Trần Quốc Vượng
1. Ai cũng biết, ở Việt Nam, văn hóa học (VHH) là một môn học tương đối mới. Người ta thường đánh giá sự trưởng thành của một môn học là khi nó được dạy và học ở một trường Đại học, nghĩa là có một đội ngũ - dù ban đầu còn ít ỏi - các chuyên gia đầu ngành về môn học đó để có thể giáo dục, truyền đạt văn hóa và đào tạo, xây dựng một / những lớp kế cận để duy trì và phát triển môn học đó.
Tảng nền của một môn học bao giờ cũng là những tri thức bản địa, được làm phong phú thêm trong quá trình tác động qua lại (process of inter - action) giữa những nhân tố nội sinh (endogenous elements) và những nhân tố ngoại sinh (endogennous elements). Đôi khi hay nhiều khi ở các nước kém / đang phát triển khoa học chẳng hạn thì cái ngoại sinh cú hích văn hóa (cultural lrick) ban đầu lại có thể có tác dụng quan trọng, nếu không muốn nói là gần như quyết định đến sự phát triển nội sinh.
2. Trong viễn cảnh đó, với cái nhìn hồi tưởng (retrospective), tôi thấy môn Văn hóa học và Văn hóa Việt Nam được giảng dạy thử nghiệm ở Đại học Tổng hợp Hà Nội bắt đầu từ cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ XX tại khoa Sử và khoa Văn rồi sau đó được giảng dạy thường niên ở trường Đại học Văn hóa Hà Nội và trường Đại học Viết văn Nguyễn Du.
Tôi nhớ lại, khi tôi nói đến môn Văn hóa học (Culturologie tiếng Pháp, Cultural Studies tiếng Anh - Mỹ) thì cả ông GS.TS Lê Văn Hảo tốt nghiệp Đại học Sorbonne Paris (1960) lẫn ông Đoàn Văn Chúc - sau trở thành một chuyên gia lớn về Xã hội học văn hóa ở Đại học Văn hóa Hà Nội ông Đoàn chủ yếu là tự học trên cái phông (fonds) formation Francaise (đào tạo theo kiểu Pháp) đều phản đối tôi, bảo rằng nền Đại học phương Tây không có môn Văn hóa học. Tôi nửa đùa nửa thật bảo ông Hảo, người ban đầu kiêu căng về cái bằng Tiến sĩ à la Sorbonne (thật ra là TS đệ tam cấp - Docteur Troisème cycle, Docteur en Histoire - 1960) của mình:
- Ở Pháp, môn văn hóa học đã có sau khi anh rời Paris về Sài Gòn cuối năm 1963, sau khi ông Ngô Đình Diệm bị giết.
- Tiếng Pháp gọi bằng chi, anh Vượng?
- Culturologie!
Rồi sau đó, tôi rủ anh Hảo và anh Nguyễn Tất Từ (tốt nghiệp Đại học danh tiếng Prague - Tiệp Khắc) viết cuốn sách Mùa xuân và phong tục Việt Nam (được xuất bản bởi Nxb Văn hóa Hà Nội đầu năm 1975), tiếp sau là viết cuốn Mùa thu và phong tục Việt Nam (với các lễ hội xá tội vong nhân Rằm tháng Bảy, tết Trung Thu, hội mùa hoa Cúc 9/9 - hội Rưới "tháng chín đôi mươi tháng mười mồng năm" và các hội Thả diều, Đua thuyền, tiếp đó là tết Cơm mới (Thường Tân) đầu tháng mười lịch Trăng (cuốn này còn ở dưới dạng bản thảo chưa được xuất bản vì một "trục trặc kỹ thuật"!). Lúc bấy giờ chúng tôi đã thực nhận: Lễ hội là một phần của văn hóa, một sinh hoạt văn hóa tổng hợp. Tiếp theo đó, là những bài tiểu luận của tôi, có sự đóng góp của Từ Chi, như Lễ hội dân gian trên miền quê đổi mới, Huyền tích ông Gióng và hội Gióng, Tày đăm - Tày khao (có sự đóng góp của Cầm Trọng và Hoàng Lương), Các hệ sinh thái nhân văn và nông nghiệp Việt Nam (có sự đóng góp của Vũ Tuấn Sán)... luận văn này đều được xuất bản (và tái bản) ở Pháp và in ấn ở nước ngoài... The legend of Ông Dóng, from the text to the field được Đại học Cornell (Mỹ) coi là the best, mẫu mực của văn hóa học dân gian Việt Nam cả về lý thuyết, phương pháp và thực tiễn (practice). Tạ Chí Đại Trường trong Thần, người và đất Việt dẫn tôi tới 5 lần đều không chỉ trích gì trong khi ông châm chọc rất nhiều học giả miền Bắc khác.
Những năm sau, ở đầu thập niên 90 thế kỷ XX tôi đi sâu vào văn hóa ẩm thực (gastronomic culture), một ngành còn đang rất kém phát triển ở Việt Nam và thúc đẩy một phong trào nghiên cứu về văn hóa ẩm thực ở / về Hà Nội, Kinh Bắc, Huế, Trà Vinh, Tây Ninh... Đã xuất hiện nhiều luận văn sưu tầm nghiên cứu văn hóa ẩm thực Mường, Thái, Tày, Dao, Chăm... đạt mức luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc.
3. Như trên, tôi thức nhận: Một giảng viên đại học ở bất cứ cấp độ nào phải vừa là nhà nghiên cứu khoa học, vừa là người giảng dạy tốt và luôn luôn cập nhật trình độ nghiên cứu trên thế giới, để Việt Nam hội nhập dễ dàng và thanh thoát với thế giới trong khi vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, luôn chấp nhận sự đa dạng văn hóa (cultural diversity) trong công cuộc / quá trình đối thoại giữa các nền văn hóa - văn minh (dialogue among cultures and civilisations), muốn thế và bên cạnh đó, cần thông thạo ít nhất hai ngoại ngữ, 1 Đông, 1 Tây - như lời Bác Hồ căn dặn khi lần đầu đến thăm Đại học Tổng hợp Hà Nội.
4. Tháng 4-1980, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cho ra mắt Trung tâm nghiên cứu liên văn hóa (sau đổi thành chương trình nghiên cứu liên văn hóa) do tôi làm Giám đốc.
Trong tờ trình gửi Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu Nhà trường ĐHTH HN, tôi đã lấy một luận điểm cơ bản của UNESCO - 1980 để luận giải về cái tên của Trung tâm và phương hướng của việc nghiên cứu và giảng dạy của trung tâm tôi. Đó là: "Every cultural studies / are intercultural studies" (mọi nghiên cứu văn hóa đều là nghiên cứu liên văn hóa). Điều đó phù hợp với cái "tạng" của tôi là sự hiểu biết đa ngành và sự tiếp cận liên ngành.
5. Một "cú hích ngoại sinh" khác rất quan trọng là UNESCO phát động trên toàn thế giới một thập niên văn hóa (1987-1997) và khuyến nghị việc dạy Văn hóa học trong các nhà trường. Việt Nam hưởng ứng kế hoạch này (có phần chậm) và Phó thủ tướng Nguyễn Khánh ký Nghị định về việc giảng dạy Văn hóa học trong các trường Đại học.
Năm 1993, Đại học quốc gia Hà Nội đã cử tôi làm Trưởng môn Văn hóa học ở trường Đại học đại cương. Ngay lập tức, tôi bắt tay cùng nhiều bạn đồng nghiệp xây dựng chương trình Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, tổ chức giảng dạy môn học này (có tập tư liệu in kèm theo thành sách) ở các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Bách Khoa... Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam được bộ Giáo dục - Đào tạo cho dạy thử nghiệm và sau khi sửa chữa, được in ấn, tới nay nó đã được tái bản 8 lần.
6. Sau khi trường Đại học đại cương giải thể, việc dạy Văn hóa học có phần chệch choạc, Sau đó khoa Sử - ĐHKHXH&NV thành lập Trung tâm nghiên cứu liên văn hóa do tôi làm Giám đốc và Bộ môn Lịch sử văn hóa do tôi làm Chủ nhiệm, nay đổi tên là Bộ môn Văn hóa học. Lịch sử văn hóa Việt Nam là một đề tài đặc biệt của Đại học Quốc gia Hà Nội và đã được nghiệm thu xuất sắc.
7. Trên một thập kỷ xây dựng ngành Văn hóa học Việt Nam có lúc thăng lúc trầm nay đã dần được đi vào ổn định, tuy lực lượng còn mỏng và nhiều học giả vẫn muốn thành lập khoa Văn hóa học ở trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều đó còn tùy thuộc ở trên, chúng tôi là dân chuyên môn chỉ biết làm chuyên môn, dù là ở trong thể chế nào cũng được. Ăn thua là ở việc xác định những nền tảng lý thuyết, những phương pháp tiếp cận và đầm mình vào thực tiễn văn hóa của tất cả các tộc người hiện sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, trong mối tương liên, tương tác với các nền văn hóa trên toàn thế giới - nay đã trở thành Làng toàn cầu (The global village) theo quan niệm của UNESCO.
a) Tôi cho rằng chúng ta nên kiên trì giữ vững và đào sâu tìm hiểu hơn nguyên lý Tương đối luận văn hóa (cultural relativism) và nguyên lý mẹ của nền văn hóa Việt Nam.
b) Chúng ta cần tiếp cận Nền văn hóa Việt Nam cả về phương diện lịch đại (diachronic) và về phương diện đồng đại (synchronic).
Về mặt lịch đại, chúng ta đã từ bỏ và cần kiên quyết từ bỏ cái lý thuyết đã lỗi thời (over time) về tiến hóa luận đơn tuyến (mono - linear evolution) để tiến lên lý thuyết "mạng" (net) đa dạng mà người ta cho rằng cái khái niệm mới Heterarchy là rất thích hợp trong việc tiếp cận các cấu trúc kinh tế - xã hội - văn hóa của Đông Nam Á và Việt Nam. Viết lịch sử văn hóa Việt Nam, tôi kiên trì việc sử dụng khái niệm Diễn trình lịch sử thay vì khái niệm Tiến trình lịch sử. Gần đây nhất, ở một Hội nghị quốc tế, tôi đã có một bản tham luận nhan đề Văn hóa Việt Nam triển nở trong bối cảnh Đông Nam Á và Đông Á mà các bạn phiên dịch rất khó chuyển ngữ sang tiếng Anh. Đây không phải là vấn đề "chơi chữ", "lập dị" mà kết quả của một sự nghiền ngẫm lâu dài, cốt chuyển tải sát đúng nhất tư duy Văn hóa học của tôi.
Về mặt đồng đại, cùng với khái niệm Không gian xã hội mà Georges Condominas phát triển trong luận văn tiến sĩ 1980 từ một luận điểm của thầy mình là E.Durkheim, tôi thấy nên dùng khái niệm Không gian văn hóa, nói đúng hơn là Không - Thời gian văn hóa liên tục (continuum tempo - spatial) theo cách nhìn của A.Einstein. Từ đó tôi đã triển khai Cái nhìn địa - văn hóa đối với Việt Nam, đồng hình với cách tiếp cận về Area studies của Mỹ - Nhật. Area ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp (các vùng đa dạng trong một văn hóa thống nhất, ví dụ, cùng với Fukui Hayao - nhà nông - sinh thái học nổi tiếng của Nhật Bản - tôi đã phân lập một vùng khô (dry area) Ninh - Bình Thuận, 1 trong 6 vùng khô của 1 Đông Nam Á vốn ẩm ướt - gió mùa (monsoon Asia). Cùng với Đào Thế Tuấn, Từ Chi, tôi nhìn châu thổ (chứ không phải là đồng bằng) Bắc Bộ với các vùng chiêm trũng, vùng đồng mùa, vùng nước lợ duyên hải...).
Như vậy là chúng ta cần có cái nhìn Văn hóa học, Khảo cổ học khuôn trong cái nhìn Bối cảnh - Môi sinh hay là cái nhìn Văn hóa - Khảo cổ khuôn trong cái sinh thái nhân văn (Ecological / contextual archaeology/ cultural studies). Cùng với tôi, sinh viên đã được học Đào Thế Tuấn, Mai Đình Yên, Hà Hữu Nga,... Về các vấn đề này tôi đã biên soạn xong tập giáo trình chuyên ngành Con người - Môi trường - Văn hóa - Khảo cổ sắp được xuất bản nay mai... Cũng là như vậy, tôi với Vương Xuân Tình, Vũ Thế Long, Nguyễn Thị Bảy... đã đi theo xu hướng nghiên cứu văn hóa ẩm thực Việt Nam - Hà Nội trên nền tảng các hệ sinh thái nhân văn ba miền Nam - Trung - Bắc.
Đặc biệt, đối với miền Trung, tôi đã nhìn các tiểu quốc của Madala Champa trong cái nhìn các tiểu vùng văn hóa - được giới hạn bởi vùng núi (Tây) - vùng biển (Đông) và các đèo, một đèo, một đèo, lại một đèo, theo hướng Bắc - Nam. Đấy gọi là Quy hoạch theo dòng sông (riverine planning), được các học giả Nhật Bản và Đông Nam Á rất tán thưởng. Trong hội nghị quốc tế ở Singapore (8-2004) về Newscholarship on Champa và hội nghị quốc tế về Việt Nam học lần thứ 2 tại TP.HCM, GS. Momoki Shiro, từ Đại học Osaka, đã nói đến một "trường phái Trần Quốc Vượng" ở Việt Nam như "trường phái Yumio Sakurai" ở Nhật Bản. Không biết có phải thế không? Điều chắc chắn, là tôi luôn luôn cố gắng khai phá, mở đường cho những cái nhìn mới về Văn hóa - Sử - Địa học Việt Nam với một giọng điệu phi cổ điển và có phần phi chính thống.
Ví như theo tôi, ta có thể đề cập đến thời đại "Grand Commerce" (thế kỷ XVI, XVII, XVIII) ở Đàng Ngoài dưới cái nhìn các phức thể (complex) Rokbo (độc bộ) vùng lưu vực sông Đáy, phức thể Domea (Đò Mè) vùng lưu vực sông Thái Bình để tiến đến cái đa phức thể (multiplex) Kinh Kỳ - Phố Hiến. Trước đó, khi nghiên cứu Lam Kinh, tôi cùng các đồng sự như Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Tiến Đoàn đã đề cập đến Không gian văn hóa Lam Sơn; và gần đây, khi tìm hiểu vùng Dương Kinh của nhà Mạc ở miệt biển Kiến Thụy - Hải Phòng, tôi đã đề cập đến một Không gian Văn hóa Dương Kinh được khép trong một tứ giác nước: Biển - sông Đa Độ - sông Văn Úc.
Tôi đã đặt ra lý thuyết Tứ giác nước - không phải không có người dè bửu - để từ đó, cùng Vũ Hữu Minh (đã quá cố), Từ Chi soi tỏ cố đô Cổ Loa, cùng Nguyễn Mạnh Lợi soi tỏ cố đô Hoa Lư, cùng các nhà Hà Nội học soi tỏ Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội là một thành phố sông hồ, cùng các nhà Huế học "nhìn" cố đô Phú Xuân - Huế không chỉ với dòng Hương Giang mà đặt ở trong khung tứ giác Bạch Yến, sông Đông Ba, sông Bồ - ngã ba Sình và phá Tam Giang - Cầu Hai...
Từ đó, tôi đã gần như chín mùi và đã có thể truyền dạy cho các thế hệ kế tục về tư duy sông nước của người Việt cổ truyền, được GS W.O. Wolters Anh và Đại học Cornell Mỹ rất tán đồng. Các nhà nghiên cứu Pháp về Hà Nội đã đăng bài nghiên cứu của tôi về Hà Nội dưới tiêu đề Hà Nội trong sông nước châu thổ Bắc Bộ (Ha Noi dans les eau du delta tonkinois) và cho đó là một dị bản của cái nhìn phong thủy (variante d'une vue geomantique) mới về Hà Nội. Cũng có thể là như thế!
c) Như vậy, có thể nói từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi tôi đã được phong hàm Giáo sư sử học sau những xì xào bàn tán về những ứng xử "quảng giao" hay "tạp giao" liên ngành, hay "tạp lục". Tôi không ngại va chạm, không sợ dè bỉu, theo phương châm "chó cứ sủa, đàn cừu (ngây ngô như tôi) cứ đi". Đi đâu? Bằng cách liên kết liên cơ quan, bằng cách tiếp cận liên ngành (intedisciplinary approach) - Tôi vẫn mệnh danh thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại Inter: International - Internet - mà tôi dịch là Liên: Liên kết, liên ngành, liên quốc gia, dân tộc...
d) Về mặt thực tiễn - điền dã, tôi đã đi hầu khắp các miền của Tổ quốc, từ cực bắc Lũng Cú đến cực nam Mũi Cà Mau, từ cực Đông Đảo Gốm đến cực Tây Pu la san Mường Tè - Lai Châu... người ta bảo tôi đi nhiều, đọc nhiều, nói nhiều, viết nhiều... có thể là như vậy?
Cùng với Nguyễn Khắc Viện, tôi lấy việc đọc - đi - chơi - học hỏi làm lẽ sống. Và rằng nếu anh / chị biết kết hợp học - hỏi - hiểu - hành của tư duy Hồ Chí Minh vừa đi đường vừa kể chuyện, nếu biết kết hợp vừa đi, vừa chơi, vừa học hỏi, vừa làm việc thì, theo chúng tôi, như thế là "ngộ đạo", "đắc đạo".
Viết bài này, cũng như khi chủ biên cuốn Khoa Sử và Tôi, tôi vừa viết để cho đời vừa viết để chơi. Có gì không phải, mong các bạn lượng thứ...
Nguồn: vanhoanghethuat.org.vn
Ôi! Ông Vượng hay quá! Không biết khi nào mình mới 'ngộ đạo' đây :P
Trả lờiXóaMẹ sẽ gửi cho con cuốn sách của ông viết về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh để con tham khảo.
Trả lờiXóaxin hỏi PGS bây giờ còn ai nghĩ đến những việc mà thầy còn chưa kịp làm
Trả lờiXóa