Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Nguồn gốc loài người - Một quan điểm khác (Trích sách của Machusin). Phần I

Nguồn gốc loài người
Tác giả G.N. Machusin
Nhà xuất bản Mir, Maxcova, 1982
Người dịch : Phạm Thái Xuyên dịch sang tiếng Việt có bổ sung và sửa chữa Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1986

LỜI NÓI ĐẦU

Đọc cuốn sách "Nguồn gốc loài người" của G. N. Machusin sẽ thấy rất thú vị. Ngôn ngữ sống động, tài liệu khoa học đa dạng, những quan niệm khác thường đối với vấn đề nguồn gốc con người - tất cả những điều đó đã đủ lý thú rồi. Cuốn sách được viết theo truyền thống diễn đạt dễ hiểu đối với khoa học phổ cập, nó mang lại một cách chính xác cho đông đảo bạn đọc những chứng cứ và những giả thuyết khoa học. Trong lịch sử nguồn gốc con người vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ. Thời gian chuyển biến từ động vật đến các tổ tiên con người được chú ý đến nhiều.

Một loài động vật khởi đầu đã tạo ra hai nhánh phát triển. Một nhánh - tổ tiên con người, người vượn và họ người (Hominidae) [1] , nhánh song song thứ hai - vượn gôrila (Gorilla gorilla), hắc tinh tinh (Antropopithecus troglodytes), và v.v...

Tổ tiên con người là một loài đã bị mất tung tích, không để lại dấu vết, - đỉnh cao của tiến hóa thuần túy sinh học đã trở thành nguồn cội của người xã hội tương lai nhờ có được những tính chất mới đặc biệt trong di truyền. Tổ tiên con người đã trải qua những biến đổi sinh học căn bản, trước hết, những biến đổi ấy gắn liền với sự xuất hiện những dạng thức phản ánh mới.

Dựng lại quá trình xuất xứ của con người nghĩa là nói về hai giai đoạn bước ngoặt chủ yếu nhất trên nền tảng của quá trình đó. Giai đoạn thứ nhất - xuất hiện tổ tiên xa xôi mà trong não đã chớm nở những yếu tố của quá trình phản ánh mới, mà sau này do ảnh hưởng của lao động, dẫn đến phát sinh tri thức. Có lẽ, sự kiện đó đã xảy ra gần 20 triệu năm trước đây. Mối liên hệ của tổ tiên con người với giới động vật có ý nghĩa to lớn; đồng thời, sự tiến hóa của họ người cũng bắt đầu từ đó. Giai đoạn thứ hai - xuất hiện người thông minh, Homo sapiens. Sự kiện này xảy ra tất cả chỉ vào khoảng 40 nghìn năm trước đây.

Những điều kiện và những yếu tố tiến hóa từ tổ tiên là động vật đến người hiện đại đã biến đổi rõ rệt. Quá trình tiến hóa ấy bao gồm tính liên tục và những bước nhảy vọt, tính ngẫu nhiên và tính tất yếu, nó gắn liền với lối thoát dần dần của con người ra khỏi sự thống trị của tiến hóa sinh học theo mức trội. Dạng thức này trở thành sức mạnh quyết định sự phát triển của con người. Thế nhưng, như thế nào mà do ảnh hưởng của những nguyên nhân ấy, một trong số các loài động vật đã tạo nên nguồn gốc của tổ tiên con người, và do đó mở ra lịch sử chưa từng có hình thành người thông minh ? Có thể gọi giai đoạn khi những tổ tiên đầu tiên của con người vẫn còn ở trong phạm vi của tiến hóa sinh học, bằng cách nào đó bắt đầu vận động tiến tới hình thành những dạng đầu tiên của đời sống xã hội, là giai đoạn tổ tiên con người. Có lẽ, tổ tiên con người vẫn sống trên cây và giống vượn người nhiều hơn là giống với người.

Tại sao sự tiến hóa lại bắt đầu từ ramapitec và kết thúc khi người thông minh xuất hiện. Câu trả lời thông thường cho câu hỏi đó là : sự xuất hiện tổ tiên con người không phải là bước nhảy vọt trong quá trình tiến hóa của sự sống. Người ta cho rằng họ người đã xuất hiện như một phản ứng với áp lực chọn lọc kéo dài đã tác động chủ yếu thông qua những biến đổi trong tập tính gắn liền với những biến đổi trong môi trường sống. Phần lớn các nhà khoa học cho rằng con người là kết quả phát triển dần dần của một tổ hợp các đặc tính vốn có ở tổ tiên là động vật của con người, những đặc tính đó là tâm lý, cảm xúc, cảm giác quần hệ, khả năng trao đổi thông tin, và v.v... S. Đacuyn, P. Cropôtkin, E. Maer, Ph. Đôpgianxki đã viết về điều đó. Họ cho rằng dường như sự tiến hóa của họ người đã diễn ra về chất cũng giống như đã diễn ra ở tổ tiên là động vật của họ này.

Trong trường hợp này, không tính đến sự xuất hiện bước nhảy vọt dưới dạng các đặc tính có thể biến đổi một cách căn bản khả năng tiến hóa, hướng sự tiến hóa theo con người dẫn đến xuất hiện người thông minh. Giả thiết rằng vì những tổ tiên động vật của con người rơi vào môi trường sống mới, và điều đó chính là bước nhảy vọt dẫn đến sự tiến hóa đặc biệt của những tổ tiên là động vật của con người. Quả thật, vào thời gian xuất hiện tổ tiên con người, những biến đổi của khí hậu trên Trái đất đã làm cho những cánh rừng rộng lớn bị thay thế bằng những savan [2] trống trải kể cả những miền khô hạn dưới dạng bán sa mạc. Tổ tiên con người (sau khi đã tách ra từ nhóm đriôpitec) lúc ấy vẫn còn sống trên cây, bây giờ buộc phải tiến ra những khoảng trống lộ thiên. Hình như điều đó tạo ra những điều kiện thuận lợi cho dáng đi thẳng và nhờ săn bắt đã tăng thêm số lượng thịt trong thức ăn.

Có thể, đó chỉ là mô tả thực tế tiến trình hình thức của các sự kiện. Thế nhưng ramapitec đã xuất hiện ngay khi đriôpitec còn sống trên cây trong rừng. Tại sao cũng những biến đổi nghiêm trọng như thế trong môi trường sống, sự tiến hóa theo hướng dẫn đến người thông minh chỉ đụng chạm tới một loài động vật mà không đụng chạm tới những động vật gần gũi khác? Đã có đủ bằng cớ hiển nhiên chứng minh rằng việc sử dụng công cụ ở mức tối thiểu, sự hợp thành quần xã để kiếm thức ăn, kỹ năng khi hình thành tập tính, là bản tính của vượn. Một câu hỏi nảy sinh : tại sao trong những điều kiện ấy, những loài vượn khác lại không chuyển sang đi hai chân?
Điều đã biết rõ là một khu vực sống [3] mới rộng lớn xuất hiện sẽ kéo theo hiện tượng song hành trong tiến hóa của các loài. Khi môi trường sống ở nửa thứ hai của kỷ thứ ba biến đổi, chỉ có một loài sinh học biến đổi theo cách đặc biệt, và điều đó cho phép con cháu của loài ấy trở thành tổ tiên có triển vọng nhất của người thông minh, sự kiện đó được các nhà khoa học nghiên cứu như một vấn đề quan trọng nhất trong quá trình hình thành con người.

Lần đầu tiên con người thoát ra khỏi giới động vật là nhờ có khả năng nhận thức bản thân mình như một đơn vị tách biệt hẳn thế giới còn lại, đó là kết quả của một loại hình đặc biệt xử lý thông tin. Phải chăng khả năng đó là hệ quả bình thường trong tiến hóa của động vật? Nếu như thế thì sự nhận thức cần phải trở thành vốn riêng không những chỉ cho con người. Nếu mà con người chỉ giản đơn vượt hơn các loại khác về sự phát triển thì lúc ấy phải có những sinh vật hoặc là gần với người, hoặc là phản ánh trong hành vi của mình toàn bộ những bước chuyển tiếp từ giới động vật đến con người. Không có chuyện đó ! Hoạt động nhận thức tách biệt con người với động vật một trời một vực. Rõ ràng rằng sự xuất hiện dạng thức không bình thường như thế, như tổ tiên con người, đã dựa vào một hiện tượng sinh học duy nhất nào đó. Trên nền tảng khả năng xuất hiện tổ tiên con người, có sự cải biến sinh học đặc biệt về thông tin di truyền của đriôpitec, sự cải biến đó là cơ sở để phát triển loại hình vận động mới của vật chất. Toàn bộ những điều đó chứng minh cho giả thuyết giữa con người và giới động vật phải có một giai đoạn của tổ tiên con người - một sinh thể là sản phẩm của tiến hóa sinh học, thoát thai từ giới động vật bởi quá trình phát triển lịch sử tự nhiên của dạng thức vận động vật chất về mặt sinh học. Hơn nữa, tổ tiên con người có bản tính sinh học mới về chất của một đặc tính duy nhất tuyệt đối ; bản tính đó không có ở tất cả các loài động vật còn lại. Bản tính đó quan trọng tới mức nó tạo ra bước ngoặt trong lịch sử sự sống trên Trái Đất - bước ngoặt trở thành điểm nguyên khai đối với sự phát triển những cơ sở sinh học đã xuất hiện khi hình thành người thông minh. Tính duy nhất của sự xuất hiện tổ tiên con người, tính không lặp lại của sự kiện đó trong lịch sử sự sống buộc phải thừa nhận sự xuất hiện đó là bất ngờ và đột nhiên. Bất cứ hiện tượng nào cũng là sự thống nhất biện chứng của tính tất yếu và tính ngẫu nhiên. Tính ngẫu nhiên - sản phẩm có tính quy luật và không tránh khỏi của những yếu tố quyết định chủ yếu, không có nghĩa là nó có thể xảy ra hoặc không có thể xảy ra. Trong định nghĩa triết học này, sự xuất hiện tổ tiên con người được xem xét như tính ngẫu nhiên trong quá trình tiến hóa hữu cơ. Sự chuyển tiếp từ dạng thức vận động sinh học sang vận động xã hội - đó là sự chuyển tiếp đến một lĩnh vực mới về chất. F. Ănghen viết: "Tính ngẫu nhiên lật nhào quan niệm đã tồn tại cho đến nay về tính tất yếu". Sự việc cũng diễn ra như vậy đối với sự xuất hiện tổ tiên con người. Sau khi xuất hiện bằng con đường cải biến đột biến và chọn lọc, tổ tiên con người dựa vào các quá trình lao động, đã bước lên con đường tiến hóa có hướng. Con đường ấy - được đề nghị gọi là con đường tiến hóa hòa hợp, đã kéo theo một loạt các giai đoạn biến đổi về tâm lý và những đặc điểm thể chất để hoàn thiện sự hình thành người hiện đại. Ý nghĩa của tiến hóa hòa hợp là sự cải biến nối tiếp nhau những cơ sở sinh học của tổ tiên con người dưới ảnh hưởng của những yêu cầu xã hội.

G. N. Machusin đã xác định một cách đúng đắn tính chất phức tạp và quan trọng của vấn đề, và đã đưa ra một giả thuyết độc đáo. Theo giả thuyết này, những cải biến di truyền ở tổ tiên con người do kết quả đột biến đã phụ thuộc rất nhiều vào ảnh hưởng của bức xạ được tăng cường ở một trong những thời kỳ của sự tiến hóa này. Tác giả lưu ý bạn đọc rằng những biến đổi sinh học cỡ lớn ở tổ tiên con người đã diễn ra ở thời kỳ pliôxen, theo thời gian, trùng hợp với những sự kiện không bình thường trong lịch sử Trái Đất. Trên Trái Đất lúc ấy cùng chung sống những tổ tiên chung của tổ tiên con người và vượn hiện đại. Ở Đông Phi, trên lãnh thổ mà những tổ tiên chung ấy chiếm lĩnh, sự vận động mạnh mẽ của vỏ Trái Đất đã diễn ra. Những đứt gãy có dạng những đường nứt sâu dài hàng nghìn kilomet đã xuất hiện trên vỏ Trái Đất. Đồng thời, những quá trình phún xuất của núi lửa, tần số và cường độ động đất gia tăng đột ngột. Những lò urani thiên nhiên xuất hiện, chúng hoạt động như những nguồn năng lượng hạt nhân thiên nhiên và v.v... Theo quan điểm của tác giả, trong những điều kiện ấy, điều chủ yếu là nền phóng xạ đã gia tăng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Và chỉ trong một thời kỳ nhất định, sự tiến hóa của tổ tiên con người đã chịu đựng tác động của một yếu tố gây đột biến mạnh mẽ. G. N. Machusin chỉ ra rằng vào thời kỳ xuất hiện con người, trên lãnh thổ quê hương đầu tiên của con người đã xảy ra nhiều sự kiện có tính chất không bình thường. Ngoài hiện tượng phóng xạ được gia tăng, đã quan sát thấy núi lửa hoạt động mãnh liệt, động đất ở khắp nơi, và v.v... Tất cả những sự kiện đó đã tạo điều kiện gia tăng cả tần số đột biến cũng như cả đối với chọn lọc tự nhiên.

Còn về vai trò của những đột biến lớn trong nguồn gốc con người, tuy còn hơi cứng nhắc, nhưng vấn đề đó cũng đã được thảo luận trong cuốn sách. M.E. Lôba- sep (1967) đã viết: "Có thể, sự xuất hiện con người với hai bán cầu vỏ đại não phát triển, tư thế thân thể thẳng đứng, tín hiệu ngôn ngữ rời rạc, là hệ quả của những đột biến lớn. Đối với thiên nhiên, người thông minh "không bình thường" tới mức như một con gà nuôi đẻ 365 trứng một năm thay cho 10-15 trứng, hoặc một bò sữa kỷ lục cho 16 nghìn kilogam sữa một năm thay cho 600-700 kg". G. N. Machusin không tán thành quan điểm coi những đột biến như thế qui định sự xuất hiện con người. Tác giả nhấn mạnh rất đúng rằng sự hình thành tổ tiên con người không bị các đột biến bắt buộc mà là do những yêu cầu xã hội được đáp ứng trong lao động có mục đích quyết định; chỉ bằng con đường ấy, sự phát sinh xã hội mới có thể quyết định hướng tiến hóa sinh học của họ người. Tất nhiên, không phải toàn bộ các vấn đề trong cuốn sách đều đã hiển nhiên. Những luận điểm riêng biệt được dẫn ra có thể là quá khẳng định, những luận điểm khác - lại đơn giản hóa. Thế nhưng, trong cuốn sách khá ngắn gọn về nội dung này, những luận điểm ấy đã được giải thích. Tôi xin giới thiệu với bạn đọc cuốn sách thú vị này, và ở một số phần, thậm chí nó là một cuốn sách hấp dẫn. Người đọc cuốn sách này sẽ có thêm nhiều kiến thức.

Người viết lời giới thiệu
Viện sĩ N. P. ĐUBININ

Chú thích
[1] Họ người thuộc bộ linh trưởng (Primates), bao gồm người hóa thạch và người hiện đại. ND.
[2] Savan - từ tiếng Tây Ban Nha : sabana - những vùng bình nguyên rộng lớn ở nhiệt đới (châu Phi, Nam Mỹ), chỉ có cây thảo, chủ yếu là hòa thảo, thỉnh thoảng có những cây bụi có gai và những cụm cây thấp. ND.
[3] Khu vực sống (sinh cảnh) - từ gốc chữ Hy Lạp : biotopos - một vùng là môi trường sống của động vật được đặc trưng bằng những điều kiện sống tương đối ổn định (đầm lầy, savan,...). ND.

1 nhận xét: