1. Có học (có nghe báo cáo) vẫn có hơn!
Hôm nay, thứ Sáu, tất cả đảng viên của ĐHQG đi nghe Nghị quyết ĐH Đại biểu lần thứ XV Đảng bộ TP.HN. Có đi nghe mới biết TP HN trong những năm của nhiệm kỳ này đã có rất nhiều thành tựu to lớn (mình đúng là ếch ngồi đáy giếng, lúc trước chỉ thấy toàn hạn chế với nhược điểm) như giải quyết vụ đất nhà thờ, cắt ngọn nhà cao tầng xây trái phép, phát quang công viên Thủ Lệ… Mặc dù có thành tựu bây giờ xem ra không còn là thành tựu nữa, ví như khối nhà xây vượt tầng mọc lên bất chấp những vụ cắt đầu trước đó (kiểu cắt đầu này, đầu khác mọc lên y như đầu Phạm Nhan vậy).
Rồi có đi nghe nghị quyết mới biết số đảng viên của đảng bộ TP.HN còn đông hơn dân số Yên Bái hay hiện nay thủ đô ta có 7 triệu người (báo cáo viên ví rất hay vì Hà Nội ta “đất lành chim đậu”), lại nhớ câu của mấy bạn đồng nghiệp Nam Bộ: “Đất lành chim đậu. Đất không lành đất nhậu chim luôn”!
Nói tóm lại, quán triệt xong nghị quyết mình cũng tự quán triệt. Hà Nội ta những năm qua đạt được nhiều thành tựu vĩ đại và hiện là thủ đô to, hoành tráng (đất rộng người đông) đứng trong tốp 20 của thế giới. Chỉ tiếc thời gian có hạn, báo cáo viên đã không kịp nói thêm thủ đô đứng tốp bao nhiêu về các chỉ số khác để một đảng viên quèn như mình tự hào và chỉnh trang tư tưởng cho nhất quán hơn nữa với tinh thần của Nghị quyết.
2. Xếp hạng
Liếc qua những văn bản ĐHQG phát, lại thêm một lần thấy mình vẫn chậm hiểu (từ bé mình vẫn được coi là đứa cả tin và chậm hiểu). ĐHQG sẽ được xây dựng theo rất nhiều tiêu chuẩn, nào là ISO hóa, nào là tiếp cận sản phẩm đầu ra và khung logic Logframe, nào là xây dựng văn hóa chất lượng, tinh thần cộng đồng, thương hiệu, nào là trình độ quốc tế… Đọc một hồi, rối tinh rối mù và thấy khổ kinh khủng, vì là dân khối C đọc trình của cán bộ quản lý khối A. Hồi Thầy còn sống, Thầy giải thích đại học là gì, giáo sư phải thế nào dễ hiểu bao nhiêu thì văn bản của ĐHQG này rắc rối bấy nhiêu. Nếu xét theo những tiêu chuẩn mới này có lẽ mình đi bán rau thì thích hợp hơn là đi dạy đại học. May mà sắp hưu, sắp về nhà bế cháu như chị Tiến cho lành.
Đến phụ lục 2, bảng xếp hạng thì còn khó hiểu hơn, theo bảng này ĐHQG nhà mình xếp hạng 200+ (với chú thích 200+ tức là nằm trong nhóm trên 200 nhưng chưa xác định vì còn thiếu một vài chỉ số ?) ở châu Á theo bảng xếp hạng đại học QS Asian University Ranking.
Có ai hiểu vụ xếp hạng này là gì không và như vậy ĐHQG của mình xếp hạng nào bi giờ.
Dù sao, mình vẫn ước đừng đưa bản xếp hạng này ra thì tốt hơn.
Mình sợ những gì liên quan đến phân loại, phân hạng (bất kể là cái gì) lắm rồi.
Vì
Trên mạng đầy rẫy những kiểu phân hạng hay tự phân hạng kiểu “tứ trụ mới”, “nhà khảo cổ học số một”, “tài năng sử học trẻ”…
Và
Có em sinh viên tấm tắc: “Cô ơi, em về quê em hỏi mấy cô, chú làm bên văn hóa, bên bảo tàng ai cũng biết cô, cô nổi tiếng thế”. Lúc đầu nghe thinh thích, nhưng rồi ngộ ra ngay: “Bé ơi, nghề khảo cổ của cô, người làm trong nghề cả nước này chưa đến 100, đàn bà làm khảo cổ thế hệ cô đếm chưa hết 10 đầu ngón tay, cả nước biết nhau, không những biết, mà biết rõ nữa, ai đã làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì đều vanh vách cả”.
Mà nổi tiếng hay tai tiếng - đều là có tiếng!
Biết tự xếp mình vào loại tiếng gì đây?
tiếng xinh í tức là có tiếng là xinh hihihi
Trả lờiXóa