Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Việt Nam Khai Quốc: Ảnh hưởng Phật giáo (chương 2, phần 4)

Keith Weller Taylor


Tượng Phật Borobodur ở Java, Nam Dương. Phật giáo đến Việt Nam vào thế kỷ 2 thuộc thời đại Sĩ Nhiếp qua những giao thông thương mại từ Đông Nam Ấn Độ và những quốc gia ở vùng biển Nam Hải

Một sắc thái của văn hóa Việt Nam đã nảy nở trong thời kỳ Sĩ Nhiếp cai trị là Phật giáo. Như chúng ta đã thấy, sử chép rằng những người theo Sĩ Nhiếp gồm có nhiều người Hồ. Hồ là tên người Trung Quốc đặt cho những nhóm dân tộc khác nhau, kể cả những người từ Ấn Độ hay Trung Á. Thật vậy, có một số đông người Ấn Độ và người Trung Á sống ở Giao Châu vì lý do thương mại hay tôn giáo. Vào lúc đó, vương quốc Kushana ở Bắc Ấn Độ phát động thương mại và truyền bá Phật giáo ra khắp các phần đất ở Á Châu và Giao Châu đã tiếp thu rất bén nhạy Phật giáo qua các tiếp xúc với phía Tây. Một người Hồi ở Giao Chỉ là Khương Tăng Hối có tiểu sử được người Trung Quốc ghi lại. Gia đình Khương Tăng Hối nguồn gốc ở xứ Sogdiana vùng Trung Á, nhưng đã có nhiều thế hệ gia đình lập nghiệp ở Ấn Độ. Cha của Tăng Hối định cư ở Giao Chỉ và chết ở đó. Sau khi cha chết, Tăng Hối đi tu và thành chú tiểu năm lên 10 tuổi. Ông đọc sách Nho và học đạo Phật; ông dịch nhiều kinh điển Phật giáo từ chữ Phạn sang chữ Nho. Về sau, lúc có tuổi, ông du hành lên miền Bắc, sáng lập ra nhiều thiền viện và xây dựng chùa chiền. Năm 24, ông đứng làm lễ quy y Tôn Quyền theo đạo Phật và do đó, truyền bá Phật giáo vào triều đình nhà Ngô. Ông mất năm 180. Tiểu sử của ông viết ông là vị tăng lữ đầu tiên đến Đông Ngô.


Tháp mộ chùa Phật Tích, Bắc Ninh, nơi được gọi là “cái nôi của Phật giáo Việt Nam

Thời đó, Giao Chỉ là trung tâm để truyền bá Phật giáo vào Trung Quốc. Một tăng lữ người Indo-Scythian là Cường Lương Lâu đã dịch kinh Phật ra tiếng Giao Chỉ vào thế kỷ thứ 3. Cũng vào khoảng thời gian ấy một người Ấn khác là Kì Vực đi thuyền lên Phù Nam rồi theo đường bộ đi dọc bờ biển, làm những phép lạ khiến dân địa phương rất quan tâm đến Phật Giáo. Ông tới Lạc Dương vào gần cuối thế kỷ. Sử liệu Trung Quốc chép rằng những vị này là những người duy nhất đáng tôn kính trong số các tăng lữ Ấn Độ hay Trung Á; khoảng vài chục người đã được Sĩ Nhiếp giữ lại ở Giao Chỉ làm môn khách.

Tượng đá chùa Phật Tích, Bắc Ninh

Đồng thời với những tăng lữ từ miền Nam đến, cũng có những người khác cùng đạo đã đến từ miền Bắc. Bài tựa cuốn “Mậu Tứ”, một cuốn sách luận về Phật giáo, đã mô tả tình hình ở Việt Nam dưới thời Sĩ Nhiếp. Bài này nói đến Mậu Bác, người sanh vào khoảng giữa 165-170 ở Thương Ngô. Mâu Bác đã sống ở Giao Chỉ lúc còn trẻ, và trở về Thương Ngô khoảng năm 190. Ông hấp thụ được một nền học vấn về Lão giáo, nhưng cuối cùng ông lại quay sang đạo Phật. Bài tựa có những chi tiết quý báu nói về cái không khí văn hoá thời đó như sau:

Vào thời đó, sau cái chết của Hoàng đế Linh (189), đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn. Chỉ có Giao Chỉ là được tương đối yên ổn. Có những người khác thuờng ở miền Bắc đến đó sinh sống. Nhiều người quan tâm đến việc thờ cúng các thần linh, tịch cốc và tu đạo trường sinh bất tử. Nhiều người tận tâm học hỏi những môn đồ. Mâu Bác không ngừng chống đối những hành động ấy, và viện những sách Tứ Thư, Ngũ Kinh của Trung Quốc ra; và không một đệ tử Lão Giáo hay đạo thờ thần linh nào dám tranh luận với ông.

Phật giáo Việt Nam bắt nguồn từ giữa thời kỳ đó. Việc truyền bá đạo Phật vào Việt Nam đi đôi với việc xây dựng bốn ngôi chùa ở chung quanh vùng Luy Lâu trong thời gian Sĩ Nhiếp cai trị. Những chùa này là chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện thờ các vị Phật về mây, mưa, sấm sét và điện chớp. Huyền thuyết về những ngôi chùa này như sau: Vào thời ông Sĩ Nhiếp, một tăng lữ là Từ Đinh ở Phù Nam, hạ lưu sông Mekong đến ngụ ở một ngôi làng gần Luy Lâu, và tu phép khổ hạnh. Ông là một nguời giản dị, không nghĩ gì đến tiền bạc, tài sản. Ông lấy tên là Man, nghĩa là man di, và có một người con gái, đặt tên là Man Nương, có nghĩa là “tiểu thơ man di.”

Cuối đời hoàng đế Linh (168-89), một người đạo Bà la môn từ miền Tây Ấn Độ, tên là Khâu Đà La từ phía Nam đến. Ông cũng trổ tài những phép lạ và truyền bá đạo Phật. Từ Đinh tôn thờ ông như một vị Phật sống và giữ ông ở lại với mình như một vị khách. Con gái của Từ Đinh là Man Nương trở thành đệ tử của Khâu Đà La, theo ông học đạo Phật và pháp thuật làm mưa, làm gió. Về sau, danh tiếng của Man Nương đến tai Sĩ Nhiếp sau khi bà trổ tài chấm dứt được một nạn hạn hán bằng phép thuật thần thông của bà.

Lại có một lần, một trận bão đánh bật gốc cây bàng to lớn và thổi bay cây ấy đến trước dinh Sĩ Nhiếp. Ba trăm người lực lưỡng không khiêng nổi cây ấy đi chỗ khác. Đến khi bà Man Nương nhấc cây ấy lên một cách dễ dàng thì thấy đó là một linh vật. Có bốn bức tượng được thấy trên thân cây tượng trưng các Phật về Mây, Mưa, Sấm Sét và Điện Chớp. Thế là những ngôi chùa được dựng lên để thờ bốn vị Phật đó. Về sau, Sĩ Nhiếp lại cho dựng một ngôi chùa gọi là Phúc Nhân để bà Man Nương về đó tu, gọi là “Chùa Hang Thần.”

Từ truyền thuyết đó, rõ ràng Phật giáo được lan truyền trong dân gian, một phần như cách chế ngự những thay đổi bất thường của thiên nhiên trong bối cảnh nông nghiệp. Bằng cách lập những ngôi chùa này, thờ những biểu thị của thời tiết và đặt tên theo các đấng hiện thân của Phật, người Việt Nam củng cố truyền thống văn hóa sẵn có của họ với chính thể của những tư tưởng mới. Sự tích bà Man Nương hơn nữa chứng tỏ vai trò quan trọng của phụ nữ trong văn hoá và xã hội Việt Nam thời cổ.

Huyền thoại Đầm Nhất Dạ cũng bao hàm ảnh hưởng Phật Giáo khiến một học giả Việt Nam vào thế kỷ 19 viết bài thảo luận về “các tăng lữ Phật Giáo Ấn Độ vào thời các vua Hùng. ” Bất kể bản gốc của huyền thoại này, điều rõ rệt là nó đã giữ nguyên hình thù từ thời đại Sĩ Nhiếp vì những chi tiết Phật giáo trong huyền thoại đã phản ảnh thời đại này. Theo huyền thoại Đầm Nhất Dạ, công chúa Tiên Dung, các hoàng tử của vua Hùng và chồng của công chúa là Chử Đồng Tử đã tổ chức một ngôi chợ sầm uất có các thương nhân nước ngoài lui tới. Khi đã được giàu có rồi, Chử Đồng Tử có lần đi theo một thương nhân làm một chuyến du hành trong vùng biển Nam và mang theo ít vàng. Họ ngừng lại nghỉ ngơi ở một ngọn núi ở bờ biển. Và trong khi thương nhân đi tìm nước ngọt uống, Chử Đồng Tử trèo lên đỉnh núi. Ở đó ông thấy túp lều của một tu sĩ Phật giáo Ấn Độ, tên là Phật Quang. Chủ Đồng Tử quyết định ở lại đó với tu sĩ. Ông đưa vàng cho thương nhân bảo đi mua hàng và lúc về, ghé lại đón ông cùng về.

Trên đỉnh núi, Phật Quang truyền cho Đồng Tử những lời dạy của Phật và ban cho ông một cây gậy biểu tượng vương quyền và một cái nón rơm biểu tượng vương miện. Khi Đồng Tử trở về với công chúa Tiên Dung, ông kể lại cho bà nghe những gì ông đã học được. Về sau, hai ông bà từ giã cuộc đời thương mại và đi du hành đây đó để tìm sư phụ học đạo. Có một lần, hai ông bà về nhà quá muộn và phải ngủ qua đêm ở ngoài bờ ruộng dưới cái bóng của cây gậy dựng lên, trên chụp cái nón rơm. Sáng hôm sau, khi thức dậy, cây gậy và chiếc nón đã biến thành một toà lâu đài nguy nga trang hoàng đầy những đồ châu báu.

Mối liên hệ giữa các thương nhân đi biển với sự truyền bá đạo Phật mô tả tình hình lịch sử thời Sĩ Nhiếp. Điều đặc biệt lý thú là câu chuyện về quyền phép, pháp thuật của Phật được biểu hiện qua sự xuất hiện của tòa lâu đài do phép lạ từ cây gậy và cái nón, như muốn nói rằng sự thành tâm thờ Phật được gắn liền với sự giàu có về thương mại. Phật giáo có ý nghĩa rất lớn trong giang sơn của Sĩ Nhiếp. Ông bảo trợ các tăng lữ Phật giáo; do đó ông chính thống hóa quyền hành của ông trong con mắt tất cả những tín đồ Phật giáo mới. Việc lập chùa để thờ các vị Phật bảo trợ cho nông nghiệp được sung túc, cho thấy Phật Giáo đã xâm nhập một cách có ý nghĩa vào giới nông dân. Như vậy, trong con mắt của dân, quyền hành của Sĩ Nhiếp được tăng mạnh thêm bởi ông có vị trí như một nhà cai trị tôn thờ Phật giáo.

Đây là thời kỳ mà Việt Nam xét lại hướng văn hóa của mình. Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, tất cả đều phát triển qua những mức độ khác nhau. Phật giáo đặc biệt thu hút những thường dân qua sự hội nhập ôn hòa của tôn giáo này vào việc thờ phụng thần linh bản xứ của họ, sự thờ thần cây cối hay những thần quyền khác. Lớp người cầm quyền phần nhiều theo Khổng giáo vì học vấn, giáo dục của họ. Lão giáo đứng giữa Phật giáo và Khổng giáo. Nhiều người, ngoài công khai theo Khổng giáo, nhưng ở chỗ riêng tư theo Lão giáo. Và nhiều người theo Lão giáo thấy Phật giáo chỉ cách Lão giáo một bước ngắn.

Vào gần cuối triều Hán, Lão giáo có khuynh hướng chính trị hóa và nhiều khi có ý hướng chống đối chế độ đương thời. Khuynh hướng này vẫn tồn tại ở Hoa Trung trong nhiều thế kỷ sau. Nhưng truyền thống Lão giáo ở miền Nam, tuy nhiên chú tâm vào việc tu đạo trường sinh bất tử thay vì về các vấn đề chính trị. Thuốc trường sinh mà những đệ tử Lão giáo pha chế thì sẵn có ở miền Nam, và có nhiều đỉnh núi cao có tiếng là nơi những đệ tử Lão giáo bất tử đã từ giã cõi trần bay vào tiên giới. Những tín ngưỡng địa phương đặt vào các thần linh, thần quyền đã thay đổi được rất nhiều ảnh hưởng của cả Lão giáo lẫn Phật giáo.

Tượng Phật ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội
Tuy Việt Nam có sự gắn bó chính trị với Trung Quốc, những luồng văn hóa quan trọng tiếp tục được đón tiếp từ các miền Nam Hải. Vào thời nhà Đường, ảnh hưởng trước nhất của Phật giáo đến từ miền Đông Nam Ấn Độ bằng đường biển thay vì đường bộ từ Bắc Ấn. Những bức tượng Phật thời nhà Đường đào được ở Quảng Tây cho thấy những nét giống như tượng Borobodur ở Java và khác nhiều với những tượng kiểu Gandharan ở Tây Bắc Trung Quốc. Thời kỳ thịnh vượng ở Giao Chỉ dưới thời Sĩ Nhiếp cũng trùng thời văn minh Ấn Độ phát triển đầu tiên ở Đông Nam Á và do đó, Giao Chỉ được hưởng lợi rất nhiều từ sự phát triển này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét