Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Phát hiện một số di tích cư trú tiền sơ sử ỏ Bình Định

Hoàng Văn Diệp (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội),  Hoàng Thúy Quỳnh (Viện KCH), Nguyễn Quốc Tuấn (Bảo tàng Bình Định).

Trong quá trình khảo sát các di tích ở Bình Định (1), đoàn chúng tôi đã phát hiện được một số di tích tiền sơ sử ở ba huyện Tam Quan, Phù Mỹ và An Lão.
1. Di tích Lộ Diêu
Di tích Lộ Diêu thuộc thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Tam Quan, có tọa độ 14.25’365” vĩ độ bắc và 109.06’868” kinh đông, cao 5,9m so với mặt nước biển. Thôn Lộ Diêu có vị trí rất biệt lập, nằm kẹp giữa hai đèo có hình thể của một tam giác khép kín, lưng dựa vào núi, mặt ngoảnh ra biển. Di tích Lộ Diêu nằm sát đường tỉnh lộ 603, hiện tại đang là khu nghĩa địa hiện đại. Trên bề mặt di tích, chúng tôi đã nhặt được một vài mảnh gốm thô bở kiểu tiền Sa Huỳnh- Sa Huỳnh, gốm màu đỏ vàng, xương đen. Tuy nhiên do hiện vật ít và nhỏ nên chưa rõ đây là di tích cư trú hay mộ táng, có nhiều khả năng đây là một di tích cư trú Tiền Sa Huỳnh.
2. Di tích thôn Tám
Di tích Thôn Tám là khu vực trụ sở của UBND xã Mỹ Thắng, thuộc thôn Tám, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ. Tọa độ 14.18’517” N; 109.08’121”E, cao 3.3m so với mặt nước biển. Trước đây cồn cát cao hơn mặt bằng hiện tại khoảng 1m, năm 1985 đã được san thấp và bằng để xây dựng trụ sở. Di tích này cách di chỉ Truông Xe khoảng 1km theo đường chim bay, cả hai di tích này cùng nằm ven bờ đầm Trà Ổ (một bàu nước rất lớn ven biển) nhưng không nối liền nhau mà là những gò tách biệt.
Trong khuôn viên của UBND xã, chúng tôi cũng tìm được nhiều mảnh gốm thô bở trên bề mặt. Những mảnh gốm này bị vỡ nhỏ và không có hoa văn trang trí nên rất khó xác định tính chất. Do những mảnh gốm này nằm rải rác đều trên bề mặt và nằm cách di chỉ Truông Xe không xa nên chúng tôi cho rằng, đây có thể là những vết tích cư trú đồng dạng với Truông Xe- một di tích Tiền Sa Huỳnh.
3. Di tích Gò Vàng
Địa điểm Gò Vàng thuộc thôn Phước Thọ, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, có tọa độ 14.11’112”N; 109.01’127”, cao 46,5m so với mặt nước biển. Trên bề mặt của gò hiện nay là khu nghĩa địa, tại đây đoàn khảo sát cũng đã tìm thấy một số mảnh gốm thô bở. Tại đây cũng phát hiện được gốm Chăm thô, tuy nhiên có những mảnh gốm rất thô, bở hơn hẳn gốm Chăm thô, chúng tôi cho rằng những mảnh gốm đó là gốm thô tiền sử. Như vậy, di tích Gò Vàng không chỉ có vết tích của văn hóa Champa mà có thể còn là nơi cư trú của cư dân tiển sử.
4. Địa điểm khảo cổ học Trường Bán trú Trung Hưng
Trường bán trú Trung Hưng thuộc xã An Trung, huyện An Lão. Di tích có tọa độ 14.36’823”N; 108.53’695”E, cao 74.9m so với mặt nước biển. Di tích nằm trên sườn tây nam của khu đồi, cách sông An Lão khoảng 20m về phía bắc. Năm 2009, trong khu ủi đất để xây dựng trường đã phát hiện 01 lao đồng (giáo). Chúng tôi đã phát hiện được một số mảnh gốm nhỏ nằm lộ ở vách chỗ bậc lối đi lên gò và đã mở một hố thám sát nhỏ ở ngay cạnh đó.
Hố thám sát có diện tích 1m2, mở theo hướng Đông Bắc- Tây Nam, lệch Đông 250. Tầng văn hóa dày khoảng 54cm. Lớp mặt có nhiều cỏ, đất có màu xám, chỉ có 1 mảnh gốm thô.
Lớp 1: đất chuyển sang màu vàng, đất nhiều cát, mềm, xốp. Trong lớp này có một vài mảnh gốm thô
Lớp 2: đất màu vàng tương tự lớp 1, nhưng tới lớp này có lẫn nhiều sạn sỏi hơn và số lượng gốm thu được tại lớp này cũng nhiều hơn lớp 1. Gồm 44 mảnh gốm.
Lớp 3: Đất ẩm hơn nên màu sẫm hơn đôi chút, nhiều cát và khá nhiều sạn sỏi, tại lớp này thu được một số hòn đá cuội, hòn ghè. Đây cũng là lớp thu được nhiều mảnh gốm nhất trong hố, 47 mảnh.
Lớp 4: Đất vàng, nhiều cát và sạn sỏi, hiện vật rất ít, có 19 mảnh gốm.
Gốm vỡ nhỏ, gốm có lớp áo màu đỏ nhạt song phần lớn lớp áo gốm đã bị bong tróc, một số mảnh gốm còn hoa văn thừng. Gốm có màu vàng nhạt và màu xám. Chất liệu gốm thô, bở.
Kết quả khảo sát và đào thám sát tại đây cho thấy diện phân bố của di tích trên gò không rộng, chỉ tập trung ở sườn gò gần khu vực bờ sông. Dựa vào việc phát hiện mũi lao đồng, đặc điểm gốm thô giống với gốm trong hố đào trống đồng thôn Tám, xã An Trung, chúng tôi cho rằng di tích này có niên đại tương đương với văn hóa Sa Huỳnh và đây là di tích cư trú.

Qua đợt khảo sát này, Bình Định đã có thêm 4 di tích tiền sơ sử. Đó là: Gò Vàng, Lộ Diêu, Thôn Tám (huyện Phù Mỹ), Trường THCS bán trú Trung Hưng (huyện An Lão). Tuy đây mới chỉ là những khảo sát sơ bộ song có thể cho rằng đây là các di tích có niên đại Tiền Sa Huỳnh và tương đương văn hóa Sa Huỳnh. Để xác định rõ tính chất, niên đại của các di tích này cần phải đào thám sát hay khai quật trong thời gian tới.

1. Cơ quan thực hiện: Bảo tàng Tổng hợp Bình Định; Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội. Phụ trách TS.Đinh Bá Hòa và PGS.TS.Lâm Thị Mỹ Dung.
Thành viên đoàn khảo sát: Bùi Tĩnh, Lê Văn Lào và Nguyễn Quốc Tuấn (Phòng Nghiên cứu, sưu tầm Bảo tàng Bình Định); HVCH. Hoàng Văn Diệp (Bộ môn Khảo cổ học, Trường ĐHKHXH &NV), TS. Nguyễn Hồng Kiên và Th.s.Hoàng Thúy Quỳnh (Viện Khảo cổ học).
Bài trình bày tại Hội nghị TBKCH Toàn Quốc tại Hà Nội năm 2010

 Thôn Lộ Diêu nằm kẹp giữa hai đèo
 Khảo sát khu nghĩa địa thôn Lộ Diêu
 Mảnh gốm thô nhặt được
 UBND xã Mỹ Thắng - Thôn Tám


 Những mảnh gốm thô sưu tầm được
 Đồi cạnh trường TH Bán trú Trung Hưng  
 Mở hố thám sát
 Hố thám sát
 Một số mảnh gốm thô
 Cuội có vết sử dụng
 Cuội có vết sử dụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét