Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

GIẾNG

Đi miền Trung từ những năm đầu 90, chân ướt chân ráo, cái gì cũng lạ.

Nhờ Thầy Vượng, nhờ đồng nghiệp, bạn bè từ Hà Nội và đặc biệt là từ địa phương từ xóm đến tỉnh mà vỡ được rất nhiều điều, học bao thứ hay đúng nghĩa của ″Đi một ngày đàng, học một sang khôn và học thầy không tầy học bạn″.

Cũng sau những chuyến điền dã như vậy mình rút ra được một vài thứ cần tránh trong nghiên cứu, trong tất cả những điều đó, đáng sợ nhất là định kiến và kinh nghiệm. Ví dụ điển hình về cái gọi là định kiến và kinh nghiệm chủ nghĩa chúng ta thấy rất rõ trong nghiên cứu về giếng Champa và kỹ thuật giếng Champa (rộng ra là ảnh hưởng Champa trong lịch sử và văn hoá  của người Việt ở miền Bắc và miền Trung).

Trước hết, để tồn tại được ở miền Trung, cư dân của Vương quốc Champa chắc chắn phải có những kỹ thuật và phương thức khai thác và sử dụng nước phù hợp, trước hết là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và canh tác... Điểm nổi bật trong sử dụng nước của cư dân Champa trước đây và của người Chăm Ninh Thuận hiện nay là phân biệt rạch ròi chức năng tín ngưỡng, tôn giáo với chức năng sinh hoạt, tưới tiêu. Do vậy trong tất cả các khu đền tháp Champa kể cả những nơi người Việt phá tan hoang thì giếng và dấu vết giếng vẫn còn. Cách đào giếng và xây giếng của cư dân CP cũng rất đa dạng, phụ thuộc vào địa hình và vật liệu khu vực, ở vùng cồn cát có loại giếng Mội khai thác nước ngầm tự phun lên, ở vùng sườn đồi đất đỏ bazan Quảng Trị, giếng  xếp đá thành từng mức theo  độ dốc, thu gom những mạch nước chảy từ  trên xuống và từ trong ra, ở vùng gò núi và đồng bằng duyên hải loại giếng nổi bật nhất và nhiều nhất là giếng hình vuông, đáy kè gỗ khai thác thu gom nước mạch, xây bằng gạch hay xếp đá tuỳ theo nguồn vật liệu địa phương. Đặc điểm chung của tất cả những giếng này là do có mạch tốt nên gần như không bao giờ bị cạn kiệt, nước trong và ngọt.

Bên cạnh những giếng có thể xác định được chủ nhân chắc chắn là cư dân Champa thì ở miền Trung cũng có nhiều giếng khai thác nước mạch ngầm xây bằng gạch, hình tròn mà các nhà nghiên cứu và người dân gọi là giếng Chăm, đây là vấn đề rất đau đầu và chưa có cách thức nào để xác định và cũng chưa có nghiên cứu nào đến nơi đến chốn. Đôi khi để kín kẽ, người ta gọi là giếng đào xây theo kỹ thuật Champa. Tuy nhiên cần lưu ý ở miền Trung bên cạnh lớp cư dân Champa còn có lớp cư dân Việt và cư dân Minh Hương, liệu họ có mang tới đây những kỹ thuật đào giếng của mình (như của người Minh Hương), hay đơn thuần chỉ là học kiểu thích nghi sinh thái đã có sẵn của cư dân Champa?  

Quay trở lại với những giếng đào lấy nước mạch ngầm xây gạch, xếp đá ong, xếp đá đôi khi gặp lẻ tẻ hay tập trung ở không gian văn hoá truyền thống của người Việt ở miền Bắc Việt Nam, nơi mà giếng đất thu gom nước mạch ngang và nước mưa và bể hay chum chứa nước mưa đã từ lâu thành biểu tượng vừa hay vừa dở. Đa phần các nhà nghiên cứu gắn loại giếng này với kỹ thuật giếng Champa vì trước hết đây là kỹ thuật lạ so với kỹ thuật giếng đất của người Việt và sau đó là những sự kiện lịch sử đã được ghi lại về di trú của tù binh Champa. Có thể có lý, nếu chúng ta nghiên cứu một cách cặn kẽ lối sinh hoạt của cư dân nơi đó, địa bàn phù hợp với ghi chú về  di trú của cộng đồng người Champa trong lịch sử và nếu có thể cả những phân tích DNA của cư dân nơi đó hiện nay để so sánh với người Chăm hiện nay, phân tích di truyền về ngôn ngữ và nhiều thứ nữa như kỹ thuật đào, tìm mạch và vật liệu ... Tuy nhiên hiện đang thiếu vắng những nghiên cứu liên ngành kiểu này, nên cứ thấy hao hao,″ xôi giống xôi, thủ giống thủ” thì bảo đó là kế thừa hay ảnh hưởng từ nơi khác.  

Thưc ra, hình dạng giếng, cách thức đào và xây giếng còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện địa hình, địa mạo, ở vùng bán sơn địa, giếng đào sâu hun hút rất nhiều, xây gạch, xây bằng đá ong, xếp đá ...  liệu có nên gắn với giếng Champa? Những giếng tròn sâu xây bằng gạch thời Lý, thời Trần... trong khu khai quật Hoàng thành Thăng Long khơi lên nước vẫn trong, những giếng xếp đá ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc có niên hiệu thời Lê..., nên xếp vào truyền thống nào cho hợp lý và khoa học.

Những giếng  (tương truyền 72 cái) ở Yên Sở gắn với địa bàn cũ của Colony tù binh Champa với những hàng dừa xanh (nơi từng quay bộ phim Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm) liệu có thể chắc chắn là đào theo kỹ thuật giếng Champa hay do tù binh Champa đào không?

Kỹ thuật lan truyền đôi khi trực tiếp và nhiều khi gián tiếp và khảo cổ học giếng còn rất mung lung.

Vì thế chỉ là cái giếng thôi mà đau hết cả đầu!