1. Mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng sưu tập mẫu vật kho mở:
Cho đến nay, từ bậc học cơ sở đến Đại học, ở Việt Nam đã có sự chú ý của nhà nước về “ Giáo cụ trực quan” (Nay cụm từ này được sử dụng là đồ dùng dạy học) với sự tham gia của những “ sản phẩm” này, học sinh có điều kiện tiếp thu nhanh và ấn tượng mạnh hơn về bài lý thuyết. Tuy nhiên ở bậc Đại học, sinh viên thường chỉ mở rộng hơn bằng tài liệu tham khảo. Mặc dù, không phải thư viện của các trường đều có điều kiện và quan tâm đầy đủ tới việc cập nhật các sách tham khảo chuyên ngành. Cho nên, việc thành lập Bảo tàng Nhân học của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn là một ý tưởng rất đúng đắn và có ý nghĩa thiết thực với công tác đào tạo các cử nhân chuyên ngành: sử học, dân tộc học, xã hội học, ngôn ngữ học… Tôi cũng biết rằng, Bảo tàng Nhân học này thực ra đã có manh nha từ mấy chục năm trước, khi đó thuộc bộ môn Khảo cổ học của khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội.
Với sưu tập mẫu vật sẽ giúp cho sinh viên khắc phục tình trạng học chay, tài liệu hiện vật sẽ làm phong phú thêm rất nhiều cho lý thuyết. Hơn nữa, theo tôi hiểu thì khi tiếp xúc với mẫu vật sẽ gây cảm xúc trực quan cho sinh viên, kích thích tinh thần yêu nghề, tính hấp dẫn, tìm tòi sáng tạo.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi theo học chuyên đề khảo cổ học là một số mẫu trống đồng, dưới sự hướng dẫn lúc đó là các giáo sư Trần Quốc Vượng, Diệp Đình Hoa… Việc hình thành và hoàn thiện dần sưu tập mẫu vật kho mở cũng có nghĩa là chúng ta sẽ có một bộ “ Cẩm nang tra cứu” cho chuyên ngành sử học ở Việt Nam. Theo tôi hiểu, thì với sự ra đời của Bảo tàng Nhân học sẽ là một tiện ích vô cùng cho công tác đào tạo các cử nhân sử học Việt Nam.
2. Tiêu chuẩn lựa chọn mẫu vật.
Lịch sử Việt Nam ta có bề dầy hàng chục nghìn năm, nếu chúng ta lần theo dấu tích khảo cổ thời tiền sử. Kết quả và thành tựu nghiên cứu liên ngành, đa ngành ngày càng làm sáng tỏ lịch sử dân tộc ta hình thành từ rất sớm. Để trình bày và lý giải hành trình lịch sử này, khoa nghiên cứu khảo cổ học phải kết hợp với các ngành liên quan như địa lý, sinh vật học, dân tộc học, ngôn ngữ học … Chung quy lại, chúng ta phải làm rõ nhiều thuật ngữ, khái niệm thuộc nhiều phạm trù rộng lớn. Để nghiên cứu mỗi tượng cổ, chúng ta phải quan tâm đến nhiều dạng hoá thạch nhằm xây dựng sưu tập mẫu vật về “Quần động vật”, về “Thảm thực vật”. Nội dung này rất liên quan đến điều kiện sinh sống của cư dân nguyên thuỷ. Để trình bày về lịch sử ngành sảm xuất gốm sứ Việt Nam, chúng ta phải có được những mẫu vật gốm của các giai đoạn văn hoá. Nhưng khái niệm về gốm đâu đã dễ thống nhất. Nếu theo cách hiểu thông thường hiện nay gốm là từ chỉ thị chung nhất là loại sản phẩm chế từ đất và nung qua lửa (Ceramics). Song gốm lại có thể chia ra 4 phân chi sau: - Đất nung (Terracotta) = Doki (Theo Noritake Tsuda)
- Sành (Earthenware) = Sekki (Theo Noritake Tsuda)
- Gốm men (Stoneware) = Toki (Theo Noritake Tsuda)
- Sứ ( Porcelain) = Jiki (Theo Noritake Tsuda)
Nhưng trong nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu mỹ thuật lại dùng các khái niệm sành nâu, sành trắng, sành xốp. Mới đây, một luận án tiến sĩ về ngành văn hoá học lại đưa ra khái niệm gốm sành nâu có men và không men.
Chưa kể đến khái niệm về các loại men, phân biệt theo các dòng men trắng, men nâu, men lam xám, men rạn, men ngọc, men lục… Các loại phức hợp men như gốm hoa nâu, gốm hoa lam, gốm nhiều mầu…
Vì thế, tôi cho rằng, các bảng tập hợp mảnh mẫu vật về gốm cũng là những tài liệu hiện vật rất quý giá và hữu ích.
Thời gian vừa qua, tôi được tham quan tại Bảo tàng Thượng Hải (Trung Quốc) thấy phòng trưng bày có nhiều bảng hộp kính gắn các mẫu vật mảnh gốm rất sinh động với màu men và hoa văn làm 2 tiêu chí chính. Ở đó, họ sắp xếp rõ đâu là các mảnh gốm men ngọc Long Tuyền, sự biến diễn qua các thời Tống, Nguyên, Minh…
Về chất liệu đá, chúng ta cần xây dựng bảng mẫu vật về kỹ thuật chế tác đá, về loại hình công cụ, đồ trang sức…. Có thể cần sắp xếp theo khu vực, theo giai đoạn phát triển của các nền văn hoá khảo cổ…
Cũng với chất liệu đá, chúng ta có thể sắp xếp các loại hình hiện vật là công cụ, vũ khí, trang trí kiến trúc hay các loại hình tượng, phù điêu liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng theo chiếu dài lịch sử: Từ đầu công nguyên, thời kỳ Bắc thuộc, thời Lý, Trần, thời Lê - Nguyễn….
Về chất liệu đồng cũng vậy, chúng ta cần lưu ý đến các loại hình thuộc về công cụ, vũ khí, đồ gia dụng, đồ trang sức, nhạc khí… đi cùng với loại hình là đề tài trang trí, kỹ thuật trang trí, sự phân biệt và nhận biết các điểm giống và khác nhau giữa các vùng văn hoá…
Ngoài ra, còn có nhiều dạng chất liệu khác nữa như gỗ, giấy vải, kim loại màu cũng cần sưu tập để giới thiệu về ngành nghề thủ công, những khía cạnh mỹ thuật, những trung tâm truyền thống…
Tóm lại, đó là việc lựa chọn mẫu vật theo chủ đề chất liệu. Trong đó, các thông tin cần quan tâm là xuất xứ sưu tầm, tài liệu liên quan và vấn đề xác định niên đại (tuyệt đối hay tương đối).
3. Giải pháp thực hiện.
Xây dựng sưu tập mẫu kho mở là một mục đích khoa học ở tầm quốc gia và để thực hiện thành công, chắc phải có sự tham gia tư vấn của nhiều người. Tôi xin có một số đề xuất sau đây:
- Xây dựng sưu tập mẫu vật khảo cổ học bằng một dự án khả thi có nguồn kinh phí đầu tư và nhân lực cần thiết để tiến hành sưu tầm, mua, nhượng đổi, kêu gọi xã hội hoá…
- Huy động nguồn từ sự đóng góp của các bảo tàng, các nhà sưu tập, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân có nguồn phát hiện di vật, cổ vật…
- Đặt mục tiêu từng bước, từng phần, thực hiện theo chương trình thời gian.
- Xây dựng biểu mẫu hồ sơ hiện vật phù hợp với yêu cầu từng loại chủ đề.
- Chuẩn bị cơ sở vật chất, từ hệ thống kho lưu giữ, thiết bị giá, kệ, bục phù hợp. Kho phải đảm bảo yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm , ánh sáng, phòng cháy, lũ lụt…
- Có hệ thống vi tính và lập trình quản lý tương ứng trong việc cập nhật hồ sơ khoa học, xuất và nhập mẫu vật theo qui chế.
4. Xây dựng sưu tập mẫu vật kho mở kết hợp nghiên cứu phân tích, thực nghiệm.
Công tác bảo quản kỹ thuật trong các bảo tàng Việt Nam hiện đã và đang chuyển động theo chiều hướng tích cực. Các tổ chức bảo tàng quốc tế đã giành cho Việt Nam những kinh nghiệm và bài học cho kỹ thuật bảo quản các chất liệu cổ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của chúng ta còn quá nghèo nàn, thiếu thốn, ít kinh nghiệm cho nên kết quả còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng các mẫu vật rất cần có sự liên kết với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu để tham gia vào chương trình đào tạo, bảo quản, tu sửa các loại chất liệu hiện vật. Nhằm bổ xung, tăng cường thông tin về mẫu vật cần phải có nghiên cứu, phân tích các đặc trưng định tính và định lượng. Nhân đây, chúng tôi giới thiệu về dự án phân tích “ Nhiệt huỳnh quang” giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Khoa học vật liệu. Dự kiến của chúng tôi là thông qua phân tích hệ thống các mẫu gốm có niên đại chính xác để làm hệ thống phổ quang kiểm tra niên đại cho các đồ gốm khác mà nay mới chỉ được xác định niên đại bằng “Phương pháp chuyên gia”. Một hướng khác là làm thực nghiệm để tìm hiểu quy trình sản xuất, cũng như mở rộng nghiên cứu kết hợp tài liệu ngành: dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh học, địa lý học, văn học dân gian…
TS. Nguyễn Đình Chiến
Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Bài tham dự Hội thảo Khoa học "Vai trò của Bảo tàng Đại học trong Nghiên cứu và Đào tạo các ngành KHXH & NV - Lý luận và Thực tiễn". Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội tài trợ. Hà Nội.