong những đồ tuỳ táng khác nhìn chung đảm bảo so với lượng chôn ban đầu (những chum bị mất đáy, hay bị phá huỷ nặng ở phần đáy chúng tôi không tính vào thống kê phân loại này). Dựa vào một số mộ có tình trạng bảo toàn tốt như mộ 26, 27, 29, 30, 55, 56, 58, 59, 62 có thể thấy số lượng gốm tuỳ táng trong mỗi mộ lớn hơn rất nhiều so với số được tìm thấy (có thể có từ 5-20 đồ gốm chôn theo mỗi mộ, ở dạng mộ đất, gốm tuỳ táng còn có thể nhiều hơn). Chúng tôi cho rằng, đồ gốm không nên dùng như tiêu chí chính để đánh giá mức độ khác nhau về của cải, thân phận.
i. Loại thứ nhất hầu như không có đồ tuỳ táng kim loại hay đá, thuỷ tinh, chỉ có mảnh gốm (chum và gốm chôn theo?). Loại này không nhiều lắm về số lượng. Mộ nghèo. Có 11 mộ chum và 3 mộ đất.
ii. Loại thứ hai có đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá, thuỷ tinh ... nhưng số lượng ít. Mộ vừa. 19 mộ
iii. Loại thứ 3 có đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá, thuỷ tinh... số lượng khá nhiều, một số hiện vật quý, độc đáo- mộ giàu. 08 mộ.
iv. Loại thứ 4 có đồ tùy táng giàu, đặc biệt có những hiện vật đồng nghi lễ có nguồn gốc Trung Hoa và hạt chuỗi mã não có nguồn gốc Ấn Độ, nhiều hiện vật bằng vàng. Mộ rất giàu. 06 mộ
Trong số mộ rất giàu có 01 ngôi mộ đất chứa những đồ tuỳ táng đặt biệt có giá trị đó là mộ có ký hiệu 04LNH1M37. Đây là ngôi mộ đất có quy mô bề thế nhất trong các ngôi mộ ở Lai Nghi với bộ đồ đồng Đông Hán và một số hiện vật bằng đá sa thạch có chữ (nghiên, án mực) giống như một số mộ giai đoạn Sơ kỳ Đông Hán ở Quảng Châu, Trung Quốc (The CPAM of Guangzhou 1981: hình CXIII.9). Mộ này nằm dưới mộ hợp chất niên đại thế kỷ 17,18, nhưng rất may đã không bị mộ muộn xâm phạm vào và hiện vật gần như nằm insitu. Đây cũng là mộ lớn nhất trong số những mộ chum và mộ đất Sa Huỳnh đã phát hiện cho đến nay. Trong một số mộ chum văn hoá Sa Huỳnh như Tiên Lãnh, Sa Huỳnh, Gò Dừa cũng đã phát hiện một số đồ đựng bằng đồng có nguồn gốc Trung Hoa (Tây và Đông Hán) và ngay ở Lai Nghi trong một số mộ khác cũng có đồ đồng Hán. Tuy nhiên, số lượng đồ đồng này không nhiều và kích thước nhỏ, thường chỉ có một đến hai cá thể trong một chum hay trong một mộ đất. Chỉ ở ngôi mộ này mới tập trung một số lượng lớn đồ đồng như ấm, bình, bát, chậu, đỉnh nhỏ, móc thắt lưng và đặc biệt là bộ nghiên, án mài mực, trên án có chữ Hán, chữ này chưa đọc được, nhưng bước đầu nhận định chữ có bộ Nghiễm. Trên nghiên vẫn còn vết mực mài màu đen. Chôn theo mộ này còn có một số đồ sắt như dao có chuôi hình vành khăn (dạng dao kiểu hậu kỳ Tây Hán – sơ kỳ Đông Hán, nhưng có lẽ được sản xuất tại chỗ), một số đồ gốm tuỳ táng - gốm văn hoá Sa Huỳnh. Xét theo chất và lượng đồ tuỳ táng trong tương quan với những mộ khác ở địa điểm này và những địa điểm mộ chum văn hoá Sa Huỳnh khác đã biết thì đây là mộ của người thuộc cấp bậc cao (nhất) trong cộng đồng cư dân, có nhiều khả năng là của vị đại thủ lĩnh một vùng. Đặc biệt sự có mặt của bộ nghiên ấn trong mộ cho thấy có nhiều khả năng chủ nhân ngôi mộ là người có học (mà là Hán học). Niên đại của mộ thuộc giai đoạn Sơ kỳ Đông Hán, nửa đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên .
Đồ bằng vàng có trong 6 mộ và cũng phần lớn trong những mộ giàu đồ tuỳ táng. Mộ đất, ngoại trừ những mộ bị phá chỉ còn lại những cụm gốm thì rất giàu, có thể nói là giàu nhất và chứa nhiều những hàng hoá có tính chỉ thân phận, địa vị (Status makers). Có thể nói khu mộ Lai Nghi là khu mộ của một cộng đồng cư dân giàu có, của cải tích luỹ được có lẽ phần nhiều do buôn bán nội vùng và liên vùng. Ở Lai Nghi có những mộ mà số lượng và loại hình đồ trang sức chỉ trong một mộ đã vượt xa so với đồ trang sức phát hiện trong tất cả các mộ của một khu nghĩa địa (bản ảnh 2).
Mộ song táng và mộ 37 có đồ đồng Sơ kỳ Đông Hán chôn theo thể hiện sự chăm sóc đặc biệt và công sức bỏ ra khi chôn cất. Theo quan điểm của Koji đây có thể thuộc loại hình mộ của những cá nhân có địa vị cao trong cộng đồng (Koji Mizoguchi 2005: 304-326).
Địa điểm Gò Dừa trên diện tích khai quật 16m2 đã phát hiện 06 mộ chum (05 mộ chum lồng). Có lẽ đây là khu mộ của dòng họ của những người có địa vị cao trong cộng đồng. Mộ được chăm sóc đặc biệt qua việc sử dụng quan tài kiểu trong quan ngoài quách, mộ chôn sát liền nhau nhưng không cắt phá nhau chứng tỏ có sự chuẩn bị cẩn thận đất chôn. Trong số 5 mộ chum lồng có ba mộ 1,3 và 5 cũng thành cụm hình vòng cung liền kề nhau (bản vẽ , bản ảnh 3). Trong số các mộ, mộ 1, 3 và 5 có số lượng đồ tuỳ táng nhiều. Cả ba mộ này đều có đồ đồng nghi lễ Tây Hán như bát, đĩa, đồ đựng. Mộ số 5 có gương đồng Tây Hán. (Lâm Mỹ Dung, Nguyễn Chiều, Hoàng Anh 2002: 191-207).
Hoà Diêm. 26 ngôi mộ khai quật năm 2002 ở Hoà Diêm có thể được chia thành ba/bốn loại theo số lượng và chất lượng đồ tuỳ táng:
i. Mộ chứa ít đồ tuỳ táng, từ 1 đến 2 đồ gốm gồm M.1, M.14, M.23,M.26;
ii. Mộ chứa số lượng đồ tuỳ táng trung bình từ 2,3 đồ gốm và 1, 2 hiện vật sắt, xương gồm M. 4, M12b, M.16, M.17, M.22, ;
iii. Mộ chứa số lượng đồ tuỳ táng nhiều hơn và phong phú hơn về loại hình cũng như chất liệu gồm M.2, M.3, M.8, M.5, M.7, M.10 M.12 và
iv. Đáng chú ý là M.9 là mộ có nhiều nhạc khí (lục lạc đồng), hạt trang sức thuỷ tinh và bằng vàng.
Như vậy, mức độ phân hoá của cải qua đồ tuỳ táng ở Hoà Diêm không cao và từ đó có thể thấy sự phân hoá địa vị xã hội chưa sâu sắc. Tuy nhiên, sự khác biệt thân phận giữa các thành viên là điều không thể phủ nhận.
Khi so sánh Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Gò Dừa và Hòa Diêm như là những địa điểm tiêu biểu ta thấy có những thay đổi trong đồ chôn theo. Trong đồ tuỳ táng có sự thay đổi đó là từ đặc tính tập thể lớn tới những đặc tính nhóm nhỏ hơn. Có hai xu hướng được nhận thấy đó là sự chuẩn hoá hơn trong đồ vật giữa các khu mộ và xu hướng phân hoá đồ vật giữa các mộ trong một khu mộ. Những khu mộ Sa Huỳnh càng về sau càng mở rộng quy mô và bề thế hơn. Đây là khu mộ của công xã thị tộc hay công xã láng giềng, câu trả lời khó mà thỏa đáng? Có thể cũng giống như trong văn hoá Đông Sơn, đây là những đơn vị sinh sống, quần cư dựa trên nguyên tắc đậm huyết thống cộng với quan hệ láng giềng ngày càng lớn mạnh (Hà Văn Tấn 1994: 405).
3. Xã hội Sa Huỳnh : Một số vấn đề về cơ cấu và quan hệ
Trong giai đoạn Sa Huỳnh có sự hiện diện của những cộng đồng cư dân lớn (Cồn Dàng, Gò Mả Vôi, Hậu Xá, Đại Lãnh, Lai Nghi, Hoà Diêm...) với chế độ thủ lĩnh mang tính kế thừa. Bên cạnh đó còn có những cộng đồng với số lượng cư dân ít hơn cũng với chế độ thủ lĩnh cha truyền con nối. Tư liệu dân tộc học lịch sử người Tà Ôi (Việt Nam), một số tộc người ở Việt Nam, Thái Lan, Phillipin... cho thấy điều này.
Những mộ địa Sa Huỳnh dù phân bố trên bất kỳ địa hình nào cũng đều chiếm cứ không gian cao ráo, gần đường giao thông/thương và cận kề nơi cư trú. Những khu mộ địa có diện tích rộng có những khu mộ rông tới chục nghìn mét vuông và thường là phức hợp di tích của nhiều mộ địa tồn tại liên tục trong vòng thời gian từ một đến vài trăm năm. Những khu mộ điển hình như Cồn Ràng, Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Hoà Diêm... cung cấp cho chúng ta chứng cứ về một dạng xã hội phức hợp phân tầng với sự phân hóa xã hội, địa vị và của cải ở mức độ cao và không kém so với những xã hội đương thời ở khu vực.
Trong nhiều nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu liên quan đến sự hình thành nhà nước sớm và quá trình tiến hoá của tính phức hợp xã hội, một số học giả đặc biệt chú ý đến một số chủng loại di vật đặc biệt như di vật có nguồn gốc ngoại, di vật bằng chất liệu kim loại, thủy tinh, di vật có kích thước lớn như là những chỉ dẫn, dẫn liệu về sự phát triển của tính phức hợp xã hội (Underhill .A. 1996). Từ quan điểm cho rằng sự thay đổi trong sản xuất và sử dụng hàng hoá có vị trí đáng kể khi đánh giá bản chất của những nhu cầu xã hội và điều cần lưu ý đối với các nhà nghiên cứu là tìm hiểu ý nghĩa của hàng hoá trong bối cảnh lịch sử nhất định, chúng tôi cho rằng, trong di vật văn hoá Sa Huỳnh, có những loại liên quan rất chặt chẽ với cơ cấu và tổ chức xã hội, người Sa Huỳnh đã sử dụng những hàng hoá hay vật dụng chuyên biệt để dung hoá và thể hiện những mối quan hệ xã hội từ thân tộc đến láng giềng. Trước hết đó là nhóm di vật mang tính biểu trưng mai táng như quan tài và đồ tuỳ táng (do phần lớn hiện vật nguyên, đa dạng, phong phú về chất liệu, nguồn gốc và loại hình đều từ những khu mộ táng, hiện vật từ những khu cư trú rất ít và khá đơn điệu).
Bản thân chum-quan tài có thể được xem xét từ nhiều khía cạnh, có thể nói mỗi chum-quan tài hàm chứa nhiều mã số, đặc điểm và giá trị khác nhau. Việc vận chuyển chum-quan tài liên quan đến mối quan hệ ngang bằng hay phân tầng xã hội, thân tộc-láng giềng-thân quen. Từ góc độ giá trị xã hội chum-quan tài là vật biểu thị địa vị kinh tế, có thể phản ánh sự phân hoá xã hội và cấp bậc. Từ góc độ tâm linh, chum-quan tài là nơi chôn giữ xương tro người chết và thể hiện ý tưởng vũ trụ hay tôn giáo (Oestigaard T. 1999: 351). Việc dùng những chum (gốm, đá, gỗ) có kích thước lớn làm quan tài mai táng nếu lý giải từ góc độ tổ chức xã hội cho thấy, ở những xã hội dạng bình quân địa tầng (egalitarian societies) giai đoạn Tiền Sa Huỳnh chưa phát hiện thấy bất cứ hiện vật nào có kích thước lớn, loại thường được các nhà nghiên cứu gắn với biểu tượng về mức độ tổ chức xã hội tập trung và thể hiện quyền lực của người đứng đầu. Trong xã hội dạng phức hợp, phân tầng ví dụ như xã hội kiểu lãnh địa hay tù trưởng quốc, những xã hội có cơ sở tư tưởng dựa trên việc làm nổi bật vị thế của những người đứng đầu bằng những không gian riêng biệt/thiêng hay vật riêng biệt/ thiêng, như cự thạch, kim tự tháp hay đơn giản hơn là những đồ vật có nguồn gốc ngoại, bằng chất liệu quý hiếm hay có kích thứơc lớn. Biểu tượng của sức mạnh và vị thế cá nhân trong tang ma, trước hết đó là kích cỡ và chất liệu của quan tài mai táng. Để sản xuất ra được những chum gốm lớn này đòi hỏi việc tập trung sức người (quản lý nhân công), thời gian (chuyên hoá sản xuất thủ công và phân công lao động), tiền của (phân hoá của cải và quyền lực) của cộng đồng dành cho một nhóm thiểu số người hay một cá nhân trong một tổ chức xã hội. Việc chuyển biến trong cùng một táng thức từ những mộ nồi nhỏ Tiền Sa Huỳnh đến số lượng không nhiều chum gốm lớn giai đoạn Long Thạnh cuối thời kỳ Tiền Sa Huỳnh và khối lượng lớn chum có kích thước lớn giai đoạn Sa Huỳnh (có thể so sánh công việc dựng cự thạch với chôn gốm quan tài lớn, cả hai việc này bao gồm rất nhiều công đoạn từ lúc khai thác nguyên liệu, chuyên chở nguyên liệu, quy trình sản xuất, chuyên chở sản phẩm, chôn, dựng, đãi tiệc, hội hè...) phần nào cho thấy những chuyển biến trong cấu trúc xã hội từ đơn giản không phân tầng đến phức hợp phân tầng. Sự đa dạng của loại hình chum quan tài song hành cùng sự chuẩn hoá của loại chum hình trụ (có thể thấy sự đồng dạng đến kinh ngạc giữa chum hình trụ An Bang (Hội An, Quảng Nam) với chum Diên An (Diên Khánh, Khánh Hoà). Thời kỳ cuối của văn hoá Sa Huỳnh chúng ta có thể nhận thấy hai xu hướng tưởng như đối lập nhau nhưng trên thực tế lại tương tác hữu cơ với nhau. Đó là xu hướng đa dạng hoá loại hình chum mai táng và xu hướng chuẩn hoá đồ tuỳ táng. Hiện tượng này phản ánh quá trình hình thành những liên minh nội vùng và liên vùng. Bên cạnh đó sự đa dạng của hiện vật tìm thấy ở những địa điểm khác nhau có niên đại tương đồng và mức độ quy chuẩn của loại hình hiện vật trong một khoảng không gian rộng là những yếu tố cơ bản để nhận diện mức độ phức hợp của cấu trúc xã hội.
Cấu trúc xã hội Sa Huỳnh không nằm ngoài quỹ đạo phát triển của văn hoá khu vực, sự xuất hiện gần như ở cùng một thời điểm truyền thống dùng chum vò gốm lớn làm quan tài mai táng ở cả hai vùng Đông Nam Á (Lâm Thị Mỹ Dung 2003) cho thấy những nét tương đồng nhưng không phải là không ít khác biệt trong phát triển kinh tế và tổ chức xã hội của các cộng đồng cư dân.
Nghiên cứu loại hình chum gốm quan tài các nhà nghiên cứu phân biệt hai loại. Loại thứ nhất là chum làm ra chỉ để làm quan tài. Loại này nhìn chung có một số mẫu nhất định và phân bố trong không gian hạn chế ứng với dạng nào đó của mạng lưới xã hội hay tôn giáo. Loại thứ hai là những chum sản xuất ra để dùng trong nhiều trường hợp rồi được dùng làm quan tài, loại này đa dạng hơn và có thể có không gian phân bố rộng hơn, có thể được đưa từ nơi này sang nơi khác (Oestigaard T. 1999: 351). Chum-quan tài văn hoá Sa Huỳnh chủ yếu thuộc loại thứ nhất và như vậy có thể tìm kiếm sự chuyển hoá kỹ thuật và xã hội nội tại bên trong cộng đồng dân cư hay mạng lưới cộng đồng dân cư trong những tiểu vùng của vùng. Cụ thể là hai truyền thống chum-quan tài Bắc và Nam Sa Huỳnh như đã đề cập ở phần trên.
Trong hầu hết những nghiên cứu về cấu trúc xã hội Đông Nam Á thời Sơ sử bên cạnh tính phức hợp, phân tầng, các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh đến sự không đồng nhất trong phát triển (tức là lối tiếp cận xã hội theo chiều ngang - kiểu mạng chứ không chỉ theo chiều dọc - tầng lớp/giai cấp). So sánh các nền văn hoá thời Sơ sử trên lãnh thổ Việt Nam (Đông Sơn, Sa Huỳnh và Đồng Nai), văn hoá Sa Huỳnh mang tính đa dạng lớn hơn so với văn hoá Đông Sơn và sự phát triển của văn hoá Sa Huỳnh vẫn còn ở dạng đặc thù (Diệp Đình Hoa 2004: 830). Kết hợp tư liệu khảo cổ về sự chưa thống nhất cao của văn hoá Sa Huỳnh với xem xét thông tin từ những thư tịch cổ Trung Hoa về sự tồn tại của các nước như Hồ Tôn, Chi Kỳ Quốc, Bà Lị, Thù Nại, Xích Thổ trong khu vực phân bố của văn hoá Sa Huỳnh và Đồng Nai, Diệp Đình Hoa đi tới kết luận rằng đây là những tiểu “vương quốc” độc lập, hay là những khu vực độc lập của những nhóm tộc người của một xã hội phát triển nhưng chưa cần đến nhà nước. Những nhóm xã hội chưa cần đến nhà nước này vẫn còn ở vị trí độc lập, truyền thống xã hội của mình vẫn được bảo lưu một cách đậm nét dưới sự đa dạng (cát cứ cố hữu) (Diệp Đình Hoa 2004: 830).
Những chứng cứ khảo cổ thời sơ sử cho thấy về sự xuất hiện sớm và lớn mạnh của những lãnh địa ở một số vùng miền Trung Việt Nam. Những khám phá khảo cổ học bắt đầu đánh dấu sự tiến hoá của những lãnh địa qua biểu đồ lớn mạnh của phân tầng chính trị trong những mẫu hình cư trú vùng đã được nghiên cứu và những khai quật ở những trung tâm lãnh địa lớn dọc theo những hệ thống sông quan trọng. Nghiên cứu khảo cổ học ở miền Trung đã bắt đầu chú trọng đến quá trình phân hoá xã hội mở rộng phản ánh trong việc phân bố của những hàng hoá biểu thị địa vị, thân thế trong những khu mộ táng và nơi cư trú, sự lớn mạnh của những hệ thống chuyên nghiệp phát triển của việc chuyên hoá sản xuất gốm và kim loại, những thay đổi trong mức độ to lớn, tiếp cận địa lý, và tính phức hợp của mạng lưới buôn bán sông, biển và sự mở rộng hội lễ và những dạng khác của cạnh tranh hàng hoá biểu thị địa vị, thân thế. Những nghiên cứu khảo cổ học loại này bắt đầu đề cập tới hàng loạt những yếu tố dân số, sinh thái, xã hội, kinh tế, tư tưởng bản địa đóng góp vào sự hình thành và quá trình tiến hoá của những xã hội phức hợp tiền nhà nước ở miền Trung Việt Nam cũng như ở Việt Nam.
Dù vậy, tiến hoá chính trị- xã hội ở miền Trung Việt Nam không thể được nghiên cứu như là hiện tượng toàn vùng. Những lãnh địa miền Trung Việt Nam liên kết với nhau và với bên ngoài qua trao đổi văn hoá, chính trị và kinh tế bằng đường biển và đường sông. Sự đa dạng về sinh thái ở đây có thể đã ảnh hưởng đến sự phát triển sớm của hệ thống kinh tế chuyên hoá và trao đổi tài nguyên giữa vùng thấp và vùng cao, và giữa những cư dân ven bờ với cư dân sâu trong nội địa, giữa cư dân trong đất liền với cư dân ở các đảo riêng biệt về sinh thái. Theo tài liệu lịch sử và sinh thái học, chiến lược này của sự cộng sinh giữa sinh thái và kinh tế đã có kết quả trong kết nối phức hợp văn hoá từ những xã hội hái lượm nhiệt đới quy mô nhỏ đến những cư dân của các cộng đồng tập trung với mật độ đậm đặc hơn, của những người làm nông nghiệp nương rẫy ở vùng cao với những người làm nông nghiệp thâm canh ở vùng thấp và tích hợp cư dân buôn bán vùng ven biển vào những chính thể ở mức lãnh địa với tính phức hợp đa dạng ở phần lớn các lưu vực sông lớn.
Những nghiên cứu về tác động của ngoại thương ở những xã hội sơ kỳ sắt châu Âu, những vương quốc ở châu Phi Sahara và những xã hội Đông Nam Á hải đảo và miền Trung Việt Nam đã cho thấy hoạt động kinh tế dạng này đã có tác động tích cực tăng cường sự trao đổi tương tác giữa các tầng lớp quý tộc dẫn đến xây dựng khối liên minh chính trị và quá trình này sau đó biến thành động lực dẫn đến sự bành trướng chính trị.
Ngoại thương cũng tác động đến nền kinh tế chính trị của địa phương bằng cách mở rộng mạng lưới vệ tinh chính trị.
Mẫu hình khảo cổ ở các mức độ nội điểm, nội vùng và liên vùng cho thấy hàng ngoại quý được lưu thông rộng rãi trong và giữa các chính thể từ đầu thế kỷ 2,1 TCN và tăng mạnh vào những thế kỷ SCN. Dù vậy, những phân tích từ sự khác nhau của mộ táng tại những khu mộ có niên đại văn hoá Sa Huỳnh và những nghiên cứu về gốm và kim loại ở những nơi cư trú trước và SCN cho thấy sự hiện diện của hệ thống trao đổi hàng trong thời sơ và lịch sử bao gồm những hàng đồ gốm địa phương được trang trí, hiện vật sắt, đồng, hạt chuỗi, trang trí bằng vỏ nhuyễn thể và những hàng hoá khác. Hàng ngoại không thể thay thế hàng nội, nhưng tích hợp vào những hệ thống trao đổi nội địa này và tạo ra một lớp trên của phân tầng phức hợp hơn nữa của những dấu hiệu địa vị.
Theo nghiên cứu lý thuyết, khi ngoại thương đã phát triển đạt đến mức là cơ sở vật chất của sự mở rộng và phát tán của quyền lực chính trị và gia tăng sự phân hoá xã hội của những chính thể kinh tế lãnh địa thì những thay đổi bên trong của những tổ chức kinh tế là điều kiện cần thiết để hỗ trợ phát triển ngoại thương. Sự tương đồng với những xã hội phức hợp ở châu Phi, Âu và trực tiếp hơn với những nhà nước buôn bán đường biển ở Đông Nam Á hải đảo cho thấy rằng sự cạnh tranh ngoại thương thường phụ thuộc vào khả năng của chính thể trong việc huy động hiệu quả những nguồn lực cần thiết để hỗ trợ cơ sở hạ tầng buôn bán (tức là thợ buôn, công chức cảng, nhà ở và thức ăn cho người nước ngoài) và đảm bảo nguồn cung cấp hàng xuất khẩu ổn định. Quá trình này có lẽ kéo theo thâm canh nông nghiệp, huy động đồ cống nạp mở rộng, sản xuất địa phương hàng xuất khẩu ở mức rộng và nguyên liệu như quặng kim loại, hay kiểm soát tập trung hơn hệ thống buôn bán nội địa. Chứng cứ khảo cổ học và dân tộc học lịch sử ở Đông Nam Á cho thấy rằng những chính thể buôn bán biển thành công nhất có nền nông nghiệp mạnh, hệ thống cống nạp phát triển ở vùng trung tâm và hình thành mạng lưới buôn bán sông lan toả tới tận sâu vùng nội địa cùng với sản xuất hàng thủ công hàng hoá đã được chuyên hoá ởmức độ nhất định.
Ba trong số hàng hoá trao đổi chính của những người đi buôn ở vùng thấp vào sâu trong nội địa theo tư liệu dân tộc học lịch sử là gốm, kim loại và đồ trang sức. Đồ gốm và đồ kim loại trong các mộ địa và cư trú văn hoá Sa Huỳnh cho thấy càng ở giai đoạn muộn càng có sự đồng nhất cao hơn về loại hình, trang trí và kỹ thuật chế tác ở những khu vực khác xa nhau về không gian. Điều này cho thấy có những thay đổi trong tổ chức sản xuất, phân phối, nhập khẩu và tái phân phối những mặt hàng này.
Chuyển biến trong cách thức tổ chức không gian xã hội. Những biến đổi chính trị và kinh tế góp phần không nhỏ vào những thay đổi trong cấu trúc xã hội và mẫu hình tổ chức không gian xã hội. Kiểu phân bố của các di tích (mộ địa và cư trú) của văn hoá Sa Huỳnh ở các lưu vực sông lớn từ thượng nguồn đến hạ lưu và đảo ven bờ và sự có mặt của các loại hàng nhập ngoại không chỉ ở vùng ven sông hay ven biển mà lên đến cả vùng núi, gò đồi cho thấy kiểu tổ chức không gian sống phần nào theo mô hình hình cây rất nổi tiếng do Bronson đưa ra. Trong mô hình này, Bronson giả định về sự tồn tại của hai (hay nhiều) chính thể vùng duyên hải liền kề và cạnh tranh với nhau. Trong mô hình dưới đây là A và A1, cả hai đều tham dự vào buôn bán đường dài với X. Điểm B và C biểu thị cho những làng cư trú ở vùng thượng nguồn loại hai và ba. Đây là những làng ở các vị thế chiến lược kiểm soát lưu lượng và dòng chảy nội vùng của các nguồn lợi tài nguyên. Điểm D biểu thị những nơi cư trú thượng nguồn xa hơn và cũng là những điểm tập trung đầu tiên của sản phẩm hàng hoá từ hạ lưu và từ những vùng thượng nguồn cận kề.
Trong mô hình này, người đứng đầu A quản lý và duy trì việc lưu thông hàng hoá về phía trung tâm duyên hải bằng cách kiểm soát trực tiếp những cư dân vùng hạ lưu tập trung quanh B và C. Trong khi đó D lại do B và C trực tiếp kiểm soát và quản lý.
Có thể những lãnh địa thời Sa Huỳnh đã được vận hành theo cơ chế này với một vài điều chỉnh nhỏ. Trong nền kinh tế Sa Huỳnh buôn bán có vai trò đáng kể, đặc biệt là ở những vùng ven biển, cửa sông. Trao đổi theo sông luôn luôn giữ vị trí quan trọng nhưng có nhiều khả năng trồng trọt (chủ yếu trồng lúa) dù không tạo ra nhiều sản phẩm dư thừa nhưng đã đáp ứng đủ nhu cầu nội tại, giúp tạo cơ sở bền vững cho xã hội. Khai thác lâm, thổ và thuỷ sản cũng chiếm những phần trăm đáng kể trong thoả mãn nhu cầu vật chất của các cộng đồng cư dân và tham góp vào thúc đẩy các nghề thủ công và ngoại thương. Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng tư liệu từ các khu mộ địa vùng gần thượng nguồn sông cho thấy có thể đã có một số cộng đồng dân cư sinh sống dựa vào việc thu gom hàng hoá để đưa xuống vùng xuôi và ngược lại. Tầm cỡ và quy mô vai trò trung gian của cộng đồng này theo Vũ Quốc Hiền được phản ánh qua sự giàu có của các khu mộ dặc biệt là ở vùng thượng nguồn sông Thu Bồn .
Kiểu tổ chức không gian xã hội và sự phát triển đa dạng phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái cũng như cách thức hội nhập phù hợp với bối cảnh chính trị-kinh tế khu vực của các cộng đồng cư dân văn hoá Sa Huỳnh đã được kế thừa và phát huy ở những giai đoạn sau. Cùng với sự chuyển dịch của dân cư từ bên ngoài vào, áp lực chính trị từ Trung Hoa, tiếp xúc với Nam Á và sự phát triển nội tại đã dẫn đến quá trình kết tinh và thể chế hoá kinh tế-chính trị từ sau Công nguyên dẫn đến sự hình thành của những nhà nước sớm. Từ góc độ môi trường địa lý - sinh thái, những nhà nước sớm mandala Chăm đã cho thấy sự tái chọn lựa không gian chính trị xã hội của những lãnh địa sớm hơn.



Tài liệu sử dụng
Lâm Thị Mỹ Dung 2008. Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ Sơ sử sang Sơ kỳ Lịch sử ở miền TrungTrung bộ và Nam Trung bộ Việt Nam. ĐTNCKH trọng điểm cấp ĐHQG. Mã số ĐTT Đ 06.07. Hà Nôi
Hoàng Thúy Quỳnh 2008 . Đồ gốm trong văn hoá Sa Huỳnh. Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học. Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội.
Lam Thi My Dzung 2006, Regional and inter-regional interactions in the context of Sa Huynh culture: with regards to the Thu Bon valley in Quang Nam province, Vietnam. Bài tham dự Hội nghị Khoa học Quốc tế của IPPA (Hiệp hội khảo cổ học Tiền sử châu Á-Thái Bình Dương) ở , Manila, Philippines, tháng 4 năm 2006.
Pearson M.P. 2005. Archaeology of Death and Burial. Texas A&M University Press.
Francis P. 2004. Some Notes on Beads in Vietnam. Southeast Asian Bead C ircle On-line. N e wsletter Vol.1, No.1. http://www.thebeadsite.com/SEAC1-03.html
Underhill, Anne P. 2002. Craft Production and social change in Northern China. Kluwer Academic/Plenum Publishers. New York.
Reinecke A. và nnk 2002:169
Koji Mizoguchi 2005: Genealogy in the ground: observations of jar burials of the Yayoi period, northern Kyushu, Japan. Antiquity; Jun 2005; 79, 304:316-326.
Lâm Mỹ Dung, Nguyễn Chiều, Hoàng Anh Tuấn 2002, Khai quật chữa cháy Gò Dừa năm 1999 trong 5 năm Nghiên cứu và Đào tạo của bộ môn Khảo cổ học. Nxb CTQG Hà Nội: 191-207.
Hà Văn Tấn (chủ biên) 1994. Văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam. Nxb KHXH. Hà Nội.
Terje Oestigaard 1999. Cremation as Transformations: When: The Dual Cultural Hypothesis was Cremated and Carried aways in Urns. European Journal Of Archaeology 2, 345. http://www.sagepublications.com.
Lâm Thị Mỹ Dung 2003. Về truyền thống mộ chum. Khảo cổ học số 2. NxbKHXH. Hà Nội : 48-59.
Diệp Đình Hoa 2004. Trống Đông Sơn ở Bình Định và quá trình hình thành triết lý về nhà nước thuộc thiên niên kỷ I ở Việt Nam. Trong Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam. Tập I. NXBKHXH. Hà Nội: 820-846.
Bronson Bennet 1977, Exchange at the upstream and dowstream ends: Notes towards a Functional Model of the Coastal States in SEA. Trong Hutterer K.C., (chủ biên) Economic Exchange and Social Interactions in SEA. Papers on Michigan South and Southeast Asia. Số 13. Ann Arbor: 39-52.
Reinecke Andreas, Nguyễn Chiều và Lâm Thị Mỹ Dung 2002. Gò Mả Vôi-Những phát hiện mới về văn hoá Sa Huỳnh. LINDEN SOFT. Koln.

Lâm Thị Mỹ Dung

Đây là bài cuối cùng trong serie bài 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh. Bài đã được trình bày trong Hội thảo KHQT "100 năm phát hiện và nghiên cứu VHSH" tháng 7.2009 ở Quảng Ngãi.





Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Glossary of Southeast Asian Art

Notes: (1) Most terms entered here are either specific to Southeast Asia, or have a distinctive meaning or importance within that region. For the reader's convenience, some basic terms from Indian art are also included. Additional terminology can be found in the Glossary of Indian Art elsewhere on this website. (2) In abbreviations, NM=National Museum, c=century, T.= temple

anda
The bell-shaped or dome-shaped upper part of a
stupa.
antefix
A small, slanted, vertical member that is placed upon the corners of a Khmer tower in order to complete the tower's profile.
Discussion, Example (Phimai)
apotropaic (adjective)
Turning away evil, as the
kala, the chinthe, the dvarapala, and similar guardian figures.
apsaras (singular; the plural is apsarasas)
A celestial dancer, one of the beautiful maidens who delight the inhabitants of paradise. The celestial realms were conceived of as analogous to earthly courts with palaces, gardens, kings and nobles, dancers, and musicians. In southeast Asia, from around the time of Angkor Wat, relief carvings of apsarasas took on special importance in temple decoration.
Iconography (Sikhoraphum), Wat Phu, Angkor Wat, Preah Khan, Ta Prohm
arch
The curved upper part of an opening, such as a window or door. Structural arches physically span the opening. When a structural arch is extended in depth, it becomes a vault (ceiling). Important types for Southeast Asia include the semicircular arch (or barrel vault),
corbeled arch, and true arch (structural pointed arch). The lintel is not technically considered to be an arch, because it is straight rather than curved. Often a non-structural arch is applied as decoration above a lintel. Wat Maheyong (lintel), Wat Maheyong (structural lintel + non-structural pointed arch), Wat Kudidao (true arch), Nan-Hpaya (barrel vault), Htilominlo (relieving arches)
Avalokiteshvara
The Bodhisattva of Compassion, known in Japan as Kannon and in China as Guan-Yin. A supremely important Mahayana Buddhist saviour deity.
Srivijaya, 8c (Bangkok NM)
axial temple
A temple complex whose approach is laid out upon a very long, usually east-west, axis. The plan is unusual in Khmer temples, and when present, seems to be related to the natural features and geography of the site.
Wat Phu (Laos), Phnom Rung (Thailand)
baray (pronounce: bar-EYE)
A very large, rectangular, shallow excavated reservoir for holding and releasing water. A baray such as the middle baray at Wat Phu might be 200m x 600m (600' x 1800') in length and width, but only about 5m (15') deep. Khmer Barays had multiple functions - religious, as symbolic of the oceans surrounding Mt. Meru; economic, as the source of irrigation water during the dry season; and political, as monumental demonstrations of the power of the Khmer kings.
Wat Phu (Laos), Angkor Wat (Cambodia)
barrel vault
A passageway whose cross-section is a round (semicircular, or "Roman")
arch. Nan-Hpaya
bhumisparsha mudra
The gesture of Buddha's "calling the Earth to witness," pointing or touching the ground to prove his right to Buddhahood. In response, Bu Devi (the Earth goddess) confirms Buddha's past meritorious lives, by wringing out her hair at the Buddha's feet. From her hair pours a flood of sacred waters, every drop symbolizing a deed of merit performed in his previous incarnations.
U-Thong, 12c-13c (Bangkok NM), Lan-Na, 15-16c (Bangkok NM), Kyauktawgyi T. (Mandalay), Libation of Merit (Pagan)
bodhisattva
In Mahayana Buddhism, an enlightened being who postpones entry into Nirvana in order to help others achieve salvation. In Theravada Buddhism, a Buddha such as Gautama or Maitreya in a previous incarnation before full Buddhahood.

bot
[Thailand] A temple building that is used for sermons, ordinations, and other monastic services, and may also house a Buddha image.

Brahma
Hindu creator god with four directional faces. With Indra, Brahma accompanies the Buddha in his descent from
Trayastrimsha heaven. Nan-Hpaya, Ananda T. (Pagan)
Buddha
A Hindu prince (about 560-480 BC) named Siddhartha Gautama, also called Shakyamuni, who renounced the world, achieved spiritual enlightenment through the practice of meditation, and founded the Buddhist religion. Later Buddhism recognizes various past and future Buddhas in addition to the historical Gautama. A Buddha is distinguished by 108 (= two squared, times three cubed) special markings on his body, including: the urna, a whorl of hair in the center of the forehead; the ushnisha, a knot of hair on top of the head; and three folds of flesh around the neck. In Thailand (Sukhothai style and later), the top of Buddha's head is often surmounted by a flame that represents spiritual wisdom. The four body postures represented in the art of Southeast asia are: standing, walking, sitting, or lying down. The most important hand gestures (mudras) are bhumispara (calling the Earth to witness), varada (giving), abhaya (fear not), dharmachakra (setting in motion the wheel of the law), and dhyana (meditation).

chattra, or chattravali
The honorific umbrella on top of a
stupa.
chedi (zedi)
A
stupa (Buddhist reliquary) in Southeast Asia. Chedi is the Thai word; zedi is Burmese.
chinthe
A lion-like creature that guards the entranceways to temples. In later Burma, often crowned and human-headed.
Shwedagon Paya, Double-Bodied (Ananda T., Pagan), Prasat Phimai, Preah Ko
corbeled arch
A triangular
arch formed by horizontal courses of brick that are built up and in from each side until they meet at the top of the arch. Similarly corbeled vault, corbeled roof.
Churning of the Sea of Milk
A Hindu myth in which gods and demons cooperate to churn the primordial ocean, in order to produce amrita, the elixir of immortality.
relief (Angkor Wat), naga bridge (Preah Khan), nage bridge (Angkor Thom)
devaraja
In simplest terms, the personal god (tutelary divinity) of the king. Philosophically, the divine aspect (deva) of the king (raja). Each Khmer king associated himself with a particular divinity, usually a form of
Shiva, who protected the king and validated his rule. Moreover, the concepts of king and god overlapped each other: both were powerful, revered, blessed, rich, and the like. The devaraja represented their intersection: a fragment of the god, that also belonged to the king. This divine spark was worshiped in a state temple, by the king himself, during the king's life; and in the king's funerary temple after his death. The idea in Southeast Asia comes from India, but is not unique to that part of the world: there are reliefs in Egypt that depict Pharaoh sacrificing to himself, and the ancient Romans also sacrificed to the divine spirit (genius, in Latin) of their Emperor. In Cambodian art, the kings, and also their queens, were frequently portrayed as the gods or goddesses with which they were associated. Jayavarman II (Preah Ko)
dvarapala
A human-shaped figure, usually of a god or warrior, that guards the entrances to temples.
Phimai, Preah Ko
Erawan, or Airavata
The three-headed elephant upon which Indra rides.
Mahamuni Shrine (Mandalay), East Mebon (Angkor), South Gate (Angkor Thom), East Gate (Banteay Srei)
face tower
A Jayavarman VII-style tower that presents four carved faces overlooking the cardinal directions. The faces probably represent Jayavarman VII as
Avalokiteshvara, the Bodhisattva of Compassion, or as some other deity. For a discussion of this identification and some of its alternatives, see the entry (below) for the South Gate at Angkor Thom. Royal Palace (Phnom Penh), Ta Som, South Gate (Angkor Thom), Bayon-1 (Angkor Thom), Bayon-2 (Angkor Thom), Gopura V West (Ta Prohm)
farang
[Thailand] A foreigner; the word is derived from the Thai pronunciation of "French."

Garuda
A bird-man, Vishnu's mount. Garuda is the enemy of snakes, and can often be seen grasping them in his claws. His iconography encompasses a variable mixture of human and avian features, but usually includes at least a pair of wings and a beak.
Preah Khan (Angkor), Elephant Terrace (Angkor Thom)
gopura
A gateway that leads through an enclosure wall and into a temple precinct; often elaborated with its own pediment, roof, and lintels.

grotesque (noun)
An amusing, exaggeratedly distorted figure. The word comes from the grottoes of ancient Rome, where such figures are painted on the walls.
Sulamani T. (Pagan)
gu
[Pagan] A
temple proper, as opposed to a stupa. Temples have an interior space for worship that can be accessed from the outside. Stupas have a solid interior and cannot be entered. Although the word "gu" literally means "cave," the Pagan temples developed from early free-standing temples in North India. In Pyu-style temples, the Indian sikhara is replaced by a stupa-like finial. Nan-hpaya
hamsa
A goose, the animal on which Brahma rides.
Nan-hpaya
harmika
A square railing that surrounds the pole on top of a
stupa
Indra
The King of the Gods in early Hinduism. His domain is the sky; he is associated with rainstorms, and carries a thunderbolt (vajra), like the Greek god Zeus. His elephant mount
Airavata symbolizes clouds and thunder. In later Hinduism, Indra retains his formal title but becomes subordinate to Vishnu and Shiva, and is also pressed into service as the dikpala (directional guardian) of the East. In Buddhism, Indra and Brahma accompany Buddha in his descent from Trayastrimsha heaven. Shwe-zigon (Pagan), Ananda T. (Pagan), Banteay Srei (Cambodia)
Jataka
Stories of the Buddha's past lives, in which he demonstrated the virtues of compassion and self-sacrifice that ultimately led to his final incarnation,
victory over Mara, and enlightenment.
kala, or kirttimukha
A partial "monster" face usually seen on lintels above a temple entrance, where it serves a protective (apotropaic, or turning-away-evil) function, with garlands depending from the kala's mouth. The lower jaw is usually missing but sometimes present. Infrequently, a pair of tiny arms may be sketched in below the face. Usually called "kirttimukha" in India, although some experts make a distinction between the two terms according to whether the face is biting down on the garlands (Kirttimukha) or isolated from them (Kala).

kalasa
A pot symbolizing fertility and abundance, like the European cornucopia ("horn of plenty").
Nan-Hpaya, Phnom Rung
kyaung
(Burma) A monastery.

Lakshmi
A Hindu goddess, Vishnu's consort and symbol of good fortune and wealth. Her primary attribute is the lotus flower.
Nan-Hpaya, Prasat Kravan, lustration (East Mebon)
libraries
Auxiliary temple buildings that are found in pairs, one on each side of the main axis of a temple, and aligned to that axis, in front of the temple platform. These buildings are called "libraries" because they were formerly thought to contain copies of the scriptures. Their actual function is unknown, but by now the term "library" is unfortunately imbedded in the literature. They might have been storerooms or treasuries, containing temple paraphernalia, or possibly shrines containing the sacred fire.
Bayon (Angkor Thom), Banteay Srei
lintel
A rectangular crosspiece that spans an opening such as a door or a window (see:
arch).
Mahayana
A type of Buddhism that emphasizes the assistance of savior-like figures (Bodhisattvas) in helping devotees to achieve salvation.

Maitreya
The Buddha of the Future, who will appear at a time when the Buddhist teachings have been lost, in order to reestablish the Dharma.

makara
A composite animal that is a sort of sea-monster, like a sea-snake with crocodile head and an elephant's trunk. It is a key part of the decoration on many temple lintels and arches, with garlands of foliage or, often, another snake issuing from the mouth.
Nan-Hpaya, Phnom Rung, Kamphaeng Yai, Wat Burapharam (modern)
Mara
See victory over Mara
Mucalinda
A multi-headed naga that sheltered the Buddha under his hood during a rainstorm. The subject is frequently represented in Southeast Asian sculpture.
Chaiya, 1240 (Bangkok NM), Lopburi, 13c (Bangkok NM), Naga Yon, 19c (Amarapura)
mudra
A symbolic hand-position, used when depicting a divinity. Common mudras include –
anjali (palms together as if praying: submission, adoration)
abhaya (palm out, fingers pointing up: "fear not")
bhumisparsha (fingertips touching the earth: Buddha calling the earth to witness his steadfastness)
dharmachakra (fingers intertwined: preaching)
dhyana (palms cupped in lap: meditation)
varada (palm out, fingers down: giving a blessing)
vitarka (palm out, thumb and forefinger touching in "OK" sign: teaching)

naga
The snake or dragon, a creature of myth and legend. In Southeast Asia, nagas take on many roles: [1] They represent the lunar clans of dynastic origin myth, in which a naga princess who is native to the region marries a solar clan prince from India. [2] Conflict between Aryans and indigenes may underlie the symbolism of
Garuda (Vishnu's mount, a solar symbol) clutching the naga in his claws. [3] Nagas appear on the balustrades of temple causeways and platforms ("naga bridges"), where they personify the rainbow as a bridge between the earthly and celestial worlds. Often represented in art are [4] the serpent Shesha, on which Vishnu reclines during his cosmic sleep; [5] the faithful Mucalinda, who shelters Gautama Buddha during a storm; and [6] Vasuki, the cosmic serpent who is "roped" into Churning the Sea of Milk. naga bridge (Phimai), naga bridge (Phnom Rung), multi-headed naga (Phnom Rung), makara disgorging naga (Phnom Rung), makara disgorging naga (Kamphaeng Yai), cruciform terrace (Angkor Wat), relief of Churning the Sea of Milk (Angkor Wat), naga bridge with Churning the Sea of Milk (Preah Khan), naga bridge with Churning the Sea of Milk (Angkor Thom)
Nandi
A bull,
Shiva's vehicle. The courtyard of most Shiva temples includes a sculpture of Nandi, who kneels riderless and faces the shrine in adoration. Preah Ko
nats
The native, animist gods of Burma. In earlier times they may be portrayed as generic nature spirits, but in later times the most important of them are given individual names, attributes, and histories.
Dancing Nats (Pagan), Ananda Temple (Pagan), Indra as King of the Nats (Pagan), 37 Nats (Pagan), Mahamuni Shrine (Mandalay)
pagoda
1. In East Asia: A tall, slender tower with multiple storeys, each storey being demarcated by a distinctive type of roof that curves upwards at the corners, and that functions as a
stupa, temple, or similar memorial. 2. In Southeast Asia: A paya.
parinirvana
The moment of the Buddha's death and entry into nirvana, or final transcendence. Represented in art by an image of the Buddha reclining on his right side with the head pointing north.
Manuha (Pagan), Wat Pho (Bangkok), Wat Yai Chai Mongkol (Ayutthaya)
paya
(Burma) "holy one," used as a title for stupas, temples, and similar buildings.
pilaster
An engaged, shallow, rectangular column.

prang
The Khmer-influenced tower of a Thai temple. It is shaped like an elongated tube, with multiple layers and a variety of embellishment.
Origins, Buddhasawan
prasat
(Thai) A temple, with tower, that is elevated on a terrace.

quincunx
A temple plan that has five towers arranged in an "X," as at Angkor Wat.
Sikhoraphum, East Mebon, Ta Keo
redenting
Cutting back the corners of a structure into a series of indented right angles. This stabilizes the structure, introduces a pseudo-curvature in plan, and enhances its perceived verticality in elevation.
Phimai, Wat Chai Watthanaram
sawankhalok
A distinctive ceramic ware of 14c-15c Thailand.
example (Bangkok NM), putative origins.
Shiva
One of the Hindu Great Gods, symbol of the creative and destructive power of nature, and master of Yoga. His attribute is the trident, and he rides the bull
Nandi. The central image in Shiva temples is the linga. Khmer kings usually associated themselves with a particular manifestation of this god.
sideways-pointing feet
Immediately noticable, on most Cambodian temple reliefs of
apsarasas, are the sideways-pointing feet of the dancers. Technicallly, the reliefs are so shallow that a volumetrically extended foot would simply not fit. Artistically, the Cambodians tended to avoid figural perspective. Culturally, their sideways- pointing feet are also consistent with politeness (one should not point one's feet towards a superior). When goddesses appear in shallow relief, the feet are splayed apart rather than side-by-side; guardian figures usually have their feet set normally upon the floor. discussion (Pre Rup), Sikhoraphum, Prasak Kravan, Angkor Wat
stupa
A domed memorial building with a solid core and that enshrines relics of the Buddha or other important persons. The relics are buried inside the solid interior. Actual relics might include ashes, hairs, bone fragments, or other cremated remains. Symbolic relics might include jewels, statues, or texts.
Stupas range in size from three hundred feet tall to less than six feet tall. They are made of brickwork, stone, or bronze, often gilded or whitewashed. It is considered meritorious to renew their exterior coatings periodically, sometimes to such an extent that their original decoration can no longer be made out.
The most important architectural parts of a stupa, from the bottom up, are: 1. a square, elevated platform which supports the rest of the structure, and around which the worshipers circumambulate clockwise; 2. The anda (body) of the stupa, shaped like an inverted bowl or bell; 3. if the stupa is bell-shaped, a tapering neck which extends upward from the body of the bell; 4. a yasti (pole), which symbolizes the world axis; 5. the harmika, a square railing which encloses the pole as a sacred space; and 6. a set of chattras (umbrellas), centered on the pole and diminishing in diameter towards the top, which signify honor and protection like the umbrellas held over the head of kings, abbots, and other important people.
Shwedagon Paya (Rangoon, Burmese style), Wat Maheyong (Ayutthaya, Sri Lankan style)
telamon
An architectural figure that supports a superstructure; for example, a classical Atlas or caryatid.
Wat Phra Kaeo, Wat Prasat Burapharam, Angkor Thom, and in India
temple
A building, essentially the house of the god, with interior space that is used for worship. Temples in Southeast Asia may be Buddhist, Hindu, or both. Their basic nomenclature is the same as temples in India. The most important part of a temple is the sanctuary, which includes both the garbhagriha (shrine that houses the main image of the god) and the sikhara (tower that is built over the shrine). The sikhara symbolizes Mt. Meru, the home of the gods (like Mt. Olympus in the West). Usually, a mandapa (entrance hall) provides access to the shrine. In some temples an antechamber, called the antarala, is built between the mandapa and the garbhagriha.

temple orientations
Most temples in Southeast Asia face East, towards the rising sun. Exceptions include:
Angkor Wat (W), Phimai (SE), Preah Pithu (W), Preah Vihear (N), Preah Khan (W)
Trayastrimsha Heaven
The home of the gods on Mount Meru. Also called "The Heaven of the Thirty-three Gods." Here Buddha preached a sermon to his reborn mother and to the gods, after which he descended again to earth, accompanied by Brahma and Indra. In depictions of this scene, Brahma (four heads, hair piled up, holding a parasol over the Buddha) is on the viewer's left; Indra (one head, wearing a crown) is on the viewer's right. Many variations are possible: the positions of Brahma and Indra may be reversed, Indra may hold the parasol, and one or both deities' attributes or headgear may be omitted or altered.
Walking Buddha (Bangkok NM), Shinbyumei Paya (Burma), Walking Buddha (Pagan), Seated Buddha with Brahma and Indra (Pagan)
tympanum
The area between an
arch and its lintel.
Victory Over Mara, or Temptation Of Mara
An event in which the meditating Buddha triumphs over Mara, a demon who sent horrific and seductive visions (the Army of Mara and Daughters of Mara) to distract him from achieving his goal. At the climax of the event, Buddha
calls the Earth to witness the merit of his past lives and his right to receive enlightenment. Ta Prohm (Angkor)
viharn
A temple building that houses the principal Buddha image.

Vishnu
One of the Hindu Great Gods, who upholds cosmic law and righteousness through many incarnations. His attributes include the chakra (a disk or wheel that is both a weapon and a solar symbol), conch (blown before battle), orb (symbolizing the earth), and club. His best-known avatars (incarnations) are Rama, the hero-king of the Ramayana, and Krishna. He rides Garuda, a bird-man who is the enemy of
snakes and is usually depicted grasping them in his claws. Sukhothai, 14c (Bangkok NM), Wat Phu, Krishna Killing Kamsa (Angkor Wat), Krishna (or Vishnu) Killing Two Enemies (Angkor Wat), Arjuna and Krishna (Angkor Wat)
wat
A walled monastic complex in Southeast Asia that typically contains shrines, temples, chedis, and other monastic and religious buildings. Southeast Asia today is mostly Buddhist. Historically, though, wats can be Hindu, Buddhist, or mixed Hindu/Buddhist. Usually there is a surrounding cloister with sculptures of the seated Buddha, bas-reliefs (as at Angkor Wat), or paintings (as at Wat Phra Kaeo). The principal shrine is typically surmounted by a prang and represents Mount Meru, the traditional home of the gods. In Buddhist wats, chedis entomb relics of the founder, his family, Buddha, or other revered persons. Services are performed in the ubosot (main chapel, or "ordination hall") and in the lesser chapels (bots). The principal image of the Buddha is housed in the viharn ("image hall"). Libraries contain copies of the scriptures and monastic texts, and there are separate buildings for dining, sleeping, administration, etc. Royal wats, which are private temples for the use of the royal family, do not have a resident community of monks, but otherwise follow the above pattern.

yaksha
An auspicious nature-spirit, guardian of wealth and symbolic of fertility and abundance.
Dvaravati, 8c-9c (Bangkok NM)
Yama
The Lord of the dead and directional guardian of the South, multi-armed and holding clubs. His mount is the buffalo.
Angkor Wat, Phimai, Leper King (Phnom Penh NM), Bakong (Angkor)