Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

"IM NHƯ THÓCTHÀNH DỀN"!

Chuyện bắt đầu từ bác Vũ Tùng quay video. Gần như ngày nào bác Tùng cũng mang máy tới Viện Di truyền quay quá trình sinh trưởng của các cây lúa mọc từ thóc khảo cổ Thành Dền. Với vẻ mặt thất vọng bác lên Bảo tàng Nhân học thông báo: "4 cây lúa trồng đợt đầu đã làm đòng"! Mới chỉ hơn hai tháng mà lúa đã có đòng (04 cây này gieo từ 5.5) và như thế đây là lúa ngắn ngày (được hiểu một cách đơn giản : lúa ngắn ngày =  lúa hiện nay). Tuy vậy bác (và cả mình nữa) cũng cảm thấy rất lạ khi những cây lúa đối chứng (giống lúa hiện đại Q5 và lúa Ấn Độ) trồng cùng một thời điểm  với 04 cây lúa khảo cổ thì vẫn chưa làm đòng! 


Cũng không biết từ đâu mà tất cả mọi người đều cho rằng nếu là lúa cổ thì thời gian sinh trưởng phải dài trên 5 tháng, cây phải cao và rậm rạp, có xu thế xòe ra. Lúa hiện đại thì thời gian sinh trưởng ngắn, cây thẳng, thấp và gọn.

Và lại bắt đầu có những cú điện thoại của phóng viên.


Vậy là mình phải đi tìm hiểu quá trình (thời gian) sinh trưởng của cây lúa cũ và lúa xưa.
1. Đầu tiên là nhấc điện thoại hỏi thằng bạn cũ hiện đang ở Chương Mỹ, nhà nó làm ruộng. Nó nhắc: "Dung có nhớ lúa "ba giăng" không, lúa đó sinh trưởng trong 3 tháng và trước đây trồng nhiều lắm". Lúa này thì mình đã từng nghe, nhưng thực ra có biết mặt mũi nó ra sao đâu, hiện giờ giống này cũng không còn nữa.
2. Tiếp theo là vào anh Gúc gờ, may quá tra được bài về lúa xưa của bác sĩ Hồ Đắc Duy (đã pót ở entry trước). Tra được địa chỉ của trang web Chinese ancient rice project và một loạt các bài nghiên cứu về nguồn gốc của lúa, lúa cổ....

3. Sau đó, giở sách của Lê Quý Đôn kiểm tra lại thông tin mà bác sĩ Hồ Đắc Duy đã đưa trong bài viết.

Tra cứu một hồi, hóa ra ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về thời gian sinh trưởng của các giống lúa cổ. Những văn liệu về lúa cổ thuần hoá ở Trung Quốc cũng không thấy nói về thời gian sinh trưởng dài hay ngắn. Trong tài liệu "FEBRUARY 1999 PRELIMINARY REPORT ON THE STUDY OF THE RISE OF CHINESE CIVILIZATION BASED ON PADDY RICE AGRICULTURE"  của Bryan C. Gordon, Canadian Museum of Civilization, Hull, Quebec
http://http-server.carleton.ca/~bgordon/Rice/research__resources.htm, viết: "Two crops of rice in the eight months from spring to autumn and one crop of green vegetables in the winter months are grown in the mid- to northern subtropical monsoon climate of the Liyang plain surrounding Bashidang and Shiligang archaeological sites". Từ thông tin này có thể thấy mỗi vụ lúa kéo dài gần 4 tháng.


Như vậy, không có đủ tư liệu để làm nghiên cứu so sánh thời gian sinh trưởng giữa lúa cổ và lúa hiện nay. Nhận định lúa cổ có thời gian sinh trưởng phải dài hơn những giống lúa hiện đại ngắn ngày có lẽ chủ yếu dựa trên quan sát so sánh giữa những giống lúa cũ (không còn được trồng) với những giống lúa mới được cải tạo (được trồng phổ biến hiện nay).

Để tìm hiểu thời gian sinh trưởng của các loại lúa cũ và lúa xưa (có tuổi vài trăm năm trở lại đây), ta có thể dựa vào hai nguồn tư liệu chính: i. Tài liệu dân tộc học nông nghiệp, một số giống lúa cũ có thể còn tồn tại đâu đó ở những vùng rừng núi, đồi xa các trung tâm sản xuất lúa hàng hóa và ii. Những ghi chép về lúa xưa trong tài liệu sử cổ.
Tìm trong cuốn Vân Đài Loại ngữ, quyển 9 phần phẩm vật của Lê Quý Đôn (thế kỷ 18), ta có thể thấy nhiều ghi chép cụ thể về giống cây trồng (trong đó có lúa), đặc điểm sinh học, tên gọi và đặc biệt là thời gian sinh trưởng. 
Những ghi chép này cho thấy đã có rất nhiều giống lúa khác nhau và thời gian sinh trưởng khác nhau từ 5 đến 4 và 3 tháng. Dưới đây là một số ví dụ lấy từ sách Vân Đài loại Ngữ Tập 3, Quyển 9, (bản dịch của Tạ Quang Phát, TỦ SÁCH CỔ VĂN - UỶ BAN DỊCH THUẬT, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản 1973, Sài Gòn):
Tr.237. Lúa Tam Nguyệt, 3 tháng sản xuất tại Nghệ An; lúa Điền Kê (lúa Ếch), tháng 4 trồng tháng 7 thu hoạch
Tr. 238. Lúa Mộ, sản xuất ở Thái Nguyên vùng đất núi, tháng 2 trồng tháng 6 gặt
Tr. 243. Lúa Thiền Minh ở Quảng Tây, TQ 63 ngày thì lúa chín
Tr.244. Lúa Tiễn Tử có các loại khác nhau, loại tháng 4 trồng tháng 6 chín gọi là lúa 60 ngày. Ngoài ra có loại chin trễ 80 ngày, chin trễ nữa 100 ngày. Ở Thái Bình có lúa Tiên (lúa tẻ chin sớm) gọi là Đá Lê Kiếm; lúa ở đất Mân -100 ngày; lúa Kim Thành tháng 4 trồng tháng 7 chín.
Tr. 245. Lúa Tuyết Lý Đống tháng 5 trồng tháng 7 chín; lúa Ải Bạch đầu tháng 5 trồng tháng 8 chín; lúa Văn bạch tháng 3 trồng tháng 6 chín.

So sánh hình thái của cây: Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường trên thực tế cũng khó đưa ra được nhận xét về sự khác nhau giữa các loại lúa. 10 vỏ trấu lấy ra từ 10 hạt thóc nảy mầm (đợt I) chụp bằng kính huỳnh quang soi nổi của Viện Di truyền Nông nghiệp cho thấy chúng không cùng một giống, nhưng 10 cây lúa đang sinh trưởng từ 10 hạt này lại rất giống nhau về hình dáng bên ngoài. Việc so sánh hình thái này chắc phải nhờ những chuyên gia về nông học cổ - lúa cổ và nông học hiện đại - lúa hiện đại. Cái khó của nghiên cứu ở Việt Nam là động đến đâu thiếu đến đó, đặc biệt là thiếu chuyên gia (cả chuyên ngành và liên ngành)!

Tóm lại, để có được những kết luận ban đầu về niên đại của những hạt thóc khảo cổ nảy mầm này các nhà khoa học, phóng viên và bà con vẫn phải chờ kết quả của những nghiên cứu chuyên sâu về khảo cổ, sinh học, nông học, môi trường... và nhất là kết quả xác định niên đại AMS của 03 vỏ trấu đã gửi sang Nhật ngày 14 tháng 6 năm 2010.

Mình ước sao có điều kiện vật chất và tinh thần để tổ chức một chương trình nghiên cứu lúa cổ Việt Nam dài hơi, đa ngành, đa quốc tịch như những dự án khoa học đã và đang được tiến hành ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay ở một số nơi khác ở Đông Nam Á.
Và ước sao bà con hiểu đây là câu chuyện nghiên cứu khoa học nghiêm túc, không phải là chuyện hoang đường và giật gân!

BONUS

4 cây "lúa cổ" đã làm đòng
22/07/2010 2:54

Hôm qua 21.7, ông Lê Duy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, 4 cây lúa gieo từ những hạt thóc khảo cổ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) lấy từ tầng văn hóa Đồng Đậu 3.000 năm đã làm đòng (ảnh).
Trong khi 6 cây lúa được cho là "lúa cổ" gieo cùng ngày (12.5.2010) với 4 cây lúa kể trên và những cây lúa hiện đại trồng đối chứng chưa thấy hiện tượng làm đòng. Theo ông Hàm, nhiều khả năng những cây lúa này thuộc giống lúa ngắn ngày. Tuy nhiên, hiện chưa thể căn cứ vào biểu hiện sinh trưởng trên mà có thể đưa ra kết luận cuối cùng và chính xác nhất, những cây lúa đặc biệt được gieo từ hạt thóc tìm thấy tại khu khảo cổ Thành Dền có phải là "lúa cổ" hay không. Theo ông Hàm, có tới 62 chỉ tiêu để xác định một giống lúa, các nhà khoa học sẽ còn phải chờ đợi kết quả xác định niên đại của hạt thóc bằng phương pháp AMS và tiếp tục chăm sóc, chờ lúa tung phấn, kết hạt rồi tiến hành đánh giá trên cơ sở hình thái.

Quang Duẩn

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201030/20100722025427.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét