Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Cồng chiêng Tây Nguyên sản xuất tại... Thái Lan

SGTT.VN - Từ Pháp trở về Việt Nam tham dự hai sự kiện lớn của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế đang cùng lúc diễn ra tại Hà Nội: Hội nghị lần 6 “Âm nhạc và các dân tộc thiểu số”; Hội nghị lần 2 “Âm nhạc dân tộc học ứng dụng”, giáo sư (GS) Trần Quang Hải bày tỏ mối lo trước hiện tượng hiện đại hoá các di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc, đặc biệt là cồng chiêng Tây Nguyên.

Cồng chiêng Tây Nguyên đứng trước nguy cơ bị "Tây hoá". Ảnh: H.L


GS đăng ký trình bày một tham luận có cái tên rất dài: “Phương Tây hoá và hiện đại hoá cồng chiêng của người Tây Nguyên Việt Nam: Điều đó có tốt cho sự phát triển âm nhạc của họ trong sự toàn cầu hoá âm nhạc thế giới?”. Thực trạng nào khiến ông phải đặt ra câu hỏi ấy?


Kể từ khi được Unesco công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể của thế giới”, cồng chiêng Tây Nguyên bỗng thay đổi chóng mặt. Trong dàn cồng chiêng cổ, tôi thấy xuất hiện ngày càng nhiều cồng chiêng sản xuất tại Thái Lan. Trông thì đẹp mã, bóng bẩy, sơn son, phết vàng, về mặt chất lượng thì âm cũng chuẩn, cao độ cũng tốt, nhưng đó không phải là cồng chiêng của người Tây Nguyên.


Cồng chiêng do bàn tay người Tây Nguyên làm ra, nó thấm đẫm hơi thở của núi rừng. Mỗi một cái cồng, cái chiêng, có khi phải tỉ mẩn rèn, đúc cả năm trời mới làm xong. Cứ hoàn thành một dàn cồng chiêng, là lại tiến hành tế lễ, giết gà, mổ bò, mổ trâu.



Giáo sư Trần Quang Hải. Ảnh: H.L


Người Tây Nguyên tin rằng, lớp đồng đen trên bề mặt cồng chiêng được phết thêm máu gia súc dùng trong tế lễ, thì cái cồng, cái chiêng đó đánh lên, mới phát ra đúng âm thanh của Tây Nguyên. Ấy thế mà hiện nay lại có những chàng trai Tây Nguyên dám đem những cái cồng, cái chiêng ông bà, tổ tiên để lại ra gọt chỗ này, cạo chỗ kia, rồi tạo nên âm giai thất cung thay thế vào để chơi nhạc mới.


Người ta dùng những cái cồng, chiêng lai căng ấy chơi đủ thứ nhạc từ Pop đến Rock mà không hiểu rằng, sở dĩ cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể thế giới” là bởi nó là báu vật riêng có của núi rừng Tây Nguyên, và chỉ duy nhất cồng chiêng Tây Nguyên mới phát ra được thứ âm thanh độc đáo rặt Tây Nguyên. Vậy mà…


Chưa hết đâu, cách trình diễn cồng chiêng dạo này cũng được “cách tân” triệt để. Trước kia, một dàn cồng chiêng cần đến cả chục người cùng tham gia biểu diễn. Kỹ thuật đánh hết sức phong phú, và phải rèn luyên lâu năm mới thuần thục. Còn bây giờ, có khi, người ta gắn cồng, chiêng vào một cái khung, rồi một người đứng gõ cốc cốc. Cứ cái đà này, tôi nghĩ, cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ đánh mất mình, mà còn có thể đánh mất luôn danh hiệu cao quý “Di sản văn hoá phi vật thể thế giới”.


Từ trước đến nay đã có Di sản văn hoá phi vật thể thế giới nào bị Unesco lấy lại danh hiệu chưa, thưa GS?


Đã có một vài trường hợp. Unesco quy định rất rõ: Di sản văn hoá phi vật thể nào được vinh danh, thì cần phải bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng, không được phép cải tiến, thay đổi. Nếu “phạm luật”, Unesco chắc chắn thu hồi lại danh hiệu.


Cứ cái đà này, tôi nghĩ cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ đánh mất mình, mà còn có thể đánh mất luôn danh hiệu cao quý “Di sản văn hoá phi vật thể thế giới”.


Ông đã cảnh báo nguy cơ này với những người có trách nhiệm?


Chỉ một năm sau khi cồng chiêng Tây Nguyên trở thành “Di sản văn hoá phi vật thể thế giới”, tôi đã thấy GS Tô Ngọc Thanh lên tiếng cảnh báo. Tiếp đến là cha tôi, GS Trần Văn Khê. Nhưng từ đó đến nay, hiện tượng “Tây hoá” cồng chiêng Tây Nguyên không hề chấm dứt.


Sau khi được công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể thế giới”, không chỉ cồng chiêng Tây Nguyên mà cả quan họ Bắc Ninh, nhã nhạc cung đình Huế đều bị phôi pha “hương đồng gió nội” trong cơn lốc du lịch hoá, thương mại hoá... Phải chăng chúng ta mới chỉ “vô tư” sở hữu danh hiệu cao quý ấy mà chưa nhận thức đầy đủ những trọng trách kèm theo?


Đúng vậy! Trước khi trở thành “Di sản văn hoá phi vật thể thế giới”, Tây Nguyên có 6.000 dàn cồng chiêng. Hiện tại, chỉ còn có 2.000, mất đi 4.000. Do đâu?


Cồng chiêng được vinh danh và bởi thế, thu hút nhiều hơn các nhà sưu tầm cổ vật cũng như du khách. Vì hoàn cảnh, nhiều người Tây Nguyên bất đắc dĩ buộc phải bán đi cái cồng, cái chiêng tồn tại đã bao đời của dân tộc mình, gia đình mình. Vậy mà những năm qua, tôi chưa thấy có dự án nào hỗ trợ bà con Tây Nguyên trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ vốn quý cha ông để lại.


Quan họ Bắc Ninh dạo này xuất hiện khá nhiều trong các tour du lịch. Ở chỗ này, chỗ kia đã thấy người ta rì rầm chuyện liền anh, liền chị biểu diễn xong thì xuống xin du khách tiền bồi dưỡng. Quan họ mà đi xin tiền thì đâu còn là quan họ! Nhã nhạc cung đình Huế, gần đây bỗng dưng được trình diễn kèm với múa. Nhã nhạc “nguyên gốc” làm gì có múa. Nhã nhạc có múa tức là mang hơi hướng du lịch hoá, thương mại hoá rồi.


Làm sao để chấn chỉnh tình trạng này đây? Tôi nghĩ chỉ có thể trông đợi ở cấp quản lý. Nếu đã có luật thì ai làm sai, cứ phạt nặng. Như thế có thể là hơi khắt khe, nhưng cần thiết!


Hương Lan (thực hiện)


http://sgtt.vn/Van-hoa/126404/Cong-chieng-Tay-Nguyen-san-xuat-tai-Thai-Lan.html

BÀI VIẾT CÓ HAI VẤN ĐỀ CẦN NÓI LẠI CHO RÕ
1. Theo sự hiểu biết của mình, người dân tộc ở Tây Nguyên không đúc chiêng, cồng. Chiêng, cồng mà họ sử dụng được mua từ nơi khác về. Ví dụ người Việt đúc chiêng, cồng, người dân tộc mua về tự chỉnh âm cho phù hợp - như trường hợp làng đúc Phước Kiều ở Điện Bàn Quảng Nam.
2. Trước khi lo họ tước mất danh hiệu "Di sản văn hóa phi vật thể thế giới" hão này thì hãy lo việc TỰ MÌNH ĐANG ĐÁNH MẤT CHÍNH MÌNH! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét