I. Nghề làm gốm của người Giẻ, Đăklei, Kontum (Dựa theo tài liệu của Đặng Nghiêm Vạn, Trần Mạnh Cát, Làm gốm không bàn xoay ở Tây Nguyên, NPHMVKCH 1982, 381 – 383)
Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu dân tộc học từ những thập kỷ 80 của thế kỷ XX thì nghề làm gốm tồn tại trong một số làng người Giẻ thuộc huyện Đăklei, Kontum. Sản phẩm chủ yếu là Ché, nồi.
Nguyên liệu được sử dụng làm gốm là loại đất sét pha vôi, cát rất dính ở gần làng Đác Vel. Đất này thường nằm dưới tầng canh tác khoảng 40 – 50cm. Lớp đất này cũng dày khoảng 40 – 50cm, có màu gan gà.
Sau khi đã khai thác được đất, đất được đem về và giã, nghiền, đập cho thật nhuyễn trong một chiếc cối bằng gỗ, sau đó được loại bỏ sạn, sỏi, rác bẩn bằng phương pháp thủ công. Sau đó đổ nước vào trộn cho đến khi đất đạt độ dẻo thích hợp.
Tạo hình đáy sản phẩm được tạo hình đầu tiên, đất sau khi trộn một phần được đánh bẹt ra tạo đáy. Sau đó con trạch đất được xếp chồng lên đáy theo hình xoắn ốc. Sau đó người thợ gốm một tay miết phía ngoài, một tay đỡ phía trong, người nặn xoay mình quanh sản phẩm. Công cụ chỉ có một thanh lồ ô như chiếc đũa cả để phiết bên ngoài cho mịn mặt và một hạt cây tràm có kích thước bằng quả trứng gà để sát bên trong cho nhẵn. Muốn tạo cho miệng đồ gốm eo lại, người thợ gốm dùng một miếng vải dày lót vào tay, hai tay xoay theo động tác xoay của thân người.
Trước khi đem phơi gốm, công đoạn cuối cùng là gắn thêm chân cho ché và trang trí bằng một số hoa văn đơn giản như hoa văn hình chim, gà, hoa văn sóng nước…Đồ gốm trước khi nung được phơi chỗ râm mát khoảng 3 – 4 ngày.
Nung gốm: Sản phẩm gốm của người Giẻ được nung ở ngoài trời với nguyên liệu chính là củi, thời gian nung là chọn thời gian lặng gió, gió nhẹ. Củi được xếp xung quanh, phủ lên sản phẩm. Một ít được chẻ nhoe bỏ vào trong ché, nồi lớn. Thời gian củi cháy với một lò gốm khảng 20 – 50 sản phẩm là trong khoảng một đêm. Để cho đồ gốm nhận nhiệt đều người ta dùng gậy để lật các đồ gốm.
Trước khi lấy gốm khỏi lò nung người ta sẽ trang trí màu sắc cho gốm (nếu có nhu cầu). Để tạo màu sắc cho đồ gốm sau khi sản phẩm đã chín đều, người thợ gốm lấy nhựa thông ba lá sát đều lên bề mặt đồ gốm, khi ấy đồ gốm vẫn còn hơi nóng. Trước khi đồ gốm được đem vào sử dụng người ta còn một bước đề kiểm tra chất lượng của sản phẩm, người ta chỉ cần đổ nước vào sản phẩm, nếu không thấm là được.
II. Nghề làm gốm của người Churu, Krong Gọ
Nằm trên đất Lâm Đồng có làng nghề gốm truyền thống của đồng bào Chu Ru ở buôn Krông Gọ (thuộc Próh, huyện Đơn Dương). Đây là làng gốm nặn yếu gốm bằng tay, không hề dùng bàn xoay, cách thức sản xuất đơn giản, tương tự cách làm gốm thủ công của người Chăm ở Trung Bộ và của người Khmer Nam Bộ.
Dân tộc Chu Ru hiện có trên lo nghìn người đang sinh tụ trong các buôn làng trên vùng đất cao nguyên Lang Biang (tỉnh Lâm Đồng). Người Chu Ru là một dân tộc thiểu số duy nhất ở Tây Nguyên biết sử dụng hệ thống thuỷ nông với trình độ phát triển khá cao.
Nghề gốm lâu đời Krông Gọ có vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người Chu Ru, cũng như với các dân tộc anh em trong vùng… Làng Krông Gọ một làng chuyên nghề gốm khá điển hình của người Chu Ru ở Próh - mà ngay tên gọi của nó đã có nghĩa là ''Làng Nồi'' (tiếng Chu Ru: Krông Gọ là Nồi Gốm). Đồng bào làm một số loại hình gồm đất nung như: Nồi, lu, vò, bát, điã… nhưng chủ yếu vẫn là nồi đất các loại.
Người thợ gốm Chu Ru không sản xuất gốm quanh năm mà chỉ làm trong 4 tháng mùa khô, nhiều nắng, từ tháng l năm trước đến tháng 3 năm sau theo âm lịch). Đó là thời gian thuận lợi cho phơi cốt gốm và nung sản phẩm. Những tháng khác, người ta làm nông nghiệp.
Nguyên liệu: Đồng bào Chu Ru khai thác nguồn đất sét núi U Gọ, phía bắc, cách làng không xa. ĐẤT nguyên liệu này có màu nâu vàng, một loại sét chứa tạp chất.
Đất sau khi khai thác được đem phơi khô và giã nhỏ (bằng cối, chày tay). Sau đó được sàng kỹ bằng rổ tre để lọc bỏ tạp chất, lấy bột nhỏ mịn.
Bột đất ấy được đựng trong các nong nhỏ, đem nhào trộn nước thật kỹ, đến mức dẻo mịn. Vê đất thành từng khối dài để nặn gốm
Tạo hình: không dùng bàn xoay dù là bàn xoay đơn giản nhất. Các phụ nữ Chu Ru Họ đặt khối đất vừa nhào kỹ lên bàn gỗ cố định, hình con trạch lượn tròn và nặn dáng hoàn toàn bằng tay
Sản phẩm sau khi tạo dáng, người thợ dùng tay trái đỡ bên trong, còn tay phải thì cầm mặt bàn gỗ đập đập bên ngoài cho thật cân đối Dùng bàn nạo bằng tre hoặc thiếc để làm nhẵn san phẩm cả bên trong tận mặt ngoài. Cuối cùng 1à việc đánh bóng sản phẩm gốm bằng quả tràm.
Nung gốm: Sau khi gốm được phơi thật khô, sửa hoàn chỉnh lẩn cuối cùng, các sản phẩm được đem xếp nung ngay ở ngoài trời, theo kiểu nung ''dã chiến''. Nung gốm bằng củi, trong thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ, rồi ủ tro chừng l - 2 giờ. Để nguội người thợ gốm lấy gốm ra khỏi lò, sản phẩm hoàn thành.
III. Nghề làm gốm của người Bana ở Kon Tum. (Theo Phạm Lý Hương, Lê Hải Đăng, Nghề làm gốm bằng tay của người Bana ở Kontum, vài so sánh dân tộc – khảo cổ học, KCH số 4, 2006, tr 77 – 86)
Người Bana có một làng nghề làm gốm đó là ở làng Kon Xơ M’lũh, xã Dăk T’re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Làng Kon Xơ M’lũh cách thị xã Kon Tum khoảng 1km theo đường chim bay.
Theo lời của nhân dân địa phương thì làng gốm ở đây có từ thế kỷ XIX do thợ gốm ở Dak Ruồng truyền nghề cho phụ nữ Dăk T’re. Hiện nay chưa có điều kiện khảo sát cũng như tài liệu nào nói về nghề làm gốm ở Dak Ruồng. Nghề làm gốm ở đây là nghề phụ. Chủ yếu gốm được làm vào mùa khô để phơi đất và phơi gốm cho chóng khô.
Khai thác và chế biến nguyên liệu:
Đất sét làm gốm được khai thác ở khu vực có tên là Dăk T’Băng Giô, có nghĩa là suối măng chua. Hố khai thác đất sét được moi theo kiểu hàm ếch, đất sét làm gốm nằm sâu dưới mặt đất chừng 0,5m, có màu vàng xen lẫn màu xám. Đất sét ở đây khá thô, không giống với sét mịn thường gặp ở đồng bằng.
Đất sau khi khai thác được đem về nhà phơi nắng cho thật khô, sau đó cho vào cối giã cho thật kỹ. Bột đất được rây bằng rây gạo bình thường. Bột đất thu được sau khi rây có màu vàng như bột đậu xanh. Trước khi nặn gốm người thợ dùng nước hòa vào bột theo tỉ lệ thích hợp. Việc gia công nguyên liệu ở đây hoàn toàn không cho thêm bất kỳ một phụ gia nào.
Tạo hình:
Thợ gốm ở đây không biết đến kỹ thuật bàn xoay. Dụng cụ thay bàn xoay là một đoạn thân cây gỗ tròn hoặc đơn giản là một chiếc cối giã gạo chày tay không cố định được đặt úp, cao ngang đùi. Đồ gốm được tạo hình từ nguyên khối với sự hỗ trợ của các công cụ đơn giản.
Đầu tiên, người ta vắt khối đất đã được nhồi nhuyễn và nặn thành hình khối trụ, hai đầu bằng. Kích thước khối đất phụ thuộc vào kích thước của đồ gốm được tạo. Sau khi khối đất hình trụ được tạo, người thợ gốm đặt khối đất lên mặt đoạn cây gỗ tròn hoặc cối gỗ úp ngược, bên trên thớt gỗ này lót một miếng lá lớn để chống dính. Sau đó dùng hai tay, một tay đỡ bên ngoài, một tay nống trong lòng khối đất, dần dần chuyển ống trụ đất đặc thành khối rỗng lòng, thủng hai đầu, thành gốm mỏng dần. Ống đất lúc này có hình tang trống, thân phình nhẹ hai đầu hơi thu nhỏ.
Sau khi làm mỏng thành gốm, miệng được tạo hình. Người thợ gốm sửa sang những ống đất vuốt cho mép mỏng và hơi cúp vào rồi vê một dải đất dài bằng chu vi miệng ống, đặt dải đất khít lên miệng ống rồi miết liền thổ và kéo vuốt tạo hình phần miệng với dáng hơi loe, cổ ngắn, cong. Khâu tạo miệng được tiến hành cẩn thận và kỹ càng, từ sau đó không còn động đến phần này nữa. Sau khi đã vuốt miết kỹ người thợ gốm dùng giẻ ướt xoa vuốt nhẹ lên khắp mặt ngoài đồ gốm, đặc biệt là phần miệng.
Trong công đoạn tạo hình đã nói trên, người thợ gốm luôn luôn di chuyển vòng quanh cối gỗ đặt cố định, khi đi tới khi đi lui, tùy thuộc vào động tác tạo hình của hai tay. Dụng cụ sử dụng trong công đoạn này cực kỳ đơn giản gồm một vòng tròn làm từ cật tre cứng, vót mỏng, dẹt dùng để nạo mỏng thành gốm và một đoạn ống trúc nhỏ dùng để vuốt, đập lên đồ gốm đang được tạo hình.
Công đoạn trên hoàn thành, phôi gốm được để cho ráo bớt nước rồi mới tiếp tục công đoạn bịt đáy, thời gian phơi gốm là từ 1 – 2 ngày phụ thuộc vào thời tiết. Phần đáy được đắp thêm và miết kỹ cho liền thổ tạo thành hình cong tròn. Sau khi nặn xong đồ gốm được phơi ở nơi râm mát cho khô hẳn, thời gian để khô thường từ 15 – 30 ngày tùy điều kiện thời tiết. Khi phôi gốm đã khô hẳn được đem ra xử lý tiếp nhằm làm cho mặt trong, ngoài đồ gốm trơn nhẵn, không còn vết rạn hay lồi lõm. Dụng cụ sử dụng trong khâu này là một hòn cuội cỡ trung bình cầm gọn trong tay. Trước khi miết, người thợ dùng một tấm vải ướt xoa đều lên bề mặt gốm tạo độ ẩm cho mặt gốm làm quá trình miết dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nung gốm và tạo màu sản phẩm:
Người Bana không nung gốm trong những lò chuyên dụng mà nung gốm trong đống lửa lộ thiên. Nơi nung gốm được chọn tùy tiện, kín gió và cách xa những thứ dễ bắt lửa. Cách xếp nung cũng cực kỳ đơn giản. Đầu tiên rải một lớp cát khô lên trên nền đất, diện tích của lớp cát này vừa đủ xếp một số lượng đồ nung đã dự định. Sau đó đặt lên trên lớp cát này một mồi lửa rồi phủ rơm và một ít mảnh nứa, thanh củi mỏng cho dễ bén hơn. Đặt tiếp thanh củi đã chuẩn bị sẵn, tạo mặt bằng để đặt đồ gốm cần nung lên trên. Tiếp theo là xếp các thanh củi theo hình cũi, vây kín số đồ gốm bên trong, bên trên cùng xếp phủ một số thanh củi nữa.
Trước khi nung, phôi gốm được hơ qua lửa ở bếp nấu ăn bình thường, thời gian hơ lửa khá dài vì phải để cho phôi gốm nóng lên từ từ. Khi phôi gốm nóng đều đến mức không thể sờ tay vào được thì mới đem đặt vào đống củi đã nhen sẵn để nung cho đến chín.
Nguyên liệu sử dụng nung gốm của người Bana là củi gỗ, rơm rạ khô chỉ để lót bên dưới làm mồi lửa.
Thời gian nung gốm rất ngắn, chỉ khoảng 30 phút từ lúc bắt đầu nung đến khi hoàn thành sản phẩm, lửa cháy to đều trong vòng 20 phút thì lụi, chỉ còn than. Gốm nung chuyển thành màu đỏ gạch tươi. Sau khi lửa đã tắt chỉ còn than hồng thì người thợ bắt đầu thao tác tạo màu cho đồ gốm.
Người Bana từ xưa tới nay đều chỉ sử dụng vỏ cây Tơ nung để tạo màu đen cho đồ gốm. Vỏ cây được lấy về trước khi nung gốm một ngày, còn tươi nguyên. Trong khi đốt lửa nung thì đem vỏ cây ra cạo sạch lớp ngoài, đập dập kỹ bằng chày gỗ, rồi ngâm nước sâm sấp. Khi gốm nóng đỏ như hòn than, lửa tắt, thì lấy ra ngoài, dùng tay cầm một đầu miếng vỏ cây đã chuẩn bị sẵn đập kỹ trong ngoài đồ gốm, vừa đập vừa nhúng vỏ cây vào nước để cho vỏ cây ướt lại. Đồ gốm sau khi được tạo màu để ra ngoài đống than tro chỉ chừng 15 phút sau là nguội hẳn.
IV. Làng gốm Vân Sơn, Bình Định ( Theo Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống,)
Vân Sơn (Nhạn Tháp) thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn tỉnh Bình Định có nghề làm gốm từ lâu đời và khá nổi tiếng. Làng gốm hiện nay cách thị trấn Đập Đá chừng 1 km về phía tây theo đường rẽ từ quốc lộ 1.
Các sản phẩm chính của gốm Vân Sơn chủ yếu là chum, chậu, ang, ấm, vò, thạp, chậu cảnh, nồi, trã, ống cống sành…
Nguyên liệu: gốm Vân Sơn sử dụng loại đất sét dẻo mịn, được đào lên và đem ủ thành từng đống xung quanh lò gốm. Người ta nhào đất thật kỹ cho tới khi đất đủ độ nhuyễn cần thiết. Ngoài đất, còn cần than, củi, lá chành rành để đốt lò chung.
Tạo hình: Thợ gốm Vân Sơn sử dụng bàn xoay và đôi bàn tay khéo léo của mình để chế tác đồ gốm. Đối với các sản phẩm có tai, có quai, vòi thì phần thân được tạo trước rồi các phần phụ được gắn vào sau. Sản phẩm sau khi hoàn thành được phơi trong nơi râm mát cho khô hẳn.
Nung gốm: người Vân Sơn nung gốm trong những lò chuyên dụng, về cách thức xếp lò nung thì không có gì đặc biệt so với các lò gốm hiện đại. Về nguyên liệu nung, người Vân Sơn sử dụng những nguyên liệu đốt lò theo kinh nghiệm cổ truyền của mình đó là là chành rành, lá chàm khô đốt lẫn với củi gỗ. Các loại lá này khi đốt làm cho gốm chín có màu sắc đặc biệt, màu sắc điển hình của gốm Vân Sơn là màu đỏ tươi, hoặc đỏ bầm ngả đen.
V. Làng nghề gốm Thanh Hà, Hội An (Dựa theo Trần Quý Thịnh, Ngô Sĩ Hồng, Nghề gốm Thanh Hà ở Hội An, NPHMVKCH 1982, tr 196 – 197 và tư liệu khảo sát của Ban quản lý di tích Hội An).
Làng gốm Thanh Hà nay thuộc khối 5, phường Thanh Hà nằm cách trung tâm Phố cổ Hội An khoảng 3km về phía Tây. Vị trí làng gốm Thanh Hà có ba mặt giáp sông, phía Bắc giáp sông Lai Nghi, tỉnh lộ 608, phía Tây giáp sông Lai nghi và xã Điện Phương, phía Nam giáp sông Thu Bồn.
Vào thế kỷ XVI, XVII, các vị thuộc các tộc Nguyễn Văn, Nguyễn Viết, Bùi, Lê, Ngụy, Nguyễn Đức, Nguyễn Kim, Phạm từ Thanh Hóa, Nghệ An đã đến Thanh Hà lập làng, lập nên nghề gốm.
Thời gian sản xuất gốm ở Thanh Hà chỉ diễn ra trong tiết trời khô, nóng, thời vụ sản xuất chính là từ tháng 1 - 7 âm lịch hằng năm
Chọn và gia công nguyên liệu:
Đất làm gốm được là đất sét được lấy ở con sông cách làng 4km, theo tài liệu khảo sát năm 1982 thì nguyên liệu không do người thợ gốm tự khai thác mà phải mua. Nguyên liệu là loại đất màu nâu nhạt, hoặc đất sét vàng sau khi mua có thể sử dụng được ngay mà không cần phải pha thêm bất kỳ một phụ gia nào.
Theo kinh nghiệm của đa số các thợ gốm thì đất sét vàng là loại đất có độ dẻo, kết dính. Loại đất này đảm bảo cho một sản phẩm gốm có độ chịu lực tốt, màu áo gốm đẹp... Muốn biết độ dẻo của đất, người thợ ngắt một mẩu đất, dùng tay xe dài, bẻ cong gấp hai đầu con đất lại với nhau, con đất không bị nứt gãy là đất dẻo.
Sau khi lấy nguyên liệu về, cũng như các thợ gốm ở nơi khác, người thợ gốm Thanh Hà phải nhồi, đạp đất cho mịn dẻo, loại hết tạp chất. Nếu đất không dẻo, nhiều tạp chất khi chuốt phôi dẽ bị bể, nứt. Để đất sét quá một năm sẽ mất chất kết dính.
Tạo hình
Thợ gốm Thanh Hà tạo hình bằng bàn xoay, thông thường công việc này do hai người phụ nữ đảm nhận, một người xắn đất thành những con trạch, những con trạch này có kích thước phụ thuộc vào kích thước của đồ gốm được tạo, trong khi xắn và vê đất thì đồng thời sử dụng chân để xoay bàn xoay, còn người phụ nữ kia thì tiến hành tạo dáng sản phẩm. Sau khi sản phẩm được hoàn thành được đem phơi cho khô trước khi mang đi nung.
Theo kinh nghiệm của những người thợ ở đây, thợ gốm phải đặt bàn xoay thăng bằng để khi chuốt được nhẹ nhàng, nếu bàn xoay bị nghiêng khi bàn xoay chạy sẽ bị rùng, tay chuốt không đều làm cho phôi bị bể, nứt. Những người chuốt có kinh nghiệm cho rằng: lúc vừa bắt tay vào chuốt, người đẩy đẩy bàn xoay thật mạnh, người chuốt tác động lực mạnh lên con đất để có thể tạo phôi dễ dàng. Khi phôi có hình dáng ban đầu rồi, người đẩy đẩy nhẹ hơn, người chuốt dùng lực nhẹ hơn để không làm vỡ phôi.
Nung gốm
Lò nung ở Thanh Hà trước đây gồm có 4 loại: lò xanh (là nung sành có dung lượng nung lớn hơn, yêu cầu kỹ thuật nung, dẫn lửa, điều tiết lửa, thời gian nung cao hơn), lò đỏ (lò nung gốm có kích thước nhỏ hơn, kết cấu, yêu cầu kỹ thuật nung cũng đơn giản hơn), lò nung ngói, lò nung gạch. Nhiên liệu nung ở thời xưa là củi rừng như dền, dẻ, trường, trám, hiện nay dùng củi dương liễu.
Thợ lò thường trải đá dăm bằng phẳng trên nền lò trước khi chất phôi và nung. Tác dụng của việc này là khi nung đá dăm hút nhiệt làm tăng độ nóng trong lò, phôi sẽ được chín đều. Nếu thợ lò trải đá không bằng phẳng, những chỗ lõm sẽ là điểm tụ nhiều lửa, độ nóng lớn tập trung tại một vùng làm biến dạng sản phẩm.
Khi nung gốm, sành người thợ quan sát màu lửa thoát ra cửa độ để đoán biết phôi nung trong lò đã thành phẩm hay chưa. Lúc lửa khói ở cửa độ có màu tím là lúc nhiệt độ nung trong lò đã lên rất cao, phôi gần chín. Đến khi lửa chuyển màu đỏ trong thì phôi thành phẩm. Lúc lửa chuyển màu xanh là độ nóng lên quá cao, sản phẩm bị cháy. Thợ lò cũng nhận biết được chất lượng sản phẩm sau khi nung qua ngửi mùi khói ở cửa độ. Khói lò có mùi thơm thì chất lượng sản phẩm tốt, nếu khói có mùi nồng (do lò không thông) thì sản phẩm chín không đều, bị bể nứt.
Trong nung sành, thợ lò có cách khác để nhận biết chất lượng sản phẩm trong khi nung. Đó là đặt am thăm ở cửa độ, am chịu lửa ở cửa độ mà chín dần, tùy vào màu sác của am thăm sau khi thành phẩm mà người thợ gốm đoán biết chất lượng sản phẩm tốt hay xấu. Nếu am thăm có màu son bầm (đỏ bầm toàn thân, trôn có vòng tròn nhỏ màu đỏ son), da dò (đỏ toàn thân), chàm tố gạch (vành tròn màu đỏ lợt ở trôn), chàm tố khoen (có vành tròn màu đỏ ở trôn), chàm mọi (màu xanh, da bónglán ) hay bắt hết (toàn thân có màu xanh) thì sản phẩm sau khi nung rất tốt. Nếu am thăm xanh xác (màu chàm lợt), chàm đen thì mớ sản phẩm vừa nung sẽ bị bể, cháy.
Trên đây là tài liệu dân tộc học về một số làng nghề gốm hiện nay vẫn còn tồn tại. Những tư liệu này có vai trò quan trọng trong việc hình dung quy trình sản xuất gốm của các cư dân tiền sơ sử. Đặc biệt là tư liệu về những làng nghề làm gốm không bàn xoay và nung gốm ở ngoài trời cho chúng ta những tư liệu quý giá để nghiên cứu gốm trong khảo cổ học.
Các làng gốm đã nói trên nhìn chung không phân bố ở những nơi có giao thông thuận lợi, điều này hơi khác so với những làng gốm sành, sứ hình thành trong thời kỳ trung - cận đại ở Bắc Việt Nam. Các làng gốm tập trung ở vị trí gần nguồn nguyên liệu. Tự khai thác nguyên liệu là chính. Có thể thấy rằng những mỏ đất sét nguyên liệu có chất lượng tốt chính là yếu tố quyết định cho sự hình thành và phát triển của một làng gốm cổ truyền khi chưa có sự can thiệp của khoa học kỹ thuật.
Về quy trình làm gốm, các làng gốm đều trải qua các khâu: chọn - chế biến nguyên liệu, tạo hình - trang trí, phơi, nung. Trong các khâu ấy tùy theo từng vùng mà có những kinh nghiệm khác biệt, sự khác biệt ấy trước tiên đến từ tính chất của nguồn nguyên liệu và truyền thống chế tạo gốm.
Qua những tư liệu khảo sát, những làng gốm cổ truyền phần lớn sản xuất với quy mô không lớn. Điều này có thể đưa ta đến nhận định rằng, những làng gốm truyền thống sản xuất gốm trước tiên để phục vụ cho chính nhu cầu của bản thân mình và những vùng gần xung quanh đó. Vì vậy, nhu cầu của họ không bức thiết đến mức phải xây dựng những lò gốm chuyên dụng để nung số lượng lớn sản phẩm và cải tiến phương pháp tạo hình gốm. Việc nung gốm ngoài trời với những nguyên liệu đơn giản, sau khi nung được dọn dẹp sạch sẽ có thể là câu trả lời đúng nhất cho việc chúng ta chưa tìm thấy dấu vết của một lò nung gốm thời tiền sơ sử.
Về phân công lao động, có thể nhận thấy vai trò chủ đạo của người phụ nữ trong công việc tạo hình đồ gốm. Có thể một số nơi nguyên liệu do người đàn ông khai thác, nhưng hầu như khâu tạo hình do những người phụ nữ đảm nhiệm. Có lẽ vì yêu cầu của sự uyển chuyển vào khéo léo trong quá trình tạo hình nên người phụ nữ trở thành thợ chính trong làm gốm.
Hiện nay các làng gốm cổ truyền đang đứng trước những nguy cơ mang tính thời đại. Đó là sự chiếm ưu thế của những lò gốm sành, sứ với sự chuyên môn hóa cao với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của các mặt hàng với chất liệu tốt hơn như kim loại, plastic...giá thành rẻ và dễ sử dụng với độ bền cao...Những điều ấy làm các làng gốm cổ truyền quy mô nhỏ tự đánh mất đi tay nghề của chính mình.
Trong tình hình hiện nay, việc những làng gốm cổ truyền vẫn bảo lưu những phương thức sản xuất cổ xưa dần mất đi là một xu thế khó tránh khỏi. Trước hết, nhìn từ phía những người thợ gốm. Họ không thể sống mức sống tối thiểu bằng nghề của mình thì tất yếu họ sẽ bỏ nghề, với những làng nghề mang tính tự cấp tự túc thì sự phổ biến của những mặt hàng gia dụng giá rẻ với độ bền cao đã vô tình bóp chết nghề của họ.
Việc bảo tồn và phát huy những làng nghề gốm này đang gặp phải mâu thuẫn lớn với quá trình phát triển. Vì vậy, để có nhiều tư liệu phục vụ cho nghiên cứu cần có những công trình nghiên cứu và thu thập tài liệu về những làng gốm cổ truyền. Đặc biệt là những làng gốm bằng tay của các dân tộc ít người. Nếu không kịp thời, trong tương lai khó mà còn những tư liệu hiện thực quý giá như vậy.
Hoàng Văn Diệp tổng hợp
Một số hình ảnh gốm Thanh Hà, Hội An (Nguồn Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét