Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

NÔI NÔNG NGHIỆP ĐẦU TIÊN CỦA NHÂN LOẠI

NÔI NÔNG NGHIỆP ĐẦU TIÊN CỦA NHÂN LOẠI

Trần Văn Đạt, Ph. D.

1. Dẫn Nhập
Nôi nông nghiệp sơ khai của nhân loại đã xuất hiện ở đâu và từ lúc nào? Nhiều người nói đến cuộc cách mạng xanh đầu tiên của loài người đã làm thay đổi hẳn cục diện đời sống từ hoang dã di chuyển đến sinh hoạt sử dụng trí khôn, từ cuộc sống du mục đến thời kỳ định cư. Cuộc Cách mạng này đã phát sinh một nền nông nghiệp nguyên thủy, và những nông dân đầu tiên của nhân loại phải tranh đấu từng ngày với thiên nhiên để tự làm chủ cuộc sống mình. Nhờ Cuộc Cách Mạng đó, chúng ta có nền văn minh hiện đại hôm nay.

Theo đa số học giả thế giới, kỷ thứ Tư còn gọi là kỷ Nhân Sinh dài khoảng 1,5 đến 2 triệu năm, được phân chia thành hai thế: Cánh tân (Pleistocene) và Toàn tân (Holocene xảy ra trong 10.000 năm sau cùng), gồm có 3 thời kỳ quan trọng: thời đại Đồ Đá, thời đại Đồ Đồng và thời đại Đồ Sắt. Thời đại Đồ Đá là thời kỳ dài nhứt của lịch sử loài người, chỉ chấm dứt cách nay khoảng 6.000 năm. Theo các cuộc nghiên cứu cho biết vào thời đại đá cũ Người Vượn (Homo erectus) có nguồn gốc từ Phi Châu, đã di cư tới Á Châu cách nay độ một triệu năm (Ciochon, 1988). Người Vượn có thể xuất hiện trên đất nước Việt Nam cách nay độ 250.000 năm hoặc sớm hơn, nhưng chưa có chứng cớ xác thực. Sau này Người Khôn Ngoan Sớm (Homo sapien) (Hình 1) có thể hiện diện ở nước ta cách nay 70.000-60.000 năm và Người Khôn Ngoan Muộn (Homo sapiens sapiens) độ 30.000 năm đến nay, căn cứ vào một số di vật khảo cổ được tìm thấy, như răng, cốt người hóa thạch trong các hang động (Viện Khảo Cổ Học, 1998).

Với quá trình tiến hóa lâu dài, con người khi sống trong một môi trường thiên nhiên thuận lợi, và đến khi có đủ trí khôn mới bước vào thời đại mới tất yếu - nền nông nghiệp sơ khai – bước ngoặc mở đường cho các đợt sóng văn minh nhân loại sau này. Nếu không có cuộc Cách Mạng Nông Nghiệp xuất hiện cách nay khoảng 11.000 năm, đời sống của con người trên quả địa cầu ngày nay ra sao? Có phải thời điểm đó là lúc những nông dân đầu tiên xuất hiện trên thế giới?

Hình 1: Đám táng của Người khôn ngoan sớm (Neanderthal)
cách nay 60.000 năm trong thời băng giá
ở vùng Levant, hang động Shanidar, Iraq (Lewin, 1988: 122)

2. Yếu Tố Chuyển Đổi Từ Săn Bắt - Hái Lượm Đến Nghề Nông Đầu Tiên
Gần đây, các nhà khảo cổ học cho biết người Vượn có thể xuất hiện trên địa cầu cách nay hơn 3 triệu năm với di tích khảo cổ Lucy rất nổi tiếng. Trong thời Đá Mới, Người Khôn Ngoan Muộn đã chuyển đổi cuộc sống hàng ngày rất ngoạn mục, từ sinh hoạt săn bắt – hái lượm (Hình 2) qua thuần dưỡng thảo mộc hoang dại, do chịu ảnh hưởng ít nhứt của 3 yếu tố chính: thay đổi khí hậu, áp lực dân số, và trình độ văn hóa xã hội loài người.

(i) Thay đổi khí hậu, Hiện tượng băng giá cuối cùng đã đạt đến cực điểm cách nay khoảng 20.000 năm và chấm dứt cách nay 10.000 năm. Cũng cần nhắc lại, trong thời đại Đồ Đá Cũ có những đợt băng giá thường kéo dài từ 40.000 - 100.000 năm, xen kẽ với các thời kỳ nóng ẩm. Thời kỳ nóng ẩm trước đó kéo dài 28.000 năm (Ice age - Wikipedia). Cách nay từ 20.000 đến 18.000 năm, khí hậu thời kỳ băng tan rất lạnh lẽo và khô khan, là yếu tố thiên nhiên khó khăn trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của con người. Thế giới xuất hiện những cách đồng hoang không cây cối. Những cây ngũ cốc hoang dại sống ẩn náo ở những nơi ít lạnh hơn. Ở vùng Tây Nam Á, nhiệt độ trung bình là 4oC hay thấp hơn. Đến thời kỳ từ 15.000 – 12.000 BC, khí hậu ít lạnh, trở nên ẩm ướt với nhiều mưa, lượng thán khí (CO2) tăng gần như hiện nay, giúp cho thảo mộc và động vật sinh sôi nảy nở mãnh liệt. Tuy nhiên, từ 11.000 BC đến 9.500 BC, khí hậu trở lại băng giá và khô khan. Thời kỳ này được gọi là Tiểu hạn (Younger Dryas) (Bellwood, 2005).

Sau 9.500 BC, khí hậu trở nên ấm áp nhanh, mưa nhiều vào mùa Đông ở vùng ôn đới và có “Gió mùa” (Monsoon) ở Châu Á, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thuần dưỡng và bành trướng của một số loài thảo mộc hoang dại cần thiết cho đời sống con người, đặc biệt ngũ cốc và cây củ, đậu. Họ sống chủ yếu với nghề săn bắt và hái lượm. Đối với cư dân Việt Nam, nghề hái lượm có thể là nghề quan trọng, vì trong các nơi khai quật khảo cổ, thường tìm thấy vỏ ốc, vỏ sò chiếm số lượng lớn trong các tầng văn hóa khai quật.

(ii) Áp lực dân số: Khi cư dân ngày càng đông tại một nơi cư trú, xã hội càng có nhiều vấn đề phức tạp, sức cạnh tranh giữa các nhóm cư dân càng lớn và áp lực lương thực ngày càng tăng. Con người không thể theo đuổi lối sinh sống truyền thống đơn sơ lâu đời, mà phải tiến dần đến các lề lối, hệ thống sản xuất hữu hiệu hơn để tránh bớt những điều kiện thiên nhiên bất thường và rủi ro cho sự sinh tồn. Vì vậy, nếp sống nông nghiệp định cư xuất hiện trong thời kỳ Toàn Tân cách nay khoảng 11.000 – 10.000 năm. Cách đây hơn hai trăm năm, Malthus trong Essay on Population (1798) tiên đoán thế giới sẽ thiếu đói vì nạn nhân mãn; nhưng thảm trạng này không xảy ra nhờ óc sáng tạo con người với phát minh các kỹ thuật tiên tiến kịp lúc, làm tăng sản xuất thực phẩm vượt bực.

(iii) Trình độ văn hóa xã hội: Với thời gian, các thành tựu hoạt động và kinh nghiệm sống bản thân của con người tích tụ từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ thiên kỷ này đến thiên kỷ khác, giúp cho trình độ văn hóa nhân loại ngày càng tiến bộ phong phú hơn. Trong thời đại Đồ Đá, con người đã tiến từ giai đoạn “bầy người” đến “băng” và “bộ lạc”. Nhờ đó, họ đạt được trình độ hiểu biết ngày càng khôn ngoan hơn, biết thuần hóa một số thảo mộc và thú dại làm lương thực, nhờ đó họ có đời sống ổn định hơn. Về sau, con người cũng biết thay thế các công cụ đá cuội bằng đá mài để trồng trọt sản xuất thực phẩm hữu hiệu hơn.

Từ người Vượn trở thành người Khôn Ngoan Muộn, con người hiểu biết không những về bản thân mình mà còn các đối tượng khác ngày càng sâu sắc hơn. Dù thế họ vẫn còn đời sống man dã, chẳng khác nào loài thú ở chốn đồng hoang, nhưng có bộ óc khôn ngoan hơn các động vật khác với hiểu biết thiên nhiên và biết dùng trí lực để đối phó với các nguy hiểm, rủi ro của môi trường dã hoang. Họ đã biết lo sợ những mãnh thú, biết tìm cách trốn tránh, gài bẫy, phục kích (Hình 2) và tụ họp nhau để có lực lượng mạnh hơn chống đỡ khi phải đối diện với các thù nghịch thiên nhiên và sinh vật nguy hiểm cho mình. Sự khôn ngoan, trình độ văn hóa và liên đới xã hội giúp con người sớm biết nuôi dưỡng một số loài thảo mộc và thú hoang dại để cung cấp lương thực hàng ngày.

Hình 2: Săn bắt thời Đồ Đá
(Heinrich Harder (1858-1935), Wikipedia)

Theo Bellwood (2005) và một số nhà nghiên cứu khác cho rằng thời kỳ chuyển đổi từ đời sống săn bắt – hái lượm qua sinh hoạt nông nghiệp sơ khai định cư trong thời tiền sử là do chủ yếu ảnh hưởng thay đổi khí hậu sau lần “tiểu hạn”; nhưng tại sao trong những lần thay đổi khí hậu trước đó, khoảng 40.000 năm chẳng hạn lại không xuất hiện thuần dưỡng thảo mộc và thú rừng hoang dại? Có nhà nghiên cứu tin rằng áp lực dân số gia tăng là yếu tố chính, nhưng nếu khí hậu bất lợi và con người chưa đủ trí khôn cũng khó có thể đưa đến cuộc cuộc Cách Mạng Nông Nghiệp cách nay khoảng 11.000 năm. Do đó, nền nông nghiệp sơ khai của nhân loại ra đời khi hội đủ tối thiểu các điều kiện chủ yếu nêu trên kết hợp với nhau.

3. Nôi Sản Xuất Nông Nghiệp Đầu Tiên Của Nhân Loại Và Sự Bành Trướng Trên Thế Giới
Nhiều nhà khảo cổ học tin rằng vùng Tây Nam Á hay Levant là cái nôi nông nghiệp đầu tiên của nhân loại; từ đó lan rộng đến các vùng khác như Châu Âu, Baltics, Bắc Phi, Nam Á, Trung Á…. Ngoài ra, còn có các nền nông nghiệp cổ sơ khác phát triển độc lập, muộn hơn ở Châu Phi nam sa mạc Sahara, Đông Á, New Guinea và Châu Mỹ. Trong khi các nhà khảo cổ học Trung Quốc cố gắng đẩy mạnh các cuộc khai quật trong nhiều thập niên qua để tranh thủ chứng minh vùng đồng bằng giữa sông Hoàng Hà và Dương Tử là cái nôi phát triển nông nghiệp đầu tiên của thế giới, và cũng là vùng đất con người đầu tiên của nhân loại xuất hiện; nhưng họ chưa có đủ bằng chứng khảo cổ học để tiến đến mục tiêu này.

3.1. Vùng Tây Nam Á hay Levant
Cư dân vùng đất hình Lưỡi Liềm Màu Mỡ ở Tây Nam Á của Trung Đông, còn gọi Levant (mặt trời mọc) đã bắt đầu thuần dưỡng một số ngũ cốc dại cách nay khoảng 11.000 năm. Vùng đất màu mỡ này gồm có các rừng cây và cánh đồng cỏ rất thích hợp cho phát triển các loại ngũ cốc và cây đậu hoang dại, trải dài từ thung lũng Jordan tiến về hướng bắc qua nước Syria, vào hướng đông nam Turkey, rồi xuyên qua hướng đông miền bắc Iraq, và sau cùng hướng về đông nam dọc theo chân đồi Zagros của miền tây Iran (Bellwood, 2005).




Hình 3: Vùng Lưỡi Liềm Màu Mỡ của Trung Đông: Phân bố văn hóa Natufian, Tiền Gốm Toàn Tân A (PPNA), Tiền Gốm Toàn Tân B (PPNB) và vùng lúa mì và lúa mạch đen dại cách nay khoảng 13.000 năm (Hours et al., 1994, Hillman, bổ túc bởi Bellwood, 2005)


Sau thời kỳ lạnh và khô từ 11.000-9.500 BC, khí hậu trở lại ấm áp và mưa nhiều ẩm ướt vào mùa đông rất thích hợp cho phát triển các loài thảo mộc tại vùng Levant. Hiện nay khí hậu vùng này trở lại khô khan, vũ lượng hàng năm chỉ 200 mm. Từ 9.000 đến 7.300 BC là thời kỳ con người bắt đầu thuần dưỡng các loài ngũ cốc và cây đậu, và các loại cây này trở nên những lương thực cần thiết cho đời sống của dân vùng Tây Nam Á. Đây là nơi thuần dưỡng cây lương thực với những nông dân đầu tiên của nhân loại xuất hiện. Trong thời kỳ này chưa có đồ gốm.

Các loài lúa mì (Triticum spp.) (Hình 3), lúa mạch (Hordeum vulgare) hoang dại đã được thuần dưỡng tại vùng “Lưỡi Liềm Màu Mỡ” vào khoảng 8.500 BC (van Zeist and Bottema, 1991; Hillman 1996; Moore et al., 2000). Do đó, thời kỳ 9.000 – 8.500 BC được gọi là thời Cách Mạng Đá Mới hay Cách Mạng Nông Nghiệp. Gần đây, ít nhà khảo cổ học cho biết cây lúa mạch đen (rye: cecale cereale, thuộc tộc Triticeae) có thể được thuần dưỡng sớm hơn, khoảng 11.000 BC ở Abu Hureyra, Syria. Riêng miền đông nam của vùng Levant, miền bắc Syria là trung tâm nguồn gốc của cây họ Đậu, như đậu Hà Lan, đậu lăng và đậu rằn (Ladizinsky, 1999).

Hiện nay, nhiều nhà khảo cổ tin rằng điều kiện khí hậu khó khăn và áp lực dân số, nhứt là sau thời kỳ băng giá khô khan tiểu hạn ảnh hưởng đến sản xuất lương thực không điều hòa; cho nên cư dân vùng Tây Nam Á sớm chuyển đổi đời sống săn bắt – hái lượm qua nghề nông nghiệp định cư (Lawrence Keely, 1995), trước hết qua quá trình thuần hóa khá lâu dài.

Cũng cần nhắc lại, từ 15.000 đến 5.000 BC, vùng Trung Đông (Levant) có các nền văn hóa khảo cổ như sau (Cauvin, 2000 với bổ túc của Bellwood, 2005):

- Văn hóa Kebaran (15,000 – 11.500 BC): khí hậu ấm và không ổn định (đồng thời với văn hóa Sơn Vi sớm), thời đồ đá giữa, cư dân sử dụng những mãnh tước, cối và chày trong sinh hoạt hàng ngày.

- Văn hóa Natufian (11.500 – 9.500 BC): Khí hậu ấm, nhưng không ổn định (đồng thời với văn hóa Sơn Vi giữa), cư dân dùng cối và chày, lưỡi liềm với cán bằng xương lưỡi bằng đá dùng để thu hoạch ngũ cốc (lúa mạch) (Edwards, 1991). Di vật của lúa mạch, bắp dại, đậu lăng có niên đại phóng xạ khoảng 10.500 BC được tìm thấy trong các cuộc khai quật ở Bắc Syria (van Zeist, 1988).

- Văn hóa Tiền Gốm A (9.500 – 8.500 BC): Thời kỳ Toàn Tân tối hảo và ổn định (đồng thời với văn hóa Sơn Vi muộn). Thời kỳ bắt đầu thuần dưỡng cây lương thực. Cư dân ít dùng mãnh tước, nhưng nhiều công cụ chế tác, như rìu, búa đá để chặt phá rừng trồng trọt; lưỡi liềm đá để thu hoạch hạt chín (Unger-Hamilton, 1989). Nơi cư trú độ 3 ha.

- Văn hóa Tiền Gốm B (8.500 – 7.000 BC): Thời kỳ Toàn Tân tối hảo và ổn định (đồng thời với văn hóa Hòa Bình). Nơi cư trú khoảng 10-150 ha từ khởi đầu đến cuối thời kỳ (Ian Kuijt, 2000). Cuối thời kỳ này, cư dân bắt đầu thuần dưỡng gia súc: dê, cừu, bò và heo, vì các cây lương thực dại giảm dần và tăng gia săn bắt (Rowley-Conwy, 2000).

- Văn hóa Tiền Gốm C (7.000 – 6.500 BC): Thời kỳ Toàn Tân tối hảo ổn định (đồng thời với văn hóa Hòa Bình). Nền nông nghiệp bắt đầu phát triển đến các vùng lân cận. Chưa có đồ gốm ra đời.

- Văn hóa Gốm (6.500 – 5.000 BC): Thời kỳ khô khan (đồng thời với văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn). Nông dân sản xuất nhiều lương thực nên chế tạo các loại đồ gốm sơ kỳ để làm dụng cụ chứa đựng. Qua các cuộc di cư, ngành nông nghiệp lan rộng đến Tây Âu, Baltics, Bắc Phi xuyên qua Địa Trung Hải, và tiến đến Pakistan và Trung Á.

Quá trình thuần dưỡng thảo mộc:
Sinh hoạt săn bắt - hái lượm trong thời đại đồ đá đã làm ngăn cản sự tiến bộ loài người. Con người hái lượm hạt từ các loại ngũ cốc, cây đậu và củ hoang dại đem về nơi cư trú để làm thức ăn hàng ngày, song song với hoạt động săn bắt thú hoang như heo rừng, chó sói, vịt rừng, gà rừng… Họ nhận thấy các hạt hoang dại rơi rớt quanh chỗ cư trú tạm mọc lại và cung cấp thêm thức ăn, nên bắt đầu gieo hạt quanh nơi sinh sống để sản xuất lương thực. Từ đó, qua nhiều năm tháng con người có ý niệm tự sản xuất thức ăn cho mình bằng cách thuần dưỡng thảo mộc đơn sơ và tiến dần đến lựa chọn giống loài có hạt to hơn, ít rụng hơn và chịu đựng khí hậu địa phương như nắng, mưa, bão lũ, lạnh nóng, ngày ngắn ngày dài, chống sâu bệnh sau này… để đảm bảo sản xuất lương thực cho mình. Để bảo vệ các vùng sản xuất và thu hoạch các màu thuần dưỡng dùng làm thực phẩm, họ phải sống định cư gần nơi trồng trọt và ít di chuyển hơn.

Tại vùng Tây Nam Á, sau thời kỳ giá lạnh khô khan, khoảng 8.500 BC, cây lúa mì (Hình 4) và lúa mạch dại được cư dân trồng quanh nơi cư trú, nhưng đến khi chín nhiều hạt bị rơi rụng xuống đất. Cho nên, cư dân trước hết hái hạt bằng tay, sau đó với diện tích trồng rộng lớn hơn họ phải dùng dao hoặc liềm đá để cắt gié khi cây lúa mì và lúa mạch chưa chín, hoặc nhổ nguyên cây, rồi đem phơi nắng trước khi xay chà làm thực phẩm. Lúc đầu, cây thuần dưỡng và cây dại được trồng lẫn lộn cả ngàn năm ở nơi cư trú, nhưng với thời gian cây thuần dưỡng chiếm ưu thế hơn, nhờ sự tuyển chọn liên tục của cư dân (George Willcox, 1999). Với quá trình tuyển chọn này, cây lúa mì và lúa mạch chín đều hơn, hạt ít rơi rụng hơn và cũng ít hưu miên.

Theo thí nghiệm của Gordon Hillman và Stuart Davies (1990), cây lúa mì và lúa mạch có thể thuần hóa và tuyển chọn rất nhanh khi hạt được trồng lại liên tục. Họ kết luận chỉ cần 20-30 năm sẽ hoàn tất quy trình thuần dưỡng, nếu vụ mùa được gặt lúc hạt gần chín với lưỡi liềm hay nhổ nguyên cây, và nếu chúng được trồng trên đất mới mỗi năm với giống lấy từ vụ mùa trước. Đối với các cây lương thực khác như các loại đậu cũng thế.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng miền Bắc Syria và miền đông nam của vùng Anatolia (phần lớn ở Turkey) là trung tâm duy nhứt cho sự thuần dưỡng của tất cả hoa màu của Trung Đông (Lev-Yadun et al., 2000).

Cũng vậy, con người thấy có một số động vật hoang dã có vẽ hiền từ và có thể sống quanh quẩn nơi cư trú, nếu họ không làm nguy hại đến chúng một cách cố ý. Từ đó, ý niệm thuần hóa và nuôi dưỡng một số “gia súc” như dê (8.500 BC), cừu (7.500 BC), heo (7.000 BC) và bò (6.500 BC) để làm thức ăn cho chính mình (Steel and Harvey, 1898).

Theo một nghiên cứu gần đây tìm thấy ở Trung Đông, nhà khảo cổ Phillip Edwards của trường Đại Học Trobe, Úc báo cáo con người phải trải qua giai đoạn độ 1.000 năm trồng các cây dại thuần dưỡng trước khi họ bắt đầu nhân giống, trồng trọt một cách hệ thống và con người Trung Đông đã bắt đầu định cư vào niên đại 9.600 - 9.300 năm cách ngày nay (1950 sau CN) (Nguyễn Sinh, BBC News, 2006).

Nền nông nghiệp Toàn Tân từ Levant lan rộng đến Châu Âu ôn đới xuyên qua Địa Trung Hải với miền Bắc Phi Châu trong vòng 2.500 năm, từ 6.500 đến 4.000 BC (Ở Hy Lạp sớm hơn hết khoảng hơn 7.000 BC), đến vùng Bắc Âu lạnh sau 3.500 BC và vùng Boreal lạnh hơn chỉ 500 AD (Zvelebil 1998), vùng Balkans khoảng 4.000 BC (Willis and Bennett, 1994).



Hình 4: Gié, bông và hạt lúa mì dại (A,B,C) và thuần dưỡng (D,E,F)
(Zohary and Hopf, 2000)

Nền nông nghiệp này tiến về hướng đông từ vùng núi Zagro ở Iran-Iraq khoảng 7.500 BC tiếp tục lan rộng đến Pakistan, vùng Caucasus và Turkmenistan ở Trung Á vào 6.500 BC.

Nền nông nghiệp Toàn Tân lan rộng đến lục địa Ấn Độ, tùy khí hậu và địa dư được phân ra làm 5 vùng (Bellwood, 2005):

- Thung lũng Indus (đa số ở Pakistan) và Baluchistan (văn minh cổ nhứt), nơi cây lúa đến từ miền đông Ấn Độ hoặc Trung Quốc (?) còn cây kê Pearl (millet) từ Châu Phi nhiệt đới;

- Thung lũng sông Ganges có khí hậu ẩm ướt hơn, thích hợp với trồng lúa và các màu mùa đông của vùng Tây Nam Á khoảng 3.000 BC. Thung lũng này có thể là trung tâm nguyên thủy của lúa trồng Ấn Độ (Chang, 1985);

- Bán đảo lục địa Ấn Độ nằm trên cao nguyên và có gió mùa khô khan. Người dân định cư khoảng 3.500 BC trồng những loại ngũ cốc của vùng Tây Nam Á Levant, nhưng cũng có những loài thuần hóa nguyên thủy bản địa như đậu gram (Cicer arietinum) và kê ở Karnataka độ 2.800 BC (Mehra, 1999 và Fuller, 2002);

- Vùng bờ biển ẩm ướt: Cây lúa có thể thuần dưỡng ở đây nhưng không có nhiều di tích khảo cổ, hoặc có thể du nhập từ phương đông khoảng 3.000 BC; và

- Vùng Hy Mã Lạp Sơn: Có thể do ảnh hưởng của nông nghiệp vùng Tây Nam Á và miền Đông Á hoặc Trung Á.

3.2. Châu Phi
Ngoại trừ nước Ai Cập, các nước Phi Châu khác không có nhiều di vật khảo cổ thời tiền sử liên quan đến ngành nông nghiệp được tìm thấy, hơn nữa không có loại màu lương thực chính nào tồn tại đến ngày nay sống dưới hình thức hoang dại. Theo Stanley và Warne (1993), đồng bằng sông Nile được tích tụ phù sa và ổn định khoảng 6.500-5.500 BC. Dân di cư đến khoảng 5.500-5.000 BC và nền kinh tế nông nghiệp đồng cỏ mới được du nhập vào từ vùng Tây Nam Á. Tuy nhiên, vùng đất nằm giữa sa mạc Sahara và rừng nhiệt đới, từ bắc vĩ tuyến 5o đến 15o là vùng nguyên thủy của một số màu quan trọng, như ngũ cốc đặc biệt lúa Phi Châu (Oryza glaberrima), kê ngọc trai (Eleusine glaucum) và lúa miến (Sorghum bicolor). Còn cây củ nâu (yam: Dioscorea rotundata) được thuần dưỡng ở phía nam rừng nhiệt đới, kê ngón tay (Eleusine coracana), tef (Eragrostis tef) ở phía đông thuộc Cao nguyên Ethiopia hoặc nam Sudan. Cây dầu cọ, đậu rằn (cowpea) và đậu phụng ở Tây Phi Châu. Dân Phi Châu ở miền nam sa mạc Sahara trồng các loại cây lương thực nêu trên, còn dân Ai Cập và Bắc Phi sống với ngũ cốc và cây đậu du nhập từ miền Tây Nam Á (D’Andrea et al., 1999 và Wetterstrom, 1998).

Phi Châu biết hái những hạt ngũ cốc (kê) dại để ăn, làm đồ gốm đơn sơ và có vài hình thức quản lý súc vật, trâu bò sơ khai ở miền đông Sahara khoảng 8.000 BC. Sa mạc Sahara là chướng ngại lớn nhứt ngăn trở sự bành trướng nông nghiệp từ Bắc Phi xuống vùng cận Sahara, Trung Phi và Nam Phi. Rất ít bằng chứng cho biết các cây lương thực nêu trên được thuần dưỡng ở Châu Phi cho đến khoảng 2.000 BC. Để tránh xa khí hậu khô khan từ sa mạc, những người chăn nuôi súc vật di chuyển về hướng nam, bắt đầu thuần dưỡng ngũ cốc, đặc biệt cây kê ngọc trai ở vùng Sahel và Savanna khoảng 2.000 BC, với khí hậu khô khan và ít mưa. Cây lúa Châu Phi được thuần dưỡng ở đồng bằng sông Niger khoảng 1.500 BC (Portères, 1955). Do khí hậu quá khô khan, những người chăn nuôi còn di chuyển từ Sudan về miền đông xích đạo Châu Phi khoảng 2.500 BC. Người Bantu di chuyển mang theo nông nghiệp từ vùng lân cận hồ Victoria đến Đông Phi và cuối cùng cả miền nam Phi Châu từ sau 1.000 BC. Thổ dân Khoisan ở miền nam Châu Phi biết chăn nuôi cừu cách nay 2.000 năm. Châu lục này sử dụng đồ gốm để chứa đựng ngũ cốc và lương thực khác sau 7.000 BC (Bellwood, 2005).

3.3. Châu Á
- Đông Á: Nhiều nhà khảo cổ học Tây Phương dựa vào kết quả nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng cái nôi nông nghiệp với ngũ cốc chủ yếu cây lúa tập trung ở thung lũng giữa sông Hoàng hà và sông Dương Tử, xuất hiện khoảng 7.000 BC sau vùng Levant 2.000 năm (Zhang and Wang, 1998; Chen, 1999); nhưng những cuộc khai quật gần đây ở tỉnh Henan cho biết có thể sớm hơn, từ 9.000 đến 8.000 BC (Zhao, 1998). Các xương heo, chó và gà được tìm thấy ở các làng thuộc thời kỳ Toàn Tân (Chen, 1999). Cây kê thuần dưỡng được trồng ở thung lũng sông Hoàng Hà và Mãn Châu trước 6.000 BC, vì hai loài kê dại được tìm thấy trong thung lũng này; đó là kê đuôi chồn (Setaria italica) và kê broomcorn (Panicum miliaceum) (Bellwood, 2005).

Mặc dù nhiều hạt lúa tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ ở thung lũng sông Hoàng Hà, nhưng nơi này không thể là trung tâm nguồn gốc lúa trồng của Trung Quốc, vì đây là vùng khá lạnh được trồng với giống lúa thấp lùn Japonica, giống lúa này tiến hóa từ cây lúa cao Indica thích hợp với vùng nhiệt đới ẩm ướt. Do đó, miền Nam Trung Quốc, gồm miền nam sông Dương Tử, tỉnh Vân Nam và Quảng Tây có thể là nơi xuất phát thuần dưỡng cây lúa của nước này khoảng 6.500 BC hay trước đó (Chang and Goodenough, 1996). Sự khám phá mới ở Chengtoushan và Caoxieshan gần Pengtoushan về một phần ruộng lúa có bờ giữ nước sơ cổ nhứt ở Trung Quốc khoảng 4.500 – 3.000 BC (He, 1999).

Sự bành trướng nông nghiệp cổ về hướng nam Trung Quốc theo hai trục chính: (i) Từ khu vực giữa sông Dương Tử tiến về Quảng Đông và đảo Hải Nam, khoảng 5.000 đến 3.000 BC (ii) bành trướng ra bờ biển, do mực nước biển thụt lùi sau thời kỳ đóng băng, nền nông nghiệp sơ khai lan rộng từ Zhejiang đến Phúc Kiến, Quảng Đông và Đài Loan. Ở Nhựt Bổn, nông nghiệp chủ yếu với cây đậu và củ được tìm thấy sau 7.000 BC qua các di vật khảo cổ, nông dân chỉ chấp nhận trồng lúa khoảng 1.000 BC du nhập từ Triều Tiên. Nền nông nghiệp Triều Tiên du nhập từ Trung Quốc khoảng 3.500 BC.

- Đông Nam Á: Vùng này thuộc miền nhiệt đới, mùa nắng giảm dần và thời gian mưa tăng lên về hướng nam, vùng xích đạo giữa 5o bắc và nam; nên không thích hợp cho trồng lúa, nhưng tốt cho loại cây có củ và cây ăn quả như củ nâu, khoai môn, chuối và sago. Nhiều giả thuyết cho rằng ngành nông nghiệp của miền Nam Trung Quốc di chuyển vào lục địa Đông Nam Á khoảng 2.500 đến 1.500 BC, mặc dù có chỉ dấu cư dân Hòa Bình (6.000 BC) đã biết hoạt động quản lý cây lương thực khá lâu đời, trước khi ngành nông nghiệp chánh thức xâm nhập, với cây có củ và cây ăn quả. Ở vùng bờ biển Việt Nam, di chỉ Đa Bút và Cái Bèo đã có hoạt động săn bắt-hái lượm và đánh cá khoảng 4.500 BC (Bellwood, 2005). Từ 2.000 BC về sau thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu, nền nông nghiệp lúa nước xuất hiện rõ nét với những di vật khảo cổ xác định. Heo, trâu, bò có thể được nuôi dưỡng trong thời kỳ này, nhưng không có di tích chính xác.

Cũng vậy, nền nông nghiệp lúa Thái Lan được xác nhận ít nhứt khoảng 2.300 BC (Glover and Higham, 1996), với khám phá vỏ trấu trong đồ gốm trên Cao nguyên Khorat ở miền bắc Thái Lan (Higham, 2004). Cư dân nuôi bò ít nhứt khoảng 1.500 BC ở vùng đông bắc Thái, Non Nok Tha, Ban Lum Khao và Ban Chiang. Nuôi dưỡng trâu xảy ra vào thời kỳ đồ sắt, độ 500 BC.

Nền nông nghiệp lúa miền Nam Trung Quốc tiếp tục bành trướng hướng nam xuyên qua lục địa Đông Nam Á xuống bán đảo Malay; về hướng đông qua Đài Loan (2.500 BC) và Philippines (2.000 BC) đến Indonesia, và chuyển qua vùng Borneo-Sulawesi-Moluccas về hướng tây đến miền tây Indonesia, bán đảo Malay, và Madagascar. Tuy nhiên, ở Cao nguyên Papua New Guinea thuộc miền nam xích đạo và đông Indonesia (cao 1.300 – 2.300 m trên mặt nước biển), có một nền nông nghiệp có tính cách đặc biệt và độc lập với các nông nghiệp khác, ngay cả xứ Indonesia (Bellwood, 2005). Nghiên cứu mới đây của Tim Denham và công sự viên (2003) về bào tử, phytoliths và hạt tinh bột cho biết cư dân trồng chuối khoảng 4.500 BC. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy di tích khoai môn (Colocasia esculenta), pandanus, củ nâu và mía được trồng đồng thời trên Cao nguyên này sớm hơn. Riêng heo mới được đưa vào xứ này sau 1.000 BC, và chó, gà sau đó.

3.4. Mỹ Châu: Theo tài liệu, thổ dân Châu Mỹ (Tân thế giới), còn gọi là người da đỏ, di cư từ Siberia vào lục địa châu Mỹ khoảng 11.500 BC (Lynch, 1999 và Fiedel, 1999). Cư dân tiếp tục sinh hoạt săn bắt – hái lượm cho đến khoảng 3.000 BC. Họ bắt đầu định cư với nghề nông khoảng 2.000 và 300 BC, trễ hơn các nơi khác như vùng Tây Nam Á (Levant) và Trung Quốc đến hơn 5.000 năm. Điều này có thể do sự vắng mặt của ngũ cốc hạt lớn như lúa mì, lúa mạch ở Châu Mỹ và cư dân khó thuần dưỡng loại bắp dại (teosinte) duy nhứt có mặt ở châu lục này (Iltis, 2000). Theo Bellwood (2005), lộ trình khảo cổ tổng thể của 4 vùng Châu Mỹ như sau:

(1) Vùng Andes (từ nam bờ biển Ecuador đến Peru, Bolivia và bắc Chile): Đồ gốm cổ nhứt được tìm thấy trong thời kỳ Valdivia I ở Ecuador khoảng 3.500 – 3.000 BC, với nền nông nghiệp xuất hiện song song; nhưng không có trồng bắp trong giai đoạn đầu. Ở miền bắc Peru nông nghiệp xuất hiện trước 2.000 BC, nhưng không có đồ gốm mãi đến 1.900 – 900 BC.

(2) Vùng Trung Mỹ (từ bắc Colombia đến miền trung Mexico): Đồ gốm sơ cổ được phát hiện ở thung lũng Chiapa, Oaxaca, thung lũng Mexico, Peubla, và Costa Rica khoảng 2.000 BC, nhưng cũng có báo cáo đồ gốm sớm hơn tại Panama và bắc Colombia. Từ 4.000 BC về sau, giai đoạn thuần dưỡng sớm cây bắp đã được xác nhận ở hang Guila Naquitz thuộc Oaxaca, thung lũng Tehuacan trong Peubla và ở vùng đất trũng Maya.

(3) Miền Tây Nam Hoa Kỳ, nông nghiệp bắp, hầm chứa và các vùng định cư rộng lớn được tìm thấy ở bang Arizona khoảng 2.000 BC, với kênh dẫn thủy khoảng 1.500 BC. Đồ gốm xuất hiện cùng lúc. Nền nông nghiệp ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ được du nhập từ Trung Mỹ.

(4) Vùng rừng gỗ Hoa Kỳ (Ohio, thung lũng Tennessee và những vùng phụ cận của Mississippi), thổ dân có thể thuần dưỡng cây có hạt khoảng 2.000 BC hoặc sớm hơn. Bắp xuất hiện trong vùng nầy cách đây 2.000 năm, giúp bành trướng qua khu vực phía bắc Mỹ bị giới hạn thời gian trồng trọt không bị giá rét trong 120 ngày mà thôi.

4. Kết Luận
Tóm lại, theo nhiều nhà khảo cổ học Tây phương, khí hậu từ thời băng giá rét lạnh và khô khan trở nên ấm áp và mưa nhiều hơn từ 9.500 BC về sau này, rất thích hợp cho thảo mộc và sinh vật khác phát triển. Do đó, cái nôi nông nghiệp định cư đầu tiên của nhân loại có thể xuất hiện ở vùng đất hình Lưỡi Liềm Màu Mỡ, còn gọi Levant ở miền Tây Nam Á, liên hệ đến các nước Syria, Turkey, Jordan, Iran và Iraq. Những người nông dân đầu tiên của nhân loại đã từ giã sinh hoạt săn bắt và hái lượm để hướng về thuần dưỡng, tuyển chọn cây ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch và rye khoảng 8.500 BC) và cây đậu Hà Lan (pea), cây ăn quả; sau đó, các loại súc vật như bò, heo, dê, cừu… Nhờ đó, cư dân có đời sống ổn định hơn, sản xuất lương thực nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tăng gia dân số trong điều kiện ổn định và ít rủi ro. Thời kỳ này chưa có đồ gốm Toàn Tân xuất hiện. Cuộc Cách Mạng Xanh đầu tiên hay Cách Mạng Nông Nghiệp của nhân loại có thể đã xảy ra từ lúc đó.

Về sau, nông nghiệp định cư lan tràn xuyên qua biển Địa Trung Hải theo các nhóm di cư để đến miền Nam châu Âu (khoảng 6.000 BC) và vùng Bắc Phi Châu như Ai Cập (khoảng 5.500 BC), mặt khác bành trướng về hướng tây bắc qua các nước Đông Âu Baltics (6.000 – 5.400) và đến vùng Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển (3.500 – 500 BC), về hướng đông đến Pakistan và hướng bắc đến vùng Caucasus (6.500 BC) và Trung Á. Ở Phi Châu vùng cận sa mạc Sahara, nền nông nghiệp bành trướng chậm hơn sau 3.000 BC, do sự cản trở của sa mạc Sahara.

Ở Ấn Độ, nền nông nghiệp cổ sơ nhứt xuất hiện tại vùng thung lũng Indus và Baluchistan vào thiên niên kỷ thứ bảy, do từ vùng Tây Nam Á và có thể từ Trung Quốc. Thung lũng sông Ganges có thể là trung tâm nguyên thủy của lúa trồng Ấn Độ khoảng 3.000 BC. Trong lục địa Ấn, có hai giống đậu grams và kê được thuần dưỡng nơi đây khoảng 2.800 BC.

Trung Quốc cũng có một nôi nông nghiệp đầu tiên xuất hiện ở thung lũng giữa hai sông Hoàng Hà và Dương Tử, nhưng sau Levant độ 2.000 năm. Cư dân đã thuần dưỡng cây lúa, kê đuôi chồn, nhiều cây loại củ, trái, heo và gia súc. Sau đó, nền nông nghiệp lan rộng đến phương đông như Triều Tiên, Nhựt Bổn; phía nam đến Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Mexico và miền bắc Trung Mỹ là hai nôi nông nghiệp đầu tiên của Châu Mỹ. Các loại cây bắp, đậu, bí (squashes), cây ăn quả, cây có củ và một ít thú kém quan trọng được thuần dưỡng, phát triển và lan rộng trong châu lục này khoảng 3.000 BC.

Thổ dân Châu Úc không thành công trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp định cư, như đã thấy ở các lục địa khác. Họ tiếp tục săn bắt – hái lượm cho đến khi người Anh xâm chiếm đất đai 1770.



Tài Liệu Tham Khảo:

1) Bellwood, P. 2005. First Farmers: The Origins of Agricultural Societies. Blackwell Publishing, Victoria, Australia, 360 pages.
2) Cauvin, J. 2000. The Birth of the Gods and the Origin of Agriculture. Cambridge: Cambridge University Press.
3) Chang, K.C. and Goodenough, W. 1996. Archeology of Southern China and its bearing on the Austronesian homeland. In W. Goodenough ed., Prehistoric settlement of the Pacific, pp. 36-56. Philadelphia: American Philosophical Society
4) Chen, X. 1999. On the earliest evidence for rice cultivation in China. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 18:81-94.
5) Ciochon, R.L. 1988. Gigantopithecus the king of all apes. Animal Kingdom. Vol. 91
6) D’Andrea, C., Lyons, D. et al. 1999. Ethno-archeological approaches to the study of prehistoric agriculture in the Highlands of Ethiopia. In M. van der Veen ed., The Exploration of Plant Resources in Ancient Africa, pp. 101-22. New York: Kluwer Academic.
7) Denham, T.,Haberle, S., et al. 2003. Origins of agriculture at Kuk Swamp in the Highlands of New Guinea. Science: 301:189-93.
8) Edwards, P. 1991. Wadi Hammeh 27. In O. Bar-Yosef and F.R. Valla eds. The Natufian Culture in the Levant, pp. 123-48. Ann Arbor: International Monographs in Prehistory.
9) Fiedel, S. 1999. Older than we thought: Implications of corrected dates for Paleoindians. American Antiquity 64:95-115.
10) Glover, I.C. and Higham, C.F. 1996. New evidence for early rice cultivation. In D. Haris ed, The Origins and Spread of Agriculture and Pastoralism in Eurasia, pp.412-41. London: UCL Press.
11) Gorman, C.F. 1969. Hoabinhian: A pebble tools complex with early plant associates in Southeast Asia. Science, vol. 163.
12) Greenland, D.J. 1974. Evolution and development of different types of shifting cultivation. Pages 24:5-13 in Shifting cultivation and soil conservation in Africa. Food and Agriculture Organization, Rome, Italy.
13) He, J. 1999. Excavations in Chengtoushan in Li County, Hunan province, China. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 18:101-4.
14) Hillman, G. 1996. Late Pleistocene changes in wild plant-food available to hunter-gatherers of northern Fertile Crescent possible preludes to cereal cultivation. In D Harris ed., The Origin and Spread of Agriculture and Pastoralism in Eurasia, pp. 159-203. London: UCL Press.
15) Hillman, G. 2004. Mainland Southeast Asia from the Neolithic to the Iron Age. In I. Glover and P. Bellwood eds, Southeast Asia: From Prehistory to History, pp. 41-67. London: RoutledgeCurzon.
16) Hillman, G. and Davies, M. 1990. Measured domestication rates in wild wheat and barley. Journal of World Prehistory 4: 157-222.
17) Hours et al., 1994. Atlas des sites du Proch Orient. 2 vols. Lyon: Maison de l’Orient méditerranéan.
18) Iltis, H. 2000. Homoerotic sexual translocations and the origin of maize. Economic Botany 54:7-42.
19) Keely, L.H. 1995. Proto-agricultural practices amongst hunter-gatherers. In T.D. Price and A.B. Gebauer eds. Last Hunters First Farmers, pp.243-272. Santa Fe: School of America Research.
20) Kuijt, I. 2000. People and space in early agricultural villages. Journal of Anthropological Archaeology 19:75-102.
21) Ladizinsky, G. 1999. Identification of the lentil’s wild genetic stock. Genetic Resources and Crop Evolution, 46: 115-8.
22) Lev-Yadun, S., Gopher, A. And Abbo, S. 2000. The cradle of agriculture. Science 288:1602-3.
23) Lewin, R. 1988. In the age of mankind. A Smithsonian book of Human Evolution, p 117.
24) Lynch, T.F. 1999. The earliest South American lifeways. In F. Salomon and Schwartz eds., The Cambridge History of the Native Peoples of the America III, South America, Part 1, pp.188-263. Cambridge: Cambridge University Press.
25) Mehra, K. 1999. Subsistence changes in India and Pakistan. In C. Gosden and J. Hather eds. The Prehistory of Food, pp. 287-335. London: Routledge.
26) Nguyễn Địch Dỹ, Đinh Văn Thuận và Trần Đạt, 1980. Phân tích bào tử phấn hoa ở Cồn Cổ Ngựa (Thanh Hóa). Những phát hiện mới (NPHM), Viện Khảo Cổ Học 1980.
27) Nguyễn Địch Dỹ và Đinh Văn Thuận. 1981. Kết quả phân tích bào tử phấn hoa ở Hạ Sơn, Phiêng Tung, Nà Khù, Thần Sa- những di tích của con người thời đại đá. Bắc Thái 1981.
28) Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn. 2.000. Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr.
29) Nguyễn Sinh (BBC News), 2006. Con người cổ đại biết trồng trọt khi nào? www.tuoitre.com.vn (Tuổi Trẻ 10/12/2006).
30) Patte, E. 1932. Le Kjokkenmodding néolithique de Dabut et ses sépultures (province de Thanh Hóa, Indochine). Bulletin du Service Géologique d’Indochine (BSGI), vol. XIX, pt.3.
31) Portères, R. 1955. Présence ancienne d’une variété cultivée d’ Oryza glaberrima Steud. en Guyane française. J. Agr. Tro. Bot. Appl. 2: 680.
32) Rowley-Conwy, P. 2000. Through a taphonomic glass, darkly: the importance of cereal cultivation in prehistoric Britain. IN J.P Hntley and S. Stallibrass eds. Taphonomy and Interpretation, pp. 43-53. Oxford: Oxbow.
33) Sakurai, Y. 1987. Reclamation history at the Song Coi (Tonkin) delta of Vietnam. In Watanabe T. Edition “History of Asian Rice”, Shogakukan, Tokyo: 235-276.
34) Solheim, W.W. II. 1967. Two pottery traditions of late prehistoric times in Southeast Asia. Historical Archeological and Linguistic Studies on Southern China, Southeast Asia and the Hong Kong region. Ed. F. S. Drake. Hong Kong University Press, Hong Kong 1967, p. 15-22
35) Stanley, D.J. and Warne, A.G. 1993. Sea level and initiation of Pre-dynastic culture in the Nile Delta. Nature 363:425-8.
36) Steel, R. and Harvey, A. 1898. The Encyclopedia of Pre-Historice Life. Steel and Harvey eds. Gramercy Publishing Company, New York, 63-64.
37) Trần Đạt và Đinh Văn Thuận. 1984. Phân tích bào tử phấn hoa ở di chỉ Đồng Đậu (Vĩnh Phúc). NPHM, Viện Khảo Cổ Học, 1984: 91-93.
38) Trần Đạt. 1987. Nhìn lại các kết quả phân tích bào tử phấn hoa trong nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam. Khảo Cổ Học, số 4-1987: 61-68.
39) Unger-Hamilton. 1989. The Epi-Paleolithic southern Levant and the origin of cultivation. Current Anthropology 30:88-103.
40) Viện Khảo Cổ Học. 1998. Khảo cổ học Việt Nam, Tập I: Thời đại đá Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 457 tr.
41) Viện Khảo Cổ Học. 1999. Khảo cổ học Việt Nam, Tập II: Thời đại kim khí Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 551 tr.
42) Vũ Thế Long. 1984. Người Hòa Bình và thế giới động vật. Khảo Cổ Học, số 1, 2-1984.
43) Wetterstrom, W. 1998. The origins of Agriculture in Africa. Review of Archeology 19/2:30-46.
44) Willcox, G. 1999. Agrarian change and the beginnings of cultivation in the Near East. In Gosden and Hather eds. The Prehistory of Food, pp.478-99. London: Routledge.
45) Willis, K. and Bennett, K. 1994. The Neolithic transition – fact or fiction? The Holocene 4:326-30.
46) Zeist W. van. 1988. Some aspects of early Neolithic plant husbandry in the Near East. Anatolica 15:49-67.
47) Zhang, J. and Wang, X. 1998. Notes on the recent discovery of ancient cultivated rice at Jiahu, Henan province. Antiquity 72:897-901.
48) Zhao, Z.1998. The Middle Zangtze region in China is one place where rice was domesticated. Antiquity 72:885-96.
49) Zohary, D. Hopf, M. 2000. Domestication of Plants in the Old World. 3rd edition. Oxford: Clarendon.
50) Zvelebil, M. 1998. Agricultural frontiers, Neolithic origins, and the transition to farming in the Baltic region. In M. Zvelebil, L. Domanska and R. Dennell eds., Harvesting the Sea, Farming the Forest, pp. 9-27. Sheffield: Sheffield Academic Press.


Nguồn:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét