Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

TRƯỜNG LUỸ NGHI HOẶC KÝ! KỲ 1: NGHI HOẶC ĐỂ LÝ HOẶC.





                               Tác giả: Lê Hồng Khánh

1) Đôi điều về và với nhóm EFEO:

Từ khoảng cuối năm 2005, một nhóm  nghiên cứu, dẫn đầu là tiến sỹ Andrew Hardy, quốc tịch Anh, Trưởng đại diện Trung tâm Viện Viễn đông bác cổ Pháp (Centre de L’école francaise d’Extrêm – Orient) tại Hà Nội và Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông, quốc tịch Việt Nam, hiện làm việc tại Viện khảo cổ học Việt nam (sau đây gọi tắt là nhóm EFEO), đã đến Quảng Ngãi và xúc tiến khảo sát, nghiên cứu Tĩnh Man Trường Luỹ (thường được gọi tắt là Trường Luỹ), một công trình quân sự hình thành đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, ở miền Tây Quảng Ngãi. Vào thời điểm đó và kéo dài cho đến đầu năm 2010, tên công trình nầy được nhóm nghiên cứu gọi một cách dè dặt là “Bờ Luỹ”, (dù vẫn dịch sang tiếng Pháp bằng cụm từ  longue muraille  du Quang Ngai ) thay cho tên gọi chính thức vốn được ghi rõ trong các bộ chính sử của nhà nước Đại Nam và cũng không lạ gì với A. Hardy và Nguyễn Tiến Đông. Công lao cần được ghi nhận của nhóm EFEO là họ đã tiến hành điều tra, khảo sát một cách khoa học và đa ngành (khảo cổ học, dân tộc học, folklore học,…), đồng thời trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn đưa ra một số giả thuyết về Trường Luỹ, gợi mở nhiều hướng tiếp cận các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá gắn với vùng cao Quảng Ngãi (và theo đó là Quảng Nam và Bình Định) suốt gần trọn thế kỷ XIX, rồi theo vết loang lịch sử, một vài  vấn đề thuộc các lĩnh vực nầy còn kéo dài đến tận ngày nay, và dĩ nhiên, ít hoặc nhiều, tác động lên xã hội miền Thượng vào thời chúng ta đang sống. Hơn thế nữa, nhờ vào những lợi thế riêng, nhóm EFEO đã đặt ra một chủ đề nghiên cứu nghiêm túc, thu hút sự quan tâm của các nhà chuyên môn và giới truyền thông, về một công trình dường như nằm trong khu vực “nhạy cảm” về chính trị, trong bối cảnh những vấn đề về dân tộc - tôn giáo có lúc “cộm” lên ở Tây Nguyên và vùng cao các tỉnh Nam Trung bộ, trong đó có vùng cư trú của đồng bào Hre. Những gợi ý của nhóm EFEO, thông qua thực tiễn, về cách thức tiếp cận đối tượng nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học; tính công khai, dân chủ và sẵn sàng tranh luận trong suốt quá trình làm việc để cùng hướng đến hiệu quả cao nhất của chương trình, là điều rất đáng trân trọng.
Đã từng cộng tác với họ, trong một khoảng thời gian và ở một số lĩnh vực nhất định, chúng tôi hiểu và thông cảm những nhọc nhằn mà họ phải chịu đựng, những khó khăn ban đầu tưởng không thể vượt qua, những nghi ngờ mà đến tận lúc nầy vẫn chưa chắc đã được giải toả rốt ráo. Một trong những lý do thôi thúc viết bài nầy, chính là sự tôn trọng của chúng tôi giành cho họ, trên bình diện khoa học, cũng như trên quan hệ con người, với Andrew Hardy, Nguyễn Tiến Đông cùng các cộng sự và học trò của hai người, thuộc nhiều quốc tịch. Các nhà nghiên cứu và bạn đọc muốn biết nhóm EFEO đã làm gì, làm như thế nào và đạt những thành tựu ra sao, tốt nhất  xin hãy đọc các báo cáo mà họ đã công bố. Bài viết của chúng tôi chỉ nêu lên một vài ý kiến có tính chủ quan, khi đối chiếu những điều được nhóm EFEO trình bày trong các báo cáo của họ và rất nhiều bài báo của các đồng nghiệp, báo viết lẫn báo mạng, đã cho đăng tải. Thấy như có một sự “lệch pha” nhất định khiến có thể dẫn đến vài nghi hoặc về phía độc giả và giới chuyên môn. Lại cũng thấy có những điều cần trao đổi, thậm chí tranh luận - một cách thức tiếp cận chân lý mà Andrew Hardy vốn rất thích thú, về những giả thuyết mà họ đã nêu ra.
Nghi hoặc là một trong những tiền đề của lý hoặc. Có nghi hoặc mới có lý hoặc. Vậy nên chúng tôi mạo muội trình bày thiển ý của mình, như thể là người mở chuyện để đưa đến những trao đổi khoa học, chân tình, ngỏ hầu tiếp nhận cao kiến của các đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu, các bậc thức giả và đông đảo bạn đọc quan tâm đến vấn đề Trường Luỹ và lịch sử vùng cao Quảng Ngãi.
2. Phát hiện Trường Luỹ?
Liên tục những ngày sau cuộc toạ đàm về Trường Luỹ lần thứ 3, tổ chức tại khách sạn Hùng Vương (TP Quảng Ngãi) ngày 16/4/2010, với sự hiện diện của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, báo chí trong nước, kể cả báo viết lẫn báo mạng, đưa tin dồn dập về Trường Luỹ, và theo đó là những xác quyết  rằng nhóm EFEO đã “phát hiện” ra Trường Luỹ(!)
Sự thật là, suốt một thời gian dài, không một tài liệu nào xuất bản trong nước, thậm chí ngay tại Quảng Ngãi, đề cập đến Trường Luỹ, dù chỉ là những dòng vắn tắt. Cuốn sách Quảng Ngãi – Đất nước – Con người – Văn hoá (Sở Văn hoá Thông tin Quảng Ngãi tổ chức biên soạn và xuất bản lần đầu năm 1997, tái bản năm 2001) do một nhóm các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá từ trung ương và địa phương ra công biên soạn, hiệu đính, mà lạ thay, Trường Luỹ đã không được nhắc đến, dù chỉ một dòng, mặc cho cái “sự vật - hiện chứng lịch sử” ấy đã và đang sừng sững, trơ gan cùng tuế nguyệt. Mặc khác, dù không ít người làm báo, nghiên cứu lịch sử đã đi lại, điền dã, khảo sát rất nhiều lần ở miền Tây Quảng Ngãi, nhưng thật khó nói vì  sao một dãi luỹ chạy dài hàng trăm cây số, cao đến vài ba mét, được nhắc đi, nhắc lại hàng ngày trong lời ăn tiếng nói của người bản địa, đã không được để ý đến. Vì sự “nhạy cảm” đã nói trên kia hay vì lý do nào khác?
Có lẻ, vì sự “xa lánh” Trường Luỹ như vậy mà khi đọc/nghe bản báo cáo do A. Hardy và Nguyễn Tiến Đông chấp bút, rất nhiều người ngộ nhận nhóm EFEO đã “phát hiện” Trường Luỹ và vội vã tung hô, theo cái cách mà họ - những nhà khoa học chững chạc ấy, không hề chờ đợi.
Tuy nhiên, với những ai đã đọc qua một số sách, bài biên khảo, tài liệu lịch sử về Quảng Ngãi hoặc có liên quan đến Quảng Ngãi đã xuất bản trước đây, bằng chữ Hán (Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Đồng Khánh địa dư chí, Quảng Ngãi tỉnh chí,..), chữ Pháp (Notice ethnique sur les Mọi de la resgion de Quang Ngai, Les Moi du Sơn Phòng, Le poste administratif de Làng Rí (Quang Ngai), Les Jungles Moi,..), chữ Quốc ngữ (Quảng Ngãi nhất thống chí, Non nước xứ Quảng,..) đều không lạ gì sự hiện diện của Trường Luỹ ở miền Tây Quảng Ngãi. Gần đây nhất, trong bộ sách Địa chí Quảng Ngãi (xuất bản năm 2008), Trường Luỹ, và theo đó là Sơn phòng, cũng đã được đề cập ở mức độ đủ để người đọc không còn cho là Trường Luỹ chỉ được phát hiện vào thế kỷ…21!
Người viết bài nầy xin phép A. Hardy và Nguyễn Tiến Đông, được nhắc lại, một lần duy nhất và cần thiết, tại đây, điều mà chúng ta, vốn đã mặc nhiên xác quyết, không một lời bàn cãi, rằng các vị đã nghiên cứu Trường Luỹ rất công phu, công phu nhất từ trước đến nay, nhưng “phát hiện Trường Luỹ”  hẳn là một câu chuyện khác!
3. Chiều dài Trường Lũy là bao nhiêu?
Trong các báo cáo của mình, nhóm EFEO nêu phỏng đoán Trường Luỹ dài khoảng 200 km. Từ đây, hầu hết các bài viết đều cho rằng 200 km, hoặc nhiều hơn, chính là chiều dài của luỹ. Thậm chí có bài báo còn cho rằng, chiều dài nầy lên đến “gần 500km”. Được biết nhóm EFEO đang tiến hành đo đạt thực địa, vẽ bản đồ Trường Luỹ bằng công nghệ  định vị GPS (Global Positioning System – Hệ thống định vị toàn cầu) , và điều nầy, hiển nhiên sẽ cho chúng ta những kết quả khá chính xác về tổng chiều dài Trường Luỹ. Nhưng từ lúc nầy đến khi chiều dài của Trường Luỹ được công bố chính thức, chúng tôi (LHK), qua việc tìm hiểu các tài liệu lịch sử, phán đoán  và phân tích những dữ kiện có được, cho rằng chiều dài Trường Luỹ chỉ ở mức xấp xỉ 150km, trong đó, đoạn đi qua đất Quảng Ngãi (do Nghĩa Phòng, thuộc Nghĩa Định Sơn phòng quản lý) trên dưới 100km, phần còn lại, trên đất Bình Định (thuộc Định phòng) chừng non 40 cây số ngàn. Cổ nhân  đã dặn “nói có sách, mách có chứng”, điều đó không sai; song từ đây đến lúc số liệu đo đạc chiều dài Trường Luỹ được công bố, xin được mượn một câu nói đã trở nên quen thuộc với nhiều người: “Hãy đợi đấy!”
4. Trường luỹ do ai xây dựng?
Đi tìm lời giải cho vấn đề nầy, trước hết phải trả lời 2 câu hỏi cốt lõi sau đây:
- Ai chủ trương, hoạch định, tổ chức, chỉ huy xây dựng Trường Luỹ?
- Nhân lực sử dụng đào đắp Trường Luỹ là những ai?
     +  Lời giải cho câu hỏi thứ nhất về cơ bản đã có sẵn trong sử sách, tài liệu. Một số sử liệu trích dẫn sau đây phần nào có thể giúp cho một câu trả lời đúng đắn: 
- Luỹ dài Tĩnh Man: ở cách tỉnh thành 23 dặm, phía bắc giáp địa giới huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp địa giới huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định, luỹ dài 177 dặm. Hồi đầu bản triều đặt binh sáu đạo để phòng giữ ác man Thạch Bích; năm Gia Long thứ 4, đặt cơ Thập Kiên làm đạo Bình Man, đắp 115 sở bảo, sau đổi làm cơ Lục Kiên, theo địa thế các bảo, sở mà đắp thêm luỹ dài, đặt 27 lân phụ luỹ, mõi lân đặt một cai lân và một phó lân, thay phiên nhau đóng giữ; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi cai lân làm bát phẩm bá hộ, phó lân làm cửu phẩm bá hộ; năm thứ 9 đổi Lục Kiên làm năm cơ Tĩnh Man, cơ nhất trú phòng 22 bảo là Phú Thọ, Tuy An, Thuận An, Tuấn Lĩnh, Dũng Thuỷ, Phú Thành, An Lạc, Bảo Sơn, Phú Sơn, Vĩnh Khánh, Phú Lân, Mỹ Sơn, Kiên Thành, Thổ Sơn, Mỹ Bố, Hưng Nhân, Hưng Bình, Phú Xuyên, Phú Nhuận, Lân Định, An Đình và Giang Ngạn; cơ nhị trú phòng 21 bảo là Thanh Bồng, An Viên, Thanh Nguyên, Thạch Bàn, Kiên Giáp, Cao Đôi, Trường Giang, An Sơn, Viên Môn, Bàn Thạch, Câu Giao, Mã Hoàn, Lĩnh Lâm, Hội Vân, Lê Thạch, Nham Thạch, Thạch Phong, Hùng Lĩnh, Chi Trụ, Thanh Khê và Linh Chi; cơ  tam trú phòng 22 bảo, là Kiên Thạch, An Lĩnh, Hùng Thành, Cam Lâm, Tráng Sỹ, Đại Phụ, Phong Nhuệ, Mỹ Lộc, Thanh Thụ, Giảng Sỹ,Tú Lĩnh, Thạch Lĩnh, Thạch Lâm, Mỹ Sơn, Trung Phu, Bồng Lai, Củng Cố, Trường Đình, Trường Hoà, Lý Nhân, Tân Phong và Phúc Lộc; cơ tứ trú phòng 25 bảo là Phú Lộc, Ninh Giang, Tài Công, Vũ Giáp, Long Bình, Sơn Chi, Giang Bình, Hoà An, Vạn Niên, Thạch Bì, An Thạch, Lập Thạch, Vĩnh Thạch, Bình An, Tân An, Tân Bình, Mậu Lâm,  Bích Khuê, Trúc Lâm, Hùng Nghĩa, Xuân Linh, An Phong, Bình Định, Thạch Luỹ và Tam Giang; cơ ngũ trú phòng 24 bảo là Hoà Dương, Lâm Tùng, Nhân Hoà, Thạch Căn, Thuận Lợi, Thanh Thuỷ, Mỹ Thịnh, Phú Nhân, Thanh Lê, Lương Tài, An Bài, Vạn Phúc, An Tượng, Trạch Lâm, Liệt Sơn, Hương Thanh, Sơn Quan, An Nhơn, Thanh Lâm, Thanh Vân, Phúc Thôn, Tài Thọ, An Dũng và Thanh Trung. Sửa sang trường thành, xây đắp 114 bảo, lấy viên lãnh binh tại tỉnh lãnh việc phòng ngự ác man, thật là chu đáo.” (1)
    - “Lê Văn Duyệt: người huyện Chương Nghĩa, sau vào ngụ ở Định Tường,[...]. Duyệt là người thâm trầm, dữ tợn, chiến đấu giỏi. Đầu được phong chức Thái giám, từng theo đi Vọng Các, khi trở về nước, thăng Nội hậu cai đội, rồi thăng Diệu vũ hiệu uý, vì quân công được thăng Tả dinh đô thống chế, các trận đánh ở cửa Thị Nại và cửa Tư Hiền, vũ công của Duyệt đứng hành đầu, sau được phong tước Quận công; mùa hè năm Gia Long thứ nhất, bắc phạt, được trao chức Bình Tây tướng quân, kéo quân đi trước. Quân của Duyệt đi đến đâu như gió lướt cỏ, đánh lấy được Bắc Thành, lại đem quân đi đánh tan ác man ở Quảng Ngãi, đắp luỹ, đặt lân, giữ vững biên thuỳ bờ cõi được yên. Sau đó làm Tổng trấn Gia Định, hộ tống Quốc vương Cao Mên Ông Chăn về nước, thanh thế lừng lẫy, người Xiêm sợ uy…” (2)
- “Đất thượng du tỉnh tôi là một vùng núi liên tiếp kéo dài đến ngót ngàn dặm, chỗ ở của người “man” và dân kinh cách nhau không xa lắm.
Thời Quốc sơ, triều đình đã thiết lập sáu đạo để phòng ngự, nay dấu tích các đồn bảo vẫn còn một ít. Thời nguỵ Tây, dân vùng biên cảnh đều tự lo phòng thủ lấy. Sau khi bình định xong đất nước, vào năm Gia Long thứ 3 (1804), sáu kiên cơ Trấn Man được thành lập, phía bắc giáp Quảng Nam, phía Nam giáp Bình Định, đặt ra các đồn ải ở trong sáu cơ nầy, cứ bốn, năm trăm trượng một đồn, hoặc bảy tám trăm trượng một đồn, cắt quân trấn giữ.
Năm thứ mười tám triều Gia Long(1819), xây đắp Trường Luỹ, sau luỹ là các đồn ải, trấn đóng bảo vệ an ninh. Từ đó về sau tăng giảm hệ thống phòng thủ, không phải thực hiện chỉ một lần mà bấy giờ quan lại thiết trí các đồn bảo thường theo khoảng cách đường sá mà xây cho đều nhau…” (3)
- “Kỷ Mão năm thứ mười tám (1919), Khâm sai Chưởng tả quân Bình Tây Tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt tâu xin xây Trường Luỹ, nam giáp ranh giới huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định, bắc giáp ranh giới huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam, dọc theo luỹ có đào hào trồng tre, trước luỹ là vùng “man”, sau luỹ có xây đồn gồm 115 cái, mỗi đồn có mười tên lính giữ, gồm có 1.150 người, lại lấy dân các huyện thượng bạn lập thành 27 lân theo sáu kiên cơ mà phòng ngự.” (4)
   + Câu hỏi thứ 2, về nhân lực, liên quan đến giả thuyết của nhóm EFEO, rằng “hai bên đã cùng xây dựng Trường Luỹ”:
“Trường Luỹ và các kiến trúc liên quan tạo thành một hệ thống quân sự rõ ràng có mục đích bảo vệ khu vực của người Việt, và chủ yếu do sỹ quan, binh lính của người Việt quản lý. Nó là một kiến trúc phòng vệ quân sự được dựng lên để ngăn chặn xung đột. Tuy nhiên nghiên cứu mới đây lại đang chỉ ra rằng luỹ không phải là công trình chỉ do người Việt xây dựng. Nguồn gốc của việc tạo một ranh giới được sự đồng ý của cả hai bên. Hai bên đã cùng tham gia vào xây dựng luỹ, với việc sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người Hre. Quá trình trao đổi chính trị và kỹ thuật liên quan đến việc xây dựng Trường Luỹ là một trong những đặc điểm của di tích.” (5)
Chỉ là giả thuyết, dĩ nhiên, nhưng chúng ta phải bàn về nó kỷ hơn, vì có vẻ nhiều người đã tin vào đó như thể một khẳng định.
Qua tất cả các báo cáo đã được công bố, nhóm EFEO, đã không đưa ra cứ liệu và lập luận biện giải cho giả thuyết của mình, ngoài cụm từ “nghiên cứu mới đây” và “sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người Hre”.  Chúng ta cần phải chờ, hơn thế nữa, trên tinh thần khoa học và tôn trọng lẫn nhau, yêu cầu họ cho biết: “Nghiên cứu mới đây” là gì? Ai nghiên cứu? Thuộc chuyên ngành khoa học nào? Nội dung và kết quả nghiên cứu đó ra sao để có thể làm cơ sở cho một giả thuyết mà nếu được chứng minh đầy đủ có thể làm đảo lộn nhiều vấn đề các sử gia tiền bối đã ghi chép, cũng như nhận định của nhiều nhà nghiên cứa, biên khảo cả trong và ngoài nước?
Bây giờ chúng ta thử xem, trong quá trình xây dựng Trường Luỹ, có “sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người Hre” không?
Gần như chắc chắn là không có một sử liệu hay một tài liệu có giá trị nào khác nói như vậy, trước nhóm EFEO. Thừa nhận một sự thực là, cho đến nay, người Hre vẫn ứng dụng khá thành thạo kỹ thuật xếp đá  bằng tay, với việc sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, để kè các con đập thô sơ, bờ ruộng, bờ bao quanh vườn nhà… Song điều nầy không giúp cho việc khẳng định họ là những người đã đem kỹ thuật kè đá vào việc xây dựng Trường Luỹ. Nếu lật ngược lại cách đặt vấn đề  và cho rằng người Hre đã học được kỹ thuật xếp đá khi tiếp cận, quan sát Trường Luỹ thì sao? Lại nữa, vì sao người Hre cư trú ở những vùng gần Trường Luỹ khá giỏi kỹ thuật xếp đá bằng tay, trong khi đó ở những nơi xa dần về phía Tây, sự khéo léo đã yếu đi hẳn? Phải chăng người Hre cư trú gần Trường Luỹ học được kỹ thuật xếp đá, còn đồng tộc của họ ở nơi xa hơn thì không, hoặc chỉ học được một cách lõm bõm?
 Sử nhà Nguyễn cho biết, Trường Luỹ được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, và “tiền thân” của nó là những “Đoạn Trường Luỹ” được đào đắp dưới thời Bùi Tá Hán (1496 – 1568), vị võ tướng tài ba Trấn thủ thừa tuyên Quảng Nam khoảng giữa thế kỷ XVI. Trong cuộc hành trình Nam tiến đầy gian nan, người Việt đã đến Quảng Ngãi và định cư sinh sống ở những nơi mà tận ngày nay chúng ta vẫn còn nhìn thấy kỹ thuật xếp đá (bằng tay và dùng nguồn nguyên liệu tại chỗ) khá rành rọt để đắp các bờ bao chống sạt lở, bờ chắn cát, bó quanh nền nhà, kè đường đi lối lại và đặc biệt là cả giếng nước như ở huyện đảo Lý Sơn và nhiều vùng ven biển. Xa hơn, lần về phía bắc, ở các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, nơi mà người Việt từ miền ngoài đã vào định cư từ lâu đời, dấu tích của những công trình kè đá, đặc biệt là giếng lấy nước, vẫn còn không ít, cho đến ngày nay. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh, các giếng nước và công trình kè đá ấy là của người Chăm, và người Việt đã tiếp thu kỹ thuật đó một cách thành thục và đầy sáng tạo. Nếu có ai trong chúng ta còn nghi ngờ thì người viết bài nầy xin mạn phép có lời mời đến huyện đảo Lý Sơn để “tham quan” những giếng Chăm xếp đá còn lại và tận mắt nhìn thấy cách người dân ở đây xếp những khối đá granit, đá phún thạch, đá san hô thành những bờ ngăn cát, bờ ruộng trồng hành, kè mồ mã, nền nhà, đường đi lối lại, đặc biệt là ở phía cù lao Bờ Bãi, hay còn gọi là đảo Bé. Còn phía trong đất liền, vùng ven biển hai huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, những con đường , giếng nước kè đá không còn nhiều, nhưng những người thợ đẽo và xếp đá ong cha truyền con nối ở đây vẫn có thể kể cho người quan tâm rất nhiều điều về tay nghề, kinh nghiệm cũng như những câu chuyện lý thú liên quan đến kỹ thuật sắp những viên đá có sẵn hoặc đã qua ghè đẽo. Về kỹ thuật xếp đá của người Chăm, Tiến sỹ khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông, một trong hai nhân vật chính của nhóm EFEO, là người quá am tường, vì nếu chúng tôi không nhầm, cách đây không lâu, ông và các cộng sự đã công bố một công trình nghiên cứu về giếng Chăm ở Hà Tĩnh khá công phu.
Người Việt, và lực lượng quân đội của mình, vốn đã có bề dày kinh nghiệm trong việc xây đồn đắp luỹ dọc từ Luỹ Thầy (Quảng Bình) trở vào, lại tiếp thu kỹ thuật xếp đá tinh xảo của người Chăm rất lâu trước khi tiến lên miền Tây Quảng Ngãi, đã mang theo kỹ thuật xếp đá của mình để xây Trường Luỹ, hay họ phải đợi người Hre giúp cho  kỹ thuật ấy trong việc xây dựng những đồn luỹ ngăn chặn chính người Hre?
 Người Việt đã học được kỹ thuật xếp đá từ người Chăm? Cũng có thể, nhưng ở đây chưa phải là lúc bàn đến điều nầy. Vấn đề là, trước thời điểm xây dựng Trường Luỹ rất lâu, người Việt ở vùng đồng bằng, ven biển Quảng Ngãi đã đạt đến trình độ xếp đá, đủ để dựng nên những đồn bảo và đắp những đoạn luỹ dài để phòng thủ, cố gắng bảo vệ cuộc sống yên bình trong bối cảnh bề bộn can qua. Lịch sử Nam tiến của người Việt và một số dấu hiệu về dân tộc học còn nhìn thấy ở người Hre, cho phép suy đoán về địa bàn cư trú vùng đồng bằng hoặc cận đồng bằng của người Hre trước khi di chuyển lên vùng núi thấp phía tây cách nay chừng nửa thiên niên kỷ. Nhưng sự suy đoán nầy không hẳn nhiên cho phép khẳng định người Hre đã có được kỹ thuật xếp đá “hoàn hảo” trước khi người Việt xây dựng Trường Luỹ. Người Chăm có thể đã “chuyển giao” kỹ thuật xếp đá cho người Việt ở cù lao Ré và ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng, ven biển Quảng Ngãi; nhưng đó có phải là nhóm người Chăm tiền Hre hay không? Nên nhớ rằng vương quốc Chăm (Champa, Chiêm Thành) được tổ chức theo hình thức liên minh các tiểu quốc và nhóm tộc người, có sự chênh lệch và khác biệt nhất định về phát triển kinh tế xã hội, về tri thức và trình độ kỹ thuật. Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông chắc chắn đã nhớ  điều nầy khi viết: “Câu chuyện Trường Luỹ cũng liên quan chặt chẽ tới câu chuyện lịch sử đảo Lý Sơn. Hòn đảo cũng là một nguồn bằng chứng cho nhiều vấn đề của Trường Luỹ, đặc biệt là sự mở cõi của người Việt Nam qua việc di cư và sự hội nhâp với người Champa. Ở khía cạnh nầy, sự hiện diện diện kỹ thuật xếp đá của người Việt trên đảo Lý Sơn, cũng như một truyền thống đi biển xuất sắc của họ là những yếu tố đáng chú ý.” Và rằng “ Tổ tiên của người Hre hiện nay đã sống ở vùng đồng bằng thời kỳ Champa nhưng những đặc điểm dân tộc – ngôn ngữ (ethnolinguistique) của họ lại khác với người dân tộc Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Điều này gợi ý rằng Champa là một xã hội đa dân tộc.” (6)
Ở đây cũng xin được nói rõ: Trường Luỹ vắt ngang địa hình khá phức tạp của miền Tây với nhiều núi, đồi, sông suối, thung lũng, cơ bản được đắp bằng đất và chỉ có một số đoạn ngắn, băng qua các sườn đồi có độ dốc vừa, được đắp cốt đất ở trong, ốp đá ở bên ngoài để tránh trôi trượt, và ít hơn nữa là những đoạn xây hoàn toàn bằng đá, ở những nơi có độ dốc lớn. Kỹ thuật xếp đá chỉ được ứng dụng phổ biến trong việc xây đắp các đồn, bảo, nằm phía sau hệ thống hào luỹ, sâu về phía cư trú của người Việt. Một số không ít những bức hình đăng tải lâu nay trên báo (chụp ở Thiên Xuân, Đèo Chim Hút thuộc huyện Nghĩa Hành) cho thấy các đoạn tường thành xếp hoàn toàn bằng đá, đã bị chú thích nhầm (hoặc người chụp ảnh nhầm) là Trường Luỹ, nhưng thực ra đó chỉ là bờ thành đá bao bọc các “bảo”- hệ thống chốt điểm trú đóng và phòng thủ của biền binh hoặc dân binh nằm phía sau luỹ. “Bảo” không thuộc Trường Luỹ dù nằm chung trong hệ thống Đồn – Bảo – Luỹ do Sơn Phòng quản lý.
Thêm nữa, người đề xuất và chỉ huy xây dựng Trường Luỹ là ông Lê Văn Duyệt (1764 – 1832), một võ tướng lừng danh của nhà Nguyễn, người đã nhiều lần cầm quân ra Bắc, vào Nam, từng có mặt tại Gia Định khi Nguyễn Ánh cho đắp Bát Quái thành (còn gọi là Quy thành) vào năm 1790 với kiến trúc “hỗn hợp Đông – Tây” theo hoạ đồ của 2 sỹ quan công binh Pháp là Victor Oliver de Puymanel và Theodore Lebrun. Vai trò quan trọng của Thành Bát Quái và thành Diên Khánh (xây dựng năm 1794, nằm trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà ngày nay) trong chiến cuộc Nguyễn Ánh – Tây Sơn cũng như thành công của hệ thống Luỹ Thầy do các chúa Nguyễn xây dựng vào thế kỷ XVII, trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh chắc chắn là những bài học mà các vua đầu triều Nguyễn và các đại thần đầy thế lực, trong đó có Lê Văn Duyệt, thuộc nằm lòng. Hơn ai hết, chính họ là người hiểu rõ công dụng của thành lũy trong việc xây dựng một nhà nước tập trung hùng mạnh – cho dù đó là  điều mà các vương triều châu Âu đã biết từ lâu. Thống kê cho thấy từ thời Gia Long cho đến cuối thời Minh Mạng có đến trên 30 thành luỹ được xây dựng khắp từ Nam chí Bắc.
Còn có những yếu tố “ngoài kỹ thuật” mà chúng ta cần thiết phải xét đến khi đề cập đến nguồn nhân lực xây dựng Trường Luỹ mà trước hết là bối cảnh hình thành công trình quân sự nầy. Và đây là nguyên văn trong báo cáo của nhóm EFEO:
 “Trường Luỹ và các kiến trúc liên quan tạo thành một hệ thống quân sự rõ ràng có mục đích bảo vệ khu vực của người Việt, và chủ yếu do sỹ quan, binh lính của người Việt quản lý. Nó là một kiến trúc phòng vệ quân sự được dựng lên để ngăn chặn xung đột…”(7)
Suốt nhiều thế kỷ, miền Tây Quảng Ngãi là vùng đất không hề yên ổn đối với nhà nước phong kiến Việt Nam. Đây là địa bàn chất chồng, đan xen nhiều mâu thuẩn: mâu thuẩn giữa các nhóm tộc người cùng chung sống trên một địa bàn chật hẹp và hiểm trở; mâu thuẩn giữa xu hướng hình thành một nhà nước thống nhất, trung ương tập quyền và các thế lực cát cứ; mâu thuẩn giữa tầng lớp thống trị và những người bị áp bức, cùng khổ…Thêm vào đó, vùng núi rừng hiểm trở phía Tây còn là nơi ẩn náo của các thế lực thất thế ở phía đồng bằng, trong đó có tàn binh Tây Sơn, vào đầu thời Nguyễn. Nói rằng hệ thống Trường Luỹ được xây dựng chỉ nhằm mục đích bảo vệ khu vực của người Việt là đúng, nhưng chưa đủ, vì rằng nhà nước phong kiến Việt Nam luôn có xu hướng mở rộng tầm ảnh hưởng để thực hiện chính sách “kinh dinh”, mà trước mắt là có thể thu được nhiều thuế hơn cho Quốc khố, mua hoặc đổi chác được nhiều lâm thổ sản (quế, sa nhân, cánh kiến, trầm hương, gỗ quý,…) với giá rẻ hơn rất nhiều khi đem bán lại cho các thương nhân Trung Hoa hoặc Phương Tây.
Không thể siêu hình đòi hỏi bộ máy cai trị phong kiến nhà Nguyễn phải có “chính sách dân tộc”, theo cách của xã hội hiện đại, nhưng cũng không thể quên  những nguyên nhân quan trọng dẫn đến va chạm bạo lực Kinh Thượng lúc bấy giờ là chính sách cai trị hà khắc, xoá bỏ tập quán, bản sắc văn hoá tộc người, thuế khoá nặng nề và tình trạng nghèo khổ, bần cùng đến nghiệt ngã của các tộc người thiểu số ở miền Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Ngay khi vừa lên ngôi (1802), Gia Long  đã áp đặt chế độ trấn quan, cho lập đồn binh ở các nguồn, đề phòng những cuộc nổi dậy, trấn áp tàn quân Tây Sơn còn dựa vào người Thượng và ẩn náo đâu đó giữa núi rừng hiểm trở. Triều đình nhà Nguyễn cũng đã nhanh chóng  ban hành các loại thuế đánh vào lâm thổ sản ở vùng cao, làm cho đời sống người miền Thượng vốn khổ sở lại càng thêm quẩn bách.
Trong khi đó, quan lại được triều đình cử đến, nhiều người thiếu thực tài cai trị nhưng lại hà khắc, tàn bạo với người Thượng mà trường hợp Phó Quản cơ Lê Quốc Huy là một ví dụ điển hình. Liên tục trong các năm 1803, 1807, 1808, người Hre ở miền Tây Quảng Ngãi nổi lên chống lại quân triều đình. Trong những lần ấy, Lê Văn Duyệt, một người Quảng Ngãi mưu lược, giỏi dụng binh, được đích thân vua Gia Long sai đi an định. Đại Nam liệt truyện chép về sự kiện “Bình man” năm 1808 của viên võ quan trọng thần họ Lê như sau:
         -  “Năm thứ 7, (1808) ác man lại lấn dân ngoài biên, vua dụ rằng ác man làm lo không thể không đánh. Nhưng dường đi hiểm cao, chưa dễ phá ngay được, ngươi tuỳ nghi xử lý cho lòng nó phục. không đánh mà khuất phục được người, lại là thượng sách. Duyệt đã đến nơi. Mật sai vệ uý Từ, cùng Phó Vệ Uý Nhượng giả dư đảng Tây Sơn ngầm vào trại man cùng họ ăn ở, nhân hỏi tình trạng, người man nói với Từ rằng chúng không có ý phản, nhưng khổ về Phó Quản cơ là Lê Quốc Huy hà sách không thôi, cho nên họp nhau mưu phản đấy thôi. Từ về đưa việc ấy nói với Duyệt, Duyệt bắt Quốc Huy chiều luật quân pháp tâu xin chém đi rồi quân man nhiều đứa đến hàng, vua triệu Duyệt về.” (8)
Nguyễn Tấn (1822 – 1871), người trong một thời gian dài giữ chức Sơn phòng tiểu phủ sứ,  cho biết kế sách của mình trong trường hợp tiến công quân sự, càn quét và giết chóc không đạt được ý đồ thu phục người Hre, như sau:
            - “Nếu chúng đến khiêu chiến thì phải đánh nhưng không cần đuổi theo đến cùng. Mùa hạ cướp lúa, mùa thu cướp thóc của chúng, làm cho chúng đói không sinh sống được. Làm như thế thì bọn kia tất phải cúp đuôi xin hàng. Đạt tới trình độ đó thì kế hoạch vỗ về mới có thể thi thố được…”(9)
- […] đánh thuế chứ đừng cho chúng tích trữ vật thực, bởi vì nếu tích trữ được lương thực thì chúng dễ bề làm phản…Nếu bọn chúng còn ngoan cố không chịu nạp thuế thì ta phái quân lên gặt hết lúa của chúng mà ăn, lần thứ hai nếu còn không chịu nạp thì đánh. (10)
Những chính sách hà khắc, bạo ngược như vậy, cộng với nhiều nguyên nhân khác,  đã làm cho người miền Thượng nung nấu căm thù, dẫn đến nhiều cuộc giao chiến, nhiều khi đẫm máu, kéo dài cho đến cuối thế kỷ XIX.
Có trớ trêu không, khi cho rằng người Hre lại tham gia vào việc xây dựng một công trình quân sự nhằm khống chế chính mình, nếu họ không phải là những tù binh bị bắt buộc phải phục dịch cho đối phương? Lật lại chính sử triều Nguyễn, vốn nhiều lần ghi chép về việc xây hào đắp luỹ khắp trong Nam ngoài Bắc, trong đó có việc huy động nhân tài vật lực tại chỗ, hầu như cũng không thấy có việc cưỡng bức tù binh hay thường dân đối phương, trong đó có người người Hre, để có thể nêu giả thuyết rằng họ đã tham gia vào việc xây dựng Trường Luỹ.
Trong một bối cảnh như vậy, liệu có thể nói: “Nguồn gốc của việc tạo một ranh giới được sự đồng ý của cả hai bên. Hai bên đã cùng tham gia vào xây dựng luỹ, với việc sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người Hre. Quá trình trao đổi chính trị và kỹ thuật liên quan đến việc xây dựng Trường Luỹ là một trong những đặc điểm của di tích.”(11) như giả thuyết của nhóm EFEO không?
Đây chính là một nghi hoặc lớn. Chúng tôi, và có lẻ cả bạn đọc nữa, không vội vàng phủ nhận giả thuyết mới mẻ nầy, song sẽ nêu, tại đây, yêu cầu nhóm EFEO đưa ra các minh chứng. Và chờ đợi…
Rất tiếc là bài viết nầy phải dừng lại ở đây, vì hai lý do: một là, cần có thời gian cho sự chờ đợi cần thiết vừa nói trên; và hai là, điều quan trọng hơn, câu chữ đã quá dài so với khuôn khổ của một bài báo được ưu ái cho đăng trên tạp chí Cẩm Thành.
                                                 Quảng Ngãi, tiết TrọngThu Canh Dần -2010
                                                                             LHK
Kỳ II: LÝ HOẶC

-------------------------
Chú thích:
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam Nhất thống chí (tập 2); bản dịch Phạm Trọng Điềm; NXb Thuận Hoá, Huế, 1992 ; Quyển VIII – tỉnh Quảng Ngãi, trang 430 -431.
 (2) như trên, trang 441.
 (3) Nguyễn Đức Cung; Lịch sử vùng cao qua Vũ Man tạp lục thư; Nhật Lệ xuất bản; Philadelphia, Pennsylvania – USA – 1908; phần dịch Phủ Man tạp lục; trang 202.
(4) như trên, trang 210.
(5),(6), (7) Andrew Hardy (EFEO) và Nguyễn Tiến Đông (Viện khảo cổ học VN); Trường Luỹ Quảng Ngãi – Bình Định: Di sản văn hoá độc đáo (Báo cáo khoa học lần thứ 3 của dự án Lịch sử và Di sản miền Trung Việt Nam: Trường Luỹ tại Quảng Ngãi – Bình Định: Đánh giá giá trị di sản, thách thức bảo tồn và tiềm năng phát huy giá trị di sản.); trình bày tại Hội thảo khoa học tổ chức ngày 16/4/2010 tại khách sạn Hùng Vương – Quảng Ngãi. Không đánh số trang. Những gạch dưới nhấn mạnh là của nguyên bản.
       (8) Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam liệt truyện; quyển 22. Mục XIX. Bản dịch Viện Sử học; Nhà xuất bản Thuận Hoá Huế; 1997; trang 404 -405
       (9), (10)  Nguyễn Đức Cung; như trên; trang 200.
       (11) Andrew Hardy (EFEO) và Nguyễn Tiến Đông (Viện khảo cổ học VN); như trên.
------------------------------
 Cám ơn tác giả đã gửi bài.

DÂN XỨ NẨU




Ca dao Nam Trung bộ có nhiều câu xứng đáng là những viên ngọc  trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam:

-         Ai về nhắn với nậu nguồn
 Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên

-         Thuốc ngon chợ huyện
Giấy quyến Sa Huỳnh
Nẩu xa, mược nẩu, hai đứa mình đửng xa

Một trong những dấu hiệu xác định nguồn gốc Nam trung bộ của mấy câu ca dao trên đây là các từ nậu, nẩu, đửng, mược.
Hoàn cảnh chính trị xã hội cũng như một vài sắc thái riêng trong cách phát âm của người Nam Trung bộ đã dẫn đến sự xuất hiện của những từ này.
Số là, suốt mấy thế kỷ từ sau khi Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) vượt Hoành Sơn vào trấn thủ Thuận Hoá (1558) tìm đất “vạn đại dung thân”, vùng đất Nam – Ngãi – Bình – Phú đóng vai trò một hành lang chiến lược để thực hiện công cuộc Nam tiến, đồng thời là một hậu cứ quan trọng để gây dựng thanh thế, đối đầu với tập đoàn Lê Trịnh ở Đàng ngoài.
Mặt khác, do vị trí của dải đất này tương đối xa cách dinh Phú Xuân – nơi đóng đại bản doanh của các chúa Nguyễn, lại tiếp giáp với vùng cao nguyên rộng lớn và hiểm yếu ở phía tây nên thường có những cuộc nổi dậy của người miền Thượng và những vụ bạo loạn nhằm tranh đoạt quyền lực của các thế lực phong kiến các cứ, mà điển hình là vụ Vân Phong (1629) và vụ Tống Phước Thiện (1707) ở dinh Trấn Biên (Phú Yên ngày nay).
Trước tình thế như vậy, các chúa Nguyễn không còn cách nào khác là phải tăng cường quyền lực của chính quyền Phú Xuân, dẹp yên bạo loạn, nắm chắc các làng ấp ở vùng đất đang cần sự ổn định để tiếp tục đi xa hơn vào phía Nam.
Năm 1720, theo lệnh Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725), Diên Tường Nam Nguyễn Khoa Đăng tiến hành chia lập các đơn vị hành chính từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, đặt ra các đơn vị hành chính gọi là Thuộc, dưới thuộc là các đơn vị Thôn, Phường, Nậu, Man. Đến năm 1726, Nguyễn Phúc Chu (1697 – 1738) lại cử Đại Ký lục chính dinh Nguyễn Đăng Đệ vào định rõ chức vụ cho các đơn vị ấy. Theo đó, Nậu là tổ chức quản lý một nhóm người cùng làm một nghề, đứng đầu là người có chức danh đầu nậu, như nậu rớ  (nhóm người đánh cá bằng rớ ở vùng nước lợ), nậu rỗi (buôn bán cá), nậu nại (làm muối),  nậu nguồn (buôn bán, đổi hàng ở miền Thượng), ...
Có câu hát tự hào của người làm muối vùng Diên Điền, phía đông huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi:

  Nậu nại tui dại như trâu
  Trưa tròn con bóng vác đầu ra phơi.

Nậu, nguyên nghĩa là làm cỏ ruộng, rồi chỉ làng xóm và sau nữa thành tên của một đơn vị hành chính. Cách nay không lâu, người làm ruộng ở vùng Nam Trung bộ thường sử dụng một dụng cụ gọi là nạo để làm cỏ lúa. Nậu là do nạo mà ra chăng?
Do những biến đổi chính trị - xã hội, đơn vị hành chính nậu bị xoá bỏ, cơ sở hiện thực của khái niệm “nậu” không còn nữa. Song, khái niệm này lại được “mượn” để biểu đạt một thực thể tương ứng: một nhóm người, ở đâu đó hoặc làm một việc gì đó. Kết quả, là bên cạnh nậu nguồn, nậu rỗi... lại có thêm nậu xóm trên, nậu hàng xén... và nếu như nguồn, rỗi... đã kết hợp với nậu để trở thành các danh từ ghép (kết hợp bền vững) thì hàng xén, xóm trên... chỉ là những định ngữ tuy vẫn chứa đựng khả năng kết hợp với nậu để trở thành danh từ ghép.
Nói khác đi, sự biến mất của cơ sở hiện thực (đơn vị hành chính bị xoá bỏ), đã khiến cho nội hàm của khái niệm nậu bị thu hẹp, gây ra trống nghĩa và có khả năng làm cho nậu bị khai tử trong hoạt động  ngôn ngữ, như trường hợp từ thuộc (chỉ một đơn vị hành chính lớn hơn) ra đời cùng lúc với nó. Nhưng nậu đã còn lại vì được mở rộng ngoại diên bằng cách kết hợp với các định ngữ như đã nói trên. Điều này cũng cho thấy vì sao trong phương ngữ Nam Trung bộ hiện nay, nậu không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ:

- Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chơm bơm

- Tiếc công anh đào ao thả cá
Năm bảy tháng trời nậu lạ tới câu...

Trong phương ngữ Nam Trung bộ, có kiểu hình thành từ mới bằng cách biến thanh, cụ thể là thay các thanh khác của gốc bằng thanh hỏi (?), ví dụ: chị -> chỉ (chị ấy); anh -> ảnh (anh ấy), đừng -> đửng (đừng có); ... Theo cách này, nậu đã có một biến thể là nẩu (nậu ấy), nghĩa tương đương trong tiếng Việt phổ thông là: ai đó, những ai đó, họ, thiên hạ, người ta... (Đại từ nhân xưng, ngôi thứ 3, số nhiều).

Thương chi cho uổng tấm tình
Nẩu về xứ nẩu bỏ mình bơ vơ
Về ký tự, một số cách xuất bản gần đây ghi là nẫu (thanh ngã). Thực ra, người Nam trung bộ nói riêng, người miền Nam (phía nam đèo Hải Vân trở vào) nói chung, khi phát âm không phân biệt  thanh hỏi (?) và thanh ngã (~). Nói chính xác, ngữ âm miền Nam không xuất hiện thanh ngã (~), tất cả các từ có thanh ngã trong tiếng Việt phổ thông đều được chuyển sang thanh hỏi (?) khi phát âm. Tiếng Việt phổ thông lại đã có từ nẫu (trái cây chín nẫu, buồn đến nẫu ruột). Vì vậy chúng tôi ghi từ nẩu của phương ngữ Nam Trung bộ bằng thanh hỏi để thể hiện sắc thái ngữ âm đúng với thực tế hoạt động ngôn ngữ đồng thời khu biệt với từ nẫu (thanh ngã) trong tiếng Việt phổ thông.
Thời kỳ, “hội chứng nhập” lan tràn cả nước (nhập tỉnh, nhập huyện, nhập xã), các đơn vị hành chính – lãnh thổ trở nên quá rộng, quá to, vượt khỏi khả năng và điều kiện quản lý, khiến nảy sinh tư tưởng cục bộ, địa phương. Lúc bấy giờ có câu ca dân gian khá phổ biến, vừa phê phán tư tưởng thiển cận, hẹp hòi này, vừa gián tiếp chỉ ra sự “bất cập” của việc sáp nhập tùm lum:

Tỉnh dài, huyện rộng, xã to
               Nẩu lo phần nẩu, mình lo phần mình

Câu ca hẳn xuất hiện ở 2 tỉnh Nghĩa Bình và Phú Khánh (cũ) vì 2 tỉnh này vừa “dài dằng dặc” như các tỉnh ven biển miền Trung khác, vừa là vùng mà nẩu đã trở thành một thứ của riêng, riêng đến nổi thiên hạ gọi đùa là “dân xứ nẩu”!

                                                              Lê Hồng Khánh
Cám ơn tác giả đã gửi bài 

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Giếng Xó La trên đảo Lý Sơn

Ở Đảo Lớn, Cù Lao Ré (tức đảo Lý Sơn) có khá nhiều giếng nước ngọt, trong số giếng này có một số mà dựa vào vị trí phân bố, chất lượng nước, trữ lượng nước và kỹ thuật xây... người ta cho rằng đó là những giếng cổ có từ thời Champa. Dấu tích văn hoá Champa trên đảo không nhiều nhưng lại rất điển hình và có khung thời gian tồn tại suốt từ giai đoạn sớm (thế kỷ 1,2) đến giai đoạn muộn (thế kỷ 13,14). 
Cư dân Champa để tồn tại được và tồn tại tốt ở vùng đất có khí hậu khô nóng như miền Trung đã có những chiến lược thích nghi rất tuyệt vời với điều kiện khí hậu, thời tiết và sinh thái nơi đây. Một trong những chiến lược thích nghi đó là đào giếng khai thác nguồn nước ngầm đủ cung cấp cho nhu cầu dân sinh quanh năm và họ cũng là cư dân biết khai thác nước ngọt đem bán cho tàu thuyền qua lại trên biển.

Chưa thể xác định một cách chắc chắn có bao nhiêu giếng cổ trên đảo là giếng Chăm, nhưng giếng Xó La sát biển này xem ra được hầu hết người nghiên cứu và bà con địa phương tin là giếng Chăm.

Giếng Chăm Xó La cho tới bây giờ vẫn là nơi cung cấp nước ngọn ngon nhất trên toàn bộ đảo và có nhiều người nghèo mưu sinh nhờ giếng này bằng cách lấy nước ngọt ở đây và đem bán cho cư dân trên đảo!