Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Đừng chôn xuống đất

Chuyện là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội có ý định tổ chức lấy ý kiến người dân về việc lựa chọn hiện vật chôn xuống đất gửi thế hệ 1.000 năm sau.

Sáng kiến này lẽ dĩ nhiên nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, được nảy sinh từ ông Phó giám đốc Quỹ Văn hoá Hà Nội (Sở VH-TT- DL), thành viên Ban tổ chức sự kiện “Gửi tới mai sau”. Sau khi thăm khu “Lưu giữ thời gian”, chôn giữ những hiện vật trong vòng 600 năm tại Seoul – Hàn Quốc, ông nghiêm túc nghĩ tại sao Hà Nội lại không làm tương tự.


Ý tưởng đưa ra liền được UBND thành phố Hà Nội ủng hộ.
Cũng đã có phác thảo về công trình sẽ là nơi lưu giữ hiện vật này, cũng lại gắn với con số 1.000. 1.000 hiện vật, trong đó, có 63 hiện vật đại diện cho 63 tỉnh, thành và 937 hiện vật do nhân dân cả nước đề xuất.
Thiết bị lưu giữ hiện vật hình tháp chuông có thể tích 1.000 lít và được chôn giữ trong khuôn viên rộng 1.000 m2 tại Bảo tàng Hà Nội để gửi thông điệp về cuộc sống hiện tại tới 1.000 năm sau.


Thiết kế bề mặt của công trình mô phỏng hình bông sen với 62 cánh tượng trưng cho 62 tỉnh, thành; còn Hà Nội là nhụy sen với 999 lỗ. “999 lỗ này tựa như một chiếc đồng hồ đếm ngược.
Vào ngày 10/10 hằng năm, lãnh đạo Nhà nước sẽ đặt ‘dấu ấn’ bằng thông điệp ở 1 lỗ trên nhụy sen… đại khái giống như ý tưởng của mọi công trình có nội dung hướng đến 1000 năm Thăng Long…


Vấn đề người ta băn khoăn chỉ là chôn cái gì. Những vật phẩm được chọn phải thể hiện được tiếng nói, thông điệp của người đương đại gửi tới thế hệ mai sau, gợi cho họ nhớ về quá khứ của cha ông.
Cuộc tranh luận nghe nói đang tiếp tục. Để giữ 1000 năm trong lòng đất, thực phẩm là thứ bị loại bỏ đầu tiên.
Hình như chỉ có vàng, đồng thau… mới đủ điều kiện bền vững 1000 năm trong đất.


Nhưng mà, chôn xuống đất làm gì, kể cả có công trình kiên cố như đã nói ở trên bao bọc. 1000 năm thế gian biến cải vũng nên đồi, những toà thành sừng sững ngày xưa, giờ mỗi công trình xây mới của ta cứ vội vã lấp lên trên chẳng cần để khai quật khảo cổ, dù là để chữa cháy.
Chôn xuống đất làm sao còn?







Đàn tế Xã Tắc của Thăng Long được vua Lý Thái tông lập năm 1O48 được khai quật rồi vùi xuống lấy chỗ làm đường đi, và được đánh dấu bằng 1 cục đá kỳ dị thế này đây.


Những ngày này, nào di chỉ Vườn Chuối ở Lai Xá, nào đoạn thành cổ Thăng Long còn sót lại từ thời vua Lý Thái Tổ, nằm trên đường Hoàng Hoa Thám sắp bị san bằng, kêu cứu chưa được cứu, dù các nhà sử học kêu lên rằng con phố Hoàng Hoa Thám chính là dấu tích vòng thành ngoài cùng của tường thành Thăng Long, không chỉ từ thời Hồng Đức mà chắc chắn có từ năm 1014, thời vua Lý Thái Tổ.
Nếu tiếp tục xây dựng, coi như chúng ta cố tình san phẳng nốt vòng thành thứ ba của tường thành Thăng Long.


Thế nên, đừng nghĩ đến chuyện chôn xuống đất thêm hiện vật nữa, lo mà lấy từ đất lên. 1000 năm, cứ yên chí là rác túi ni-lon chưa phân huỷ hết. Nói gì với con cháu về chuyện hôm nay Thủ đô chưa sạch sẽ còn cần hơn rất rất nhiều.

Tăng Thanh
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN.
http://nhkien.blogspot.com/?zx=e8b4f857da2f037

Nhất trí với các bác, mà Bảo tàng Hà Nội đang xây rộng như thế rồi lấy cái gì ra mà bày. Không lẽ lại làm nơi cho thuê trưng bày đá cảnh, cây cảnh, tranh mỹ nghệ hay tổ chức hội thơ, hội văn...thậm chí cho thuê chỗ tổ chức đám cưới!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét