Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Về Thành Nhà Hồ (VietNamNet lại đăng bài SAI quá nhiều và VÔ BỔ)

Bài trên VietNamNet


Một ngôi thành bằng đá xanh hùng vĩ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt suốt 600 năm qua. Những người thợ thủ công đã làm thế nào để vận chuyển và đưa những khối đá hàng chục tấn lên cao? Làm thế nào giữa các tảng đá không cần chất kết dính mà ngôi thành vẫn vững vàng qua bao mưa nắng?

Bạn đọc Hoàng Giang đã gửi những bức ảnh rất đẹp về kinh đô xưa của nhà Hồ tới VietNamNet:
Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) vốn là kinh đô của nhà Hồ, thành còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, một hoàng thành rộng lớn vào bậc nhất Việt Nam, có người đã ví von đây là “Kim tự tháp” đá của Việt Nam.

Công trình hùng vĩ này do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng cho xây dựng vào năm 1397. Thành có bình đồ kiến trúc hơi vuông với hai mặt nam - bắc dài hơn 900m, hai mặt đông - tây dài hơn 700m, độ cao trung bình 7-8m, có nơi như ở cửa nam cao tới 10m.

Điều đặc biệt thú vị là toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau với tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp.

Các phiến đá có kích thước rất lớn, chiều dài trung bình 1,5m, cá biệt có phiến dài tới 5m, rộng 1,5m và nặng tới 15-20 tấn.

Các cổng thành được xây dựng theo kiến trúc hình vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau. Cổng tiền (phía Nam) là cổng chính, có ba cửa. Cửa giữa rộng và cao gần 6m, hai cửa bên rộng 5,4m, cao 5,3m. Ba cổng còn lại chỉ có một cửa.

Điều đáng ngạc nhiên là một công trình kiến trúc đồ sộ, vững chắc như vậy mà theo tương truyền của nhân dân địa phương, thành chỉ được xây trong vòng ba tháng. Cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều giả thuyết và bí mật xung quanh việc xây thành.

Đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier, chuyên nghiên cứu về văn hóa Đông Dương, đã nhận xét về thành nhà Hồ như sau: “Thành cổ này là một mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách rất tài tình...”.


Các nhà nghiên cứu cho rằng, đá xây thành đã được vận chuyển từ vùng núi An Tôn, Xuân Đài hoặc núi Nhồi cách thành từ vài cho đến hàng chục km
Cổng thành phía Nam với ba cửa mái vòm lớn
Chỉ bằng những phương tiện thủ công nhưng người xưa đã tạo nên một thành đá rất đồ sộ. Các góc thành đều rất vuông vức
Cổng thành phía Đông với mái vòm bằng đá rất đẹp
Những tảng đá được chồng khít lên nhau và giữa chúng không hề có chất kết dính
Cho đến bây giờ việc xây thành vẫn là một bí mật
Một vài chỗ đã có hiện tượng lún đỗ để lộ ra những phiến đá với kích thước khổng lồ
Bức tường thành bằng đá vẫn vững vàng qua hàng trăm năm
Giữa thành là một đôi rồng đá rất đẹp, dấu tích của cung điện ngày xưa. Điều thú vị là cả hai con rồng đá này đều bị chặt đầu chặt đuôi?
Hoàng Giang
http://www51.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/du-lich/18163/bi-mat-dang-sau-thanh-da-lon-nhat-viet-nam.html

Phản biện của TS. Nguyễn Hồng Kiên

Tốt nhất là bóc bỏ. Vì SAI quá nhiều và VÔ BỔ:
1-Cung cấp thông tin sai:
+ Việc xây dựng Thành nhà Hồ chẳng có gì là bí mật như tác giả đặt ra các câu hỏi (có phần ngớ ngẩn). Chỉ cần TẠM đọc website của BQL Di tích Thành Nhà Hồ
http://thanhnhaho.vn/Default.aspx?ctr=guest.introview&l=vi&introid=512 thôi cũng đã hiểu rồi:
Từ bên ngoài, có thể thấy toàn bộ các bức tường của tòa thành được xây bằng các khối đá khổng lồ có hình khối chữ nhật hoặc gần vuông, xếp không trùng mạch theo hình chữ “I”. Trên thực tế, tường thành được cấu tạo bởi ba lớp gắn kết chặt chẽ với nhau bằng một kỹ thuật xây dựng đặc biệt:



   Hình 04: Một đoạn tường thành phía Đông

- Lớp ngoài: tường thành được xây dựng bằng “những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách tài tình”. Tất cả các khối đá xây được đẽo gọt công phu thành các khối vuông thành sắc cạnh, với kích thước trung bình 2,2 x 1,5 x 1,2m, cá biệt có khối có kích thước tới 4,2 x 1,7 x 1,5m và 5,1 x 1 x 1,2m. Những khối đá lớn nhất nặng tới khoảng 26,7 tấn. Nhìn từ mặt ngoài, từng khối đá này được lắp ghép chồng khít lên nhau theo phương thẳng đứng, hơi thu nhỏ phía trên kiểu “thượng thu, hạ thách”. Kỹ thuật này thể hiện rõ nhất là ở các điểm bắt góc của thành. Những khối đá to lớn nhất được xếp dưới thấp, càng lên cao, kích thước của chúng càng giảm đi. Các khối đá có kích thước to lớn nhất được thấy ở các bức tường phía Tây, phía Nam và phía Đông. Trong khi ở phía Bắc chúng có kích thước nhỏ hơn, do vậy số lượng các hàng đá cũng lớn hơn.
  Ở mặt bên trong, các khối đá này được chèn nối tiếp kiểu “nanh sấu”, liên kết chặt chẽ với nhau bằng các khớp, ăn sâu vào trong lõi tường tới khoảng 4m. Đá dăm trộn chất kết dính được đổ đầy vào các khoảng trống của những khối đá này. Với kĩ thuật đa dạng như vậy, các khối đá liên kết với nhau rất chắc chắn theo chiều ngang và chiều dọc, giữa lớp trong và lớp ngoài bằng khớp, giữa lớp trên với lớp dưới bằng sức nặng.
  Để đảm bảo độ vững chắc của tường thành người ta đã tạo chân móng tường bằng cách kè các khối đá tảng lớn chìa rộng hơn tường thành. Mặt trên của các tảng đá kè móng được đẽo bằng phẳng, các mặt khác vẫn còn nguyên vỏ đá tự nhiên, sau đó xếp đặt đá xây tường thành lên trên. Bên dưới lớp đá tảng này, lại được đầm nện chặt bằng các lớp đất sét trộn sỏi và đá dăm, dày ít nhất là 70cm, như có thể quan sát trong một hố khai quật năm 2008 ở Cửa Nam.

     Hình 05: Kỹ thuật gia cố lõi tường thành

  – Lớp giữa (lõi tường) được đắp bằng đá mồ côi (các khối đá rời tự nhiên), chèn ốp bên trong theo từng lớp đá bên ngoài.
  – Lớp trong là lũy đất đắp bằng đất sét trộn cát sỏi, nện kỹ từng lớp, có độ dốc thoải dần vào phía trong thành. Cứ dày khoảng 60cm – 70cm lại có một lớp cát mỏng trộn với sỏi.
  Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho biết, vào năm Tân Tỵ (1401) “Hán Thương hạ lệnh cho các lộ nung gạch để dùng vào việc xây thành. Trước đây xây thành Tây Đô, tải nhiều đá tới xây, ít lâu sau lại bị sụp đổ, đến đây mới xây trên bằng gạch, dưới bằng đá”. Mặc dù các dấu tích hiện tại chưa cho biết gạch đã được dùng cho việc xây thành như thế nào, từ những viên gạch hình khối chữ nhật to lớn được thu thập khá nhiều trong nhân dân, các nhà khoa học cho rằng có thể có những ụ bắn bằng gạch được xây trên tường thành.

HẾT TRÍCH.

+ Hồ Quý Ly chưa/không bao giờ là TỂ TƯỚNG mà chức quan lớn nhất dưới thời Trần của ông là Phụ chính Thái sư nhiếp chính.

+ Về thời gian xây KỶ LỤC 03 THÁNG, không phải như tác giả nói là “theo tương truyền của nhân dân địa phương”, mà được ghi trong chính sử.
Đại Việt Sử ký Tòan thư- Bản Kỷ, quyển VIII (bản dịch nxb.KHXH, Hà Nội 1971, trang 219) chép:” Đinh Sửu năm thứ 10 [1397]…Mùa Xuân, tháng Giêng (vua Thuận tông- húy là Ngung, con út Trần Nghệ tông-Gốc Sậy chú) sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh là Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà Miếu, nền Xã (tức đàn Xã Tắc- Gốc Sậy chú), mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đấy, BA THÁNG LÀM XONG“.

+ Con số “tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp” không đáng tin, vì ngay số đo dài rộng của thành tác giả cũng BỊA: “Thành có bình đồ kiến trúc hơi vuông với hai mặt nam – bắc dài hơn 900m, hai mặt đông – tây dài hơn 700m “.
Thực tế, các tường thành KHÔNG CHÊNH ĐẾN 200m mà chỉ dao động khoảng chưa đến 10m (từ 877m đến 880m). Trang web của BQL di tích thành Nhà Hồ viết rõ: “Hai tường thành phía Nam và phía Bắc dài 877,1m và 877m, hai tường thành phía Đông và phía Tây dài 879,3m và 880m.”

 2- Là một dạng tin ảnh mà hầu hết các chú thích chẳng ăn nhập gì với ảnh.
+ Chú thích cho tấm ảnh 1 đoạn tường thành lại là “Cổng thành phía Đông với mái vòm bằng đá rất đẹp”. Mà MÁI VÒM là cái gì chứ?
+ Ảnh chụp các lỗ chân cột của kiến trúc gỗ (vọng lâu) trên mặt cổng thành lại được chú thích là: “Bức tường thành bằng đá vẫn vững vàng qua hàng trăm năm”
+ Thậm chí gây PHẢN CẢM như chú thích cuối. Xưa nay vẫn nói 2 tượng rồng này bị quân xâm lược Minh chặt đầu. Sao Hoàng Giang và  BBT VietnamNet lại thấy THÚ VỊ được?

Ba Sàm cũng phải hỏi: "Không hiểu câu chú cho tấm ảnh nầy: “…  Điều thú vị là cả hai con rồng đá này đều bị chặt đầu chặt đuôi?” http://anhbasam.wordpress.com/

VietNamNet có ý định tốt khi mở mục Du lịch và kêu gọi độc giả chia sẻ hình ảnh về quê hương đất nước. Tuy nhiên, BBT cần chú trọng biên tập hơn trước khi đăng bài.

1 nhận xét: