Vì sự HỖN LOẠN ĐẦY CHẤT MÊ TÍN DỊ ĐOAN của chuyện Khai ấn thời Trần, tôi đang viết dở 1 entry thì đọc bài Khai quật “sự thật” hàng trăm năm triều Trần đăng lúc 13:45 ngày thứ Hai 08/03/2010 ở 24h.com.vn
Đây là 1 bài báo “có nhiều vấn đề”.
Xin chép nguyên văn:
(24h) – Những bí mật cách đây hàng trăm năm đã được hé mở và được tiết lộ với một thái độ khách quan nhất về triều đại của nhà Trần.
Bí mật gì sẽ được hé mở?
Cơ quan chức năng tỉnh Nam Định vừa phát hiện một bộ ấn quý liên quan đến vương triều nhà Trần tại điện Văn Lộc, xóm Phúc ( xã Mỹ Thuận, Mỹ Lộc). Đây là phát hiện có ý nghĩa lớn liên quan đến một vương triều oanh liệt trong lịch sử nước ta. Từ đây, lễ khai ấn tại đền Trần có thể sẽ bước sang một trang mới.
Bí mật hé mở
Là một vùng quê thuần nông nên cuộc sống của người dân thôn Phúc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng thiếu gì thì thiếu chứ về mặt văn hóa tinh thần thì ở đây luôn nồng ấm, tràn trề.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có việc ông Trần Đăng Khoa – nguyên Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc tới nhà ông Trần Quốc Toản chơi chúc Tết.
Trong lúc chén tạc chén thù ông Khoa nói vui: “ Chú trông coi hương khói cho điện Văn Lộc làng mình, hôm nào chú tới đền xin lấy cái ấn về mà thờ”. Không biết do sơ ý hay do đang trong cuộc vui mà ông Toản buột miệng: “ Làng mình cũng có ấn làm sao mà phải đi xin”. Chính câu nói hớ ấy đã mở ra một bí mật được một số người dân trong làng lưu giữ suốt mấy trăm năm qua.
Khi phát hiện ra bộ ấn quý báu do dòng họ Trần nhà ông Toản cùng mấy dòng họ khác lưu giữ bí mật từ rất lâu, ông Khoa biết ngay đó là một vật linh thiêng, lập tức thông báo lên Sở VH-TT&DL tỉnh.
Sau nhiều ngày kiên trì đeo bám thuyết phục, cuối cùng những người cử trông coi ấn và nhân dân xóm Phúc cũng đồng ý cho toàn chuyên gia về nghiên cứu lô ấn bí mật đó. Sau nhiều tháng trời hồi hộp chờ đợi công việc điều tra, thẩm định của các nhà nghiên cứu, người dân xóm Phúc như vỡ òa trong niềm vui khi biết được ý nghĩa vô giá của bộ ấn mà họ cất công gìn giữ, bảo vệ suốt mấy trăm năm qua.
Những khám phá mới sau cánh cổng triều đại.
Phó GS.TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện Khỏa cổ học cho biết, số ấn được phát hiện tại điện Vạn Lộc là 11 chiếc. Tất cả đều được làm bằng gỗ thị, trong đó quý nhất là chiếc ấn Trần triều quốc bảo có hình vuông ( 13,5cm x 13,5cm, chạm giật cấp ít tầng, dày 3,5cm, rìa cạnh có cỡ 0,9cm ), toàn bộ được sơn son thếp vàng nhưng đã bị bong tróc nhiều chỗ. Mặt ấn có khắc 4 chữ Trần triều quốc bảo được khắc theo lối chữ triện với cỡ chữ 5,3cm x 5,3cm, nghĩa là ấn báu triều Trần.
Núm của ấn khắc hình “ sư tử hý cầu”, dáng sư tử thon khỏe, ngẩng đầu cao hướng về phía trước, dáng vẻ sinh động. Trong quan niệm của người phương Đông, sư tử là chúa tể của muôn loài, nó biểu trưng cho sức mạnh vô biên. Trong khi đó nghệ thuật điêu khắc thời trần đã dùng rất nhiều hình tượng loài vật này. Từ những đặc điểm và nội dung của ấn Trần triều quốc bảo cho thấy đây là một chiếc ấn quan trọng thuộc về một điện thờ lớn nào đó trong hệ thống thờ tự Trần triều.
Các nhà nghiên cứu nói gì?
Nhận thấy giá trị thiêng liêng đặc biệt của bộ ấn, Sở VH-TT&DT Nam Định phối hợp cùng các nhà khoa học trung ương mở một cuộc hội thảo khoa học để nghiên cứu thật kĩ lưỡng bộ ấn vào đầu tháng 7-2009.
Cuộc hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trong nước . Có những lúc hội nghị “ sôi lên sùng sục” bởi những tranh luận nóng bỏng giữa các nhà nghiên cứu. Nhưng cuối cùng giữa họ cũng đưa ra một kết quả thống nhất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì ấn Trần miếu tự điển hiện đang được lưu trữ và sử dụng ở đền Trần và các loại ấn khác là những cổ vật quý giá của quốc gia.
Chúng vừa mang ý nghĩa là đồ vật thờ cúng đồng thời là công cụ chuyển tải văn hóa tâm linh đến tâm thức mỗi người dân. Tuy nhiên, với quy mô ngày càng lớn của lễ Khai Ấn đền trần thì một hình dấu Trần miếu tự điển có lẽ chưa đáp ứng được mong muốn của công chúng.
Cũng theo ông Tín, đem so sánh, phân tích giữa đời Trần triều quốc bảo và ấn Trần miếu tự điển tại đền Trần hội đồng khoa học đã phát hiện ra chúng rất giống nhau từ chất liệu, đường viền… về niên đại của ấn sau khi xem xét, tổng hợp từ nhiều nguồn và nhiều cách khác nhau, các nhà khoa học đưa ra kết luận là ấn Trần triều quốc bảo ra đời khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, còn ấn Trần miếu tự điển tại đền Trần có niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Như vậy có thể nhận thấy rằng ấn “Trần triều quốc bảo” có niên đại, nội dung, giá trị lịch sử, ý nghĩa sâu sắc hơn ấn “Trần Miếu tự điển”. Từ khi bộ ấn “Trần triều quốc bảo” được công bố, rất nhiều nhà nghiên cứu và nhân dân muốn quy tụ bộ ấn về đền Trần trong lễ Khai Ấn đền Trần vừa qua, nhiều nhà khoa học đã đề nghị chuyển cả bộ ấn này sang đền để lễ khai ấn thêm quan trọng, hoành tráng. Thế nhưng, đề nghị này bị từ chối…“
Bài báo có quá nhiều mâu thuẫn.
1- Đầu bài bảo: “vừa phát hiện một bộ ấn quý liên quan đến vương triều nhà Trần“. Nhưng, phần dưới lại thông tin:”Nhận thấy giá trị thiêng liêng đặc biệt của bộ ấn, Sở VH-TT&DT Nam Định phối hợp cùng các nhà khoa học trung ương mở một cuộc hội thảo khoa học để nghiên cứu thật kĩ lưỡng bộ ấn vào đầu tháng 7-2009.“ Hơn nửa năm rồi mà là vẫn là VỪA PHÁT HIỆN ?
2- Đầu bài bảo: “Từ đây, lễ khai ấn tại đền Trần có thể sẽ bước sang một trang mới.” Cuối bài cho biết: “đề nghị chuyển cả bộ ấn này sang đền để lễ khai ấn thêm quan trọng, hoành tráng. Thế nhưng, đề nghị này bị từ chối…”
Tôi cho rằng đề nghị ấy bị từ chối là đúng , vì không thể đưa hiện vật từ di tích này qua di tích khác.
Nghĩa là tác giả đã NHẬN ĐỊNH SAI vì thiếu hiểu biết.
3- Chú thích hình vẽ minh họa (không hợp lắm) là câu hỏi Bí mật gì sẽ được hé mở? Nhưng khi Bí mật hé mở, tôi chẳng thấy như vậy.
BỘ ẤN THỜ (xin nhấn mạnh, vì như thông tin đưa là “toàn bộ được sơn son thếp vàng” có niên đại “khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX” chẳng liên quan gì đến TRIỀU ĐẠI TRẦN để giật tít Khai quật “sự thật” hàng trăm năm triều Trần
Nó gây hiểu nhầm rằng ấn này có từ thời Trần.
Cái sự MÊ TÍN DỊ ĐOAN hiện đang tồn tại quanh các lễ Khai Ấn cũng là từ đó mà ra.
Hàng trăm năm nay, dân xóm Phúc vẫn thờ bộ ấn này bình thường như vậy rồi. Liệu sang năm, điện Văn Lộc, xóm Phúc (xã Mỹ Thuận, Mỹ Lộc) sẽ lại trở thành một nơi “bán ấn mới” như đền Trần Thương (Hà Nam), đền Trần thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình) năm nay?
XIN ĐỪNG ĐEM TIỀN NHÂN RA LÀM KINH TẾ. BUÔN THẦN BÁN THÁNH KHÔNG CÓ KẾT CỤC NÀO HAY HO CẢ ĐÂU!
Đáng ra cùng các nhà nghiên cứu, báo chí phải có nhiệm vụ cảnh tỉnh, giáo dục dư luận thì gần đây, cả báo Nhân Dân cũng đang “vô tình” huyền hoặc hóa một DỊ ĐOAN.
Chuyện này, tôi sẽ đề cập tiếp tục trong entry khác.
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/2010/03/lai-giat-gan-cau-khachtranh-khach.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét