Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Cứu vớt, cưu mang và trân trọng những mảnh vỡ quá khứ


Chiều ngày 24.2.2011, sau một buổi sáng chụp ảnh và vẽ những mảnh gốm Champa vừa khai quật được ở thành Hóa Châu lưu giữ tại phòng  Bảo tàng Dân tộc học – Khảo cổ của khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế, cô trò thu xếp đến nhà bác Hồ Tấn Phan để tiếp tục khảo sát bộ sưu tập gốm có một không hai này.
Rong ruổi miền Trung từ hơn 20 năm nay, từ lúc ban đầu cùng Thầy và đồng nghiệp và nay lại theo cách Thầy trước đây dẫn dắt học trò, mình thấu hiểu tầm quan trọng của việc đi thực địa và sự trợ giúp của người địa phương trong thu thập và xử lý tư liệu vật thể cũng như học hỏi tri thức bản địa.

Thực sự đã có rất nhiều người đến thăm và viết về bác Hồ Tấn Phan cũng như sưu tập cổ vật của bác từ cả góc độ sưu tầm đồ cổ đến góc độ bảo vệ văn hóa dân tộc và đã có cũng không ít những lời ca ngợi và thái độ khâm phục sự đam mê, tình yêu cổ vật của người thầy giáo đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” này.

Với mình, những đồ gốm cổ và cả những hiện vật khác trong bộ sưu tập này thực sự là một phần quan trọng của quá khứ Huế nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung. Nghiên cứu khảo cổ khu vực miền Trung mà không có thái độ đúng đắn và khoa học với bộ sưu tập này thì thực là khiếm khuyết lớn
Đối với mình sưu tập gốm cổ và những hiện vật khác của bác Hồ Tấn Phan có giá trị nghiên cứu khoa học đặc biệt quan trọng vì những lẽ sau:
-         Người sưu tập đối xử hết sức bình đẳng với mọi loại hiện vật mà ông thu thập. Không có bất cứ sự phân biệt theo kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh” những cổ vật theo bất cứ tiêu chí nào, loại hình, niên đại, chất liệu, nguồn gốc, tình trạng… Trong sưu tập này ta thấy sành bên cạnh gốm đất nung, sứ xếp hàng cùng gốm thô, đồ có niên đại hàng ngàn năm bên cạnh những di vật có tuổi chừng vài chục năm.
-         Đa phần hiện vật được sưu tập từ lòng sông Hương, trong một không gian không rộng lắm, do vậy nhiều hiện vật ở đây mang đặc trưng khu vực rõ ràng và phần nào giúp hình dung lại bối cảnh lịch sử-văn hóa.
-         Ý thức thu thập đầy đủ, càng nhiều cá thể của một loại hình đồ vật càng tốt và của tất cả mọi hiện vật đã làm cho sưu tập này càng thêm giá trị nghiên cứu cũng như giá trị bảo tồn, bảo tàng. Trong điều kiện hiện nay, nguồn cung đã cạn kiệt, nhiều hiện vật vớt từ lòng sông Hương và từ một số nơi khác ở Huế tứ tán trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí cả ở nước ngoài, những làng nghề xưa cũng đã chết hoặc nếu còn thì cũng đang thoi thóp thì những cổ vật của sưu tập này càng trở nên quý giá. Vì thế nếu không sớm tư liệu hóa và nghiên cứu một cách bài bản và hệ thống những hiện vật của sưu tập này thì sẽ là tội lớn đối với tiền nhân cũng như thiệt hại đối với nghiên cứu khảo cổ-lịch sử-văn hóa dân tộc.
-         Liệu Huế có thể xây dựng 01 bảo tàng tư nhân để gìn giữ phát huy giá trị của bộ sưu tập này.  Một bộ sưu tập phản ánh gần như đầy đủ các giai đoạn lịch sử từ Tiền, Sơ sử đến giai đoạn Champa sớm (những hiện vật gốm cùng loại với đồ gốm tìm được ở tầng văn hóa sớm nhất của Trà Kiệu, Gò Cấm, Hồ Điều Hòa…), Champa từ thế kỷ 4,5 đến thế kỷ 11, 12 (với những hiện vật tương tự như hiện vật ở tầng văn hóa trên của Trà Kiệu, thành Trà Kiệu, Thành Hồ, Cổ Lũy-Phú Thọ…) Champa – Đại Việt, Đại Việt…  
Ngõ nhỏ, gốm lớn, nhà bác Hồ Tấn Phan ở đó

Những bình vôi gốm, sành qua nhiều thế kỷ giờ về đậu trên cửa sổ

 Nhiều quá, không có chỗ trong nhà, những ông bình vôi này đành tụ tập ngoài vườn
Nhìn những bình, vò gốm leo ống tường này thấy sướng mắt hơn vô vàn những cảnh trưng bày của nghệ thuật sắp đặt hiện đại giờ đang mốt ở Hà Nội

Không chỉ là đồ gốm và cổ vật, nhiều đồ dùng dân gian và cung đình có tuổi đời không xưa cũng có mặt trong sưu tập

Cây trĩu gốm

Nhà cũng trĩu nặng gốm

Cô trò mình đùa: "Bác Phan ăn cổ vật, ngủ cổ vật". Bác cười và nhấn mạnh:"Thực ra cổ vật nó ăn tui'!

Chắc vậy, vì việc sưu tầm cổ vật này đã lấy đi không chỉ tiền của, công sức mà cả tâm sức của bác. Rất nhiều vấn đề mà bác phải đối mặt để nuôi và duy trì những hiện vật trong sưu tập này. Một trong số đó chính là những đợt lũ thường niên. 
Nhìn những chum này người ta dễ tưởng đây là những chum mắm. Thực ra đây là những chum bên trong cất giữ những đồ gốm nhỏ

Gốm được buộc treo cao tránh lũ

Một vấn đề nữa là truyền nhân. Thôi đành chờ cơ duyên.

Vấn đề đánh giá giá trị và phân loại hiện vật cũng vô cùng nan giải. Chiếc pesani bằng đá này (một dạng bàn nghiền của Champa) đang được để ngoài trời cùng vô số những chì lưới bằng đá có kích thước lớn

 Điều kiện trưng bày và bảo quản một số lượng khổng lồ hiện vật từ nhiều loại chất liệu cũng nằm quá tầm tay của bác

MONG SAO CÓ SỰ TRỢ GIÚP HỮU HIỆU CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM CHUYÊN MÔN VÀ NHỮNG NGƯỜI QUẢN LÝ

1 nhận xét: