Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Xã hội sao, lễ hội vậy!

 (PL)- Những thực hành nghi lễ xưa một cách ồ ạt, không chắt lọc, bất chấp những thay đổi thời thế như đang làm thời gian gần đây chỉ làm biến tướng, làm hỏng những giá trị văn hóa của cha ông!
Ví dụ điển hình của sự biến tướng, phá vỡ giá trị văn hóa, buôn thần bán thánh là sự xuyên tạc lịch sử và ý nghĩa của lễ hội, đó là việc dựng lễ Khai ấn đền Trần, Nam Định mà thực chất là bán ấn, đáng lo là hiện nay một số địa phương (đền Trần Thương, Hà Nam và đền Hưng Hà, Thái Bình) đang khuếch trương chuyện bán ấn.

Liên kết những điều trái nghịch
Bản chất của lễ hội nói chung, đặc biệt là những lễ hội cổ truyền đó là sự huyền bí, khoảnh khắc chưa từng thấy, bứt ra khỏi thời gian của cuộc sống thường nhật, phá vỡ nhịp điệu tuần hoàn lặp đi lặp lại.
Lễ hội luôn có hiệu năng điều hòa nghịch lý, liên kết những điều trái ngược: nghi thức - tự phát; truyền thống - phóng túng; tính tôn giáo - tính phàm tục; giàu - nghèo; cô đơn cá nhân - cố kết cộng đồng. Mục đích của lễ hội chính là sự tự khẳng định mình; duy trì sự cố kết cộng đồng, “cộng cảm”, “cộng mệnh”. Như một thiết chế, lễ hội bảo vệ, tái sinh và tái tạo sợi dây liên kết các thành viên của một xã hội. Nhưng lễ hội bao giờ cũng gồm phần lễ và hội. Lễ: Trang nghiêm, thiêng liêng (không gian thiêng và thời gian thiêng); hội: Vui, láo nháo, hỗn độn... Trong một số trường hợp một vài nghi lễ được chuyển hóa thành trò diễn, những trò diễn này dù chủ yếu chỉ để người đến lễ hội “xả xúp páp” thì vẫn phải đảm bảo tính chất nghi lễ thiêng liêng. Đa phần lễ hội cổ truyền nếu không nói là tất cả, dù được gọi bằng nhiều tên gọi thì đều có nguồn gốc nông nghiệp, chứa đựng nhiều lớp văn hóa khác nhau, cái mà chúng ta quan sát hiện nay thực ra là kết quả của một quá trình biến đổi, chắt lọc và cũng như nhiều sản phẩm văn hóa dân gian khác truyền lại bằng ký ức kể miệng, phần vỏ có thể vẫn còn nhưng phần lõi không hẳn còn để hình thức không phải lúc nào cũng gắn với nội dung.


Một số hình ảnh  "tranh cướp, mua" lễ vật cầu may trong lễ hội 
(Ảnh lấy trên mạng) 

Ngụy biện khoa học
Ở đồng bằng Bắc Bộ từ lâu đã lưu truyền câu “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/ Vui thì vui vậy chẳng tầy rã đám làng La”. Rã La - theo các tài liệu dân tộc học và văn hóa học thì trong đêm lúc “tắt đèn”, trai gái trong làng có thể mặc sức vuốt ve, ôm ấp hay có thể “đi xa” hơn nữa với nhau, vốn là một nghi thức liên quan đến tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp trong lễ hội làng La Khê Nam (làng La), hiện thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) từ lâu đã không còn nữa do không phù hợp với đời sống hiện đại.
Trong lịch sử Việt Nam có những thời kỳ đứt gãy do nhiều nguyên nhân khác nhau, ngắn thì vài chục năm, dài thì cả trăm năm dẫn đến những đứt gãy trong cách hiểu và cách thực hành văn hóa trong đó có cả lễ hội, những cách đánh giá hay nhận biết kiểu “các cụ truyền lại”, “ngày xưa các cụ không làm như thế này mà làm như thế kia”... khó có thể kiểm định bằng những luận cứ khoa học nghiên cứu văn hóa nhưng luôn là cái neo để vịn khi nói về biến đổi và duy trì di sản văn hóa. Những lễ hội cổ truyền mang tính địa vực và tộc người rất rõ ràng, dù trong quá trình đan xen văn hóa giữa các tộc người có sự thêm bớt, vay mượn của nhau trong tinh thần hỗn dung thì tính chất riêng, đặc biệt là tính đặc thù trong nghi lễ vẫn nổi trội “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, nghi lễ ấy chỉ thiêng trong thời điểm ấy và không gian ấy, ra ngoài phạm vi, tính thiêng sẽ không còn. Nói như vậy để thấy khi nghi lễ của lễ hội làng vượt ra khỏi không gian làng sẽ chỉ còn hình thức và thiên hạ sẽ mặc sức mà đánh giá bản chất của nghi lễ theo cách hiểu của mình và những cách thức quản lý của chính quyền các cấp cũng như những biện hộ dưới cái ô khoa học của một số nhà nghiên cứu chỉ làm cho thực hành nghi lễ trong lễ hội ngày càng trở nên xô bồ, không còn chức năng giáo dục những giá trị chân, thiện, mỹ của văn hóa. Văn hóa biến đổi, văn hóa là quá trình chắt lọc những giá trị tiêu biểu qua nhiều thế hệ, văn hóa hợp thời. Văn hóa tôn trọng sự khác biệt nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ của quá khứ đều cần hay đều được thực hành trong hiện tại, việc bảo tồn và phát huy những giá trị của lễ hội cũng phải tuân theo sự hợp thời, quá khứ nâng đỡ hiện tại và tương lai chứ quá khứ không quấy phá hiện tại và tương lai.
Việc thực hành lễ hội xưa cũng phải tuân thủ luật pháp nay, những hành động dưới lốt nghi lễ như đánh người trong tranh cướp hoa tre ở lễ hội đền Gióng hay kiệu bay đâm vỡ kính ô tô ở lễ hội làng Xuân Đỉnh đã vi phạm pháp luật và không thể dùng thần thánh biện minh!

LÂM THỊ MỸ DUNG (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)