Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Reading the Past (Đọc quá khứ) Ian Hodder (Phần 12). Hết

Kết luận

Trong phần cuối chương này tôi đã bàn luận về những quan điểm KCH tiềm năng và thực tế của một số nhóm xã hội có thể mô tả là các nhóm phụ thuộc trên phạm vi toàn cầu và trong một xã hội. Những quan điểm thay thế, nhưng không “thiểu số”, phải đương đầu với những quan điểm chính thức và ngụ ý rằng các quá khứ mà chúng ta phục dựng vừa mang tính chủ quan lại vừa can dự vào việc thương lượng quyền lực.

Dường như không thể phản ứng lại cuộc thảo luận về tính ngữ cảnh ấy của tri thức KCH bằng cách khẳng định rằng “phương pháp” sẽ tạo thuận lợi cho sự phân biệt giữa những lý giải khác nhau về quá khứ. Chủ nghĩa thực chứng, các lý thuyết Tầm trung độc lập, cách phân tích duy vật chủ nghĩa tất cả đều có thể được coi là gắn chặt với những định đề xã hội đương đại đặc thù; phương pháp cũng là hệ tư tưởng.

Một chủ thuyết tương đối luận cởi mở trước hết có vẻ như là một giải pháp duy nhất nhờ đó mà “bất cứ cái gì cũng vận động”. Chắc chắn là giải pháp này có một vài khía cạnh hấp dẫn nếu như nó tạo điều kiện cho một cuộc tranh luận lớn hơn giữa những quan điểm khác nhau và KCH sẽ tham gia đầy đủ hơn vào các vấn đề chính trị và xã hội đương đại. Nhưng hầu hết các nhà KCH lại cảm thấy rằng giải pháp này là quá cực đoan. Hầu hết đều cảm thấy rằng một số lý giải về quá khứ không ổn thoả bằng những cách lý giải khác, rằng không phải mọi thứ đều có thể được nói ra bằng một tính nguyên vẹn như nhau.

Cơ sở xã hội đương đại của những công trình phục dựng quá khứ của chúng ta không nhất thiết không có giá trị cho các phục dựng đó. Các lý giải của chúng ta có thể thiên lệch, nhưng chúng cũng vẫn có thể “đúng”. Tuy nhiên rõ ràng điều quan trọng là tìm hiểu xem tư tưởng của chúng ta bắt nguồn từ đâu, và tại sao chúng ta lại muốn phục dựng quá khứ theo một cung cách riêng.

Có một mối quan hệ biện chứng giữa quá khứ và hiện tại: (Tr. 181) quá khứ được lý giải trong khuôn khổ của hiện tại, nhưng quá khứ cũng có thể được sử dụng để phê phán và thách thức hiện tại. Theo quan điểm của tôi, về phương diện phê phán, có thể đánh giá các ngữ cảnh của quá khứ và hiện tại trong mối liên hệ với nhau nhằm đạt tới một hiểu biết sâu sắc hơn về cả hai. Con người có một khả năng tinh thần để nhận thức được nhiều hơn về một bối cảnh mang tính chủ quan và có thể xem xét có phê phán mối quan hệ giữa các viễn cảnh khác biệt nhau. Lập luận này đưa chúng ta quay trở lại với những ý kiến đã phát biểu trong tập sách về mối quan hệ giữa một toàn thể rộng lớn hơn (cấu trúc, hệ thống) và bộ phận cá thể (hành động, thực tiễn, cá nhân). Các cấu trúc và những gì được cho là đúng có thể là phương tiện cho tư duy và hành động, nhưng bản thân chúng cũng có thể phải thay đổi bởi tư tưởng và hành động mang tính phê phán.

Vì vậy các dữ kiện không phải là khách quan hoặc chủ quan mà là thật. Và không thể có những công cụ phổ biến để đo lường, nhưng lại có thể hiểu được “tha tính”. Ngay cả những quan niệm về tính chất phổ biến của cấu trúc ngữ nghĩa cũng phụ thuộc vào việc đánh giá có phê phán, đặc biệt là trong các giai đoạn tiền homo sapiens sapiens. Chúng ta luôn luôn phiên dịch ý nghĩa “của họ” thành ngôn ngữ “của chúng ta”, mà ngôn ngữ của chúng ta thì lại linh động và đủ phong phú để xác định và nhận thức được những khác biệt theo cách sử dụng cũng “những từ” đó nhưng trong những ngữ cảnh khác nhau. Chủ thể tính của những khách thể khác có thể được lĩnh hội mà không cần áp đặt những chủ thể tính “khách quan” của riêng chúng ta; sự phân chia chủ thể/khách thể đã từng thống trị trong KCH có thể bị phá bỏ.

Vì vậy KCH hậu quá trình tham gia vào việc phá vỡ những thể chế, những cái được mặc nhiên chấp nhận là đúng, những phân đôi và mở ra một công cuộc nghiên cứu về những mối quan hệ giữa chuẩn mực và cá nhân, quá trình và cấu trúc, vật chất và tinh thần, chủ thể và khách thể. Không giống như KCH quá trình, nó không tán thành một cách tiếp cận duy nhất hoặc cho rằng KCH sẽ đưa ra được một phương pháp luận mà tất cả mọi người đều chấp nhận. Đó chính là lý do tại sao KCH Hậu quá trình lại đơn giản là “hậu -”. Nó phát triển từ một sự phê phán về cái đã vận động trước đó bằng cách xây dựng trên một sự phân nhánh từ con đường đó. Nó bao hàm tính đa dạng hoá và thiếu đi sự đồng thuận. Nó được đặc trưng bởi sự tranh luận và tính chất bất định về những vấn đề cơ bản có thể hiếm khi được đặt thành vấn đề trong KCH. Điều đó chứa đựng  những cách đặt vấn đề hơn là việc đưa ra những lời đáp.

9. Kết luận: Khảo cổ học là Khảo cổ học
(Tr. 182) Thuật ngữ Hậu quá trình cố thử nắm bắt một nét mới cho cuộc tranh luận trong KCH – một sự mở rộng để bao gồm những chiều kích mới với 4 chủ đề đã được thảo luận ở chương 8, bằng cách kết hợp một loạt ảnh hưởng bao gồm Chủ nghĩa Marxism, Cấu trúc luận, Chủ nghĩa duy tâm, Những phê phán nữ quyền và Khảo cổ học công chúng. Đồng thời còn nhắm tới mục đích xác lập một bộ môn KCH có thể đóng góp một tiếng nói độc lập cho cả các cuộc tranh luận của giới trí thức lẫn công chúng. Cách tiếp cận Ngữ cảnh được thảo luận ở chương 7 là một cách thực hiện cái mà cá nhân tôi thấy hấp dẫn, đưa lại cho tôi những quan điểm riêng về xã hội mà tôi sống và về cái phải xảy ra đối với nó và đưa lại cho tôi ý kiến về sự phát triển của KCH trong vòng 20 năm qua.

Trong sự đóng góp và can dự vào cuộc tranh luận liên bộ môn rộng rãi hơn, các nhà KCH đã đọc được những loại ý nghĩa khác nhau từ tập dữ liệu của họ. Bằng các thuật ngữ của Patrick (1985) tôi đã biện hộ cho hai loại ý nghĩa ngữ cảnh. Một là ý nghĩa về các đối tượng là vật chất liên quan đến những trao đổi vật chất, năng lượng hoặc thông tin; đối tượng cần quan tâm ở đây là một nguồn tài nguyên vận hành theo sự sản xuất của nó, để tạo ra những nhu cầu tổ chức. Loại thứ hai là ý nghĩa của các đối tượng liên quan tới nội dung cấu trúc của các truyền thống lịch sử. Trong khi thừa nhận cả hai quan điểm (đối tượng là hiện vật, và đối tượng được tạo nghĩa) cần thiết cho KCH, tôi không tán thành chính sách “sống và để cho sống” trong đó cả hai cách tiếp cận đều có thể tồn tại một cách tách biệt bên cạnh nhau. Chỉ có chút ít có thể thực hiện bằng cách tập trung vào đối tượng như là một hiện vật vật chất. Có lẽ khoảng cách từ nguồn của vật được trao đổi, khối lượng thịt so với xương, hiệu quả của các công cụ trong việc cắt da thú...vv, có thể được đánh giá mà không cần qui chiếu vào các ngữ nghĩa mang tính lịch sử; nhưng tôi cũng đã chứng minh bằng rất nhiều ví dụ rằng hầu hết những trình bày về quá khứ đều liên quan đến việc đưa ra những định đề về những ý nghĩa như vậy – phải chăng người ta đang nói về việc trao đổi uy tín, sự hoạt động kinh tế hoặc (Tr. 183) qui mô dân số của một nơi cư trú. Ngay cả những từ như “bức tường”, “cái hố” hoặc “nơi cư trú” cũng hàm nghĩa mục đích. Chúng ta không thể luôn luôn coi “phụ nữ”, và “nông nghiệp” có nghĩa là cùng một sự vật trong những ngữ cảnh khác nhau. Các nhà KCH luôn luôn hoạt động bằng tư duy của chính bản thân họ đối với những ngữ cảnh văn hoá quá khứ – mặt khác người ta không thể đi quá xa. Hai cách tiếp cận không thể tách rời nhau vì mỗi cách đều cần thiết cho cách kia và thường liên quan đến cách kia. Mối quan tâm của tập sách là biện hộ cho tính cần thiết của mối quan hệ này, và chúng ta nên rõ ràng hơn, khắt khe hơn trong việc phục dựng lại ý nghĩa lịch sử, và chúng ta nên thảo luận về những vấn đề lý thuyết và phương pháp luận nảy sinh.

Tuy nhiên việc phản ứng lại những cuộc thảo luận như vậy vẫn luôn luôn tồn tại trong KCH. Hiện nay nhiều bài viết của Binford vẫn tập trung vào chủ đề này. Trong một lý giải về các hoạt động chế biến nhựa ở người thổ dân Australia Ayawara, Binford (1984) đã lưu ý đến những khác biệt giữa các nhóm thổ dân. Ông hỏi xem liệu những khác biệt này có mang tính thực dụng và tình thế hay có tính chất văn hoá, vì vậy mà tiếp tục cách chia tách cũ giữa quá trình và chuẩn mực, và xây dựng bộ khung vấn đề dựa trên định đề là có tồn tại một tình trạng chia tách như vậy. Binford cho rằng sự khác nhau trong quá trình xử lý nhựa cây phải chăng phụ thuộc vào công việc được tiến hành bởi những nhóm giới tính hỗn hợp khi sử dụng những công đoạn phụ nữ - trợ giúp, hoặc phải chăng nó được thực hiện bởi những nhóm toàn đàn ông cách xa nơi ở. Ông kết luận rằng việc xử lý nhựa là mang tính tình huống chứ không phải được quyết định về phương diện văn hoá.

Rõ ràng việc xử lý nhựa có thể khác nhau tuỳ thuộc vào việc phụ nữ có mặt ở đó hay không, và phụ thuộc vào nơi tiến hành công việc. Nhưng việc miêu tả sự biến đổi  và đồng biến đổi này là để tiến hành một phân tích đầy đủ về cả hai cách đặt vấn đề của Binford đều không đúng – sự thích nghi mang tính tình huống và văn hoá. Tôi đã cho rằng việc ra quyết định tình huống là phần trung tâm của ngữ cảnh (tr. 159); nhưng để xem xét tính thay đổi tình huống chúng ta cần xem xét ngữ cảnh xã hội hoạt động của các chiến lược của đàn ông và đàn bà trong mối liên hệ với nhau. Cái mà những người đàn ông và những người đàn bà cố thử làm bằng cách từ chối thực hiện nhiệm vụ này trong khu cư trú này, nhưng lại không như thế ở nơi cư trú khác, vân vân? Binford không đưa ra câu trả lời cho (Tr. 184) các vấn đề như vậy. Để xem xét vai trò của văn hoá chúng ta cần xem xét thái độ của người thổ dân đối với các loại công cụ được sử dụng trong việc chế biến nhựa, xem chúng có thể hay không thể được sử dụng bên trong hay bên ngoài nơi ở; thái độ của họ đối với nhựa cây và đối với bản thân việc chế biến nhựa cây; đối với đàn ông và đàn bà. Chúng ta cần xem xét những thái độ và những chiến lược như vậy bằng cách quan sát nhiều hơn nữa bối cảnh văn hoá (người đàn ông và người đàn bà còn làm gì nữa, họ chọn những vị trí nào để thực hiện công việc gì...vv).

Hơn nữa khi xem xét văn hoá và việc ra quyết định tình thế tách biệt nhau một cách lầm lẫn, chúng ta có thể thấy cả hai đều xoắn xuýt lấy nhau trong mỗi “hành động” xã hội. Bằng các thuật ngữ của Collingwood, chúng ta cần đạt tới cách tiếp cận của người trong cuộc đối với các sự kiện của thổ dân Ayawara. Như trong nghiên cứu người Nunamiut của mình, Binford đã cung cấp cho chúng ta những thông tin không đầy đủ để coi văn hoá như là trung gian của hành động – các quyết định tình thế như đã được mô tả, xảy ra trong một chân không văn hoá đến nỗi mà chúng ta không thể lý giải nổi nét đặc trưng của chúng, những nguyên nhân hoặc kết quả của chúng. Sự nghèo nàn của lối lập luận như vậy đã quá rõ ràng. Binford rất muốn có những đóng góp chung nào đó vào một cuộc tranh luận lý thuyết trừu tượng cho rằng “chủ thuyết” thì chính xác chứ không phải là ông đang tìm hiểu về cái sự kiện đặc thù kia trong toàn bộ tính chất phong phú và phức tạp của nó. Trò chơi quyền lực đương đại đang cử khúc tiễn đưa, nhưng sự nghiệp khoa học thì không nhất thiết đã tiến lên phía trước. Tất nhiên chúng ta sẽ còn trở lại với những vấn đề lý thuyết rộng lớn hơn sau khi đã thảo luận về công việc chế biến nhựa cây của người Ayawara một cách trọn vẹn, còn các lý thuyết tổng quát lại cần thiết cho tiếp cận ban đầu với tập dữ liệu và việc lý giải dữ liệu, nhưng trong toan tính của Binford thì mối quan hệ biện chứng giữa lý thuyết và dữ liệu, việc so sánh có tính phê phán các ngữ cảnh đã không bao giờ xảy ra. Binford đã lảng tránh luận lý ấy bằng phép “thử”các lý thuyết dựa trên các tiêu chuẩn đã được lựa chọn trước, mà không hề cố thử đặt các lý thuyết một cách trọn vẹn hơn vào các bối cảnh của chúng. Binford đã không “đọc” được “văn bản” xử lý nhựa cây của người Ayawara. Việc thảo luận về các chủ thuyết vì vậy mà trở thành phản tác dụng, dựa trên những định đề tiên thiên và dựa vào quyền lực. Công lao mà người Ayawara lẽ ra đã có thể đóng góp cho cuộc tranh luận giữa các “isms” (chủ thuyết) đã không bao giờ được thực hiện.

(Tr. 185) Phép thử các Lý giải
Tôi không muốn đưa ra một ấn tượng về toan tính trên của Binford, là thứ mà chúng ta không thể nào làm phép “thử” các lý thuyết được. Đôi khi một tình trạng phân đôi xuất hiện giữa việc thử và việc lý giải. Thực ra thì sự phân đôi đó có lẽ liên quan đến một số cách tiếp cận với phép thử. Một số nhà KCH Qúa trình đã dựng lên một bức tranh không chính xác và mâu thuẫn về cái cung cách mà các nhà KCH thực hiện phép thử các lý thuyết của họ.

Trong tập sách này tôi cũng đã nhận rằng với tư cách là các nhà KCH chúng ta cần kiểm tra các lý thuyết bằng cách đối sánh nó với các dữ liệu theo nghĩa chúng ta cố gắng đưa ra các lý lẽ có sức thuyết phục bằng cách chứng tỏ làm thế nào để chúng lý giải các dữ liệu tốt hơn những lý thuyết khác. Có hai vấn đề thuộc về thao tác thích ứng này. Trước hết chúng ta có thể chứng tỏ rằng bản thân các lý thuyết mà chúng ta sử dụng là chưa đủ trong mối liên hệ với các lý thuyết khác, chẳng hạn như lý thuyết xã hội. Chúng ta chứng tỏ rằng chúng không thích hợp với một sự hiểu biết lý thuyết rộng lớn hơn và chúng ta điều chỉnh quan điểm của mình, thường là thông qua những đối lập trong cộng đồng KCH, bằng cách chú ý đến câu hỏi: thế nào là một lý thuyết đầy đủ. Thứ hai chúng ta chứng tỏ rằng các lý thuyết trước đó đã để lại quá nhiều dữ liệu không được lý giải so với các lý thuyết mới, hoặc chúng ta chứng tỏ rằng những lý thuyết trước đây đã sử dụng các dữ liệu không chính xác (chẳng hạn như các niên đại không chính xác) hoặc chúng dựa trên cơ sở thừa nhận các mô hình không có ý nghĩa về phương diện thống kê...vv.

Thật dễ lẫn lộn các thao tác khoa học với cách tiếp cận kiểm tra giả thiết. Nhưng sự thật thì việc sử dụng phương tiện phân tích khoa học, phải chăng liên quan đến việc sử dụng môn thống kê, lượng hoá, các nghiên cứu hoá lý là tương đối thích hợp với một cách tiếp cận giải thích. Những phương pháp khoa học như vậy được sử dụng để nhận rõ và kiểm nghiệm các mô hình (chẳng hạn như dựa vào quan niệm về tính ngẫu nhiên), các mối quan hệ, niên đại và các nguồn. Các phương pháp giúp chúng ta phát hiện các mô hình dựa vào cái mà chúng ta có thể đánh giá những yêu cầu của mình. Nhưng chúng lại không đem đến một phương cách né tránh lĩnh vực chú giải. Chúng giúp ta miêu tả mô hình một cách chính xác hơn, và tìm kiếm được nhiều phương biến đổi hơn, nhưng cái mô hình đó vẫn cần phải được lý giải. Chúng ta vẫn phải viện tới tính mạch lạc và sự tương hợp. Tuy nhiên chúng ta sử dụng khá nhiều phương pháp khoa học và thống kê, phải chăng trước hết chúng ta quan tâm tới (Tr. 186) các vấn đề sinh thái hoặc các vấn đề văn hoá mà tất cả chúng ta đều theo một lối lý giải như đã phác ra ở chương 7.

Diện mạo đó của KCH bị một số nhà KCH chỉ trích công khai là phi khoa học vì nó cho rằng chúng ta đặc biệt sử dụng những lập luận thích nghi (Binford 1982). Các nhà KCH ấy cảm thấy rằng một luận lý khoa học chính xác cần phải đạt tới một trình độ chắc chắn, bền vững và phổ quát lớn hơn, và cấu trúc xã hội của tri thức KCH có thể bị coi nhẹ. Luận lý của họ ủng hộ cho những công cụ đo lường phổ biến không thể thay đổi về phương diện lịch sử.

Tôi cũng đồng ý rằng Lý thuyết Tầm trung (chương 6) có thể được xây dựng với sự thành công nhất định gắn liền với các quá trình phi-văn hoá khác nhau tác động tới di tích KCH. Chẳng hạn tri thức về lực phản tác động của các loại đá, xương và đất sét khi đập vào nó cho phép chúng ta đánh giá được hiệu lực của các giả thuyết về quá khứ. Chúng cung cấp cho ta một phép thử dựa trên những quá trình phi văn hoá phổ biến và độc lập vì dựa trên các lý thuyết không liên quan đến những thứ được đánh giá. Không thể đưa ra các đòi hỏi cho các quá trình văn hoá. Tôi cũng thừa nhận rằng chúng ta cần khái quát hoá các quá trình văn hoá để tạo ra những trừu tượng và xây dựng các lý thuyết. Các khái quát hoá này bao gồm những gì liên quan đến ý nghĩa, hệ tư tưởng, và quyền lực. Nhưng lại xuất hiện một mâu thuẫn khi cách tiếp cận được sử dụng cho những quá trình phi văn hoá được triển khai để kiểm nghiệm những giả thiết về tư duy, ý nghĩa và sự biểu hiện. Một mặt một số nhà KCH Qúa trình đồng ý rằng những mối liên hệ phổ biến trong việc tổ chức nghi lễ và tôn giáo (Renfrew 1985) cho phép nhà KCH kiểm nghiệm các lý thuyết dựa vào các dữ liệu. Nhiều dự báo đã được xây dựng trên cơ sở tìm hiểu lý thuyết Tầm trung và các dữ liệu được nhìn nhận xem có phù hợp hay không. Để thao tác này mang tính khoa học đáp ứng được những đòi hỏi về nó, thì giả thuyết về quá khứ, Lý thuyết Tầm trung và các dữ liệu tất cả cần phải độc lập với nhau và tri thức Tầm trung phải là tri thức phổ quát. Mặt khác, như đã lưu ý ở chương 2, các tác giả như Renfrew, Flannery và Macus, Binford và Sabloff cho rằng mỗi văn hoá đều có “sự phát sinh loài” của riêng mình, hoặc mỗi cách tiếp cận đều có (Tr. 187) mô hình của riêng nó. Hai quan điểm này đơn giản không phải là ước định. Tính chất ngữ cảnh của tri thức vẫn làm sói mòn đi tính phụ thuộc vào những phương cách đo lường phổ biến, sự độc lập của các lý thuyết và những đối đầu mang tính khách quan của lý thuyết và dữ liệu.

Một vấn đề khác là việc tiến thoái giữa lý thuyết và dữ liệu khi cố gắng làm cho cái này thích hợp hoặc thích nghi với cái kia theo một phương cách rõ ràng và nghiêm nhặt. Một mặt là nhạy cả với tính đặc thù và mặt khác phải có tính phê phán đối với các định đề và các lý thuyết. KCH đã từng chứng kiến những đổ vỡ bởi tính thô thiển của việc kiểm nghiệm giả thuyết và sự nông cạn của “phương pháp khoa học”, mặc dù trong thực tế thì hầu hết các nhà KCH đã liên tục phát hiện ra rằng cái mà họ phát hiện là thuộc về một sự quan tâm lớn hơn và phức tạp hơn những gì họ mong đợi. Luôn luôn có một số dư về nghĩa đòi hỏi một sự lý giải nhạy cảm hơn, theo cách chú giải một cổ bản vậy. Một cách tiếp cận khoa học chính xác chấp nhận đòi hỏi lý giải được toàn bộ các dữ liệu trong toàn bộ tính đặc thù của nó, và chấp nhận đòi hỏi khảo sát kỹ lưỡng có tính phê phán đối với tính độc lập bộ phận của lý thuyết và dữ liệu.

Tuy nhiên rất nhiều người lại suy nghĩ khác, vì các nhà KCH hiếm khi làm việc như những nhà khoa học tự nhiên thực chứng. Tôi cũng đồng ý rằng về tổng thể, cái mà họ định thực hiện là tuân thủ những thao tác chú giải văn bản trong một dòng lý giải biến đổi. Việc thực hiện như vậy được phân loại bằng nhu cầu lý giải những ý nghĩa nội tại, nhưng lại tương đối phù hợp với toàn bộ các loại hình KCH.

Bất cứ một cuộc thảo luận nào về việc “đọc” quá khứ hoặc về những ý nghĩa nội tại thì cũng đều hàm ý về sự thông cảm, và thiếu khoa học đến mức là việc thể hiện “điều đó đối với tôi có nghĩa” tỏ ra bắt đầu trở thành người trọng tài cuối cùng của cuộc tranh luận. Vì vậy KCH trở thành con mồi cho những lợi ích riêng. Tuy nhiên các nhà KCH hậu quá trình sẽ bác bỏ sự thông cảm và sẽ bác bỏ quan niệm cho rằng sự lý giải của bất kỳ người nào về quá khứ, tuy không liên quan đến dữ liệu nhưng cũng vẫn giá trị như có dữ liệu. Một số người có lẽ sẽ nhấn mạnh vào sự đóng góp của cuộc tranh luận giữa những quan điểm khác nhau về quá khứ như là một cơ chế cho việc phê phán những lợi ích được ban tặng và những lý giải vô giá trị. Những người khác, (chẳng hạn như Shanks và Tilley 1987a, b) sẽ miêu tả các dữ liệu khảo cổ học như những “mạng lưới phản kháng” ngăn trở những gì có thể nói về quá khứ. Quan điểm (Tr. 188) riêng của tôi là ngay cả điều này cũng mang tính “hiện tại luận” và không cho phép quan niệm của chúng ta về hiện tại được xây dựng một cách cục bộ ở bên ngoài thực tại của quá khứ. Chẳng hạn như rõ ràng là các tư tưởng hiện tại của chúng ta về tiến hoá và tiến bộ đã có công sức tìm tòi vất vả của các nhà KCH. Tương tự như vậy, KCH là chính bản thân nó ngày hôm nay trong mỗi quốc gia bởi cái đã được phát hiện. Cái đã được phát hiện là sản phẩm của cái đã được tìm kiếm, nhưng nó cũng tác động vào cái cách mà chúng ta toan tính (chẳng hạn như việc chúng ta tập trung nghiên cứu các di chỉ, những khu vực hoặc giai đoạn rõ ràng hoặc phong phú hiện vật). Khảo cổ học, hiện tại và quá khứ, chủ thể và khách thể đều nằm trong một mối quan hệ biện chứng trong sự vận động liên tục. Họ, chúng ta tuỳ thuộc vào nhau và cùng đưa nhau vào tồn tại.

Khảo cổ học và vai trò riêng biệt của nó
Để KCH hậu quá trình phát triển rộng rãi hơn, các nghiên cứu về hai loại ý nghĩa của các đối tượng vật chất (là các hiện vật và các dấu hiệu) cần phải được kết hợp lại. Theo cách đó, 4 vấn đề chung của KCH hậu quá trình (mối quan hệ giữa chuẩn mực và cá nhân, quá trình và cấu trúc, duy tâm và duy vật, chủ thể và khách thể) có thể được xác định. Có lẽ là trong khi trở thành một bộ phận của những cuộc tranh luận như vậy, và khi sử dụng những lý thuyết từ những bộ môn khác, KCH đã để mất đi một vài biệt tính và sự độc lập của riêng nó. KCH hậu quá trình là một bộ phận của những mối quan tâm rộng lớn hơn trong lý thuyết xã hội, và việc phân tích ngữ cảnh mà đa phần các phương pháp và lý thuyết của nó bắt nguồn từ việc phân tích ngôn ngữ học.

Nhưng tập sách này cũng cho rằng có thể xem xét các dữ liệu KCH ngữ cảnh trong những khuôn khổ riêng của chúng, và chúng ta có thể tiếp cận được đặc tính của các ý nghĩa quá khứ. Có lẽ KCH có thể đóng góp những dữ liệu của riêng nó cho những cuộc tranh luận chung bằng cách sử dụng những phương pháp và những lý thuyết của riêng nó để làm như vậy, với tư cách là một bộ môn độc lập. Gìơ đây tôi muốn xem xét cái đề xuất vừa khác với KCH quá trình vừa khác với KCH truyền thống, cái KCH đó không phải là lịch sử, cũng không phải là nhân học, mà nó chỉ là KCH.

(Tr. 189) David Clarke đặc biệt nhấn mạnh rằng “KCH là KCH là KCH”. Cuốn “KCH Phân tích” (1968) của ông là một cố gắng có ý nghĩa lớn lao nhằm phát triển một phương pháp luận KCH đặc biệt dựa trên các hiện vật KCH, những liên tưởng và các mối quan hệ của chúng trong các ngữ cảnh KCH. Trong công trình nghiên cứu Glastonbury của ông gần đây (1972; xem ở trên, p.15) Clarke đã tiến hành một phân tích ngữ cảnh chi tiết đi liền với một thành tố cấu trúc. Ngoại trừ việc ông không nhất trí với quan điểm cho rằng “KCH là nhân học hoặc không là gì cả”, Clarke khác biệt với KCH quá trình hoặc KCH “Mới” vì ông vẫn duy trì một mối gắn bó với các thực thể văn hoá, sự truyền bá và các liên tục tính của chúng. Dù trong công trình của ông có những yếu tố khoa học tự nhiên rất rõ ràng, nhưng ông vẫn nghi ngờ sự bắt ép một cách quá dễ dãi và phép “thử” những qui luật tổng quát. Vì vậy rõ ràng là có nhiều tính tương đồng với một sự giải thích hạn chế hơn đối với cách tiếp cận ngữ cảnh được đưa ra trong công trình này. Ngoại trừ việc sử dụng loại hình phương pháp luận chi tiết, thì sự khác biệt chủ yếu là thất bại của Clarke trong việc xác định những cung cách vận động vượt khỏi dữ liệu để lý giải chúng. Trong “KCH phân tích” lược đồ của ông là có tính phân tích và kinh nghiệm. Các ý nghĩa văn hoá và xã hội trong các mô hình KCH của ông thực sự còn chưa rõ ràng. Những lý giải so sánh văn hoá giản đơn được ấn vào (chẳng hạn liên quan đến các tập hợp nhóm văn hoá khu vực), ông cũng ít quan tâm đến nội dung ý nghĩa và “lịch sử từ người trong cuộc” kể cả trong công trình này hoặc bất cứ công trình nào khác sau này của ông.

Taylor cũng đã xác nhận (1948) rằng “KCH không là lịch sử, cũng không là nhân học” (ibid, p.44). Ngoài ra còn có nhiều tương đồng giữa quan điểm được đề xuất trong công trình này và cách tiếp cận liên kết của ông với mục đích tiên quyết là “soi sáng các liên kết văn hoá, các liên tưởng và những mối liên hệ, “những quan hệ”, bên trong sự biểu hiện được tìm thấy” (ibid, p. 95-6). Mục đích là xem xét thông tin ngữ cảnh trong mỗi đơn vị hoặc di chỉ như một thực thể riêng biệt bên trong cái biểu hiện văn hoá riêng của nó, bằng cách nhấn vào ngữ cảnh văn hoá đối lập với phương pháp so sánh. Hơn nữa, “văn hoá là một hiện tượng tinh thần, bao gồm nội dung tư duy nhưng không bao hàm các đối tượng vật chất hoặc hành vi có thể quan sát” (ibid, p. 98). Trong những ví dụ được áp dụng, Taylor thể hiện (Tr. 190) khả năng của các nhà KCH trong việc phục dựng những tư tưởng trong một nền văn hoá ẩn dấu của các xã hội quá khứ. Chẳng hạn như khi nghiên cứu về hoa văn trên vải Taylor đã ghi chú xem các sợi vải được bện xoắn sang phải hay sang trái và tiếp tục xác định các nguyên tắc cấu trúc trong đó vải của người Coahuila rõ ràng là không quan tâm đến tổng thể hoa văn được làm theo đúng thể thức (Ibid., p. 182).

Mặc dù có những tương đồng rõ ràng với các quan điểm đã được đề cập ở chương 7, nhưng vẫn có một số hạn chế đáng kể trong cách tiếp cận của ông gợi lại những phê bình chỉ trích đã được thực hiện trong tập sách này. Trước hết Taylor đã đòi hỏi một sự phân biệt kiểu loại giữa tư tưởng và thực tiễn: “Văn hoá bản thân nó bao hàm tư tưởng, mà không phải là các quá trình” (Ibid., p. 110). Đây là một quan điểm đối lập với Binford và cũng vẫn không đầy đủ.

Thứ hai, quan điểm của Taylor là định chuẩn, mặc dù không phải theo nghĩa bằng cách nào đó “các xã hội” đều có chung một lối nhìn vào thế giới. Taylor gợi ý rằng văn hoá cũng có thể được chia sẻ hoặc mang tính cá nhân và mang đặc tính riêng. Tuy nhiên tôi cũng không đồng ý với Taylor về ý nghĩa thứ hai của định chuẩn – cho rằng hành vi bị luật tắc giới hạn. Các cá nhân và các nhóm bị kiểm soát bởi các hệ thống hoặc các luật tắc, các cấu trúc đến mức mà họ không thể nào chế ngự được. Taylor muốn nói rằng văn hoá được làm ra bởi những loại luật tắc đó chứ không phải là bởi những quyết định mang tính ngữ cảnh mang đậm các luật tắc và những sắp đặt. Theo nghĩa đó, cách tiếp cận của ông không phải là ngữ cảnh (ngữ cảnh tình huống) mà là định chuẩn.

Mặc dù có những khác biệt này khác với cách tiếp cận của Taylor (đặc biệt là Taylor không phát triển một tự ý thức về phương diện xã hội và một lập trường phê phán gắn liền với tính chủ quan của việc mô tả và lý giải các dữ liệu), rõ ràng là Taylor giống với Collingwood đã đem lại cho các nhà KCH đương đại rất nhiều điều. Tôi không quan tâm đến việc phủ nhận mối liên hệ với các nhà KCH trước đây – thực sự thì cần phải tái xây dựng những cây cầu đã bị hư hại quá nhiều bởi KCH quá trình, và để định giá lại cái cụm từ “giấc ngủ vùi của lý thuyết KCH” (Renfrew 1983b).

Trong tập sách này, quan niệm cho rằng KCH cần có một sự tồn tại độc lập mặc dù nó liên quan đến cả lý thuyết tổng quát lẫn phương pháp với những hợp phần sau đây. Trước hết, ở chương 8 tôi cho rằng cần phải phân biệt KCH (Tr. 191) khỏi nghề buôn chơi cổ vật bằng mối quan tâm của nó đối với những ngữ cảnh của các đối tượng vật chất. Người ta cho rằng các nhà KCH có thể sử dụng phương pháp qui nạp trong việc vượt lên khỏi những mối liên kết ngữ cảnh và các giao ước hướng tới một sự tìm hiểu mang tính phê phán về những ý nghĩa lịch sử đặc trưng. Những cách đọc và lý giải như vậy là những phiên bản của một thời đại khác; chúng tạo ra những định đề phổ biến, nhưng kết quả thì lại không hoàn toàn tuỳ thuộc vào hiện tại. Những cách đọc ấy cung cấp thông tin cho hiện tại và đóng góp cho hiện tại thông qua việc đánh giá có phê phán quá khứ. Bao nhiêu nhà KCH có thể lý giải là tuỳ thuộc vào mức độ phong phú của những hệ thống dữ liệu của họ, tuỳ thuộc vào tri thức và khả năng của họ, nhưng rõ ràng là có một tiềm năng để KCH có những đóng góp độc lập.

Thứ hai là trong khi các nhà KCH có thể đọc những văn bản văn hoá vật chất quá khứ bằng cách so sánh với cách đọc các văn bản lịch sử thì vẫn có những khác biệt riêng giữa văn hoá vật chất với các ngôn ngữ nói hoặc viết, những khác biệt này cần phải được nghiên cứu thêm. Văn hoá vật chất thường có vẻ đơn giản hơn, nhưng ngôn ngữ lại mù mờ hơn, và so với ngôn ngữ nói thì nó thường tỏ ra xác định và bền vững hơn. Hơn nữa hầu hết các từ đều là những vật mang nghĩa một cách võ đoán cho những khái niệm được gán ý nghĩa. Vì vậy mối liên hệ giữa từ “cây” khi được đối sánh với “ cây gỗ” hoặc “ tarm” (?) và khái niệm “cây” thì có tính qui ước và có tính lịch sử. Nhưng một “từ” văn hoá vật chất chẳng hạn như một tấm ảnh hoặc một điêu khắc hình người thì lại không phải là một thể hiện võ đoán của cái được gán ý nghĩa; vì vậy trái ngược với đa số các từ, nhiều dấu hiệu văn hoá vật chất lại mang tính hình tượng. Những khác biệt này kia đều hàm ý rằng các nhà KCH phải phát triển các lý thuyết và phương pháp riêng của họ để đọc những dữ liệu của riêng họ.

Thứ ba, KCH có thể tự tận dụng những bằng chứng hoạt động văn hoá của con người từng trải trong một khoảng thời gian rộng lớn. Viễn cảnh dài hạn này có khả năng đưa chúng ta tới nhưng hiểu biết sâu sắc mới về 4 vấn đề chính trong KCH hậu quá trình. Chẳng hạn như trong một khuôn khổ dài hạn các sự kiện riêng lẻ đóng vai trò gì trong các quá trình chung của sự biến đổi xã hội và văn hoá; và cái gì là mối liên hệ giữa cấu trúc và quá trình? Trong khuôn khổ ngắn hạn, có vẻ như là các yếu tố quyết định kinh tế và xã hội lại quan trọng hơn, nhưng chỉ trong một (Tr.192) khuôn khổ dài hạn thì các quyết định kinh tế và xã hội mới có thể được coi là tạo ra các mô thức lặp có một nhịp điệu văn hoá và cấu trúc cơ sở. Công trình KCH khởi đầu theo hướng này đã được đề cập ở chương 5.

Bằng những cách thức đa dạng ấy, KCH có thể được coi là một bộ môn độc lập đang mò mẫm hướng tới những lý thuyết và phương pháp độc lập, nhưng cần thiết phải gắn liền với và đóng góp cho những lý thuyết xã hội tổng quát. Vấn đề về mối liên hệ giữa cái phổ biến và cái đặc thù làm nền tảng cho ba vấn đề được thảo luận trong các trang trên tự thân nó là một vấn đề rộng lớn mà KCH có thể thực hiện được một đóng góp riêng.

Các đối tượng KCH đã làm nảy sinh các vấn đề về mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng trong một hình thức cực đoan và đầy tính liên tưởng. Mối liên hệ đã bị KCH hàn lâm hiện thời bỏ qua một cách hiển nhiên ấy đã được Mags Harries tìm thấy lại trong nền nghệ thuật đại chúng trên các hè phố Boston của bà (trang trí mặt tiền). Nghệ thuật của bà đòi hỏi chất KCH trước hết vì bà nhận thấy rõ sự gần gũi của những vật dụng tầm thường hàng ngày và đặc tính lịch sử của chúng. Thông thường các đồ vật được tạo ra và bị bỏ lại vô mục đích và bị lãng quên, các hiện vật đó lại lưu giữ được một thời khắc thoáng qua trong một dạng thức cụ thể. Thứ hai, tuy nhiên chúng ta vẫn có cảm giác rằng chúng ta hiểu các đồ vật đó, rằng có một đặc tính tương đồng, gần gũi thậm chí là trong những khoảng thời gian thật lớn. Chúng ta phải chạm trán với sự tàn phá của thời gian và tính phổ biến của kinh nghiệm. Trong tập sách này tôi đã cố thử luận giải rằng chúng ta chỉ có thể hiểu được tính phổ quát và khoảng cách bằng cách thăm dò cái tổng thể cụ thể mang tính hàng ngày của bản thân các hiện vật trong toàn bộ đặc tính của chúng.

Trên các đường phố Boston, Mags Harries đã sáng tạo ra những hiện vật KCH. Nghệ thuật của bà mang tính KCH theo hai nghĩa vừa mới xác định ở trên. Để KCH tự thân trở thành KCH một lần nữa sẽ liên quan đến việc khai quật nhiều hơn nữa các hiện vật và đặt chúng vào trong các bảo tàng và vào các phụ hệ thống văn hoá - xã hội – chúng ta cần phải xem xét các ngữ cảnh riêng của các hiện vật trong quá khứ để cân nhắc về những ngữ cảnh riêng của chúng ta đối diện với tính phổ quát dài hạn.

Trong khi thảo luận về những bước thử theo các hướng này, tập sách của tôi muốn nêu lên một cách có chủ đích nhiều vấn đề hơn là để trả lời về các vấn đề – về (Tr. 193) mối quan hệ giữa các cá nhân và các xã hội, về sự tồn tại của các qui luật phổ biến, về vai trò của các nhà KCH trong xã hội ...vv. Ý nghĩa của quá khứ phức tạp hơn rất nhiều so với suy nghĩ của chúng ta. Vì vậy mà giờ đây khi lựa chọn con đường đó, KCH đã tỏ ra là khó đến vô vọng, còn thực tế thì tôi đã cho rằng các nhà KCH có thể quay trở lại với các nguyên tắc cơ bản trong việc phiên dịch ý nghĩa các văn bản quá khứ ra thứ ngôn ngữ đương đại riêng của chúng. Các phương pháp khai quật và lý giải dựa trên quan niệm ngữ cảnh đã được phát triển tốt. Khi sử dụng các phương pháp như thao tác hỏi – và - trả lời, những khái niệm về tính mạch lạc và tính tương hợp của Collingwood thì cái ý tưởng cho rằng ý nghĩa được cấu tạo thông qua các tập cấu trúc của những khác biệt – và khi thừa nhận tầm quan trọng của phân tích phê phán người ta đã lập luận rằng thông tin ngữ cảnh từ quá khứ có thể dẫn tới việc hiểu được các ý nghĩa chức năng và quá trình hình thành tư tưởng. Bằng cách đó lịch sử dài hạn có thể được phục dựng và có thể đóng góp cho cuộc thảo luận trong phạm vi các lý thuyết xã hội hiện đại và cả trong phạm vi xã hội nói chung.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét