Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Mỗi hiện vật một câu chuyện - Gốm hình lưỡi lợn hay những băn khoăn về cái cà ràng

Năm 1990, anh Chiều được Thầy Vượng trích cho một số tiền từ đề tài NCKH của Thầy vào khai quật Trà Kiệu, nơi mà bắt đầu từ thập kỷ 80 của TK trước bộ môn KCH của ĐHTH Hà Nội đã tiên phong điền dã (sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng từ khai quật của Clayes vào thập kỷ 20 của TK 20).
Hồi đó mình mới về nước, mới ở lại trường, anh Chiều rủ, thích quá đi luôn, dù lúc bấy giờ Hương Ly mới 5 tuổi đang đi mẫu giáo. Mình mang con về gửi mẹ ở Biên Hòa rồi đi tàu hỏa ra Quảng Nam để hết đợt lại lếch thếch vào nam đưa con ra bắc mang theo một cơ số đồ ba mẹ gói gém cho.
Cùng đi khai quật với thầy cô còn có 6 sinh viên chuyên ban, lẽ ra là 7 nhưng một em vào sau. Anh Chiều để lại ít tiền cho sinh viên nhưng rồi em ấy không vào và tiền tạm ứng cũng một đi không trở lại, đời dạy học thi thoảng cũng gặp trường hợp này.
Hố khai quật dưới chân đồi Bửu Châu của đoàn làm phát lộ dấu tích của làng Chăm cổ với diện tích khá lớn, trải rộng ở phần phía bắc của nội thành Trà Kiệu và tập trung nhất ở chân núi Bửu Châu. Trong cả hai tầng văn hóa sớm và muộn từ lớp 27 đến lớp 10 (tầng văn hóa sớm và giữa) đều thấy mảnh vỡ của một loại hình gốm chưa bao giờ thấy trong các địa điểm khảo cổ học miền Bắc Việt Nam. Đó là những mảnh vỡ có hình giống cái lưỡi, trên mép lưỡi có những đường vạch xiên, những người khai quật chúng mình lúc đầu rất lúng túng trong việc xác định chức năng để rồi từ đó đặt tên cho hiện vât.  Anh Chiều, người chủ trì khai quật quyết định gọi đây là hiện vật gốm hình lưỡi lợn chưa rõ chức năng (mặc dù lúc bấy giờ mọi người cũng thiên về khả năng liên quan đến bếp).
Những đợt khai quật sau đó ở Trà Kiệu đã xác nhận gốm hình lưỡi lợn chính là mảnh vỡ của dạng bếp lò bằng đất nung rất hợp với môi trường sông biển và được cư dân miền Trung, miền Nam sản xuất và sử dụng rộng khắp suốt từ thời những thế kỷ cận kề Công nguyên đến tận ngày nay. Có lẽ loại bếp lò đất nung (cà ràng) phát hiện trong di tích khảo cổ học sớm nhất hiện nay là ở Cần Giờ TP.Hồ Chí Minh có niên đại vài thế kỷ trước CN. Bếp lò đất nung miền Trung Việt Nam có niên đại xuất hiện muộn hơn một chút, từ thế kỷ 1 sau Công nguyên.
Sau này, trong nhiều địa điểm Champa giai đoạn sớm và giai đoạn phát triển (từ TK 1SCN đến 7,8 SCN như Trà Kiệu, Cổ Luỹ-Phú Thọ, Thành Hồ... ) cũng tìm thấy mảnh vỡ của bếp lò. Những phát hiện loại hình này ở Trà Kiệu, Cổ Luỹ-Phú Thọ (Quảng Ngãi) và Thành Hồ (Phú Yên) cho thấy, bếp lò Trà Kiệu phong phú và đa dạng hơn về hình loại và chất liệu, được chế tác cầu kỳ hơn, bếp lò Cổ Luỹ-Phú Thọ và Thành Hồ gần nhau hơn về cả kiểu thức, chất liệu và tạo hình.
Loại hình bếp lò đất nung này  hiện vẫn được sử dụng nhiều ở miền Trung và Nam Việt Nam.


 Những mảnh bếp lò đất nung trong đợt khai quật Thành Hồ năm 2003
 Bếp lò đất nung trong tầng văn hóa dưới của Trà Kiệu (anh Chiều đã bỏ công rất nhiều để phục dựng lại cái bếp này)
Bếp lò đất nung ở địa điểm Nhơn Thành, Long An thuộc văn hóa Óc Eo, niên đại TK 4 SCN (ảnh của Nishimura)
Bếp lò đất nung Trà Kiệu (văn hóa Champa) này không khác lắm so với bếp Nhơn Thành (văn hóa Óc Eo)

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Mỗi hiện vật một câu chuyện – Tấm bia Võ Cạnh


Thông tin trên Internet về Bia Võ Cạnh xem ra có những điều chưa thật up date.
Hay Đây là tấm bia sớm nhất của vương quắc Chămpa. Bia được khắc bằng chữ Sansklit (chữ Phạn) đã cho biết: Sri Mara là người đã sáng lập triều đại đầu tiên của tiểu quốc Nam Chăm, thủ phủ đóng tại vùng Panduranga (vùng Phan Rang ngày nay, còn kinh đô của tiểu quốc Bắc Chăm (theo sử Trung Hoa còn gọi là Lâm ấp) đóng ở Simhapura - vùng Trà Kiệu ngày nay. Sau đó, vào khoảng thế kỷ VII hai tiểu vương quốc này hợp nhất thành vương quốc Chămpa, Simhapura được chọn làm kinh đô). Ngoài ra, tấm bia còn cho biết ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ cùng vai trò quan trọng của giới tăng lữ ở tiểu vương quốc này. Với toàn bộ nội dung văn bia được khắc bằng chữ Sansklit (chữ Phạn) đã thể hiện sự du nhập nền văn minh Ấn Độ vào cư dân Chăm khá sớm (khoáng thế kỷ I sau Công nguyên). ( những chữ viết sai mình để nguyên như trong văn bản)
http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Trung-bay/AAbt/?AAbout_catid=221&AboutId=1110
Trong lúc đọc luận án tiến sĩ “Origin of Champa” của William Southworth và ở chương 3 "The Epigraphic Context: Sanskrit and Cam Inscriptions" mình lượm được một vài thông tin hữu ích như sau về bia Võ Cạnh.
Bia kí bằng chữ Phạn sớm nhất ở Đông Nam Á được xác định là tấm bia tìm thấy ở làng Võ Cạnh, phía Tây thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Tấm bia này được Etienne Aymonier kiểm tra và dập thác bản năm 1885, được Abel Bergaigne mô tả và xác định niên đại vào năm 1888. Năm 1915 văn bia này được Louis Finot kiểm tra lại trong một bài tạp chí “Bia ký của Bảo tàng Hà Nội”.
Về nơi tìm thấy tấm bia này Finot cho rằng tấm bia được lấy từ làng Phú Văn hay Phú Vinh sát làng Võ Cạnh gần một tháp gạch đã bị phá hủy để lấy gạch làm đường.
Tấm bia này hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội (ảnh trên).
Từ khi được phát hiện đến nay, bia Võ Cạnh được nhiều nhà nghiên cứu châu Âu và Ấn Độ quan tâm cả về cổ tự học, văn bản học, chính trị học, lịch sử học và tôn giáo học…
Về nội dung và niên đại: bản dịch được coi là đầy đủ và chính xác nhất (cho tới nay) là bản của Jean Filliozat năm 1969, cùng với bản dịch này còn có bài nghiên cứu của Claude Jacques về cùng chủ đề. Theo Claude Jacques, chữ khắc từng phủ trên ít nhất ba mặt của tấm bia này.
Trước đây, một số nhà nghiên cứu xác định bia Võ Cạnh có niên đại sớm, thế kỷ 2 SCN, Sri Mara người có tên trong văn bia được đồng nhất với Khu Liên, vị vua đầu tiên của nhà nước Lâm Ấp.
Niên đại thế kỷ 2 SCN của tấm bia này đã là chủ đề thảo luận lại và khảo sát lại suốt từ cuối thế kỷ 19 đến nay. Hiện nay, theo ý kiến của đa số các nhà nghiên cứu, bia Võ Cạnh không thể có niên đại sớm như thế. Bia được nghiên cứu so sánh với văn khắc của triều đại Ikşvãku ở Nãgãrjunakoņda vào cuối thế kỷ 3 SCN.
Theo W.Southworth, bia Võ Cạnh không cho thấy một sự di thực trực tiếp và thực dân của tôn giáo và văn học Ấn Độ vào Đông Nam Á mà  thể hiện một sự thích ứng đặc biệt với những hình thức văn hóa Ấn Độ của tầng lớp quý tộc bản địa.
Theo bản chuyển tự của dòng thứ 10 của Jean Filliozat in năm 1969, bia kí Võ Cạnh được làm để: “par celui qui est la joie de la famille de la fille du petit-fits du roi Śrîmãra”. Sự thể hiện này cho thấy giữa vua Śrî Mãra và tác giả của dòng bia ký cách nhau ít nhất 4 đời và khó có thể cho rằng bia Võ Cạnh gắn với Phù Nam. Jean Filliozat cũng cho rằng những chữ ‘joie de la famille’ không có nghĩa là con trai (a son) và trên thực tế, tác giả của dòng bia kí có thể không phải là hậu duệ của Śrî Mãra mà là con rể - người kết hôn theo quy chuẩn dòng Mẹ. Điểm then chốt của dòng dõi này rõ ràng là con gái của cháu của Śrî Mãra của gia đình mà tác giả dòng bia ký là thành viên và trật tự phân tầng theo dòng mẹ cũng được thể hiện qua tinh thần của bia ký.     
Kế thừa theo dòng mẹ và ở rể được thực hành rộng rãi trong tất cả các cộng đồng cư dân Nam Đảo hiện nay ở miền Nam Trung bộ Việt Nam và có thể bia ký Võ Cạnh mặc dù được thể hiện trong bối cảnh của việc sử dụng ngữ pháp ngôn ngữ Phạn phức tạp, vần luật kāvya cổ điển và những khái niệm triết học Ấn Độ nhưng về căn bản có xuất phát từ những liên quan xã hội bản địa.
Tầm quan trọng của chữ Phạn ở giai đoạn này khi mà đa phần bia ký và thư tịch cổ ở Ấn Độ đều ghi bằng chữ Prakrit ẩn trong sự thừa nhận mang tính quốc tế như là ngôn ngữ của tôn giáo bên ngoài Ấn Độ, đặc biệt là ở Trung Á, Trung Quốc và ĐNA. Điều này cũng liên quan đến vị thế cảng độc lập của Nha Trang trên con đường hải thương quan trọng từ Ấn Độ đến Đông Nam Á và Đông Á.
Tóm lại bia Võ Cạnh hiện nay được xác đinh niên đại vào cuối thế kỷ 3SCN, liên quan đến xã hội của cư dân Nam Đảo. Śrî Mãra không phải là Khu Liên của Lâm Ấp và cũng không phải là Fan Shiman của Phù Nam.

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

"Sứ Hizen của Nhật Bản xuất khẩu đến Đông Nam Á nửa cuối thế kỷ 17 đến nửa cuối thế kỷ 18".

Một số thu hoạch từ buổi thuyết trình của GS. Ohashi Koji với chủ đề "Sứ Hizen của Nhật Bản xuất khẩu đến Đông Nam Á nửa cuối thế kỷ 17 đến nửa cuối thế kỷ 18".

1. Lai lịch của sứ Hizen: Vào thế kỷ 16 khi nhu cầu về sử dụng đồ sứ gia tăng, năm 1580 tại vùng Hizen người ta bắt đầu học làm sứ theo kỹ thuật Triều Tiên. Năm 1593 một số thợ thủ công làm sứ  người Triều Tiên được đưa sang Nhật Bản. Năm 1644 ở Trung Quốc có sự thay đổi  vương triều, do vậy sản xuất và xuất khẩu sứ Trung Quốc suy giảm. Nhật Bản không nhập được sứ Trung Quốc nên phải phát triể sản xuất trong nước. Lúc này gốm sứ Narita (Hizen) độc chiếm thị trường trong nước.
Gốm sứ Hizen từ đó phát triển về kỹ thuật theo Trung Quốc và nhờ đó sản xuất được những hàng mỏng, đẹp như sứ Trung Quốc.   
2. Nghiên cứu rất sâu có thể xác định niên đại của hiện vật sai số khoảng 2-3 năm và xác định được nguồn gốc xuất xứ từ lò sản xuất đến chủ lò.
3. Nghiên cứu liên ngành, sản xuất và xuất khẩu sứ trong mối liên quan chặt chẽ với tình hình chính t...rị, kinh tế, văn hóa của nước Nhật và thế giới.
4. Nghiên cứu khách quan, sẵn sàng công nhận rằng: "Nhật Bản không thể tự thân sản xuất những đồ sứ nếu không học tập Triều Tiên và Trung Quốc".
5. Cả sự hưng thịnh của sứ Hizen (sản xuất và xuất khẩu), cả sự suy tàn của sứ Hizen nhất nhất đều phụ thuộc vào chính sách đóng cửa hay mở cửa của Trung Hoa
6. Đồ làm để xuất khẩu chỉ để xuất khẩu không bán và không dùng trong nội địa Nhật Bản
7. Khởi đầu của sứ Hizen là từ Triều Tiên, sau người Nhật học thêm kỹ thuật nung, men... của Trung Quốc. Nhật Bản học đến nơi đến chốn và sau đó nâng cao để tạo ra sản phẩm mang phong cách, tinh thần Nhật Bản.
8. Sứ Hizen thật sự đã chớp thời cơ, chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là thay thế sứ Trung Quốc ở thị trường châu Âu trong một thời gian khá dài (vụ này chắc chắn hơn hẳn Chu Đậu nhà mình).
9. Tuy nhiên, cả xưa và cả nay Trung Quốc vẫn là bóng ma ám ảnh tham vọng phát triển của sứ Nhật Bản.



Một trong những slides của bài thuyết trình



 

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Một số hình ảnh buổi thuyết trình của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc về Biển Đông

Sáng nay tại Hội trường tầng 8 nhà E, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQG Hà Nội đã có bài thuyết trình khoa học dài hơn 3 tiếng đồng hồ về những chứng cứ lịch sử xác nhận chủ quyền không thể tranh cãi và bác bỏ của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nói riêng và Biển Đông nói chung. Đây là những sử liệu khoa học và khách quan thể hiện tâm huyết và công sức của ông và của nhiều nhà khoa học.khác .Bài thuyết trình và những thảo luận sau đó một mặt cho thấy sự cần thiết phải có những chương trình nghiên cứu sâu, rộng kết hợp nhiều ngành khoa học, nhiều lĩnh vực khác nhau trong nghiên cứu chủ quyền biển đảo nói riêng và chủ quyền lãnh thổ nói chung, mặt khác cần có chiến lược tầm quốc gia để phổ biến những tư liệu khoa học xác định chủ quyền và giáo dục tinh thần yêu nước cho mọi thế hệ người dân Việt Nam.
CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA LÀ THIÊNG LIÊNG VÀ KHÔNG AI, KHÔNG THẾ LỰC NÀO CÓ THỂ PHỦ NHẬN!

Tên của bài thuyết trình khoa học 
 GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc
Khoảng 400 người tham dự, bên cạnh sinh viên và giảng viên của Trường còn có các bạn trẻ ở một số nơi đến nghe thuyết trình
Nội dung chính của bài thuyết trình  
Thực trạng hiện nay về TS và HS



Rất nhiều bằng chứng khoa học và khách quan về quá trình khai thác Biển Đông và chủ quyền không thể tranh cãi được của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
 Slide cuối của bài thuyết trình và đồng thời cũng là tuyên ngôn của nhà khoa học về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của TỔ QUỐC VIỆT NAM

Lâm Thị Mỹ Dung

Đính chính về số người tham dự  
Số người tham dự khoảng 1/2 hội trường tức khoảng gần 200 người, tổng sức chứa của HT này là 400 người, nhưng hôm qua được ngăn đôi, do vậy có sự nhầm lẫn số người  tham dự. Xin chân thành cáo lỗi và cám ơn TS. Nguyễn Hồng Kiên đã nhắc người viết bài này.



Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Mỗi hiện vật một câu chuyện - chiếc vòng nhựa?!


Cái vòng tay bằng đá đang trưng bày tại Bảo tàng Nhân học này được tìm thấy tại địa điểm Đình Tràng (gần Cổ Loa), Đông Anh, Hà Nội trong đợt khai quật năm 2002 của mình và TS. Andreas Reinecke.
Lúc mình đang khai quật thì thầy Vĩ (khoa Văn) sang chơi, đứng xem khai quật một lúc thầy bắt đầu lang thang.
Gần đến giờ ăn trưa, thầy quay trở lại hố với dáng điệu băn khoăn: "Anh tìm thấy cái này, trông như vòng nhựa, nhưng anh đốt thử nó không cháy em ạ". Vừa nhìn thấy cái vòng mình bật luôn:"Ôi cái vòng đá có mặt cắt hình chữ T của văn hóa Đông Sơn đây mà, anh thấy ở đâu đấy ạ".
Theo chân thầy Vĩ mình ra đến bờ mương sát gần doanh trại quân đội. Con mương bà con đào xẻ qua lớp cư trú và mộ táng của người xưa làm bật ra nhiều mảnh gốm, xương người...
Mang chiếc vòng đá về, mình để nguyên cả đất và đoạn xương tay còn lại, mỗi lần có khách tham quan mình lại kể câu chuyện về chiếc vòng "nhựa" và nghĩ về cái cách mà dấu tích người xưa bị hủy hoại và công lao của những người yêu thích cổ vật như anh Vĩ..
 Vòng đá mặt cắt hình chữ T, Đình Tràng, trưng bày tại Bảo tàng Nhân học,
 Trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội.

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Sách Bí ẩn về Lịch sử Khảo cổ - Màu được tôn sùng ở Trung Quốc cổ đại


Sách đã in: "Bí ẩn về lịch sử khảo cổ" (Tác giả: Chu Trọng Ngọc,  người dịch: Nguyễn Trung Thuần, Nxb Phụ nữ, năm 2011)
 
Tªn s¸ch:  ThÕ giíi nh÷ng ®iÒu chư­a biÕt  (Lịch sử khảo cổ)
Chñ biªn:  Chu Trọng Ngọc
N¬i xuÊt b¶n:  Nhµ xuÊt b¶n nh©n d©n Giang T«, n¨m 2008.

Trung Quốc cổ đại có truyền thống tôn sùng màu vàng. Trong xã hội phong kiến, bào phục của vua mặc có màu vàng, được gọi là hoàng bào. Dân thường không được phép mặc quần áo màu vàng, từ triều Đường bắt đầu có lệnh cấm chính thức. Triệu Khuông Dẫn nguyên là tướng quân, phát động binh biến, khoác áo hoàng bào, liền trở thành hoàng đế khai quốc của triều Tống. 

Xe vua đi có lọng che màu vàng, được gọi là hoàng ốc. Những văn bản được ban bố dưới danh nghĩa của vua, viết bằng giấy màu vàng, được gọi là hoàng bảng.

Vì sao người xưa lại tôn sùng màu vàng? Có người giải thích thế này, có người giải thích thế kia, đáp án nhiều vô kể.    

Có một cách giải thích gắn liền với Hoàng Đế, nghe nói Hoàng Đế là người phát minh ra dư phục, tất cả thuyền xe và quần áo ông chế tác cho mình đều có màu vàng. Các vua đời sau tự cho mình là kẻ kế thừa Hoàng Đế, cho nên cũng đã qui định bào phục và lọng xe của mình là màu vàng. Như vậy, màu vàng đã trở thành màu dùng riêng của đế vương phong kiến, bà con bình dân thì không được phép mặc quần áo màu vàng, dùng lọng xe màu vàng.

Một cách giải thích khác thì nói, người xưa gọi 5 màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen là chính sắc, những màu còn lại gọi là thiên sắc. Lấy chính sắc phối hợp với phương vị thì hướng đông màu xanh, hướng nam màu đỏ, hướng tây màu trắng, hướng bắc màu đen, màu vàng ở chính giữa, gọi là trung ương sắc. Đã là trung ương sắc, là có mang ý nghĩa duy ngã độc tôn, thì tất nhiên sẽ trở thành màu sắc mà các đế vương phong kiến ưa thích và độc quyền.

Có những người đã phản đối hai thuyết pháp này, họ cho rằng vào thời Hoàng Đế, mọi thứ đều còn đang trong mông muội, kẻ thống trị và người bị thống trị vẫn còn chưa phân chia rành rọt ranh giới vua tôi như các đời sau này. Vua Vũ đời nhà Hạ vẫn còn phải chai sạn cả chân tay khi cùng dân chúng trị thủy, huống chi là Hoàng Đế, ông ta không bao giờ có thể qui định cho bản thân mình màu áo khác hẳn với dân chúng. Còn về thuyết lấy 5 chính sắc phối hợp với phương vị thì đó là sự đặt ngược nhân quả, trong thực tế các đế vương phong kiến qui định màu vàng là màu dùng riêng cho mình ở trước, rồi sau đó mới định phương vị cho 5 loại màu xanh, đỏ, vàng, trắng. đen, định màu vàng là màu chính giữa (trung ương sắc), mượn đó để hiển thị sự tôn quí của địa vị Hoàng Đế. Sau khi phủ định hai thuyết pháp trên, họ đã đưa ra kiến giải của mình: Sự tôn sùng màu vàng ở Trung Quốc thời cổ là có liên quan đến chuyện nền văn minh cổ đại Trung Quốc khởi nguồn từ cao nguyên Hoàng Thổ. Hoàng Đế thị tộc được phát triển từ cao nguyên Hoàng Thổ ở vùng Tây Bắc, đất hoàng thổ là nguồn cung cấp cái ăn cái mặc cho cư dân thuở trước, cư dân thời đó sùng bái thần Thổ địa, vì thế mà cũng sùng bái luôn cả màu sắc của đất đai. Xét từ góc độ lịch sử,  không chỉ có Hoàng Đế thị tộc thời viễn cổ vốn bắt nguồn từ cao nguyên Hoàng Thổ, mà cả những triều đại khá huy hoàng trong lịch sử như nhà Chu, nhà Đường... cùng sự hưng khởi của mình cũng là ở cao nguyên Hoàng Thổ, cho nên bắt đầu từ thời nhà Đường là có chiếu lệnh chính thức qui định bào phục màu vàng là dùng riêng cho hoàng gia, cấm chỉ bà con bình dân được mặc quần áo màu vàng.

Ngoài ra còn có một thuyết pháp nữa cho rằng, việc tôn sùng màu vàng ở Trung Quốc cổ đại là có liên quan đến chuyện người Trung Quốc thuộc chủng người Mông Cổ. Đặc trưng thể chất chủ yếu của người Mông Cổ là có nước da màu vàng, cho nên người Trung Quốc từ xưa đến nay đều tôn sùng màu vàng.

Song cũng có những người đưa ra nghi vấn về hai thuyết pháp trên. Họ nói, Mãn tộc cũng phát tích từ vùng đất đen (hắc thổ) ở Đông Bắc, khi họ kiến lập triều Thanh, vì sao lại cũng tôn sùng màu vàng mà lại không tôn sùng màu đen? Hơn nữa, xét về mặt lịch sử, Mãn tộc tôn sùng màu vàng còn hơn bất cứ triều đại nào trước đó. Người triều Thanh sẽ cảm thấy vô cùng vinh dự khi được vua ban cho mặc áo choàng vàng, sự tôn sùng màu vàng quả thực đã tới mức độ cuồng tín, điều này lại nên giải thích thế nào đây? Còn như vì là người da vàng nên mới tôn sùng màu vàng, thì thuyết pháp này xem ra cũng có phần gán ghép khiên cưỡng. Bởi vì người xưa chưa biết được là trên thế giới còn có sự phân biệt giữa người da trắng, người da đen và người da vàng, họ chưa đến mức nhạy cảm với đặc điểm màu da của mình như vậy. Hơn nữa, trong chủng người Mông Cổ còn có cả các loại hình Pôlinêdi và loại hình Inđian nữa, họ cũng thuộc về người da vàng, nhưng lại không nghe thấy nói là họ cũng tôn sùng màu vàng.

Dĩ nhiên, sự ưa thích và tôn sùng màu sắc của loài người không hề là nhất thành bất biến, Trung Quốc thời cổ cũng từng có tình huống vua ra qui định thành văn là cờ có màu đen, màu đỏ. Người Trung Quốc hiện đại thì khỏi phải nói, thời trang dường như mỗi năm đều có một màu “mốt” riêng. Song, trong cả tiến trình lịch sử dài lâu của Trung Quốc, tập tục tôn sùng màu vàng lại kéo suốt cả một thời gian rất dài. Vì sao lại như vậy, cho đến nay vẫn chưa có được một đáp án thật là xác đáng, được mọi người chấp thuận.


Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

TA VÀ THIÊN HẠ


TA
Trên khóa luận, luận văn và luận án Việt Nam từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây, người viết luôn phải để những lời sau trên trang đầu:
‘Tôi xin cam đoan bài khóa luận này là do tôi tự nghiên cứu, không sao chép của bất kỳ luận văn, luận án hay từ bất cứ nguồn tài liệu nào khác. Mọi trích dẫn từ nguồn tài liệu khác tôi đều ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn đầy đủ. Tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về những gì tôi viết ở đây”.
“Tôi xin cam đoan, luận văn này là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Những số liệu trong luận văn là trung thực và khách quan. Các quan điểm trong luận văn mang tính độc lập, được hình thành trên cơ sở tư liệu mà tác giả luận văn tiếp cận được”.
“Tôi xin cam đoan đây là công trình tổng hợp và nghiên cứu khoa học của cá nhân tôi. Các nguồn tư liệu liên quan thông qua các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học có trích dẫn đầy đủ, rõ ràng. Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính trung thực của luận án”.
THIÊN HẠ
Đọc cuốn The Art of Not Being Governed của James C.Scott mà em Giang gửi cho, mình catch được đoạn sau trong phần preface: “I’ve often been accused of being wrong but rarely of being obscure or incomprehensible. This book is no different. There’s no denying that I make bold claims about the hill peoples of mainland Southeast Asia. I think, naturally, that my claims are broadly correct, even if I may be mistaken in some particulars. Judgment of where I am right is, as always, now out of my hands and in that of my readers and reviewers. There are, however, three things about these claims that I wish to assert emphatically. First, there is nothing original here. I repeat, there is not a single idea here that originates with me…What I surely have done is to see a kind of immanent order or argument out to see how far it would to take me. The creative aspect, if there was any, was to make out this gestalt and to connnect the dots….”
(“Tôi thường bị buộc tội là sai nhưng sẽ hiếm khi bị coi là mù mờ và không rõ ràng. Cuốn sách này cũng không phải là ngoại lệ. Ở đây không có gì phải phủ nhận rằng tôi đã đưa ra những tuyên bố táo bạo về cư dân miền cao ở ĐNA lục địa. Tôi cho rằng, một cách rất tự nhiên, những tuyên bố của tôi về cơ bản là đúng, thậm chí nếu tôi có thể sai sót ở một số điểm. Việc đánh giá tôi có đúng hay không hiện đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tôi và hoàn toàn nằm trong tay bạn đọc và người phê bình sách. Ở đây, tuy vậy, tôi có ba điều về những tuyên bố này mà tôi muốn đặc biệt lưu ý. Thứ nhất, không có bất kỳ thứ gì mang tính chất gốc hay nguyên bản/ độc đáo ở đây, tôi nhắc lại, ở đây không có bất cứ ý tưởng đơn lẻ nào do tôi nghĩ ra… Cái mà tôi chắc tôi đã làm là phát hiện được trật tự nội tại hay lập luận để xem xét xa hơn những thứ tôi làm. Khía cạnh sáng tạo, nếu có, đó là lập được một cấu trúc hình thức và kết nối các điểm với nhau. ..”.
THẾ ĐẤY!


Sách NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI – TÌM KIẾM TỔ TIÊN (4)

Sách NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI – TÌM KIẾM TỔ TIÊN (4)

Tác giả: G.N. Machusin Nhà xuất bản Mir, Maxcova, 1982
Người dịch : Phạm Thái Xuyên dịch sang tiếng Việt có bổ sung và sửa chữa Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1986

LUXI Ở XAĐA 

Sau khi đã kiếm đủ tiền cho cuộc khảo sát ở miền Bắc Êtiôpi, Jôhansơn đến dự hội nghị năm 1974 về hồ Ruđônfơ để thuyết phục các chuyên gia cùng đi với mình đến Sađa. Ông kể lại trong một cuốn sách lý thú của mình [1] : "- Tôi nói về Sađa với tất cả lòng nhiệt tình mà tôi có thể có ở hội nghị về Ruđônfơ. Có mặt một tá các nhà khoa học có danh tiếng lớn về pliôxen và pleixtôxen. Tôi hy vọng rằng một số nhà khoa học ấy sẽ hợp tác với tôi. Tuy nhiên cũng không dễ dàng để có được sự thỏa thuận của họ. Họ lịch sự nghe những mô tả đẹp đẽ của tôi về các trầm tích được cấu tạo từ những hóa thạch có số lượng và chất lượng siêu việt, và những tiên đoán của tôi là có thể tìm thấy những tổ tiên nào ở đó. Họ nghe tôi, bởi vì tôi là người của Hauen.

Tôi đã làm việc với Hauen ba mùa ngoài thực địa và tiếp thu được những chỉ dẫn quý báu của ông. Nhưng bản thân tôi chưa bao giờ phụ trách một đoàn khảo sát. Cái gì bảo đảm rằng tôi có thể làm được việc đó? Trong nhóm của tôi sẽ có các cộng tác viên với "tầm cỡ" nào? Những quan sát của tôi về địa tầng đã được tin cậy như thế nào ? Phải chăng tôi có thể tin được rằng Êtiôpi sẽ cho phép đi tìm những di chỉ trong đất nước của họ? Sự xác định niên đại đối với những di chỉ của tôi chính xác đến chừng mức nào? Nhưng nói chung, tôi có thể tìm lại được những di chỉ ấy một lần nữa không?

Thế còn các nhân viên phòng thí nghiệm? Có những người ấy không và họ có làm đúng hạn tất cả những bản vẽ và những phân tích cần thiết không? Hay là lại buộc phải thuyết phục họ hàng chục năm ròng để họ làm xong tất cả mọi việc cần thiết, khi mà bản thân một người nào đó trong số nhân viên ở Viện bảo tàng chưa nhớ ra là dù sao cũng cần phải làm một cái gì đó cho đoàn khảo sát?

Tất cả những điều đó là những vấn đề quan trọng. Chúng có thể làm hỏng mọi việc. Điều bất hạnh to lớn đối với nhà khảo cổ và nhà nhân chủng đang bận bịu là rơi vào một cuộc khảo sát như vậy, hoặc rơi vào một tình trạng phải hứng chịu thất bại do không chú ý đầy đủ, do thiếu vật liệu, do những người tổ chức thiếu kiên quyết. Và tồi tệ hơn cả là những vật tìm được thiếu độ tin cậy.

Tôi cần sự giúp đỡ hết sức của một nửa tá chuyên gia của châu Phi. Nhưng để có được sự giúp đỡ ấy chỉ trong trường hợp tôi giành được sự tín nhiệm của họ ở hội nghị về Ruđônfơ (Tucan) năm 1974. Khi thuyết phục các nhà khoa học, tôi có hứa dành cho họ một đống xương động vật hóa thạch, và họ có thể tin được về niên đại. Tôi giải thích các trầm tích ở Sađa có thể so sánh được với những tầng dưới ở Ômô, nhưng có nhiều vật hóa thạch hơn và chúng có thể bổ sung cho sơ đồ ở Ômô. Tôi ép buộc Alan Jentri ở viện bảo tàng Britan, - một chuyên gia về sơn dương (Antilope) khi hứa dành cho Jentri vô khối sơn dương tuyệt vời. Tôi nói với Jôn Haris về hươu cao cổ, với Bazin Kuc về lợn. Tôi đã đạt được một điều là các nhà khoa học đã bắt đầu chú ý đến chắc là sẽ tới đó".

Đối với vật tìm được lý thú nhất ở Sađa, Jôhansơn đã kể lại như thế này: "Buổi sáng ngày 30-11-1974 ấy, như lệ thường trong đoàn  khảo sát, tôi tỉnh dậy vào lúc rạng đông. Tôi đang ở Êtiôpi, trong lán trại trên bờ con sông Avas đục ngầu thuộc khu vực được gọi là Sađa, cách Ađis Abêba khoảng 100 dặm về phía tây bắc. Tôi là người lãnh đạo một nhóm các nhà khoa học đi tìm những vật hóa thạch. Tôi nằm lại trong lều của mình mấy phút, chăm chú nhìn tấm vải bạt ở phía trên. Lúc đầu nó có màu đen, sau đó nó nhanh chóng biến thành màu lục khi những tia sáng Mặt Trời phóng qua đường viền của những ngọn đồi ở phía đông. Trời tương đối lạnh nhưng không quá 28oC. Còn không khí thì không thể so sánh với cái gì được, mùi tinh khiết ban mai của sa mạc phảng phất thêm chút mùi vị của thức ăn đang nấu. Một số người trong những bộ lạc ở Afa, đang làm việc trong đoàn khảo sát, đem theo cả gia đình nữa. Họ dựng lên ở đây những túp lều có dạng như những chiếc nhà gạch, bằng những chiếc chiếu bện cỏ trên mảnh đất bỏ không cách trại chính hàng trăm acđơ [2] . Những người phụ nữ Afa trở dậy trước lúc rạng đông. Họ chăm sóc những con lạc đà, dê, và bình thản nói chuyện với nhau.

Đối với phần lớn người Mỹ trong trại, đó là khoảng thời gian tốt nhất trong ngày. Những vách đá và những hộc đá tảng, dồn chất ngổn ngang lên phong cảnh, đã trút bỏ trong suốt một đêm toàn bộ cái nóng bức và bây giờ không còn cảm thấy chúng như những cục than nóng bỏng khi bạn dẫm chân lên nữa.

Tôm Grây cùng ngồi uống cà phê với tôi. Tôm Grây là nghiên cứu sinh. Anh đến Sađa để nghiên cứu động vật và thực vật hóa thạch, tái dựng chính xác trong chừng mực có thể được, những dạng và những mối quan hệ lẫn nhau khi chúng đã sống ở đây vào những thời kỳ khác nhau trong quá khứ xa xăm với khí hậu của thời kỳ đó. Còn mục đích của riêng tôi - lý do của cuộc khảo sát - những dạng người hóa thạch: xương những tổ tiên đã bị diệt vong của con người và những họ hàng gần gũi của con người. Tôi quan tâm đến những tài liệu về sự tiến hóa của con người. Nhưng tôi hiểu rằng cần phải làm sáng tỏ thêm những con người mà chúng tôi có thể tìm thấy di cốt của họ, bằng những công việc của các chuyên gia như Tôm Grây.

Thế hôm nay chúng ta làm gì ? - Tôi hỏi. 

Tôm nói rằng anh ta sẽ đánh dấu vị trí của các hóa thạch lên bản đồ. - Khi nào cậu đi dán nhãn cho vị trí 162 ?

- Tôi không hoàn toàn hình dung một cách chính xác là 162 nằm ở đâu? Anh ta nói.

 - Thế thì mình sẽ chỉ cho cậu.

Sáng hôm ấy tôi không định đi với Tôm Grây, tôi cần phải ở lại trại nhưng tôi đã không ở lại. Theo linh tính, tôi cảm thấy có bước nhảy vọt mạnh, nó thôi thúc tôi đi với Tôm. Tôi ghi cho mình trong nhật ký : "Tháng 11 ngày 30 năm 1974. Vị trí 162 - cùng với Tôm Grây cho đến bữa ăn trưa. Cảm giác tốt".

Là một chuyên gia nghiên cứu những tổ tiên hóa thạch của con người, tôi mê tín quá mức. Phần lớn, trong công tác của mình, chúng tôi lệ thuộc vào vận may rủi, vào sự thành đạt, và vì vậy chúng tôi đã mê tín. Đã có những nhà cổ nhân chủng học, trong suốt cả cuộc đời đã không hề tìm thấy một người hóa thạch nào. Tôi là một trong những người gặp may nhất. Tổng cộng, đó mới chỉ là mùa thực địa thứ ba của tôi ở Sađa, mà tôi đã tìm thấy mấy người hóa thạch. Chính vì thế mà tôi đã viết : "Cảm giác tốt" trong nhật ký của mình. Buổi sáng, khi tôi thức dậy, tôi cảm thấy hôm nay là một trong những ngày mà số phận đem lại hạnh phúc cho tôi. Một trong những ngày có thể xảy ra một điều kỳ lạ.

Thế nhưng, phần lớn của buổi sáng đã không đem lại cái gì cả. Tôm Grây và tôi ngồi vào xe Len-Rôve khảo sát có bốn chỗ ngồi, và di chuyển chậm chạp đến vị trí 162. Đó là một trong hàng trăm vị trí đã được đánh dấu để nghiên cứu chi tiết về địa chất của các hóa thạch. Mặc dù vị trí này cách trại chỉ có bốn dặm, nhưng do mặt đất không bằng phẳng nên nửa giờ sau chúng tôi mới tới nơi. Khi đến nơi thì cái nóng bức đã bắt đầu tăng lên".

Sađa là xứ sở sa mạc, chỉ có những hộc đá trần trụi và sỏi, cát, những di cốt hóa thạch gần như nằm ngang trên mặt đất. Sađa - trung tâm của sa mạc Afa, là đáy hồ cổ xưa, bây giờ đã khô kiệt và chất đầy những lớp trầm tích. Các lớp trầm tích này đã giữ gìn lịch sử những sự kiện địa chất trong dĩ vãng. Ở đây có thể theo dõi được bụi và tro núi lửa từ bầu trời rơi xuống cách hàng triệu năm trước đây; có thể theo dõi được những lớp chất bẩn và bùn bị rửa trôi từ những ngọn núi cách đó rất xa, rồi lại đến những lớp bụi núi lửa, rồi lại đến những lớp bùn, và v.v… Những sự kiện ấy thể hiện ra như những lớp xếp trong mẫu bánh nướng, như trong khe xói của một con sông trẻ mà cách đây chưa lâu đã chảy qua lòng hồ này. Ở Sađa rất ít mưa, nhưng vào mùa mưa, thì những trận mưa rào tràn ngập cả ngày lẫn đêm và trút nước xuống suốt 6 tháng. Vì không có thực vật che phủ, đất trần trụi nên không giữ được nước mưa. Nước ào ào cuốn theo đất đổ vào khe suối, phá vỡ vách suối và cuốn đi ngày càng nhiều những di tích hóa thạch trên mặt đất. Nhưng chúng ta hãy quay lại với câu chuyện của Jôhansơn.

"Tôm Grây và tôi kéo chiếc xe Len-Rôve lên sườn dốc của một trong những khe suối như vậy. Chúng tôi cố gắng đặt xe sao cho cái túi vải gai đựng nước ở trong bóng râm. Tôm Grây ghi vị trí vào bản đồ. Sau đó chúng tôi bắt đầu đi và quan sát sườn khe. Chúng tôi chậm rãi đi dọc theo sườn khe và tìm xương hóa thạch.

Một số người tìm được khá nhiều xương hóa thạch. Những người khác thì hoàn toàn tuyệt vọng. Điều này đòi hỏi phải có thực tế, phải rèn luyện đôi mắt để có thể chỉ thấy được cái gì đã phải thấy. Những người tìm kiếm giỏi nhất là những người ở Afa. Lúc nào họ cũng chăm chú nhìn dọc theo các vách đá và trên cát. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào việc đó. Họ lập tức nhận ra bất cứ một cái gì đó không bình thường. Bằng cái nhìn có trình độ chuyên môn, chỉ cần lướt nhanh trên tất cả những hòn đá cuội, những tảng đá, họ nhận ra ngay một vài vật mà người chưa quen với sa mạc không nhận ra được.

Tôm và tôi đã tìm kiếm trong vài giờ đồng hồ. Hãy còn lâu mới đến trưa mà nhiệt độ đã vào khoảng 43oC. Chúng tôi tìm được không nhiều: mấy cái răng ngựa Hipparion đã tuyệt chủng, một phần chiếc sọ lợn đã bị tuyệt chủng, vài chiếc răng hàm của sơn dương, mấy mảnh xương hàm vượn. Với tất cả những thứ đó, chúng tôi đã có được những sưu tập lớn, nhưng Tôm có ý định bổ sung cho bộ sưu tập.

Tôi thu nhặt đã đủ rồi đấy, - Tôm nói.
- Khi nào chúng ta quay về ?  
- Ngay bây giờ. Nhưng chỉ quay về bằng con đường này và trên đường về chúng ta sẽ quan sát đáy của khe suối nhỏ bé này.

Khe suối lờ mờ nằm khuất sau rẻo đất nhô cao, nơi chúng tôi làm việc vào buổi sáng hôm ấy. Ít nhất, những cộng tác viên khác đã hai lần nghiên cứu rất cặn kẽ con suối này và họ không tìm được cái gì lý thú cả.

Thế nhưng, khi nhận thức được "hạnh phúc" trong tầm tay, tôi quyết định làm một đường vòng chung kết nho nhỏ. Thực tế, trong khe suối không có xương. Nhưng khi chúng tôi vừa mới quay lưng bỏ đi, tôi nhận ra một cái gì đó nằm trên sườn dốc.

- Đây là mẩu xương tay người, - tôi nói.

- Không thể thế được. Mẩu xương nhỏ thế kia mà. Chỉ có vượn thuộc giống nào đó mới có những mẩu xương như vậy, - Tôm Grây trả lời.

Chúng tôi quỳ xuống xem xét mẩu xương.

- Quả thật rất nhỏ, - Tôm Grây lại lên tiếng.

- Người. - Tôi lắc đầu.

- Tại sao ông lại tin như vậy? - Cậu ta hỏi.

- Mẫu này ở bên phải tay kia của anh ấy. Nó cũng của người.
- Trời ơi !-Tôm Grây bật kêu lên. Anh ta nhặt mẫu xương lên. Đó là mặt trái của xương sọ. Một phần xương đùi nằm cách đó mấy fut [3].

-   Xương đùi! Trời ơi! - Một lần nữa cậu ta kêu lên.

Chúng tôi đứng dậy và lại nhìn thấy những mẫu xương khác trên sườn dốc: một cặp đốt xương sống, một phần xương chậu - tất cả đều của cùng một người.

Một ý nghĩ không tưởng tượng được, không thể có được thoáng qua trong óc tôi. - Lẽ nào chúng lại tụ tập lại một chỗ? Có thể chúng là những phần của cùng một bộ xương nguyên thủy nhất. Nhưng một bộ xương như vậy thì chưa hề có ai tìm được. Không có ở đâu cả.

 - Ông hãy nhìn lại đây, - Tôm Grây nói. -  Xương sườn. - Một cá thể?!
 - Tôi không thể tin được điều này, - tôi nói.
- Quả thật tôi không thể tin được điều này.
- Trời ơi! Tốt hơn cả là ông phải tin điều này! - Tim Grây hét lên.
- Cái đó ở đây. Đi chệch quá về bên phải, lại đây! Giọng nói của anh ta trở nên rên rỉ. Tôi đến chỗ anh ấy. Chúng tôi bắt đầu nhảy nhót trong cái nóng bức trên 43oC.

Không còn một cảm giác gì rõ rệt cả, chúng tôi ôm lấy nhau, người đẫm mồ hôi nằm lăn trên những hòn cuội nóng bỏng, lại nhảy cẫng lên. Chúng tôi chăm chú tìm những mẫu xương nhỏ bé màu nâu mà bây giờ, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng là những phấn của một bộ xương hoàn chỉnh đang nằm chung quanh chúng tôi.

- Chúng mình không được nhảy nhót loanh quanh nữa, - cuối cùng, tôi nói.
-Chúng mình có thể dẫm vào một cái gì đó. Ôi! Chúng mình phải tin. - Lạy trời! Lẽ nào ông không tin?
- Tôi nghĩ không thể thế được, chúng mình đã tìm được hai chân trái. Có thể ở đây có một số cá thể, chúng bị lẫn lộn. Nào, chúng mình hay bình tĩnh lại cho đến khi trở về, cho đến khi tin chắc một cách tuyệt đối chính xác rằng tất cả chúng đều khớp với nhau.

Chúng tôi thu được vài mẫu xương hàm, ghi nhớ chính xác địa điểm, ngồi vào Len-Rôve có lớp sơn đã bị rộp, rồi quay về trại. Trên đường về, chúng tôi đón thêm hai nhà địa chất của đoàn khảo sát đang cầm mẫu đá đi xuống: 

- Có một cái gì đó to lớn? - Tôm Grây kìm lòng nói với họ. -  Một chút to lớn. - Một chút to lớn lắm.
- Yên đi, - tôi nói.

Nhưng còn cách trại một phần tư dặm thì Tôm Grây không thể yên lặng được nữa. Anh ta đạp vào chiếc còi ở xe làm nó phát ra những tín hiệu dài triệu tập các nhà khoa học đang tắm dưới sông.
- Chúng tôi tìm thấy cái gì này! - Anh ta thét lên, - Ôi! Trời ơi, chúng tôi kiếm được cái này! Chúng ta đã có cả một Tác Phẩm.

Sau bữa ăn trưa, cả trại lại kéo ra khe suối. Sau khi phân chia thành các khu vực, chúng tôi thu nhặt được vô khối mẫu vật. Việc đó chiếm trọn cả ba tuần lễ. Khi mọi việc đã hoàn tất thì chúng tôi đã có mấy trăm mẫu xương, chiếm khoảng 60% của bộ xương nguyên vẹn của một cá thể. Không có một cái xương nào trùng lặp cả. Tất cả những vật tìm được đã ghi vào bản liệt kê với số liệu MAD 228-I. Nhưng phải chăng tất cả những mảnh xương ấy là của một cá thể. Căn cứ vào sự nghiên cứu sơ bộ, cũng khó mà nói. Chưa có ai tìm được bất cứ một cái gì tương tự như vậy cả. Cả trại phấn khởi hò reo. Trong đêm đầu tiên, không ai chịu đi ngủ cả. Jôhansơn kể tiếp: "Chúng tôi nói chuyện và lại nói chuyện. Uống hết đợt bia này lại đến đợt bia khác. Trong trại có băng ghi âm với bài hát của nhóm Bit (The Beatles) - "Luxi bằng kim cương trên bầu trời". Và chính bài hát đó quây lấy cả bầu trời ban đêm, chúng tôi hát đi hát lại bài hát đó nhiều lần, rồi lại hát nữa, hát nữa. Đó là một đêm không thể nào quên được. Tôi không nhớ một cái gì hơn đêm ấy. Người hóa thạch mới có tên là Luxi, và cái tên ấy được biết đến từ lúc đó, mặc dù số hiệu theo luật của Luxi trong bộ sưu tập ở Sađa là MAD 288-I.

-         Luxi? - Bất kỳ ai lần đầu tiên trông thấy xương hóa thạch đều hỏi tôi câu đó. Lúc nào tôi cũng giải thích:
-         Đúng, cô ấy là một phụ nữ… Và bài hát này của nhóm Bit. Chúng tôi vui sướng đến tận chín tầng mây. Ông cần hiểu đó là vì chúng tôi đã tìm thấy cô ta. Lúc đó lại một câu hỏi khác tiếp theo:
-         Làm thế nào ông biết cô ấy là phụ nữ?
-         Theo xương chậu của cô ấy. Chúng tôi đã tìm thấy xương chậu và xương cùng của cô ta. Xương chậu ở phụ nữ mở rộng hơn ở nam giới, để có thể đẻ được một đứa trẻ đầu to.
Câu hỏi tiếp:
-         Cô ấy là một cá thể họ người?
-         Đúng, đúng. Cô ấy đi thẳng. Cô ấy đi lại cũng tốt như chúng ta vậy.
-         Những cá thể thuộc họ người đều đi thẳng?
-         Đúng.
-         Đó chính là điều sai khác chủ yếu của những cá thể họ người?
Không dễ mà trả lời câu hỏi này, vì chúng ta vẫn còn chưa biết một cách chính xác những con người đầu tiên xuất hiện vào lúc nào. Tại sao và từ đâu những con người ấy xuất hiện. Các nhà khoa học nói như thế này - người là vượn đi thẳng. Homo - giống người. Homonidae -  họ người. Bất kỳ cá thể nào trong số vượn người mà đi thẳng - đều thuộc họ người. Tất cả mọi người đều thuộc họ người, nhưng không phải tất cả các cá thể họ người đều là người [4].

Tạm thời gác những câu chuyện khó khăn ấy lại, chúng ta sẽ tổng kết những vật tìm được ở Sađa.

Ở Sađa, không chỉ tìm thấy Luxi. Trong ba năm đầu tiên khai quật ở đó, đã tìm được 350 xương cá thể họ người - khớp gối, hàm, di cốt của cả một gia đình họ người ở di chỉ 333. Nhìn chung, đó là di cốt của một nhóm gồm đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ. Mỗi cá thể đều có những đặc điểm của mình. Điều đó tạo ra khả năng nghiên cứu sự biến dạng của tổ tiên. Tập hợp lại, chúng tạo thành một bộ sưu tập có tầm cỡ khá tốt. Bộ sưu tập này không hơn bộ sưu tập ở Nam Phi, nhưng lại vượt xa về chất lượng. Ở đây có cả một bộ xương đại diện nhất, tất cả những di cốt còn lại được bảo tồn tốt hơn rất nhiều, và cái chủ yếu - bộ sưu tập di cốt các tổ tiên được xác định niên đại chính xác, mà điều đó lại không có ở các bộ sưu tập Nam Phi.

Đã tìm thấy di cốt của ôstralôpitec châu Phi, của "người khéo léo", và của những tổ tiên khác.

Tóm lại, đó là bộ sưu tập không có bạn đồng hành. Về thời gian cổ xưa như vậy, thì người ta vẫn chưa tìm được ở nơi nào khác trên Trái Đất - hơn ba triệu năm tuổi. Những vật tìm được ở Ômô cũng được xác định niên đại đúng như vậy, nhưng chúng rất tản mát. Sọ 1470 của Risac Liki, lúc đầu được xác định niên đại 2,9 triệu năm, nhưng tại hội nghị Maxcơva 1982, đã dứt khoát xếp vào tuổi khoảng 2 triệu năm.

Tất nhiên, Luxi chiếm vị trí số một trong số những hóa thạch cổ xưa ở Sađa. Đầu của Luxi không lớn hơn nhiều so với quả bóng gậy lớn. Chiều cao cũng không lớn - khoảng 107cm. Mặc dù Luxi đã hoàn toàn trưởng thành. Căn cứ vào những chiếc răng khôn của Luxi, có thể thấy được điều đó. Những chiếc răng khôn này đã mọc ra hoàn toàn trước khi Luxi chết mấy năm. Jôhansơn giả thiết rằng Luxi đã chết vào khoảng 25-30 tuổi. Những dấu hiệu của bệnh viêm khớp, hoặc của một bệnh xương nào đó đã xuất hiện ở Luxi, sự biến dạng các đốt xương sống đã chứng minh cho điều đó. Nếu Luxi sống lâu hơn nữa thì chứng bệnh ấy sẽ làm cho cô ta rất lo ngại.

Sự nguyên vẹn, sự bảo toàn tốt đến kỳ lạ đối với bộ xương của cô ta, có liên quan đến việc cô ta chết một cách bình yên. Xương của Luxi không có vết răng của thú ăn thịt. Những chiếc xương ấy chưa bị nhai gặm, hoặc chưa bị dập vỡ như thường có nếu Luxi bị sư tử hoặc hổ răng kiếm giết chết. Đầu của Luxi không bị tách rời ra theo một hướng, còn chân - theo hướng khác, như linh cẩu vằn có thể làm như thế đối với xương của Luxi. Luxi đã chết vì ngã vào cát của hồ (hoặc của dòng chảy) mà chúng đã biến mất từ lâu. Khó mà nói rằng do bệnh tật hay chỉ do ngã một cách ngẫu nhiên. Điều quan trọng là thú dữ không tìm thấy Luxi sau khi Luxi chết, và Luxi không bị chúng ăn mất. Bộ xương của Luxi không bị quấy nhiễu. Cát, bùn đã chậm chạp phủ lên Luxi, chôn cất cô ngày càng sâu hơn, sâu hơn nữa. Sau đó, dưới áp lực của các thớ tầng kế tiếp nhau, cát trở nên rắn lại như đá tảng. Luxi trầm lặng nằm trong ngôi mộ đá của cô từ triệu năm này sang triệu năm khác cho tới khi các trận mưa ở Sađa, một lần nữa, lại đưa cô lên trần thế.

Điều này quả là điều kỳ diệu. Luxi lộ ra trên mặt đất chưa lâu lắm, có lẽ mới một vài năm thôi. Năm năm trước đấy Luxi hãy còn bị vùi lấp. Nhưng nếu để năm năm nữa trôi qua thì Luxi có lẽ đã bị hủy hoại. Phần trước sọ đã bị mất, nước đã cuốn đi. Vì thế không thể đo chính xác được kích thước sọ của Luxi. Nhưng bộ xương của Luxi là vật tìm thấy hiếm có.

Trước khi tìm thấy Luxi thì bộ xương của người nêanđectan là cổ xưa nhất. Nó có 75 nghìn năm tuổi. Chỉ tìm thấy những di cốt khác của họ người và lại là những mảnh nhỏ. Dựa vào chúng, tất cả những gì có thể phục chế đều tươm tất theo từng mẫu xương nhỏ bé - răng lấy từ đây, mẫu xương hàm - từ chỗ kia, một cái sọ nguyên vẹn - lấy từ chỗ nào đó, cộng thêm xương chân từ một địa điểm thứ tư nào đó nữa. Các nhà khoa học gom góp chúng lại, họ biết những chiếc xương ấy cũng khá rõ ràng như tôi biết cái tay của mình vậy. Nhưng khi các bạn chuẩn bị một phục chế như vậy thì điều có thể xảy ra là những mẫu xương ấy lại là của vài tá cá thể đã sống cách xa nhau hàng trăm kilômet, và vẫn có thể tách biệt nhau theo thời gian hàng trăm nghìn năm - chúng lẫn lộn với nhau. Tất nhiên, với một phục chẽ như vậy, lúc nào cũng phải suy nghĩ: "Thế con người thực tế là như thế nào?".

Luxi có tất cả. Ở đây không cần phải phỏng đoán. Các bạn không cần phải tưởng tượng ra xương tay mà các bạn đang thiếu. Lần đầu tiên, các bạn trông thấy ai nhiều tuổi hơn người nêanđectan.

-         Nhiều hơn bao nhiêu?

Nêanđectan có 75 nghìn năm tuổi, Luxi - gần 3,5 triệu năm. Đó là bộ xương cổ nhất, đầy đủ nhất và được bảo tồn tốt của tổ tiên đi thẳng của con người. Chưa bao giờ tìm được một bộ xương như vậy.

Trong vấn đề này, giá trị của Luxi là: tính toàn vẹn và tuổi của Luxi. Những điều đó làm cho cô ta trở thành duy nhất trong lịch sử những bộ sưu tập hóa thạch của họ người.

-         Nhưng dù sao đi nữa thì cô ta là ai? Là tổ tiên? Là con người? Tại sao cô ta đã xuất hiện?
Jôhansơn và Oat cho rằng Luxi và những người bà con của cô ta - những cá thể họ người ở Afa, chính là những tổ tiên thực thụ của "người khéo léo" và của con người nói chung. Những người khác cho rằng "Bêbi ở Taung" và bà con của "Bêbi ở Taung" không có gì khác so với cả người Afa, cả "người khéo léo". Đó là những vấn đề phức tạp, sẽ bàn sau.

Bộ xương ở Sađa là vật tìm được gây chấn động mạnh. Nhưng có lẽ những phát hiện trên lớp tro ở Lêtôlin cũng không kém phần lý thú. Phát hiện này, một lần nữa, đưa chúng ta quay lại Đông Phi, và lại một lần nữa buộc chúng ta phải nhớ đến gia đình Liki.

[1] Cuốn sách của Jôhansơn được xuất bản ở Mỹ năm 1982 có tên: D. Johanson and M. Edey, Lucy. The Beginnings of Humankind. N. - Y., 1982. Những ví dụ ở đây và tiếp sau lấy từ cuốn sách ấy. Bản dịch (từ tiếng Anh ra tiếng Nga - ND) là của tác giả.
[2] Acđơ - đơn vị đo chiều dài Anh, bằng 91,44cm. ND.
[3] Fut - đơn vị đo lường Anh, bằng 30,5 cm. ND.
[4] Xuất phát từ những quan điểm khác nhau, và do đó các nhà khoa học khác nhau sắp xếp những di cốt người hóa thạch vào những loài khác nhau. Vì vậy, trong bản dịch này, các thuật ngữ "cá thể" ghép với từ "người" đều có nguồn gốc từ thuật ngữ (La Tinh). Homo - người (giống người), bao hàm những cá thể thuộc họ người (người hóa thạch, và người hiện đại). Cũng trong bản dịch này, thuật ngữ "loài" áp dụng cho họ người, được các tác giả khác nhau dùng trong những điều kiện cụ thể nào đó của tác giả đó, về mặt sinh học, thuật ngữ "loài", "dạng", "kiểu"… chưa hoàn toàn thống nhất nghiêm ngặt, và đang được bàn cãi. ND.