Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

“Lên đồng” có phải là mê tín dị đoan?

KHÁNH LINH (thực hiện)

Chúng ta không chống tôn giáo tín ngưỡng, chúng ta chống những kẻ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng. Vấn đề ở đây là chúng ta phải bằng cách nào đó để hạn chế dần (chứ khó mà cấm hết được), tạo nên sự thăng bằng của xã hội. Ngăn chặn hạn chế những biểu hiện lợi dụng trong đời sống, chứ không phải là cấm bản thân hoạt động đó.


LTS: Bộ VH - TT - DL đang soạn thảo Thông tư để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý lễ hội. Trong những điều cấm của Dự thảo, có việc cấm tổ chức hoạt động "lên đồng". Để làm sáng tỏ vấn đề này, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa.


Đừng để người dân phản ứng tiêu cực
- Là người đã nghiên cứu Đạo Mẫu nói chung và "lên đồng" nói riêng nhiều năm, GS có đồng tình với việc "cấm" này không?

GS Ngô Đức Thịnh: - Vấn đề cốt lõi phải bàn trước tiên là nhận thức cho đúng về bản chất của những cái mình định cho phép, hay định cấm. Bởi nếu không hiểu sẽ có cách ứng xử không nhất quán, bình thường thì cho làm, khi có chuyện rộ lên lại cấm. Khi nghe về dự thảo thông tư này đã có người phản ứng với tôi theo kiểu "kệ luật, có cấm thì chúng tôi vẫn cứ làm".
Ta cấm không đúng thì sẽ tạo ra một kẽ hở cho một lớp người lợi dụng và trục lợi. Từ những năm 1980, khi "lên đồng" còn bị cấm, tôi vào TPHCM để nghiên cứu về "lên đồng". Mình cứ lo mất công thuê máy quay phim đến ghi hình, lỡ có ai đến bắt dừng lại vì không được phép thì sao? Nhưng người dân họ bảo cứ yên tâm, họ đã lo hết rồi. Họ lo theo cách của họ, mà không nói ra thì ai cũng hiểu.
Đừng để người dân phản ứng tiêu cực, coi thường pháp luật nếu luật của chúng ta chưa đầy đủ và hoàn thiện. Đã đến lúc phải bàn cho rốt ráo xem "lên đồng" có là hoạt động văn hóa không?

- Nhiều người vẫn quan niệm "lên đồng" là mê tín dị đoan?
 
Giáo sư Ngô Đức Thịnh
- Phải quay lại định nghĩa lại thế nào là mê tín dị đoan. Nếu xem lại Pháp lệnh Tôn giáo tín ngưỡng năm 2001, sẽ thấy rất ít cụm từ này. Pháp lệnh chỉ nhấn mạnh: "Nhà nước ngăn cấm những người sử dụng những hình thức tôn giáo tín ngưỡng để mưu cầu những lợi ích bất chính, làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe danh dự của người khác, tới an ninh xã hội..." Tức là trước đây người ta gọi là mê tín dị đoan, nhưng giờ người ta đã không gọi như thế nữa.
Bởi trong rất nhiều trường hợp, bản thân hoạt động, hiện tượng ấy không phải là mê tín dị đoan, nhưng chức năng của nó trong bối cảnh xã hội, đã bị những con người cụ thể lợi dụng nó như thế nào. Từ bàn thờ vào tới hậu cung của một một ngôi đền, ngôi chùa... là những bức tượng, những bài vị của những người biểu trưng cho cái thiện, hay những anh hùng dân tộc, đáng để chúng ta cung kính họ.
Chỉ có từ phía chân bàn thờ ra tới xã hội, đó là do chúng ta đứng trước họ để mưu cầu cái gì, ước vọng cái gì, cầu xin cái gì. Đó mới là chỗ có vấn đề.
Có tôn giáo tín ngưỡng nào dạy con người làm điều ác không, hay chỉ có con người lợi dụng nó để làm điều ác.
Ở đây phải quay lại tư tưởng của Bác Hồ, chúng ta không chống tôn giáo tín ngưỡng, chúng ta chống những kẻ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng. Vấn đề ở đây là chúng ta phải bằng cách nào đó để hạn chế dần (chứ khó mà cấm hết được), tạo nên sự thăng bằng của xã hội. Ngăn chặn hạn chế những biểu hiện lợi dụng trong đời sống, chứ không phải là cấm bản thân hoạt động đó.

"Lên đồng" là một hoạt động của đạo Mẫu


Vậy phải hiểu về "lên đồng" thế nào cho đúng? Thế giới ứng xử ra sao với hiện tượng này?
- Ở đây liên quan đến một hình thái tôn giáo thế giới là Saman giáo - hình thái nảy sinh trong xã hội bộ lạc sắp bước vào phong kiến, khi đã có sự phân hóa, khi con người đã hiểu không phải ai cũng tiếp cận được với thần linh, mà phải thông qua những người có khả năng đó, là những thầy Saman. Ở VN là những ông đồng bà đồng.

Để thực hiện việc nối thông đó thì các thầy Saman phải có khả năng tự đưa mình vào trạng thái ngây ngất, trong trạng thái như vậy thì thần linh mới nhập được hồn vào họ. Khi đó họ không phải là họ, nhưng có khả năng giúp bản thân họ hoặc giúp mọi người chuyển tải những ước vọng của con người đến với thần linh.
Saman giáo hiện nay có mặt trên khắp trên thế giới, điều đặc biệt là càng xã hội đô thị hóa, hiện đại hóa thì Saman càng phát triển, bởi con người phải chịu nhiều những dồn nén của xã hội.
 
Vậy trong "lên đồng", đâu là tôn giáo tín ngưỡng, còn đâu là những biểu hiện lợi dụng?
- Tôi cũng đã từng nhận nhiều câu hỏi như thế. Có những người không hiểu "lên đồng" là gì mà chỉ nghe những lời đồn đoán. Bản thân tôi bắt đầu đi sâu nghiên cứu về "lên đồng" cũng vì băn khoăn tự hỏi, tại sao nhà nước cấm nhưng không được? Tại sao dù có thời kỳ bị cho là phạm luật, người ta vẫn tìm mọi cách để thực hiện, kể cả phải chịu đi tù, chịu tịch thu tài sản?
Sau đó tôi mới hiểu ra. Tôi đã đưa ra một quan điểm thế này. Có những người có căn số mà không ra "trình đồng" thì họ sẽ trở thành điên loạn. Việc họ ra "trình đồng" là cách giúp họ tái hòa nhập với cộng đồng.
Đó là một nhu cầu có tính chất cơ học, rơi vào trạng thái đó họ không còn là người nữa, hành vi của họ lệch chuẩn. Kết quả nghiên cứu đã chỉ rõ, 100% những người có căn số "lên đồng" bị điên loạn, được "ra đồng" đều khỏi. Cái đó không có gì là mê tín dị đoan cả.Quan điểm của tôi, nhân tố quan trọng nhất của tôn giáo tín ngưỡng là niềm tin vào những thứ mang tính chất siêu nhiên, những cái con người không giải thích được mà đang tác động tới đời sống?
Tại sao chúng ta thờ cúng tổ tiên? Vì tình cảm cũng là một khía cạnh. Nhưng vì các cụ mất đi nhưng linh hồn các cụ vẫn còn, vẫn ngày ngày tác động tới đời sống con cháu nên người ta thờ, để tạo nên nối kết thông quan giữa con người và thần linh.
Thì "lên đồng" cũng là một cách để nối thông với thần linh. Đừng nhìn "lên đồng" tách biệt, bởi "lên đồng" là một hoạt động của đạo Mẫu.



Một buổi lên đồng

 
Nên dẹp "đồng đú", "đồng đua"...

Liệu có phải tất cả những người đang xưng là "ông đồng, bà đồng" đều có khả năng đó?
- Phải phân biệt hai loại, một loại là những người có căn số, phải "ra đồng". Tôi cũng muốn nhấn mạnh là bản thân những "ông đồng bà đồng" không muốn vậy, mà họ bị đày, nếu không "ra đồng" thì thành điên loạn, ốm đau không chữa bệnh được. Còn khi đã "ra đồng" thì họ lại rất sướng, họ thành những "vị thần, vị thánh"(!)
Nhưng gần đây, có lẽ khoảng từ những năm sau đổi mới, có thêm một loại nữa là "đồng đú, đồng đua"... những người không có căn số, nhưng trong xu trào hiện nay thì họ cũng thành những "ông đồng bà đồng".

"Lên đồng" là cách để họ giải tỏa, dù không phải chuyện sống chết, bệnh tật nhưng là nhu cầu giải tỏa dồn nén để có cân bằng. Ở Việt Nam cũng thấy rõ gần đây bùng phát chuyện "lên đồng", thường ở tầng lớp giàu có, hay đô thị nhiều "ông đồng bà đồng" hơn nông thôn.
Đúng là trong xu hướng xã hội đang lao đi tìm kiếm những lợi ích vật chất thì cũng có nhiều người lợi dụng "lên đồng" để kiếm tiền, vì đến với Mẫu là để cầu mong sức khỏe, tài lộc, buôn bán có nhiều tiền, nên có thể cầu thăng quan tiến chức. Chính nhóm những "ông đồng bà đồng" không có căn này có chuyện biến chất, lợi dụng niềm tin của con người để thu lợi cho họ.
 
Phải chăng con người dù thuộc tôn giáo nào đều có nhu cầu nối kết với những thế lực siêu nhiên?
- Con người tìm mọi cách liên hệ với siêu nhiên là để giúp họ có được sự cân bằng. Mà muốn thông quan thì phải dùng phương tiện, phương sách, nghi lễ, những vật dụng, đồ cúng, hương khói, vàng mã... Bản chất của nó là như vậy.
Vấn đề là mức độ. Bao giờ giỗ Tết bố mẹ tôi, hay ngày rằm tôi đều mua một chút vàng mã. Tôi nghĩ rằng như thế ấm lòng hơn, tôi thấy làm việc đó rất hay. Nhưng cái đáng phê phán là chuyện đốt vàng mã như đống rơm đống rác như bây giờ, chứ không phải là bản thân việc đốt vàng mã.


Ở Hàn Quốc, trước đây mấy chục năm cũng cấm kut (giống "lên đồng" của ta), nhưng gần đây lại tôn vinh, bởi nhiều người đã khẳng định sẽ không thể hiểu được văn hóa Hàn Quốc nếu không hiểu Kut, ở đó chứa đựng bản sắc văn hóa của Hàn Quốc. Những "ông đồng bà đồng" được Hàn Quốc xem như những báu vật nhân văn sống.
Tất nhiên, trong quá trình đến được nhận thức như bây giờ, họ đã nhấn mạnh khía cạnh di sản của kut, tiếp cận như một di sản văn hóa, chứ không nhấn mạnh khía cạnh tôn giáo tín ngưỡng.

Vừa rồi, một PV của VTV1 đưa tôi xuống chùa Láng, để làm tiền cảnh cho một cuộc phỏng vấn. Họ muốn tôi đốt một nén hương mang vào cắm để họ quay. Nhưng các sư thầy sư cô ở đó nhất định không đồng ý để tôi thắp hương trong nội tự. Nghĩa là nếu chúng ta muốn và có sự phối hợp tốt, hoàn toàn có thể giữ ở mức độ rất văn hóa. Ông cha ta bao đời đã giữ được những nét văn hóa rất đẹp, nhưng chúng ta lại đang phá vỡ nó. Vẫn quay lại đời sống con người thực ở xã hội, chứ không phải chuyện tâm linh xa xôi gì cả. Nếu cả xã hội cùng đồng lòng thì sẽ làm được.
 
Dọn dẹp để trả lại giá trị cho ngôi nhà thờ Mẫu

Bản thân "lên đồng" thời gian qua có quá nhiều biến chất, khiến nhiều người nghi ngại?
- Ngôi nhà thờ Mẫu có giá trị to lớn, nhưng ta đã làm vẩn đục nó, nay cùng nhau dọn dẹp để trả lại giá trị cho ngôi nhà. Trong những người đồng bóng, rất ít người hiểu biết về đạo Mẫu, đó cũng là nguyên nhân gây ra sự lệch lạc. Lẽ ra văn hóa phải là của cộng đồng, nhưng đã có một thời gian chúng ta cấm đoán khiến văn hóa dường như tuột khỏi tay những chủ nhân thật sự, khiến nhiều người nay chỉ biết thực hành một cách vô ý.
Tôi sắp tổ chức một câu lạc bộ, nơi các nhà nghiên cứu và những "ông đồng, bà đồng" ngồi lại với nhau để tạo mối liên kết. Nhà nghiên cứu sẽ có môi trường để tìm hiểu thực tế, "ông đồng bà đồng" thì có cơ hội hiểu về đạo Mẫu. Khi đã hiểu thì họ sẽ điều chỉnh hành vi của họ.
Rồi chính cộng đồng ấy sẽ đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc, lợi dụng.

Vậy theo GS, thông tư sẽ điều chỉnh mức độ như thế nào để giữ đúng bản chất của các hiện tượng tôn giáo tín ngưỡng mà không bị đẩy quá thành lệch lạc? Nhà nước có thể tác động đến đâu?
- Nhà nước hãy nghiêm cấm những việc làm, hành động lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để đi ngược lại lợi ích, xâm hại sức khỏe, danh dự, tính mạng của con người, ảnh hưởng đến an ninh của cộng đồng...
Luật pháp rất cần hiểu biết khoa học, và sự nhất quán, không thể cứ nay cấm, mai lại cho phép, tạo ra những kẽ hở.


 
Các “quan” quản lý văn hóa lại tiếp tục diễn bài “KHÔNG QUẢN NỔI THÌ CẤM”.
Cần chấn chỉnh việc tổ chức lễ hội (mà phần nhiều có Bộ Văn-Thể-Du “nhúng tay” đạo diễn) tức là CHẤN CHỈNH chính cái bộ ấy.
Vụ “bán ấn” thời Trần ai dấy lên thành cao trào?
Ai “đầu têu” ĐẨY vô số hội làng thành lễ hội quốc gia?
Ai tham mưu đưa Chủ tịch nước đi thả cả vào chậu, đi cày Tịch điền, đi đóng ấn RỞM…? Không phải các “chiên da” của bộ Văn-Thể-Du sao?
Thời Quân chủ, tội ấy là Tru di tam tộc. Nay (riêng việc này) Dân chủ quá trớn.
Có lẽ chưa bao giờ ở cái “bộ Lễ” nhiều kẻ cải họ Tôn Thất như bây giờ.
Mà nếu nói MÊ TÍN DỊ ĐOAN thì chính các quan chức (không chỉ của bộ V-T-D) là thành phần ĐÔNG ĐẢO NHẤT, chứ không phải các “ông đồng-bà cốt”.
Dân thường ai đi CƯỚP ẤN để được thăng quan tiến chức?

Và nếu nói bài trừ mê tín dị đoan thì trách nhiệm của bộ V-T-D là bao nhiêu % trong VẤN NẠN các cháu học sinh vào Văn Miếu xoa đầu rùa trước kỳ thi?
Tôi nhắc lại: CẦN CHẤN CHỈNH chính bộ V-T-D !
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét