Kỳ Hai: Chính sử không hề chép gì về “lễ khai ấn”
Trước hết, xin trình bày quan điểm của tôi về Chính sử:
Tôi cho rằng chỉ có 2 bộ Chính sử là: “Đại Việt sử ký Toàn thư” (thường được gọi tắt là Toàn Thư) và “Khâm định Việt sử Thông giám Cương Mục” (thường gọi tắt là Cương Mục)
Wikipedia cho rằng : Đại Việt sử ký Toàn thư (chép về các sự kiện lịch sử nước Việt Nam (Quốc sử) qua các thời đại từ Kinh Dương Vương đến thời nhà Lê trung hưng năm 1675) là cuốn sử Việt Nam cổ nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay do nhiều sử gia từ thời nhà Trần và nhà Hậu Lê soạn thảo ra.
Cuốn sách được Ngô Sĩ Liên, một nhà sử học thời Lê Thánh tông viết với sự tham khảo và sao chép lại một phần từ các cuốn Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu thời nhà Trần và Đại Việt sử ký tục biên của Phan Phu Tiên (thời nhà Lê nhưng trước Ngô Sĩ Liên) và được các nhà sử học khác như Vũ Quỳnh, Lê Tung, Phạm Công Trứ, Lê Hy v.v.. hiệu chỉnh và bổ sung thêm sau này. Tên gọi chính thức của cuốn sách này do Ngô Sĩ Liên đặt.
Còn Khâm định Việt sử Thông giám cương mục là bộ chính sử của nhà Nguyễn, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn thảo vào khoảng năm 1856-1881.
Bộ sách này gồm 53 quyển (5 tiền biên và 47 chính biên).
Nội dung gồm: Tiền biên: Trải từ thời Hồng Bàng cho đến hết năm 967, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân. Chính biên: Từ năm 968 khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi cho đến năm 1789, khi hết thời nhà Hậu Lê (đời Lê Chiêu Thống).
Cá nhân tôi coi 2 bộ sử này là SỬ LIỆU GỐC, có tính chính thống. Cho dù được soạn thảo muộn hơn, nhưng Cương Mục có cách viết khác, dễ đọc hơn, và bổ xung cho Toàn Thư.
Tất nhiên, có những sự kiện không thấy chép trong cả 2 bộ sử này. Nhưng sự việc (mà tôi cho là đã bị xuyên tạc) có liên quan tới Vua thì Sử quan không thể không chép (đặc biệt là trong Toàn Thư). Nếu đến cả Cương Mục cũng không chép thì chuyện đó là “sáng tác” không đáng tin cậy.
Ngay sau khi post phần Một, tôi đã viết gần xong phần Hai.
Bấy giờ, tôi đã đọc lại rất kỹ phần chép về thời nhà Trần trong cả Toàn Thư lẫn Cương Mục. Và tôi thấy Chính sử không hề chép gì về cái gọi là “lễ khai ấn”.
Lúc ấy tôi chỉ mới có 2 phản biện quan trọng là:
1/Không thể có chuyện như VGP News viết: “… Tục truyền, hàng năm các vua nhà Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước… “
Đọc lại Sử, tôi thấy nhà Trần rất quy củ trong việc PHÂN QUAN PHONG TƯỚC:
Toàn Thư (Bản Kỷ – Quyển V) chép rất rõ: “ Bính Ngọ, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 15 [1246], Tháng 3, xét duyệt các quan văn, võ, trong ngoài. Cứ 15 năm 1 lần xét duyệt, 10 năm thăng tước 1 cấp, 15 năm thăng chức 1 bậc. Chức quan nào khuyết thì chức chánh kiêm chức phó. Chánh phó đều khuyết thì lấy quan khác tạm giữ, đợi đủ hạn xét duyệt thì bổ chức ấy.“
Năm nào cũng phong thì lấy tước đâu mà phong ?
Vả chăng, như đã kể trong entry “Sorry” hôm 18/3, vua cha (Thượng hoàng) Nhân tông từng mắng vua con (Anh tông): – “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế?” khiến vua con rất thận trọng khi ban chức tước.
2/ Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn-Thể-Du) đã đưa ra những thông tin sai : "Tương truyền sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng Giêng, vua Trần đã mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức cho các quan, quân có công."
Toàn Thư (Bản Kỷ – Quyển V) chép:
“Đinh Tỵ, Nguyên Phong năm thứ 7 [1257], (Tống Bảo Hựu năm thứ 5). Tháng 12, ngày 12, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Đải xâm phạm Bình Lệ Nguyên.
Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không.
…vua mới lui quân đóng ở sông Lô. Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc.
Thế giặc rất mạnh, [vua] lại phải lui giữ sông Thiên Mạc.
… Vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Thủ Độ trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”.
Ngày 24, vua và Thái tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Nguyên chạy trốn về, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man ra tập kích, lại cả phá bọn chúng.
Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8 [1258], (từ tháng 3 về sau là Thánh tông Thiệu Long năm thứ nhất, Tống Bảo Hựu năm thứ 6). Mùa Xuân, tháng Giêng, ngày mồng Một, vua ngự chính điện, cho trăm quan vào chầu. Trăm họ yên nghiệp như cũ.
Định công phong tước: cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu; lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho. Vua nói: “Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau.“
Chỉ từng đó cũng đã đủ thấy NGƯỜI TA đã xuyên tạc lịch sử như thế nào.
Xin được tạm dừng, vì thú thật là phải viết lại phần đã viết (mà mất vì không lưu được) rất khó chịu.
Để mai có hứng lại xin viết hầu bà con đọc chơi.
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
Khổ quá, các chuyên gia Bộ VTD và Viện bác Bèn kinh doanh lịch sử văn hóa chứ họ có nghiên cứu lịch sử một cách nghiêm chỉnh đâu, do vậy toàn kể lịch sử theo kiểu "Tục truyền", "Tương truyền". Còn báo chí thì xưa giờ người ta đã nói rồi. Cái đáng lo ở đây là cả hệ thống chính quyền đều cổ xúy cho việc buôn thần bán thánh này.
Hồi học ở ĐHTH Sôphia có một môn rất hay là "Sử liệu học", học rồi mới vỡ lẽ là có n kiểu lịch sử, vì thế nên tôi chọn học Khảo cổ cho bớt đi một số n sử, nhưng cứ kiểu như thế này thì thấy cũng chả ăn thua gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét