Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Yêu nước xã hội chủ nghĩa

NGUYỄN VĂN TUẤN

Trong một entry trước, Gs Nguyễn Đăng Hưng có nhắc đến vấn đề nhập nhằng giữa giáo dục học đường và tuyên truyền chính trị, và chứng từ cho nhận định này có lẽ hiển nhiên nhất qua “khảo sát” được mô tả trên Vietnamnet.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa “đạo đức” là “Những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, qui định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội”, hay “phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có”. Trích dẫn định nghĩa như thế để thấy nghiên cứu về đạo đức không dễ chút nào, do thiếu một chuẩn mực có thể định lượng. Và, trong điều kiện như thế, thì nghiên cứu định tính (qualitative research) có lẽ là một cách tốt nhất để tiếp cận vấn đề.


Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam đã làm một nghiên cứu như thế trên 1200 học sinh và sinh viên (HS-SV). Họ hỏi HS-SV rằng “Xin anh (chị) cho biết những nội dung nào sau đây được xem là những chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam hiện nay và cho biết mức độ quan trọng của các phẩm chất này?” Kết quả được trình bày trong bài báo trên Vietnamnet. Tôi thử cắt bảng số liệu, dán vào Excel, làm một động tác “sort” thì cho ra danh sách về “chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam hiện nay” (nhấn mạnh: hiện nay) như sau:


1. Có tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa
2. Sống phải tuân theo pháp luật
3. Sống phải biết giữ nghiêm kỉ cương phép nước
4. Ham học hỏi
5. Tự hào là người dân Việt Nam
6. Tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc
7. Lối sống có văn hóa
8. Sống có kỉ luật
9. Có chí tiến thủ, cầu tiến bộ
10. Kết hợp tinh thần dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản
11. Cần kiệm liêm chính
12. Sẫn sàng xả thân vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
13. Sẵn sàng vượt qua khó khăn
14. Thông minh, năng động, sáng tạo
15. Nhân ái, sẵn sàng cưu mang giúp đỡ con người
16. Vị tha, đức độ
17. Đúng mực trong đối nhân xử thế
18. Ý thức cộng đồng cố kết dòng họ – gia đình – xóm làng – Tổ quốc
19. Chịu đựng gian khổ
20. Thủy chung
21. Yêu lao động, coi trọng chất lượng và hiệu quả
22. Trung thực trong kinh doanh



Có tinh thần yêu nước XHCN là rất quan trọng. Ảnh: VNN
http://tuanvietnam.net/assets/Uploads/VNN.jpg


Như vậy theo nhận xét của HS-SV thì chuẩn mực đạo đức số 1 của người Việt Nam hiện nay là “Có tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa”. Lại còn có chuẩn mực thứ 10 là “Kết hợp tinh thần dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản”. Cả hai đều liên quan đến tiêu chuẩn chính trị, chứ không phải là đạo đức. Thật thú vị. Như vậy, nếu nhìn tiêu chuẩn đạo đức là phân định giữa cái sai và cái đúng, thì những ai yêu nước mà không yêu xã hội chủ nghĩa, hay những ai không có tinh thần quốc tế vô sản nhưng đoàn kết dân tộc, thì lệch chuẩn mực đạo đức, hay nói trắng ra là “thiếu đạo đức”?
Nói như thế để thấy những vấn đề cơ bản và cũng là những sai lầm cơ bản nhất của “nghiên cứu” này.

Sai lầm thứ nhất là cách đặt câu hỏi và câu trả lời. Giới nghiên cứu xã hội học có câu đại khái rằng: anh có thể tìm được câu trả lời mình thích nếu biết cách hỏi. Chẳng hạn như nếu tôi muốn “chứng minh” rằng các em HSSV yêu nước xã hội chủ nghĩa, tôi chỉ cần cho các em câu trả lời “Có tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa”, và các em không có lựa chọn nào khác, nên đành phải “tick” vào cái câu trả lời đó! Nhưng nếu tôi cho 2 câu trả lời như “Có tinh thần yêu nước và yêu dân tộc” và “có tinh thần yêu xã hội chủ nghĩa” thì các em sẽ có lựa chọn và chắc chắn tần suất câu trả lời sẽ rất khác. Nói cách khác, cái sai lầm thứ nhất của nghiên cứu này là thiếu tính khách quan.


Cái sai lầm thứ 2 là nhập nhằng giữa những câu trả lời. Chẳng hạn như làm sao các em HSSV có thể phân biệt được “Sống phải tuân theo pháp luật” và “Sống phải biết giữ nghiêm kỉ cương phép nước”, vì cả hai đều phản ảnh một khía cạnh: tôn trọng pháp luật. Ấy thế mà họ tách thành 2 câu trả lời, và cũng không ngạc nhiên khi thấy các em chọn hai câu này liền nhau.


Cái sai lầm thứ 3 là tính mập mờ. Chẳng hạn như câu trả lời “Thủy chung” là thủy chung với ai, với Nhà nước, với người yêu, hay với xã hội chủ nghĩa? Và, thế nào là thủy chung? Không ngạc nhiên khi thấy các em cho câu trả lời này vào hàng chót.


Cái sai lầm thứ 4 là kết luận. Họ (các nhà nghiên cứu) kết luận rằng “Có thể nói, kế thừa, phát triển, hiện đại, dân tộc, quốc tế, quy phạm là những tính chất điển hình trong chuẩn mực đạo đức ở con người Việt Nam,” nhưng kết quả trình bày trên và dữ liệu thực tế chẳng thấy nói gì hay có liên quan gì đến kế thừa, hiện đại cả. Thật ra, nếu kết luận cho phù hợp với dữ liệu thì có lẽ các kết quả này cho chúng ta thấy chuẩn mực đạo đức của người Việt hiện nay là yêu nước xã hội chủ nghĩa, có tinh thần thượng tôn pháp luật, lười biếng (vì ít yêu lao động) và thiếu thành thật trong kinh doanh.


Thật ra, có thể còn liệt kê vài sai lầm nữa, nhưng thiết nghĩ bao nhiêu đó cũng đủ để thấy rằng giá trị khoa học của nghiên cứu này quá thấp, nếu không muốn nói là 0. Vấn đề phương pháp lớn nhất có lẽ là những câu trả lời này thiếu tính mà giới xã hội học gọi là “internal validity”, tức là hợp lí nội tại, tức là các câu trả lời không phản ảnh khái niệm gì cụ thể cả. Còn cho rằng nghiên cứu đã được lặp lại 2 lần trong 2 năm thì điều này không nói lên giá trị khoa học mà chỉ nói lên độ reliability của câu hỏi mà thôi. Ai làm về qualitative research cũng đều biết điều căn bản này.


Thật ra, theo tôi thì chẳng có thể kết luận gì từ nghiên cứu này. Thật vậy, tôi cũng từng tham gia thiết kế và thực hiện những nghiên cứu loại mà chúng tôi gọi là “soft” hay qualitative như thế này, nhưng tôi thật không hiểu nổi những kết quả được mô tả trong bài báo có ý nghĩa gì. Nó không có ý nghĩa, chẳng những vì công trình nghiên cứu thiếu tính khoa học, mà còn vì sự nhập nhằng giữa hai khía cạnh tuyên truyền chính trị và đạo đức xã hội.

NGUỒN: http://tuanvannguyen.blogspot.com/

Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét