Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Giới thiệu ảnh quá trình phát hiện thóc gạo cổ ở Thành Dền (hố rác bếp số 3, hố 2 -10TD,H2, F3)

Đọc các bài trên báo viết và báo mạng về hiện tượng "thóc cổ Thành Dền" mới thấy thông tin "loạn cào cào", tất nhiên điều này rất dễ hiểu vì thời buổi này thông tin đi còn nhanh hơn tốc độ ánh sáng và vốn dĩ người dân hiểu công việc của các nhà khảo cổ đơn giản là đi đào cổ vật. Tuy nhiên có một số ý kiến đáng chú ý của một số nhà khảo cổ, cổ sinh... Họ hoài nghi về quy trình khai quật, lấy mẫu và bảo quản mẫu liệu có những sai sót hay bất cẩn dẫn đến sự lẫn lộn giữa cổ và mới.

Trong entry này và những entry tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu ảnh chụp quy trình khai quật một số hố rác bếp và bếp nơi phát hiện được nhiều vết tích thức ăn và thóc gạo, trong đó có một số hạt nẩy mầm. Cần phải nhấn mạnh rằng những hố rác bếp và bếp này đều nằm sâu dưới bề mặt đất hiện tại từ 1 đến 1,2m, đáy của chúng được đào sâu vào sinh thổ, cấu tạo thành phần đất và tổ hợp hiện vật trong các hố này giống nhau. Những hạt thóc cổ chắc có khả năng nảy mầm và đã nảy mầm, mọc rễ được tìm thấy ở nhiều hố rác bếp, chứ không phải chỉ ở một hố rác bếp. Tầng đất dày 1m đất nằm bên trên các hố rác bếp này không có dấu vết đào cố ý của con người tử trên xuống cũng như dấu vết hang chuột, lỗ giun, tổ mối... Trong quá trình lấy đất, đãi đất chúng tôi cũng không phát hiện được sai sót dẫn đến sự có mặt của thóc mới trong đám thóc gạo cổ. Do vậy, đối với chúng tôi, những hạt thóc này đáng được quan tâm nghiên cứu một cách khách quan và khoa học.

Quy trình khai quật hố rác bếp số 3 của hố 2 (10TD,H.2, F.3) (F viết tắt của Feature), các lớp đào dày trung bình từ 10-15cm, số thứ tự lớp đào tính từ trên xuống..
Hố 2, cách hố 1 qua mương nước, rộng 100m2 được mở tại ruộng trồng khoai lang, bên cạnh ruộng lúa đang mới làm đòng
 
Công đoạn đầu tiên là dọn thật sạch mặt bằng hố để đánh số chia ô



Trên mặt lớp 2 xuất lộ 01 rãnh đào muộn vào ô e1,2,3. Đất trong rãnh đã được lấy đi để xử lý riêng

 
Cũng ở lớp này có 01 cụm hiện vật niên đại thế kỷ 9-10

 
Hiện vật đồng văn hóa Đồng Đậu xuất lộ trong lớp này


 
Xử lý đất của lớp 3

 
Lớp 5 ô a1 vẫn có hiện vật niên đại thế kỷ 9-10 lẫn vào, đến lớp này vẫn chưa nhận rõ dấu hiệu của các hố rác bếp F3, F4 và F5 

 



Mặt bằng lớp 6

Mặt bằng lớp 6 xuất lộ F4 và miệng của F3


Mặt bằng lớp 8 xuất lộ F4 và F3 rõ ràng hơn


F13, F14 nơi tìm thấy những hạt thóc, gạo cổ


Cận cảnh F14, F15


Đất đãi tìm thấy hạt thóc, gạo cháy và vỏ trấu, 10 hạt thóc sau đó nảy mầm được lấy từ hố rác bếp số 3 này (F3)


Xử lý riêng đất của các hố rác bếp F3, F4 và F5


Lấy đất từ hố rác bếp 3 (F3) cho vào túi nilon mang đi đãi
 
Hố rác bếp 3 (F3) xử lý gần xong, gần đáy hố có những cục đất nung và đá nguyên liệu



Mặt cắt đất của hố rác bếp số 3 cho thấy không có bất cứ sự đào bới nào từ trên xuống


Cận cảnh mặt cắt cho thấy các tầng đất rất ổn định


Sinh thổ của hố 2, ô khoanh tròn màu đỏ chỉ dẫn vị trí đáy của hố rác bếp số 3 (F3)

Đất trong hố rác bếp sau khi được nhặt hết các mảnh gốm, cục đất nung...được đem đi đãi bằng nước.
Kết quả đã phát hiện khá nhiều gạo cháy, vỏ trấu, hạt thóc lép và ít hạt thóc mẩy, xương...


 
Mỗi mẻ đãi chỉ được 1 đến 2 hạt thóc, gạo cháy
 
Hạt thóc đầu tiên do Th.s. Bùi  Hữu Tiến đãi được ngày 5.5.2010




Hạt thóc nẩy mầm phát hiện trong mẻ đãi ngày 6.5.2010
 

Ngâm nước bảo quản


Đa phần là tẻ, rất ít nếp


 Gạo cháy


Ngoài những hạt nảy mầm đã thành mạ và 4 cây đã được cấy, còn 01 hạt thóc mẩy đang ủ, nhưng khả năng nảy mầm rất ít, do để trong tủ lạnh lâu ngày


Hạt thóc cổ đang ủ  đã bị trương nứt (giữa) với hạt thóc tám thơm mới (hai bên)! 

 
Entry sau về quy trình xử lý hố rác bếp số 4, hố 2 (F4,H.2)!

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Mẻ đãi cuối cùng tại Thành Dền



Cuộc khai quật Thành Dền lần thứ 7 sắp kết thúc, đoàn khai quật đang tiến hành những công việc đo vẽ, chụp ảnh mặt cắt và mặt bằng sinh thổ của các hố khai quật. Đào ba hố nên phải vẽ 12 mặt cắt, lại còn thêm mặt cắt của một số vách khống chế nữa. Mấy hôm đầu các vách hố khai quật được thầy Chiều chăm chút nên đẹp như tranh vẽ, nhưng rồi mưa nắng thất thường đã làm cho mép vách hố bị lở lói, trông mà đau hết cả ruột, bề mặt sinh thổ là trầm tích sét biển Pleistocene, người Đồng Đậu đào rất nhiều hố lớn, bé...nên nom cứ như cảnh trên mặt trăng. Khổ nhất là vẽ sinh thổ lồi lõm những hố là hố, công đoạn đo độ sâu chắc cũng vất không kém. Chỉ mong trời đừng mưa nữa, mỗi lần mưa xuống riêng công tát nước, dọn và nạo lại vách và mặt bằng không biết bao nhiêu mà kể.
Hôm thứ 4 (ngày 26.5), trời lúc mưa lúc tạnh, bà con nhân công về đi chợ, còn lại mấy cô trò, hai  chàng Tiến mặc áo mưa xuống dọn hố, xử lý nốt bếp số 13 của hố 3. Đất ở giữa bếp đen kịt, có vẻ rất tiềm năng. Cô trò quyết định đào và đãi đất trong những hố nước sâu xuống sinh thổ của  hố 3. Kết quả thật là hoành tráng, cả người đào, người đãi và người nhặt đều sướng râm ran.

Kết quả của một buổi sáng đào và đãi đất

Bếp (F13, hố 3) nằm ngay trên bề mặt sinh thổ, cách mặt đất hiện tại khoảng 1,2m

Lấy đất của 1/4 bếp nhặt và đãi, lấy than ở giữa bếp để xác định niên đại C14


Mẻ đầu cho thấy đầy hy vọng
Sau nhiều ngày đãi, tay nghề của mấy bà mấy chị lên cao

  Dây chuyền đãi gạo, thóc, nhặt sướng cả tay

Ngay giữa bếp là một tảng than tre, tha hồ làm C14 hay AMS, mỗi tội chưa biết kiếm đâu ra tiền và gửi đi đâu, viết thư gửi mấy nơi rồi mà chưa có hồi âm

Những hạt gạo đẹp long lanh, đa phần là gạo nếp, chỉ có vài hạt tẻ

Thiếu 7 hạt nữa là chẵn 900

Và chỉ được 3 hạt thóc lép khi đãi đất lấy ở vành bếp, thứ hai tuần tới chắc phải đốt thử một vài hạt thóc mới gặt trong bếp củi của nhà anh chị Đạt xem hình thù thế nào làm đối sánh!

Một mảnh khuôn đúc rìu bằng sa thạch nằm ngay trong bếp cạnh khá nhiều mảnh gốm giai đoạn văn hóa Đồng Đậu, khuôn có dấu bụi đồng li ti và lửa táp

Đáy bếp lộ ra sau khi lấy hết đất chứa dấu tích văn hóa

Trời mưa nắng thất thường nên việc để lại các hố đào chờ cuộc báo cáo sơ bộ tại xã Tự Lập xem ra khó khả thi. Sau mỗi cơn mưa, hố đào trông tang thương!

Phải mất nửa buổi sáng may ra mới tát hết nước, dọn bùn, nạo mặt bằng đảm bảo không còn đất rơi vãi.

Rốt cục, làm khảo cổ cũng vẫn phải "Ơn trời mưa nắng phải thì"!

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Thăng Long 9 san phẳng di chỉ khảo cổ

Hồng Quân

Để mở đường cho xe chở cát vào đổ nền khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội, công ty Thăng Long 9 đã cho xe xúc san phẳng 250 m2 gò Vườn Chuối, một di chỉ khảo cổ rất quan trọng ở miền Bắc Việt Nam.

Gò Vườn Chuối là một trong 6 gò đất thuộc cùng một phức hệ di tích, nằm trên địa phận thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969, địa điểm này được biết đến như một di chỉ khảo cổ rất quan trọng ở miền bắc Việt Nam.
Vụ việc xâm phạm gò Vườn Chuối được ông Phạm Văn Hùng, đội trưởng đội an ninh thôn Lai Xá phát hiện vào khoảng 9h sáng hôm qua.


Gò Vườn Chuối là một gò đất cao khoảng 1m, rộng hàng nghìn mét vuông đã bị san phẳng một góc khá lớn.

Theo ông Hùng, một nhóm nhân công có trang bị xe xúc và máy đo trắc địa của công ty Thăng Long 9 bắt đầu tiến hành san ủi gò Vườn Chuối từ sáng sớm. Khi được phát hiện, một diện tích khá lớn của gò đã bị san phẳng. Mục đích của việc làm này là để mở đường cho xe chở cát từ đường 32 vào đổ nền cho dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch.

Các cột mốc đánh dấu đã được công ty Thăng Long 9 đóng trên gò Vườn Chuối vào một tuần trước. Tuy nhiên, khi đó chưa ai biết ‎ý định của công ty này. Ông Hùng đã thông báo cho chính quyền thôn Lai Xá và xã Kim Chung biết sự việc.
Sau khi nhận phản hồi của chính quyền địa phương, đại diện của công ty Thăng Long 9 đã đến hiện trường và yêu cầu ngừng mọi hoạt động san ủi ở gò Vườn Chuối. Lý do mà Thăng Long 9 đưa ra để giải thích cho chuyện xâm phạm gò Vườn Chuối là do “làm nhầm”.

Trao đổi với Đất Việt, ông Lê Văn Nhật, trưởng thôn Lai Xá cho biết: việc công ty Thăng Long 9 cho xe cơ giới san ủi gò Vườn Chuối là hoàn toàn sai trái, bởi địa phương đã có công văn và đang chờ những ý‎ kiến chỉ đạo việc khai quật và bảo tồn di chỉ khảo cổ này.
Theo ông Nhật, trước đây đơn vị thi công của công ty Thăng Long 9 đã đặt vấn đề với thôn yêu cầu các hộ dân chưa nhận tiền giải phóng măt bằng cho “đi nhờ” qua một phần đất bên dưới gò Vườn Chuối. Vì chưa nhận tiền nên các hộ này kiên quyết không cho đi.
Có lẽ, do bị thúc ép tiến độ mà công ty Thăng Long 9 đã tự ý san ủi gò Vườn Chuối, vốn là đất công, để tránh sự phản đối của người dân khi mở đường.

Tại nền đất bị san ủi, rất nhiều mảnh gốm cổ xuất lộ.

Có mặt tại hiện trường, thạc sỹ Bùi Hữu Tiến, cán bộ Bảo tàng Nhân học bức xúc cho hay: “Việc làm của công ty Thăng Long 9 là không thể chấp nhận được, bởi di chỉ khảo cổ Vườn Chuối là một di chỉ có ý ‎nghĩa rất quan trọng đối với ngành khảo cổ trong nước”.
Diện tích bị san phẳng tại gò Vườn Chuối vào khoảng 250 m2. Tuy nhiên, vẫn còn may mắn là sự việc đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, và khu vực bị phá hoại nằm ở phần rìa phía Tây, không phải là khu trung tâm của gò Vườn Chuối.

Một số mảnh gốm cổ được thu thập tại gò Vườn Chuối sáng 26/5.

Ghi nhận của Đất Việt, trên nền đất bị san ủi xuất hiện rất nhiều mảnh gốm cổ. Thạc sỹ Tiến cho biết, những mảnh gốm này có niên đại từ thời kỳ Đông Sơn, cách ngày nay trên dưới 2.000 năm. Bên cạnh mảnh gốm, có cả các công cụ bằng đá và khuôn đúc đồng của người Việt cổ.
“Sau khi một đại học đưa đoàn sinh viên về khảo cổ thì chúng tôi được biết khu vực Vườn Chuối là một di tích lịch sử quan trọng cần được bảo tồn. Đây là niềm tự hào thứ 2 của người Lai Xá, sau việc làng Lai Xá được công nhận là một làng nghề nhiếp ảnh”, một người dân thôn Lai Xá nói.

NGUỒN: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Thang-Long-9-san-phang-di-chi-khao-co/20105/94636.datviet

“NHẦM” tý thôi mà! Các bác chớ có đưa em ra tòa mà buồn cười.




Duy nhất, mới chỉ có 1 người dám dọa đưa hành động xâm phạm di tích ra tòa là GS Trần Quốc Vượng. Và Thầy đã buộc Hà Nội: Ngừng thi công mở rộng đường Nguyễn Tri Phương.
Hồi tháng 11/2004, người ta mở rộng đường Nguyễn Tri Phương xuyên qua Thành cổ để làm lối đi cho trụ sở Bộ Quốc phòng mới. Khi Sở Giao thông công chính Hà Nội đã đào một hố dài 37m, rộng 8m, sâu 1,5m, làm xuất lộ nhiều hiện vật thời Lê và thời Nguyễn…
Trong dư luận phản đối Thầy Vượng lên tiếng gay gắt nhất khi tuyên bố sẽ Kiện UBND Hà Nội. Kết quả, đường ống cống ngầm của con đường này chỉ được đào sâu 1,5 m thay vì 3,0m đế không phá hủy di tích bên dưới.

Chiều qua, tôi được một đồng nghiệp báo rằng: Ở khu di tích Đô thị cổ Hội An- di sản văn hóa thế giới, người ta đang dùng máy xúc đào đường để hạ ngầm đường điện và nhiều thứ khác. Các cơ quan văn hóa đều bị đẩy ra rìa, “cùng với chó”.
Xin cập nhật chuyện này sau khi có thêm thông tin đầy đủ hơn.
.
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/2010/05/thang-long-9-san-phang-di-chi-khao-co.html#comment-form

Cách đây 2 hôm, cô trò tui đang đãi đất ở hố rác bếp số 13 của hố 3 di tích Thành Dền, đang rất hí hửng vì quá nhiều gạo cháy (đến nay đã thu được hơn 700 hạt gạo cháy và 3 hạt thóc) thì bác Hùng từ Vườn Chuối hớt hải gọi điện sang báo tin. Tiến vội chạy từ Thành Dền (Mê Linh) sang Vườn Chuối (Hoài Đức). Cũng còn may mà cán bộ thôn Lai Xá rất có trách nhiệm, nên đã ngăn chặn được việc đào làm đường này, nếu không thì chỉ biết khóc mà thôi. Tui chả biết làm thế nào bèn gọi cho Cục Di sản (nghĩ chả ăn thua), sau đó gọi cho vài phóng viên (mới quen sau vụ thóc Thành Dền)!
Thời buổi này công văn của UBND Hà Nội xem ra chỉ để làm phép thế thôi!