Một vấn đề tôi vẫn quan tâm là tình trạng bùng nổ các đại học ở Việt Nam. Bây giờ có quá nhiều đại học, tỉnh nào cũng lăm le lập đại học. Thật ra thì họ có nhu cầu đại học, vì hiện nay học sinh tốt nghiệp trung học không có lối đi lên do thiếu trường. Nhưng vấn đề là chúng ta không có đủ giảng viên có khả năng và kinh nghiệm giảng dạy đại học thì chất lượng đào tạo sẽ rất nguy hiểm. Đào tạo đại học là nhằm “sản xuất” ra những thành viên xã hội trưởng thành, những người sẽ trở thành chuyên gia góp phần vào việc công nghiệp hóa đất nước, chứ đâu phải đào tạo học sinh lớp 16. Bài báo dưới đây nói lên thực trạng này.
Cũng may là tỉnh tôi (Kiên Giang) chưa có đại học. Kệ mấy anh bên cạnh như Bạc Liêu, Trà Vinh, Minh Hải, v.v… cứ để mấy ảnh lập đại học. Học trò Kiên Giang có thể lên Sài Gòn, về Cần Thơ, hay qua An Giang học ké cũng chẳng sao. Khi nào Kiên Giang có thực lực rồi mới tính lập đại học. Vấn đề là chất lượng. Hi vọng mấy ông bà trong ủy ban nhân dân và tỉnh ủy nghe ý này!
NVT
===
http://www.vtc.vn/giaoduc/hocduong/166902/index.htm
Đại học "khát" giảng viên
Vì thiếu nên nhiều trường đã phải đua nhau... tuyển giảng viên. Như trong tháng 9, HV Tài chính đăng tuyển 27 giảng viên; đầu năm 2007, Đại học Mở TP.HCM cần tuyển 94 cán bộ, giảng viên.
Bên cạnh việc mơ hồ về khái niệm chuẩn, đội ngũ giảng viên ĐH đang thiếu trầm trọng không chỉ về số lượng mà còn chất lượng. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ quá thấp đang là trở ngại lớn của mục tiêu đổi mới giáo dục ĐH.
Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có 52.129 giảng viên CĐ, ĐH, tăng khoảng 7,3%. Trong đó, tiến sĩ là 5.192, chiếm 9,958% (ở các nước tỉ lệ trung bình vào khoảng 60%-75%).
Tại buổi làm việc về đào tạo theo nhu cầu xã hội với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hồi tháng 10 vừa rồi, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp I Nguyễn Hữu Viên cũng "kêu" rằng: các trường khó đạt chuẩn là do đội ngũ giảng viên quá thiếu.
Ông Viên dẫn chứng từ thực tế của trường ĐH Nông nghiệp I: tốc độ phát triển bình quân đội ngũ giảng viên của trường chỉ bằng khoảng 1/10 so với tốc độ phát triển số lượng sinh viên, theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.
Cụ thể, năm 2001 đội ngũ giảng viên của trường có 475 người, đến tháng 9/2007 số lượng giảng viên là 527 người, trong 5 năm mà chỉ tăng 52 giảng viên.
Các trường ĐH mới thành lập lại còn rơi vào tình trạng “khát” giảng viên hơn.
Theo thống kê cuối tháng 9/2007 của Vụ ĐH và SĐH, trong năm 2006 và 2007, cả nước có 22 trường ĐH mới thành lập, nâng cấp từ trường CĐ lên ĐH, nhưng chỉ có 9 giáo sư (chiếm 0,34% tổng số giảng viên) và 32 phó giáo sư, chiếm 1,22% tổng sống giảng viên làm việc tại các cơ sở này.
Trong đó có 11 trường chưa có một giảng viên nào đạt trình độ giáo sư hoặc phó giáo sư như ĐH Bạc Liêu, ĐH Phú Yên, ĐH Hoa Sen, ĐH Hoa Lư - Ninh Bình, ĐH Tiền Giang, Đại học Trà Vinh...
Chính vì tình trạng thiếu giảng viên, nhiều trường đã phải đua nhau... tuyển giảng viên. Như trong tháng 9, HV Tài chính đăng trên web của trường cần tuyển 27 giảng viên; đầu năm 2007 trường Đại học Mở TP.HCM cần tuyển 94 cán bộ, giảng viên thì cần đến 84 giảng viên tuyển cho 30 ngành, chuyên ngành.
Đối tượng tuyển ngoài thạc sĩ hoặc tiến sĩ, trường cũng tuyển cả cử nhân, kỹ sư. Nhiều trường như ĐH Tiền Giang, ĐH Cần Thơ... thông báo tuyển dụng giảng viên cho nhiều khoa cũng chỉ yêu cầu tốt nghiệp ĐH bằng Khá.
Đặc biệt, nhiều trường còn tuyển cả tiến sĩ đã về hưu, khi đăng tuyển còn không giới hạn về số lượng và thời gian xét tuyển.
Trong buổi làm việc với trường ĐH Giao thông Vận tải giữa tháng 10/2007 về đào tạo theo nhu cầu xã hội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cũng thừa nhận: học phí rồi sẽ tăng vào năm sau, cơ sở vật chất sẽ được nâng lên, lúc này quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên và chất lượng giảng dạy mới là yếu tốt quyết định để đảm bảo được đào tạo “chuẩn”.
GS. TS Nguyễn Ngọc Phú, hội viên Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam:
Nguyên nhân của việc thiếu giảng viên là do quy mô giáo dục ĐH trong những năm gần đây tăng khá nhanh, trong vòng 5 năm (từ năm 2001 – 2006), số sinh viên đại học chính quy trung bình mỗi năm tăng 7,36% và đại học không chính quy tăng 7,49%; số SV cao đẳng chính quy và không chính quy tăng 34%; đào tạo SĐH bình quân mỗi năm tăng thêm 25%, việc tuyển giảng viên mới không đáp ứng được tốc độ tăng trưởng đó".
Posted by Nguyễn Văn Tuấn
Đâu phải chỉ đại học tư mới khát giảng viên, đại học công cũng vậy!
Tôi cũng đang rất bức xúc về việc không giữ hay tuyển được giảng viên cho bộ môn Khảo cổ học vì tiêu chuẩn ở lại làm cán bộ của ĐHQG Hà Nội rất cao (thực ra là lấy điểm phẩy cao). Nếu cứ tình trạng này đến năm 2014 Bộ môn Khảo cổ học, trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội sẽ chỉ có 01 cán bộ giảng dạy mà thôi.
GS Hiệu trưởng tư vấn rằng Bộ môn hãy tìm người ở các nơi khác như Viện Khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử... Khổ quá, cán bộ ở những nơi này cũng toàn học ở Bộ môn, kết quả học tập cũng chỉ khá hay trung bình khá mà thôi, làm sao mà đủ chuẩn, giảng viên lương lại thấp, ai dại gì đang ở Viện lại về Trường cơ chứ! Đúng là một vòng luẩn quẩn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét