Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

“Lễ Khai ấn đền Trần” – một xuyên tạc lịch sử

http://www.cinet.gov.vn hôm qua có bài: Tranh tra Bộ VH,TT&DL: Đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội trước và sau tết Nguyên đán tại một số tỉnh phía Bắc. Xin chép nguyên xi cả lỗi chính tả: “Về phần : Được tổ chức trên cơ sở nghiên cứu khoa học, nghi thức dâng hương, nghi thức tôn giáo thành kính, lễ rước trang trọng về quy mô, hình thức, thề hiện sự tôn nghiêm và kế thừa nghi lễ truyền thống lịch sử, phản ánh được bản sắc van hoá địa phương, trang trọng, tiết kiệm.”

“Lướt mạng”, tôi được biết ngày 04/07/2009 UBND tỉnh Nam Định phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã tổ chức 1 cuộc hội thảo khoa học có tên “Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần, Nam Định-giá trị và giải pháp bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc”.
"Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ học…" (Tìm giải pháp bảo tồn Lễ khai ấn đền Trần, Nam Định)

Tôi rất mong lãnh đạo cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa của bộ Văn-Thể-Du chứng minh được CƠ SỞ KHOA HỌC của cái gọi là “Lễ khai ấn đền Trần”.
Tuy nhiên, nếu không thể chứng minh được, xin các vị chính thức xin lỗi Nhân dân và tuyên bố bãi bỏ trò mê tín dị đoan này. Bởi, nối tiếp trò bịa đặt, bôi bác lịch sử này, ít nhất có 2 nơi khác (đền Trần Thương, Hà Nam và đền Hưng Hà, Thái Bình) đã và đang khuyếch trương chuyện BÁN ẤN.
Phần 1: SÁCH THỜI NAY NÓI GÌ?
Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) gần đây thu hút một số lượng vô cùng đông đảo người đến tham dự và hệ lụy cũng ngày một tăng. Trên nhiều báo và các trang mạng đã có rất nhiều bài phê bình về chuyện tổ chức.
Riêng tôi chợt nghi ngờ về cái lễ hội này. Đang đi thu thập các mẫu ấn thì ngày 12/3 báo Tiền Phong có bài: Nhiều bản ấn Đền Trần hóa ra ‘ban phúc không mạnh’ .




Hỏi anh em, bạn bè cũ/mới , được biết cái ấn gỗ ấy là BTC đặt hàng 1 ông em KTS ở cơ quan cũ thiết kế. Và chính xác là từ phông chữ vi tính. Nhà báo Trường Phong chắc đau khổ lắm. Nhưng tôi còn đau hơn nhiều, vì tôi là cháu ngoại họ Trần Nam Định

XIN CÓ 1 ĐÍNH CHÍNH:
Khi entry này lên mạng tôi nhận được điện thoại của ông em đồng nghiệp cũ, cải chính rằng: Không phải BTC đặt làm ấn mà là làm cái bàn để in ấn (?).
Tuy nhiên, chuyên dùng phông chữ vi tính để làm mẫu khắc ấn thì là rõ ràng.
Dấu bị khắc thiếu bộ Thổ, thành “Tích Phúc Vô CƯỜNG” cũng là rõ ràng
Ảnh trên là tôi scan lại cái ấn trên mảnh vải màu vàng mà 1 ông em khác “thỉnh” được ở “Lễ khai ấn đền Trần” Rằm tháng Giêng năm Kỷ Sửu 2009.
Tôi sẽ trở lại chuyện này sau, trong phần bàn về CÁC LOẠI ẤN

Trước hết, cái lễ hội này là cái gì vậy?
Đại khái đến nay, chuyện được quảng bá như sau (theo Hiệu Minh, ‘Khai đao…trảm ấn’ ): Tương truyền, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng Giêng, vua Trần đã mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức cho các quan, quân có công lao đối với đất nước. Kể từ đó, cứ vào ngày này đúng giờ Tý (23h), các vua Trần lại “khai ấn” đánh dấu sự trở lại quốc sự sau khi nghỉ Tết Nguyên đán. “Phúc đẳng hà sa” nếu ai nhận được tờ ấn như thế.
Để cho “chính thống” xin dẫn VGP News
“…Dưới thời Trần, Khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền. Tục truyền, hàng năm các vua nhà Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước… Sau này, người dân nơi đây tiếp tục duy trì mỹ tục này để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc…” (http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Le-Khai-an-den-Tran-thu-hut-dong-du-khach/20102/27979.vgp )
Trang web của Cục Văn hóa cơ sở thì viết trong bài Một số Lễ hội dân gian tiêu biểu trong tháng Giêng năm Canh Dần 2010 Lễ Khai ấn Đền Trần – Nam Định (14/1 Âm lịch): “Hàng năm đến, đêm 14 tháng Giêng âm lịch khách thập phương nô nức về dự hội lễ khai ấn Đền Trần. Đền Trần là khu đền thờ các vị vua đời Trần nằm trên địa phận xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, cách thành phố Nam Định khoảng 9 km. Tương truyền sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng Giêng, vua Trần đã mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức cho các quan, quân có công. Kể từ đó, cứ vào ngày này đúng giờ Tý (23 giờ), các vua Trần lại “khai ấn” đánh dấu sự trở lại quốc sự sau khi nghỉ Tết âm lịch.
Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần từ lâu đã là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc biệt mang tính nhân văn sâu sắc, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đến với Lễ khai ấn đền Trần, du khách không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà quan trọng hơn được chiêm ngưỡng một thời đại đầy oanh liệt về võ công, văn trị-đó cũng chính là không gian, là điều kiện tốt để Lễ khai ấn đầu xuân có sức sống lâu bền cùng thời gian.”
(http://www.vhttcs.org.vn/modules.php?name=News&opcase=detailsnews&mid=1055&mcid=343)

Tôi choáng váng khi đọc những điều này.
Quê gốc Nam Định, hồi tránh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tôi theo ông nội sơ tán về ở ngay trong chùa Phổ Minh, ngay cạnh đền Trần, tôi chẳng được biết gì về lễ khai ấn. Lớn lên, đi học khoa Lịch sử (Đại học Tổng hợp Hà Nội) tôi chưa từng được nghe các Thày nói đến cái lễ hội này.
Phải chăng vì bấy giờ điều đó được/bị coi là “mê tín dị đoan” ?
Đến gần đây, bị anh em bạn bè vặn hỏi, rồi có người nhờ lấy ấn, tôi cứ ớ ra không hiểu ra làm sao cả.
Tôi lang thang trên mạng mãi, chẳng tìm được tài liệu gì.

Tình cờ thấy bạn mitdac trong tranh luận có dẫn nguồn sách: “Di tích lịch sử văn hóa đền Trần- chùa Tháp tỉnh Nam Định- NXB VHDT 2008”
Tôi phải nhờ anh em kiếm hộ mãi mới được, nên nay mới viết entry này dù định viết về vấn đề này lâu rồi.



Cuốn Di tích lịch sử văn hóa đền Trần- chùa Tháp tỉnh Nam Định tôi có là “đời 2010” (NXB VHDT tái bản lần thứ hai, 500 cuốn vừa in xong và nộp lưu chiểu quý I/2010)

Tác giả của cuốn sách là Cử nhân văn hóa Trịnh Thị Nga (Hội viên hội Khoa học lịch sử Nam Định; Hướng dẫn viên Ban quản lý khu di tích lịch sử-văn hóa đền Trần-chùa Tháp, thành phố Nam Định).

Cuối sách có phần phụ lục “Lễ hội truyền thống tại đền Trần, chùa Tháp” dày 14 trang (từ 160 đến 173).

Mục “Tìm trong lịch sử”, tác giả dẫn 03 tư liệu cũ. Xin được dẫn đổi lại cho đúng thời gian sớm-muộn như sau:

1. Sách “Nam Định dư địa chí” của Nguyễn Ôn Ngọc viết năm 1893. Mục Phong tục có viết: “Đền thờ vua Trần ở xã Tức Mặc, hằng năm đến ngày Rằm tháng Giêng có hội vật. Xã Đệ Nhị hằng năm đến ngày Rằm tháng Tám, xã Phụ Long ngày Mười Tám tháng Bảy đều có hội đua thuyền: Tục ngữ nói rằng: “Ba năm chúa mở khoa thi/ Đệ Nhất thì xướng, Đệ Nhì thì bơi/ Đệ Tứ thì đánh cờ người/ Phương Bông tứ xứ mồng Mười tháng Ba””

2. Sách “Nam Định địa dư chí lược” (2 tập Thượng và Hạ) của tiến sỹ Khiếu Năng Tĩnh viết đầu thế kỷ 20. Tập Hạ viết về phong tục ở Tức Mặc như sau: “Tức Mặc có lệ 15 tháng Giêng đấu vật ở miếu Trần, Thượng Lỗi có lệ thi xôi ngày 5 tháng Giêng, tế nữ quan vào ngày 6 tháng Giêng tại nơi thờ bà Thục Côn. Phụ Long, Đệ Nhì có lệ thi chèo thuyền vào ngày 18 tháng Bảy. Phương Bông và Đệ Tứ hát Bài bông, đánh cờ, bói cá vào ngày 10 tháng Ba; ngày này có lệ hát nữ “Thái bình an lạc” buổi tối, ai hơn sẽ được thưởng một mâm xôi đỗ xanh và 10 quan tiền”


3. Văn khắc trên tấm bia để ở hành lang bên trái chùa Tháp, do Trần Trọng Hàng soạn khắc năm Duy Tân thứ Tám (1914)
Phiên âm: Trần miếu tự nam Quan Âm kiều ký.
Cung thẩm Nam Định tỉnh, Tức Mặc quý hương phụng sự Trần miếu, nguyên lệ mỗi tế Xuân, đán chi vọng hội đồng đại lễ. Địa phương quan phụng mạng chí tế duy cẩn, tiền nhất nhật, hương chi Tráng Kiện, Động Kính, Thượng Bái tam thôn hiệp đồng đại lễ phụng ấp Lộc Quý, Hạ Lộc, Hậu Bồi tam xã, phụng nghinh long giá nghệ yết Phổ Minh tự, tham bái cung nghinh long giá nghệ yết Phổ Minh tự, tham bái cung nghinh Trần triều nhân miếu Giác hoàng Tiên đế Trúc Lâm đệ nhất tổ hương lô tiên miếu đại tự lễ thành, thứ nhật phục nghinh hồi tự an vị đính tạ hồng cư. Hất kim tam niên nhất cử khâm quốc điển chí long trọng dã. Gian nghinh đạo sở kinh ước thập dẫn ngoại hữu kiều yêu giá Đại Hán Khố Nhi xứ giao cừ chi thường dĩ thông thủy lai dĩ vận công nông…
Dịch nghĩa: Bài ký cầu Quan Âm ở phía nam đền chùa nhà Trần.
Kính xét quý hương Tức Mặc thuộc tỉnh Nam Định nơi thờ tự của nhà Trần, theo lệ cũ mỗi năm cứ đến rằm tháng giêng thì hội đồng lễ lớn. Các quan địa phương vâng mệnh trên làm lễ rất là kính cẩn. Trước một ngày ba thôn Tráng Kiện, Động Kính, Thượng Bái hợp đồng với ấp thờ là ba xã: Lộc Quý, Hạ Lộc, Hậu Bồi xin rước long giá đến chùa Phổ Minh bái yết. Ngày ấy còn kính rước bát nhang Tiên đế Trần triều nhân miếu Giác Hòang Trúc Lâm đệ nhất tổ, từ chùa tới miếu nhà Trần làm lễ lớn xong ngày hôm sau lạI rước về chùa làm lễ yên vị đính tạ ơn to. Đến nay thì ba năm một lần tuân theo điển lệ quốc gia là rất long trọng. Trên quãng đường dài ước 10 dặm, có một ngôi cầu bắc qua trên con cừ tại xứ Đại Hàn Khố Nhi chỗ hai dòng nước giao nhau, nơi dòng nước này cốt để lưu thông phòng khi hạn úng và thuyền bè đi lại tiện lợi của nhà nông…"

Đáng tiếc là cả phần phiên âm lẫn dịch nghĩa đều có những lỗi ngắt câu, rồi phiên chưa chuẩn âm – dịch chưa sát nghĩa. Đã thế lại trích hơi cụt.
Đọc cả phần sau, tôi hiểu là văn bia ghi về chuyện làm 1 cây cầu để vừa phục vụ lễ rước vừa thuận tiện cho nông nghiệp.

Văn bia cho biết về một lễ rước kiệu thờ từ 3 thôn [Tráng Kiện (?), Động Kính (tức làng Kênh, thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng), Thượng Bái (làng Bái, thờ tướng Lư cao Mang)] và 3 xã [Lộc Quý (làng Lốc, thờ Thái sư Trần Thủ Độ), Hạ Lộc (Bảo Lộc, thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn), Hậu Bồi (thờ Chiêu Minh vương Trần Quang Khải)] về chùa Phổ Minh, rồi rước bát hương vua Trần Nhân tông (tức Điều Ngự Giác Hoàng, tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm) từ chùa tới đền Trần để làm lễ. Xong, lại rước trả về.

Tuy nhiên, rõ ràng cả 03 tư liệu cũ được viện dẫn ĐỀU KHÔNG HỀ NÓI ĐẾN MỘT LỄ KHAI ẤN NÀO

Nói cách khác, theo mục “Tìm trong thư tịch cổ”, cho đến năm 1914, trong các lễ hội của cả khu vực đền Trần KHÔNG CÓ “TIẾT MỤC KHAI ẤN”!

Tôi hy vọng có người sẽ trưng ra nhiều cứ liệu hơn Cử nhân Trịnh Thị Nga.

Kỳ tới: Chính sử không hề chép gì về “lễ khai ấn”)
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/2010/03/le-khai-en-tran-mot-xuyen-tac-lich-su.html

Khổ quá Bộ trưởng Bộ VTD có biết gram nào về văn hóa dân tộc đâu, lại bị bác Bèn dụ đây mà!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét