Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

LẠI CHUYỆN DI SẢN UNESCO

12 tỷ cho đờn ca tài tử thành di sản nhân loại


VNN - Đây là chi phí dự kiến làm hồ sơ khoa học cho đờn ca tài tử để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


Con số này được đưa ra trong cuộc họp giữa cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tại TP.HCM với Cục di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP.HCM và Viện âm nhạc, quanh việc xúc tiến xây dựng hồ sơ cho đờn ca tài tử.



GS.TS Trần Văn Khê hòa đờn cùng nghệ sĩ Hải Phượng nhân dịp ông ra mắt tự truyện Những câu chuyện trái tim tại tư gia ngày 13/7. Ảnh: Kiến Quân

UBND TP.HCM được giao làm trưởng ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ và sẽ chi 9,92 tỷ đồng kinh phí thực hiện. Kinh phí còn lại gồm 2,23 tỷ sẽ do các địa phương nằm trong diện được điều tra, khảo sát về đờn ca tài tử tự chi trả.


Khối lượng công việc để hoàn chỉnh hồ sơ do Viện âm nhạc đề xuất gồm: in các tập sách nghiên cứu, thống kê, sách ảnh về đờn ca tài tử; làm phim video, ghi âm các nhóm trình diễn đờn ca tài tử tiêu biểu ở Nam bộ; chụp các bộ ảnh và làm bản đồ điện tử các địa phương có đờn ca tài tử; viết báo cáo khoa học và chuẩn bị các văn bản liên quan.


PGS.TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện âm nhạc và TS. Lê Thị Minh Lý chịu trách nhiệm xây dựng nội dung khoa học cho hồ sơ.


Dự kiến, hồ sơ sẽ phải nộp đúng hạn trước ngày 31/8/2011 để ứng cử cho đợt xét duyệt năm 2012 của UNESCO.

GS.TS Trần Văn Khê: Không nên đề nghị đờn ca tài tử là di sản nhân loại!


Trả lời VietNamNet quanh thông tin Việt Nam xúc tiến xây dựng hồ sơ khoa học cho đờn ca tài tử để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, GS.TS Trần Văn Khê cho rằng:


Chuyện này tôi đã nghĩ từ lâu vì tôi là người sinh ra trong không gian văn hóa của đờn ca tài tử. Đánh giá của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể được xem là đại diện cho nhân loại thường dựa trên 3 khía cạnh: Bề dày lịch sử, chiều sâu nghệ thuật và nguy cơ suy tàn.


Mọi người từ những nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà quản lý cho đến người dân đều đang suy nghĩ cách giữ gìn đờn ca tài tử. Nhưng sự ra đời của đờn ca tài tử chưa đầy 200 năm nên chưa thể gọi là có bề dày lịch sử.


Tôi đã từng nghĩ cho nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng và ca trù. Không phải tôi không nghĩ cho đờn ca tài tử. Nhưng theo tôi có đưa ra cũng chưa chắc được UNESCO công nhận. Nếu gặp người lập hồ sơ thì tôi sẽ nói: chúng ta không nên đưa ra đờn ca tài tử mà nên xếp bộ môn này trong không gian văn hóa âm nhạc tài tử cải lương.


Vì trong đó ngoài đờn ca tài tử, còn có cả ca nhạc lễ, cải lương..., hợp chung lại thành một không gian văn hóa có chiều sâu nghệ thuật. Rồi từ đó gắn liền đờn ca tài tử, cải lương với dịch lý. Trong đó, có nhiều bài bản bất dịch và biến dịch. Ngoài ra còn có thêm quy luật giao dịch trong những bản hòa đờn. Đưa thành không gian văn hóa thì may ra có thể được.


Tiếc là không ai hỏi tôi. Nhưng tôi sẵn sàng đem sức tàn của một ông già 90 tuổi để góp ý cho chuyện này, giúp âm nhạc tài tử cải lương không chỉ là di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại mà còn cần được bảo vệ khẩn cấp.


Kiến Quân ghi


Minh Chánh
http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/07/lai-chuyen-di-san-unesco.html

HỘI CHỨNG DI SẢN UNESCO  HAY DỊCH DI SẢN UNESCO ĐÂY!

VỪA CÓ TIỀN TIÊU LẠI VỪA CÓ DI SẢN THẾ GIỚI Ở CẢ BA MIỀN. MIỀN BẮC, MIỀN TRUNG CÓ RỒI, LẼ NÀO MIỀN NAM LẠI KHÔNG! KÉM MIẾNG KHÓ CHỊU LẮM!

1 nhận xét:

  1. Cũng giống như Bia, Mía đường, Sân bay, Cảng nước sâu, Trường đại học ... ấy mà!(mình viết hoa để gây chú ý thôi). Chắc vẫn chưa đủ 36 đâu.

    Trả lờiXóa