Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học – 3. Lâm Ấp qua những nghiên cứu ở Duy Xuyên

Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học – 3. Lâm Ấp qua những nghiên cứu ở Duy Xuyên
(Trích Đề tài Nghiên cứu Trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội – Mã số QGTĐ.06.07). Hà Nội 2008. Tài liệu lưu tại Tư liệu của Bảo tàng Nhân học, Hà Nội

I. Di tích Gò Cấm (Duy Xuyên, Quảng Nam)

Di tích này được Phòng Văn hoá Thông tin huyện Duy Xuyên và Bộ môn Khảo cổ học, trường ĐHKHXH & NV Hà Nội phát hiện và đào thăm dò năm 1998. Trong hố này đã phát hiện mảnh ngói, mảnh bình hình trứng và đồ gốm thô giống những loại hình hiện vật ở lớp dưới cùng của Trà Kiệu. Kết quả đã xác định “di chỉ Gò Cấm là di chỉ Trà Kiệu thứ hai”.
Từ năm 2000 đến năm 2002, địa điểm này đã được Viện Khảo cổ học Việt Nam đào thám sát và khai quật nhiều lần. Kết quả cho thấy, địa tầng Gò Cấm đơn giản, dưới lớp đất mặt dày từ 5-20cm là tầng văn hoá dày không đều từ 50-70cm. Ở một số điểm của Gò Cấm, đặc biệt là ở khu vực tìm thấy sàn nhà bằng gỗ cháy, tầng văn hoá Gò Cấm nằm chồng lên tầng văn hoá của di chỉ cư trú Thôn Tư có niên đại sơ kỳ sắt (văn hoá Sa Huỳnh). Ở một số điểm khác không thấy tầng văn hoá Sa Huỳnh này. Như vậy ở Gò Cấm có lớp văn hoá Sa Huỳnh (lớp dưới) và bên trên nó là lớp văn hoá Gò Cấm (lớp trên). Về niên đại kết thúc của lớp văn hoá Sa Huỳnh ở Gò Cấm và Thôn Tư vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau. Dù theo ý kiến nào thì vẫn có một khoảng thời gian trống giữa hai lớp văn hoá này tuy có sự tiếp nối truyền thống trong một số loại hình gốm sinh hoạt hàng ngày.
Di tích sàn nhà bằng gỗ đã bị cháy thuộc lớp văn hoá Gò Cấm. Sàn nhà này được tìm thấy trong khu vực hố khai quật 2 và 4. Sàn nhà có chiều dài 14m theo hướng bắc-nam, chếch 150, rộng 7,5m theo hướng đông-tây. Diện tích mặt sàn nhà khoảng 100m2 (Nguyễn Kim Dung 2007). Sàn gỗ này nằm ngay trên lớp văn hoá Sa Huỳnh (đồng đại với tầng văn hoá của di tích cư trú văn hoá Sa Huỳnh Thôn Tư).
Những tấm gỗ lát sàn được cưa, cắt và bào rất cẩn thận, những tấm sàn được định vị bằng ba hàng đố ngang. Sàn gỗ được kê bằng các chân kê thân gỗ tròn cưa phẳng đầu có chiều cao từ 25 đến 30cm, tại Gò Cấm đã tìm thấy 16 chân kê kiểu này.
Nhà Gò Cấm có vách dựng bằng các cây nhỏ trát đất sét trộn thực vật và những người khai quật còn lưu ý về dấu vết của vôi trên một số mảnh trát tường. Mái có bộ khung bằng gỗ và lợp bằng loại ngói được làm theo kỹ thuật Hán bên ngoài có văn in đập thừng, khắc hoặc ô vuông, ô trám, bên trong có dấu vải lót khuôn trống dính.
Loại nhà sàn gỗ có chân kê cách mặt đất một khoảng cách ngắn (thấp) rất phổ biến ở khu vực Đông Á cho đến tận ngày nay.
Dấu vết nhà thời Sơ sử và Lịch sử sớm ở Việt Nam rất hiếm hoi. Kiểu nhà có sàn gỗ lợp ngói in dấu vải tương tự như ở Gò Cấm (nhưng với cọc gỗ dài) đã được phát hiện tại khu vực trạm xá xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Di tích hiện còn lại 19 cọc gỗ cắm trong lớp bùn, vẫn còn một số mảnh ván sàn và 01 then cửa bằng gỗ. Ngói lợp ở đây cũng có dấu văn thừng bên trong. Những người phát hiện xác định đây là một ngôi nhà sàn có bộ khung gỗ lợp ngói, niên đại khoảng những thế kỷ đầu CN (Tam Mai 2000:369-370). Kiểu nhà Gò Cấm cho thấy kỹ thuật và phong cách thuần Hán, trong khi nhà ở Mộc Bắc có sự pha trộn giữa yếu tố Hán với yếu tố Đông Sơn.
Di vật tìm được ngay trên sàn nhà gỗ gồm có bình hình trứng nguyên hoặc mảnh vỡ (chiếm gần 70% số mảnh gốm trong hố), loại di vật phổ biến là ngói lợp (ngói rơi từ mái lợp xuống) và các loại gốm thô như bát đĩa, nồi, đĩa đèn... Nhìn chung, loại gốm thô này mang bóng dáng của loại hình và kỹ thuật của gốm Sa Huỳnh, nhưng nếu so sánh hai tổ hợp hiện vật tức tổ hợp gốm cư trú Sa Huỳnh Thôn Tư với tổ hợp gốm Gò Cấm chúng ta chỉ nhận thấy có một vài yếu tố chung được Gò Cấm kế thừa từ Sa Huỳnh Thôn Tư như loại bát hay nồi miệng khum có tô ánh chì, tô thổ hoàng, nồi có thân hình cầu và thân gẫy... Loại nồi miệng khum hay nồi có miệng đứng thành miệng lõm cho thấy việc sản xuất và sử dụng một số đồ gốm sinh hoạt hàng ngày không có sự thay đổi trong suốt thời gian từ Sa Huỳnh sang Gò Cấm song vẫn có một vài thay đổi trong cách thức xử lý bề mặt. Nồi Gò Cấm phía bên trong thường được bôi một lớp chì đen mỏng và không đều. Nồi đồng dạng trong văn hoá Sa Huỳnh ở Thôn Tư không có kiểu xử lý bề mặt như thế .
Bộ di vật Gò Cấm (kể cả những loại di vật đã nói ở trên) mang đậm yếu tố Đông Hán và phản ánh những quan hệ văn hoá với cả phía Bắc và phía Nam.
Trong bộ di vật này, bên cạnh hiện vật thuần Đông Hán (và cả hiện vật mang phong cánh Đông Hán) như bình, vò gốm cứng văn in, mũi tên đồng, khuyên tai thủy tinh hình trụ lõm ở giữa, phong nê... còn có một số hiện vật gốm thương mại Nam Ấn (Nguyến Kim Dung 2007).
Theo những người khai quật, Gò Cấm chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn khoảng từ giữa đến cuối thế kỷ 1SCN. Lý do tại sao Gò Cấm lại chấm dứt sự tồn tại của mình và liệu có thể gắn việc kết thúc của Gò Cấm với biến cố nào đó trong lịch sử, chúng ta khó có thể có câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên cần lưu ý nguyên nhân kết thúc của Gò Cấm có liên quan mật thiết tới vụ hoả hoạn lớn mà kết quả không những cả toà nhà bị cháy rụi mà dấu vết cháy còn thấy ở những hạt gạo cháy còn lại trong tầng văn hoá.
Do chúng ta chỉ mới khai quật ở một địa điểm là Gò Cấm nên phạm vi phân bố của lớp văn hoá này ở những vùng xung quanh Gò Cấm chưa được kiểm tra. Tuy vậy, Gò Cấm không thể tồn tại một cách đơn lập và duy nhất. Chúng tôi ngả theo hướng lý giải giữa Gò Cấm và Trà Kiệu không chỉ có mối quan hệ nguồn gốc và chỉ khi bị hoả hoạn cư dân Gò Cấm mới chuyển về Trà Kiệu. Tuy Gò Cấm có thể có niên đại khởi đầu sớm hơn một chút ít so với Trà Kiệu nhưng ở Gò Cấm vẫn có những yếu tố cho thấy nó có một thời kỳ song song cùng Trà Kiệu lớp sớm nhất, sự khác nhau giữa Gò Cấm và lớp văn hoá sớm nhất ở Trà Kiệu một phần do nguyên nhân lịch đại, một phần do tính chất và chức năng của địa điểm. Khó có thể cho rằng trong thời kỳ này có sự hiện diện chỉ của một điểm tụ cư đơn lẻ và duy nhất.
Vị thế của Gò Cấm cùng tính chất của hiện vật cho thấy Gò Cấm có những chức năng chuyên biệt nào đó về kinh tế và chính trị án ngữ trên con đường từ hạ lưu lên thường nguồn sông Thu Bồn. Vấn đề đặt ra ở đây là những cư dân sử dụng Gò Cấm sống ở đâu? Dù ở Thôn Tư sát ngay Gò Cấm và những vùng cận kề xung quanh Gò Cấm chúng ta chưa phát hiện được dấu vết văn hoá giống Gò Cấm, nhưng những khảo sát bước đầu của chúng tôi dọc theo các gò từ Gò Tây An, Gò Bờ Rang đến Gò Miếu Ông đã cho thấy những tín hiệu về sự phân bố khá rộng của lớp văn hoá tương đương Gò Cấm. Đó là những mảnh gốm Đông Hán - Lục Triều, tiền Ngũ Thù Đông Hán được tìm thấy trong những đợt khảo sát trước đây trên những gò này của Trường Đại học Khoa học XHNV, ĐHQG Hà Nội.

Lâm Thị Mỹ Dung và nhóm thực hiện đề tài

Tài liệu sử dụng
Nguyễn Kim Dung 2005. Di chỉ Gò Cấm và con đường tiếp biến văn hoá sau Sa Huỳnh khu vực Trà Kiệu. Khảo cổ học, số 6: 17-50.
Nguyễn Kim Dung 2007. Văn hoá Sa Huỳnh với mạng thương mại thời cổ. Bài tham gia hội thảo đề tài cấp Bộ “Tiếp xúc và giao lưu của văn hoá Sa Huỳnh”. Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
Tam Mai 2000, Dấu tích ngôi nhà sàn đầu CN. NPHMVKCH năm 1999: 369-370.
Minh họa

Vết tích sàn nhà gỗ cháy ở Gò Cấm (Nguồn: Nguyễn Kim Dung 2007)





Hiện vật gốm Gò Cấm (không tính lớp văn hoá Sa Huỳnh ở dưới sàn nhà gỗ cháy)
(Nguồn: Nguyễn Kim Dung 2007 và tư liệu khai quật của tác giả)



Mảnh thân nồi lớp văn hoá Gò Cấm và lớp văn hoá Sa Huỳnh
(Nguồn: tài liệu khai quật 2005 của tác giả)

Hiện vật có nguồn gốc Trung Hoa ở Gò Cấm (Nguồn: Nguyễn Kim Dung 2007)
Gốm thương mại Nam Ấn ở Gò Cấm (Nguồn: Nguyễn Kim Dung 2007)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét