Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Nói thêm về hiện vật gốm vừa vớt từ sông Hương

Bác Hồ Tấn Phan, một người sưu tập đồ gốm vớt từ sông Hương rất nổi tiếng ở Thành phố Huế  vừa gửi cho mình một số bức ảnh chụp hiện vật gốm có hình dáng lạ được xác định là vớt từ sông Hương, đoạn ngã ba Sình. Trong 1 entry trước mình đã đề cập đến đồ gốm này và cho rằng khó có thể xác định đây là đồ gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh.

Để mọi người tham khảo, mình đưa ảnh và những ý kiến của mình gửi bác Hồ Tấn Phan.

Ảnh hiện vật gốm bác Hồ Tấn Phan gửi, xin cảm ơn bác về những tấm ảnh chụp kỹ và rõ này.





 
Thư

Kính gửi bác Hồ Tấn Phan

Cám ơn bác đã gửi ảnh đồ gốm vớt từ sông Hương, ảnh chụp từ nhiều góc độ và đặc biệt chụp cả bên trong.
Để xác định niên đại và xuất sứ của đồ gốm này mà chỉ nhìn qua ảnh thật sự rất khó. Tuy nhiên có thể đưa ra một số nhận định ban đầu như sau:
1. Hình dạng: Đúng như bác đã nói trên phương tiện thông tin đại chúng, đây là loại hình chưa thấy (cho tới nay) trong các sưu tập gốm ở miền Trung Việt Nam. Theo ý kiến cá nhân của tôi, đây là hiện vật liên quan đến 1. Kiến trúc, để cắm lên một trụ nào đó…?; 2. Nghề thủ công hay một ngành nghề kiếm sống nào đó, ví dụ nghề đánh cá …?. Để tìm hiểu chức năng của đồ gốm này cần có thêm những so sánh dân tộc học hay nhân học văn hóa. Cũng cần so sánh với gốm Champa, Óc Eo hay gốm của các lò của người Việt từ thế kỷ 15 về sau ở MTVN.
2. Chất liệu: Đồ gốm này được làm từ đất sét đã được lọc (không kỹ lắm), có thể là loại gốm mịn vừa phải. Chất liệu này chưa thấy trong các văn hóa Tiền, Sơ sử Việt Nam, cụ thể là trong văn hóa Sa Huỳnh chưa tìm thấy đồ gốm với chất liệu đất sét đã được tinh lọc giống chất liệu của đồ gốm vừa vớt được này.
3. Kỹ thuật: Kỹ thuật dải cuộn, kỹ thuật này là kỹ thuật phổ biến từ thời Tiền, Sơ sử và các giai đoạn muộn hơn (thậm chí ngày nay người ta vẫn sử dụng kỹ thuật này). Tuy nhiên không rõ sau khi tạo hình bằng phương pháp này, người ta có sang sửa trên bàn xoay hay không.
4. Độ nung: Độ nung vừa phải, màu sắc gốm đều cho thấy gốm có thể được nung trong lò, đây không phải sản phẩm nung lộ thiên kiểu gốm Tiền, Sơ sử hay gốm dân gian.
5. Niên đại: Chắc chắn không thuộc văn hóa Sa Huỳnh, có nhiều khả năng đây là gốm của những thời kỳ lịch sử muộn hơn, sớm nhất là tương đương giai đoạn Champa phát triển từ sau thế kỷ 5, cũng có thể là gốm từ sau thế kỷ 10.
Kính thư

Lâm Thị Mỹ Dung

Ai có ý kiến gì về đồ gốm này xin cho biết thông tin.
Xin cám ơn.

3 nhận xét:

  1. là lá la, sinh nhật mẹ là sinh nhật mẹ :D

    Trả lờiXóa
  2. Em đồng ý với cô là hiện vật này không thuộc văn hóa Sa Huỳnh và có niên đại muộn. Thậm chí, em nghĩ là niên đại sớm nhất của nó không vượt quá thế kỷ thứ VII.

    Trả lờiXóa