Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

“Khai đao…trảm ấn”

Tờ ấn. Ảnh: TPO

Ở đâu trên thế giới này cũng vậy, phàm đã là người, hầu hết ai cũng muốn quyền cao chức trọng. Quan chức thường đi theo bổng lộc, giầu sang phú quí suốt một đời người, “một người làm quan, cả họ được nhờ”.


Thi nhân Nguyễn Bính từng “ước mong” cho anh lái đò nghèo “Để tôi mơ mãi, mơ nhiều//Tước đay se võng nhuộm điều ta đi.//Tưng bừng vua mở khoa thi,//Tôi đỗ quan Trạng, vinh quy về làng//Võng anh đi trước võng nàng.//Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.”




Sinh ra ở Nam Định, một vùng đất đồng chiêm nghèo khó, rất có thể trong đời, cố thi nhân đã từng đến dự lễ Khai ấn tại đền Trần, thuộc thành Nam, mơ cho mình chiếc võng.


Lễ trang trọng này được xem là “linh hồn” của lễ hội đền Trần nói chung. Tương truyền, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng Giêng, vua Trần đã mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức cho các quan, quân có công lao đối với đất nước.


Kể từ đó, cứ vào ngày này đúng giờ Tý (23h), các vua Trần lại “khai ấn” đánh dấu sự trở lại quốc sự sau khi nghỉ Tết nguyên đán. “Phúc đẳng hà sa” nếu ai nhận được tờ ấn như thế.


Người ta tin, thời của các vua Trần cách đây gần nghìn năm và sau này, lễ hội được tổ chức trang trọng. Tiếng trống vang lên khắp 9 đình chùa, lệnh ban ra, ai nấy đều cúi rạp mình, nghe tiếng đức vua sang sảng phán truyền.




Đền Trần. Wiki

Không một tiếng động, không ai chen lấn, tôn ty trật tự, trên dưới rõ ràng. Người ban ấn, kẻ nhận ấn và người xem đều thấy sự thưởng công, phong tước rất xứng đáng.


Những vị vua Trần thuộc về dòng dõi anh minh, mọi lời vua phán được coi như thánh phán. Không ai dám trái lời và không muốn trái lời. Muôn người như một.


Không phải ngẫu nhiên, thời Trần được coi là thời đại vinh quang nhất trong lịch sử nước Việt. Từ bao đời, xuất phát từ trái tim, người dân gọi Trần Quốc Tuấn là Đức Thánh Trần.


Thế hệ sau tiếp tục duy trì lễ “Khai ấn” này để tưởng nhớ công đức của các vua thưở trước, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.


Ngoài chuyện hướng về cội nguồn, người dự còn mang theo yếu tố tâm linh, ước mong nhận “ấn tín Vua ban”, cầu may cho một năm may mắn và hạnh phúc.


Chỉ có điều, với thời gian mai một, những lễ hội như đền Trần, hội Lim, hội chùa Hương, bà Chúa Kho đã dần biến tướng. Lễ hội văn hóa, truyền thống nhưng đã có nhiều nét bị thương mại hóa, đôi chỗ trở thành vô văn hóa và phi truyền thống.


Như TPO và nhiều báo đưa tin, chưa đến 23 giờ, lễ khai ấn trong Đền vẫn đang diễn ra thì bên ngoài đền một biển người bỗng dưng nổi sóng hỗn loạn ùn ùn xô đổ hàng loạt rào chắn… Tiếng la tiếng khóc của người bị chèn ép, ngất lịm, người mất của kêu cứu inh ỏi.


Lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động tối đa ra chặn lại và tổ chức cấp cứu cho những người bị ngất. Nhưng chỉ cầm cự được khoảng 15 phút thì vỡ bung cả một cơn bão người lao vào đền.


Người nghèo kiếm được tờ ấn đem bán kiếm lời. Kẻ giầu lắm tiền, trọc phú, muốn có chút hơi hướng quan trường, bỏ tiền mua lại. Ngang nhiên mua bán ở chốn đền linh thiêng ngay trước mặt vua Trần và cả ngoài đời.


Lễ Khai ấn trở thành nỗi hãi hùng của hàng vạn người khi phải đạp lên nhau xông vào đền “cướp” ấn. Tranh giành, đạp đầu nhau để “làm quan”, chắc chỉ có thời nay mới xảy ra.

 Sau những khói hương trong đền, các vị thánh Trần thấy cảnh đau lòng này sẽ nghĩ gì về “lượng” văn hóa trong đám con cháu đanh tranh cướp ngoài sân. Chắc cố thi nhân xưa cũng chẳng mơ hộ anh lái đò “vinh qui bái tổ” làm chi.




Đây không phải lần đầu tiên, và cũng không phải là lần cuối cùng, chuyện vô văn hóa xảy ra trong một sự kiện văn hoá hay lịch sử mang tầm vóc quốc gia. Hội hoa Hà nội, hội hoa anh đào, bánh chưng khổng lồ dâng vua Hùng, tượng đài Điện Biên, rồi bao nhiêu lễ hội khác biến thành nỗi buồn của những người có đôi chút hiểu biết.


Đổ lỗi cho ai đây? Một nền giáo dục nhiều bất cập kéo dài? Văn hóa và đạo đức của đám con cháu “tự nhiên” xuống cấp nghiêm trọng vì nền kinh tế thị trường? Người được thăng chức không phải do tài năng mà do “ngồi nhầm chỗ” hay ấn tín sử dụng sai mục đích?


Những chỉ tiêu, con số tăng trưởng về kinh tế không đi theo chỉ số văn hóa? Một nguyên nhân hay vì tất cả? Hay còn gì ẩn chứa bên trong hệ thống mà không ai biết được.


Đây là lúc chúng ta nên suy ngẫm về cội nguồn sức mạnh của dân tộc như thời Trần từng ba lần chiến thắng quân Nguyên. Tìm lối ra không khó. Khó là ở chỗ, có ai đó để tâm vào vai trò của văn hóa, thay vì chỉ lo các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng dương hay âm.


Lễ hội thành công hay thất bại nói lên “phông văn hóa” của một miền đất và cao hơn là chính quốc gia ấy và đó được gọi là một trong những sức mạnh mềm khi hội nhập. Thiếu sức mạnh mềm, khó mà đưa đất nước sang một vị thế mới.


Ai chẳng mong cuộc đời phong lưu, làm quan sang trọng, sống sung sướng một đời. Giấc mơ ấy là của chung nhân loại, của người dân thường, của doanh nhân giầu có, của thi nhân và cả của anh lái đò nghèo xưa. Đến dự lễ hội “Khai ấn” để mong ước về tương lai tốt đẹp là hoàn toàn thỏa đáng.


Tuy nhiên, dẫm lên nhau và tranh cướp hỗn loạn trong lễ hội quả là báng bổ đức thánh Trần, làm nhói đau bao con tim nhân ái, có khác chi, một lễ hội đầu xuân để người ta “khai đao…trảm ấn”.


Hiệu Minh. 2-03-2010.


Bài đăng trên Diễn đàn TPO

http://hieuminh.org/2010/03/01/le-khai-dao-tram-an/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét