Hôm qua một nghiên cứu sinh hỏi tôi bình luận về hai luồng ý kiến liên quan đến vấn đề tài liệu tham khảo trong một bài báo khoa học. Hai luồng ý kiến đó là: (1) bài báo càng ít tài liệu tham khảo càng tốt vì đó là bài báo rất “original”, với biện minh rằng những công trình nghiên cứu đẳng cấp Nobel thường có ít tài liệu tham khảo; (2) tài liệu tham khảo đóng vai trò là “dẫn chứng khoa học từ những gì đã được công bố trong các công trình trước đó.” Tôi nhân dịp này cũng muốn có đôi lời chia sẻ kinh nghiệm.
Có người nói đại khái rằng chúng ta chỉ là những người đứng trên vai của người khổng lồ. Nói cách khác, những công trình chúng ta làm được xây dựng trên cơ sở ý tưởng, sáng kiến, hay những kết quả mang tính gợi ý của người khác. Ý tưởng ở đây không phải chỉ liên quan đến nội dung hay giả thuyết, mà còn ý tưởng về phương pháp. Cung cấp tài liệu tham khảo là nhằm 3 mục đích chính: (a) làm cơ sở hay bằng chứng cho một luận điểm, một phát biểu trong bài báo; (b) ghi nhận công trạng của người đi trước; và (c) làm ngắn bài báo (vì không phải mô tả dài dòng) và chỉ cho người đọc biết nguồn gốc của thông tin mà tác giả trình bày trong bài báo.
Không nên xem nhẹ tầm quan trọng của tài liệu tham khảo trong nghiên cứu khoa học. Trích dẫn tài liệu tham khảo có liên quan đến việc đánh giá nhà khoa học. Tất cả các chỉ số như hệ số ảnh hưởng (impact factor) hay chỉ số H (hoặc các chỉ số tương tự) đều được tính toán dựa trên tần số trích dẫn. Quyết định trích dẫn công trình của người nào đó như nói trên (và xin nói lại để nhấn mạnh) là một cách ghi nhận công trạng, tầm ảnh hưởng của người đó đến công trình của mình. Trích dẫn, do đó, cũng có thể xem là một cách tri ân tác giả hay người đi trước. Đó cũng là một biểu hiện của thành thật tri thức (intellectual honesty). Cố ý không ghi nhận ý tưởng của người khác được xem và vi phạm đạo đức khoa học.
Tuy nhiên, việc trích dẫn / citation có xu hướng khác biệt giữa các ngành khoa học. Nói chung, các ngành khoa học thực nhiệm như khoa học sự sống (life science) thường có số tài liệu tham khảo cao hơn so với những ngành lí thuyết như toán học. Điều này cũng dễ hiểu, vì số tài liệu tham khảo có tương quan với số bài báo trong từng ngành, chứ hoàn toàn không phải do nghiên cứu về toán học có chất lượng hơn nghiên cứu y sinh học. Ngành nào có nhiều công trình nghiên cứu (tức có nhiều bài báo khoa học) thì càng có nhiều số tài liệu tham khảo. Biểu đồ sau đây cho thấy số tài liệu tham khảo trung bình (tính chung cho tất cả các ngành khoa học) là ~26. Nhưng những ngành như sinh học phân tử, di truyền học, thần kinh học, miễn dịch học (rất “hot” hiện nay) thì số tài liệu tham khảo lên đến 30-38. Ngành toán và khoa học máy tính có số tài liệu tham khảo ít nhất (~17-18).
Biểu đồ 1. Số tài liệu tham khảo trung bình cho từng ngành khoa học(Nguồn: tôi sẽ kiểm tra cụ thể sau)
Cố nhiên, ở đây chúng ta chỉ nói những bài báo “original contribution”, chứ không tính đến những bài tổng quan (review) thường có nhiều tài liệu tham khảo, hay những commentary thường có ít tài liệu tham khảo.
Có người nghĩ rằng những công trình được trao giải Nobel là rất “original”, nên thường có ít tài liệu tham khảo, nhưng điều này không đúng trong thực tế. Số lượng tài liệu tham khảo không có tương quan với ý tưởng nguyên thủy hay không nguyên thủy. Trong ngành y học, tôi chỉ mới điểm qua các công trình đoạt giải Nobel trong thời gian gần đâu thì thấy số tài liệu tham khảo trung bình là 41 (trung vị: 31), với dao động từ 16 đến 104 (xem bảng dưới đây), tức cao hơn trung bình (~26). Do đó, khó có thể nói (ít ra là trong ngành y) là bài báo càng ít tài liệu tham khảo thì càng “original”.
Bảng 1. Số tài liệu tham khảo trong những công trình đoạt giải Nobel y học (Nguồn: tư liệu do tôi thu thập)
Phần tài liệu tham khảo trong một bài báo không phải nhằm trang trí hay làm tăng/giảm giá trị của công trình nghiên cứu của mình. Như nói trên, mục đích chính của trích dẫn tài liệu tham khảo là ghi nhận công trạng của người đi trước.
Theo tôi, không nên quá quan tâm bài báo của mình có bao nhiêu tài liệu tham khảo, mà nên quan tâm đến vấn đề là trích dẫn thích hợp và chính xác. Tôi nói “thích hợp” là vì trong thời gian gần đây có khá nhiều bài báo trích dẫn sai ý của tác giả, có lẽ do không đọc bài báo gốc mà trích dẫn từ nguồn thứ phát (secondary sources) và đây là một là sai phạm đáng trách, tuy chưa hẳn là scientific fraud, nhưng là “faulty citation”. Theo một phân tích mới đây thì gần 80% những tác giả nghiên cứu sinh trích dẫn từ secondary sources chứ không đọc bài báo gốc! Đó là điều đáng quan tâm.
Nói tóm lại, số tài liệu tham khảo trong một bài báo khoa học tùy thuộc vào “văn hóa ngành” và số lượng công trình khoa học trong ngành. Trong ngành y, những công trình chiếm giải Nobel thường có số tài liệu tham khảo cao hơn trung bình. Như chúng ta vẫn nói số lượng không phản ảnh chất lượng; vậy các bạn đừng quá quan tâm đến số tài liệu tham khảo; hay lo làm nghiên cứu cho thật tốt.
NVT
TB: Sẵn đây cũng "khoe" luôn là chúng tôi sẽ có một bài bình luận về nạn faulty citation này trên một tập san y khoa nay mai.
Posted by Nguyễn Văn Tuấn
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/03/tai-lieu-tham-khao-trong-nghien-cuu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét