Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Các di tích khảo cổ học đã biến mất thế nào (lại chuyện Vườn Chuối và Thăng Long 9)

Đoàn sinh viên khoa Sử, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội vừa rút quân khỏi Lai Xá sau 15 ngày khai quật và khai quật chữa cháy ở hai gò Gò Mả Phượng và Gò Dền Rắn thuộc phức hợp di tích Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức thì lại có chuyện.

Chưa hết bức xúc và chán nản vì máy ủi đã xúc phá di tích di vật có tuổi đời 3000 đến 2000 năm ở Gò Dền Rắn và cô trò cố gắng lắm cũng chỉ khai quật được 12m2 và nhặt nhặn những di vật tung tóe trên mặt đất, thì sáng sớm hôm nay (ngày 30.12.2010), anh Hùng phụ trách công an thôn Lai Xá gọi điện báo tin từ đêm 29 máy ủi lại tiếp tục ủi cắt ngang Gò Vườn Chuối (trung tâm của phức hợp di tích) để nối con đường đang mở dở dang từ đường 32 vào trung tâm của dự án đô thị. Không biết làm thế nào, anh Hùng chỉ biết thu lượm những mảnh gốm cổ và nhặt những chiếc rìu đá vương vãi mang về nhà văn hóa thôn.

Cái gì đang xảy ra ở đây, ở lộ trình thực hiện luật Di sản? Không một ai có thể biết được!

Suốt từ đầu năm 2010 đến giờ đã biết bao nhiêu công văn, quyết định, bài trên báo viết, báo mạng, bài trên blog… thậm chí cả quyết định cho phép khai quật 300m2 (đã hết hạn ) để nghiên cứu trước khi xóa xổ một phức hợp di tích hàng chục ngàn m2, nhưng tất cả chỉ như ném đá ao bèo.
Những người lãnh đạo Thăng Long 9 nói rằng họ không nhận được bất cứ công văn nào của Hà Nội về chuyện Vườn Chuối là di tích khảo cổ học, trong khi ngay từ đầu năm các nhà khoa học đã đề nghị Hà Nội làm những giấy tờ cần thiết về hành chính và pháp lý cho Bộ VH, TT và DL cũng như cho Tổng Công ty TL9.

Và Dự án tổng đã dừng, nhưng những dự án nhỏ như làm hạ tầng cơ sở vẫn đang tiếp tục và di tích vẫn đang tiếp tục bị phá.

Vậy sự thực là thế nào, kêu ai, kêu cửa nào bây giờ để thực thi được luật Di sản ở đây!

Tại sao ở rất nhiều địa phương khác trước khi xây dựng các khu công nghiệp, khu dân sinh hay thủy điện đều được khảo sát khảo cổ học mà Hà Nội thì khảo cổ cứ phải chạy theo dự án. Không nhẽ Hà Nội với tư cách thủ đô có những luật riêng của mình về di sản hay việc thực thi luật di sản chỉ cần dừng ở mức công văn giấy tờ?

TÂM, TẦM, TÀI biến đâu hết rồi, Hà Nội ơi!

Lời kêu của mình rồi cũng sẽ như hòn đá ném ao bèo nữa thôi! Nhưng biết làm sao,  ăn học tốn bao cơm gạo của bố mẹ, của đất nước, biết mà không nói thì nhục lắm và thực sự thấy có tội với tiền nhân! 

 Vớt vát
 những gì tan nát còn lại dưới bách xích của xe ủi
 Cả tầng văn hóa khảo cổ dày trên 1m đã bị xúc đi để đặt cống
Con đường cắt qua Gò Vườn Chuối

 Khu di tích đã được quây lại bằng các pano lớn
Giá mà  khi lập dự án các nhà khảo cổ và lịch sử được tham dự thì đâu đến nỗi bắn vào quá khứ bằng đại bác như thế này và ông xây dựng cũng đâu phải khó chịu với ông khảo cổ như tình trạng hiện nay!


 
Bắc thang lên mách ông giời
Phá hoại di tích ông thời không (thể) tha! 


Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

PHÙ NAM, CHÂN LẠP, CHÀM VÀ CÁC ĐỀN THỜ THIÊN HẬU TRONG HOẠT ĐỘNG MẬU DỊCH ĐƯỜNG BIỂN VÀ SỰ XUẤT HIỆN CÁC THÀNH PHỐ DUYÊN HẢI TẠI ĐÔNG NAM Á

Bài dịch dưới đây không chỉ nói đến vai trò của Phù Nam, Lâm Ấp trong hoạt động mậu dịch với Trung Hoa ở vùng biển đông trong hai thế kỷ, 220-420, mà còn xác định miền bắc Trung Kỳ và Bắc Kỳ, đặc biệt là Hà Nội như trạm xuất nhập hàng hóa chính yếu giữa các nước phương nam với kinh đô Trung Hoa vào thời điểm đó, với một sử quan từ phía Trung Hoa.

Tác giả Wang Gungwu, nguyên Giám Đốc Viện Đông Á của Đại Hoc Quốc Gia Singapore, một học giả nổi tiếng về các lãnh vực Hoa Kiều Hải Ngoại và lịch sử ngoại thương Trung Hoa, là người gốc Trung Hoa. Với các thiên kiến cố hữu ông gọi các dân tộc khác ở phương nam là man di một cách “tự nhiên”. Quyển sách bao gồm phần trích dịch này, The Nanhai Trade: The Early History of Chinese Trade in the South China See, đà được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1958.

Vai trò của Phù Nam, Chân Lạp, và cả Chiêm Thành trong hoạt động mậu dịch vùng biển đông cho tới các thế kỷ sau sẽ được trình bày trong bài dịch kế tiếp, “Phù Nam,Chân Lạp, Chàm và Các Đền Thờ Thiên Hậu Trong Hoạt Động Mậu Dich Đường Biển và Sự Xuất Hiện Các Thành Phố Duyên Hải Tại Đông Nam Á, từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 16” của một tác giả khác, Johannes Widodo.




Bản đồ 1: Gió mậu dịch (gió mùa) tại Đông Nam Á


Sự xuất hiện của các thành phố duyên hải tại Đông Nam Á là kết quả của sự phát triển và thay đổi trong mậu dich hải ngoại của hai nên văn minh vĩ đại: Ấn Độ và Trung Hoa. Các tàu từ phía bắc (Trung Hoa, Nhật Bản, và Ryukyu (Lưu Cầu)) đi xuống miền nam theo gió mùa phương bắc giữa tháng Giêng – tháng 2 và quay trở về vào mùa gió mùa phương nam giữa tháng 6 và tháng 8. Các tàu của Ấn Độ đì sang hướng đông, được đẩy bởi Gió Mùa tây nam giữa tháng 4 và tháng 8, và quay trở về bởi Gió Mùa đông bắc từ tháng 12. Trong các thời kỳ gió lốc hay Gió Mùa thay đổi, các thương nhân trú ngụ lại ở các cảng Đông Nam Á, trong khi chờ đợi các bạn hàng buôn của họ từ các nơi khác trên thế giới đến. Trong thời gian lưu trú của mình, các đoàn viên thủy thủ và các hành khách cư ngụ trong thành phố (1) và hòa lẫn vào dân chúng địa phương.

Sự tiếp xúc hàng hải giũa Ấn Độ và Trung Hoa khởi sinh từ thế kỷ thứ hai. Trung Hoa xuất cảng vàng và lụa sang Ấn Độ qua biển Nam và miền trung Á, trong khi Ấn Độ xuất cảng đá quý và đồ thủy tinh sang Trung Hoa. Vàng và bạc là các vật phẩm mua bán chính của thời đó. Mậu dịch này bị đình chỉ khoảng năm 450, khi dự trữ vàng tại Trung Hoa đã hoàn toàn bị cạn kiệt. Kể từ đó cho đến đầu thế kỷ 19, Trung Hoa nhập cảng quý kim từ hải ngoại (2).

Các khu định cư thời tiền thành thị tại Đông Nam Á là các ngôi làng tự trị, có hệ thống sinh thái khép kín, nép mình giữa các khu rừng nguyên sinh, núi non và biển cả. Mỗi khu định cư bao gồm các ngôi nhà rải rác làm bằng các vật liệu không bền chắc (tre, lá dừa, và gỗ) với các sự thay đổi không đáng kể về biểu tượng và hình dáng . Các ngôi làng thời tiền thành thị bản xứ này khi khởi phát đã thiếu nền tảng định chế cần thiết cho sự phát triển thành các thành phố nhưng sau đó đã vay mượn từ Ấn Độ. Tiến trinh Ấn Độ hóa diễn tiến một cách chạm chạp và tiệm tiến, được hoàn tất bởi vô số các cá nhân hành động một cách độc lập xuyên qua hoạt động mậu dịch hòa bình (3).


PHÙ NAM: NGÃ TƯ HOẠT ĐỘNG MẬU DỊCH (1-600)

Kể từ thế kỷ thứ I, con đường mậu dịch hàng hải giữa Đế Quốc La Mã tại Âu Châu và Trung Hoa tại Viễn Đông đã được thiết lập. Từ Địa Trung Hải, con đường được chia thành hai nhánh: một đi ngang qua Alexandria, Hồng Hải (Red Sea), và eo biển Bal-el-Mandeb, và nhánh kia đi qua Babylonia và Vịnh Ba Tư (Persian Gulf). Cả hai nhánh hội tụ tại bờ biển Malabar (tây Ấn Độ), sau đó lần theo bờ biển Vịnh Bengal hay băng ngang Ấn Độ Dương, tiến vào vùng Đông Nam Á.

Trước năm 450, có hai con đường mậu dịch giữa Trung Hoa và Ấn Độ. Con đường thứ nhất từ Trung Hoa sang Ấn Độ, lần theo bờ biển bán đảo Đông Dương, băng ngang qua Bán Đảo Mã Lai, và sau đó tiến vào vùng nam Ấn Độ. Con đường thứ nhì từ miền nam Ấn Độ sang Trung Hoa, xuyên qua Eo Biển Melaka, và dọc theo bờ biển của bán đảo Đông Dương đến Việt Nam – vốn bị chiếm đóng bởi Trung Hoa vào thời gian đó (4). Bán đảo Mã Lai là địa điểm đầu tiên, nơi mà các thành phố mới đã xuất hiển như là kết quả của mạng lưới mậu dịch quốc tế này. Các tàu của Trung Hoa đã dừng chân tại khu vực này để mua thực phẩm cung cấp bởi cư dân địa phương. Sắc dân Tamils từ miền nam Ấn Độ đã thành lập một số khu định cư (bang quốc thành phố) trên bờ biển phía tây của Bán Đảo Mã lai để thu gom vàng. Bởi vì dân số bản xứ quá ít ỏi, các quốc gia-thành phố này đã phát động các cuộc viễn chinh để tìm kiếm nhân lực bổ xung hay các nô lệ ở các nơi khác. Sự nhập cảnh của các trí thức Ấn Độ đã trợ lục cho sự củng cố ngai vua và các quốc gia tại Đông Nam Á (5).



Hình 2: Các con đường mậu dịch hàng hải tại Đông Nam Á trong thế kỷ thứ nhất
(Tham chiếu: Hall, Kenneth R.) Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia. Honolulu: University of Hawaii Press, 1985)

Các vương quốc đầu tiên xuất hiện tại miền nam vịnh Thái Lan là Langkasuka với thủ đô là Pattani và Tambralinga ở phía đông bắc của nó. Tuy nhiên, các vương quốc này bị yểu tử bởi đất đai cằn cỗi của mình đã không duy dưỡng được một số dân  lớn. Phù Nam và Chàm sẽ sớm qua mặt các vương quốc này (6).

Phù Nam – một vương quốc theo Ấn Độ giáo tại khu vực Châu Thổ sông Cửu Long – được thành lập trong thế kỷ thứ I như một tiền trạm cho cả việc săn tìm và mua bán nô lệ và cũng dành cho hoạt động mậụ dịch với Trung Hoa vốn chiếm đóng phía bắc Việt Nam. Thủ đô của Phù Nam là Vyadhapura, gần Nam Vang ngày nay và gần Vyadhapura là thành phố Angkor ( 7). Thành phố - hải cảng Óc Eo được mở ra và phát đạt tại Phù Nam trong khoảng giữa thế kỷ thứ II cho đến giữa thế kỷ thứ VII, hoạt động như một giao điểm của các trục lộ mậu dịch của Ấn Độ và Trung Hoa (8).



Hình 3: Các Vương Quốc chịu ảnh hưởng Ấn Độ thời ban sơ tại Đông Nam Á
(Tham chiếu: Hall, Kenneth R. Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia. Honolulu: University of Hawaii Press, 1985)



Hình 4: Các lộ trình hành hương Phật Giáo tại Đông Nam Á vào đầu thế kỷ thứ năm
(Tham chiếu: Hermann, Alber and Norton Ginsburg (đồng chủ biên), An Historical Atlas of China. Amsterdam: Djambatan NV Publishing, 1966)


Trong năm 270, Phù Nam liên kết với láng giềng Chàm tấn công Bắc Kỳ (Tonkin), một tỉnh của đế quốc Trung Hoa suốt trong thời nhà Tấn. Về sau, trong năm 357, Phù Nam thiết lập một quan hệ triều cống với Trung Hoa cho đến khi Phù Nam sụp đổ vào giữa thế kỷ thứ VI (9). Các người hành huơng Phật Giáo (Gunavarman, 397-431; và Fa Hsien (Pháp Hiển ?), 399-414) đã thực hiện nhiều chuyến du hành vòng quanh Đông Nam Á đã chứng kiến sự xuất hiện của một quyền lực cấp miền mới tại Sumatra, được gọi là “Yavadvipa” – hay Srivijaya – vào khoảng kết thúc thế kỷ thứ IV và nửa đầu thế kỷ thứ V.


SRIVIJAYA: VƯƠNG QUỐC HÀNG HẢI PHẬT GIÁO (600-1400)

Sau sự sụp đổ của Phù Nam, Chân Lạp và Chàm xuất hiện như các quyền lực cấp miền mới. Bởi có các sự tranh chấp nội bộ liên tục giữa các vương quốc tại Đông Dương, quyền lực và sự kiểm soát của chúng trên Đông Nam Á suy tàn dần dần. Đây là lý do cho sự trổi dậy của Srivijaya, một quyền lực hàng hải mới tại miền nam Sumatra vào khoảng thế kỷ thứ VII. Các khách du hành Trung Hoa từ thời nhà Tùy trong năm 610 đã ghi nhận sự xuất hiện của một vương quốc mới tại Sumatra được gọi là “Malayu”, và các trạm trung chuyển quan trọng của nó gần hay ở trên bờ biển phía đông của Sumatra, có tên là Srivijaya, Malayu, và P’o-lo-so.

Từ khoảng 650 đến 800, các thương thuyền từ phía tây Á Châu ghé đến Trung Hoa với bạc từ Ba Tư (Persia) và các vùng lân cận của nó. Ấn Độ và Trung Hoa nhận bạc từ Tây Á đánh đổi cho bông vải của Ấn Độ và lụa của Trung Hoa. Sau khi bạc của Ba Tư đã cạn kiệt, sản phẩm mậu dịch chính là các đồ gia vị từ miền nam Ấn Độ, miền bắc Sumatra, và Maluku, được xuất cảng sang Trung Hoa, và nhập cảng đồ sứ từ Trung Hoa.

Srivijaya sớm được phát triển thành trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế chính yếu của Đông Nam Á. Theo các nguồn tài liệu của Ả Rập, Srivijaya vào lúc đó là một thành phố thịnh đạt rất giàu có về tài nguyên vàng. Vàng này được thu nhận từ Minangkabau và được yêu cầu bởi cả Ấn Độ lẫn Trung Hoa (10). Vàng là lý do chính cho sự vươn lên của Srivijaya để trở thành một quyền lực cấp miền chính yếu – và được lừng danh với danh hiệu Svarnadvipa hay “đất của vàng”.



Hình 5: Các lộ trình khách du hành Trung Hoa trong năm 610
(Tham chiếu: Hermann, Alber and Norton Ginsburg (đồng chủ biên ),
An Historical Atlas of China. Amsterdam: Djambatan NV Publishing, 1966)




Hình 6: Lộ trình của I-Ching 680-695
(Tham chiếu: Hermann, Alber and Norton Ginsburg (đồng chủ biên ),
An Historical Atlas of China. Amsterdam: Djambatan NV Publishing, 1966)



Đại học Phật Giáo cổ xưa nhất tại Đông Nam Á chính là Srivijaya (11). Học giả Trung Hoa lừng danh, I-Ching (634-7130 dừng chân tại Srivijaya trong năm 671 trên cuộc du hành của ông sang Ấn Độ để thu thập kinh sách Phật Giáo. Ông ở tại đó trong sáu tháng để học tiếng Phạn (Sanskrit). Trong chuyến quay về từ Ấn Độ trong năm 685, ông một lần nữa lại cư trú tại Srivijaya trong mười năm cho đến năm 695, để phiên dịch kinh sách Phật Giáo từ tiếng Sanskrit sang Hoa ngữ. Chính vì thế Srivijaya đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến Đạo Phật tại Trung Hoa như một trung tâm trao đổi học thuật. Trong suốt thời gian thăm viếng của I Ching, lãnh thổ của Srivijaya đã bành trướng tới Bán Đảo Mã Lai, Java, và phân nửa Bornéo. Trong khi đó các trạm trung chuyển của Srivijaya, Malayu, và Barus vẫn còn đóng các vai trò quan trọng của chúng trong mạng lưới mậu dịch cấp miền.

Srivijaya đã xuất hiện như một cảng dừng chân cho các tàu của Ả Rập và Ba Tư trên đường đi đến Trung Hoa để chờ đợi mùa Gió Nồm. Lộ trình mậu dịch trực tiếp giữa Trung Hoa và Đông Nam Á hàng hải đã được thiết lập ở thời khắc này. Hải cảng Óc Eo của Phù Nam đã bị bỏ phế bởi có sự khai trương của hải cảng tại Srivijaya và cũng vì Phù Nam không có sản vật quan trọng để cung cấp cho thị trường thế giới. Các vai trò của các vương quốc Đông Dương (Chân Lạp hay Khmer, Chàm, Việt Nam, Pagan) trong hoạt động mậu dịch quốc tế bị tước đoạt bởi Srivijaya, quyền lực hàng hải mới tại Đông Nam Á. Sriuvijaya sớm trở thành trạm trung chuyển lớn nhất tại Đông Nam Á (12).

Cấu trúc hình thể của Srivijaya được biết rất ít. Mọi kiến trúc đều sử dụng các vật liệu dễ bị hủy hoại, và hậu quả không kiến trúc nào còn tồn tại. Thành phố, và rất có thể là khu vực hoàng cung, được bao bọc bởi tường thành. Thường dân đã sinh sống bên ngoài bức tường thành hay trên các chiếc nhà bè trên sông. Vùng đất nội địa thì thưa dân và không được canh tác mấy (13). Mối quan hệ giữa thành phố và nội địa thì không mạnh, và thành phố thì hầu như chỉ tham dự chuyên chú vào các hoạt động mậu dịch 14).



Hình 7: Các sản phẩm quốc tế trong thời đại Srivijaya

Hình 8: Đông Nam Á trong năm 800
(Tham chiêu: Sar Desai, D. R. Southeast Asia: Past and Present.
San Francisco: Westview Press, 1994).


Từ khoảng 800 đến 1368, các thương thuyền Trung Hoa bắt đầu thăm viếng Đông Nam Á và du hành mãi đến tận Ấn Độ. Các hải cảng Đông Nam Á đã trở thành các trung tâm trao đổi cho các nhà mậu dịch này. Srivijaya đã là cảng dừng chân chính cho các thuyền buồm (đi biển ) Trung Hoa. Đây là thời kỳ lan tràn của các di dân Trung Hoa nhập cảnh vào các hải cảng đương có, thành lập các khu định cư mới khắp Đông Nam Á. Palembang là một khu định cư Trung Hoa quan trọng cho đến năm 1420. Theo các nguồn tài liệu Trung Hoa, nhiều nhà sư Phật Giáo Trung Hoa đã sống tại thành phố này, hoặc để học tập tại đó, hay chỉ để chờ các con tàu chở họ đến Ấn Độ (15).

Kinh đô của Srivijaya đã di chuyển vài lần. Giữa thế kỷ thứ VII cho đến thế kỷ thứ XI nó tọa lạc gần thành phố Palembang ngày nay và cho đến giữa thế kỷ thứ XIV – khi một quyền lực hàng hải mới xuất hiện tại Melaka – nó đã được di chuyển đến Jambi. Trong khi đó, vào khoảng năm 1200 một quyền lực cấp miền khác đã xuất hiện tại Java – vương quốc Mataram theo Ấn Độ Giáo – đã bắt đầu đe dọa sự thống trị của Srivijaya. Không lâu sau đó Srivijaya đã từ từ không còn là một hải cảng mậu dịch quan trọng của Đông Nam Á


SAMUDRA PASAL: SỰ CẮM ĐẶT HẠT NHÂN ĐÔ THỊ
CỦA NGƯỜI DI TẢN (VÀO KHOẢNG THẾ KỶ THỨ 13)

Trong năm 1292, nhà du hành nổi tiếng của thành phố Venice, Marco Polo, đã vượt qua eo biển Melaka trên đường trở về Ba Tư từ Trung Hoa. Ông đã mô tả sự khai sinh của một khu định cư tại Sumatra, có lẽ là Samudra Pasai 16 tại miền bắc Sumatra, như sau (17):

Tại vương quốc này [Sumatra], chính tôi, Marco Polo, đã trải qua năm tháng, chờ đợi thời tiết cho phép chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Sau đây là phương cách mà chúng tôi đã sinh sống trong năm tháng ra sao. Chúng tôi rời khỏi các chiếc thuyền của minh và bởi lo sợ các người dân ác độc và đần độn này sẽ giết người để ăn thịt, chúng tôi đã đào một cái hào rộng quanh nơi cắm trại của chúng tôi, trải dài xuống đến bờ hải cảng ở cả hai đầu. Trên bờ hào chúng tôi đã dựng lên năm cái tháp hay đồn canh bằng gỗ; và trong các công sự phòng thủ này, chúng tôi đã sống qua năm tháng. Không thiếu gỗ. Nhưng người dân đảo quen trao đổi với chúng tôi để lấy thực phẩm và các thứ tương tự; bởi đã có một sự giao kết giữa chúng tôi. Khu cắm trại được dựng lên gần vớivương quốc đã hiện hữu trước đây, và họ có một giao kết (thỏa ước) mậu dịch với dân chúng địa phương. Nhưng trong một số trường hợp, đồn trại được xây dựng trước, và sau đó người trong trại đã mời cư dân địa phương đến buôn bán.

Các thành phố hàng hải tại Đông Nam Á đã được thành lập như các khu định cư của người nhập cảnh, đến vì nhiều lý do khác nhau. Dân bản xứ sống trong đất liền, trong khi các di dân định cư gần bờ biển. Sự cập bến của các di dân này làm gia tăng kích thước dân số địa phương (18). Tại các thành phố này, dân chúnng thuộc các truyền thống khác nhau đã sống chung đụng với nhau trong khi họ tham gia vào việc đổi chác, chính vì thế đã trui rèn một sự tổng hợp xã hội và tinh thần mới, và tạo thành một cộng động thực sự có tính cách đô thị. Nhưng tại một số trường hợp khác, các hàng rào vật thể và xã hội vẫn hiện hữu giữa cư dân địa phương và cư dân ngoại quốc.



Hình 9: Cuộc du hành của Marco Polo và cuộc viễn chinh của Mông Cổ đến Java
(Tham chiếu: Hermann, Alber and Norton Ginsburg (chủ biên),
An Historical Atlas of China. Amsterdam: Djambatan NV Publishing, 1966)


Thành tố đầu tiên của các thành phố duyên hải trong giai đọan này là ngôi chợ dành cho sự trao đổi thương mại. Trái với kinh đô trong nội địa, các thành phố hải cảng bản xứ phơi bày kiến trúc được xây dựng hầu như chỉ toàn bằng các vật liệu không bền chắc (gỗ, tre, và lá dừa). Trong bản thảo bộ “Sử Ký Nhà Nam Ch’i: Hisrtory of Southern Ch’I”, có một sự mô tả một xứ sở hàng hải tại Đông Nam Á trong thời kỳ này. Nhà vua sống tại một cung điện với mái lợp bằng lá tre, được bảo vệ bởi các hàng rào gỗ (19). Ngay các đồn trại phòng thủ tại phân lớn các thành phố duyên hải đều được xây dựng bằng các hàng rào bằng gỗ không có tính cách vĩnh viễn. Vì lo sợ hỏa hoạn, một số giới thượng lưu bản xứ đã xây cất các kiến trúc bằng gạch, nhỏ, chống cháy, gần nơi cư trú của họ để bảo vệ tài sản.



Hình 10: Mô hình một trại mậu dịch duyên hải ban đầu của Trung Hoa
(dựa trên sự mô tả của Marco Polo)


Một số trại và khu bao quanh sau này được phát triển thành các trạm trung chuyển lớn hơn. Một trạm trung chuyển là một trung tâm phân phối hay trao đổi các hàng hóa ngoại quốc với ít hay không có sản phẩm đia phương để xuất cảng. Phần lớn các trạm trung chuyển tại Đông Nam Á bị kiểm soát bởi người Trung Hoa. Một số trạm trung cbuyển đã tàn lụi vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như sự suy giảm trong các hoạt động mậu dịch quốc tế, tiến trình bồi lấp [phù sa] khiến cho cảng trở nên vô dụng, hay sự phá hủy gây ra bởi các cuộc tranh chấp quân sự và chính trị. Tuy nhiên, một số trạm trung chuyển đã tìm cách mở rộng và củng cố để bước sang giai đọan kế tiếp của sự phát triển đô thị -- hải cảng mậu dịch quốc tế, nhờ ở hệ thống triều cống và các chuyến du hành của Đô Đốc Trình Hòa được thực hiện bởi nhà Minh trong thế kỷ thứ XV.

Trong năm 1397, Java (Majapahit) đã tấn công Palembang và bổ nhiệm một nhà cai trị người Java để kiểm soát thành phố, nhưng ông ta sớm bị quần chúng lật đổ. Trong suốt thời kỳ hỗn loạn này, ít năm trước khi có sự cập bến của Trịnh Hòa, các hải tặc Trung Hoa đã nắm giữ sự kiểm soát Srivijaya (20), Palembang bị bỏ phế và chỉ có ít nhà mậu dịch dùng nó làm nơi ghé chân, bởi có các cuộc tranh chấp và tình trạng vô pháp luật này ( 21).

***

ĐỀN THỜ MAZU [THIÊN HẬU] VÀ CÁC THÀNH TỐ BAN ĐẦU
CỦA MÔ HÌNH ĐÔ THỊ DUYÊN HẢI

Một trinh nữ tên Lin Moniang (960-987 sau Công Nguyên) được nói đã sinh sống tại một làng đánh cá nhỏ thuộc đảo Meizhou, gần Putien và Quanzhou, tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Hoa. Nhiều huyền thoại bao quanh sự ra đời, cuộc sống, và sau khi chết của cô . Điều kỳ diệu nổi tiếng nhất của cô là đã cứu sống cha và các anh em cô khỏi các chiếc tàu bí đắm trong một cơn giông bão. Sau này, cô đụoc thờ phụng như vị thần biển, bảo vệ cho các thủy thủ và ngư phủ, bảo vệ chống lại quân cướp và các thiên tai. Cô được gọi một cách bình dân là “Mazu” (“mẫu tổ? : bà: grand mother”).

Sự thờ phụng Mazu trở nên phổ biến trước tiên trong thời nhà Tống (960-1279 sau Công Nguyên) (16). Kể từ đó các đền dành riêng cho bà được dựng lên tại các thành phố hải cảng của Hoa Nam (Đanong, Yantai, Qinhuangdao, Thiên Tân, Thượng Hải, Ninh Ba, Hàng Châu, Phúc Châu, Hạ Môn, Quảng Châu, Ma Cao v.v…) (17). Sau đó nó đã trở thành một thói quen để cử hành một nghi lễ bao quát trước khi có cuộc hải trình. Ngay Trịnh Hòa, một kẻ theo Hồi Giáo, cũng tuân hành nghiêm chỉnh phong tục địa phương này. Trong năm 1409, trước khi có cuộc du hành lần thứ ba, ông ta đã đến làm lễ tại ngôi đền thờ Mazu chính trên đảo Meizhou. Bởi có sự che chở của bà cho các chuyến du hành thành công của Trịunh Hòa, Hoàng Đế nhà Minh đã sắc phong tước “Tien Hou: Thiên Hậu” hay “Hoàng Hậu Nhà Trời” cho Mazu. Sự thờ phụng Mazu lan tràn đến Đông Nam Á trong thế kỷ thứ XV với các cuộc thăm viếng của Trịnh Hòa và các làn sóng di dân nhập cảnh (đặc biệt các người Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, và Hải Nam). Đền thờ bà đã trở nên thành tố đầu tiên và chính yếu lâu đời nhất tại nhiều thành phố hải cảng trong vùng này, dọc theo bến tàu.

Trên mọi chiếc tàu di dân Trung Hoa, thường có một ngôi đền đặc biệt dành cho Mazu, bảo vệ cho la bàn hay bánh lái, các cánh buồm, và mọi hành khách trên tàu. Một khi chiếc tàu đến một nơi đất lành và họ muốn định cư ở đó, chiếc tàu được tháo gỡ, nhưng ký ức gắn liền với vũ trụ quan về không gian còn tồn tại và được chuyển tiếp vào vùng đất mới chấp nhận để thành lập một hạt nhân đô thị mới.



Hình 11: Các cuộc viễn chinh của Trịnh Hòa
(Tham chiếu: Levathes 1994 và Hermann 1966)


Hạt nhân của khu định cư mới được tái dựng dựa trên một mô hình không gian tương tự như của chiếc tàu, nơi mà ngôi đền thờ Mazu sẽ đặt ở cuối trục đối diện với bến tàu và hai cột buồm sẽ được đặt phía trước ngôi đền. Ngôi đền chứa tượng bà Mazu đã từng có lần bảo vệ cho các chiếc tàu của di dân Trung Hoa trong suốt cuộc du hành nguy hiểm đến đến biển phía nam. Một cộng đồng nhỏ các ngư phủ và nhà mậu dịch Trung Hoa sau đó được thành hình chung quanh bến tàu – cùng chung sống cạnh nhau với dân chúng bản xứ và các cộng đồng ngoại kiều khác, đưa đến một văn hóa đô thị thực sự có tính cách quốc tế.


Hình 12: Mô hình một chiếc tàu di dân Trung Hoa với ngôi đền thờ Mazu
tại Hôi Quán Phúc Kiến ở Hội An, Việt Nam



Hình 13: Họa đồ chiếc tàu của người di tản Trung Hoa



Hinh 14: Nhà của viên Thuyền Trưởng Trung Hoa tại Palembang;
một sự hỗn hợp loại nhà sàn bản xứ
với kiểu nhà bao quanh sân vườn của Trung Hoa


Khu định cư người Hoa đựoc phát triển bên bờ biển hay cửa sông, trong khi các thôn ấp của dân bản xứ thì tọa lạc sâu hơn trong đất liền hay ở phía bên đối diện của con sông. Sự sắp xếp này liên hệ đến tính hợp lý của kinh tế, theo đó dân định cư Trung Hoa kiểm soát lối tiếp cận kinh tế chính yếu -- và bởi việc làm điều này, họ tìm cách kiểm soát kinh tế của thành phố. Một số thí dụ thích hợp của loại hạt nhân đô thị này có thể còn tìm thấy ở Pattani, Melaka, Palembang, Tangerang, và Tuban. Sự hiện diện của đền thờ Mazu khắp miền Đông Nam Á vì thế đã tạo thành “một loại thành phố hải cảng “chị em” với mô hình tiêu biểu từ miền nam Trung Hoa đến Nhật Bản, Đài Loan, Đông Dương, Thái Lan, Nam Dương và Mã Lai.

Trong nhiều ngôi đền thờ Mazu cổ xưa khắp Đông Nam Á, việc dâng cúng thịt heo bị cấm đoán, nhờ tinh thần dung hợp được được vun trồng bởi Trịnh Hòa trên các con tàu của ông ta. Bởi nhiều thủy thủ trên các tàu của ông là người theo đạo Hồi, các thực phẩm không có tính chất halal (non-Halal) (18) không được cung cấp. Mặc dù sự thờ phụng hình tượng bị cấm đóan trong đạo Hồi, Trịnh Hòa vẫn tôn trọng các truyền thống của một số các thủy thủ của ông. Trong nhiều trường hợp, trong khuôn viên đền chùa Trung Hoa chúng ta có thể tìm thấy một ngôi mộ Hồi Giáo nơi mà một người nào đó liên hệ với Trịnh Hòa (lái tàu hay thông dịch viên của ông) được tin đã được chôn cất ở đó. Các ngôi đền chùa này đã trở nên các trung tâm hành hương và nguồn gốc của các truyền thuyết địa phương bởi người Trung Hoa và phi Trung Hoa, Hồi Giáo và phi Hồi Giáo gộp chung.

Khi cộng đồng Trung Hoa trở nên mạnh hơn và lớn hơn, các ngôi đền khác dành cho các vị thần và chức năng khác nhau bắt đầu xuất hiện. Để bảo vệ cho đất đai định cư, một ngôi đền dành cho vị thần đất được dựng lên. Để bảo vệ sự thịnh vượng và mở rộng thị trường và doanh nghiệp, một ngôi đền dành cho vị thần chiến tranh được xây cất. Sau đó các ngôi từ đường gia đình hay dòng tộc xuất hiện, được tiếp nối bởi sự dựng lên ngôi chùa cộng đồng. Các chùa [Phật giáo] và đền Hồi giáo tọa lạc cạnh nhau như một dấu hiệu cụ thể của một sự chung sống hòa bình và dung hợp.

Các cuộc du hành đã để lại các dấu vết dọc theo các miền duyên hải của Đông Nam Á dưới hình thức các trạm mậu dịch miền nam Trung Hoa thời ban sơ và các thuộc đia. Nhiều trong các thuộc địa này tọa lạc gần cửa sông bên cạnh các ngôi làng bản xứ hiện có. Một số các khu định cư ban đầu này sau đó đã tăng trưởng thành các trạm trung chuyển thịnh đạt. Các đặc điểm chính của thời kỳ này là các ngôi đền dành riêng thờ phụng Mazu, ngôi chợ cá phía đàng trước đền thờ gần bến tàu, và loại nhà ở - cửa hiệu thủa ban đầu.

Các yếu tố kiến trúc Trung Hoa trộn lẫn với các mô hình và đặc tính thiết kế bản xứ - địa phương, tạo ra nhiều biến thể của các loại xây dựng hỗn hợp. Một thí dụ tốt cho tiến trình hòa nhập này là ngôi nhà của nhà mậu dịch điển hình tại Palembang, miền nam Sumatra. Họa đồ nhà và một số phương pháp xây dựng có nguồn gốc nhà-sân vườn miền nam Trung Hoa, nhưng các mái nhà kiểu yên ngựa, các hàng hiên để ngỏ, vật liệu bằng gỗ, và nền nhà nâng cao nhất thiết có tính chất địa phương. Từ các thí dụ khác tại cùng địa điểm, các yếu tố mạnh mẽ có nguồn gốc Ả Rập, Ấn Độ và ngay cả của Âu Châu được trộn lẫn vào kiểu mẫu hỗn hợp bản xứ - địa phương và Trung Hoa, có thể dễ dàng được nhận thấy. /


-----

Vài hàng về tác giả:

Tác giả, Johannes Widodo, đỗ bằng Tiến Sĩ tại Đại Học Unuiversity of Tokyo (1996) và M. Arch tại Ku-Leuven, Belgium (1998), chuyên nghiên cứu về các lãnh vực kiến trúc, lịch sử đô thị, hình thái các thành phố Đông Nam Á, các chính sách đô thị hóa và kiến trúc liên hệ đến người Hoa di tản, và sự bảo tồn kiến trúc tại Đông Nam Á. Ông hiện làm việc tại Khoa Kiến Trúc, Viện Đại Học Quốc Gia Singapore.

*****

CHÚ THÍCH:

1. Reid, Anthony. Southeast Asia in the Age of Commerce 1450 – 1680. Volume two: Expansion and Crisis. New Haven: Yale Univers ity Press, 1993: 65-65 [?]

2. Ikuta, Shigeru. “Emergence of Cities in Maritime Southeast Asia from the Second Century B. C. to Seventeenth Century”, East Asian Cultural Studies. Volume XXVII, No. 1-4. Tokyo: East Asian Cultural Studies. 1988.

3. Reed, Robert R. “Indigenous Urbanism in South-East Asia”, Changing South-East Asian Cities: Readings on Urbanization. Singapore: Oxford University Press, 1976.

4. Ikuta 1988.

5. Cùng nơi dẫn trên: 4-5.

6. SarDesai, D. R. Southeast Asia: Past and Present. San Francisco: Westview Press, 1994: 22.

7. Cùng nơi dẫn trên: 22-23.

8. Ikuta 1988: 5.

9. SarDesai 1994: 23.

10. Ikuta 1988.

11. Sau Nalanda tại Ấn Độ, trường đại học lâu đời nhất trên thế giới.

12. Ikuta 1988.

13. Nas, Peter J. M. “The Early Indonesian Town – Rise and Decline of the City-State and Its capital”. Nas, Peter J. M. (biên tập), The Indonesian City: Studies in Urban Development and Planning. Verbandelingen van Het Koninklijk Instituut voor Tual-, Land- en Volkenkunde. No. 117. Dordrecht: Foris Publications. 1986: 25.

14. Cùng nơi dẫn trên: 28.

15. Ikuta 1988.

16. Gần thành phố Lhok Seumawe tại Aceh ngày nay.

17. Latham, R. (thong dịch). The Travels of Marco Polo. London: Penguin Books, 1958; Ikuta 1988: 8.

18. Ikuta, 1988.

19. Hall, Daniel George Edward. History of Southeast Asia, 4th Edition. Basingstoke, Hants.: Macmillan, 1981.

20. Levathes, Louise. When China Ruled the Seas – The Treasure Fleet of the Dragon Throne, 1405 – 33. New York: Simon & Schuster, 1994: 99.

21. Nas 1986: 26.

22. Sự thờ phụng Mazu du nhập vào Đài Loan trong thời nhà Minh. Đền thờ Mazu cổ xưa nhất tại Đài Loan là ở Magong, trên đảo Bành Ho6` (Penghu Islands). Cho đến giờ có vào khoảng 800 đền thờ Mazu tại Đài Loan. Tước hiệu “Thiên Hậu: Tian Hou” được chuẩn cấp bởi hoàng đế Khang Hi nhà Thanh sau chuyến đi thành công của ông sang Đài Loan. Tượng Mazu trong ngôi đền thờ Thiên Hậu lớn nhất tại Beigang, Đài Loan đã được mang từ Mei Zhou sang vào năm thứ 33 thời trị vì của vua Khang Hi. Sự thờ phụng Mazu cũng được phổ biến đến các khu định cư hải ngoại trên toàn thế giới. Tại Nhật Bản, sự thờ phụng có lẽ đã bắt đầu từ lúc có sự kết thúc triều đại nhà Minh, và vào khoảng 100 ngôi đền Mazu đã được dựng lên tại đó. Sự thờ phụng Mazu phổ biến bên ngoài Trung Hoa cùng với các làn song nhập cảnh dân Trung Hoa, và đền thờ bà trở thành một trong những thành tố sơ khởi của các khu định cư người Hoa hải ngoại tại Đông Nam Á.

23.Khi các người Bồ Đào Nha đầu tiên đổ bộ lên Áo Môn (Aomen), vùng châu thổ Châu Giang (Peral River), họ nhìn thấy một ngôi đền thờ Mazu (“Ma-kok-miu”) và rồi địa điểm được gọi là Ama-gao (:vịnh Amah hay Mẫu”), hay Macau.

24. Đúng theo hay được cho phép bởi một quy luật của Hồi Giáo Shari ‘a.



Nguồn: Johannes Widodo, The Boat and The City, Chinese Diaspora and the Architecture of Southeast Asian Coastal Cities, Chapter 2: The Maritime Trade and the Advent of Coastal Cities in Southeast Asia (1st-16th Cneturies), các trang 19 – 31 và 35-39, Singapore: 2004 Marshall Cavendish International.



Ngô Bắc dịch
30/4/2009


Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Chợ hay !

Độ này đi chợ cứ như bị mất cắp, tiền rút từ ATM thì đúng là vừa mới ra lò, không cẩn thận đứt tay như chơi. Mình chả hiểu biết gì về điều tiết kinh tế cả, nhưng suýt bật cười khi nghe bác thống đốc bảo hết tiền thì in tiền lo gì!
Thôi, bác í chả lo thì mỗi bà nội trợ phải tự lo chứ biết làm sao ?
Mỗi người lo một kiểu tùy theo cách của mình. Cách đi chợ họp siêu tốc thật sớm có lẽ là cách hay nhất mà những ông bà về hưu hay những người công nhân lựa chọn.

Và đây là một chợ lẻ siêu tốc trên phố, hàng ngon, giá dễ chịu.
Những chợ kiểu này có lẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc nhà nước bỏ ra hàng trăm tỉ để bình ổn giá!


Chợ họp trên vỉa hè

Từ mờ sáng
Rất cơ động
Đa phần từ ngoại ô vào

Chợ hôm rằm nên có phần phong phú hơn

Mọi người nhận xét hàng ngon, tươi, giá phải chăng

Nhưng cũng gây ô nhiễm nặng

Vỉa hè khu vực này lúc nào cũng đẫm mỡ


Người đi chợ mấy ai biết đây là cổng Viện Khảo cổ học 61 Phan Chu Trinh!

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Merry Christmas







Chia đều “lợi nhuận” từ di sản khảo cổ

TT - Dân địa phương, chính quyền, nhà khảo cổ học sẽ cùng được hưởng cả lợi ích vật chất lẫn tinh thần khi thực hiện khảo cổ học cộng đồng.



Ông Phạm Văn Hùng (trái) và ông Nguyễn Cao Lư - hai điển hình tiên tiến của khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam - Ảnh: Linh Đan

Đây là điều rút ra sau hội thảo quốc tế “Khảo cổ học vì lợi ích cộng đồng: chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia” từ ngày 20 đến 22-12 tại Thanh Hóa.

Đồi Vàng và nghề thủ công xâu chuỗi hạt

Phu Khao Thong trong tiếng Thái Lan nghĩa là Đồi Vàng. Là một địa điểm rất gần biển, Đồi Vàng cũng “thơm lây, giàu ké” nhờ những hải trình buôn bán trải dài qua nhiều quốc gia. Và dưới ngọn đồi ấy quả thật chôn giấu quá nhiều di sản khảo cổ với rất nhiều trang sức tinh xảo: từ đá bán quý đến đá quý và đặc biệt là vàng. “Vàng đã khiến vòng tròn khép kín người sưu tầm - nhà buôn - kẻ đào trộm cổ vật hình thành, bủa vây Đồi Vàng” - nhà khảo cổ Boonyarit Chaisuwan (Bộ Văn hóa Thái Lan) cho biết.

“Chúng tôi cùng dân làng đứng chết trân giữa khu di tích bị đào bới nham nhở. Những hiện vật ngoại lai có, nội địa có với niên đại cách đây tới 2.000 năm bị vứt tứ tung như ném một miếng rác.

Lũ trộm chỉ lấy vàng. Rồi chúng tôi tổ chức giáo dục di sản cho mọi người” - ông Boonyarit nói và chỉ tay vào một bức ảnh. Trong đó, hàng hàng đều tăm tắp học sinh mặc đồng phục quần xanh áo hồng, mắt chăm chú dõi theo bài giảng khảo cổ tại một di tích địa phương. Sau lưng các em, dãy bàn bày băng đĩa số hóa bài giảng này. Cạnh đó, những chuỗi đá được xâu lại theo mẫu cổ vật được đặt trang trọng trong hộp nhung đỏ. Chúng là những sản phẩm thủ công do dân địa phương làm khiến du khách mê tít, bỏ tiền mua không tiếc tay.

Khảo cổ học cộng đồng của chúng tôi là thế. Từ Đồi Vàng, dân địa phương đã đào được vàng mà không tốn một nhát cuốc xẻng. Khách du lịch đổ về xem trưng bày những di sản khảo cổ đã phát hiện. Họ có thể giới thiệu hàng giờ về chúng bằng những hiểu biết khảo cổ đã được bình dân hóa nên rất dễ hiểu. Họ thấm thía chừng nào Đồi Vàng còn, cuộc sống của họ còn được bảo đảm” - cán bộ Bộ Văn hóa Thái Lan khẳng định.


Hướng dẫn người dân thu nhặt di vật khảo cổ ở Thái Lan - Ảnh tư liệu


Người dân là tai mắt của nhà khảo cổ

“Khảo cổ học cộng đồng là khái niệm rất mới ở VN, song không phải vì thế mà chúng ta không có điển hình tiên tiến” - TS Nguyễn Giang Hải, tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN, vui vẻ khẳng định.

Điển hình tiên tiến trong hội thảo là ông Phạm Văn Hùng (Hoài Đức, Hà Nội) và ông Nguyễn Cao Lư (Ninh Bình). Yêu di chỉ Vườn Chuối quê mình từ những đợt khai quật năm 1994, 2001, ông Hùng đã cùng người dân theo dõi, chặn bắt được nhóm đào mộ cổ tại đây. Còn ông Lư, từ khi đọc sách khảo cổ học của con (hiện đang làm cao học khảo cổ học) đã phát hiện 22 di tích hang động ở Ninh Bình báo cho các nhà nghiên cứu.

Các di tích khảo cổ học thường nằm ở địa bàn dân cư, phần lớn được người dân vô tình phát hiện trong lúc sản xuất, xây dựng các công trình. Tại nước ta, gần như tất cả địa điểm khảo cổ lớn nhỏ mà các nhà khảo cổ phát hiện đều nhờ vào sự chỉ dẫn của người dân. Có thể nói ở VN, người dân là tai mắt của các nhà khảo cổ học!” - PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, phó chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết.

Còn ông Lư, trong câu chuyện của mình dí dỏm khái quát: “Tôi nghĩ khảo cổ học cộng đồng là khảo cổ học nhân dân. VN mình đã có quân đội nhân dân, chiến tranh nhân dân, giờ sẽ làm tốt khảo cổ học nhân dân nữa”.

Kỹ năng làm việc với cộng đồng

TS Rasmi Shoocongdep (Thái Lan) cho biết trong khảo cổ học cộng đồng, quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp với cộng đồng. “Chúng tôi tổ chức những buổi báo cáo ngay tại địa điểm khai quật và thay từ chuyên môn bằng ngôn ngữ bình dân để họ hiểu trọn vẹn. Người dân đến rất đông”.

Đây cũng là điểm được nhiều nhà khảo cổ học VN yêu cầu đưa ngay vào lịch trình các nghiên cứu khảo cổ học. “Chúng ta hoàn toàn có thể báo cáo ngay trên miệng hố, chứ không phải đưa di vật đi báo cáo ở hội trường cấp trên” - nhà khảo cổ học trẻ Lê Hải Đăng (Viện Khảo cổ) đề nghị.

TS khảo cổ học Nishimurra Masanari (Nhật Bản) cho biết giảng dạy khảo cổ học cộng đồng ở Nhật được làm từ khi trẻ còn nhỏ, tại các trường. Các em được phát những mảnh gốm để có thể ráp lại thành chiếc bình. Căn cứ vào hoa văn, chi tiết vốn là của những giai đoạn văn hóa nhất định, các em sẽ làm điều đó.

Với chi phí không lớn, lại có thể ghép cùng những môn học như lịch sử, mỹ thuật..., giảng dạy khảo cổ học cộng đồng hoàn toàn có thể thực hiện trong nhà trường ở VN” - người đã thực hiện nhiều dự án khảo cổ học cộng đồng này nói.

Lẽ dĩ nhiên, trong những câu chuyện bảo vệ di sản có hệ thống như thế này rất cần sự giúp đỡ của chính quyền. “Để bảo vệ Angkor, chúng tôi cần giãn dân và chính quyền đã cấp cho người dân nhà với khu nuôi trồng gia cầm, gia súc, hạ tầng miễn phí” - TS Im Sokrithy (Trung tâm bảo tồn quốc gia Siem Reap, Campuchia) chia sẻ.

Song theo TS Nishimurra: “Lòng nhiệt tình và quyết tâm theo đuổi khảo cổ học cộng đồng, bảo vệ di sản bền vững mới quan trọng nhất”.

Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO VN Phạm Sanh Châu:

3 xu hướng cộng đồng của UNESCO

Thứ nhất, UNESCO có xu hướng đề cao vai trò cộng đồng đối với di sản vì cộng đồng chính là chủ thể sáng tạo cũng như gìn giữ di sản. UNESCO đưa ra Công ước 2003 về bảo vệ các di sản phi vật thể. Theo đó, một di sản chỉ được công nhận di sản khi có sự đồng ý và tham gia của cộng đồng. Thứ hai, UNESCO có xu hướng giáo dục tất cả các tầng lớp trong cộng đồng về di sản văn hóa, di sản khảo cổ, di sản nghệ thuật. Cuối cùng, UNESCO cũng có xu hướng tạo công ăn việc làm cho người dân bản xứ, những người sống cạnh di sản.

Những xu thế này thực chất rất trùng hợp với cách làm khảo cổ học cộng đồng mà nhiều người đã đưa ra trong hội thảo này. Điểm thuận lợi cho VN khi hiện thực hóa những xu hướng này là người dân nước ta có tính cộng đồng rất cao.

LINH ĐAN

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/417129/Chia-deu-%E2%80%9Cloi-nhuan%E2%80%9D-tu-di-san-khao-co.html





Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Ba câu chuyện nhớ đời

Chuyện thứ nhất.
Ông đã từng là một sĩ quan quân y cao cấp, và là giám đốc của một tổng y viện lớn nhất miền Trung. Sau 1975, khi đi cải tạo về, ông được “lưu dung” làm tại một bệnh viện lớn của Sài Gòn. Với khả năng chuyên môn giỏi giang, ông được đề bạt làm trưởng một khoa bệnh nặng và khó.
Người Bắc di cư, ông lịch lãm, điềm đạm và hòa nhã. Nhưng dưới mắt một chú sinh viên năm cuối, ấn tượng về ông không chỉ có thế. Trong góc của khoa bệnh mà ông phụ trách có một căn phòng nhỏ. Nơi ấy là chỗ trú ngụ nhiều năm của một thanh niên bị một chứng khá nặng, hôn mê dầm dề không biết chừng nào tỉnh. Nhà đơn chiếc, ông sắp xếp cho cô chị chừng 20 tuổi của người bệnh thập tử nhất sinh này được đem chiếc máy may cũ kỹ vào bệnh viện. Vừa may vá kiếm tiền độ nhật, vừa chăm sóc đứa em trai xấu số.
Nhưng không chỉ có thế. Sau một buổi đi buồng, ông nói với bọn sinh viên lộc ngộc chúng tôi: “Lấy vợ thì để anh giới thiệu cho cô bé ấy. Nhìn cách cô ấy chăm em, anh biết đó là một hiền thê”. Nhìn cách ông nói nghiêm túc, tôi biết con người nhân hậu ấy không đùa. Ông đã che chở, cưu mang chị em nhà ấy bằng sự bao dung và tình cảm của một người cha.

Chuyện thứ hai
Ông cũng là một bác sĩ quân y được “lưu dung” sau thời gian cải tạo. Khắc khổ, gầy guộc với mái tóc hoa râm. Nhưng luôn ăn mặc chỉnh chu, thanh lịch. Đi làm bằng Piaggio rất chic và là chủ nhân của một phòng mạch rất đông khách. Ông dạy chúng tôi nhiệt tình, truyền hết những hiểu biết rất uyên bác của ông về một chuyên ngành khó.
Nhưng không chỉ có thế. Sau một buổi trình bệnh án, ông đốt một điếu thuốc, trầm ngâm nói khẽ: “Tôi nhớ lại khi bằng tuổi các em, vừa mới ra trường, hiếu thắng vô cùng. Tôi kê toa vô tội vạ, rất nhiều thứ thuốc mắc tiền để chứng tỏ mình giỏi giang, gì cũng biết. Giờ này nghĩ lại, không biết bao nhiêu người nghèo đã phá sản, bán hết ruộng vườn, ly tán… vì những toa thuốc háo thắng của mình hồi đó”? Bằng sự mẫn cảm của tuổi trẻ, tôi biết là ông nói thật, không làm dáng.

Chuyện thứ ba
Một đàn anh lập dị, thoạt nhìn có vẻ ngông nghênh, ít được đồng nghiệp gần gũi. Từ miền Bắc vào sau 1975, đảng viên, anh là trưởng khoa của một bệnh viện lớn.
Lại có một đàn anh khác bệnh thập tử nhất sinh, cần máy thở để hỗ trợ hô hấp. Ngặt nỗi thời ấy máy thở là của hiếm và đang bị một bệnh nhân khác là một VIP cao cấp chiếm dụng. Đời sống thực vật của VIP này thì giới trong nghề coi như đã “xong”, chỉ chờ ngày lành tháng tốt rút máy là TV phát ngay cáo phó.
Trong lúc đó, người đàn anh kia lại cần chiếc máy thở quí giá đó từng giây để chiến đấu tìm sự sống. Vị trưởng khoa nhà ta thấy cảnh bất bằng, quát hết volume trong buổi giao ban trước mặt Ban Giám đốc: “các anh dành máy thở cho một cái xác khô, trong khi đồng nghiệp mình đang thoi thóp cần nó để thở, các anh coi thế mà được à?”
Kết cục, anh nhất quyết dành cho bằng được chiếc máy thở đó cho một bệnh nhân-đồng nghiệp còn hy vọng sống sót, từ một người bệnh khác coi như cầm chắc cái chết. Dù người ấy là VIP!
Đừng bao giờ hỏi tôi tên họ của ba con người này. Vì họ chưa bao giờ xuất hiện trên TV, báo chí để rao giảng về y đức. Họ cũng chưa bao giờ mở miệng răn dạy bọn đàn em chúng tôi lấy nửa câu về nghĩa vụ luận y khoa. Thậm chí, họ văng tục khi bị triệu đi họp về công tác triển khai y đức gì gì đó…
Món y đức thời nay, hình như là đặc quyền hay đặc sản của vài quan chức. Họ rao giảng y đức trơn tuột, thao thao bất tuyệt. Họ không hề ý thức được một điều: y đức là đạo, là nghĩa lý cao thâm khôn lường. Trông lên y đức để thấy thẹn với lòng chưa bao giờ chu toàn trọn vẹn. Biết thế để kiêng dè khi nói đến y đức sâu xa, như người ta kiêng gọi tên cha tên mẹ vì sợ phạm húy.

Ngoài các y tổ, ai trong chúng tôi có thể nhân danh bản thân để rao giảng cho các đồng nghiệp mình về y đức?

Những người thầy-đàn anh nói trên, chưa hề cao giọng về y đức. Nhưng đã hơn 20 năm, tôi vẫn nhớ đến họ như những người thầy thuốc đôn hậu, khí khái và cương trực. Vì lòng nhân hậu, mẫn cảm với những số phận không may. Vì sự trung thực, luôn biết tự vấn lương tâm nghề nghiệp. Và vì cơn “thánh nộ” rất đáng kính trọng trong một cơ chế chằng chịt thời ấy.
Nhớ lại họ, những bậc đàn anh đáng kính đó, để thấy thằng tôi còn nhỏ bé vô cùng, thưa các bạn.


Đọc được bài viết hay này trên trang của Dr.Nikonian về y đức mà thực ra không chỉ về y đức, mang về đây cũng là để tự nhắc mình.

NHÀ YÊU