Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Giao thương thời Tiền, Sơ sử trên biển Đông qua tài liệu khảo cổ học

Tóm tắt
Miền Trung là lãnh thổ duy nhất ở Việt Nam có những con đường ngắn  nhất nối liền các đường hàng hải quốc tế ở biển Đông với những tuyến giao thông bộ và thuỷ trong Đông Nam Á lục địa, điều đó cũng đúng với các đường hàng không. Sông (và) núi cắt ngang và chia nhỏ miền Trung, nhưng bến cảng thì lại trải dọc dài khắp vùng, nối liền các mạng cửa sông tạo nên sự hoà quyện đặc sắc giữa yếu tố sông-đồng bằng và yếu tố biển. Sông và biển phối hợp nhau tạo nên đất nước và ảnh hưởng vào văn hoá con người.
Ngay từ thời tiền sử, các cộng đồng cư dân sống trong vùng nội địa, duyên hải và đảo ven bờ, đảo xa bờ miền Trung Việt Nam đã có mối quan hệ giao lưu, giao thương mạnh mẽ nội khu vực, liên khu vực và với những trung tâm văn hóa/văn minh lớn của thế giới như Trung Hoa, Ấn Độ, Địa Trung Hải…
Khoảng 20 năm trở lại đây, khảo cổ học Việt Nam đã đạt được một số thành tựu cả về thực địa, cả về lý thuyết trong nghiên cứu văn hóa tiền, sơ và cổ trung đại của các nhóm cư dân sống ở vùng duyên hải và đảo ven bờ.   Những hiện vật khảo cổ minh chứng cho những mối quan hệ tiếp xúc nhiều chiều giữa miền Trung Việt Nam với thế giới bên ngoài càng ngày càng được phát lộ nhiều tại các địa điểm Tiền Sơ sử của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…
Mối quan hệ hữu cơ giữa những cộng đồng dân cư này với nhau và giữa họ với những cư dân của Đông Nam Á lục địa và hải đảo dần được làm sáng tỏ bằng những nghiên cứu so sánh khảo cổ học, sử liệu thành văn và tài liệu dân tộc học, ngôn ngữ học… Kết quả của những nghiên cứu so sánh này cho thấy, thời tiền, sơ sử, biển, đảo miền Trung Việt Nam án ngữ dòng chảy văn hóa Nam Đảo (còn được gọi dưới cái tên “black current”, nối từ miền Nam Nhật Bản với vùng quần đảo Thái Bình Dương. Bên cạnh đó với đặc điểm là đường bờ biển nhiều vụng, vịnh, cửa sông rộng… miền Trung Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thương mại quốc tế từ thời sơ sử đến thời cổ, trung đại.
Bài viết tập trung vào một số vấn đề chính:
i.               Lý thuyết về vai trò của giao thương thời tiền, sơ sử đối với sự thay đổi và phát triển của những hình thức xã hội phức hợp
ii.            Những phát hiện khảo cổ học về giao thương đường biển/sông ở miền Trung thời tiền, sơ sử
iii.           Vai trò của giao thương đường biển/sông và thế chân vạc NÚI - SÔNG - BIỂN trong sự biến đổi và phát triển kinh tế xã hội miền Trung thời tiền, sơ sử.


Bài viết

Dẫn luận
Việt Nam là một quốc gia biển với diện tích vùng biển gấp ba lần diện tích đất liền, có bờ biển dài, có các vùng biển và thềm lục địa nằm rải rác trên biển Đông từ Bắc đến Nam, bao gồm các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Biển Đông[1] trong thời Tiền sử và Sơ sử đóng vai trò là trung điểm, liên kết những luồng cư dân/văn hóa/kinh tế từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, do vậy, nghiên cứu hàng hải/thương hải biển Đông phải được đặt trong văn cảnh của biển Đông Nam Á  nói riêng và biển Thái Bình Dương nói chung, theo nhiều nghiên cứu gần đây, từ thời cổ trung đại vùng biển này được xác định là một vùng hoạt động giao thương sôi động và năng động, có tầm quan trọng không chỉ trong khu vực mà cả ở quốc tế.
Cho tới nay, đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến truyền thống và kỹ năng hàng hải của cư dân trên biển Đông/ Đông Nam Á… có thể khái lược kết quả nghiên cứu trên một số lĩnh vực:
  1. Về vai trò của giao thương và chiều kích hàng hải trong lịch sử châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng:  Đó là ý tưởng về mạng giao thương mậu dịch của cư dân Nusantao của Soilhem; Những ý kiến khác nhau về con đường và cách thức di chuyển của những nhóm cư dân nói tiếng Nam Đảo của W. Soilhem và P.Belwood;  Những nghiên cứu của Ian Glover, Belina Berenice… về vai trò của thương mại khoảng cách xa đối với sự hình thành chính thể dạng nhà nước sơ khai và nhà nước thực sự ở Đông Nam Á…; Những tổng hợp nghiên cứu và diễn giải của Anthony Reid, Li Tana, Momoki Shiro[2]… Nói một cách khác như Anthony Reid:“Học thuật gần đây đã khôi phục biển như một nguyên lý thống hợp trong lịch sử Đông Nam Á, và là một nguyên lý ít đếm xỉa đến các biên giới mà chủ nghĩa dân tộc thời thuộc địa Âu Châu đã khăng khăng đòi vẽ ra trên đất liền.  Tiếp theo công trình nghiên cứu của Braudel về vùng Địa Trung Hải, một khối lượng lớn các cuộc khảo sát xuất hiện đã xem Ấn Độ Dương, Biển Nam Hải (South China Sea) và biển Java – cùng các miền nhỏ hơn chẳng hạn biển Sula – như các lãnh vực thống hợp ở đó các xã hội tương tác với nhau ….  Hai bài thuyết trình khai mào gần đây bởi các sử gia Đông Nam Á, giáo sư Adri Lapian tại Jakarta và giáo sư Kathirithamby-Wells tại Kuala Lumpur, đã nhấn mạnh một cách chính xác đến chủ điểm hàng hải này.  Trong một khuôn khổ như thế, chúng ta có thể hiểu được và tán dương các nhóm người đã trợ lực vào việc tạo lập ra thế giới hiện đại, qua việc làm trung gian điều giải giữa các sắc dân và địa điểm khác nhau, với tư cách như các nhà mậu dịch, các người đi thuyền, các người hành hương, các học giả, các kẻ phiêu lưu và các chiến sĩ.  Các nhà mậu dịch mà gốc gác có thể từ Quảng Châu, Phúc Kiến, Vân Nam, Hadhramaut, Vùng Duyên Hải Coromandel, Patani hay Minangkabau, các học giả du hành mang truyền thống Hồi Giáo, Phật Giáo, Khổng học hay Thiên Chúa Giáo, đã hoạt động tại Đông Nam Á như các trung gian môi giới sản phẩm và tư tưởng, đã là những kẻ giúp cho người dân liên hệ được với nhau.  Trong lịch sử mang tính cách dân tộc chủ nghĩa của các thập niên qua, họ đã chỉ xuất hiện bên lề hay một cách quái dị, nhưng trong các văn bản mới hơn mà chúng ta nhìn thấy ngày nay, họ bắt đầu hiện ra như là các kẻ tiền phong cho chủ nghĩa liên dân tộc [quốc tế] (internationalism) hiện đại”. (Anthony Reid).
  2. Về kỹ thuật đóng tàu thuyền (cả hải thuyền và dương thuyền) của ba khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Trung Hoa[3]… Có những quan điểm khác nhau về sự ảnh hưởng qua lại, về niên đại… của ba truyền thống này, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, dương thuyền Đông Nam Á có trước dương thuyền của Trung Hoa và có thể nói trong TNK I CN, những cư dân Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Nam Á Hải đảo gần như chiếm lĩnh việc đi biển và giao thương trên vùng biển khu vực. Tóm lại, hầu như tất cả các nghiên cứu đề khẳng định tầm quan trọng và vai trò sống động của Biển trong đời sống cư dân Đông Nam Á với những cấp mức độ -khác nhau theo không gian và thời gian. Theo James A. Anderson ở Vịnh Bắc Bộ và rộng ra là Biển Đông, những cộng đồng bên lề, dưới (kém phát triển) ở vùng duyên hải có vai trò rất quan trọng trong định hình vận mệnh kinh tế của vùng. Cư dân duyên hải Biển Đông và vịnh Bắc Bộ, thường được tầng lớp quý tộc văn minh ở thủ đô xa xôi xem là man di, mọi rợ, đã tham gia vào mạng lưới trao đổi vùng với một phạm vi hoạt động rộng lớn. Dựa vào gió mùa họ đã tạo ra một đường  nối giữa những thương nhân Ấn Độ Dương với những vương quốc buôn bán hùng mạnh Đông Nam Á hải đảo với cửa ngõ Nam Trung Hoa tới  các chợ ở lục địa Đông Á (Anderson J. A, 2011: 99).
  3. Xác nhận tầm quan trọng của Biển Đông Nam Á, một số học giả đánh giá vai trò của biển này ngang với biển Địa Trung Hải: “Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) là bước chân đầu tiên trên chặng đường buôn bán liên Á bắt đầu từ Trung Hoa đến Địa Trung Hải. Qua đường này, sản phẩm của mạng lưới trao đổi liên vùng được mang đi. Từ Trung Hoa nội địa hàng hóa được thu thập đến các cảng của các tỉnh phía nam và đông nam để đưa lên tàu và qua nhiều chặng đến Đông Nam Á, những nước ở Ấn Độ Dương, Trung Đông và châu Âu. Xa hơn về phái đông và phía nam, những vùng nhiệt đới gió mùa đa dạng của Đông Nam Á sản xuất một danh mục những hàng hóa có nhu cầu cao trên thế giới. Những cư dân sống quanh biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), một “Địa Trung Hải khác” về phía mình, là những thương nhân và thủy thủ duy trì con đường buôn bán quan trọng ở Cựu Lục địa trong những hoạt động sống động” (Manguin, 1993: 253).
  4. Về tương tác nội địa biển đảo trên Biển Đông nói chung thời tiền sử cũng đã có nhiều nghiên cứu tiếp cận từ một số góc độ và quan điểm khác nhau, có thể kể tới những tên tuổi như Trần Quốc Vượng[4], Hà Hữu Nga[5], Nguyễn Khắc Sử[6] … Giao thương trên biển thời sơ sử với những chứng cứ khảo cổ học rìu đồng, trống đồng – sản phẩm của văn hóa Đông Sơn…khuyên tai ba mấu, khuyên tai 2 đầu thú của văn hóa Sa Huỳnh… có mặt ở Hải đảo cũng như lục địa khu vực Đông Nam Á cũng là chủ đề trong khá nhiều nghiên cứu của học giả Việt Nam và nước ngoài[7]
A. Biển Đông/Đông Nam Á và giao thương khu vực
Về mặt địa - sinh thái, Đông Nam Á nổi lên 4 nhân tố chính[i].
- Hải đảo Nhiệt đới (Tropical Islands):
Đường xích đạo cắt ngang qua ba vùng trên thế giới: Lưu vực Amazzon, lưu vực Congo và Đông Nam á. Trong khi hai vùng đầu là lục địa thì vùng thứ ba là hải đảo. Số đảo ở Đông Nam Á là rất lớn, có những quốc gia có hàng nghìn đảo lớn nhỏ khác nhau. Một số trong các đảo đó có diện tích rất lớn như đảo Borneo có diện tích tới 750.000 km2, lớn thứ 3 trên thế giới; Sumatra 520.000 km2, lớn thứ 6... Tỉ lệ giữa đất liền và bờ biển ở Đông Nam Á là 5, tức 1km đường bờ biển trên 5 km2 đất liền, tỉ lệ này ở Trung Hoa là 500 và ở Nhật Bản là 20. Đường bờ biển dài trên một đơn vị đất liền đã gây ra độ ẩm cao, hệ quả là, Đông Nam Á là nơi có độ ẩm cao nhất thế giới, nhiệt độ và độ ẩm cao đã tạo ra thiên đường cho cây cỏ để rồi tạo nên một hệ thực vật đặc thù với các cây hương liệu nổi tiếng thế giới, bên cạnh đó, bờ biển dài tạo ra một không gian văn hoá mở và môi trường rộng lớn, năng động cho sự thâm nhập thế giới bên ngoài qua trao đổi. Như thế, Đông Nam Á trở thành trung tâm của những sản phẩm nhiệt đới đối với thế giới bên ngoài.
- Biển của các thế giới (The sea of the worlds): Nhìn trên bản đồ thế giới chúng ta thấy dường như ba đại dương có xu thế chia cắt thế giới, hay ngăn cách giữa các khu vực văn minh. Trước thế kỷ XVI, không có bất cứ đường hàng hải nào giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, cũng như giữa Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Chỉ có đường hàng hải giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một số tuyến hàng hải này đi ngang qua Đông Nam Á như Malacca, Sunda và Lombok. Do vậy, biển Đông Nam Á đã giữ vai trò truyền tải, tiếp giao các dòng chảy văn hoá, văn minh trong suốt thời kỳ cổ trung đại.
- Biển hướng ngoại (Outward-looking seas): Đông Nam Á dân số thưa, tỷ lệ dân số trên 1km đường bờ biển là 40, trong khi ở Trung Hoa là 570 người. Các nước ở Đông Nam Á (trừ Việt Nam và Java) nhìn chung theo Hla Myint là loại “hướng ngoại” với đặc điểm tuy lãnh thổ nhỏ, dân số ít, song lượng hàng xuất khẩu dồi dào. Những nước này phát triển thị trường bên ngoài, trong khi thị trường và vốn nội địa hạn chế.
 - Sự cân bằng giữa mạng lưới trao đổi đường biển và nội địa: Nhìn tổng thể, khu vực núi và Savan ở Đông Nam Á là những vùng tự cung tự cấp dựa trên văn hoá bản địa và nguồn tài nguyên khá dồi dào. Do vậy, họ có thể không cần đến hàng hoá của thế giới bên ngoài cho đời sống của họ. Tuy vậy, vì buôn bán đường biển rất thuận lợi nên việc trao đổi giữa các vùng đặc biệt phát triển. Dù theo cách thức nào thì những nhân tố của thế giới văn minh bên ngoài đã thâm nhập vào những khu vực văn hoá nội địa và chúng được tích luỹ và hoà trộn với những văn hoá địa phương tạo nên những văn hoá khu vực mới.
Bên cạnh đó, vụng, vịnh biển thâm nhập sâu vào Đông Nam Á, đối ngược với những dải đất lớn bao quanh của Trung Hoa và Ấn Độ do vậy giao lưu tiếp xúc qua đường biển rất nhộn nhịp ngay từ thời cổ đại và là nơi diễn ra những dòng chảy văn hóa/ dân cư của những nhóm cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo[ii], có thể xác nhận rằng những đảo xa bờ, đảo ven bờ và duyên hải của ĐNÁ lục địa là những điểm gặp gỡ giữa những dòng chảy này, và từ những vùng cửa song ven biển những dòng chảy này ngược vào lục địa, và tại đây đã diễn ra những cuộc tiếp xúc trao đổi hang hóa, ý tưởng giữa các nhóm Nam Đảo và Nam Á… quá trình này diễn ra liên tục không ngừng nghỉ dù với nhịp độ không đồng đều.
Đối với không gian đề cập trong bài này Miền Trung Việt Nam còn có một ưu thế địa chính trị, địa kinh tế khác trong thời Sơ sử và thời Cổ Trung đại. Nằm trên vị trí trung điểm của con đường Đông Tây và gần như là cảng cuối cùng của những tàu thuyền cập bến Nam Trung Hoa “Champa đã thụ hưởng vị trí may mắn nhất tại Đông Nam Á trong hoạt động thương mại này với Trung Hoa.  Mọi hải vận giữa Trung Hoa với phần còn lại của thế giới (ngoại trừ quần đảo Phi Luật tân và Nhật Bản), đã bám sát bờ biển xứ Chàm ít nhất trong năm trăm cây số nằm giữa Cape Varella (Mũi Diều?) và Cù Lao Chàm (sát phía nam Đà Nẵng ngày nay) và thông thường, cho các tàu du hành từ Eo Biển Melaka (và thường từ Ấn Độ) hay Xiêm La, trong một quãng đường tương đương xuôi xuống phía nam gần đên vùng Châu Thổ sông Cửu Long (Mills 1979, 73-5)”
Miền Trung được coi là lãnh thổ duy nhất ở Việt Nam có những con đường ngắn  nhất nối liền các đường hàng hải quốc tế ở biển Đông với những tuyến giao thông bộ và thuỷ trong Đông Nam Á lục địa, điều đó cũng đúng với các đường hàng không. Sông (và) núi cắt ngang và chia nhỏ miền Trung, nhưng bến cảng thì lại trải dọc dài khắp vùng, nối liền các mạng cửa sông tạo nên sự hoà quyện đặc sắc giữa yếu tố sông-đồng bằng và yếu tố biển, sông và biển phối hợp nhau tạo nên đất nước và ảnh hưởng vào văn hoá con người.
Theo các nhà nghiên cứu, nhìn chung, trư­ớc thế kỷ 16, khi chư­a có đư­ờng biển qua lại giữa Thái Bình D­ương với Đại Tây D­ương, ấn Độ D­ương với Đại Tây Dương, chỉ duy nhất ở Ấn Độ Dư­ơng và Thái Bình Dư­ơng là hình thành những con đư­ờng đi qua Đông Nam Á; Melaka (Malacca), Sunda và các eo biển Lombok, vào thời kỳ này, biển Đông Nam Á đóng vai trò kiểm soát các luồng văn minh thế giới (Sakurai Yomio 1999:28).         
B. Giao thương trên và qua Biển Đông thời Tiền Sơ sử: Những dấu tích khảo cổ học
Tính chất của giao thương thời Tiền Sơ sử (thời kỳ văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh)
Trong thời tiền, sơ sử, giao lưu và tiếp xúc giữa các cộng đồng dân cư được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau và thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống từ kinh tế, văn hoá, xã hội, tôn giáo đến chính trị, một trong những hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa đối với tiếp xúc và giao lưu đó là trao đổi kinh tế, giữa các cộng đồng sống trên các địa bàn khác nhau thường có sự trao đổi nguyên liệu và sản phẩm và sau đó là trao đổi hàng hoá với nhau. Ngoài hoạt động trao đổi kinh tế còn có những hoạt động trao đổi “phi kinh tế” mà ảnh hưởng của chúng tới biến đổi văn hoá không hề nhỏ, đặc biệt là vai trò của những hoạt động này trong việc củng cố mối quan hệ xã hội và thay đổi cấu trúc xã hội.
Ưu thế của biển Đông mà đặc biệt là bờ biển miền Trung Việt Nam trên tuyến đường thương mại biển Đông - Tây thời cổ trung đại cũng đã được chứng minh bằng những phát hiện khảo cổ học, không kể đến những quan hệ trao đổi trên biển giữa các cộng đồng dân cư Đông Nam Á từ thời tiền sử [8], biển Đông Nam Á thực sự tham gia vào hành trình hàng hải quốc tế Đông -Tây, nối giữa Địa Trung Hải, Ấn Độ và Đông Nam Á từ những thế kỷ 3,4 trước Công nguyên. Chung quanh chủ đề này đã có nhiều nghiên cứu dựa trên tài liệu khảo cổ và thư tịch của nhiều học giả nước ngoài và Việt Nam (xem thêm Lâm Thị Mỹ Dung 2007: 87-88). Như vậy, từ những chứng cứ vật chất và ghi chép trong thư tịch ta có thể thấy trong khoảng thời gian những thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 3 SCN, bờ biển của các lãnh địa Đông Nam Á tham gia ngày càng tích cực vào con đương tơ lụa phía nam (Southern Silk Road), đây là những chuỗi đường trao đổi biển nối các đế chế La Mã và Trung Hoa và hệ quả là đã kéo theo hàng loạt những thay đổi kinh tế-chính trị-văn hoá trong khu vực.
Văn hóa Sa Huỳnh có mối quan hệ giao lưu mạnh mẽ với các văn hóa đồng đại trong khu vực, đặc biệt, trong giai đoạn cuối của nền văn hóa này (từ thế kỷ 2 TCN đến thế kỷ 1 CN) có sự tăng cường trong tiếp xúc và trao đổi với những vùng xa hơn như Trung Hoa, Ấn Độ, Địa Trung Hải... Những hiện vật khảo cổ học liên quan đến quan hệ tiếp xúc giữa miền Trung Việt Nam với thế giới bên ngoài như với Đông Nam Á Hải đảo, Trung Hoa, Ấn Độ, Địa Trung Hải ngày càng được phát lộ nhiều trong các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà...
Tiếp xúc, quan hệ, giao lưu và theo sau đó là quá trình tiếp biến giữa các văn hóa chịu tác động bởi nhiều điều kiện khác nhau, có nhiều nguyên nhân từ môi trường sinh thái đến văn hóa, chính trị ảnh hưởng đến tính chất và mức độ của quá trình giao lưu và hội nhập các yếu tố ngoại sinh (Hán, Ấn, Đông Nam Á) vào văn hóa bản địa (Sa Huỳnh), toàn bộ quá trình này được phản ánh một cách rõ nét qua di tích và di vật.
Chứng cứ về sự tiếp xúc và ảnh hưởng này thường tìm thấy ở địa điểm hay nhóm địa điểm phân bố ven sông lớn, cửa sông ven biển, những địa hình thuận tiện cho việc tiếp xúc và trao đổi kinh tế văn hóa. Nổi bật là các nhóm di tích ở lưu vực sông Thu Bồn, Quảng Nam như  1. Hội An (An Bang, Hậu Xá, Thanh Chiếm, Lai Nghi); 2. Duy Trung, (Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông, Gò Bờ Rang, Núi Vàng, Gò Ông Nhạn...; Gò Dừa, Gò Ngoài, Phú Đa; Tĩnh Yên; 3. Di tích Bình Yên và cụm di tích Tam Giang, Tam Mỹ, Phú Hòa, Đồng Cây Lội.... 4. Di tích Gò Mùn, Cấm Xóm... Nhóm di tích Gò Quê và nhóm di tích đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nhóm di tích Hòa Diêm (Khánh Hoà) ...và xa hơn nữa về phía Nam là khu di tích Giồng Cá Vồ (TP.Hồ Chí Minh). Những địa điểm nằm sâu hơn trong nội địa cũng cung cấp nhiều chứng cứ về quan hệ tiếp xúc, trao đổi với bên ngoài (những tiếp xúc, quan hệ trong nội địa có thể diễn ra chủ yếu theo đường sông và qua các đèo).
Hàng hoá và vật trao đổi
            Từ bên ngoài
Theo các nhà nghiên cứu, hiện vật ngoại sinh có thể được chia thành ba nhóm:
i.                    Nhóm hiện vật nhập trực tiếp từ bên ngoài;
ii.                 Những hiện vật sản xuất theo kỹ thuật ngoại và
iii.               Những hiện vật sản xuất tại địa phương bắt chước hình dáng hiện vật nhập ngoại (Hà Văn Tấn 1984: 230).
Những hiện vật làm theo đơn đặt hàng ở bên ngoài có thể được xếp vào nhóm thứ nhất. Ngoài ra còn có những hiện vật sản xuất tại địa phương nhưng do thợ bên ngoài làm theo kỹ thuật từ bên ngoài theo nhu cầu của xã hội bản địa...[9] . Tuy vậy, đối với những mặt hàng Hán, Ấn hay kiểu Hán, Ấn với tình trạng nghiên cứu hiện nay thì khó mà thấy được một cách rõ ràng từng nhóm hiện vật này trong văn hoá Sa Huỳnh.
Hiện vật có nguồn gốc Tây Hán hậu kỳ và Đông Hán sơ kỳ trong văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện phần lớn trong các địa điểm có niên đại muộn. Một số đồ đồng như đỉnh, bát, đĩa, ấm... được xem là những hiện vật thể hiện rõ rệt tính chất status (địa vị, thân thế), đây là những “Status goods” hay “Status markers”.
 Loại hình hiện vật này thấy xuất hiện ngày càng nhiều trong các khu mộ địa giai đoạn muộn, nhiều mộ có chứa những hiện vật này bên cạnh hiện vật có nguồn gốc nội sinh và từ những khu vực khác. Một số nguyên liệu như Nephrite có lẽ cũng được nhập từ Đài Loan (thông tin cá nhân trao đổi với Nguyễn Kim Dung).
Trong những hiện vật có nguồn gốc ngoại lai này chúng ta thấy có thể chia thành các nhóm:
i.                    Công cụ, vũ khí;
ii.                 Tiền;
iii.               Trang sức
iv.               Nguyên liệu và
v.                  Đồ gia dụng và Nghi lễ.   
Hiện vật có nguồn gốc Thái Lan, Ấn Độ, Địa Trung Hải cũng được tìm thấy trong rất nhiều các địa điểm của văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở các loại địa hình từ hải đảo, duyên hải đến vùng đồi núi. Loại hình hiện vật chính là các loại hạt chuỗi và trang sức làm bằng đá nephrite[10], mã não, thuỷ tinh, vàng...
Mặc dù hạt chuỗi có nguồn gốc Ấn Độ đã được tìm thấy trong các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn sớm (thế kỷ 4,5 TCN), nhưng phải đến giai đoạn muộn mới có sự bùng nổ về số lượng và loại hình hiện vật hạt chuỗi ở các địa điểm. Những địa điểm với số lượng lớn hạt chuỗi các loại có thể kể đến như Hậu Xá II (Hội An, Quảng Nam), Lai Nghi (Điện Bàn, Quảng Nam), Hoà Diêm (Cam Ranh, Khánh Hoà), Giồng Cá Vồ (Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) (bảng 1).
Một loại hiện vật khác mà có lẽ cư dân văn hoá Sa Huỳnh loại hình phía Nam giai đoạn cực muộn (thế kỷ 1,2 CN) đã trao đổi với từ Ấn Độ là đồ gốm[11] . Đó là một số mảnh của loại gốm đen, bề mặt bên ngoài có phủ một lớp “men” khá mỏng màu đen bóng, bên trong có phủ những băng màu xám nhạt.
Từ nội địa
Những hiện vật xuất khẩu phụ thuộc vào nhiều điều kiện như:
i.                    Nhu cầu của thị trường bên ngoài;
ii.                 Cách thức mưu sinh và khai thác tài nguyên của cư dân bản địa;
iii.               Trữ lượng tài nguyên tự nhiên, môi trường và vị thế địa-văn hoá, địa - kinh tế của vùng;
iv.               Những tuyến đường giao thông và phương tiện chuyên chở và
v.                  Tập quán và cách tư duy của nguời dân.
Tuy nhiên, tư liệu khảo cổ cho đến nay không giúp cho người nghiên cứu tìm hiểu một cách cụ thể những mặt hàng nào đã được cư dân Sa Huỳnh mang ra trao đổi với thị trường khu vực và thế giới. Nguồn tài liệu sử dụng là những ghi chép (rất hiếm và đôi khi không có) trong thư tịch cổ, thông tin dân tộc học và suy đoán (từ tình hình hiện nay, từ tài nguyên tự nhiên). Từ những tư liệu này có thể xác định một số nhóm hàng xuất khẩu gồm gia vị, những sản phẩm gỗ và phi-gỗ của rừng nhiệt đới ẩm gió mùa (Watanabe H. 1999: 134). Từ miền Trung Việt Nam hàng xuất đi có lẽ có gia vị, vàng, trầm hương, một số đồ gốm, đồ trang sức đá, thuỷ tinh... Sự có mặt của loại khuyên tai ba mấu và khuyên tai hai đầu thú ở một số địa điểm Đông Nam Á hải đảo và lục địa được xem như là kết quả của trao đổi văn hoá và kinh tế. Bất kể tính chất của những hiện vật này là sản phẩm trực tiếp nhập từ văn hoá Sa Huỳnh hoặc cư dân địa phương bắt chước loại hình của văn hoá Sa Huỳnh và sản xuất tại chỗ thì đây cũng là những chứng cứ về sự lan toả của văn hoá Sa Huỳnh ở khu vực và phản ánh mạng lưới giao thương sông biển.
Giao thương và vai trò của giao thương trong tiếp xúc trao đổi Sa Huỳnh với thế giới bên ngoài
Về bản chất và mức độ của tiếp xúc, trao đổi Sa Huỳnh - Ấn Độ, Sa Huỳnh - Đông Nam Á, Sa Huỳnh - Địa Trung Hải xin xem thêm bài nghiên cứu của Nguyễn Kim Dung (Nguyễn Kim Dung 2007). Nhìn chung, những tiếp xúc và trao đổi giai đoạn này chủ yếu dựa trên nền tảng kinh tế và bản chất của các quan hệ là đa chiều và bình đẳng.
Đường biển có lẽ đã đóng vai trò chính trong tiếp xúc và trao đổi (nếu dựa theo những ưu thế địa lý của bờ biển Miền Trung Việt Nam và bối cảnh kinh tế - chính trị của khu vực như đã đề cập ở trên), song cũng không thể loại trừ vai trò của đường bộ (nếu xuất phát từ bối cảnh chính trị - quan hệ chặt chẽ giữa các quận thời Hán Giao Chỉ - Cửu Chân – Nhật Nam, đặc biệt là Cửu Chân với Nhật Nam). Ngoài ra đường sông (nhất là vai trò của sông Mê Công) cũng cần được xem xét mặc dù sẽ cần nhiều tư liệu hơn để chứng minh, dù đã không ít ý kiến cho rằng sông Mê Công không thực sự là đường vận chuyển dễ dàng trong thời cổ đại do những đặc điểm về địa hình, thủy chế của nó.
Buôn bán hay thương mại khoảng cách xa giữ vai trò và vị trí số một. Sau đó có nhiều khả năng là qua con đường chính trị (chính sách cai trị vùng biên viễn và mối quan hệ trung ương – địa phương, mối quan hệ đồng minh hay chư hầu...).
Tiếp xúc và giao lưu văn hoá giữa Hán và Sa Huỳnh phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện, thứ nhất là cần phải đặt trong bối cảnh lịch sử của chính sách bành trướng về phía nam của chính quyền nhà Hán, thứ hai là chính sách phát triển kinh tế của nhà Hán. Sự bành trướng của nhà Hán về phía nam một phần không kém quan trọng là do mục đích thương mại và nhu cầu hàng hoá từ phương nam. Dù không có nhiều những ghi chép trong sử cổ về sự phát triển những mối quan hệ buôn bán hay gửi sứ đoàn đi bằng đường biển tới những vùng biên viễn như Ấn Độ, La Mã, nhưng có thể cho rằng, chính sách bành trướng của Hán Vũ Đế luôn đi kèm với sự mở rộng quan hệ buôn bán với những vùng xa xôi bất kể là theo phương tiện và cách thức nào[12]
Như vậy, từ những thay đổi trong chính sách trên đây, ta có thể nhận ra cách thức và mức độ tiếp xúc, trao đổi và tiếp biến văn hóa Hán Sa Huỳnh trong hai giai đoạn Tây Hán và Đông Hán là khác nhau. Có thể thấy, hiện vật thời Tây Hán tìm thấy ở miền Trung không nhiều, hiện vật hạn chế ở một số loại hình như tiền đồng, gương đồng, một số vũ khí như qua đồng, qua sắt, dao có chuôi hình vành khăn bằng sắt... (những công cụ và vũ khí bằng sắt này có lẽ được sản xuất tại chỗ bắt chước loại hình hiện vật Trung Hoa). Sang giai đoạn cuối Tây Hán và Đông Hán, những tiếp xúc văn hóa mạnh hơn, đa dạng hơn và theo hệ thống và không loại trừ khả năng du nhập một số công nghệ sản xuất đồ gốm, đồ kim loại... Tuy vậy, khác với miền Bắc nơi mộ Hán thời này khá nhiều (và địa vực phân bố của mộ Hán cũng chỉ tới Thanh Hoá điều này cũng phù hợp với sự có mặt trên thực tế của những trị sở Trung Hoa ở hai vùng Giao Chỉ và Cửu Chân), tại khu vực Trung Trung Bộ không thấy dấu tích mộ gạch Hán, mà chỉ có một số mộ chum và mộ huyệt đất có chứa đồ đồng Tây và đặc biệt là Sơ kỳ Đông Hán. Như vậy, trong khi ở hai quận (Giao Chỉ và Cửu Chân) có sự hiện diện của quan lại nhà Hán, quan lại địa phương bị Hán hoá và có thể cả lớp người quyền lực địa phương mạnh, thì ở vùng Nhật Nam, chỉ có hai nhóm người sau (quan lại địa phương bị Hán hóa và thủ lĩnh/người giàu bản địa). Chúng tôi cho rằng, trong giai đoạn trước Công nguyên, văn hoá Sa Huỳnh tiếp nhận ảnh hưởng từ văn hoá Hán theo kiểu từ xa, chọn lọc một số yếu tố phù hợp, chủ yếu là tiếp nhận những biểu trưng thể hiện quyền lực/địa vị-thân thế của Hán. Cách thức trao đổi khá đa dạng về hình thức, song tiếp xúc và trao đổi qua buôn bán đóng vai trò chủ đạo. Sang đến giai đoạn cuối của nền văn hóa này, mối quan hệ này được tăng cường từ nhiều góc độ và từ nhiều nguyên nhân cả chính trị, kinh tế, văn hóa... Đối với Ấn Độ, mối quan hệ chính là buôn bán và chủ yếu tập trung vào một, hai mặt hàng của đồ trang sức. Những hạt chuỗi nhập từ Ấn Độ hay được sản xuất tại chỗ theo kỹ thuật và loại hình Ấn Độ tất nhiên cũng mang tính chất “status marker” chứ không chỉ đơn thuần để làm đẹp. Số lượng, chất lượng và phân bố hạt chuỗi và các đồ trang sức bằng đá mã não, đá agate..., hạt chuỗi hình chim, hình hổ, hạt chuỗi thuỷ tinh bọc vàng, hạt chuỗi khắc Axit có nguồn gốc từ Ấn Độ, Địa Trung Hải trong các mộ chum minh chứng rất rõ điều này (Lam Thi My Dzung, 2009).
Những hiện vật nhập từ bên ngoài còn có nguyên liệu thô như đá quý, đá mã não và có thể cả quặng sắt. Trong một số địa điểm của văn hoá Sa Huỳnh bên cạnh những hạt chuỗi đá hoàn hảo còn có một số bán thành phẩm, có nhiều khả năng, người Sa Huỳnh đã nhập nguyên liệu và chế tác một số loại trang sức tại chỗ. Đồ sắt trong văn hoá Sa Huỳnh chủ yếu được chế tạo bằng cách rèn, quặng sắt được tìm thấy như đồ tuỳ táng trong một số chum, nhưng chúng ta không có nhiều tư liệu về nơi khai thác quặng sắt. Theo tư liệu địa chất, ở miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên có quặng sắt. Có thể, một số quặng được khai thác tại chỗ nhưng một số nữa được nhập từ Đông Bắc Thái Lan qua đường sông (Nitta E. 1999: 86).
C. Giao thương với sự hình thành cấu trúc xã hội Lãnh địa thời Sa Huỳnh
Dựa trên sự phân bố của các địa điểm khảo cổ học, đặc biệt là dọc theo bờ biển và theo lưu vực các sông lớn, vào khoảng thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 1 SCN, có thể thấy rằng duyên hải và các lưu vực sông và cả sâu ở trong nội địa đã hình thành và phát triển một số khu vực cư trú-mộ táng lớn như những  phức hợp chính trị được tổ chức tập trung theo vùng với hệ thống phân tầng khá phát triển.
Tại lưu vực sông Thu Bồn, dọc theo nhánh sông chính từ cửa sông ven biển đến thượng nguồn và các chi lưu đã phát hiện trên 40 địa điểm cư trú và mộ táng giai đoạn văn hoá Sa Huỳnh với những nhóm địa điểm điển hình như quanh khu vực Hội An, khu vực Duy Trung, khu vực Đại Lãnh, khu vực Bình Yên ... Mỗi nhóm địa điểm chiếm cư một diện tích rộng và có nhiều làng, trong đó có từ 1 đến 2 làng lớn với nhiều làng nhỏ hơn. Mỗi nhóm với những mối quan hệ bên trong của mình đóng vai trò như một tiểu mạng lưới trong một mạng lưới rộng hơn. Tuỳ theo vị thế và địa thế, những khu vực-phức hợp chính trị tiểu vùng có thể có những chức năng như trung tâm sản xuất, trung tâm thu mua và trung tâm trao đổi từ thượng nguồn đến cửa sông ven biển của cả vùng, tất nhiên việc phân chia chức năng này không mang tính cứng nhắc và tính chất đa chức năng của mỗi trung tâm chắc chắn không thể bỏ qua (Lam Thi My Dzung 2009).  Như vậy cơ cấu xã hội Sa Huỳnh là xã hội dạng lãnh địa theo vùng (lưu vực một sông lớn) hay các liên minh cụm làng với làng chủ làng chính, làng trung tâm, đứng đầu mỗi làng là già làng, thủ lĩnh có thể mang tính kế thừa theo dòng máu. Đứng đầu mỗi lãnh địa vùng là thủ lĩnh tối cao (overlord). Ví dụ về cách thức tổ chức xã hội kiểu cộng đồng một tiểu vùng  như thế ta có thể tham khảo xã hội của người Tà Ôi (B. Hayden và TQV, 1996)
 Chức năng vai trò của tầng lớp thủ lĩnh trong xã hội Sa Huỳnh thực ra khó có thể luận ra từ tư liệu khảo cổ học, song chúng ta có thể sử dụng tư liệu so sánh dân tộc học lịch sử qua nghiên cứu lãnh địa ở Phillippin thời Tiền Tây Ban Nha, theo Junker Lee (1993:2), thành viên thuộc tầng lớp thủ lĩnh giữ vai trò trung tâm trong điều hành kinh tế phức hợp vùng. Tầng lớp này kiểm soát sinh kế nông nghiệp bằng cách hạn chế đất phát canh, huy động thặng dư qua hệ thống cống nạp chính thức, tích luỹ của cải nhờ việc đỡ đầu những người thợ thủ công chuyên “gắn kèm”[13] và còn bằng cách tổ chức những đoàn cướp bóc hay buôn bán những mặt hàng quý. Họ sử dụng “quỹ của cải vật chất này” (Junker L. 1993: 14) để thiết lập sự liên minh chính trị. Có lẽ những lãnh địa thời Sa Huỳnh có diện mạo tương tự như thế. Sự liên kết giữa các cộng đồng dân cư dọc theo sông thường được xem xét trước hết dưới góc độ kinh tế, đặc biệt là vai trò đáng kể của những vị thủ lĩnh trong việc tạo điều kiện cho trao đổi buôn bán giữa vùng thượng lưu và vùng hạ lưu theo kiểu “măng khô gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Những làng bên trong lãnh địa thuộc một vùng lưu vực sông tạo thành một mạng lưới trao đổi nội vùng theo đường sông cung cấp những mặt hàng lâm, thổ sản (loại hàng lâm sản gỗ và phi gỗ), khoáng sản cho việc xuất khẩu ra bên ngoài, nhập khẩu những mặt hàng trang sức, đồ dùng quý hiếm, xa xỉ và tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm. Mối quan hệ liên vùng và ngoại vùng diễn ra theo đường sông và đường biển liên kết lãnh địa của một lưu vực sông này với lãnh địa của một lưu vực sông khác vào một mạng lưới rộng hơn toàn vùng miền Trung và mạng lưới này lại được hội nhập vào mạng khu vực Đông Nam Á và Thế giới. Tài liệu khảo cổ học từ các khu mộ địa văn hoá Sa Huỳnh cung cấp khá chi tiết danh mục hàng nhập khẩu từ Trung Hoa, Ấn Độ và Đông Nam Á, những mặt hàng quý mang tính phô trương sự giàu có và quyền lực của một số thành phần trong xã hội. Bên cạnh trao đổi thương mại của loại hàng này, các nhà nghiên cứu còn lưu ý nhiều tới khía cạnh phi thương mại của loại hàng hoá quý như những vật đảm bảo duy trì các mối quan hệ liên minh giữa các thành phần cư dân trong một cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau.    
Việc trao đổi giữa vùng thượng nguồn với vùng hạ lưu sông (vùng cao với vùng thấp) diễn ra từ thời tiền sử do nhu cầu nội tại của các cộng đồng dân cư. Việc trao đổi này khá phát triển và giữa hai vùng đã có không ít loại hình di vật tương đồng như đồ gốm, rìu đá... Tuy vậy, bản chất của những trao đổi này là lẻ tẻ, tự phát, theo thời vụ và chỉ ở quy mô đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của các nhóm cư dân trong vùng. 
Trao đổi giữa vùng thấp với vùng cao tăng cường mạnh mẽ trong giai đoạn sơ sử, khi bắt đầu hình thành các lãnh địa với sự phát triển mạng lưới trao đổi nội vùng, liên vùng và ngoại thương,  khi tại các cộng đồng dân cư có những tầng lớp hay thành phần bên cạnh nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng gia dụng từ nguồn sản xuất địa phương theo kiểu tự cung, tự cấp còn cần những hàng quý hiếm hay xa xỉ vào nhiều mục đích kinh tế và phi kinh tế.         
Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra (xem Earle T.1987), việc kiểm soát phân phối hàng quý (xa xỉ), nhập ngoại hay hay hàng sản xuất riêng ngay tại chỗ  là cách thức đầu tiên mà tầng lớp quý tộc hay thủ lĩnh dùng để duy trì và mở rộng quyền lực chính trị của mình trong lãnh địa. Những thủ lĩnh hay người đứng đầu thường không quản lý hay kiểm soát việc sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng bình thường, nguyên liệu và thực phẩm giữa các vùng có những điều kiện sinh thái khác nhau mà chỉ tập trung vào việc quản lý và kiểm soát một số hàng nhập khẩu quý, xa xỉ, một số nguyên liệu khai thác tại chỗ hay mua từ nơi khác dùng để sản xuất hàng dành riêng ví dụ như quặng sắt, vàng, đá quý và thuỷ tinh.
 Nhiều nhà nghiên cứu đưa ra kịch bản hay mô hình trao đổi phổ biến giữa vùng cao với vùng thấp và vai trò của các thủ lĩnh đứng đầu các lãnh địa, điển hình như mô hình hình cây nổi tiếng của Bronson, hay hệ thống các trung tâm thu thập, cung ứng và trao đổi của Leong (dẫn theo Glover J. 1994: 144). Cư dân vùng cao khai thác nguyên liệu khoáng sản, lâm sản và qua những bộ phận trung gian nào đó chuyển xuống vùng hạ lưu, vùng hạ lưu ngược lại nhập những hàng ngoại, sản xuất đồ gốm, đồ sắt... ngược về thượng nguồn, như vậy, chắc đã có một tầng lớp người trung gian kết nối công việc trao đổi này và những thủ lĩnh đứng đầu lãnh địa trực tiếp kiểm soát và quản lý.
Từ sau thời Sơ sử, với sự có mặt của chính quyền nhà Hán ở một số vùng, đặc biệt là lưu vực sông Thu Bồn, chắc chắn đã có những chuyển biến đáng kể trong cấu trúc chính trị-kinh tế của các xã hội đã đạt tới mức độ của các lãnh địa “phức hợp”. Tất nhiên những chuyển biến này rất không đồng đều và qua sự hiện diện của một số ngôi mộ đặc biệt giàu có ở Lai Nghi, Gò Dừa, Tiên Lãnh... chúng ta nhận thấy một bộ phận của tầng lớp cao trong một số lãnh địa giàu có (ở vùng cửa sông ven biển) đã tiếp nhận một số yếu tố tích cực trong tổ chức xã hội từ bên ngoài (Trung Hoa Tây và Đông Hán) và áp dụng chúng vào xã hội bản địa. Có nhiều khả năng, những (chính xác hơn là một số lãnh địa) Sa Huỳnh đã phát triển tới mức lãnh địa phức hợp, trong mỗi lãnh địa có nhiều làng hay các cộng đồng địa phương, những đơn vị nhỏ hơn này liên kết chính trị với nhau dưới sự kiểm soát của quyền lực chính trị trung tâm, mức độ tích hợp này thường được phản ánh trong sự tập trung dân số đông hơn và lãnh thổ lớn hơn so với những tổ chức xã hội đơn giản hơn. Cấu trúc của quyết định chính trị được tập trung hoá và phân tầng với những thủ lĩnh hoạt động như những người điều hành hành chính trung tâm hay “xử lý thông tin” trong những tương tác bên trong giữa những đơn vị - thành phần mức thấp hơn, kiểm soát và điều hành những dòng thông tin theo chiều dọc từ những phân đoạn khác nhau của hệ thống tổ chức phân tầng. Tính phức hợp  của phân tầng ra quyết định này được xem như là chức năng của mức độ chính thể (tức là “kích thước” dân số và phân bố không gian).
Nhận xét
           Những lãnh địa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam liên kết với nhau và với bên ngoài qua trao đổi văn hoá, chính trị và kinh tế bằng đường biển và đường sông. Sự đa dạng về sinh thái ở đây có thể đã ảnh hưởng đến sự phát triển sớm của hệ thống kinh tế chuyên hoá và trao đổi tài nguyên giữa vùng thấp và vùng cao, và giữa những cư dân ven bờ với cư dân sâu trong nội địa, giữa cư dân trong đất liền với cư dân ở các đảo riêng biệt về sinh thái. Theo tài liệu lịch sử và sinh thái học, chiến lược này của sự cộng sinh giữa sinh thái và kinh tế đã có kết quả trong kết nối phức hợp văn hoá từ những xã hội hái lượm nhiệt đới quy mô nhỏ đến những cư dân của các cộng đồng tập trung với mật độ đậm đặc hơn, của những người làm nông nghiệp nương rẫy ở vùng cao với những người làm nông nghiệp thâm canh ở vùng thấp và tích hợp cư dân buôn bán vùng ven biển vào những chính thể ở mức lãnh địa với tính phức hợp đa dạng ở phần lớn các lưu vực sông lớn.
Những phân tích từ sự khác nhau của mộ táng tại những khu mộ có niên đại văn hoá Sa Huỳnh và những nghiên cứu về gốm và kim loại ở những nơi cư trú trước và đầu CN cho thấy sự hiện diện của hệ thống trao đổi hàng trong thời sơ và lịch sử bao gồm những hàng đồ gốm địa phương được trang trí, hiện vật sắt, đồng, hạt chuỗi, trang trí bằng vỏ nhuyễn thể và những hàng hoá khác. Hàng ngoại không thể thay thế hàng nội, nhưng tích hợp vào những hệ thống trao đổi nội địa này và tạo ra một lớp trên của phân tầng phức hợp hơn nữa của những dấu hiệu địa vị.
Theo nghiên cứu lý thuyết, khi ngoại thương đã phát triển đạt đến mức là cơ sở vật chất của sự mở rộng và phát tán của quyền lực chính trị và gia tăng sự phân hoá xã hội của những chính thể kinh tế lãnh địa thì những thay đổi bên trong của những tổ chức kinh tế là điều kiện cần thiết để hỗ trợ phát triển ngoại thương. Sự tương đồng với những xã hội phức hợp ở châu Phi, Âu và trực tiếp hơn với những nhà nước buôn bán đường biển ở Đông Nam Á hải đảo cho thấy rằng sự cạnh tranh ngoại thương thường phụ thuộc vào khả năng của chính thể trong việc huy động hiệu quả những nguồn lực cần thiết để hỗ trợ cơ sở hạ tầng buôn bán (tức là thợ buôn, công chức cảng, nhà ở và thức ăn cho người nước ngoài) và đảm bảo nguồn cung cấp hàng xuất khẩu ổn định. Quá trình này có lẽ kéo theo thâm canh nông nghiệp, huy động đồ cống nạp mở rộng, sản xuất địa phương hàng xuất khẩu ở mức rộng và nguyên liệu như quặng kim loại, hay kiểm soát tập trung hơn hệ thống buôn bán nội địa. Chứng cứ khảo cổ học và dân tộc học lịch sử ở Đông Nam Á cho thấy rằng những chính thể buôn bán biển thành công nhất có nền nông nghiệp mạnh, hệ thống cống nạp phát triển ở vùng trung tâm và hình thành  mạng lưới buôn bán sông lan toả tới tận sâu vùng nội địa cùng với sản xuất hàng thủ công hàng hoá đã được chuyên hoá ở mức độ nhất định.  
Ba trong số hàng hoá trao đổi chính của những người đi buôn ở vùng thấp vào sâu trong nội địa theo tư liệu dân tộc học lịch sử là gốm, kim loại và đồ trang sức. Đồ gốm và đồ kim loại trong các mộ địa và cư trú văn hoá Sa Huỳnh cho thấy càng ở giai đoạn muộn càng có sự đồng nhất cao hơn về loại hình, trang trí và kỹ thuật chế tác ở những khu vực khác xa nhau về không gian. Điều này cho thấy có những thay đổi trong tổ chức sản xuất, phân phối, nhập khẩu và tái phân phối những mặt hàng này.
Kiểu tổ chức không gian xã hội và sự phát triển đa dạng phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái cũng như cách thức hội nhập phù hợp với bối cảnh chính trị-kinh tế khu vực của các cộng đồng cư dân văn hoá Sa Huỳnh đã được kế thừa và phát huy ở những giai đoạn sau. Cùng với sự chuyển dịch của dân cư từ bên ngoài vào[1], áp lực chính trị từ Trung Hoa, tiếp xúc với Nam Á và sự phát triển nội tại đã dẫn đến quá trình kết tinh và thể chế hoá kinh tế-chính trị từ sau Công nguyên dẫn đến sự hình thành của những nhà nước sớm. Từ góc độ môi trường địa lý - sinh thái, những chính thể dạng mandala Champa đã cho thấy sự tái chọn lựa không gian chính trị xã hội của những lãnh địa Sa Huỳnh.     



[1] Những thế kỷ đầu CN trên khắp lục địa Á-Âu đã xảy ra những đợt chuyển dịch dân cư lớn. Khá nhiều học giả khi nghiên cứu về nguồn gốc của cư dân Sa Huỳnh, Champa đã đưa ra giả thuyết rằng đây là những nhóm người đi từ biển vào. Chúng tôi không loại trừ giả thuyết này trong nghiên cứu của mình song lưu ý về nhiều nguồn, nhiều thành phần dân cư trong nguồn gốc của cả hai văn hoá Sa Huỳnh và Champa.


[1] Khái niệm Biển Đông trong bài này được dùng để chỉ biển của Việt Nam nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, trải rộng từ phía Đông đến phía Tây đất nước với nhiều tên gọi khác nhau: biển Đông, Giao Chỉ dương,biển Nam Hải… Biển Đông là biển lớn nhất trong 6 biển lớn của thế giới, có diện tích khoảng 3.447.000km2 tiếp giáp với các nước khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei, Singapore, Thái Lan, Campuchia, đảo Đài Loan và lục địa Trung Quốc (Trần Nam Tiến 2012:603)   
[2] Xem Solheim W và luận điểm của ông về mạng lưới mậu dịch  đường biển của người Nusantao (dân đảo) giữa Đài Loan, vùng Duyên hải Nam Trung Hoa và miền Bắc Việt Nam từ thời tiền sử (W. Soilheim, 2000). Li Tana nghiên cứu qua sử liệu về Giao Chỉ Dương và xác định Vịnh Bắc Bộ là trung tâm kinh tế trong mạng lưới buôn bán trên Biển Đông giai đoạn lịch sử sớm (Li Tana, 2011). Momoki Shiro tuy bàn về mối quan hệ giữa chính trị và mậu dịch biển ở Biển Đông thời Trung đại nhưng những ý tưởng của ông về vai trò của mậu dịch biển đối với quốc gia Đại Việt khi mà nhiều học giả chỉ nhấn mạnh đến tính chất lục địa của quốc gia này giúp cho các nhà nghiên cứu xem xét lại vai trò quan trọng của mậu dịch biển trong suốt quá trình lịch sử và mối quan hệ phức tạp giữa chính trị với ngoại thương (mậu dịch triều cống và mậu dịch phi triều cống) trong lịch sử Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung (Momoki Shiro, 1998).
[3]“Chứng cứ cho thấy một tổ hợp kỹ thuật cấu trúc độc đáo và nguyên bản (của Đông Nam Á) phát triển ít nhất thì cũng ngang bằng về niên đại với những truyền thống Trung Hoa và Ấn Độ láng giềng. Điều này không có nghĩa rằng Trung Hoa và Ấn Độ không phát triển những kỹ năng lái tàu của họ từ giai đoạn sớm: Họ đều phát triển. Trong bối cảnh Ấn Độ, tuy nhiên những nguồn sử liệu thành văn và tiếu tượng học đều có: không có bất cứ dữ liệu nào để chứng thực thêm từ những địa điểm khảo cổ học, những chứng cứ đó vẫn còn yếu để xác định một cách thỏa mãn những truyền thống đóng tàu Ấn Độ sớm và tác động (qua lại) với những kỹ thuật Đông Nam Á. Tài liệu trong trường hợp Trung Hoa thì nhiều hơn nhiều lần, như chúng ta thấy, dữ liệu đủ để biết chắc rằng hải thương đại dương hoàn chỉnh (ngược lại với đi tàu trên sông và ven bờ) không phát triển trước thời điểm cuối TNK I CN. Trên thực tế, người Trung Hoa đã chấp nhận một số những kỹ năng từ láng giềng phía nam của mình để phát triển và sớm trở thành lực lượng hải thương hùng mạnh nhất ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Một truyền thống đóng tàu hỗn hợp Trung Hoa-Đông Nam Á trên thực tế đã phát triển để lưu thông thường xuyên trên Biển Đông, truyền thống hỗn hợp này cùng tồn tại với những truyền thống bản địa sống động từ cả Trung Hoa và Đông Nam Á hải đảo.” (P. Manguin., 1993: 274).
[4] Có thể xem ý kiến sự hình thành và diễn biến của cặp biểu tượng lưỡng hợp biển – núi và vai trò của biểu tượng này trong lịch sử, văn hóa Việt Nam trong một số nghiên cứu của Trần Quốc Vượng 1993; 2000.
[5] Trong những nghiên cứu của mình, đặc biệt là về thời tiền sử ở Đông Bắc Việt Nam, Hà Hữu Nga ứng dụng và triển khai một số cách tiếp cận của khảo cổ học mới (khảo cổ học nhận thức) và lý thuyết mạng trong diễn giải quá trình tụ cư của một số cộng đồng cư dân ven biển. Hà Hữu Nga cho rằng cư dân văn hóa Hạ Long với những nhận thức cộng đồng của mình trong tư cách là cư dân của một nền văn hóa biển ở vị trí trung điểm trong mạng lưới giao thương nội địa – biển khơi đã sản xuất một hệ biểu tượng mà trong đó nội bật là biểu tượng uy quyền sông nước – tiền thân của rồng tiên và “Rồng - Tiên như một biểu tượng quốc gia Việt cổ: không thể phủ nhận được rằng hình tượng giao long - rắn lớn - rồng (sau này) là linh hồn vùng văn hóa cư dân Hạ Long trước khi trở thành linh hồn văn hóa Việt cổ ở tầm quốc gia… Như vậy, những yếu tố nền tảng cho một nhà nước sơ khai mà cư dân Hạ Long đóng góp chính là tất cả những tri thức về biển, các thành tố Malayo-Polynesian về văn hóa và đặc biệt là về ngôn ngữ trong nền văn minh Việt.” (Hà Hữu Nga 2004.)
[6] Về quá trình chiếm lĩnh và khai thác biển của những cư dân thời Tiền Sử, Nguyễn Khắc Sử cho rằng:”Cư dân tiền sử Việt Nam tiếp xúc với biển từ khá sớm, nhưng khai thác biển thực sự bắt đầu từ thời kỳ Đá Mới. Sự thiết lập văn hóa biển đi liền với sự phân vùng kinh tế-xã hội đầu tiên ở Việt Nam. Trong mỗi vùng văn hóa biển đó có những sáng tạo quan trọng trước hết về đồ gốm, mang tính thời đại” (Nguyễn Khắc Sử, 2009: 271). 
[7] Lâm Thị Mỹ Dung, 2009; Nishimura Masanari, 2007…
[8] Khi so sánh hai tổ hợp hiện vật và di vật khảo cổ học miền Trung Việt Nam, Đông Nam Á hải đảo, chúng ta thấy có rất nhiều điểm tương đồng trong táng thức, đặc biệt trong việc sử dụng quan tài gốm, những cách thức giống nhau trong xử lý đồ gốm và một số đồ đá. Tuy nhiên giữa hai tổ hợp này cũng có không ít khác biệt, ví dụ loại hình gốm, đá và đồ trang sức, trên thực tế không có nhiều cơ hội để quan sát và thu thập những dữ liệu từ các địa điểm mộ táng Đông Nam Á hải đảo, nhưng những tài liệu biết được từ những công bố bằng tiếng Anh dẫn chúng ta tới ý kiến về sự hình thành và phát triển của hai truyền thống văn hóa riêng biệt ở hai vùng và những tương đồng giữa hai khu vực này là kết quả của trao đổi, tiếp xúc chứ không chỉ của chuyển dịch dân cư (Lâm Thị Mỹ Dung, 2003).

[9] Theo Belina Berenice thì trong việc sản xuất đồ trang sức ở Đông Nam Á đầu Công nguyên đã có những người thợ Ấn Độ đến làm việc tại Đông Nam Á. Theo Nguyễn Kim Dung (Viện Khảo cổ học), cho tới nay chưa có bằng chứng về sản xuất trang sức bằng mã não tại chỗ, nhưng sản xuất trang sức bằng thủy tinh tại chỗ thì đã có rất nhiều bằng chứng trong các địa điểm khảo cổ học.
[10] Một trong những nguồn đá ngọc (jade) mà người Sa Huỳnh sử dụng làm đồ trang sức là từ Đài Loan. Theo những nghiên cứu của Hsiao- Chun và P. Bellwood, phần lớn đá Nephrite, nhất là loại có màu xanh lá cây, dùng để chế tạo khuyên tai ba mấu và hai đầu thú có nguồn gốc từ miền Đông Đài Loan (Hsiao-chun và Bellwood. P., 2010: 235)    
[11] Mặc dù văn hoá Sa Huỳnh có mối quan hệ tiếp xúc và giao lưu khá thường xuyên với văn hoá Hán (cả Tây Hán và Đông Hán) và nhiều hiện vật đồng Tây Hán và Đông Hán đã có mặt trong văn hoá Sa Huỳnh nhưng cho tới nay, trong các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh không tìm thấy bất cứ đồ gốm Hán nào. Gốm Hán ở miền Trung Việt Nam chỉ mới tìm thấy trong các địa điểm Chăm cổ. Gốm Ấn Độ cũng không thấy trong các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh loại hình phía Bắc. Gốm thương mại Nam Ấn mới chỉ thấy ở những địa điểm Chăm cổ Gò Cấm, Trà Kiệu
[12] Chúng ta có một số sử liệu về tuyến đường biển phía Nam từ thời Hán Vũ Đế và chính sách thương mại quan doanh- hình thức hoạt động thương mại dưới sự chỉ đạo trực tiếp của triều đình. Theo con đường này tơ lụa của Trung Quốc được đưa tới nhiều quốc gia [Chử Bích Thu 2007: 130].
[13] Dịch từ khái niệm “attached specialist” với nghĩa chỉ những người thợ thủ công  được tầng lớp quý tộc hay thủ lĩnh trực tiếp bảo trợ chuyên sản xuất hàng phục vụ cho quý tộc, thủ lĩnh.


[i] Sakurai Yumio: The Dry Areas in the History of Southeast Asia; trong Fukui Hayao (Cb). The Dry Areas in Southeast Asia: Harsh or Benign Environment, CSEAS, Kyoto University 1999, tr. 28-31.

[ii] Cư dân ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian) được coi có địa bàn khởi thủy là Đài Loan cách đây khoảng 7.000 năm, đây là những cư dân thành thục kỹ thuật hàng hải và tiến hành những cuộc du hành trên đa phần biển và đại dương. Theo nhiều nhà nghiên cứu, họ là những người tiên phong trong việc thiết lập những mạng lưới hải thương rộng lớn trên vùng biển Á – Âu, và cho đến trước thời nhà Tống, họ luôn đóng vai trò chủ động, tích cự trong mạng lưới giao thương này: “Họ là các kẻ tiên phong, các kẻ mà ngay từ một nghìn năm trăm năm trước, đã đan kết vùng Đông Nam Á hải đảo vào một hệ thống mậu dịch toàn cầu trải dài từ phía đông Nam Dương đến Trung Hoa và Nhật Bản ở phía bắc và đến Bồ Đào Nha (Portugal) và Ái Nhĩ Lan (Ireland) ở phía tây.”; “Trong các mối quan hệ ngoại giao và thương mại trường kỳ và thường sôi động giữa Đông Nam Á và Trung Hoa, người dân ngữ tộc Nam Á Đa Đảo đã là các kẻ nắm thế chủ động nhiều nhất, ít ra cho đến thời Nam Tống (1127-1279)” (xem Anthony Reith, bài đã dẫn).

Tài liệu sử dụng

Trần Nam Tiến, 2012, Nghiên cứu biển và đảo ở Việt Nam – Thực trạng và định hướng (nhìn từ trung tâm nghiên cứu biển và đảo, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh), in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa”, Nxb TG, Hà Nội, 603-611.
Nguyễn Khắc Sử, 2009, Di chỉ tiền sử Cái Bèo, đảo Cát Bà, Nxb KHXH, Hà Nội.
Trần Quốc Vượng 1993. Mấy nét khái quát lịch sử cổ xưa về cái nhìn về biển của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1, 1993.
Trần Quốc Vượng 2000. Việt Nam và biển Đông, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3(71), 2000.
Hà Hữu Nga, 2004, Văn hóa Hạ Long và Quá trình Hình thành Nhà nước Việt Cổ: Tiếp cận Khảo cổ học Nhận thức, Bài viết cho Bảo tàng Quảng Ninh - Đề tài khoa học "Nghiên cứu văn hoá Hạ Long, đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy", Tp. Hạ Long, Quảng Ninh 2004. http://kattigara-echo.blogspot.com/2012/04/van-hoa-ha-long-va-qua-trinh-hinh-thanh.html, downloaded ngày 7.11.2012
Mills, J. V. G., 1979.  “Chinese Navigators in Insulinde about 1500 A. D.”, Archipel 18: 69-94.
Pierre Yves Manguin, 1993, Trading Ships of the South China Sea. Shipbuilding Techniques and Their Role in the History of the Development of Asian Trade Networks, Journal of the Economic and Social History of the Orient, Vol.36, No.3 (1993). Pp.253-280, http://.jstor.org/stable/3632633
Solheim W, 2000, Taiwwan, Coastal South China and Northern Vietnam and the Nusantao Maritime Trading Netwwork, JEAA 2, 1-2, 273-284.
Li Tana, 2011, Jiaozhi (Giao Chi) in the Han Period Tongking Gulf, in trong Tana Li, Nola Cooke, James Anderson (chủ biên) The Tongking Gulf Through History, University of Pennsylvania Press, 2011.
Anderson J.A., 2011, “Slipping Through Holes”: The Late Tenth- and Early Eleventh-Century Sino-Vietnamese Coastal Frontier as a Subaltern Trade Network, in trong Tana Li, Nola Cooke, James Anderson (chủ biên) The Tongking Gulf Through History, University of Pennsylvania Press, 2011.
Momoki Shiro, Dai Viet and the South China Sea Trade, from the 10th to the 15th Century, Crossroads: An Interdisciplinary Journal of Southeast Asian Studies, 12(1): 1-34, 1998, Center for Southeast Asian Studies, Northern Illinois University.
            Lâm Thị Mỹ Dung, 2003, Về truyền thống mộ chum, Khảo cổ học, số 2, 48-59
            Lam Thi My Dzung, Sa Huynh Regional and Inter – Regional Interactions in the Thu Bon Valley, Quang Nam Province, Central Vietnam, Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association , Vol 29, 2009, 689-793
Nguyễn Kim Dung 2007. Văn hoá Sa Huỳnh với mạng thương mại thời cổ. Bài tham gia hội thảo đề tài cấp Bộ “Tiếp xúc và giao lưu của văn hoá Sa Huỳnh”. Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
Nishimura Masanari 2007. Bronze drums unearthed around the South China Sea and their cultural context. Bài trình bày tại Hội nghị Quốc tế “Khảo cổ học Việt Nam - Lào - Cămpuchia: Hướng tới sự hợp tác bền vững”, tháng 12, Hà Nội.

Glover I.C. 1994. Recent archaeological evidence for early maritime contacts between India and Southeast Asia. Trong Ray, H.P., và Salles, J.F (chủ biên). Tradition and Archaeology: Early Maritime Contacts in the Indian Ocean. Manohar, New Delhi: 129-150. 
Bellina Berenice 2003, Beads, social change and interaction between India and Southeast Asia. Antiquity, Vol.77, Number 296, June 2003:285-295.
Trần Quốc Vượng, Hayden Brian 1996, A Preliminary Report and Analysis of Cultural Ecological Investigations Among the Ta Oi of Quang Tri Province, Vietnam, in 1966,
Nitta Eiji 1999. Iron and Salt Industries in Isan. trong Fukui Hayao (chủ biên), The Dry Areas in Southeast Asia: Harsh or Benign Environment. The Center for Southeast Asian Studies. Kyoto University. March 1999, 75-94.
Watanabe Hiroyuki 1999, Non-Forest Products from the Dry Zone in Southeast Asia, trong Fukui Hayao (chủ biên), The Dry Areas in Southeast Asia: Harsh or Benign Environment, The Center for Southeast Asian Studies. Kyoto University, March 1999, 135-137.
Junker Lee Laura 1993. Craft Goods Specialization and Prestige Good Exchange in Philippine Chiefdoms of the Fifteenth and the Sixteenth centuries. Asian Perspectives. Vol.32, No.1, Spring 1993: 1-36.
    Hà Văn Tấn, Óc Eo – Những yếu tố nội sinh và ngoại sinh. In trong Văn hóa Óc Eo và các văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. Sở VHTT An Giang xuất bản, Long Xuyên, 1984.
Chử Bích Thu, “Con đường tơ lụa trên biển” thời Hán: Tuyến đường thương mại biển sớm nhất của Trung Quốc. In trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII. NXB TG, Hà Nội ,2007.
Anthony Reid, Người Chàm trong hệ thống hàng hải Đông Nam Á, bản dịch của Ngô Bắc
Hsiao-chun Hung và Peter Bellwood, 2010, Movement of raw materials and manufactured goods across the South China Sea after 500 BCE: From Taiwan to Thailand and back, in trong Berenice Bellina, Elisabeth A. Bacus, Thomas Oliver Pryce và Jan Wisseman Christie, 50 years of Archaeology in Southeast Asia, Essay in Honour of Ian Glover, River Books, 235-246


 Bảng 1 Loại hình hạt chuỗi ngoại nhập
(Nguồn: Nguyễn Kim Dung 2007 và tư liệu của tác giả)
Số TT
Tên gọi
(tiếng Anh)
Tên gọi
(tiếng Việt)
Chất liệu
Nguồn gốc
Nơi tìm được
Ghi chú
1
Indo-Pacific

Thuỷ tinh
Ấn Độ, Đông Nam Á
Hầu hết các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh và một số địa điểm Chăm cổ, Champa
Phần lớn được sản xuất tại chỗ, kỹ thuật Ấn Độ. Tìm thấy với số lượng lớn.
2
Collar –Collared
Hình tang trống thắt hai đầu
Mã não màu đỏ và đá Crystal
Nam Ấn Độ và Iran
Lai Nghi, Hoà Diêm, Giồng Cá Vồ
Nhập khẩu. Có giá trị kinh tế và xã hội cao
3
Etched
Khắc axit
Mã não, agate, thủy tinh
Ấn Độ
Cồn Giàng, Lai Nghi, Hậu Xá, An Bang, Hoà Diêm, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Long An
Nhập khẩu. Số lượng ít. Mỗi địa điểm từ 1-2 tiêu bản
4
Animal –Shaped
Hình con vật rùa, chim, hổ
Mã não, đá Crystal
Ấn Độ
Lai Nghi, Long An
Nhập khẩu. Hiếm gặp. Có thể là biểu tượng Phật giáo sớm

5
Banded và banded stratified mosaic

Mã não, agate
Ấn Độ ?
Lai Nghi, Hậu Xá, Cồn Giàng, Hoà Diêm, Giồng Cá Vồ
Nhập khẩu, không nhiều lắm trên dưới một chục tiêu bản
6
Gold
Hạt chuỗi bằng vàng hay phủ vàng
Vàng và một chất liệu nào đó chưa rõ
Địa Trung Hải
Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Gò Mùn, An Bang, Hoà Diêm, Phú Hoà, Hàng Gòn, GCV, GP
Nhập khẩu, không nhiều.
6
Gold plated glass


Thuỷ tinh mạ vàng
Thuỷ tinh và vàng
Địa Trung Hải
Lai Nghi
Rất hiếm

Bài viết tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế "Hợp tác Biển Đông: Tiềm năng, Thực trạng và Triển vọng" tại Đà Nẵng, trong hai ngày từ 2 đến 4.11 .2012.

Lâm Thị Mỹ Dung
Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội
336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Web. baotangnhanhoc.org