Tác giả: G.N. Machusin Nhà xuất bản Mir, Maxcova, 1982
Người dịch : Phạm Thái Xuyên dịch sang tiếng Việt có bổ sung và sửa chữa Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1986
MỞ ĐẦU
Thân thể con người - một cơ thể được cấu tạo phức tạp. Trong cơ thể có đủ các bộ phận mà nhờ chúng, có thể suy nghĩ, nói năng, đi lại bằng hai chân, chế tạo ra những đồ vật khác nhau bằng hai tay, sử dụng được ưu thế thị giác có hình khối, màu sắc. Trong thiên nhiên, không có một loài sinh vật nào khác mà lại có trách nhiệm với sự tồn tại của mình không những về sự thích nghi thể chất với môi trường sống, mà còn đối với cả những thành tựu trong trình độ phát triển về vật chất.
Tôi là ai? Không có một người biết suy nghĩ nào mà lại không đặt ra câu hỏi đó cho bản thân mình, dù chỉ một lần. Tại sao tôi có tầm vóc cao lớn như thế này, màu mắt như thế này, tính cách như thế này? Bố tôi không cao lắm, mẹ - thấp người, ông nội và bà nội - cũng thế. Màu mắt của bố mẹ, ông bà tôi đều khác tôi. Cũng có thể tôi giống với cụ tổ theo truyền thuyết - một trưởng đội côdắc, sống vào thế kỷ XVI, là người sáng lập nên cái làng quê thân yêu mà một nửa làng cũng mang tên họ như tôi ? Các câu hỏi ngày càng đi sâu mãi, đi sâu mãi vào quá khứ…
Ngày xưa, các vị tổ tiên của tôi không nhiều lắm. Một nghìn năm trước đây, trên hành tinh này, họ còn ít hơn cả số dân trên đất nước chúng ta hiện nay. Còn nếu đi xa hơn nữa về quá khứ cách đây hai triệu năm, thì hình dạng tổ tiên của tôi sẽ biến đổi đi. Họ không có hình dạng con người, ý thức của họ còn mơ hồ. Còn tiếng nói, nếu họ nói được, - cũng là tiếng nói nguyên thủy. Quần áo, nếu họ có, - là những bộ da lông chưa qua chế biến. Cũng có thể là họ chưa biết dùng lửa, họ ăn những con thằn lằn, những con rắn còn sống nguyên... Đấy, những tổ tiên của tôi. Tôi là ai? Tôi - tất cả những người như họ, bởi vì một câu trả lời đúng đắn sẽ phải dựa vào sự di truyền và tiến hóa. Và câu trả lời ấy sẽ giúp tôi hình dung ra họ hàng thân thuộc của tôi với toàn thể loài người, với tất cả các sinh vật sống. Nếu tôi tìm được câu trả lời, thì có thể tôi nhận ra tại sao tôi có được bộ óc lớn mà nhờ nó tôi có thể viết sách, xây dựng các thành phố, bay vào vũ trụ, mà cái chính là biết nói và suy ngẫm về nguồn cội của mình.
Đã có một thời gian mà tổ tiên của tôi không biết một chút gì về những chuyện đó. Họ vẫn chưa phải là những con người và họ giống những con vượn hiện nay. Một nơi nào đó, trong tận cùng cội nguồn tộc phả của tôi, "ở một giống vượn xa tất cả những giống còn lại về trí thông minh và sự thích ứng" [1] đã sinh ra một sinh vật biết liên kết thế giới con người hiển nhiên với giới động vật hiển nhiên. Nhiệm vụ của cuốn sách này là ở chỗ cố gắng làm sáng tỏ sinh vật ấy xuất hiện như thế nào, cố gắng xác định những yếu tố nào đã gây nên sự biến đổi vượn "bốn tay" thành tổ tiên đi thẳng của con người. Ngắn gọn hơn là nhận thức được tôi trở thành một con người như tôi như thế nào.
Những người sống trước tôi đã cố gắng giải đoán bí mật về nguồn gốc của mình. Có thể là đã lâu lắm rồi, từ ngày đầu tiên tồn tại của mình, vấn đề tộc phả của con người đã dày vò con người. Vô vàn huyền thoại còn lưu truyền đến chúng ta, dưới dạng những chuyện cổ tích dân gian Nga, cũng như dưới dạng những truyền thuyết thần thoại của các dân tộc khác, có chủ đề cố gắng giải thích đất nước và con người đã xuất hiện như thế nào. Tất cả những huyền thoại ấy đều tuyệt đẹp và thú vị nhưng tuyệt đối ... không đáng tin cậy. Cuối cùng, chỉ vào thời đại chúng ta mới hoàn thiện được các phương pháp cho phép bắt tay vào giải quyết những vấn đề về nguồn gốc con người một cách khoa học. Chỉ có bây giờ các nhà khoa học mới có thể chinh phục lại một cách chính xác đến cả những chi tiết về cuộc sống của tổ tiên xa xưa
của chúng ta theo những dấu vết tưởng như là không đáng kể.
Những phương pháp mới nhất phục chế quá khứ cho phép tái hiện chân dung chính xác của các tổ tiên. Độ chính xác và độ tin cậy của những phục chế ấy đã được kiểm tra. Kiểm tra như thế nào? Đây là một ví dụ.
Tội phạm đến khéo che đậy những dấu vết của mình tới mức sau đó mấy năm, khi công nhân xây dựng đào hào để đặt đường ống dẫn, mới phát hiện ra hài cốt của người bị giết. Thoạt tiên, không ai có thể nghi ngờ rằng người chết mà công nhân xây dựng tìm thấy hài cốt là nạn nhân của một hành động giết người dã man. "Chó sói, chắc thế", - các dự thẩm nêu ra giả thuyết sau khi phát hiện ra những vết thủng nằm ngang ở xương người bị giết. Ban giám định đã xác định được ở xương đúng là có những vết răng của một con thú cỡ lớn. Bộ xương không có sọ dường như cũng khẳng định giả thuyết những con thú ăn thịt đã tấn công nạn nhân. Những con thú cũng có thể gặm mất toàn bộ sọ. Có lẽ mọi việc đã rõ và người ta đã chuẩn bị nộp hồ sơ vào lưu trữ, thì đột nhiên công nhân xây dựng bỗng thấy chiếc sọ, và những giả thuyết trước đó bị bác bỏ. Rõ ràng đây là một vụ giết người. Trên xương sọ thấy rõ một vết lõm, dấu vết của một đòn mạnh đánh từ phía sau. Có nghĩa là đó không phải do chó sói mà là một tội ác. Hung thủ không để lại bất cứ dấu vết gì. Thậm chí tên người bị giết cũng không biết, người bị giết quê quán ở đâu, xuất hiện trong rừng như thế nào.
Phải chăng ở đây chính là chỗ người ấy bị giết, hay là người ấy đã bị giết ở một nơi khác nào đó, mà ở đây chỉ là nơi giấu xác. Vụ án còn phức tạp thêm lên ở chỗ chiếc sọ và bộ xương người đã được tìm thấy ở ngoại ô một thành phố lớn. Vì vậy, cũng có thể xác chết đã bị chặt ra thành từng đoạn, và việc chuyên chở từng đoạn xác chết có thể kín đáo hơn. Tìm hung thủ khi không có bất cứ dấu vết nào và cũng không biết cả tên người bị giết là điều không thể làm được. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau đó đã tìm ra hung thủ. Khi thảo luận các giả thuyết khác nhau, đã tưởng đó là một vấn đề không có hy vọng, thì một trong số các cộng tác viên của ban điều tra hình sự chợt nhớ lại rằng mình đã đọc ở đâu đó có một phương pháp phục chế mặt người theo xương sọ của họ do các nhà khảo cổ học nghiên cứu ra. Một dự thẩm đã đến Maxcơva. Ở Viện khảo cổ học thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, người ta khuyên người dự thẩm đến gặp tiến sĩ sử học M. M. Gheraximôp. "Và đừng nghĩ thế, không, không và không, - giáo sư trả lời. - Đồng chí không biết là tôi bận đến như thế nào : cần phải đến những chỗ khai quật ở Xibêri, phải xử lý tài liệu ở Malta . Và sau đó tôi phải phục chế các chân dung hoàn toàn không phải là để bắt hung thủ. Tôi chú ý đến bộ mặt thật của người cổ xưa chứ không phải của người hiện đại. Chúng tôi cần làm sáng tỏ một cách chi tiết những sai khác của những dạng người đã mất tung tích (pitêcantrôp, nêanđectan) [2] với người hiện đại, hay như người ta gọi "người thông minh thông minh". Còn những tội phạm, về hình dáng bên ngoài, cũng là những người như tôi với đồng chí. Ở đây có cái gì là thú vị đối với khoa học?". "Nhưng, thưa giáo sư, xin giáo sư hãy nghĩ xem, - người dự thẩm nói, - nếu được giáo sư giúp đỡ mà chúng tôi tìm thấy hung thủ, thì đó là một bằng chứng có sức thuyết phục biết chừng nào về tính chính xác của những phục chế làm theo phương pháp của giáo sư". "Vâng, nhưng đồng chí cần độ chính xác mà chúng tôi không cần đến, - M. M . Gheraximôp trả lời. - Đồng chí muốn có độ chính xác của một tấm ảnh chụp để căn cứ vào tấm ảnh ấy mà tìm ra tên của người bị giết. Đối với chúng tôi thì điều quan trọng là chỉ phục chế những đặc điểm về hình dạng của người cổ xưa".
"Thưa giáo sư, tôi tin rằng việc phục chế theo phương pháp của giáo sư sẽ có được một tấm ảnh đối chứng", - người dự thẩm không nhượng bộ. Và cuối cùng, người dự thẩm đã thuyết phục được nhà khoa học. Kết quả phục chế tạo hình đã xác lập được rằng người bị giết là một chú bé 12-13 tuổi... Căn cứ vào xương sọ, đã nặn ra tượng của người chết bằng bột nặn plastilin. Người ta đã chụp ảnh bức tượng từ nhiều phía khác nhau. Người dự thẩm trộn lẫn những tấm ảnh chụp được với ba mươi tấm ảnh của các chú bé khác cùng tuổi. Người ta phân phát số ảnh ấy cho các nhân viên công an để đưa cho nhân dân ở những làng xóm gần đấy xem. Chẳng bao lâu, những người dân ở một trong số những làng ngoại ô cách không xa địa điểm tìm thấy xác chết, căn cứ vào các tấm ảnh, đã nhận ra chú bé sống ở làng ấy và đã mất tích mấy năm trước đây. Người ta nghi rằng chú bé đã trốn đi và đi du lịch ở đâu đó, hoặc là đi lang thang lêu lổng. Đã biết được tên người bị giết và địa chỉ bố mẹ của người ấy. Người ta đưa cho ông bố chú bé bị giết 37 tấm ảnh chụp các chú bé. Không hề do dự, ông bố đã chọn ra 7 tấm ảnh trong số đó vì lập tức đã nhận ra con trai của mình...
Như vậy, hình pháp học đã giúp cho việc khẳng định độ chính xác của phương pháp tái hiện hình dạng con người cổ xưa và những tổ tiên của họ. Đã chứng minh một cách không chối cãi được rằng việc phục chế chân dung con người theo phương pháp của Gheraximôp (1964), - đó không chỉ đơn giản là các kiểu khái quát hóa người cổ xưa mà còn là những bức chân dung chính xác của những tổ tiên người hiện đại đã từ lâu mất tung tích. Căn cứ vào chân dung như vậy của từng tổ tiên một, có lẽ, có thể nhận ra những người bà con...
Đi loanh quanh trong rừng ngoại thành và khi suy ngẫm về trường hợp mà M. M. Gheraximôp kể cho tôi nghe, tôi chú ý đến những chiếc lông tơ màu trắng, như một lớp tuyết phủ lên ngã tư đường nhựa nhỏ. Đặc biệt thú vị khi nhìn những chiếc lông ấy rơi xuống mặt nước. Những "bông tuyết" trắng của cây dương như một tấm chăn mỏng bằng lông tơ phủ lên mặt nước phẳng lặng. Khi đi chơi trong rừng, trên đồng cỏ vào mùa hoa nở, chắc các bạn cũng đã chú ý đến những vũng nước có một lớp màu vàng nhạt phủ lên, các bạn cũng đã trông thấy khi một trận gió thổi trên cánh đồng màu gỉ sắt, một cột khói màu xanh nhạt đã bốc lên như thế nào. Đó là giới thực vật vung vãi những mầm sống tương lai với khối lượng khổng lồ. Mỗi đóa hoa tạo ra hàng nghìn, hàng chục nghìn bào tử và phấn hoa. Việc nghiên cứu phấn hoa thời cổ xưa giúp cho các nhà khoa học tái dựng cảnh quan của quá khứ, lập lại được lịch sử khí hậu và thậm chí xác định phỏng chừng thời gian tìm được di cốt cũng như đồ dùng của con người. Và không chỉ là phấn hoa mà cả xương động vật cũng có khả năng giúp cho các nhà khảo cổ xác định niên đại của những vật tìm được. Trong suốt quãng thời gian hàng nghìn, hàng triệu và hàng trăm triệu năm, một số loài động vật và thực vật đã bị những loài động vật và thực vật khác thay thế, còn những di tích của chúng được tích lũy lại trong đất. Trình tự thay đổi động vật và thực vật được xác định khá chính xác (bằng phương pháp sinh địa tầng học). Nhưng ở những địa điểm này hay khác, một số động vật bị tuyệt chủng sớm hơn những động vật khác, hoặc ngược lại, chúng đã sống lâu hơn so với ở những địa điểm khác. Vì vậy thước đo thời gian dựa vào sự tiến hóa của chúng không cho phép định niên đại một cách chính xác những vật tìm được. Năm 1949, giáo sư U. F. Libi ở trường đại học tổng hợp Sicagô đã đề nghị một phương pháp xác định niên đại những đối tượng cổ xưa theo mức phóng xạ của các di tích hữu cơ. Do phát minh này, năm 1960, ông đã được nhận giải thưởng Nobel. Trên cơ sở của phương pháp Libi, người ta đã hoàn thiện những phương pháp khác tương tự như các phương pháp xác định niên đại. Cơ sở của những phương pháp này là trong tự nhiên thường xuyên diễn ra sự tích tụ hoặc phân rã các chất đồng vị của các chất khác nhau. Ví dụ, trong cơ thể sống và trong khí quyển có một lượng như nhau cacbon (14C) phóng xạ. Khi cơ thể đó chết đi thì sự xâm nhập của cacbon vào cơ thể cũng ngừng lại. Trong cơ thể động vật hoặc thực vật đã chết, cacbon phóng xạ bắt đầu phân rã. Đã xác định được rằng sau 5730 năm, số lượng của nó chỉ còn lại một nửa (bán rã). Vật tìm được càng cổ xưa bao nhiêu thì lượng cacbon trong nó càng ít bấy nhiêu, còn ít đi bao nhiêu thì máy đo đặc biệt sẽ "thông báo". Bây giờ, tuổi của các di tích hữu cơ được xác định đủ chính xác. Hàng nghìn di tích đã được xác định niên đại bằng cách ấy. Trong thiên nhiên, không chỉ có cacbon phóng xạ thường xuyên phân rã, mà còn cả các nguyên tố khác nữa. Cũng đã biết tốc độ bán rã của chúng. Khi xác định số lượng nguyên tố phóng xạ này hay khác trong các vỏ sò, hến, trong san hô, trong các trầm tích biển hoặc núi lửa, có thể biết được khá chính xác bao nhiêu năm đã trôi qua kể từ khi những di tích hóa thạch này hay khác, hoặc công cụ của người đã bị chìm xuống đáy biển, hoặc bị tro vùi lấp và bị dung nham của núi lửa phủ kín. Ví dụ, từ 1 kg urani (238U), trong những điều kiện nhất định, sau 100 triệu năm, sẽ thải ra 13 g chì và 2 g hêli. Sau 2 tỷ năm, trong đá nguyên khai chứa 1 kg urani, sẽ tích tụ lại 225 g chì và 35 g hêli, còn urani chỉ còn lại 0,5 kg. Sau khi đã xác định được số lượng urani và hêli trong mẫu đá bằng các máy đo có thể tính ra được tuổi của mẫu ấy. Chu kỳ bán rã của kali (40K) - 1,31 tỷ năm, nghĩa là sau 1,31 tỷ năm kể từ khi kali cùng với dung nham núi lửa chảy tràn lên bề mặt một địa điểm này hay khác, trong mẫu dung nham, số lượng kali chỉ còn lại một nửa, thế nhưng sẽ có cùng chừng ấy can xi (40Ca) và acgon (40Ar) được tạo thành. Như vậy, nếu xác định số lượng các hợp phần trong mẫu dung nham thì có thể biết được chính xác tuổi của bản thân dung nham ấy. Còn nếu như dưới lớp dung nham lại có di cốt của người bị chết do phún xuất cùng với nhà ở và đồ dùng của người ấy, thì tuổi của người chết, nhà cửa và đồ dùng, cũng tương ứng với lớp dung nham. Phương pháp xác định niên đại phổ biến nhất trong số các phương pháp dùng đồng vị phóng xạ - là phương pháp dùng cacbon phóng xạ và kali-acgon. Ngoài ra, còn dùng các phương pháp xác định niên đại theo đồng vị của protoactini (231Pa - chu kỳ bán rã 32 nghìn năm), thôri (230Th - 75 nghìn năm), urani (234U - 0,25 triệu năm), clo (36Cl - 0,3 triệu năm), berili (10Be - 2,5 triệu năm), hêli (4He - 4,5 tỷ năm), và v.v... Người ta còn xác định thời gian theo cường độ bức xạ Mặt Trời (phương pháp vật lý thiên văn), theo các dẫn liệu địa chất từ, và v.v... Các nhà địa lý học, địa chất học, dân tộc học, di truyền học, động vật học, đều tích cực quan tâm đến việc nghiên cứu các vật tìm được cổ xưa ; toán học tính toán và nhiều phương pháp khác nữa cũng được sử dụng.
Trong khoảng 15 - 20 năm gần đây, khi sử dụng những thành tựu của khoa học thế giới và những phương pháp mới về khai quật, phục chế và xác định niên đại, các nhà khảo cổ đã có được những phát hiện quan trọng nhất, đặc biệt là trong việc nghiên cứu thời đại đồ đá - thời kỳ đầu tiên trong lịch sử loài người. Thời đại đồ đá không những chỉ là thời đại cổ xưa nhất, mà còn là thời đại dài nhất trong lịch sử. Toàn bộ lịch sử văn tự, bắt đầu từ Sumer và Ai Cập cổ đại, chỉ kéo dài trên 5 nghìn năm một chút. Nếu cho lịch sử văn tự của loài người là một ngày, thì thời đại đồ đá so với một ngày ấy, đã kéo dài 522 ngày (gần một năm rưỡi!).
Trong lịch sử thời đại đồ đá người ta chia ra thành ba thời đại :
1) paleolit [3] (thời đại đồ đá cũ) ;
2) mezolit (thời đại đồ đá giữa) ;
3) neolit (thời đại đồ đá mới).
Thời đại đồ đá cũ còn được chia ra thành một số giai đoạn (hoặc "văn hóa"). Thời đại đồ đá cũ sớm (dưới) - Ônđuvai : từ khi xuất hiện những con người đầu tiên và kéo dài khoảng 1 - 0,7 triệu năm trước đây. - Asen : 700 - 100 nghìn năm trước đây. - Muschiê (thời đại đồ đá cũ giữa?) : 100 - 35 nghìn năm trước đây. - Thời đại đồ đá cũ muộn (trên) : 35 - 11 nghìn năm trước công nguyên.
Việc sử dụng những phương pháp mới để nghiên cứu thời đại đồ đá, và đặc biệt là trong những năm thứ 60 - 70 ở châu Phi, đã đóng góp thêm nhiều điều không bình thường tới mức lập tức gây nên nhiều cuộc tranh cãi đủ loại, nhiều tin đồn đại, nhiều cuộc thảo luận, mặc dù mới 15 - 20 năm trước đây, không chỉ trong công chúng đông đảo, mà ngay cả trong số các chuyên gia - các nhà nhân chủng học và các nhà khảo cổ học, không hề có điều gì không rõ ràng đối với những vấn đề về nguồn gốc con người.
Mọi người đều xuất phát từ giả thuyết cho rằng nguồn gốc loài người (quá trình phát sinh loài người) bắt đầu từ lúc một con vượn nào đó, một cách ngẫu nhiên, đã dùng tay cầm lấy hòn đá hay cái gậy. Do đó, bây giờ do hai tay đã cầm nắm, con vượn ấy không thể đi bằng bốn chân và đã chuyển sang đi thẳng. Vì vậy, cấu tạo cơ thể con người đã biến đổi. Khi làm việc bằng tay, con người đã rèn luyện đôi tay đến mức ngón tay cái phát triển, và bàn tay biến đổi đi. Do sự "suy ngẫm về công việc", khối lượng não người tăng lên, và toàn bộ những đặc điểm đó được di truyền lại. Hình dạng bên ngoài của con người đã biến đổi một cách dần dần và chậm chạp như thế đó, và con người ngày càng tách xa khỏi vượn, tiến gần đến với chúng ta. Điều cốt yếu làm cơ sở cho giả thuyết này là - những biến đổi tập nhiễm có lợi về cấu tạo cơ thể trong quá trình lao động, dường như được di truyền lại, tích lũy lại dần dần và dẫn đến sự "biến đổi" con người thành loài hiện đại. (Người ta cho rằng, lần đầu tiên con người xuất hiện ở châu Á không sớm hơn 500-800 nghìn năm trước đây).
Còn về những nguyên nhân biến đổi vượn thành người thì trong Đại bách khoa toàn thư Liên Xô (1956) chỉ ra rằng cần phải xem xét "sự tiến hóa như một quá trình thích nghi của cơ thể với môi trường chung quanh... Những dấu hiệu khác biệt của con người như một loài sinh học, chung qui chỉ là đi bằng hai chân gắn liền với việc giải phóng đôi tay khỏi chức năng đi lại và tiến tới phát triển đại não. Cả hai đặc điểm ấy, không còn nghi ngờ gì nữa, nằm trong mối liên hệ trực tiếp với hoạt động lao động...". "Yếu tố then chốt biến đổi vượn thành người là bước chuyển từ ăn thức ăn thực vật sang ăn thịt (tôi nhấn mạnh - G. N.), do điều kiện sống xấu kém đi ở thời kỳ băng hà... so với kỷ thứ ba ấm áp". Người ta đã nghĩ như vậy.
Nhưng vào đầu những năm thứ 60 của thế kỷ chúng ta, các nhà khảo cổ học đã bị chấn động bởi những phát hiện của L. Liki ở châu Phi. Chính những phát hiện ấy đã bác bỏ phần lớn điều mà chúng ta đã quen cho là bất di bất dịch. Chính những phát hiện ấy đã chỉ ra rằng lần đầu tiên, con người xuất hiện ở châu Phi chứ không phải ở châu Á, không phải là 800 nghìn năm trước đây, mà là hơn hai triệu năm về trước. Cũng trong thời gian ấy Đ. Huđôn đã xác định được rằng con người còn có "kẻ cạnh tranh" trong việc chế tạo công cụ - hắc tinh tinh. Cũng chính bà đã phát hiện ra vượn biết săn bắt và ăn thịt. Như vậy, giả thuyết về thức ăn bằng thịt như một "yếu tố then chốt" đã bị nghi ngờ. Còn điều chủ yếu mà những phát hiện mới đã chứng tỏ là cách đi thẳng, tăng thể tích não và những biến đổi khác trong cấu tạo cơ thể con người đã xuất hiện không phải do kết quả hoạt động lao động như người ta vẫn nghĩ về điều đó, mà đã xuất hiện trước khi có hoạt động lao động mấy triệu năm... Đã xác lập được rằng trong môi trường địa lý, những biến đổi quan trọng nhất đã diễn ra không trùng vào thời điểm con người tách ra khỏi giới động vật, mà đã diễn ra muộn hơn mấy triệu năm. Thế là những biến đổi đó không có cách nào ảnh hưởng đến những con vượn người. Không có một con vượn nào trong số đó biến thành người. Như vậy, những biến đổi của khí hậu và giới thực vật không hề có một vai trò quan trọng nào cả trong quá trình phát sinh loài người. Đặc biệt, có một điều không hiểu được là con người đã xuất hiện một cách khá "đột nhiên" và ngay lúc đầu không có cái gì khác (về mặt sinh học) với tổ tiên của mình. (Chỉ có lao động mới phân tách được con người với tổ tiên con người). Hơn nữa, cả tổ tiên và cả con cháu đã cùng tồn tại trong một thời gian dài. Sau đó, tổ tiên (ôstralôpitec châu Phi) đã bị tuyệt chủng, còn con người tiếp tục sống. Nếu như đã bằng cách "đột nhiên" và đã "cùng tồn tại", thì điều đó có nghĩa là không có sự tiến hóa dần dần về biến đổi cấu tạo tổ tiên con người và con người như người ta đã dự đoán điều đó cho đến nay. Cũng vào những năm ấy, các nhà nhân chủng học nhận thấy những trường hợp mà sau này trong lịch sử con người cũng đã có là một số loài người này bị một số loài người khác thay thế không phải bằng cách dần dần và nhịp nhàng, mà bằng cách đột nhiên (ví dụ, sự thay thế người nêanđectan bằng người loài hiện đại (Gheraximôp, 1964)).
Hóa ra là khoa học về tính di truyền và biến dị - di truyền học, có thể bảo vệ được những quan niệm đã trở nên ổn định. Nhưng các nhà di truyền học lại còn làm cho chúng ta nản lòng hơn. "Để hiểu được mối tương quan về mặt xã hội và sinh học trong con người, - N. P. Đubinin viết (1972), - thì một nguyên tắc quan trọng nhất mà cho tới bây giờ vẫn chưa được nhận thức đầy đủ, là những kết quả của hoạt động xã hội-lao động, như các định luật di truyền đã chứng minh, không được ghi lại trong các gen, chúng không trở thành chủ thể của tiến hóa sinh học... Gen nằm trong các phân tử axit nuclêic là vật thể mang vật chất di truyền sinh học".
Như vậy, toàn bộ những điều quen thuộc đã bị đổ vỡ, còn những cái mới thì hoàn toàn không hiểu được. Phần lớn các nhà nhân chủng học và khảo cổ học đã quyết định "chờ đợi". Còn một số người nào đó đã công khai tỏ ra không tin những "sự kiện giật gân" ở châu Phi, và đặc biệt không tin vào R. Đact, người đầu tiên đã phát hiện ra tổ tiên con người (dòng ôstralôpitec). Những lời diễu cợt về các phát hiện của ông đã tới tấp dội vào ông. Như nhà nhân chủng học Liên Xô nổi tiếng V. P. Alecxêep (1969) đã kể lại, thậm chỉ ở nước Anh vốn dè dặt và kiểu cách "trên các báo đã xuất hiện những bức tranh châm biếm Đact, đã in những bài thơ trào phúng về những vật tìm được của ông, và thậm chí còn nhạo báng ông trên các bục sân khấu".
Thế nhưng, những cuộc khai quật ở châu Phi ngày càng đưa đến nhiều dẫn liệu khẳng định rằng R. Đact và L. Liki đã đúng, còn những quan niệm của chúng ta cần được hiệu chỉnh về căn bản. Bây giờ, tuổi của con người được xác định là 2,6 triệu năm. Càng ngày càng có nhiều nhà khoa học đến châu Phi để "bác bỏ sự kiện giật gân của L. Liki", thì chính bản thân họ lại tìm được những tài liệu khẳng định những phát hiện của ông. Như nhà khảo cổ học Liên Xô V. M. Maxxon đã diễn đạt, số lượng những vật tìm được trong khảo cổ học đã lớn lên như một dòng thác. Những đoàn khảo sát quốc tế đã được tổ chức để tiến hành các cuộc khai quật ở châu Phi. Kết quả công tác của những đoàn ấy đã xác định một cách dứt khoát rằng tất cả những phát hiện của R. Đact, L. Liki và Đ. Huđôn là hoàn toàn đáng tin cậy. Gần như tất cả các nhà khoa học-nhân chủng học nổi tiếng nhất đã tham gia những cuộc khai và đều thấy rõ Liki đã đúng. Nhưng một số nhà khoa học lại im lặng. Trong lúc đó, báo chí, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình ngày càng thông báo thường xuyên hơn về những phát hiện mới, về những chuyến đi của các nhà khoa học khác nhau đến châu Phi, về những bằng chứng tuyệt vời đã thu được nhờ vật lý nguyên tử. Và trong công chúng rộng rãi, khi không có sự giải thích tỉ mỉ theo quan điểm duy vật những phát hiện mới, và thực chất là những phát hiện gây nên những ấn tượng mạnh mẽ, thì những tin đồn đại và những phỏng đoán đủ mọi kiểu sẽ trở thành phổ biến. Đã xuất hiện những bộ phim khoa học giả hiệu, khéo léo "chứng minh" rằng dường như tất cả những điều đó là công việc do những bàn tay của "những người từ vũ trụ đến". Nếu như kim tự tháp là do "những người từ nơi khác đến" làm ra, thì ắt hẳn họ cũng "đã đưa" con người đến, - những lập luận như vậy đã phổ biến rộng rãi, và tất nhiên chỉ có bọn phản động là có lợi. Các giáo sĩ cũng không bỏ lỡ cơ hội. Lợi dụng sự im lặng của một số chuyên gia, họ đã mở cuộc tấn công quyết liệt. Trong các tạp chí thần học đã xuất hiện những bài báo về "khủng hoảng của khoa học", "về nguồn gốc con người", và v.v..., và v.v... Thêm vào đó, trong những bài báo ấy đều có dẫn chứng những phát hiện khoa học (nhưng sự kiện đã bị xuyên tạc một cách khéo léo), và đã nói một cách tỉ mỉ rằng họ không giải thích được những lý thuyết đã được thừa nhận trong khoa học, và cuối cùng là kết luận "khoa học ở trong ngõ cụt, chỉ có nhà thờ, tôn giáo là đúng đắn. Muôn sự tại Trời". Thậm chí, bản thân giáo hoàng La Mã Pi XII (1950) cũng đã phát biểu ý kiến bằng một bản thông cáo đặc biệt của giáo hoàng (cho những người theo đạo) "Humani Generis" - "Nguồn gốc con người". Trong bản thông cáo này, giáo hoàng La Mã cam đoan rằng những phát hiện mới khẳng định "thượng đế sáng tạo ra con người"...
Xuất phát từ những quan niệm như trước đây của chúng ta thì khó mà giải thích được những phát hiện mới. Điều đó cũng không có gì lạ, bởi vì nhìn chung, những quan niệm ấy cũng không khác biệt gì mấy so với quan điểm của nhà khai hóa J. B. Lamac ở thế kỷ XVIII, mà khoa học hiện đại hoàn toàn bác bỏ những quan niệm đó. Việc truyền những tính trạng "tập nhiễm có lợi" theo con đường di truyền đã không được khẳng định một cách khoa học. Trong di truyền có những cơ chế hoàn toàn khác. Là một trong số những học trò của M. M. Gheraximôp, tôi đã không dao động khi thừa nhận tính chính xác trong những phát hiện của L. Liki ở châu Phi, và lập tức tôi hiểu rằng cần phải tìm kiếm những giải thích cho tất cả các vấn đề. Sau khi được biết những phát hiện của L. Liki và Đ. Huđôn ít lâu, tôi đã được đọc các công trình của nhà khoa học nổi tiếng N. P. Đubinin "Di truyền học phóng xạ" (1962), "Di truyền học phân tử và tác động của bức xạ đối với tính di truyền" (1963), và v.v… Những công trình đó đã làm đảo lộn tất cả những quan niệm của tôi. Hơn nữa, những câu trả lời đã bắt đầu xuất hiện đối với tất cả các vấn đề còn chưa rõ ràng. Điều đó như một điểm sáng bùng lên đột ngột. Có lẽ, những công trình đầy tài năng của các nhà khoa học cỡ lớn có thuộc tính làm nảy sinh một khối lượng lớn những ý tưởng ở người đọc những công trình ấy.
Đã trở nên rõ ràng là cần phải tìm câu trả lời cho tất cả những "kỳ lạ" về hình thức trong sự biến đổi sinh học của tổ tiên con người, và sự biến đổi tổ tiên con người thành con người, trong các định luật di truyền học, trong lý luận đột biến. Ngay từ năm 1966, tôi đã phát biểu trong một hội nghị chuyên đề về phương pháp luận ở Viện khảo cổ học, về những phát hiện mới, còn năm 1968, - ở Hội nghị toàn liên bang về các vấn đề nguồn gốc loài người (Moscow News, 6-4-1968). Mặc dù những bài phát biểu của tôi (1974) rất ngắn gọn (đó chỉ là những sơ thảo đầu tiên để làm việc), nhưng các báo và tạp chí đã chú ý đến những bài phát biểu ấy [4] . Việc giải thích rộng rãi những giả thuyết của tôi đã tới mức buộc tôi phải lập tức trình bày giả thuyết công tác trước công chúng rộng rãi, mặc dù vẫn còn nhiều vần đề nghi vấn và thiếu sót. Thực chất về quan niệm của tôi đối với các vấn đề nguồn gốc loài người, đã được trình bày rất rõ trong tạp chí "Người cộng sản" (1976, No. 10) (Liên Xô). ("Ngoài việc xác định rõ thêm bằng khoa học hiện đại... những biến đổi khí hậu nhiều lần trên Trái Đất... trong những năm gần đây đã thu được một khối lượng lớn các dẫn liệu mới đặc trưng cho những điều kiện sinh thái, mà trong những điều kiện ấy đã nảy sinh và diễn ra quá trình phát sinh loài người. Đã biết rõ là trong suốt 4,5 triệu năm gần đây, ít nhất, đã có bốn lần thay đổi các cực từ của Trái Đất. Những đứt gãy của vỏ Trái Đất ở Đông Phi và Nam Phi cách đây gần 3-5 triệu năm đã làm lộ rõ những lối thoát ra cho các mỏ quặng urani, đã làm tăng đột ngột phông (nền) phóng xạ của môi trường... của vượn người. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kết hợp những yếu tố ấy đã tạo điều kiện cho các quá trình đột biến mạnh mẽ... Một trong những con đường chủ yếu để cấu tạo lại về mặt sinh học một cách căn bản, có lẽ là sự tái tổ hợp vốn gen. Di truyền học hiện đại đã ghi nhận được sự giảm có tính quy luật số lượng thể nhiễm sắc trong quá trình tiến hóa của linh trưởng và họ người - từ 54 - 78 ở vượn bậc thấp đến 48 - ở vượn người bậc cao và 46 - ở người. Giả thuyết đã trình bày về sự dính kết các thể nhiễm sắc và về sự tăng cường, như vậy, về những yếu tố xác định sự phát triển của bộ não và hệ thần kinh".
Tác giả hiểu rằng không phải mọi người đều đồng ý với những vấn đề được viết ra trong cuốn sách này. Những người ủng hộ quan điểm của Lamac có thể sẽ phẫn nộ vì việc dùng di truyền học vào vấn đề nguồn gốc loài người. Đến lượt mình, các nhà di truyền học sẽ trách cứ về việc sử dụng có phần tùy tiện thuật ngữ của họ, và đã làm đơn giản hóa các quá trình phức tạp trong tế bào và nhân tê bào. Các nhà nhân chủng học sẽ nêu ra một cách hợp lý là chỉ có thể dùng chữ La Tinh để viết tên các loài, và sẽ không thể dung thứ được nếu dịch các thuật ngữ ra tiếng Nga. Các nhà vật lý học sẽ than phiền, ở đây, những hiện tượng hạt nhân phức tạp không được nêu rõ đặc điểm một cách đầy đủ về mặt nghề nghiệp. Các nhà địa chất học sẽ gợi ý là các đứt gãy - đó không phải chỉ là những rãnh nứt đơn giản ở vỏ Trái Đất, mà là một quá trình kiến tạo phức tạp. Thế còn các đồng nghiệp - các nhà khảo cổ học có thể nhạo báng rằng việc trình bày thời đại đồ đá sớm là không có hệ thống mà là trình bày từng mẩu một, như vậy đã không mô tả được tất cả các di tích của thời đại ấy, và không dẫn ra được tất cả các phức hợp, v.v… và v.v... Và tất cả những điều đó sẽ là hợp lý và đúng đắn. Thế nhưng, hiện nay không thể dùng sức mạnh của một trong số các khoa học để giải quyết trọn vẹn những vấn đề phức tạp và khó khăn về nguồn gốc loài người được. Cần phải có một phương pháp tổng hợp đối với những vấn đề ấy và cần có sự tham gia của các chuyên gia ở các lĩnh vực tri thức khác nhau (không phải chỉ là các nhà khảo cổ học, nhân chủng học vẫn làm việc như cho tới hiện nay). Và nếu như cuốn sách này lôi cuốn được sự chú ý củacác chuyên gia khác nhau đối với những vần đề quan trọng và phức tạp này, thì tác giả cho rằng nhiệm vụ của mình đã được hoàn thành, bởi vì tuyệt nhiên, tác giả không có tham vọng giải quyết vấn đề nguồn gốc loài người, nhiệm vụ của tác giả đơn giản hơn : vạch rõ những khó khăn và đề ra một số hướng giải quyết những khó khăn đó mà điều chủ yếu là đưa ra những nguyên cớ để thảo luận rộng rãi.
Cuốn sách dành cho đông đảo bạn đọc, nhưng để bạn đọc dù có rút ra kết luận gì đi nữa sau khi đọc xong thì những vấn đề sau đây vẫn là bất di bất dịch:
1) Tất cả những phát hiện khoa học mới nhất được giải thích một cách đơn giản hơn, rõ ràng hơn và chủ yếu là xác thực hơn nhờ những quan điểm duy vật mà không cần đến sự bịa đặt "thần thánh" nào cả ;
2) Lao động đã vai trò quyết định trong nguồn gốc con người.
Có thể rất ngạc nhiên về sự sáng suốt thiên tài của F. Ănghen - người phát hiện ra quy luật ấy hơn một trăm năm trước đây, khi vẫn chưa biết gì về tổ tiên của chúng ta - dòng ôstralôpitec, chưa biết gì về tuổi tác của loài người, chưa biết những định luật di truyền. Và hơn nữa, luận điểm ấy đã được những phát hiện mới nhất khẳng định một cách tuyệt vời.
Chú thích
[1] C. Mac và F. Ănghen. Tác phẩm, tập 20, trang 491.
[2] Con người - theo phân loại sinh học thuộc bộ thứ 16 - bộ linh trưởng, lớp có vú (có xương sống). Theo bảng phân loại của H. Simpsơn (Simpson, 1955 ; Napier..., 1967), bộ linh trưởng (Primates) gồm các bộ phụ Lumuroidea (nửa vượn) và Anthropoidea (vượn bậc cao). Bộ phụ Anthropoidea chia ra thành các tổng họ (trên họ) Platyrthini (mũi rộng), mũi hẹp và Hominoidea. Đến lượt mình, Hominoidea bao gồm các họ : parapitec, pôngit và hôminit (Hominidae). Các họ phụ (dưới họ) gibbôn, đriôpitec và pôngin (gôrila, hắc tinh tinh (Pan), đười ươi (Pongo)) thuộc họ pôngit. Anstralopithecus, Pithecantropus và người (Homo) thuộc họ Hominidae. Người hiện đại được gọi là Homo sapiens sapiens ; tiền bối của người hiện đại là Homo sapiens neanderthalus, hoặc gọi đơn giản là nêanđectan.
[3] Các thuật ngữ "paleolit", "mezolit", "neolit" bắt nguồn từ những từ Hy Lạp ghép lại : "palaies" - cổ xưa, "mezos" - ở giữa, trung gian, "neos" - mới và "litos" - thuộc về đá. Những tên gọi "Ônđuvai", "Asen" ("Asơn"), "Muschiê" và những tên gọi khác nữa đều theo tên địa điểm khai quật đầu tiên các di chỉ thuộc thời kỳ (giai đoạn) này hay khác.
[4] Tác giả lược kê một số báo, tạp chí, đã đăng lại bình luận về những bài phát biểu nói trên của tác giả. Ở Việt Nam, số báo và tạp chí ấy rất ít phổ biến, chúng tôi tạm lược bỏ. ND.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét