PGS.TS. Bùi Quang Thắng được nhiều người gọi ngắn gọn là “Ông lễ hội”. Hàng chục lễ hội khắp nơi trên mọi miền của tổ quốc- Từ những hội làng như Xuân Phả cho đến những lễ hội tầm vóc quốc gia như lễ hội Lam Kinh, Kiếp Bạc hay lễ Tịch Điền…gắn liền với tên tuổi của ông. Ông cũng là người tiên phong đưa nghệ thuật đương đại vào các lễ hội truyền thống, gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Vừa trở về từ lễ hội Tịch Điền (mùng 7 tháng giêng Tết Canh Dần), PV “Gia đình &Trẻ em” có cuộc trao đổi thú vị với ông về những vấn đề còn nóng hổi hương vị ngày xuân.
PV: Thưa PGS.TS, quá trình đưa ông đến với lễ hội như thế nào? Ông có thể chia sẻ với độc giả cảm giác của mình khi phục dựng lễ hội đầu tiên và những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm lễ hội của mình.
BQT: Lễ hội 5 làng Tích Sơn (Vĩnh Phúc) và lễ hội Xuân Phả (Thọ Xuân, Thanh Hoá) là những lễ hội mà tôi phục dựng đầu tiên. Tính đến nay cũng đã ngót nghét chục năm rồi. Hồi ấy, quan điểm phục dựng của tôi là phục hồi lại những gì đã thất truyền nhưng còn được lưu giữ trong tâm trí của người già ở các cộng đồng (Nói theo cách khoa học là theo quan điểm bảo tồn nguyên gốc).
Hồi ấy, một dự án như vậy chỉ được khoảng 6 đến 7 chục triệu và nhiều lắm là 100 triệu đồng thôi , nhưng cũng vẫn làm được, bởi người dân, chính quyền sở tại chẳng đòi hỏi thù lao gì nhưng vẫn hăng say tham góp ý kiến và tập luyện. Mặc dầu công việc phục dựng lễ hội của chúng tôi thời ấy chẳng có báo chí nào nói đến nhưng tôi vẫn cảm thấy rât vui bởi mình đã đóng góp được chút trí lực để giúp các cộng đồng ấy bảo tồn được di sản của họ. Cách đây 5 năm, khi tôi quay về Xuân Phả, các cán bộ xã nói vui với tôi rằng: “Anh có công to với địa phương, nhưng tội anh cũng rất to”. Thấy tôi ngơ ngác, các anh ấy liền giải thích:” Nhờ anh mà lễ hội của chúng tôi được phục dựng và ngày càng phát triển, cứ mỗi lần lễ hội, dân làng đón tiếp nhiều khách, nhà nào cũng liên hoan, nên trong một ngày mà có tới trên 70 con chó bị thịt”…
PV: Cho đến nay lễ hội nào khiến cho ông ưng ý và tâm đắc nhất?
BQT: Mỗi môt lễ hội mà tôi làm đều có một vẻ, nên khó có thể chọn ra cái mà mình ưng ý nhất. Ví dụ, lễ hội Lam Kinh 2005 với 900 nông dân tham gia trình diễn các diễn xướng dân gian là một tuyên ngôn chống sân khấu hoá. lễ hội Kiếp Bạc 2006 là đại diễn xướng hợp quân của 100 chiếc thuyền trên sông Lục Đầu và lần đầu tiên liên hoan diễn xướng hầu đồng được tổ chức công khai, lễ hội Lảnh Giang và Tịch điền là sự thử nghiệm cách làm lễ hội theo quan điểm văn hoá học (tức là kết hợp các tri thức văn hoá lễ hội, nghiên cứu cộng đồng và tổ chức sự kiện)… Tuy nhiên, nếu buộc phải chọn thì tôi sẽ chọn lễ hội Kiếp Bạc là lễ hội ưng ý nhất.
PV: Phục dựng các lễ hội là một công việc khó nhọc đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của rất nhiều ýếu tố, theo ông để một lễ hội thành công thì yếu tố nào là quan trọng nhất?
BQT: Người làm lễ hội phải là một curator thực thụ, nghĩa là anh ta phải nạp đủ trong mình không chỉ kiến thức về lễ hội mà còn cả những tri thức và kỹ năng tổ chức sự kiện
PV: Ông là người tiên phong đưa nghệ thuật đương đại vào cuộc các lễ hội truyền thống. Nhiều người cho rằng điều đó làm mất đi sự linh thiêng thậm chí là phỉ báng thánh thần. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
BQT: Không chỉ phương Tây mà rất nhiều nước trên thế giới đã thay đổi quan điểm bảo tồn di sản từ mô hình bảo tồn nguyên gốc sang bảo tồn- phát triển rồi. Nếu như mô hình bảo tồn nguyên gốc bám rẽ vào tính chân thực lịch sử thì mô hình kia lại không bị lệ thuộc vào điều đó và người ta lấy lợi ích cộng đồng làm mục tiêu để tổ chức lễ hội. Nói cách khác, sự thay đổi, bổ sung những yếu tố làm tăng tính hấp dẫn của di sản không bị hạn chế nếu nó tiếp thị được cho di sản. Dĩ nhiên, người làm lễ hội phải có một sự nghiên cứu kỹ càng những cơ sở văn hoá của những cái mà mới mà anh ta thêm vào, những body art hay body trâu art mà tôi làm là có căn cứ cả chứ không hề tuỳ tiện, áp đặt. Tôi đã từng nói với những đồng nghiệp của mình rằng: Cho tôi tiền bảo tôi body art ở lễ hội Đức Thánh Trần tôi cũng cịu, không dám làm.
PV: Trước khi bắt tay vào phục dựng lễ hội Tịch điền ông đã từng có ý định “ rửa tay gác kiếm”. Điều gì đã khiến ông nhận lời tổ chức lễ hội Tịch Điền và lễ hội đền Lảnh Giang?
BQT: Đây là 2 lễ hội có nhiều chất liệu hay và cơ hội phát triển, nói như các cụ thì đây là những đất có thể dụng võ được, nên tôi cố làm để mở đầu và chứng minh cho quan điểm lý thuyết bảo tồn- phát triển. Viện VHNTVN ủng hộ quan điểm này, bởi viện chúng tôi có chức năng nghiên cứu những vấn đề về chính sách bảo tồn để tham mưu cho Bộ VHTTvà DL.
PV: Trong một lễ hội thì có cả phần lễ và phần hội. Đa số các lễ hội ông làm thì phần lễ gần như giữ nguyên còn phần hội thì có rất nhiều trò chơi và những loại hình nghệ thuật mang tính thể nghiệm. Hình như ông chủ ýếu đầu tư cho phần hội nhiều hơn trong khi trên thực tế việc các lễ hội có sức thu hút hay không là do ýếu tố tâm linh có thiêng hay không chứ không phải do phần hội vui vẻ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
BQT: Trong quan niêm lý thuyết về lễ hội của tôi không có sự bóc tách giữa phần lễ và phần hội. Tất cả các thành tố của lễ hội (từ kiến trúc thờ tự, nghi trượng- nghi vật, đến những yếu tố văn hoá phi vật thể như cúng tế, rước sách, nghệ thuật dân gian, diễn xướng dân gian, thậm chí đến vui chơi và ăn uống cộng cảm) đều góp phẩn biểu tượng hoá cái linh thiêng. Những gì được coi là cái mới mà tôi đưa vào lễ hội như các diễn xướng bọc trứng nở ra ba ông rắn, 3 ông rắn múa lượn dưới hồ nước trong lễ hội đền Lảnh Giang, hoặc hội thi vẽ trâu, diễn xướng “vua nhập thế đi cày” trong lễ hội tịch điền đều liên quan đến các huyền tích và đều được làm theo cách hướng thần, tức chúng liên quan đến lễ nghi. Điều này hoàn toàn khác về bản chất so với những hoạt động mà ta thường gọi là phần hội như các trò thi đấu thể thao, hay biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con trong các lễ hội.
PV: Vậy đâu là bí quyết của ông để thu hút công chúng và những người hành hương trong khi sợi dây liên kết với quá khứ gần như đã bị cắt đứt, chỉ còn lờ mờ vài dòng trong sử sách hay một vài trò diễn chắp nối trong dân gian?
BQT: Như tôi đã nói, người làm lễ hội phải là một Curator giỏi, nghĩa là phải biết nghiên cứu khoa học+ Tổ chức sự kiện (trong đó gồm hang lọat vấn đề như truyền thông nghệ thuật, quảng bá, PR sự kiện, khoa học quản lý- tổ chức, dân vận…)
PV: Nhiều người gọi ông là “Ông lễ hội”. Ông nghĩ như thế nào về danh hiệu không chính thức mà công chúng dành cho mình?
BQT: Tôi chưa nghe thấy ai nói về mình như vậy. Thực lòng, tôi làm lễ hội là để thoả mãn sở thích của mình và với một chút hy vọng đóng góp một phần vào việc thúc đẩy để lễ hội sống được cùng cộng đồng trong thời buổi kinh tế thị trường.
PV: Cảm ơn ông và xin chúc ông một năm mới nhiều cảm xúc sáng tạo.
NGUỒN: http://viettems.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2139:bui-quang-thngtoi-lam-l-hi-tha-man-chinh-minh&catid=172:tng-hp&Itemid=185
Nguyễn Hồng Kiên nói:
Tôi được TS nguyễn Xuân Diện gửi cho link của bài này. Đọc xong thấy không giới thiệu với bà con thì PHÍ.
Vì bây giờ tôi mới biết có 1 tờ báo là “Gia đình & Trẻ em”. Bài được post lại trên website của Ban nghiên cứu văn hoá sinh thái và du lịch – Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam.
Không ngờ Viện Văn hóa Nghệ thuật nói riêng, bộ Văn-Thể-Du nói chung bây giờ lại XUỐNG CẤP (Chuyên môn và Đạo đức) đến như vậy mà vẫn được Nhà nước cho tồn tại.
Tôi vừa “xót tiền dân” (mà ông PGS-TS này được cấp để làm bậy), lại vừa lo cho ông (và nhiều kẻ khác) sẽ bị QUẢ BÁO vì đã “làm lễ hội để thoả mãn sở thích của mình”
Nguyễn Xuân Diện nói:
– Theo tôi, Bộ Văn-Thể-Du muốn thực sự là một Bộ có văn hóa, thì trước tiên là giải thể ngay cái Viện Văn hóa Nghệ thuật ở Hào Nam đi!
- Nếu Bộ Văn-Thể-Du cứ nghe mãi cái Viện này tư vấn, thì văn hóa Việt Nam suy bại lắm! Và các ông lớn mãi vẫn chỉ là diễn viên thôi!
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/2010/03/bui-quang-thangtoi-lam-le-hoi-e-thoa.html
Một lế hội cách đây 10 năm được cấp 100 triệu mà không phải trả thù lao cho chính quyền địa phương và bà con mà ông này còn kêu ít thì sợ thật. Rõ ràng Viện VHNT là cơ quan chuyên tổ chức sự kiện kinh doanh văn hóa và khoa học đầu ngành ở Việt Nam!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét