Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

"Tổ quốc nhìn từ biển"

"Tổ quốc nhìn từ biển" - Thơ của Nguyễn Việt Chiến
 
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không
 
Minh họa: Văn Nguyễn
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi
Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình góa phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước (*)
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

Nguyễn Việt Chiến(*) Mới đây người dân huyện đảo Lý Sơn đã tìm thấy một sắc chỉ của vua triều Nguyễn năm 1835 cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110528/To-quoc-nhin-tu-bien-Tho-cua-Nguyen-Viet-Chien.aspx

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Chuyện Chủ nhật 15 - Quán triệt

1. Có học (có nghe báo cáo) vẫn có hơn!

Hôm nay, thứ Sáu, tất cả đảng viên của ĐHQG đi nghe Nghị quyết ĐH Đại biểu lần thứ XV Đảng bộ TP.HN. Có đi nghe mới biết TP HN trong những năm của nhiệm kỳ này đã có rất nhiều thành tựu to lớn (mình đúng là ếch ngồi đáy giếng, lúc trước chỉ thấy toàn hạn chế với nhược điểm) như giải quyết vụ đất nhà thờ, cắt ngọn nhà cao tầng xây trái phép, phát quang công viên Thủ Lệ… Mặc dù có thành tựu bây giờ xem ra không còn là thành tựu nữa, ví như khối nhà xây vượt tầng mọc lên bất chấp những vụ cắt đầu trước đó (kiểu cắt đầu này, đầu khác mọc lên y như đầu Phạm Nhan vậy).

Rồi có đi nghe nghị quyết mới biết số đảng viên của đảng bộ TP.HN còn đông hơn dân số Yên Bái hay hiện nay thủ đô ta có 7 triệu người (báo cáo viên ví rất hay vì Hà Nội ta “đất lành chim đậu”), lại nhớ câu của mấy bạn đồng nghiệp Nam Bộ: “Đất lành chim đậu. Đất không lành đất nhậu chim luôn”!

Nói tóm lại, quán triệt xong nghị quyết mình cũng tự quán triệt. Hà Nội ta những năm qua đạt được nhiều thành tựu vĩ đại và hiện là thủ đô to, hoành tráng (đất rộng người đông) đứng trong tốp 20 của thế giới. Chỉ tiếc thời gian có hạn, báo cáo viên đã không kịp nói thêm thủ đô đứng tốp bao nhiêu về các chỉ số khác để một đảng viên quèn như mình tự hào và chỉnh trang tư tưởng cho nhất quán hơn nữa với tinh thần của Nghị quyết.

2. Xếp hạng

Liếc qua những văn bản ĐHQG phát, lại thêm một lần thấy mình vẫn chậm hiểu (từ bé mình vẫn được coi là đứa cả tin và chậm hiểu). ĐHQG sẽ được xây dựng theo rất nhiều tiêu chuẩn, nào là ISO hóa, nào là tiếp cận sản phẩm đầu ra và khung logic Logframe, nào là xây dựng văn hóa chất lượng, tinh thần cộng đồng, thương hiệu, nào là trình độ quốc tế… Đọc một hồi, rối tinh rối mù và thấy khổ kinh khủng, vì là dân khối C đọc trình của cán bộ quản lý khối A. Hồi Thầy còn sống, Thầy giải thích đại học là gì, giáo sư phải thế nào dễ hiểu bao nhiêu thì văn bản của ĐHQG này rắc rối bấy nhiêu. Nếu xét theo những tiêu chuẩn mới này có lẽ mình đi bán rau thì thích hợp hơn là đi dạy đại học. May mà sắp hưu, sắp về nhà bế cháu như chị Tiến cho lành.

Đến phụ lục 2, bảng xếp hạng thì còn khó hiểu hơn, theo bảng này ĐHQG nhà mình xếp hạng 200+ (với chú thích 200+ tức là nằm trong nhóm trên 200 nhưng chưa xác định vì còn thiếu một vài chỉ số ?) ở châu Á theo bảng xếp hạng đại học QS Asian University Ranking.

Có ai hiểu vụ xếp hạng này là gì không và như vậy ĐHQG của mình xếp hạng nào bi giờ.

Dù sao, mình vẫn ước đừng đưa bản xếp hạng này ra thì tốt hơn.

Mình sợ những gì liên quan đến phân loại, phân hạng (bất kể là cái gì) lắm rồi.
Trên mạng đầy rẫy những kiểu phân hạng hay tự phân hạng kiểu “tứ trụ mới”, “nhà khảo cổ học số một”, “tài năng sử học trẻ”…
Có em sinh viên tấm tắc: “Cô ơi, em về quê em hỏi mấy cô, chú làm bên văn hóa, bên bảo tàng ai cũng biết cô, cô nổi tiếng thế”. Lúc đầu nghe thinh thích, nhưng rồi ngộ ra ngay: “Bé ơi, nghề khảo cổ của cô, người làm trong nghề cả nước này chưa đến 100, đàn bà làm khảo cổ thế hệ cô đếm chưa hết 10 đầu ngón tay, cả nước biết nhau, không những biết, mà biết rõ nữa, ai đã làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì đều vanh vách cả”.

Mà nổi tiếng hay tai tiếng - đều là có tiếng!

Biết tự xếp mình vào loại tiếng gì đây? 

XÂY DỰNG SƯU TẬP MẪU VẬT KHO MỞ

Sưu tập mẫu vật là một tập hợp mẫu chuẩn nhằm giúp cho người xem (đối tượng sinh viên) có cái nhìn trực quan nhận thức trước một khái niệm mới. Đây cũng là minh hoạ rất cần thiết cho phần lý thuyết bài giảng. Qua hơn 30 năm công tác tại Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tôi càng nhận thấy rõ hơn vai trò và ý nghĩa của công tác xây dựng sưu tập mẫu vật. Tập hợp mẫu vật ngày càng phong phú, điều đó cũng có nghĩa là bộ “ Cẩm nang tra cứu” ngày càng đáp ứng nâng cao trình độ nhận thức của sinh viên.

            Bài viết này, xin trao đổi theo các vấn đề sau đây:
            1. Mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng sưu tập mẫu vật kho mở.
            2. Tiêu chuẩn lựa chọn mẫu vật.
            3. Giải pháp thực hiện.
            4. Xây dựng mẫu vật kho mở kết hợp nghiên cứu phân tích và thực nghiệm.

                                                                        *
                                                            *                      *

           
1. Mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng sưu tập mẫu vật kho mở:
            Cho đến nay, từ bậc học cơ sở đến Đại học, ở Việt Nam đã có sự chú ý của nhà nước về “ Giáo cụ trực quan” (Nay cụm từ này được sử dụng là đồ dùng dạy học) với sự tham gia của những “ sản phẩm” này, học sinh có điều kiện tiếp thu nhanh và ấn tượng mạnh hơn về bài lý thuyết. Tuy nhiên ở bậc Đại học, sinh viên thường chỉ mở rộng hơn bằng tài liệu tham khảo. Mặc dù, không phải thư viện của các trường đều có điều kiện và quan tâm đầy đủ tới việc cập nhật các sách tham khảo chuyên ngành. Cho nên, việc thành lập Bảo tàng Nhân học của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn là một ý tưởng rất đúng đắn và có ý nghĩa thiết thực với công tác đào tạo các cử nhân chuyên ngành: sử học, dân tộc học, xã hội học, ngôn ngữ học… Tôi cũng biết rằng, Bảo tàng Nhân học này thực ra đã có manh nha từ mấy chục năm trước, khi đó thuộc bộ môn Khảo cổ học của khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội.
            Với sưu tập mẫu vật sẽ giúp cho sinh viên khắc phục tình trạng học chay, tài liệu hiện vật sẽ làm phong phú thêm rất nhiều cho lý thuyết. Hơn nữa, theo tôi hiểu thì khi tiếp xúc với mẫu vật sẽ gây cảm xúc trực quan cho sinh viên, kích thích tinh thần yêu nghề, tính hấp dẫn, tìm tòi sáng tạo.
            Ấn tượng đầu tiên của tôi khi theo học chuyên đề khảo cổ học là một số mẫu trống đồng, dưới sự hướng dẫn lúc đó là các giáo sư Trần Quốc Vượng, Diệp Đình Hoa… Việc hình thành và hoàn thiện dần sưu tập mẫu vật kho mở cũng có nghĩa là chúng ta sẽ có một bộ “ Cẩm nang tra cứu” cho chuyên ngành sử học ở Việt Nam.
            Theo tôi hiểu, thì với sự ra đời của Bảo tàng Nhân học sẽ là một tiện ích vô cùng cho công tác đào tạo các cử nhân sử học Việt Nam.

            2. Tiêu chuẩn lựa chọn mẫu vật.
Lịch sử Việt Nam ta có bề dầy hàng chục nghìn năm, nếu chúng ta lần theo dấu tích khảo cổ thời tiền sử. Kết quả và thành tựu nghiên cứu liên ngành, đa ngành ngày càng làm sáng tỏ lịch sử dân tộc ta hình thành từ rất sớm. Để trình bày và lý giải hành trình lịch sử này, khoa nghiên cứu khảo cổ học phải kết hợp với các ngành liên quan như địa lý, sinh vật học, dân tộc học, ngôn ngữ học … Chung quy lại, chúng ta phải làm rõ nhiều thuật ngữ, khái niệm thuộc nhiều phạm trù rộng lớn. Để nghiên cứu mỗi tượng cổ, chúng ta phải quan tâm đến nhiều dạng hoá thạch nhằm xây dựng sưu tập mẫu vật về “Quần động vật”, về “Thảm thực vật”. Nội dung này rất liên quan đến điều kiện sinh sống của cư dân nguyên thuỷ.
Để trình bày về lịch sử ngành sảm xuất gốm sứ Việt Nam, chúng ta phải có được những mẫu vật gốm của các giai đoạn văn hoá. Nhưng khái niệm về gốm đâu đã dễ thống nhất. Nếu theo cách hiểu thông thường hiện nay gốm là từ chỉ thị chung nhất là loại sản phẩm chế từ đất và nung qua lửa (Ceramics). Song gốm lại có thể chia ra 4 phân chi sau:
- Đất nung (Terracotta)                     = Doki (Theo Noritake Tsuda)
- Sành (Earthenware)                       = Sekki (Theo Noritake Tsuda)
            - Gốm men (Stoneware)                  = Toki (Theo Noritake Tsuda)
            - Sứ ( Porcelain)                                = Jiki (Theo Noritake Tsuda)
            Nhưng trong nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu mỹ thuật lại dùng các khái niệm sành nâu, sành trắng, sành xốp. Mới đây, một luận án tiến sĩ về ngành văn hoá học lại đưa ra khái niệm gốm sành nâu có men và không men.
            Chưa kể đến khái niệm về các loại men, phân biệt theo các dòng men trắng, men nâu, men lam xám, men rạn, men ngọc, men lục… Các loại phức hợp men như gốm hoa nâu, gốm hoa lam, gốm nhiều mầu…

            Vì thế, tôi cho rằng, các bảng tập hợp mảnh mẫu vật về gốm cũng là những tài liệu hiện vật rất quý giá và hữu ích.
            Thời gian vừa qua, tôi được tham quan tại Bảo tàng Thượng Hải (Trung Quốc) thấy phòng trưng bày có nhiều bảng hộp kính gắn các mẫu vật mảnh gốm rất sinh động với màu men và hoa văn làm 2 tiêu chí chính. Ở đó, họ sắp xếp rõ đâu là các mảnh gốm men ngọc Long Tuyền, sự biến diễn qua các thời Tống, Nguyên, Minh…
            Về chất liệu đá, chúng ta cần xây dựng bảng mẫu vật về kỹ thuật chế tác đá, về loại hình công cụ, đồ trang sức…. Có thể cần sắp xếp theo khu vực, theo giai đoạn phát triển của các nền văn hoá khảo cổ…
            Cũng với chất liệu đá, chúng ta có thể sắp xếp các loại hình hiện vật là công cụ, vũ khí, trang trí kiến trúc hay các loại hình tượng, phù điêu liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng theo chiếu dài lịch sử: Từ đầu công nguyên, thời kỳ Bắc thuộc, thời Lý, Trần, thời Lê - Nguyễn….
            Về chất liệu đồng cũng vậy, chúng ta cần lưu ý đến các loại hình thuộc về công cụ, vũ khí, đồ gia dụng, đồ trang sức, nhạc khí… đi cùng với loại hình là đề tài trang trí, kỹ thuật trang trí, sự phân biệt và nhận biết các điểm giống và khác nhau giữa các vùng văn hoá…
            Ngoài ra, còn có nhiều dạng chất liệu khác nữa như gỗ, giấy vải, kim loại màu cũng cần sưu tập để giới thiệu về ngành nghề thủ công, những khía cạnh mỹ thuật, những trung tâm truyền thống…
Tóm lại, đó là việc lựa chọn mẫu vật theo chủ đề chất liệu. Trong đó, các thông tin cần quan tâm là xuất xứ sưu tầm, tài liệu liên quan và vấn đề xác định niên đại (tuyệt đối hay tương đối).

            3. Giải pháp thực hiện.
Xây dựng sưu tập mẫu kho mở là một mục đích khoa học ở tầm quốc gia và để thực hiện thành công, chắc phải có sự tham gia tư vấn của nhiều người. Tôi xin có một số đề xuất sau đây:
            - Xây dựng sưu tập mẫu vật khảo cổ học bằng một dự án khả thi có nguồn kinh phí đầu tư và nhân lực cần thiết để tiến hành sưu tầm, mua, nhượng đổi, kêu gọi xã hội hoá…
            - Huy động nguồn từ sự đóng góp của các bảo tàng, các nhà sưu tập, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân có nguồn phát hiện di vật, cổ vật…
            - Đặt mục tiêu từng bước, từng phần, thực hiện theo chương trình thời gian.
            - Xây dựng biểu mẫu hồ sơ hiện vật phù hợp với yêu cầu từng loại chủ đề.
            - Chuẩn bị cơ sở vật chất, từ hệ thống kho lưu giữ, thiết bị giá, kệ, bục phù hợp. Kho phải đảm bảo yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm , ánh sáng, phòng cháy, lũ lụt…
            - Có hệ thống vi tính và lập trình quản lý tương ứng trong việc cập nhật hồ sơ khoa học, xuất và nhập mẫu vật theo qui chế.
4. Xây dựng sưu tập mẫu vật kho mở kết hợp nghiên cứu phân tích, thực nghiệm.
            Công tác bảo quản kỹ thuật trong các bảo tàng Việt Nam hiện đã và đang chuyển động theo chiều hướng tích cực. Các tổ chức bảo tàng quốc tế đã giành cho Việt Nam những kinh nghiệm và bài học cho kỹ thuật bảo quản các chất liệu cổ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của chúng ta còn quá nghèo nàn, thiếu thốn, ít kinh nghiệm cho nên kết quả còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng các mẫu vật rất cần có sự liên kết với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu để tham gia vào chương trình đào tạo, bảo quản, tu sửa các loại chất liệu hiện vật.
            Nhằm bổ xung, tăng cường thông tin về mẫu vật cần phải có nghiên cứu, phân tích các đặc trưng định tính và định lượng. Nhân đây, chúng tôi giới thiệu về dự án phân tích “ Nhiệt huỳnh quang” giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Khoa học vật liệu. Dự kiến của chúng tôi là thông qua phân tích hệ thống các mẫu gốm có niên đại chính xác để làm hệ thống phổ quang kiểm tra niên đại cho các đồ gốm khác mà nay mới chỉ được xác định niên đại bằng “Phương pháp chuyên gia”. Một hướng khác là làm thực nghiệm để tìm hiểu quy trình sản xuất, cũng như mở rộng nghiên cứu kết hợp tài liệu ngành: dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh học, địa lý học, văn học dân gian…

TS. Nguyễn Đình Chiến
Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Bài tham dự Hội thảo Khoa học "Vai trò của Bảo tàng Đại học trong Nghiên cứu và Đào tạo các ngành KHXH & NV - Lý luận và Thực tiễn". Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội tài trợ. Hà Nội. 

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Chùm ảnh Bim rinh về từ Bảo tàng Dân tộc học

    Lịch của người Mường (ghi chú trước đây bị sai vàTS. Nguyễn Xuân Diện đã sửa giúp)



Ống cắm đũa trong nhà Rông

                                                              Cửa sổ nhà A Phủ? 
                                                                 Phòng bà đẻ của người Hà Nhì
                                                            Gốm Mường Chanh
                                                           Bếp giống bếp ngày xưa nhà bà nội
                                              Khi chụp ảnh này chắc Bim nhớ cái bảng đen ở lớp
                           Bim giống mẹ thích những thứ quê nhà
                                                                  Mái lạ
                                                                Cuốc cùn
                                                                      

Đi học Bim không hứng khởi bằng đi bảo tàng. Có mỗi cái Bảo tàng Dân tộc học mà từ đầu hè đến giờ Bim đã lượn vào đó hai lần. Hồi bé thì hay lên Bảo tàng Nhân học điếu đóm các anh chị sinh viên gắn chắp hiện vật. Bây giờ thì vác máy ảnh đi chộp lung tung. Có vẻ cũng biết chộp đấy!
Con gái mẹ cố lên.







Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

CUỘC ĐẤU KHÔNG CÂN SỨC (MONEY VERSUS CULTURAL PATRIMONY)

1. “MÁU THAM HỂ THẤY HƠI ĐỒNG LÀ MÊ” !

Blogger Gốc Sậy

Hàng ngàn người chen lấn xô đẩy hòng vượt rào xông vào xin ấn đền Trần (TP Nam Định) tối 16-2

Lúc 15h10 VnMedia.vn đăng bài Lễ hội đền Trần sẽ không còn “cướp” ấn?

Nhà cháu đã phản hồi dưới bài :”Nếu PV Văn Thanh (và BBT VnMedia.vn) cam đoan phản ánh đúng, tôi nhờ các vị chuyển lời của tôi: Tôi đố PGS-TS Nguyễn Chí Bền trưng ra căn cứ khoa học về “Lịch sử lá ấn” như ông đã nói ở VnMedia.vn.
Tất cả chỉ là ngụy biện, . Một xuyên tạc sự thật lịch sử bây giờ được đánh tráo khái niệm thành việc Mô hình lễ phát ấn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhưng không thể dùng biện pháp hành chính để cấm đoán như ở lễ hội đền Đồng Bằng (Thái Bình) và Phủ Giầy (Nam Định) sẽ bị phản tác dụng.


Việc XUYÊN TẠC LỊCH SỬ này cần được chấm dứt. Vì:
1- Chính ông PGS-TS này từng công nhận: “Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy sẽ vẫn tiếp tục lễ khai ấn theo đúng nghi lễ truyền thống, còn việc phát ấn phải nghiên cứu cặn kẽ chứ không nên để như hiện nay. Mấy năm gần đây đã xuất hiện tình trạng thương mại hóa việc phát ấn.” (http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/430016/Le-khai-an-den-Tran-bi-thuong-mai-hoa.html )
Nhà cháu cũng đã trả lời báo Tuổi trẻ về việc Có không tục “khai ấn đền Trần”?
5- Tại hội nghị trực tuyến sơ kết việc thực hiện Công điện 162 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tổ chức, quản lý lễ hội sáng 11/5/2011, ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL tại Đà Nẵng cho rằng, vì sự an toàn, đến việc đốt pháo dịp Tết Nguyên đán cũng còn phải cấm, và thực tế là đã cấm được, nói gì đến chuyện phát ấn. Nhức nhối như thế, ai cũng lên án thì vì sao vẫn cứ duy trì? Ông Tuấn đề nghị Bộ VHTTDL trình Thủ tướng cho cấm hẳn việc tổ chức phát ấn. Năm sau vẫn còn phát ấn thì đề nghị cách chức luôn Chủ tịch tỉnh. “Cứ kiên quyết như vậy là sẽ đưa lễ khai ấn trở về ý nghĩa tốt đẹp ban đầu ngay thôi!”- Ông Nguyễn Đức Tuấn nói“.
Nhà cháu tạm liệt kê vậy, kể ra thì còn nhiều ý kiến PHỦ ĐỊNH lắm lắm.
“MÁU THAM HỂ THẤY HƠI ĐỒNG LÀ MÊ” !
Bài gởi đến haydanhthoigian. Chân thành cảm ơn tác giả.
http://haydanhthoigian.wordpress.com/2011/05/24/%E2%80%9Cmau-tham-h%E1%BB%83-th%E1%BA%A5y-h%C6%A1i-d%E1%BB%93ng-la-me%E2%80%9D/

2. Người Nam Định muốn giữ nghi thức phát ấn đền Trần
Tại Hội nghị cộng đồng thảo luận về việc xây dựng mô hình tổ chức phát ấn tại đền Trần do Viện văn hoá nghệ thuật (VHNT) Việt Nam phối hợp với UBND TP.Nam Định tổ chức chiều 24/5, phần lớn ý kiến phát biểu của người dân phường Lộc Vượng (TP.Nam Định) đều nhấn mạnh ý nghĩa, lịch sử lâu đời của lễ khai ấn đầu năm và kiến nghị giữ nguyên nghi thức phát ấn truyền thống.

TS Nguyễn Chí Bền, Viện Trưởng Viện VHNT, đã nêu lên 3 "mặt mạnh" của lễ khai ấn đền Trần và khẳng định: "Lễ khai ấn đền Trần thu hút đông đảo du khách và là một sự kiện văn hóa hết sức đặc biệt của cả nước. Thực chất khai ấn là hình thức để các thế hệ hôm nay tưởng nhớ đến công lao của các vua Trần. Lễ khai ấn là một sản phẩm văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh của quê hương Nam Định, xứng đáng là 1 di sản văn hóa phi vật thể".

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa này cũng khảng khái "phê" 3 tồn tại lớn của lễ hội này. Thứ nhất, do thu hút quá đông du khách thập phương vào một thời điểm trong khi không gian lễ hội có giới hạn nên công tác tổ chức "rất vất vả", khả năng xảy ra những biến cố ngoài mong muốn "hoàn toàn có thể xảy ra". Năm 2011, dù thành phố đã huy động tới 2.000 người tham gia giữ gìn an ninh trật tự nhưng vẫn "không ổn". Thứ 2, vấn đề thương mại hóa quá rõ ràng với hình ảnh "chìa tiền, phát ấn", "Viết phiếu, đưa tiền". Tuy có thể hiểu đây là tiền khách công đức cho nhà đền nhưng hình thức này "quá phản cảm". Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ du khách như trông giữ xe vẫn "chưa đạt được yêu cầu như mong muốn". Thứ 3, công tác quảng bá, giới thiệu giá trị lễ khai ấn vẫn làm chưa tốt, dẫn đến một số người hiểu sai rằng: "Cứ xin được ấn là được thăng quan, phát tài", nhất là khi thấy nhiều công chức và cả các quan chức hàng năm đều hiện diện ở lễ hội.

Tiếp theo đó, gần 10 ý kiến phát biểu của người dân địa phương đều đồng loạt khẳng định khai ấn là một tập tục lâu đời do ông cha để lại. Người dân cũng kiến nghị nên cải tiến mô hình phát ấn nhưng không thể bỏ những nét truyền thống, tiếp tục cho khai ấn và phát ấn ngay trong đêm 14 tháng Giêng như truyền thống xưa. Để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy, các ban, ngành chức năng cần nghiên cứu mở rộng khuôn viên đền Trần, kéo dài thời gian phát ấn, tăng khối lượng ấn phát ra nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chia sẻ các ý kiến trên, cụ Trần Huy Chiến, Tổ trưởng Tổ từ đền Trần, giải thích nguyên nhân của những tồn tại là do cung không đủ cầu, không gian đền quá chật hẹp... Do đó, theo cụ, giải pháp tối ưu nhất hiện nay là thu hồi, giải phóng mặt bằng những khu đất gần đền để có chỗ xây dựng thêm 2 dãy nhà Giải Vũ để làm nơi nghỉ ngơi cho du khách vào ngày thường và sử dụng làm nơi phát ấn vào ngày lễ. Về việc thu tiền, có cụ cao niên thì cho rằng cần phải "thu để bù chi", trả tiền công in ấn và tiền vải. Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng : "Ấn không nên bán. Ai vào cứ phát còn người nhận ấn tuỳ tâm công đức".
Báo cáo của Viện VHNT đã tổng hợp các bài báo viết về lễ khai ấn đền Trần những năm gần đây, theo đó phần lớn các bài báo tập trung nêu những vấn đề còn tồn tại trong công tác tổ chức lễ hội như tình trạng chen lấn xô đẩy kinh hoàng vào đêm khai ấn; xu hướng hành chính hóa, thương mại hóa lễ hội; cũng như vấn đề thật, giả của lá ấn và nguồn gốc của lễ khai ấn...

Ông Nguyễn Viết Hưng, Chủ tịch UBND TP.Nam Định, công nhận những hình ảnh mà báo chí đăng tải là có thật, có điều chưa phản ảnh "đầy đủ, toàn cảnh" về lễ khai ấn đền Trần.

Ông Hưng ủng hộ ý kiến sử dụng tiền công đức để in ấn, phát miễn phí cho du khách. Về đề xuất mở rộng không gian phát ấn, ông Hưng khẳng định thành phố đã và đang đầu tư mở rộng khuôn viên đền Trần nhưng với yêu cầu đảm bảo giữ nguyên trạng di tích đặc biệt cấp quốc gia này. Tuy nhiên, ông Hưng giữ nguyên quan điểm chỉ nên khai ấn vào tối và phát ấn vào sáng hôm sau.

Cuối cùng, Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị Viện VHNT Việt Nam sớm hoàn thành điều tra xã hội học và xây dựng mô hình phát ấn để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi mô hình này được duyệt, Viện VHNT sẽ làm các thủ tục công nhận lễ khai ấn đền Trần là di sản văn hoá phi vật thể.
Theo TTXVN

THỰC LÒNG CHÁN CHẢ MUỐN BÀN VỀ VỤ BÁN ẤN NÀY NỮA, NHƯNG ĐANG ĐỌC MỘT KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN NGÀNH LỊCH SỬ, CHUYÊN NGÀNH VĂN HÓA HỌC VỀ CHÍNH ĐỀ TÀI NÀY NÊN LỌ MỌ ĐI TÌM TÀI LIỆU VÀ THẤY HAI BÀI NÀY. ĐƯA LÊN ĐỂ MỌI NGƯỜI BIẾT VÀ HIỂU TẠI SAO MỘT VỤ BUÔN BÁN TRÁI LÈ LÈ NHƯ THẾ NÀY MÀ VẪN ĐƯỢC CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN, CÁC CƠ QUAN "LÀM" VĂN HÓA BẢO KÊ!.

ĐÚNG LÀ "MÁU THAM HỄ THẤY HƠI ĐỒNG LÀ MÊ"!

RIÊNG VỀ CÁI TÍT CỦA BÀI THỨ HAI LÀ RẤT NHẢM. NGƯỜI NAM ĐỊNH Ở ĐÂY LÀ AI, TRÍCH DẪN THÌ TOÀN LỜI QUAN CHỨC VÀ ÔNG PHỤ TRÁCH NHÀ ĐỀN, Ý KIẾN NGƯỜI DÂN THÌ CHẢ NÊU ĐỊA CHỈ, TÊN TUỔI CHÍNH XÁC!

Địa điểm cư trú cổ của văn hóa Điền được tìm thấy ở Vân Nam- Ancient settlement of Dian Culture found in Yunnan

An ancient settlement site containing ancient tombs and ancient houses was found recently in Chengjiang County of southwest China's Yunnan Province. 
Một điểm cư trú có chứa mộ táng cổ và nhà cổ mới được tìm thấy ở Hạt Chengjiang ở Tây Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Archaeological workers excavated at the ancient settlement site in Chengjiang County of southwest China's Yunnan Province on May 23, 2011. An ancient settlement site with the characteristics of ancient Dian culture was found recently in Yunnan [Credit: Wang Changshan/Xinhua]
Những nhà khảo cổ khai quật ở địa điểm cư trú cổ ở Hạt Chengjiang Tây Nam tỉnh Vân Nam hôm 23.5.2011. Một địa điểm cư trú cổ với những đặc điểm của văn hóa Điền (Dian) vừa mới tìm thấy ở Vân Nam (Nguồn: Wang Changshan/Xinhua]
It is a rare settlement site with the characteristics of the ancient Dian culture, which will help fill a gap in the history of ancient Dian culture.  
Đây là địa điểm cư trú hiếm hoi với những đặc điểm của văn hóa Điền, địa điểm này giúp lấp đầy khoảng trống trong lịch sử của văn hóa Điền cổ xưa
An archaeological worker displays two pottery jars at the ancient settlement site in Chengjiang County of southwest China's Yunnan Province on May 23, 2011. An ancient settlement site with the characteristics of ancient Dian culture was found recently in Yunnan [Credit: Wang Changshan/Xinhua]
Một nhà khảo cổ cho xem hai bình gốm của địa điểm cư trú cổ ở Hạt Chengjiang Tây Nam tỉnh Vân Nam hôm 23.5.2011. Một địa điểm cư trú cổ với những đặc điểm của văn hóa Điền (Dian) vừa mới tìm thấy ở Vân Nam (Nguồn: Wang Changshan/Xinhua] 
A bronze ear picker was unearthed from an ancient settlement site found in Chengjiang County of southwest China's Yunnan Province on May 23, 2011. An ancient settlement site with the characteristics of ancient Dian culture was found recently in Yunnan [Credit: Wang Changshan/Xinhua] Một cái lấy ráy tai bằng đồng phát hiện tại địa điểm cư trú cổ ở Hạt Chengjiang Tây Nam tỉnh Vân Nam hôm 23.5.2011. Một địa điểm cư trú cổ với những đặc điểm của văn hóa Điền (Dian) vừa mới tìm thấy ở Vân Nam (Nguồn: Wang Changshan/Xinhua]
Currently, 20 house sites and 20 tombs have been excavated. More than 100 artifacts, including characteristic and precious bronze wares and stone wares were unearthed. 
Tới nay, 20 địa điểm nhà ở và 20 ngôi mộ đã được khai quật. Hơn 100 hiện vật, bao gồm cả những đồ dùng quý hiếm bằng đồng, bằng đá đã được phát hiện.



Archaeological workers clear up the unearthed artifacts at the ancient settlement site in Chengjiang County of southwest China's Yunnan Province on May 23, 2011. An ancient settlement site with the characteristics of ancient Dian culture was found recently in Yunnan [Credit: Wang Changshan/Xinhua]
Các nhà khảo cổ làm sạch hiện vật khai quật được tại địa điểm cư trú cổ ở Hạt Chengjiang Tây Nam tỉnh Vân Nam hôm 23.5.2011. Một địa điểm cư trú cổ với những đặc điểm của văn hóa Điền (Dian) vừa mới tìm thấy ở Vân Nam (Nguồn: Wang Changshan/Xinhua]
The settlement site is estimated to cover an area of thousands of square meters in total and the preliminary excavation covered an area of 1,900 square meters. 
Ước tích địa điểm cư trú cổ này có diện tích hàng ngàn mét vuông và diện tích khai quật ban đầu rộng 1.900 mét vuông.

Author: Ye Xin | Source: People's Daily Online [May 24, 2011]
http://archaeologynewsnetwork.blogspot.com/2011/05/ancient-settlement-of-dian-culture.html?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+TheArchaeologyNewsNetwork+%28The+Archaeology+News+Network%29

Chengjiang County là  澄江县 (pinyin: Chéngjiāng Xiàn) dịch ra tiếng Việt là Huyện Trừng Giang.
Trung Thuan" <thuannt53@yahoo.com.vn>


Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Không đề 2


Ôi Huế Của Ta: Vô sự versus Hữu sự 

Đà Nẵng: Du Lịch Hiếp Văn Hóa 

                                                      Hà Nội: Xích lô ơi đi đâu về đâu!


                                                                   Thầy Hạ Giá
" ... hoàn cảnh sinh viên thì 5-6 triệu đồng/15 phút hoặc tùy...Tôi nói thật, với thù lao như vậy là tôi đã hạ giá " http://bee.net.vn/channel/3301/201105/oi-thay-Thieu-Hoa-oi-1799859/


Chuyển đổi phương thức bán ấn Đền Trần
Từ năm tới, bà con yên tâm không phải xếp hàng cướp mua ấn nữa, Bộ Văn Thể Du đã giao cho bác Chí Bền lên phương án xây dựng mạng lưới bán buôn bán lẻ ấn Đền Trần trên phạm vi toàn quốc!



Bầu bán: Người ta bảo vệ thử được tiến sĩ rồi sao mọi người lắm chuyện thế! Thử tức là thật!

                                                         Tinh thần Cộng đồng - Cùng Đái Chơi

Kết quả ban đầu từ hố khai quật di tích đền tháp Champa Phong Lệ

Di tích khảo cổ Phong Lệ nằm ở tọa độ 16000’08” vĩ Bắc và 108011’55” kinh Đông, hiện tại thuộc địa phận Thôn 3, Phường Hòa Thọ Đông, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng. Từ hơn 100 năm trước, theo lệnh của Chính phủ Pháp, ông C. Paris – chủ đồn điền Phong Lệ đã thu gom ở đây một số tác phẩm điêu khắc bằng đá và đưa về tập trung tại công viên Đà Nẵng. Sau đó, những tác phẩm điêu khắc này được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng H. Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng), còn địa điểm khảo cổ Phong Lệ  bị bỏ hoang phế, cây cối mọc rậm rạp, um tùm, ít người qua lại.

Sau khi đất nước được thống nhất, Hợp tác xã Nông nghiệp của địa phương đã san ủi 1 phần khu di tích để làm trại chăn nuôi  và một số hộ dân cũng dần dần về  đây cư trú. Nhưng họ đều không biết rằng họ đã và đang ở trong 1 khu di tích khảo cổ quan trọng.
Tháng 3 năm nay (2011), trong khi làm nhà ở mới, gia đình anh Quang (công an quận Cẩm Lệ) đã vô tình làm lộ 3 hiện vật bằng đá và 1 mảng móng tường bằng gạch. Nhận được thông tin này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng đã trực tiếp đến xem xét và xác định: Đây là di tích khảo cổ Champa. Theo luật Di sản của Nhà nước, Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng đã làm thủ tục khai quật khẩn cấp di tích này.
Sau khi được Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đồng ý và được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đà Nẵng cấp giấy phép, chúng tôi đã triển khai ngay công việc khai quật. Được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ và nhân dân địa phương nên công việc của chúng tôi được triển khai khá thuận lợi.
Công việc được chúng tôi tiến hành đầu tiên là thỏa thuận đền bù tài sản và dọn dẹp trên diện tích dự định khai quật. Đến sáng ngày 29.4.2011, chúng tôi đã làm lễ động thổ theo đúng phong tục của nhân dân sở tại.
Dựa vào dấu vết di tích kiến trúc và điêu khắc nghệ thuật đã xuất lộ từ trước, hố khai quật lúc đầu được hoạch định thành hình vuông, mỗi chiều dài 6 mét và đã làm xuất lộ được 1 phần chân móng của một công trình kiến trúc bằng gạch cùng một số tác phẩm điêu khắc bằng đá, một số mảnh đá vỡ, một số mảnh ngói, một số mảnh gốm gia dụng có nguồn gốc Champa. Ngoài ra còn có 1 số ít mảnh gốm men có nguồn gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình khai quật, do di tích liên tục xuất lộ thêm nên hố khai quật đã nhiều lần phải mở rộng dần về phía Tây và phía Nam. Đến ngày 17.5, hố khai quật đã được mở có quy mô: chiều dài (Đông – Tây) 14m và chiều rộng (Nam – Bắc) 7m nhưng vẫn chưa xuất lộ hết quy mô của di tích kiến trúc bằng gạch. Đặc biệt, khi khai quật đến khoảng 8m về phía Tây thì tại trung tâm kiến trúc gạch lại xuất hiện 1 khối lớn gạch vụn được đầm nén theo từng lớp khá chắc và cũng chưa xuất lộ hết. Chưa thấy công trình kiến trúc nào trong Khảo cổ học Champa có hiện tượng như vậy. Do đó, chưa thể có kết luận đầy đủ và khẳng định về di tích kiến trúc trong hố khai quật được. Cuộc khai quật mở rộng hố này vẫn còn phải tiếp tục.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã vừa khai quật, vừa tiến hành khảo sát kỹ phạm vi xung quanh hố khai quật. Đồng thời, chúng tôi đã thuê đo vẽ sơ đồ phân bố của khu di tích. Kết quả khảo sát và đo vẽ cho thấy rằng: Khu di tích khảo cổ Phong Lệ phân bố trong 1 diện tích khá rộng lớn (khoảng 3000m2) trên những độ cao khác nhau. Khu di tích này chỉ cách quốc lộ 1 khoảng vài trăm mét về phía Đông và cách sông Cầu Đỏ khoảng gần 500m về phía Bắc - Đông Bắc. Đó là những khoảng cách rất thuận lợi trong giao thông, vận tải bằng đường thủy/bộ. Tại khu di tích này có thể có khá nhiều di tích khác nhau và những di tích quan trọng có thể tập trung trên gò cao ở phía Tây của hố đang được khai quật.
Trong thời gian tiếp theo, chúng tôi dự định sẽ làm công tác bảo quản hố đang khai quật khỏi bị hư hại khi mưa gió, xử lý những di vật đã thu lượm được và sẽ khai quật thám sát thêm một số hố dài để xác định cụ thể vị trí của từng di tích và giới hạn của cả khu di tích.
Chúng tôi chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo thành phố, quận và phường đã  quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi triển khai công việc.
Chúng tôi rất mong nhận được sự tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo thành phố, quận và phường. Chúng tôi cũng rất hy vọng cuộc khai quật di tích này sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.

Tượng đá này hiện đã được Bảo tàng kịp thời thu về
 


Một số hình ảnh hố khai quật

Bài và ảnh của Nguyễn Chiều - chủ trì khai quật.