Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

TÓM TẮT KẾT QUẢ KHAI QUẬT ĐỊA ĐIỂM PROHEAR

Những thông tin về cuộc khai quật này được Lâm Thị Mỹ Dung trích dịch
từ cuốn "THE FIRST GOLDEN AGE OF CAMBODIA: EXCAVATIONS AT PROHEAR" của các tác giả Andreas Reinecke, Vin Laychour và Seng Sonetra. Bonn 2009

Giới thiệu về địa điểm Prohear và một số địa điểm thuộc thời đại sắt sớm ở Cămpuchia

Địa điểm Prohear ở Đông Nam Cămpuchia, tỉnh Prey Veng (gần biên giới Việt Nam – Cămpuchia).
Khai quật chữa cháy do đoàn khảo cổ Đức – Cămpuchia tiến hành trong hai mùa 2008 và 2009. Kết quả đã thu được 500 hiện vật từ 52 mộ (ngoài ra còn có 2700 hạt chuỗi và hàng nghìn mảnh gốm).

Prohear cung cấp một cái nhìn mới về tương tác khoảng cách xa ở ĐNÁ trong những thế kỷ cuối TCN. Không một địa điểm nào ở ĐNÁ lục địa cho thấy nhiều hiện vật bằng vàng và bạc như địa điểm này.

Ở tỉnh Prey Veng, sát gần Prohear, năm 2006 các nhà khảo cổ học Cămpuchia đã khai quật cứu hộ (sau khi những kẻ đào trộm đã đào) 28m2. Kết quả chỉ còn tìm được một số đồ gốm và chụp được một số đồ trang sức bằng vàng và agate.

Dựa vào những vết tích đào phá của những người đào trộm, diện tích của nghĩa địa ước tính khoảng 125 x 150m (trên 20.000 m2). Các hố khai quật được mở ngay trên con đường đi qua trung tâm làng.

4 hố khai quật đã được mở (A-D), tổng diện tích khai quật 116.4m2. Phát hiện 52 mộ, nhiều mộ chỉ còn giữ được một phần. Diện tích mỗi mộ trung bình 2-3m2. Mộ tập trung nhiều hơn ở hố A và D so với hố B và C. Những người nghiên cứu ước tính đã có khoảng 1000 mộ bị phá hủy.

Ngay ở độ sâu 0.80m tính từ mặt đường xuống là lớp mộ trên, với những đồ gốm, những dãy nồi hay những mảnh gốm rải rác.
Mộ táng chôn sát cạnh nhau, do vậy trong quá trình khai quật không phải lúc nào cũng nhận biết được sự phân chia rõ ràng các ngôi mộ và những đồ tùy táng kèm theo.

Loại hình mộ
Trong số 52 mộ có 47 mộ hung táng và 5 mộ vò chôn trẻ em (vò thường có đường kính khoảng 50cm). Dựa vào táng tục, hướng đầu, đồ tùy táng và độ sâu, các nhà khảo cổ chia mộ thành hai giai đoạn (I và II).
Giai đoạn I vào khoảng 500-150/100TCN): Gồm có 04 mộ hung táng đầu quay hướng đông hay tây, chôn ở độ sâu 0.90-1.45m). Không mộ nào chứa hiện vật bằng vàng, có 2 mộ chứa hạt chuỗi bằng garnet. Đồ gốm giống gốm Gò Ô Chùa (Long An, Việt Nam).
Ngoài ra thuộc giai đoạn I này có thể là mộ số 5, mộ vò trẻ em, mộ số 7 cũng có nhiều khả năng thuộc giai đoạn I vì có đồ gốm giống Gò Ô Chùa. Tất cả các mộ vò trẻ em đều không có đồ vàng hay bạc và nhìn chung có ít đồ tùy táng hơn so với các mộ khác.
Giai đoạn II vào khoảng 150/100 TCN đến 100 SCN, các mộ có đầu quay hướng nam, hay tây nam. Niên đại xác định dựa trên kết quả một số mẫu than phân tích C14 và hiện vật chôn theo như đồ bằng vàng, trống đồng, hạt chuỗi mã não, thủy tinh, đồ đồng có nguồn gôc Hán…

Cách quàn tử thi. Không thấy dấu vết quan tài gỗ, có lẽ tử thi và cả đồ tùy táng nữa được bọc bằng phên, chiếu hay vải liệm (một truyền thống khá phổ biến ở Đông Nam Á ngay cả ở giai đoạn lịch sử muộn hơn).
Một cách quàn tử thi rất đặc biệt đó là chôn đầu người vào trống đồng, tại 2 lần khai quật chỉ phát hiện 01 trường hợp (mộ số 4), nhưng theo dân làng thì họ đã gặp rất nhiều kiểu quàn này khi đào mộ lấy đồ cổ. Kiểu quàn tử thi này rất giống kiểu quàn tử thi ở địa điểm mộ táng Kele ở Guizhou (Nam Trung Quốc).

Phân bố của đồ tùy táng: Cũng giống như ở nhiều khu mộ khác, mộ ở Prohear thường được bao bởi những hàng gốm vỡ. Những đồ gốm nguyên vẹn thường được tìm thấy ở trên đầu hay dưới chân. Đôi khi những đồ gốm nhỏ được đặt trực tiếp bên trên dạ dày.

Giới tính, lứa tuổi: Nhiều tử thi bị phá hủy hoàn toàn, còn lại có 6 nam, 18 nữ và 17 trẻ em.. Tuy nhiên số liệu này chưa đầy đủ và dựa nhiều trên ước đoán về đồ chôn theo và hình thức, kích thước vò (chôn trẻ em). Đáng chú ý là ở những mộ đàn ông, giữa hai chân người ta thường để chày đá hình dương vật, mộ phụ nữ thường chôn theo dọi se chỉ... Một số mộ trẻ em cũngc được chôn theo dọi se chỉ và theo các nhà khảo cổ học, trẻ em thực sự đã giúp mẹ chúng trong quá trình dệt vải.
Nhìn chung đàn ông được chôn theo nhiều công cụ và vũ khí bằng sắt còn phụ nữ thì được chôn theo nhiều vàng, bạc hạt chuỗi và đồ trang sức khác.
Từ đồ chôn theo có thể nhận biết mối quan hệ giữa các mộ, ví dụ giữa mộ 2 (mộ thanh niên) và mộ 3 (mộ thanh nữ) có đồ gốm chôn theo giống nhau bên cạnh những đồ tùy táng biểu thị giới tính. Các nhà khảo cổ cho rằng đây có thể là một đôi.
Phân hóa xã hội và lượng dân số: Rất khó xác định chính xác, dựa vào số lượng, chất liệu, loại hình đồ tùy táng, có thể thấy có những mộ rất giàu (mộ số 4), mộ giàu và mộ nghèo ở Prohear. Dân số ước tính 143 người hay " 23 hộ gia đình ba thế hệ”.

Nơi cư trú và các ngành nghề thủ công. Mộ táng cùng chỗ với nơi cư trú. Nghề dệt, nghề luyện kim đen. Nhưng đúc đồng thì chưa có chứng cứ.

Đồ tùy táng
Đa phần các mộ đều chứa nhóm đồ tùy táng bao gồm đồ gốm, tàn tích thức ăn động vật (chủ yếu chỉ còn lại xương lợn), đồ trang sức bằng kim loại, hạt chuỗi thủy tinh và đá, cũng như vũ khí hay công cụ bằng sắt, đồ đồng ít hơn. Một số mộ có những đồ đồng nhập khẩu như trống đồng, bát đồng và chuông đồng.
Đồ gốm dù chưa có số liệu cuối cùng nhưng trung bình mỗi mộ có khoảng 05 đồ gốm, loại hình chủ đạo nồi nhỏ thân hình elip, cổ ngắn hình nón trang trí văn thừng và bát nhỏ nông lòng có chân đế thấp . Mộ số 4 có 01 đồ gốm mịn màu vàng cam, đáy có lỗ thủng (kiểu lỗ thoát linh hồn?).

Đồ tùy táng kim loại ở Prohear có điểm đáng chú ý là đồ đồng trang sức và đồng nhập ngoại như trống, chuông, bát. Không có đồ đồng công cụ và vũ khí như trong văn hóa Đông Sơn. Trong đồ đồng trang sức cư dân Prohear cổ sử dụng các loại vòng tay và nhẫn với hình dạng đặc biệt để thể hiện “ngôn ngữ cơ thể”, điều này đã làm họ khác với các nhóm cư dân cùng thời khác ở Đông Nam Á. Một điểm riêng của người Prohear cổ nữa đó là sử dụng kết hợp các kim loại như bạc/săt và vàng/đồng (mộ số 4).
Phần lớn đồ sắt đều là “công cụ hàng ngày” không liên quan gì đến nghệ nhân hay thợ săn. Đồ sắt chủ yếu là rìu có họng tra cán, dao hay dao găm…

Một số đồ tùy táng đặc biệt
Trống đồng: Ít nhất đã có vài tá trống đồng tìm thấy ở Prohear. Tuy nhiên những người khai quật chỉ có ảnh của 02 trống. 1. Trống đồng tìm thấy trong mộ số 4, cao khoảng 30.5cm và đường kính rộng nhất khoảng 45.0cm, trống thuộc nhóm C2 và giống trống Phu Luu, Quảng Bình hay trống Trường Giang, Thanh Hóa. 2. Trống do một số sinh viên chụp được ảnh, cũng thuộc nhóm C2, gần giống với trống Phú Chánh, Bình Dương và một số trống khác ở Bình Định hay Bắc Giang, Thanh Hóa. Theo những người khai quật, trống đồng tìm thấy ở Prohear mang đặc trưng trống Đông Sơn chứ không phải mang đặc trưng trống Điền (Vân Nam).

Trang sức bằng vàng và bạc: 96 hiện vật bằng vàng và bạc, những mẫu phân tích cho thấy hơn một nửa số hiện vật trang sức kim loại quý chứa bạc nhiều hơn vàng (dạng vàng non tuổi). Thói quen đeo nhiều đồ trang sức bằng vàng và bạc của phụ nữ Cămpuchia xem ra có truyền thống từ ngàn xưa. Một số đồ vàng Prohear giống với đồ vàng trong sưu tập Transbassac (miền Tây Nam bộ, Việt Nam) do Malleret thu thập. Từ những chứng cứ này, các nhà khai quật Prohear cho rằng cần phải chỉnh lại niên đại một số đồ vàng Óc Eo.

Vòng tay , nhẫn hình đầu trâu bằng đồng cũng là loại hiện vật đặc biệt của Prohear.
Bát đồng có nguồn gốc ngoại lai. 

Một số hình minh họa trích từ sách
"THE FIRST GOLDEN AGE OF CAMBODIA: EXCAVATIONS AT PROHEAR" của các tác giả Andreas Reinecke, Vin Laychour và Seng Sonetra. Bonn 2009


Bản đồ phân bố các địa điểm thời đại Đá mới, Đồng và Sắt ở Nam Việt Nam và Cămpuchia (Lâm Thị Mỹ Dung chỉnh sửa và bổ sung một số địa danh)
Cảnh địa điểm Bis Meas gần Prohear bị đào trộm và cảnh khai quật cứu hộ của các nhà khảo cổ ĐH Mỹ thuật Hoàng gia Phnom Penh 
Địa điểm Prohear gần như đã bị phá hủy hoàn toàn bởi những người đào trộm đồ cổ, may còn con đường cắt ngang qua trung tâm làng là chưa bị đào. Các nhà khảo cổ Đức và Cămpuchia đã mở các hố khai quật ngay trên đường đi của làng

Chỉ có một số mộ có tử thi được bảo tồn tốt. Những hạt cườm thủy tinh ở mộ này cho thấy những hạt cườm kiểu này  (Indo- Pacific beads) có nhiều cách dùng, cách đeo khác nhau.

Một kiểu chôn độc đáo ở Prohear, hai bên sọ được úp bởi hai bát đồng


Đặt sọ người và một số đồ tùy táng bên trong trống đồng, một táng tục riêng của Prohear cho thấy mối quan hệ xa với Nam Trung Quốc 


Trống đồng mộ số 4, trống Đông Sơn, nhóm C2

Một số đồ gốm tùy táng

Trang sức bằng vàng


Đồ trang sức hình đầu trâu bằng đồng


Một số niên đại AMS của Prohear

Bảng niên đại một số địa điểm khảo cổ học ở Cămpuchia






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét