Câu chuyện chung quanh trường "dỏm" "Irvine University" càng ngày càng thú vị. Một nghiên cứu sinh ở Nhật cung cấp cho tôi những thông tin về đại học này rất đáng chú ý. Điều khó tin nhưng lại là sự thật: Trường "dỏm" Irvine University từng hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh!
Irvine University là trường đại học thật hay dỏm? Hôm qua tôi đã nhận xét rằng Irvine University chỉ là một “diploma mill”, một cơ sở kinh doanh bằng cấp dỏm. Phần lớn những “đặc điểm” của cơ sở này rất phù hợp với dấu hiệu của một trường dỏm, như chương trình học mù mờ, thời gian học rất nhanh, ban giảng huấn lôm côm không tên tuổi, v.v… Thật ra, chẳng riêng gì tôi, một chuyên gia giáo dục người Mĩ đã cảnh báo trước đây rằng Irvine University là một trường dỏm. Ngoài Irvine University, còn có một danh sách dài các trường khác đang làm ăn tại Việt Nam (xem danh sách dưới đây).
Điều làm tôi kinh ngạc là Irvine University từng hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) đào tạo thạc sĩ! Bản tin của VNU “43 học viên được trao bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh quốc tế” cho biết (kèm theo những hình ảnh lễ tốt nghiệp hoành tráng):
“Chiều ngày 10/4/2007, Khoa Quản trị Kinh doanh thuộc ĐHQGHN phối hợp với Trường Đại học Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Irvine (Hoa Kỳ) đã trang trọng tổ chức lễ trao bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế cho các học viên khoá I.
Tham gia lễ tốt nghiệp gồm có các đại diện Trường Đại học Quản trị Kinh doanh - Đại học Irvine; đại diện lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện lãnh đạo Khoa Sau đại học, Khoa Quản trị Kinh doanh thuộc ĐHQGHN cùng các giảng viên tham gia giảng dạy khoá học và các học viên được trao bằng đợt này.
Chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế giữa Khoa Quản trị Kinh doanh - ĐHQGHN và Trường Đại học Quản trị Kinh doanh- Đại học Irvine (Hoa Kỳ) là một trong những chương trình liên kết đào tạo có uy tín tại Việt Nam. Mỗi khoá học diễn ra trong 16 tháng, tại Khoa Quản trị Kinh doanh - ĐHQGHN. Suốt khoá học, học viên phải học 11 môn và làm khoá luận tốt nghiệp cuối khoá. Chương trình do các giảng viên quốc tế và trong nước cùng phối hợp giảng dạy. Kết thúc khoá học, các học viên được phía Trường Đại học Quản trị Kinh doanh - Đại học Irvine (Hoa Kỳ) cấp bằng.
Có 43/45 học viên tham gia khoá học đã được trao bằng tốt nghiệp đợt này. Các học viên đều đang giữ những chức vụ cao trong nhiều tập đoàn, tổng công ty hoặc các công ty lớn tại Việt Nam.
Tính tới nay, chương trình đã tuyển sinh được 4 khoá với gần 160 học viên theo học.”
Trời ạ! Một trường dỏm như thế mà liên kết với một đại học hàng đầu của Việt Nam ta! Lại còn tuyên bố là “một trong những chương trình liên kết đào tạo có uy tín tại Việt Nam”! Chẳng những thế, mà chương trình này đã cho ra lò 43 thạc sĩ, và 160 khác còn theo học. Chuyện thật động trời! Các vị giáo sư của VNU nghĩ gì mà đứng trong hàng ngũ của loại trường này?
Chưa hết, Irvine University còn liên hết với Hanoi School of Business (HSB -- của ông PGS TS Trương Gia Bình?) đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. Trong trang web của HSB có một bản tin “Ngày hội MBA” cho biết ngày 18/11/2009 có làm lễ tốt nghiệp trao bằng cho 120 học viên “chương trình thạc sỹ Quản trị Kinh doanh HSB (HSB-MBA) và học viên chương trình thạc sỹ Quản trị Kinh doanh quốc tế (IeMBA) liên kết với trường Đại học Irvine, Hoa Kỳ đã diễn ra trang trọng tại Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) – ĐHQGHN.” Tham gia buổi lễ tốt nghiệp có nhiều quan chức và nhà khoa bảng nổi tiếng như "GS. TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS. TS Nguyễn Hữu Công – Trưởng Khoa sau đại học, ĐHQGHN; GS. Hà Tôn Vinh – Cố vấn cao cấp Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN; Ông Nguyễn Việt Thắng – Phó chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN. Về phía bên ĐH Irvine Hoa Kỳ có TS. Eric H. Furlong – Phó Chủ tịch Hội đồng Hàn lâm khoa học ĐH Irvine. Đặc biệt tham dự lễ bế giảng có có Ngài Brent Omdald đại diện Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam." Ông TS Eric Furlong thì các bạn có thể tìm thông tin ở đây. Thật ra thì ông ấy không có bằng tiến sĩ, không phải là giáo sư, và chẳng có thành tích khoa học gì cả. Có lẽ ông ấy làm quản lí tiếp thị cho vài công ti vô danh (không loại trừ khả năng đó chính là công ti của ông ấy). Thật khó tin có cả đại diện sứ quán Mĩ nữa. Chẳng lẽ sứ quán Mĩ ủng hộ chuyện bán bằng giả cho Việt Nam?
Sự có mặt của các cơ sở kinh doanh bằng dỏm ở Việt Nam là điều có thể hiểu được. Cũng giống như khi chúng ta mở cửa sổ thì ngoài việc có ánh sáng, cũng có ruồi muỗi bay vào quấy nhiễu. Sau một thời gian đóng cửa, Giáo dục Việt Nam mở cửa, và khi cánh cửa mở rộng, thì bên cạnh những trung tâm giáo dục danh tiếng vào hợp tác, cũng có những cơ sở kinh doanh bằng dỏm nhân cơ hội làm ăn. Các cơ sở kinh doanh này thấy được nỗi khát khao có bằng ngoại quốc của người Việt, và họ lợi dụng tình trạng thiếu thông tin để kiếm chát. Đối với họ, việc in ra một tờ giấy làm học vị thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, là điều quá dễ dàng, vì họ chẳng quan tâm đến giáo dục (điều xa xỉ) mà chỉ quan tâm đến đồng tiền.
Khoa học và học thuật cũng chẳng khác gì một câu lạc bộ mà trong đó các thành viên đều biết hay nghe tiếng nhau. Người trong chuyên ngành chỉ cần nghe qua tên là biết người đó là ai và làm trong lĩnh vực nào. Chỉ cần nhìn qua bản lí lịch khoa học của một giáo sư hay tiến sĩ là biết ngay người đó thuộc đẳng cấp nào. Ấy thế mà các giáo sư của một đại học hàng đầu tại Việt Nam mà không nhận ra đâu là dỏm và đâu là thật, và để cho Irvine University gây hoen ố tên trường như thế. Không thể chấp nhận được một đại học mang tiếng là “quốc gia” mà liên kết đào tạo với một cơ sở kinh doanh bằng cấp dỏm.
Tôi đề nghị ban giám đốc ĐHQGHN phải ngưng ngay "chương trình hợp tác" này để tránh khỏi những hệ lụy tiêu cực về sau, và để bảo vệ uy tín của một đại học quốc gia Việt Nam.
NVT
Ghi thêm 1: Danh sách các trường dỏm đang có mặt tại Việt Nam
Adam International University
Akamai University
American City University
American Heritage University
American Pacific University
American Pacific University – International
Apollos University
Atlantic International University
Berkeley International University
CapStone University
Cosmopolitan University
Frederick Taylor University
Honolulu University
Irvine University
International American University
Paramount University of Technology
Pebble Hills University
Preston University
Southwest American University
Southern Pacific University
Washington International University
Ghi thêm 2. Bài báo sau đây từ trang web của HSB
http://www.hsb.edu.vn /default.aspx?p=239&aid=260
Ngày hội MBA
Ngày 18/11/2009, lễ trao bằng tốt nghiệp cho 120 học viên chương trình thạc sỹ Quản trị Kinh doanh HSB (HSB-MBA) và học viên chương trình thạc sỹ Quản trị Kinh doanh quốc tế (IeMBA) liên kết với trường Đại học Irvine, Hoa Kỳ đã diễn ra trang trọng tại Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) – ĐHQGHN.
Tham dự lễ bế giảng có GS. TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS. TS Nguyễn Hữu Công – Trưởng Khoa sau đại học, ĐHQGHN; GS. Hà Tôn Vinh – Cố vấn cao cấp Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN; Ông Nguyễn Việt Thắng – Phó chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN. Về phía bên ĐH Irvine Hoa Kỳ có TS. Eric H. Furlong – Phó Chủ tịch Hội đồng Hàn lâm khoa học ĐH Irvine. Đặc biệt tham dự lễ bế giảng có có Ngài Brent Omdald đại diện Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ bế giảng GS. TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ: “Đại học Quốc gia Hà Nội là một Đại học đặc biệt tại Việt Nam, Giám đốc, Phó Giám đốc do Thủ tướng bổ nhiệm và tất cả các kế hoạch phải thông qua các bộ trực tiếp chứ không phải qua một bộ chủ quản. Cơ chế mà Chính phủ tạo ra cho ĐHQG là tạo điều kiện ĐHQG có thể vươn lên đẳng cấp quốc tế. Một ĐH đặc biệt như vậy lại có Khoa Quản trị Kinh doanh là một đơn vị hết sức đặc biệt của ĐHQGHN, đặc biệt từ cơ cấu tổ chức, đội ngũ giảng viên, chương trình đào đạo đến học viên. Dù có đặc biệt nhưng hoạt động của Khoa QTKD cũng có những nét dễ nhận diện của ĐHQG đó là yêu cầu chất lượng khắt khe, chú trọng đào tạo sau đại học và rất đề cao hợp tác quốc tế. Tên viết tắt của Khoa Quản trị Kinh doanh là Hanoi School of Business (HSB) chỉ đảo một chữ so với Harvard Business Shool (HBS). Đó là một khát vọng muốn đưa Khoa QTKD thành một Harvard tại Việt Nam. Các Thạc sỹ tân khoa ngồi đây dù là ở chương trình HSB-MBA hay IeMBA đều có thể tự hào rằng đã được đào tạo tại một đơn vị hàng đầu. Tôi muốn gửi tới anh chị một kỳ vọng là làm sao đó xứng đáng với tấm bằng, làm sao phát huy được tốt nhất những điều mà đã đúc kết được sau khóa học.”
Buổi lễ bế giảng đã kết thúc trong không khí ấm áp, vui vẻ cùng gia đình của các tân thạc sỹ. Mong rằng những tri thức, những trải nghiệm tại HSB sẽ là nền tảng vững chắc giúp Tân Thạc sỹ xây dựng và lãnh đạo doanh nghiệp của mình trong tương lai.
Một số hình ảnh lễ bế giảng:
Thật đau lòng khi phải nghĩ rằng: chính lợi nhuận và sự dốt nát đã làm mù mắt các nhà quản lý của ĐHQG Hà Nội.
Trả lờiXóaHuhu rầu lòng ghê
Trả lờiXóa