Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Tính toán nhập nhằng trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)

Peter J. Brown
Ngày 8-12-2009
Ngay khi một nhóm chuyên gia tới Hà Nội vào tháng trước để tham gia vào một cuộc hội thảo lần đầu tiên được tổ chức liên quan tới các nước có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), chiếc tàu quản lý việc đánh bắt hải sản lớn nhất của Trung Quốc, Yuzheng 311, đã thả neo tại Đảo Yongxing, một hòn đảo mà Bắc Kinh nhắc đến với cái tên Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Con tàu này bắt đầu chuyến tuần tra dài ngày nữa của Trung Quốc trên Biển Đông, đã được khởi đầu từ căn cứ Hải quân Sanya trên Đảo Hải Nam (1).
Nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền đối với nhiều khu vực trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), ví như Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa), và quần đảo Zongsha, thì các bên đòi chủ quyền khác – bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines – cũng đã và đang ganh đua bằng những tuyên bố của mình đối với các nhóm đảo và các đảo riêng biệt. Các đảo này được nhắc đến với các tên khác nhau như Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Bãi cạn Scarborough và Bãi Macclesfield (2), được đặt tên nhưng không nhiều.
Bằng chứng về việc Trung Quốc đang vươn ra Biển Đông ngày càng nhiều hơn có thể tìm thấy được tại những dấu chấm trên tấm bản đồ ít người biết đến, ví như Đảo Cây (Woody Island) trên đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang bành trướng một cách vững chắc và đang mở mang một đường băng cho phi cơ, cũng như Mischief Reef – chỉ cách khoảng 150 dặm về phía tây Philippines – nơi Trung Quốc đã dựng lên hàng loạt công trình. Các nước láng giềng của Trung Quốc coi đây như là kẻ bành trướng và thậm chí một kẻ thù địch, cho dù đã tham gia ký kết vào Tuyên bố về Nguyên tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông.
Theo một số chuyên gia về an ninh, thì mục đích cuối cùng của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là thiết lập một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn (EEZ), được kéo dài bởi một số biểu hiện vươn xa xuống tận phía nam Quần đảo Natuna giàu dầu lửa được Indonesia tuyên bố chủ quyền. Họ cho biết là Trung Quốc tìm cách kiểm soát trên biển như là bộ phận của một kế hoạch thiết lập sự hiện diện sức mạnh trên biển hơn nữa, kể cả việc thông qua một đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) (3) trên những tuyến đường biển kéo dài suốt từ Thái Bình Dương tới tận Ấn Độ Dương. Biển Đông là hải lộ đông đúc thứ hai trên thế giới và đóng vai trò như là cửa ngõ của Trung Quốc cho việc nhập khẩu dầu lửa từ Vịnh Ba Tư và các tài nguyên thiên nhiên khác từ Phi châu.
“Các nhóm tàu chiến đầu tiên của Trung Quốc sẽ trú đóng tại đảo Hải Nam, và chúng sẽ tuần tiễu trên những hải trình có nhiều tài nguyên này. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, kiểm soát Biển Đông là một mục tiêu then chốt nhằm bảo đảm sự sống còn về kinh tế và chính trị của chế độ độc tài Đảng Cộng sản,” theo nhận xét của Richard Fisher, thành viên kỳ cựu của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế có trụ sở tại Washington.
Tuy nhiên theo ông, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và nhiều nước trong khối ASEAN vẫn đang cố gắng ngăn cản Trung Quốc.
“[Trung Quốc muốn] làm cho tuyến đường Biển này trở thành một vùng lãnh hải được bảo vệ nghiêm ngặt cho hoạt động của các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo cho tới một thời điểm như việc Đài Loan trở thành nơi cung cấp một căn cứ tốt hơn cho các hoạt động của những loại tàu ngầm này,” ông Fisher nói. “Trung Quốc có thể đưa tới nửa số tên lửa hạt nhân của mình lên các tàu ngầm này, có nghĩa là Trung Quốc sẽ chỉ thiết lập các thể chế độc tài trong tương lai trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”.
Tăng cường sự có mặt ngoài khơi của Trung Quốc có nghĩa là hai cơ quan Quản lý Đại dương Quốc gia (SOA) và Giám sát Biển Trung Hoa (CMS) sẽ đảm bảo rằng các tàu cá và tàu khảo sát của các quốc gia khác trong khu vực đang hoạt động tích cực trên Biển Đông ngày càng có nhiều hơn các cuộc chạm trán với các tàu của Trung Quốc được trang bị vũ khí lớn và tốt hơn bởi Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (Hải quân Trung Quốc) (4), trong đó có tàu Yuzheng 311.
Một cuộc chạm trán xảy ra hôm 16 tháng Ba cho thấy thái độ sẵn sàng của Bắc Kinh ra lệnh cho các loại tàu không thuộc Hải quân Trung Quốc, bao gồm những tàu thuộc SOA và CMS, thực thi các hoạt động trên Quần đảo Trường Sa, gây ra tâm lý chán nản cho các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines. Sau khi chiếc tàu do thám của Hoa Kỳ USNS Impeccable bị các tàu lớn của Trung Quốc quấy nhiễu hôm 8 tháng Ba (5), Trung Quốc đã gửi đi một chiếc tàu mà họ cho là tàu tuần tra đánh bắt cá – không phải tàu chiến – nhằm bảo vệ các quyền lợi của mình trên Biển Đông.
“Trung Quốc kiểm soát Biển Đông bằng cách làm ra vẻ thực thi các hoạt động giữ gìn trật tự không mang tính đối đầu, mà trong đó Việt Nam, Philippines và các nước khác về cơ bản sẽ chẳng làm được gì,” ông Fisher nhận xét. “Đưa ra những con tàu lớn hơn và có hoả lực mạnh hơn không thuộc Hải quân Trung Quốc có lẽ là một nỗ lực phi quân sự, thế nhưng nó sẽ gây nên bất ổn đúng y như vậy.”
Những yêu sách tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thường xuyên bùng lên thành những cuộc chạm trán, bao gồm một cuộc đụng độ giữa các tàu hải quân của Việt Nam và Trung Quốc năm 1988 tại bãi đá ngầm Johnson trên Quần đảo Trường Sa. Phiên họp chung vào tháng trước tại Hà Nội, được đăng cai bởi Học viện Ngoại giao và Đoàn Luật sư Việt Nam, với kết quả đã được hứa hẹn sẽ bắt đầu cuộc đối thoại đa phương đối với những tuyên bố chủ quyền chưa được giải quyết và chồng lấn trong khu vực.
“Mặc dù trong quá khứ, Trung Quốc đã đòi hỏi những giải pháp song phương, nhưng chưa có vấn đề nào được giải quyết cả bởi vì hầu hết các tranh chấp đòi hỏi phải có sự nhượng bộ của nhiều bên tranh chấp. Mục tiêu của buổi họp này có vẻ như để xây dựng lòng tin ngay từ lúc đầu qua hai buổi thảo luận không ràng buộc và đó là tín hiệu tốt để các học giả Trung Quốc tham dự hội nghị bởi vì điều này phản ánh một số biện pháp mà Trung Quốc chấp nhận đối với cách tiếp cận đa phương để gỡ rối cho các tranh chấp,” ông Dutton nhận xét.
Theo một trong những người tham dự hội thảo, ông Carlyle Thayer, giáo sư dạy môn chính trị thuộc trường Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, thì có những đoàn đại biểu không thuộc quốc gia nào và các đại diện của Trung Quốc tham dự chỉ tới từ các trường đại học và các nhóm chuyên gia cố vấn. Cuộc họp được gọi là một cuộc hội thảo, chứ không phải là một hội nghị, nhằm làm dịu đi bất cứ cảm giác nào đó, là một tập hợp các kết luận bằng cách thông qua một giải pháp hay tuyên bố,” ông Thayer nói.
Sự kiện tiếp theo nổi lên là hồ sơ các mối quan tâm trong khu vực về việc Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) có nhiều dầu lửa và khí đốt
mà “những bên tham dự đã mô tả như là việc làm cho tình hình xấu thêm hoặc đã có khả năng làm xấu thêm,” ông Thayer nhận xét. “Một sự nhất trí đưa ra rằng có một đề xuất vốn tồn tại từ lâu về việc cùng phát triển cần phải được các quốc gia có yêu sách chủ quyền xem xét.”
Những tấm bản đồ được đánh dấu
Có lẽ quan trọng hơn, ông Thayer nói bên lề cuộc họp đó, là ” Trung Quốc không đưa ra một quan điểm,” qua cái gọi là “tấm bản đồ có 9 vạch” đã được mô tả bởi một trong những học giả Trung Quốc “như những gì được thảo luận hiện nay”. Năm 1947, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã đưa ra những tuyên bố chủ quyền trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) trong một tấm bản đồ có 11 đường kẻ.
Tấm bản đồ này đã được những người cộng sản Trung Quốc chấp nhận khi họ giành được chính quyền và sau đó thủ tướng Chu Ân Lai đã gạch bỏ đi hai đường trên vùng Vịnh Bắc Bộ làm cho 11 đường vạch chấm trở thành 9. Tấm bản đồ không chính thức chứa đựng 9 vạch chấm đã được lưu hành từ lâu. Các giới chức trong khu vực đã không thể yêu cầu Trung Quốc cho biết những đường vạch đó có thể được nối kết ra sao và có bao nhiêu khu vực Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền, theo đánh giá của ông Thayer.
“Các học giả Trung Quốc cho biết là một tấm bản đồ chính thức của Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) chứa đựng những đường vạch chín điểm đại diện cho quy mô cực đại của những yêu sách chủ quyền trong lịch sử đối với khu vực. Các chuyên gia Trung Quốc lưu lý rằng điều này để lại những phạm vi khác nhau cho việc thảo luận,” ông Thayer nói. “Ví dụ, một học giả Trung Quốc đề xuất là nếu như các quốc gia có những tuyên bố chủ quyền đối với những bãi cạn ngoài thềm lục địa mở rộng giờ rút rui những yêu sách đó, thì có thể sẽ có vài khu vực nằm trong đường được đánh dấu chấm trở nên dễ dàng cho việc gắn kết phát triển”.
Đề nghị này bị trói buộc với bản đệ trình về những yêu sách chủ quyền đối với những bãi đá ngầm mở rộng trên thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia vào đầu năm nay chiếu theo một lịch trình được Liên Hiệp quốc quy định bắt buộc. Hai nước này đã gợi ý về một tuyên bố chung về chủ quyền đối với các khu vực ở phía Nam, trong khi Việt Nam đã trao những yêu sách riêng cho một dải đá ngầm mở rộng trên thềm lục địa ở phía Bắc.
“Trung Quốc đưa ra một kháng nghị và một bản đồ với chín đường rải rác cho biết khu vực mà họ nói là lãnh thổ của Trung Quốc. Dường như đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đưa ra bản đồ này,” GS Thayer nói. “Trung Quốc đang cố tình theo đuổi chính sách tính toán nhập nhằng trong vấn đề này. Họ đang thoái thác bất kỳ sự giải quyết nào về các mâu thuẫn trong việc đòi chủ quyền hàng hải cho đến thời điểm thích hợp với Bắc Kinh.”
Hiện đã có một cuộc bàn thảo cho buổi thảo luận lần thứ hai về vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) tại Hà Nội vào giữa năm 2010. Dutton đã xác định một số điểm có thể có trong chương trình nghị sự. “Một bước tích cực đó là sẽ tổ chức một diễn đàn khu vực đa phương để thảo luận về phạm vi của các dự án đa phương mà có thể được thực hiện để nghiên cứu có bao nhiều dầu dưới đáy Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”, ông Dutton nói.
“Một bước tích cực nữa có thể bao gồm việc phát triển một khuôn khổ quản lý đa phương về nguồn tài nguyên sống, trong đó có một cơ quan khu vực để quy định việc đánh bắt cá rõ ràng, bởi tất cả các bên tranh chấp theo một chế độ hiệp ước phân bổ tổng số được phép đánh bắt [nguồn tài nguyên sống] giữa các bên khác nhau. Những bước như vậy sẽ giải quyết một số khó khăn thử thách kém quan trọng, trong khi hoãn lại những vấn đề khó hơn về chủ quyền, “ông nói.
Các yêu sách định kiến
Dutton lưu ý rằng một cuộc tranh luận ở bên trong nước Trung Quốc vẫn khẳng định bản chất chính xác các yêu sách đối với chủ quyền và thẩm quyền quốc gia vùng ven Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). So sánh với những vấn đề khác, ở đây Trung Quốc có lẽ thích một giải pháp chính trị hơn là một giải pháp áp dụng một khung pháp lý mà có thể làm ảnh hưởng tới những yêu sách khác, ông nói.
“Luật lệ trong nước Trung Quốc đòi chủ quyền đối với tất cả các đảo ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và cũng tuyên bố vùng lãnh thổ cùng với vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone – EEZs) phát ra từ tất cả các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, có lẽ có lợi cho Trung Quốc hơn khi cứ giữ [mọi chuyện] một cách mơ hồ như là bản chất chính xác của các yêu sách hợp pháp về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) của Trung Quốc,” ông Dutton nói.
“Một điều rất quan trọng là giải quyết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) thì không áp dụng cách tiếp cận hợp pháp, điều này có thể có định kiến với những đòi hỏi của nó chống lại Nhật Bản ở Biển Đông Trung Quốc (6). Như vậy, đứng trên quan điểm Trung Quốc, một khuôn khổ pháp lý để giải quyết các tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) phải được phát triển theo cách mà không thỏa hiệp với những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông Trung Quốc”.
Có hoặc không có một khung pháp lý, GS Thayer tin rằng Trung Quốc tìm cách để phân chia khu vực quốc gia và đi tới các thoả thuận song phương.
” Gần đây, Trung Quốc đã nói với 10 thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á rằng họ nên hành động với nhau trước khi tiếp xúc với Trung Quốc để thảo luận về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Vài nước trong khối ASEAN chỉ ra rằng nhận được sự đồng thuận trong 10 nước ASEAN sẽ rất khó khăn và một khối thống nhất sẽ chỉ tạo ra sự va chạm khi quan hệ với Trung Quốc, ” ông Thayer nói.
Cuộc hội thảo gần đây tại Hà Nội sẽ được tiếp tục vào ngày 16 Tháng Mười Hai bởi một vòng đàm phán về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), vòng tiếp theo của cái gọi là thảo luận về Hiệp định Tư vấn Quân sự Hàng hải (MMCA) liên quan đến các phái đoàn đến từ Trung Quốc và Mỹ. Cuộc họp sẽ được tổ chức tại Trung tâm châu Á Thái Bình Dương về Nghiên cứu An ninh ở Honolulu, Hawaii.
“Hội nghị ở Việt Nam cơ bản là vòng đàm phán thứ hai về các vấn đề, trong khi buổi thảo luận về Hiệp định Tư vấn Quân sự Hàng hải (MMCA) là vòng 1, đối thoại quân sự với quân sự”, ông Dutton nói. “Hội nghị ở Việt Nam sẽ không có ảnh hưởng gì đến MMCA, vì các vấn đề cơ bản rất khác nhau. Những người tham dự tại Hội nghị Việt Nam đã thảo luận về chủ quyền quốc gia và các vấn đề thẩm quyền, trong khi buổi thảo luận của MMCA thì tập trung thảo luận về quyền tự do đi lại trên Biển và việc sử dụng các hành động quân sự khác ở vùng duyên hải của Trung Quốc.”
GS Thayer lưu ý rằng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã không gửi các quan sát viên ngoại giao tới buổi hội thảo, do đó có khoảng cách của Mỹ đối với tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). “Các phiên họp tiếp theo của MMCA có thể làm giảm đối đầu hàng hải, chẳng hạn như các vụ việc liên quan đến việc tàu USNS Impeccable. Nhưng một thương thuyết ‘Sự kiện về Hiệp định Biển’ sẽ phải mất một năm hoặc hơn trước khi được ký kết.”, Ông Thayer nói.
GS Thayer chỉ ra chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng mười của tướng Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. (Xem “Chinese general on a long march, Asia Times, ngày 3-11-09) Tướng Từ xác định bốn trở ngại đối với mối quan hệ quân sự lành mạnh và ổn định của Mỹ-Trung Quốc, bắt đầu với Đài Loan, và ông kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt sự xâm nhập bằng tàu và máy bay quân sự vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hàng hải của Trung Quốc.
“Mục tiêu chính của Trung Quốc là làm cho Hoa Kỳ giảm bớt, nếu không ngừng, các hoạt động giám sát ngoài khơi bờ Biển của Trung Quốc và đặc biệt là các căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam “, ông Thayer nói.
Nhìn vào những đòi hỏi của tướng Từ, Fisher nói đến tướng vừa về hưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung hoa (PLA), người đã kêu gọi Trung Quốc gia tăng đáng kể trong việc triển khai lực lượng quân sự tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và xây dựng một căn cứ không quân trên bãi đá ngầm Mischief thuộc quần đảo Trường Sa.
“Hơn nữa, chỉ cách hòn đảo Palawan của Philippines khoảng 200 dặm, PLA sẽ mở rộng tầm kiểm soát đối với eo Biển Palawan, một đường Biển thương mại rất quan trọng đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan”, ông Fisher người mới đây đã có một bài viết về vấn đề này nói như vậy. “Một căn cứ không quân trên bãi đá ngầm Mischief sẽ tạo ra một thách thức rất lớn về an ninh mà Washington không thể bỏ qua.”
Các hòn đảo của Đài Loan ở vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) làm cho vấn đề thậm chí trở nên phức tạp hơn. “Cũng có những hòn đảo nhỏ gần với Hải Nam hơn đã bị Đài Loan chiếm đóng. Bắc Kinh có thể đưa ra những lý do, từ việc đưa các hoạt động quân sự ra đe dọa nhắm vào các căn cứ hạt nhân trên đảo Hải Nam, cho tới một mong muốn tạo ra sự bất ổn chính trị tại Đài Loan như là nguyên nhân để giành lấy chúng”, ông Fisher nói.
“Do cả thập kỷ dài đầu tư cho các lực lượng đổ bộ tấn công, phía PLA có thể lấy các đảo này dễ dàng. Nhưng từ lâu nay đã chọn chính sách ‘một Trung Quốc’ của Bắc Kinh, khả năng bất kỳ một nước châu Á nào phản ứng theo cách bảo vệ quyền lợi của họ có vẻ lớn hơn”.
Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và ngay cả Đài Loan có tầm chiến lược quan trọng đối với Mỹ hiện nay ít hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhưng Trung Quốc không nên cho rằng nó “không còn hấp dẫn” [đối với Hoa Kỳ]. Hoa Kỳ có thể thay đổi chiến lược làm cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực gia tăng. Còn quá sớm để nói rằng cuộc họp tại Hà Nội là một chương quan trọng trong các giao dịch của Trung Quốc với hàng xóm của mình nói riêng.
“Chiến lược tiếp tục giữ trung lập của Hoa Kỳ sẽ chỉ phục vụ mục đích gấp gáp trong ngày, trong đó Trung Quốc sẽ trở thành nước bá chủ phi dân chủ trong khu vực, với một khả năng áp dụng sức ép quân sự và kinh tế rộng lớn để gây áp lực cho mối tương quan trong khu vực, phù hợp với mong muốn của mình”, ông Fisher.
Peter J Brown là một ký giả tự do từ tiểu bang Maine, Hoa Kỳ
Người dịch: N.T.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009 http://anhbasam.com/
Ghi chú của BS:
(1) Xem: 371. Một mối Đe doạ Dưới đáy Đại dương.
(2) Xem Quần đảo Trường Sa (wikipedia); Hoàng Sa.
(3) SSBN: (Sub Surface Ballistic Nuclear – a fleet of nuclear ballistic missile submarines) đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.
(4) Xem thêm về Hải quân quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
(5) Xem 135:Hãy Giữ Ổn Định cho vùng Biển Đông, và 145: Trung Quốc Bạn hay Thù.
(6) Biển Đông Trung Quốc: vùng Biển TQ tranh chấp với Nhật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét