Càng ngày càng thấy có thêm những ngôi chùa Việt được tu bổ một cách lạ lùng. Cổng thì na ná giống cổng chùa bên Trung Quốc. Vào sân chùa thì thấy sư tử đá cứ tưởng ở Singapore. Rồi cứ đà này, không biết đến ngày nào đó hậu cung sẽ giống… nhà thờ Hồi giáo cũng nên…
Sư tử Tàu ở chùa Bái Đính- ảnh Vũ Thế Long
Thì vẫn biết vạn pháp duy tâm tạo, nhưng nếu chùa chiền được xây đẹp thì chắc vẫn hơn là xấu. Không phải ai vào chùa cũng đều là Phật tử hoặc có ý định cắt tóc đi tu. Vẻ đẹp thanh tịnh, giản dị, an lành của chùa chính là yếu tố đầu tiên hấp dẫn mọi người. Tuy được hay không còn là nhân duyên.
Đi chùa, lễ Phật, biết lời cầu nguyện của mình cho mình và cho mọi người đến được tai Phật hay không, biết ngày nào mới thấu được triết lý của Phật nhưng chí ít thì cái được và được ngay chính là vẻ đẹp của chùa chiền làm lòng ta dịu lại. Cái đẹp cũng an ủi người ta nhiều lắm.
Cái đẹp cũng là một tôn giáo đặc biệt, một quyền lực đẹp. Không nghiêng về bên nào, không trụ vào đâu thật khó. Nếu làm được thì đã chả phải đi chùa. Cho nên những bước đầu tiên đến với Phật, người ta vẫn cần phải trụ vào chùa chứ. Tất nhiên chùa phải đẹp. Trụ vào đẹp có lẽ vẫn hơn là…
Tôi nghĩ tôn giáo nào đi chăng nữa, trong trường hợp này là Phật giáo cũng cần nghệ thuật như một phương tiện chuyển tải và tỏ bày để đi vào lòng người. Nếu không như vậy thì chả cần chùa phải đẹp, tượng phải đẹp.
Tu thì chả cứ ở chùa hay ở nhà. Tu là ở trong lòng mình, trong tâm mình thôi. Thiền chả cứ nằm hay ngồi, chả cứ diện bích hay vào chợ. Làm gì thì cũng là đối diện với lòng mình, với tâm mình nhưng những bước đầu tiên và trên suốt hành trình đến Niết bàn mà được cái đẹp nâng đỡ thì ắt hẳn vẫn hơn. Sang bờ bên kia bằng con thuyền đẹp thì vẫn hơn.
Ấy thế mà, trên cả nước đang có phong trào làm mới di tích, làm mới chùa, nhân danh trùng tu để làm mới, đập bỏ cũ để xây mới, hoặc xây mới hoàn toàn. Hỡi các vị sư trụ trì, các vị có tâm với Phật thì cũng nên có tâm với cái đẹp nữa.
Chả nói đấu xa, loanh quanh trung tâm Hà Nội thôi, cũng đầy những dẫn chứng về sự vô tâm của các vị sư với cái đẹp của các ngôi chùa mà các vị sư trụ trì. Trường hợp tu bổ chùa Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) là điển hình.
Chùa này nằm ở góc vuông của 2 mặt phố (phố Bà Triệu và phố Lê Đại Hành). Người ta vừa hoàn thành việc phá chùa bằng cách đập bỏ bức tường cũ ở phía mặt phố Bà Triệu, xây một bức tường mới và một cái cổng mới thậm xấu.
Nói chính xác bản thân cái cổng và bức tường đó không xấu, tay nghề thợ xây thợ mộc rất cao, chất lượng gạch, gỗ tốt nhưng kiểu dáng thì rất không bắt mắt vì nó lai căng, kệch cỡm và hoàn toàn không ăn nhập gì với các phần kiến trúc cũ của ngôi chùa này.
Nó không phải là ngôn ngữ kiến trúc của chùa Việt mà là của Tần, không phải chùa Tần mà na ná như tường và cổng thành trong các bối cảnh phim chưởng của Trung Quốc. Nhiều người nói đùa là đến chùa Vân Hồ mà ngỡ như đi lạc sang Quảng Đông, Quảng Tây gì đó.
Thích to, thích mới, thích hào nhoáng, hoành tráng, bóng bẩy đang là cái mốt trong cơn lốc sửa chữa chùa. Một ví dụ khác là chùa Thiên Phúc (Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) cổng tam quan vừa xây xong thô kệch, lênh khênh vừa phá hoại cảnh quan xung quanh, phá hoại cảnh quan chùa do cái tỉ lệ quá cỡ của nó.
Hoặc câu chuyện ồn lên hồi cuối năm ngoái nhưng lại đâu vẫn nguyên đó là chùa Trấn Quốc (Quận Ba Đình – Hà Nội), họ ngang nhiên bất chấp luật di sản, bất chấp phương pháp khoa học trong công tác bảo tồn, họ phá cái cổng tam quan cũ (tuy không phải là yếu tố gốc nhưng được xây theo mẫu gốc) và xây một tam quan mới rất xấu, xấu cũng vì to quá. Lại bệnh tham to.
Đã nói, đã không vô ngôn được, thì xin được nói nốt. Sao bây giờ, sân chùa nào cũng nhiều sư tử đá thế không biết, bạn tôi lại nói đùa: đi chùa Việt mà cứ tưởng nhầm đang ở khu giải trí Sentosa bên Singapore.
Giáo lý nhà Phật dạy: Không nên chấp trước nhưng tôi vẫn vô duyên, vẫn chấp. Mới đi đến cổng chùa đã gặp cổng xấu, mới vào đến sân chùa đã gặp tượng xấu thì vô duyên lại càng vô duyên. Mà cái xấu nhất và buồn nhất đó là chùa Việt mà lại lai căng chùa người.
NGUỒN: http://tuanvietnam.net/2010-03-25-khi-nhung-ngoi-chua-viet-lai-cang
Bài này được phattuvietnam.net đăng lại lúc 08:32 ngày 26/03/2010, nhưng sai tên tác giả thành Họa sĩ Thê Thiết Cương (Lại “lỗi cậu đánh máy”?)
Tôi không hiểu sao họa sỹ họ Lê lại không dẫn chùa Bái Đính ra như 1 dẫn chứng tiêu biểu của chùa Việt không Việt.
Có lẽ cũng như tôi, Lê Thiết Cương sẽ không bao giờ đến đó.
Xin dán vào đây mấy tấm ảnh copy từ chính phattuvietnam.net (Bái Đính – Chốn tâm linh và huyền thoại)
Tôi thấy giống chùa Tàu quá
Tôi chưa từng thấy 1 Tam quan chùa Việt nào thế này
trong hơn 20 năm làm nghề trùng tu di tích
Gác chuông kiểu bát giác này cũng chỉ thấy bên Tàu
Kiến trúc Việt cổ truyền chỉ có 2 tầng 8 mái
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/?zx=58e7c93afab80f3
Cái vụ lai căng kiểu này thì vô thiên lủng, tôi đang sợ rồi đến lúc không còn bất cứ ngôi chùa nào giản dị, an lành để người ta đến tĩnh tâm nữa. Ngoài ra, việc dựng những ngôi chùa như thế này đã góp phần đẩy nhanh kế hoạch tàn phá rừng không chỉ ở Việt Nam mà ở toàn Đông Dương!
Và thêm một vài hình ảnh chùa lai căng nữa
Ảnh này chụp ngay tại Sóc Sơn, nơi được coi là Đại học Phật giáo lớn nhất Việt Nam
Cổng chùa Hà Tiên ở Vĩnh Phúc
Chùa Hà Tiên, Vĩnh Phúc
Rồng bò được gắn từ nhiều đoạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét