Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Bất ngờ cuối phiên “chợ chữ”

TT&VH) - Theo tôi, đây là phản ứng khá bộc trực của cánh Nho học tân thời. Họ ra đây cùng nhau hoàn thành bức “đại thư pháp” với một thông điệp rằng thư pháp là thứ để chơi không phải để mua bán kiếm tiền…
1. Ngày Nguyên tiêu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội lại bừng lên như cây đào bung hoa trước ngày nắng ấm. Các thi sĩ đủ “ngạch” quy tụ về ấm cả sân Trình.
Phía đường Giám các ông đồ rải chiếu bán chữ vẫn dẻo dai từ 20 tháng Chạp, và hôm nay không ai định nhưng gần như là ngày kết thúc phiên chợ chữ thường niên để rồi chờ Tết sau. Các ông đồ vẫn kiên trì bám trụ phiên chợ này dù người mua đã vãn, nghiên mực đã sầu...
Đã Rằm tháng Giêng rồi còn gì. Hôm nay không còn chen lấn xô đẩy chờ chực ngồi quạt chữ như mấy ngày trong Tết và sau Tết. Số ông đồ dọn chiếu cũng đến quá nửa. Thư pháp Nho gia chen với những ông đồ vẽ chữ bằng tiếng Việt có khá nhiều đồ trẻ chỉ còn ngồi vu vơ chờ thời khắc dọn chiếu...
Bỗng có một chuyện bất ngờ xảy ra ngay bên thềm chợ chữ.
Hơn chục thư pháp gia trẻ trung vui nhộn khiêng đến một lô giấy khổ lớn lăn tở kéo dài dọc theo thềm con phố, mỗi đồ trẻ vung bút hạ vài chữ. Trong vòng chưa đầy 30 phút một bức thư pháp khổng lồ rộng như lá cót hình thành dần và dài hun hút trên trăm mét nằm dọc trên thềm con phố. Thư gia trẻ Lê Quốc Việt là người ra chữ đầu tiên: “thiên thư” (sách trời), sau đó là “phong” (gió). Đặng Anh Việt trong nhóm chủ xướng ra ba chữ “tịch dương hồng” (bóng chiều hồng), Lê Thanh Hải nghiêm cẩn với bốn chữ “Thiên hạ vi công” (thiên hạ là của chung), Trần Quang Đức thì hào sảng lập ngôn “nhân sinh đắc ý tu tận hoan” (sống mà đắc ý thì nên vui tới cùng), rồi “Mỗi nhật tân” (mỗi ngày mới)... Dãy phố chợt như ông đồ già chợt bừng tỉnh giấc vì bất ngờ được đánh thức, mọi người đi đường đổ xô đến xem...
Nhóm các ông đồ trẻ thực hiện bức đại thư pháp dài trên trăm mét
Tôi hiểu ý của lớp trẻ, đây là phản ứng khá bộc trực của cánh Nho học tân thời. Họ ra đây cùng nhau hoàn thành bức đại thư pháp với một thông điệp rằng thư pháp là thứ để chơi không phải để mua bán kiếm tiền, người đến chợ chữ cần hiểu rằng thư pháp tuyệt nhiên không phải lá bùa giữ “Phúc” kiếm “Đức” cho chủ nhân, không đem “Lộc” đem “Thọ” được cho người mua. Những giá trị nhân ái và chí tiến thủ không phải phải đem tiền ra mà mua được. Trong trò chơi ngông của nhóm thư pháp trẻ hình như còn bộc lộ sự phản ứng với việc đặt giá mua chữ, mà thú chơi thì ít, vụ lợi thì nhiều, làm cho chợ chữ tưởng như nhân văn ngày càng trở nên bệ rạc. Người mua thường là đặt cọc vào bức thư pháp niềm tin như tin vào lá bùa có thể giải hạn mở đường, còn nhiều người bán thì tán tụng lung tung, đưa ra một mớ rối bời giải thích chỉ với mục đích là rối lòng người mua chữ, và mục đích chỉ có một là thu tiền. Không dám nói tất cả những người “bày chữ” ở phố ông đồ này đều như vậy, nhưng như những gì tôi trông thấy, thì đa phần là thế.
2. Nhớ lại bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên ra đời vào thời mạt của Nho gia. Cái thời mà Tú Xương đã viết: Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè, ông cống cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm thầy phán/ Sáng rượu sâm banh tối sữa bò”. Bán chữ là mạt vận. Nhà Nho chỉ cho chữ, không ai lại đem chữ thánh hiền đi bán. Ông đồ của Vũ Đình Liên cho thấy đó là thời Nho học bị hắt ra bên lề đường, hết thời, không còn vị trí gì trong xã hội và cũng tận đường kiếm sống.
Nhìn cái chợ ông đồ, quan sát từng lều chữ mới thấy hầu như số ông đồ hiểu biết về thư pháp rất hiếm, viết xấu và nhiều người mới theo thầy tập tọng đã rải chiếu để với mục đích đơn giản chỉ là kiếm tiền, thế thôi. Còn người mua chữ, số hiểu để chơi hầu như rất ít, phần nhiều là a dua, và còn lại là chơi thư pháp với cái nhìn cầu lợi, mê tín mà chưa bao giờ là chơi thư pháp.
Một cái chợ chiều Nho học được khuấy động lại tưởng như một giá trị văn hóa đang được phục hồi, nhưng khi nhiều người mang chữ ra đó chỉ nhằm kiếm tiền thì từ đầu đến cuối chợ đã sớm thấy mùi ôi!
Đỗ Đức (họa sĩ)
Mùng 4 tết rồi, mình đưa Bim đến Văn Miếu để cùng tham dự lễ dâng hương của Trường mình. Hai mẹ con sau đó ra phiên chợ chữ (lần đầu tiên đấy). Quan sát một lúc, mẹ con mình chọn một bác trung tuổi để xin bác một chữ cho một năm suôn sẻ. Bác viết rất nhanh, vài phút là xong một bức. Mình xin chữ AN (với mong muốn an lành cho gia đình và cho mọi người). Chưa kịp giãi bày bác đã viết xong chữ AN to tướng  và một dòng 4 chữ nhỏ bên cạnh (được giải nghĩa là an khang thịnh vượng).
Trời ơi, mình chỉ xin một chữ AN (AN LÀNH) thôi , sao bác lại viết thêm AN KHANG THỊNH VƯỢNG !
Sau khi nẹp thêm hai cái nẹp để treo, mẹ con mình trả 150.000 đồng rồi mang chữ về nhà.
Xem ra cũng chả khác gì vụ ấn Đền Trần nhỉ!
Thôi nhé, vĩnh biệt cái sự xin chữ này! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét