Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Cảm hứng từ Sự nghiệp và Sứ mạng của bà Madeleine Colani

Tóm tắt
Madeleine Colani sinh năm 1866 tại Strasbourg, mất năm 1943 tại Hà Nội, Việt Nam, bà là nhà nữ địa chất học, cổ sinh vật học và khảo cổ học đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp hình thành và phát triển của ngành khoa học khảo cổ Việt Nam nói riêng và khảo cổ học Đông Dương nói chung.
Những nghiên cứu của bà, cả điền dã và trong phòng phủ rộng cả về không gian, thời gian và lĩnh vực, về thời gian, từ văn hoá Hoà Bình thời tiền sử, cách ngày nay khoảng 20.000 năm đến những vấn đề của văn hoá sơ sử, Sa Huỳnh, Cánh đồng chum; về không gian, từ miền núi phía bắc Việt Nam, dãy Trường Sơn Lào đến vùng cồn cát ven biển miền Trung Việt Nam. Mối quan tâm nghiên cứu của bà không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực khảo cổ mà còn lan sang những chủ đề dân tộc học so sánh, dân tộc học khảo cổ, khảo cổ học tôn giáo, khảo cổ học kỹ thuật. Bà đến với khảo cổ học khá muộn, nhưng trong khoảng hai chục năm (từ tuổi 50 đến tuổi 70) bà đã làm việc với một sức mạnh phi thường, đã phát hiện thêm 30 di chỉ hang động ở sơn khối Bắc Sơn và năm 1925, văn hoá Bắc Sơn, với công cụ tiêu biểu là rìu mài lưỡi đã được công bố và công nhận. Từ năm 1929 đến 1932, không gian điều tra khảo sát của bà là vùng núi đá vôi các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình... kết quả, một nền văn hoá thời đại đá sớm hơn so với văn hoá Bắc Sơn đã được phát hiện và tại Đại hội các nhà Tiền sử Viễn đông họp lần thứ nhất tại Hà Nội, tên gọi văn hoá Hoà Bình do Colani đề xuất đã được thông qua, có thể nói văn hoá Hoà Bình gắn liền với tên tuổi của nữ học giả Madeleine Colani.
Bài viết sẽ tập trung vào một số chủ đề sau:
  1. Những luận điểm của M.Colani về văn hoá Hoà Bình. Từ văn hoá Hoà Bình đến Phức hợp kỹ nghệ Hoà Bình.
  2. Văn hoá Sa Huỳnh từ nghiên cứu của Colani và các học giả Pháp đến những nghiên cứu của những nhà khảo cổ học Việt Nam giai đoạn hiện nay.
  3. Công trình của Colani về hệ thống thuỷ lợi dùng đá xếp ở Quảng Trị đến những nghiên cứu về Hệ thuỷ Champa.  

Bài Viết
Madeleine Colani sinh năm 1866 tại Strasbourg (Đông Bắc Pháp) trong một gia đình theo đạo Tin Lành. Bà có ba anh em, tên André, Jeanne, và Léonore, tất cả đều học hành cao (André và Jeanne là giáo sư ), theo gia phả tông chi, gia đình này không có hậu duệ.[1]
Bà mất năm 1943 tại Hà Nội
Công lao của bà đối với nghiên cứu tiền, sơ sử Việt Nam và Đông Nam Á thật là to lớn khó có thể chỉ khoanh lại trong một bài báo cáo, bài viết này chỉ tập trung vào một số đóng góp của M.Colani trong nghiên cứu tiền sơ sử Việt Nam.  

  1. Phát hiện định danh văn hoá Hoà Bình-Bắc Sơn, những luận điểm của M.Colani về văn hoá Hoà Bình. Từ văn hoá Hoà Bình đến Phức hợp kỹ nghệ Hoà Bình.
Trong mùa điền dã 1921-1925, khi cùng H. Mansuy phát hiện và định danh văn hoá Bắc Sơn trong sơn khối đá vôi Bắc Sơn, M.Colani đã nhận thấy những yếu tố cổ hơn Bắc Sơn, có thể sánh với thời hậu kỳ đá cũ châu Âu và cho rằng những đồ đá ấy có thể thuộc về một nền văn hoá sớm hơn văn hoá Bắc Sơn[2].
Và dự cảm của họ đã đúng!
Từ mùa hè năm 1926 bà bắt đầu những đợt khảo sát vùng núi đá vôi hữu ngạn sông Hồng, qua nhiều mùa điền dã (1926-1938), 38 hang động của một nền văn hoá cổ hơn văn hoá Bắc Sơn đã được M.Colani phát hiện, khai quật. Ví dụ chỉ trong mùa hè năm 1926 bà đã phát hiện và khai quật 12 địa điểm hang động và mái đá ở hai huyện Tân Lạc và Kim Bôi, mùa thu năm 1926 thêm 11 địa điểm ở huyện Lương Sơn[3] ….
Tại Hội nghị các nhà Tiền sử học Viễn Đông lần thứ nhất (tiền thân của  Đại hội IPPA sau này) tại Hà Nội năm 1932, M.Colani đã đề xuất thuật ngữ Văn hoá Hoà Bình, nội dung văn hoá Hoà Bình của bà bao gồm những vết tích văn hoá trong các hang động núi đá vôi ở miền Bắc Việt Nam có những đặc trưng chung là sự phong phú công cụ hình hạnh nhân, hình đĩa và rìu ngắn được ghè đẽo một cách tiết kiệm một mặt từ những hòn cuội dẹt, những công cụ kiểu này được các nhà khảo cổ gọi là công cụ kiểu Sumatra (Sumatralith).
Niên đại của văn hoá Hoà Bình cũng được M.Colani đưa ra dựa trên so sánh với hậu kỳ đá cũ châu Âu, Magdalenien ở Pháp và trải qua ba giai đoạn phát triển, với sự công nhận của Hội nghị, M.Colani được xem như là người khai sinh ra văn hoá Hoà Bình.
Đánh giá về công lao của M.Colani, tập thể tác giả cuốn chuyên khảo  “Văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam” đã viết: “Những phát hiện và nghiên cứu về văn hoá Hoà Bình của M.Colani thực sự đã có ảnh hưởng rất lớn trong giới học giả nghiên cứu về Đông Nam Á thời tiền sử, khối tư liệu văn hoá Hoà Bình gồm hiện vật và báo cáo khoa học do người Pháp để lại là những tài liệu vô cùng quan trọng không những để nghiên cứu thời tiền sử Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Từ khối tư liệu văn hoá Hoà Bình còn lại có thể thấy sự cố gắng cùng sự đóng góp của nhà nữ khảo cổ M.Colani đã ở vào tuổi nghỉ hưu chỉ khoảng 12 tháng điền dã (từ năm 1926 đến đầu năm 1930) bà đã khai quật trên 50 hang động và mái đá trải dài suốt từ Hoà Bình đến Quảng Bình. Thật là một con số kỷ lục, đó là chưa tính đến những quãng đường đèo dốc, suối sâu của vùng sơn khối đá vôi để đến được với di tích”[4].

Từ khi phát hiện đến nay 1926-2014, nhận thức về văn hoá Hoà Bình của chúng ta đã có nhiều thay đổi, có những nhận thức cũ từng bị phủ nhận (năm 1932) như niên đại địa chất thời Cánh Tân của VHHB giờ lại được thừa nhận (hội nghị 60 năm phát hiện văn hoá Hoà Bình Hà Nội 1996) và hiện nay một chuỗi niên đại C14 và AMS của VHHB cho thấy, giai đoạn sớm của nền văn hoá này (cách đây khoảng 20.000 năm) thực sự tương đương với niên đại của thời kỳ Magdalenien (Pháp) mà M.Colani từng đề nghị.
Học giả Pháp đã phát hiện và khởi đầu nghiên cứu văn hoá Hoà Bình, người làm khảo cổ Việt Nam là những người đã làm rõ nội dung và tính chất của văn hoá này ở nhiều phương diện.
-      Có một văn hoá Hoà Bình (văn hoá Khảo cổ ở Việt Nam) hay Truyền thống Hoà Bình, Phức hệ kỹ thuật Hoà Bình ở Đông Nam Á, sau văn hoá Sơn Vi, nằm vắt qua thế Cánh Tân (Pleistocene) và Toàn Tân (Holocene)… trong sự chuyển tiếp từ thời đại đồ đá cũ sang thời đại đồ đá mới. Văn hoá Hoà Bình được nhìn nhận như một văn hoá đặc trưng trong sự phát triển của truyền thống công cụ cuội ở Việt Nam; có sự đồng quy văn hoá thời đại đá mới ở Đông Nam Á lục địa[5].
-      Cư dân sống chủ yếu trong các hang động núi đá vôi và cấu trúc địa hình cảnh quan địa lý của người Hoà Bình theo trật tự suối-, bãi bồi, hang, thầm cổ, đồi trung sinh hay miền trước núi và núi đá vôi Karst (với các hang động). Tiến hành khảo sát những dạng khác nhau của hẹ sinh thái hiện nay, GS. Trần Quốc Vượng đặc biệt đi sâu vào hệ sinh thái thung lũng chân núi đá vôi của người Mường và người Tày, một dạng sinh thái phồn tạp, có thể phục vụ cho việc săn bắt, thu lượm theo phổ rộng[6], dạng hệ sinh thái tương tự từng tồn tại trong giai đoạn văn hoá Hoà Bình. Ngoài ra, điểm cực nam của văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam là hang động núi đá vôi tỉnh Quảng Trị
-      Cư dân sinh sống dựa trên những phương thức khai thác môi trường tự nhiên khác nhau thu lượm và săn bắt (bắn), chưa xuất hiện nền kinh tế sản xuất và chưa có đồ gốm. Kỹ thuật chế tác công cụ đá Hoà Bình rất năng động bằng cách tiếp thu chọn lọc kỹ thuật truyền thống, phát triển và sáng tạo ra những yếu tố kỹ thuật mới và tiến bộ. Sự bảo lưu lâu dài của kỹ thuật chế tác đá kiểu Hoà Bình và vai trò ít thay đổi của đồ đá trong đời sống cư dân thời tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á chủ yếu do cách thức khai thác môi trường tự nhiên không đòi hỏi những cải cách mang tính đột biến về kỹ thuật/kỹ nghệ.
-      Văn hoá Hoà Bình, văn hoá Bắc Sơn vừa có mối quan hệ nguồn gốc vừa có tính giai đoạn sớm muộn và tính khác biệt địa hình sinh thái.
-      Văn hoá Hoà Bình có tầm phủ rộng đối với những văn hoá cùng thời và sau đó.

  1. Văn hoá Sa Huỳnh: Từ M. Colani đến các nhà khảo cổ học Việt Nam
Tên gọi văn hoá Sa Huỳnh được đặt theo tên một cánh đồng muối Sa Huỳnh, nằm ở cửa sông Trà Bồng, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1909, A. Vinet một học giả người Pháp đã thông báo ngắn về việc phát hiện một kho mộ chum khoảng 200 chiếc ở đây. Trong những thập kỷ 20 và 30 của thế kỷ XX, Trường Viễn Đông bác cổ Pháp đã uỷ quyền cho Labarre, M. Colani và Olov Janse tiến hành khai quật ở Sa Huỳnh và điều tra nghiên cứu ở các vùng phụ cận và xa hơn. Năm 1923, Labarre khai quật 240 chum mộ ở Long Thạnh, Thạnh Đức và Phú Khương. Năm 1934, M. Colani đào Long Thạnh và phát hiện 55 chum, đào Phú Khương, phát lộ 187 chum. Năm 1935, bà phát hiện dấu tích mộ chum Sa Huỳnh ở Quảng Bình, năm 1937, M. Colani là người đầu tiên đặt tên cho khu di tích mộ chum là văn hóa Sa Huỳnh.
Tiếp đó, vào những thập kỷ 50, 60 và nửa đầu thập kỷ 70 là những phát hiện và nghiên cứu của các học giả như L. Malleret, E. Saurin, H. Fontaine, Hoàng Thị Thân…. Qua những tư liệu thu thập được, một số nét cơ bản của văn hoá Sa Huỳnh đã được phác hoạ. Đó là táng thức mộ chum với các đồ tuỳ táng như gốm, sắt, trang sức bằng thuỷ tinh, mã não…. Một số vấn đề khác của văn hoá này cũng đã được bàn đến như mối quan hệ khu vực, chủ nhân…. Do nhiều nguyên nhân, những di tích cư trú chưa được tìm thấy, vì vậy các học giả nước ngoài cho rằng, chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh là những cư dân đi từ ngoài biển vào, những mộ chum chôn trong đất liền là nơi họ gửi gắm những linh hồn, đánh dấu những vùng đất mà họ đến[7].
Trong giai đoạn này việc phát hiện nghiên cứu, xác định và định danh nền văn hóa Sa Huỳnh thuộc về những học giả Pháp. mặc dù còn có không ít ý kiến phê phán phương pháp khai quật của các học giả Pháp cũng như quan điểm truyền bá luận của họ trong diễn giải di tích, di vật và tìm hiểu chủ nhân, nguồn gốc của văn hóa Sa Huỳnh, nhưng tư liệu khai quật các địa điểm này cùng với những nghiên cứu so sánh thực sự đã làm sáng tỏ đáng kể một số khía cạnh của văn hóa Sa Huỳnh như niên đại, táng thức, loại hình hiện vật... đặc biệt một nền văn hoá khảo cổ mới được xác lập và được trình ra với học giả thế giới.
Từ sau năm 1975, đặc biệt là từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, kế tiếp những nghiên cứu của học giả phương Tây, đặc biệt là của học giả Pháp những nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được nhiều hiểu biết mới, nhiều kiến giải mới về văn hoá Sa Huỳnh trong bối cảnh Đông Nam Á[8].
-      Tính chất đa nguồn gốc của văn hoá Sa Huỳnh và một trong những nguồn đó là những dòng chảy văn hoá Tiền Sa Huỳnh Xóm Cồn/Long Thạnh/Bình Châu. Những yếu tố nội sinh kết hợp với ngoại sinh bằng những cách thức khác nhau từ trao đổi hàng hoá, ý tưởng đến chuyển động dân cư...
-      Bức tranh đa dạng của văn hoá Sa Huỳnh theo cả hai chiều không gian và thời gian. Sự thích ứng với môi trường tự nhiên đã tạo ra những dạng văn hoá Sa Huỳnh Bắc, Nam, Núi, Đồng bằng, Duyên hải, Đảo...
-      Phương thức mưu sinh bao gồm cả khai thác môi trường tự nhiên và sản xuất, trong mưu sinh yếu tố rừng cũng quan trọng ngang bằng yếu tố biển. Thương mại đường xa đóng vai trò như chất xúc tác phát triển tính phức hợp xã hội, điều kiện cần cho sự hình thành những kiểu nhà nước sớm.  
-      Bản chất của quá trình hội nhập văn hoá sớm thường được gọi một cách chưa hẳn chính xác Hán/Hoa hoá, Ấn hoá trong thời sơ sử và tác động lâu dài của những quá trình này.

  1. Hệ thống khai thác và sử dụng nước dùng đá xếp ở Quảng Trị từ những công trình nghiên cứu của M.Colani đến nghiên cứu và khảo sát từ những năm 1990 đến nay.
Ở những vùng đồi đất đỏ bazan ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ tỉnh Quảng Trị có những hệ thống khai thác thu gom và chia bậc sử dụng nước ngầm xếp bằng đá rất độc đáo và thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Công đầu trong nghiên cứu phương thức khai thác và sử dụng nước độc đáo này thuộc về M.Colani[9]. Bà đã Khảo sát, khảo tả và phân loại các công trình khai thác nước. Bà đã tập trung khảo sát trên địa bàn khá rộng, gồm các vùng đất thuộc Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ từ năm 1912 đến 1940. Nhờ những nghiên cứu công phu, tỷ mỷ của bà mà ngày nay chúng ta có các sơ đồ, số đo, bản vẽ, ảnh chụp … của những công trình khai thác nước này. Đến hôm nay những nghiên cứu ấy vẫn còn giá trị. Vì do không có điều kiện, hầu như tất cả các tác giả khác đều dùng chúng như tư liệu gốc. Mặt khác, một số công trình đã bị phá huỷ, cải tạo hay bỏ đi không dùng nữa[10] M. Colani đã dùng thuật ngữ “Système” – (Hệ thống) để chỉ các công trình khai thác nước gồm nhiều thành phần khác nhau, phân bố kiểu bậc thang. Một “Système” hoàn chỉnh nhất – (hệ thống Kình) theo bà bao gồm:
- Trên cùng là một mặt bằng khô ráo.
- Phía dưới là vũng  thượng (basin supérieur) nhận nước từ trên cao xuống qua các vòi bằng đá hay gỗ.
- Nước từ trên vũng thượng chảy vào vũng chứa (vũng nước sử dụng) – (basin d’alimentation). Đây là nơi lấy nước ăn, tắm giặt.
- Nước từ vũng chứa chảy xuống vũng tháo rộng, bờ thấp, nước đọng. Trâu bò thường uống nước và đằm ở đó.
- Nước từ các vũng trên theo trọng lực chảy qua các lạch, dòng chảy (ruisseau, defluant) tưới cho các ruộng lúa, vườn tược ở xung quanh.
Các mặt bằng ở trên cao, các bể, lạch và dòng chảy đều được kè đá với chủ đích định hướng và giữ nước dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu. Ở một số hệ thống, còn có các đường kè đá thành bậc dẫn lối từ làng xuống.

Bà đã dùng thuật ngữ “puits” – (giếng) chỉ những hố hình tròn hay vuông lấy và chứa nước ngầm, thành giếng được kè đá. Theo M. Colani “puits” đơn giản hơn “système” song không phải là giếng đơn mà là giếng đôi kế tiếp nhau, nằm trên mặt bằng dốc, theo nguyên tắc bình thông nhau có lạch hay dòng chảy dẫn nước ra ruộng. “Système” và “puits” được bà phân loại theo số lượng của vòi chảy hay không vòi chảy[11] .
Tháng 7- 1937, M. Colaini đã đào một số hố thám sát ở các mặt bằng trên cao, mặt bằng quanh một số vũng, trên các con đường bậc thang dẫn xuống các giếng Đào, Kình, Đìa, Ông. Độ sâu các hố từ -0,4m tới -1,25m, tính từ bề mặt hố đào. Giếng Kình: 4 hố; giếng Đào: 5 hố; giếng Đìa: 2 hố; giếng Ông: 4 hố.
Hiện vật thu được qua các hố trên ít, đơn giản và khá đồng nhất, chủ yếu là mảnh gốm, sành vỡ. Trong báo cáo kết quả M. Colani đề cập tới những mảnh gốm cổ, gốm hiện đại song không cho biết cụ thể. Tại một hố giám sát ở giếng Kình, bà tìm thấy trên bề mặt một số đồng tiền niên hiệu Gia Long, Tự Đức, Thiệu Trị; ở độ sâu -0,60m tìm thấy một mảnh tiền đồng khác không rõ niên hiệu. Trong hố thám sát 5 của giếng Đào, tìm thấy một vật hình nón trụ bằng đá, đáy là khối hình chữ nhật mà theo M. Colani là dùng để dẫn nước vào ruộng. Kết quả từ hố đào số 5 tại giếng Kình phần nào cho biết những người xây dựng nó đã dùng các khối đá chèn nền, củng cố bờ tường[12].
Bà cũng đã đưa ra ý kiến của mình về nguồn gốc, chủ nhân và niên đại của
Dùng các dấu vết tín ngưỡng (tục thờ đá, thờ cây, thuật phong thuỷ, mồ mả cũ), đối sánh cách khai thác nước vùng này với các phương thức thuỷ lợi của người Việt và người Chăm, dẫn các chứng cớ dân tộc học của các tập đoàn thiểu số vùng Assam ở đông bắc Ấn và Indonexia, M. Colani kết luận: Hệ thống thuỷ lợi Quảng Trị “là thuộc về một dân tộc lạ (ngoại lai), chắc đã để lại hậu duệ ở Quảng Trị, nhưng là một số rất nhỏ, đã bị chìm vào trong tổng thể”[13].
Theo M. Colani, cả ba nơi Assam, Indonexia và một phần Đông Dương vào một lúc nào đó thuộc vùng khai thác của tập đoàn nhân chủng giống nhau[14]. Tuy nhiên, chính bà cũng không biết rõ hướng thiên di của các tộc người đó, “Từ Đông Dương tới Indonexia hay ngược lại”[15]. M. Colani không nói rõ thời điểm cụ thể, theo bà có thể là sau nền văn minh cự thạch, vào những thế kỷ sau công nguyên[16]những hệ thống này đã được xây dựng và vận hành.
Theo dấu vết của bà chúng tôi đã đi khảo sát lại khu vực này vào đầu những năm 90. Chúng tôi đã đi khảo sát được 21 địa điểm, nơi có các công trình khai thác nước tại các làng xung quanh quanh núi Cồn Tiên- xã Gio Linh, Gio An, khu vực các làng Liêm Công Đông, Liêm Công Tây – xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh; xã Cam Thành, huyện Cam Lộ và khu vực cồn cát thuộc xã Gio Mỹ, Gio Linh và kế thừa những kết quả điền dã, lý thuyết của M.Colani, chúng tôi đã có những bổ sung về chủ nhân, niên đại của những công trình này.[17]
Các hệ thống bể, giếng thường phân bố ở vùng sườn hay chân đồi đất đỏ. Khu vực xung quanh không có sông, suối, ao, hồ,… Toàn bộ trữ lượng nước vùng Cồn Tiên nằm ngầm dưới lớp đất đỏ[18]. Trong khi đó, hệ thống giếng ở Vĩnh Linh lại bám theo một dòng chảy mà người Pháp gọi là sông Liêm Công Tây.
Những hệ thống bể, giếng trước hết cung cấp nước phục vụ đời sống hàng ngày (đáng chú ý là có những quy định cụ thể, nghiêm ngặt: lắng bể, lấy nước sinh hoạt, bể chứa nước tắm giạt, bể súc vật uống nước…). Nước dư thừa chảy qua hệ thống kênh rãnh tưới cho các ruộng lúa, vườn rau. Chính đặc điểm đa chức năng này tạo nên tính khu biệt và độc đáo của chúng. Thông thường những kênh rãnh từ các hệ thống dẫn nước chảy thẳng ra các ruộng (ruộng bậc thang, ruộng trũng, phẳng quanh khu vực. Song, trong một số trường hợp, nước của vài hệ thống chảy dồn vào một khe, khe này có tác dụng điều hóa nước tưới. Ví dụ: Khe Cừ nhận nước của các “giếng” Ông, Bà, Voi, Cái, Diềm. Ở một vài chỗ còn có các ao hồ với những đập bằng đất, đá, cây tập trung lưu lượng nước như hồ Sen, ao Sara… Nước từ những giếng quanh vùng Cồn Tiên còn chảy tưới cho một số ruộng ở vùng cồn cát ven biển[19].
Dùng cách so sánh tài liệu khảo cổ với tài liệu dân tộc học và tiếp cận theo thuyết hệ thống-chức năng, việc khai thác và sử dụng nước phụ thuộc vào thói quen, lối sống, lối canh tác, cách thức tổ chức xã hội và tác động của tín ngưỡng, tôn giáo... chúng tôi trong những nghiên cứu của mình đã làm rõ thêm ý kiến của một số nhà nghiên cứu cho rằng chủ nhân đầu tiên của những công trình ở Gio Linhvà những công trình theo mô thức tương tự ở Vĩnh Linh, Cam Lộ... (Quảng Trị) và nhiều nơi khác ở miền Trung Việt Namlà cư dân vương quốc Champa. So sánh với những giếng của người Chăm hiện nay ở những vùng Ninh, Bình Thuận, đặc biệt là “Giếng cổ Thành Tín”[20] chúng ta có thể so sánh với những công trình đã khảo sát ở Quảng Trị và thấy ý kiến về chủ nhân ban đầu của những công trình đó là cư dân Champa có thêm nhiều tài liệu so sánh dân tộc học ủng hộ.


          Người Việt có câu “Vạn sử khởi đầu nan”, khởi đầu của M.Colani đã đang và sẽ được những lớp lớp người làm khảo cổ Việt Nam tiếp bước.









Tài liệu tham khảo
COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue, 29
COLANI.M. 1937. Anciennes irrigations et bassins dans le DoLinh (Quang Tri). Cahier de l’ Ecole Francaise d, Extreme Orient. TX; COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam, Bulletin des Anis du Vieux de Hue.
H.Mansuy, M.Colani 1925, Néolithique inférieur (Bacsonien) et néolithique supérieur dans the Haut-Tonkin (dernières researches). Avec la description des cranes du gisement de Lang Cuom – MSGI. Vol.12, No 3.
Trần Quốc Vượng 1986, Văn hoá Hoà Bình – Văn hoá thung lũng, Khảo cổ học, số 2, 1-6
Hoàng Xuân Chinh (chủ biên) 1989, Văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam, Hà Nội
Lâm Mỹ Dung 1993, Các công trình khai thác nước dùng đá xếp ở Quảng Trị, Khảo cổ họcsố 2, 67-79
Lâm Thị Mỹ Dung 2009, Văn hoá Sa Huỳnh từ những phát hiện và nghiên cứu mới   Bài trình bày trong Hội thảo KHQT "100 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh" tháng 7.2009 ở Quảng Ngãi. Võ Quý và Bùi Vinh 2004, Khảo cổ học thời đại đá Việt Nam thành tựu và các giai đoạn phát triển, Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội
Nguyễn Quang Trọng, Madeleine Colani (1866-1943) nhà khảo cổ đã đi tìm tiểu sử Việt Nam


 Chú thích

[1]  Nguyễn Quang Trọng, Madeleine Colani (1866-1943) nhà khảo cổ đã đi tìm tiểu sử Việt Nam, http://vietsciences.free.fr/biographie/artists/writers/coloni_madeleine.htm


[2] H.Mansuy, M.Colani 1925, Néolithique inférieur (Bacsonien) et néolithique supérieur dans the Haut-Tonkin (dernières researches). Avec la description des cranes du gisement de Lang Cuom – MSGI. Vol.12, No 3.

[3] Hoàng Xuân Chinh (chủ biên) 1989, Văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam, Hà Nội: bảng 1, tr.37

[4] Hoàng Xuân Chinh (chủ biên) 1989, Văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam, Hà Nội, tr.14

[5] Võ Quý và Bùi Vinh 2004, Khảo cổ học thời đại đá Việt Nam thành tựu và các giai đoạn phát triển, Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội: 45-51.

[6] Trần Quốc Vượng 1986, Văn hoá Hoà Bình – Văn hoá thung lũng, Khảo cổ học, số 2:1-6.

[7] Mặc dù chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh không chỉ là cư dân sống trên biển như nhận định của các học giả Pháp Những nghiên cứu về nơi cư trú của người Sa Huỳnh những năm gần đây cùng với việc phân tích tính chất của bộ công cụ sắt, đồng, đá và phương thức mưu sinh kết hợp giữa khai thác rừng, đồng bằng, sông, biển kết hợp buôn bán... cho thấy tính chất đất liền của người Sa Huỳnh. Nhưng ý kiến của học giả Pháp vẫn có giá trị trong việc đánh giá vai trò của chuyển dịch dân cư (đường biển) và quan hệ giữa chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh và kiểu Sa Huỳnh ở miền Trung, miền Nam Việt Nam với những nhóm cư dân cùng thời ở Đông Nam Á Hải đảo, những di tích và di vật ở Hoà Diêm (Khánh Hoà), Giồng Lớn (Bà Rịa – Vũng Tàu), Giồng Cá Vồ-Giồng Phệt (TP.Hồ Chí Minh)... cho thấy rõ điều này.   

[8] Lâm Thị Mỹ Dung 2009, Văn hoá Sa Huỳnh từ những phát hiện và nghiên cứu mới   Bài trình bày trong Hội thảo KHQT "100 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh" tháng 7.2009 ở Quảng Ngãi.


[9] COLANI.M. 1937. Anciennes irrigations et bassins dans le DoLinh (Quang Tri). Cahier de l’ Ecole Francaise d, Extreme Orient. TX; COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue.


[10] Lâm Mỹ Dung 1993, Các công trình khai thác nước dùng đá xếp ở Quảng Trị, Khảo cổ học số 2, tr. 67-79

[11] COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue, 15-31; 43-56.

[12] COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue, 29

[13] COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue,39

[14]COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue,20

[15] COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue, 214

[16] COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue, 41

[17] Lâm Mỹ Dung 1993, Các công trình khai thác nước dùng đá xếp ở Quảng Trị, Khảo cổ học số 2, 67-79

[18] COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue, 84

[19] COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue, bản vẽ LXVIII- trên, 28


Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Dọc đường khảo cổ "Sáng ra bờ suối, tối vào hang"

Mình đang viết về đóng góp của bà Madeleine Colani, nhà địa chất, nhà cổ sinh học, nhà khảo cổ học người Pháp đối với sự hình thành và phát triển của khoa học khảo cổ Việt Nam. Công lao của bà khó mà kể hết, nhưng công lớn nhất chắc chắn là công phát hiện và định danh văn hoá Hoà Bình, nền văn hoá thời đại đồ đá (mà cho đến giờ chưa ngã ngũ là Cũ hay Mới hay vừa Cũ vừa Mới). Dù chỉ là bài viết nhân kỷ niệm sự kiện thì với mình không thể viết cho có, viết chỉ để viết, cho thêm số đầu bài trong danh mục. 

Ở đây, chỉ muốn kể đôi chút về cái cách mà mình được dạy, được học, được thực hành về văn hoá Hoà Bình.

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang"

Hồi mới về Bộ môn, mình hay theo Thầy Vượng đi dự toạ đàm, nói chuyện, bảo vệ luận án... Thầy bảo chịu khó đi gặp gỡ mọi người chứ cô "Tây" quá, "Đuya" quá... Và lần đó mình đi dự lễ bảo vệ luận án ở UBKHXH Việt Nam. Luận án về văn hoá Hoà Bình của TQT. Phần đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi khá rôm rả vì ở ngành khảo cổ, mỗi buổi bảo vệ là mỗi thảo luận, đàm đạo khoa học nghiêm túc nhưng không kém phần hài hước. Khi thấy NCS hơi lúng túng trong việc lý giải về không gian sống của người văn hoá Hoà Bình và giải thích sự có mặt của công cụ đá bên ngoài hang động, Thầy đã hóm hỉnh lẩy một câu "sớm ra bờ suối tối vào hang" để minh hoạ cho luận điểm của mình về ổ sinh thái Hoà Bình, cư dân sống chủ yếu trong các hang động núi đá vôi và cấu trúc địa hình cảnh quan địa lý của người Hoà Bình theo trật tự suối-, bãi bồi, hang, thềm cổ, đồi trung sinh hay miền trước núi và núi đá vôi Karst (với các hang động)! Một câu thôi đủ để hình dung ra không gian sống, lối sống của những cộng đồng dân cư cổ cách đây từ 20.000 năm. 

"Cô nhìn kìa, chúng leo như khỉ kia kìa"

Đận khác, mình theo Thầy đi khảo sát một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá, Thầy trò vào Cẩm Thuỷ tá túc ở nhà khách Uỷ ban huyện, ngày đi khảo sát, tối về Thầy nói chuyện với cán bộ ban ngành, mình ngồi nghe, ghi ghi chép chép. Cẩm Thuỷ vốn có nhiều hang động văn hoá Hoà Bình và trống Mường, thế nên Thầy trò được các cán bộ văn hoá, bảo tàng địa phương dẫn đi rất nhiệt tình, mình cũng cố gắng hết sức để khỏi mang tiếng phụ nữ làm khảo cổ. Độ cao của các hang động không lớn lắm, đường lên dễ dàng nên mình hầu như không gặp trở ngại. Nhưng hôm đó tới một hang, nhìn từ dưới lên chóng hết cả mặt, miệng hang lơ lửng cách mặt đất dễ hơn 100m, cây cối um tùm. Lo lắng quá mình quay sang Thầy trách người xưa sao chọn nơi ở gì đâu mà hiểm trở, làm sao lên, nước làm sao lấy... Đang thao thao bất tuyệt, Thầy chỉ tay:"Cô nhìn kìa, chúng leo như khỉ kia kìa"! Ngẩng lên, lũ trẻ con trong bản theo đoàn khảo sát nãy giờ đã leo gần đến miệng và hú hét gọi người lớn. Mình được một bài học về sự khác biệt trong cảm nhận không gian nay khác xưa và sự thích nghi với môi trường sống ngay từ thủa trong bụng mẹ.

"Các con ơi, khóc lên đi"

Đầu những năm 90, Thầy trò đi khảo sát Quảng Trị, suốt tháng 7,8 dưới cái nắng miền Trung, nước có thể thiếu nhưng bia thì không, Thầy trò mình hết Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ..., hết công trình khai thác nước bằng đá xếp đến mộ chum vò Champa và có lẽ thu hoạch lớn nhất trong đợt khảo sát là phát hiện hang động cư trú văn hoá Hoà Bình ở vùng núi đá vôi Quảng Trị. Trước đó điểm cực nam của nền văn hoá này là hang Quy Đạt, Quảng Bình (do M.Colani thông báo). Cứ ngày khảo sát, tối về mấy đứa ngồi quanh ghi chép lại những phát hiện mới, Thầy vừa đọc, vừa hỏi ý trò. Mỗi khi tìm được di tích, di vật mới Thầy lại bảo trò "các con ơi, khóc lên đi các con ơi"... Có thể nói không ngoa rằng, những phát hiện đáng kể về tiền sơ sử Quảng Trị cho tới nay chủ yếu là của Thầy trò mình vào quãng những năm 90 đấy. 

Và cái sự "ăn gốm, ngủ gốm" Sa Huỳnh, Champa của mình cũng bắt đầu từ quãng ấy.

Thực lòng, nếu không có Thầy, nếu không có những chuyến đi, liệu mình có yêu mãi nghề khảo cổ được không?