Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

Sorry !

Tôi đã viết phần Hai của loạt bài về “lễ khai ấn đền Trần”.
Tuy nhiên, khi thấy GS. Nguyễn Quang Ngọc (GV chủ nhiệm cũ của tôi), cũng bảo: “Lễ Khai ấn là tục lệ cổ mở đầu ngày làm việc chính thức đầu tiên của triều đình trong một năm mới… Kết thúc năm cũ là nghi lễ đóng ấn, và lễ khai ấn vào Rằm tháng Giêng khi triều đình chính thức trở lại với các công việc hành chính.” thì thấy phải CHU TOÀN hơn, CHẶT CHẼ hơn.

Vì thế xin KHẤT một vài bữa. Mong quý vị thông cảm !
Xin chép hầu một vài đoạn Đại Việt sử ký Toàn thư về chuyện phong quan-bổ chức dưới thời Trần:


Giáp Thìn, Hưng Long năm thứ 12 [1304],
Tháng 12…
Lấy Đoàn Nhữ Hài tri Khu mật viện sự.
Vua đối với người tôn thất như Bảo Hưng (không rõ tên) thân yêu hết mực, nhưng không trao cho việc chính sự, vì không có tài.
Còn như Nhữ Hài chỉ là một nho sinh thôi, nhưng vì có tài, nên không ngại trong việc ủy dụng nhanh vọt.


Canh Thân, [ Đại Khánh năm thứ 7 [1320], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 7). Mùa xuân, tháng Ba, ngày 16, Thượng hoàng [tức Trần Anh tông] băng ở cung Trùng Quang phủ Thiên Trường, rước linh cữu vào cửa Tường Phù, quàn tại cung Thánh Từ.

Thượng hoàng tính tình khiêm tốn hoà nhã, hoà mục với người
trong họ, mọi việc của triều đình đều tự mình quyết đoán.
Khi thư rỗi trong muôn việc bận, Thượng hoàng để tâm tới việc trước thuật. Nhưng viết được gì, vẽ được gì, ngài đều đốt cả. Tập thơ ngự chế tên là Thủy vân tùy bút, trước khi mất, cũng đốt đi.
Hồi còn trẻ, thích uống rượu, Nhân tông răn bảo chuyện đó. Từ đấy không bao giờ uống nữa.
Ngài từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều.
Nhân tông biết được, sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng:
- “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế?”
Từ đó lại càng thận trọng khi ban chức tước.

Quý Hợi, Đại Khánh năm thứ 10 [1323],
Tháng 12…
Lấy Uy Giản hầu (không rõ tên) làm Tham thị triều chính trị quân quốc sự.
Thân thuộc có kẻ chê chức ấy thấp.
Uy Giản bảo chúng:
- “Bọn bay ngu quá, phàm bề tôi được chúa thượng trông tới, đều do ở lòng thánh lựa chọn, chứ không phải là sức người làm nổi, sao lại được càn rỡ nghĩ xằng? Ta may được đội ơn yêu quý, thực đã quá lòng mong muốn rồi, bàn chi đến chức cao hay thấp”.
Vua nghe biết, cho là những lời nói phải.

XIN LƯU Ý, ĐÓ LÀ NGUYÊN VĂN (sic).
Vua ấy, tôi ấy không thể ĐẦU TÊU cho chuyện CẦU QUAN MUA CHỨC được.
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/?zx=41cd6fe0b3d054de

1 nhận xét:

  1. Tôi chưa đọc đủ rộng và đi đủ nhiều để biết gốc tích của những lễ hội như kiểu Khai ấn. Tôi cho rằng TẠO RA lễ hội mới cũng chẳng sao, nhưng đó là chuyện phải đặt riêng phải khác. Còn có vẻ như cái gì cũng móc nối một cách vô tội vạ và vô căn cứ cho quá khứ ngàn xưa thì tủi nhục cho người của quá khứ lắm lắm!!! Tại sao cứ phải càng cổ xưa càng tốt?

    Trả lờiXóa