Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Thầy của chúng tôi - GS. Trần Quốc Vượng

GS. Trần Quốc Vượng sinh ngày 12/12/1934 tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Quê gốc của ông ở xã Lê Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, một làng quê “bên bờ sông nhỏ, dưới chân một trái núi nho nhỏ miệt đồng chiêm trũng xứ Nam...”. Là con trai út của một gia đình có nhiều người sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng, theo kháng chiến, theo Đảng. Ngay từ nhỏ, ông đã được sống “trong không khí một gia đình“ có học” (và chỉ biết có học)”. Niềm đam mê văn sử của ông, lòng tâm thành với lịch sử và văn hoá Việt Nam cũng khởi nguồn từ truyền thống yêu nước, ham học, hiếu học ấy của gia đình.
Ông tự bạch: “Tôi sinh vào 9 giờ kém 10 phút, ngày 12/12/1934, tức là vào giờ con chó (Tuất), ngày Sáu tháng Một năm Giáp Tuất tại Hải Dương, là dòng dõi con cháu nhà Trần. Theo khoa tử vi học phương Đông cổ truyền, số phận của tôi là ngọn lửa đầu non (Sơn đầu hoả) và thân phận của tôi là dịch chuyển (Thân cư thiên di). Nay vào tuổi bảy mươi, diễn biến của đời tôi đúng là như vậy. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng một năm tôi chỉ ở Hà Nội khoảng 100 ngày, những ngày còn lại là đi khắp chốn cùng quê, đào bới, phát hiện những “tầng” văn hoá...”
Từ giữa năm 1956, sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Sử - Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông trở thành thầy giáo của Khoa Lịch sử, Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Suốt cả cuộc đời, GS. Trần Quốc Vượng gắn bó thuỷ chung, dốc một lòng, trông một đạo cho Khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐHQGHN.
Trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu, GS. Trần Quốc Vượng là người đã góp phần xây dựng Bộ môn Khảo cổ học, có công gây dựng Trung tâm Nghiên cứu Liên Văn hoá-Lịch sử, Bộ môn Văn hoá Du lịch, Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam và môn Địa lý Nhân văn... Ông là một trong những người khơi mở và đi đầu trong hướng tiếp cận liên ngành và đa ngành trong nghiên cứu các ngành sử học, văn hoá học...
Ngoài công tác đào tạo, nghiên cứu ở Khoa Lịch sử, từ năm 1976 đến nay ông còn giữ cương vị Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội. Từ năm 1989 đến nay, ông liên tục được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Văn hoá-Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Văn hoá Ẩm thực Việt Nam, Phó chủ nhiệm CLB Nghề truyền thống Việt Nam... Với ngành Sử học, GS. Trần Quốc Vượng là Chủ tịch Hội sử học Hà Nội khoá II và là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khoá IV, khoá V.
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, đơn vị Anh hùng không thể có được những thành tựu và kết quả nghiên cứu, đào tạo nổi bật như hiện nay, nếu không có sự đóng góp công sức và trí tuệ của những người thầy, những nhà khoa học gắn bó, say mê, yêu nghề, yêu người như GS. Trần Quốc Vượng.
Do có nhiều cống hiến nổi bật, năm 1980, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư và đến năm 1990, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Bên cạnh những huy chương Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp Giáo dục, Vì sự nghiệp Khoa học-Công nghệ, Vì sự nghiệp Văn hoá - Nghệ thuật, Vì sự nghiệp Văn hoá Dân gian, Vì sự nghiệp Biên phòng... GS. Trần Quốc Vượng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các huân chương cao quý: Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất.
Là một trong bốn người được các thế hệ học trò Khoa Lịch sử tôn vinh là ”tứ trụ“ của khoa, tên tuổi của GS. Trần Quốc Vượng đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ sinh viên. Trong lòng mỗi học trò, GS. Trần Quốc Vượng là người THẦY đúng nghĩa, người THẦY viết hoa. Lối ứng xử chân tình, dân dã và tri thức uyên bác của ông đã trở thành một nét rất riêng Trần Quốc Vượng, lôi cuốn và làm say biết bao nhiêu người rong ruổi theo ông trên hành trình “vừa làm vừa học, vừa học vừa làm...” của mình.
Đối với giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của khu vực Đông Nam Á và thế giới, GS. Trần Quốc Vượng được đánh giá cao bởi những đóng góp và ý tưởng khoa học mới lạ, độc và sắc của mình ở bất kỳ lĩnh vực nào mà ông quan tâm. Ông tham gia, chủ trì và đồng chủ trì nhiều Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế (Nga, Mỹ, Nhật, Hàn, Thái, Malaysia, Philippines...). Một số công trình nghiên cứu của ông đã được công bố ở nước ngoài như “Việt Nam khảo cổ học-tiếng Nhật”, “Vietnam Folklore and History”, “Some aspects of Vietnam Culture”, “ Confucianism in East Asia”... Ông đã góp công gây dựng, thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế cho một số ngành đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, qua đó bước đầu tạo điều kiện để hội nhập với môi trường học thuật khu vực và quốc tế.
Cả cuộc đời, GS. Trần Quốc Vượng đau thiết cho sự nghiệp trồng người
GS. Trần Quốc Vượng là một trong những nhà khảo cổ học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và giảng dạy môn Khảo cổ học ở khoa Lịch sử. Cùng với GS. Hà Văn Tấn, GS. Trần Quốc Vượng là những người khởi thuỷ của ngành Khảo cổ học của nước Việt Nam độc lập, “bởi khi người Pháp ra đi khỏi miền Bắc vào trước ngày 10/10/1954, họ đã không để lại một nhà khảo cổ học Việt Nam nào”. Có thể nói một cách không ngoa rằng, hầu hết những người làm khảo cổ ở Việt Nam hiện nay là học trò của ông (họ thường trìu mến gọi ông là Thầy Vượng/ Cụ Vượng và xưng con). Biết bao thế hệ học trò của Khoa Sử đã chọn Khảo cổ làm lẽ sống và sự nghiệp cho mình bởi một lý do rất đơn giản vì say ông, say những bài giảng của ông, những bài giảng được thể hiện bằng một cách rất riêng, rất Trần Quốc Vượng. Không mạch lạc theo lối trường quy, không dễ ghi chép nhưng đầy ắp ý tưởng, buộc người học phải suy ngẫm, phải đau đầu. Những ý tưởng khoa học mới, độc đáo của ông không phải đã được học trò hiểu và tiếp nhận ngay trong lúc học nhưng mãi theo họ trong quá trình “nghiệm sinh” của cuộc đời. Một học trò của ông nay đã thành danh tâm sự: Ngày ấy, nhiều thầy giảng rất có phương pháp sư phạm và khoa học. Đầy đủ các đề mục Một La-mã, Một Ả-rập... rất dễ ghi chép, nhưng bây giờ tôi quên sạch. Còn thầy Vượng giảng chẳng ghi được mấy, nhưng những lúc cần nhớ tôi nhớ hết. Ông luôn là tấm gương mà nhờ đó lớp học trò của ông sớm trưởng thành. Những ngưòi học trò của GS. Trần Quốc Vượng không chỉ được ông truyền nghề mà còn được truyền cả cách sống nữa. Với tính cách của mình, ông để lại dấu ấn rất sâu đậm trong các thế hệ học trò. Có lẽ hiếm người thầy nào đi suốt dọc từ Nam chí Bắc đều có học trò như ông, học trò của ông ở nhiều độ tuổi khác nhau, không ít người giữ cương vị cao trong chính quyền, có người tuổi cũng đã thất thập, nhưng tất thảy đều giữ chữ “kính” và tình cảm say mê đến mức “đam mê” đối với ông. Có lẽ đối với một người thầy, thì tình cảm của học trò còn hơn bất kỳ một phần thưởng, một danh hiệu nào.
Trong suốt cuộc đời dạy học của mình, bất kỳ ở đâu, với đối tượng nào, cái mà ông đau đáu chính là tạo cho sinh viên một phương pháp tư duy đại học, biến quá trình Đại học thành quá trình Tự học mà trong đó, điều quan trọng bậc nhất là dám đặt lại vấn đề, dám nghĩ khác và dám dấn thân vào những góc khuất, những gai góc, những nẻo đường chưa hoặc ít được khai phá của khoa học.
Đối với ông, người thầy phải làm sao để sinh viên trở thành chủ thể của quá trình đào tạo, tự mình khám phá và quyết định cách học cho riêng mình. Trong những bài nhập môn khảo cổ học, văn hoá học, bao giờ ông cũng bắt đầu bằng những khái niệm, mà theo ông đó là những khái niệm công cụ, khái niệm chìa khoá dẫn dắt sinh viên trên con đường khám phá chân lý khách quan và khái quát của lịch sử, văn hoá dân tộc. Ông là người dẫn đường cho bao thế hệ những người làm khảo cổ, văn hoá ở Việt Nam. Nghiêm khắc với học trò nhưng ông luôn dành cho họ tình yêu thương đằm thắm, tôn trọng cá tính, tin tưởng, kích lệ cổ vũ họ trong những bước đi chập chững ban đầu nghiên cứu khoa học. Với học trò, không chỉ dạy, ông còn học từ họ “Học thầy không tày học trò”, hơn thế nữa Ông là người sòng phẳng và tôn trọng học trò. Lấy của ai một câu, một chữ đều có nêu “xuất xứ” đàng hoàng. Câu nối thêm một thành ngữ cổ của ông “Con hơn cha, nhà có phúc, trò hơn thầy, đức nước dày” thường được mọi người tâm niệm như một lời nhắc nhở về trách nhiệm làm thầy, trách nhiệm làm người giữa các thế hệ.
Người khai phá, gieo mầm những ý tưởng mới, nêu cao lời thề trung thực, dũng cảm cho các nhà sử học. Người đã vượt qua phong ba bão táp để làm một cánh đại bàng trong làng sử học, văn hoá học Việt Nam.
Mới ngoài 20 tuổi, được sự kích lệ động viên của các GS. Trần Văn Giàu, GS. Đào Duy Anh, ông đã dịch và chú giải “Việt sử lược”, để làm được điều đó, ông đã phải tham khảo rất nhiều sách chữ Hán của Việt Nam và Trung Quốc. Có thể nói vốn ngoại ngữ đã giúp ông rất nhiều trong những bước đi khoa học ban đầu. Cách học và dùng ngoại ngữ của ông cũng thật lạ , thật riêng. Phát âm không thật chuẩn, ngữ pháp không thật xịn, nhưng ngoại ngữ trong tay ông đã được biến hoá một cách tài tình, ông có tài “bịa chữ” cả với tiếng mẹ đẻ, cả với tiếng nước ngoài. Những bài viết của ông đầy chặt những khái niệm, thuật ngữ nước ngoài, kết quả của một sự nghiền ngẫm lâu dài, cốt chuyển tải sát đúng nhất tư duy của ông và thực sự hữu ích đối với độc giả. Ông băn khoăn, trăn trở khi chuyển nghĩa những thuật ngữ khoa học nước ngoài sang tiếng Việt, với ông đấy cũng là công việc nghiên cứu chứ không đơn thuần chỉ là dịch chữ. Cùng với “Dư địa chí” do GS. Hà Văn Tấn hiệu đính, cuốn “Việt sử lược” do ông dịch và chú giải vẫn là những cuốn sách tham khảo không thể thiếu được của những người học và làm sử Việt Nam Cổ, Trung đại. Trong hơn 40 năm qua, ông đã viết hàng trăm bài nghiên cứu in ở các báo và tạp chí ở trong và ngoài nước; là tác giả, đồng tác giả và chủ biên của hàng chục cuốn sách từ giáo khoa đến sách chuyên môn. Mỗi trang viết của ông là kết quả của quá trình tìm tòi suy ngẫm và nghiệm sinh lâu dài, hiện đại về tư liệu, xử lý tài tình mối quan hệ biện chứng giữa Phá bỏ - Bảo tồn - Sáng tạo và đặc biệt ông cố gắng hết mức để gọi sự vật bằng chính cái tên của nó. Đối với những nhà nghiên cứu lịch sử, theo ông có một nguyên tắc tối thượng, đó là “Nghiêm thay sử bút”.
Với Thăng Long-Hà Nội nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, bước chân của ông đã in dấu khắp góc phố, nẻo đường. GS. Đinh Xuân Lâm cho rằng : “Hơn 40 năm qua, GS. Trần Quốc Vượng vẫn miệt mài nghiên cứu về Hà Nội và có những công trình khoa học đặc sắc về Hà Nội, ông cũng là người có công đầu trong việc xây dựng ngành Hà Nội học. Nếu có một danh hiệu “nhà Hà Nội học” thì người đầu tiên và xứng đáng nhất để nhận danh hiệu là GS. Trần Quốc Vượng”. Những tác phẩm về Hà Nội của ông thực sự là những công trình nghiên cứu uyên bác mà trong đó tập hợp đầy đủ những tri thức, những kinh nghiệm, những phương pháp ông tích luỹ được trong các địa hạt Khảo cổ học, Cổ sử học, Văn hoá dân gian...
GS. Trần Quốc Vượng là người có nhiều tiếng nói. Ông thuộc típ bác học quảng văn. Tiếng nói của ông cất lên trong nhiều lĩnh vực Khảo cổ học, Cổ sử học, Dân tộc học, Tâm lý học, kể cả Tâm lý học các chiều sâu, Nghệ thuật học, Văn hoá học... Nhưng không ở đâu, tiếng nói Trần Quốc Vượng chiếm vị trí chủ đạo, nếu không nói là duy nhất, thể hiện toàn bộ con người ông như ở lĩnh vực Địa - Văn hoá.
Những thành công của ông trong lĩnh vực Địa-Văn hoá và trong những lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn khác không đơn thuần là kết quả nghiên cứu khoa học mà là kết quả của cái Tâm, cái Tình đối với đất nước và con người Việt Nam. Mở ra một ngành học mới bao giờ cũng là công sức của nhiều người, nhưng để định hướng và phát triển ngành đó không thể thiếu được vai trò tiên quyết của người đầu ngành. Dưới sự dẫn dắt của ông, nhiều cán bộ giảng dạy của Khoa Lịch sử và của một số khoa khác trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trở thành những người nghiên cứu và giảng dạy môn Cơ sở Văn hoá Việt Nam có uy tín, được xã hội thừa nhận. Công lao lớn nhất của ông là đào tạo lớp học trò - thầy giáo kế cận bằng cách cung cấp cho họ Phương pháp luận và Phương pháp Suy luận cùng Thực tiễn điền dã. Điều quan trọng là ông hiểu và tôn trọng cá tính, nắm bắt khả năng của mỗi học trò, của mỗi cán bộ trẻ để phát huy sức tự lực, tính năng động của họ trong cả hai lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Phương pháp truyền nghề này của GS. Trần Quốc Vượng cũng chính là sự chiêm nghiệm tuyệt vời thái độ tôn trọng sự đa dạng và khoan dung văn hoá mà ông luôn xem là lối sống, lối ứng xử của mình.
Người mang ”Tính trời, Nết đất”,người luôn tìm đọc cuộc sống qua những cuộc lang thang dông dài khắp đất nước, trung thực với chính mình, biết trước được số phận của mình, dám đón nhận và chịu nổi chìm cùng các dòng tư tưởng của thời đại, dám sống tới tận cùng với những đam mê.
Suốt đời mình, GS. Trần Quốc Vượng ngang dọc khắp mọi miền đất nước, cùng những người học trò của mình ông vừa đi, vừa dạy, vừa học, vừa chiêm nghiệm, thực sự dấn thân vào con đường khoa học đầy gian lao. Ông là một tấm gương thuyết phục nhất về lòng tận tuỵ trong nghề nghiệp và sự chịu đựng. Chịu đựng những nỗi cực nhọc trong các chuyến đi điền dã và cả với sự không đồng thuận lúc này, lúc kia của giới học thuật về quan điểm khoa học của mình. Từ năm 1959 đến nay, hầu như không có một di chỉ, một phát hiện khảo cổ quan trọng nào trên đất nước ta lại không gắn liền với công lao phát hiện hoặc tham gia của ông. Là một trong những nhà khảo cổ học đầu ngành, cùng với các đồng nghiệp, GS. Trần Quốc Vượng đã góp phần định danh, làm rõ những đóng góp và giá trị tiêu biểu của các nền văn hoá, các thời đại văn hoá Việt Nam trong mối liên hệ và tương quan với môi trường văn hoá của khu vực và thế giới. Những nghiên cứu lý thuyết, điền dã của ông về khảo cổ học Việt Nam là kết quả của quá trình từ nhận thức- nhận định lại - tái nhận thức đến nhận thức, nghiên cứu khoa học đối với ông không bao giờ có điểm đóng, kết cuối của mỗi công trình nghiên cứu theo ông cũng chính là MỞ ĐẦU cuộc tìm kiếm, chiêm nghiệm mới và cứ như thế...
Lối đi điền dã của ông cũng khác người, cực nhọc, vất vả và có phần nguy hiểm, ngay cả người trẻ nhiều khi còn thấy nản. Ông thường chọn “vùng sâu, vùng xa, vùng biên”... để dong duổi cùng đồng nghiệp và học trò. Khi tìm nơi đi khảo sát, điền dã, ông không chỉ chọn lựa theo hiểu biết và kinh nghiệm của mình và của người khác mà còn theo trực giác, cái trực giác quá nhạy bén làm nhiều người quanh ông kinh ngạc và được coi là khả năng ngoại cảm để nhìn xuyên qua lòng đất. Nhiều học trò khi chứng kiến những phán đoán “như thần” của ông đã đi từ ngạc nhiên, băn khoăn đến “tâm phục, khẩu phục” để rồi gật gù với nhau rằng nếu Thầy đã bảo đi thì cứ đi, nếu Thầy đã chọn ngày, chọn giờ, chọn nơi rồi thì cứ yên tâm, thể nào cũng khối cái hay và “chắc chắn chỉ có hay trở lên”. Kết quả của những đợt điền dã như thế hầu như không bao giờ chệch khỏi những tiên nghiệm khoa học của ông.
Cuộc đời của ông, sự nghiệp của ông đa chiều kích, dung hoà giữa các mối quan hệ giữa Cá nhân- Tôi và Cộng đồng- Chúng Tôi, nhưng dù ở đâu, trong bất kỳ tình huống nào, cá tính Trần Quốc Vượng vẫn in dấu ấn, bởi cá tính đó xuất phát từ bản lĩnh cá nhân, từ ý thức về bản thân và chịu trách nhiệm về hành động của chính mình.
Ở ông không có sự tách biệt giữa tâm hồn lãng du của người nghệ sĩ với sự thâm trầm uyên bác của nhà khoa học và cả hai đã tạo nên một diện mạo kỳ nhân Trần Quốc Vượng. Một người nghệ sĩ không hình thức, một người của dân gian, hoà nhập trên đường tre, ngõ trúc, gập ghềnh trên lối sống trâu mà nhẹ tênh hơn là phăng phăng giữa mặt nhựa, mà nặng nề... Có lẽ ít người thành công như ông khi cả đời dong duổi trong mê lộ của lôgích và trực giác để tìm tòi và suy ngẫm và nghiệm sinh những ý tưởng mới, kỳ lạ và như “ngọn lửa đầu non” toả sáng, dẫn dắt. Ngạo nghễ mà dân dã, ông đã khẳng định một lý thuyết Folklore học của chính mình “Cái “bác học” và cái “dân gian” ở Việt Nam là rất gần nhau và rất dễ chuyển hoá cho nhau”.
HỌC – HỎI – HIỂU - HÀNH là NGUYÊN TẮC và PHƯƠNG PHÁP DẠY/HỌC VÀ NGHIÊN CỨU của GS. Trần Quốc Vượng. Ông đã đắc đạo trong quá trình đọc-đi-chơi-học hỏi không bao giờ ngừng của mình.
Cuộc đời và sự nghiệp của GS. Trần Quốc Vượng thực sự là tấm gương sáng cho những thế hệ học trò. Những khai phá, mở đường cho những cái nhìn mới về Văn hoá- Sử - Địa học... Việt Nam của GS. Trần Quốc Vượng đã, đang và sẽ được các thế hệ mai sau tiếp bước. Ánh lửa trong các công trình nghiên cứu và quan điểm học thuật sâu sắc của Thầy vẫn còn đang toả sáng. Những thông tin khoa học quý giá và những ý tưởng khoa học mới mẻ của Thầy vẫn đang chờ chắp cách bay lên.


Đôi lời tự sự và cảm ơn

Viết bài về cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư, Thầy Trần Quốc Vượng thật quá sức với một học trò nhỏ như tôi, dẫu rằng tôi đã có may mắn được theo Thầy gần hai thập kỷ qua trên dặm đường tìm tòi và suy ngẫm. Có lẽ mỗi người trong chúng ta chỉ đủ sức cảm nhận và hiểu Thầy từ một góc độ nào đó, vì Chân dung Trần Quốc Vượng dễ vẽ. Song con người Trần Quốc Vượng khó tìm. Sinh thời Thầy thường nói “Tôi hay ĐI, hay NÓI, hay VIẾT, nên lúc nào cũng có cảm giác THIẾU thời gian”. Thưa Thầy của chúng con, Thầy vẫn ĐI, vẫn NÓI, vẫn VIẾT cùng chúng con trên dặm dài khoa học, trên con đường làm thầy, làm người. Dẫu chúng con vẫn biết rằng học trò thì nhiều, nhưng cao đồ dễ có mấy ai, và sử học hay khảo cổ... cái nghề động chạm đến quá khứ mà thầy, trò mình đã chọn đầy nặng nhọc và không ít rủi ro... Với chúng con, những thế hệ học trò, những người nối nghiệp khảo cổ học, văn hoá học, sử học... của Thầy, NGỌN LỬA ĐẦU NON SÁNG MÃI.

Tôi xin cảm ơn các thầy, các đồng nghiệp, bạn bè và học trò... tác giả của những ý tưởng, câu chữ trong các bài viết về giáo sư Trần Quốc Vượng mà tôi đã sử dụng khi viết bài này. Cảm ơn thầy Phạm Xuân Hằng, thầy Nguyễn Hải Kế... và các bạn bè, đồng nghiệp đã động viên, đã đọc và góp ý cho bản thảo.
Chú thích
Những chữ in nghiêng trong bài để trong ngoặc kép lấy từ các bài viết của GS. Trần Quốc Vượng. Những chữ in nghiêng không để trong ngoặc là những câu trích từ các bài viết về GS. Trần Quốc Vượng.

Lâm Thị Mỹ Dung

1 nhận xét:

  1. Thầy Vượng mất rồi, cho tới giờ này con cứ thấy có điều gì đó thiếu thiếu trong sinh hoạt văn hóa, nghiên cứu, đào tạo...

    Lâu không thấy ai nhắc đến Thầy (hay xung quanh con ít ai nhắc đến), nhưng rõ ràng khoảng trống mà Thầy bỏ lại lớn quá!

    Trả lờiXóa