Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Lại loanh quanh chuyện origin

Đang xôn xao vụ hoãn giới thiệu cuốn sách Nguồn gốc người Việt, người Mường của bác Tạ Đức!
Lắm còm rất chi là hay, có ý nổi lên là lý do chính trị, nhạy cảm trong thời điểm này...

Cái đương thời, đổ cho chính trị
Cái cổ thời, đổ cho tâm linh


Cả hai kiểu đổ này vừa sang vừa lợi
Nhưng chắc không hoàn toàn đúng.


Cuốn sách sử dụng nhiều dữ liệu của DTH, KCH, Di truyền học, Môi trường học...của một không gian rộng lớn và thời gian kéo dài với những thay đổi từ từ và đột ngột của môi trường tự nhiên, những di chuyển của những làn sóng dân cư khắp các lục địa Á Âu vào những thời điểm 10, 5, 4, 3, 2 nghìn năm cách ngày nay... đòi hỏi người sử dụng phải cực kỳ uyên bác, nắm vững không chỉ số liệu mà cả cách kết nối diễn giải dữ liệu ấy. Chỉ một ví dụ nhỏ, trong khảo cổ học, không đơn giản thấy hai cái bình gốm gống nhau ở hai chỗ khác nhau ở hai thời gian khác nhau là có thể bảo chúng có quan hệ với nhau...
Làm ra được một kết nối tương đối chấp nhận được của dữ liệu nhiều gốc khác nhau, theo thiển ý của mình có lẽ chỉ có ông Jade Diamond tác giả của những "Súng, vi trùng và Thép", "Con người- Loài tinh tinh thứ ba"...


Cuốn sách của Tạ Đức theo ý kiến cá nhân của mình còn quá nhiều lỗ hổng, lỗ thủng trong lưới kết nối, nhiều võ đoán, nhiều tư biện... và vì thế phải được đánh giá nghiêm túc từ góc độ khoa học.Việc in và phổ biến một cuốn sách chuyên khảo khoa học kiểu như sách "Nguồn gốc..." này phải có sự đánh giá của hội đồng chuyên môn và đánh giá thật sự công tâm, nghiêm túc. Không nên vì lý do tự nghiên cứu nên tự in thoải mái, thơ văn vớ vẩn thì in thế nào cũng được, sách khoa học thì không. Đấy cũng là trách nhiệm của những người làm khoa học đối với công chúng!


Cá nhân mình rất tôn trọng và đánh giá cao tinh thần làm việc, trách nhiệm và sự say mê nghề của Tạ Đức. Nhưng về nội dung cuốn sách, mình thấy có nhiều vấn đề, nhất là trong cái cách tác giả sử dụng, kết nối và diễn giải tài liệu khảo cổ học (nhưng vẫn phải nói rằng vô cùng thán phục về sức đọc của tác giả, và cái việc tham khảo tài liệu của tác giả thì những người làm khoa học nên theo).Cuốn sách có ích cho mình không phải ở chỗ cung cấp thông tin gì, mà ở chỗ cung cấp thế nào?


Còn nữa, nếu người Việt (hay một bộ phận người Việt) có nguồn gốc từ những vùng đất mà hiện nay là lãnh thổ Trung Quốc thì cũng chả có gì thuộc về nhạy cảm chính trị. Đã nói quá nhiều về gốc sinh học và hình thành, diễn biến văn hóa (lối sống), đã nói cũng quá nhiều về biên giới chính trị không đồng nghĩa với không gian văn hóa, đã nói quá nhiều do vị thế địa văn hóa, người Việt (cả người Việt Nam) chắc chắn có nhiều gốc khác nhau...và hãy nhớ về ưu thế lai xa!  


Và cuối cùng, dân tộc mạnh, dân tộc văn minh, dân tộc hùng cường... không phụ thuộc nhiều vào cái gốc sinh học!
Mà phụ thuộc vào hành động của chúng ta thời hiện tại.

PS. Sang một số nước như Đông Nam Á, Đông Bắc Á như Thái Lan, Phillipin, Nhật Bản, Hàn Quốc... câu chuyện về những người nông dân trồng lúa đánh cá cách đây 4 rồi 3 rồi 2 nghìn năm từ Nam Sông Dương Tử tỏa đi đến những vùng đất mới Thái Lan Thái Lan, Phillipin, Nhật Bản, Hàn Quốc... và cùng chung sức với những cư dân bản địa săn bắt hái lượm ... tạo nên một lối sống mới được coi là bình thường.  Tất nhiên, cần có thêm những chứng cứ, diễn giải và tranh luận khoa học, nhưng cứ định kiến hẹp hòi... thì khó lắm!