Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Nhìn Từ Biển Vào: Các Phối Cảnh Của Bờ Biển Bắc Và Trung Phần Việt Nam

Một nhận xét thú vị về sử ký Việt Nam là mặc dù bờ biển bao gồm gần một phần ba lãnh thổ Việt Nam, các sử gia đã nhất quán nhìn nó đứng sau cả một xứ Lào không bờ biển, như một thể chế đặt nền tảng trên đất liền vũng chắc trong số các xứ sở thuộc vùng lục địa Đông Nam Á. (1) Bài viết này thách thức cái nhìn chằm chằm đặt cơ sở trên đất liền hướng về phương bắc, thay vào đó, nhìn từ ngoài biển vào Việt Nam.

Như sẽ được trình bày bên dưới, Vịnh Bắc Việt là một phần nối dài và một phần liên hợp của một khu vực được gọi là Giao Chỉ Dương (Jiaozhi yang), một khu mậu dịch tích cực tọa lạc ngay ở trung tâm của Thông Lộ Tây Dương cổ xưa hơn (Xiyang Hanglu trong tiếng Hán) cho đến thế kỷ thứ mười lăm, và thường được tới lui bởi các nhà mậu dịch Hồi Giáo từ phía Nam, Tây và Đông Nam Á. Khu mậu dịch này bao gồm bờ biển Quảng Tây quay mặt xuống Vịnh Bắc Việt, bờ biển Đại Việt, miền bắc xứ Chàm và đảo Hải Nam.

Các sự giao tiếp sâu rộng và khá thường xuyên của các thực thể này như được phát hiện trong bài viết này thách thức quan điểm đã nhận thức rằng, bất kể tọa lạc gần cận nhau về mặt thiên nhiên, chúng có ít điểm chung, dù là về kinh tế hay văn hóa. Sẽ không phải là ngẫu nhiên mà một cụm các trung tâm chính trị, tôn giáo và mậu dịch xuất hiện tại khu này trong thế kỷ thứ mười ba, cùng nhau tạo ra các điều kiện cần thiết theo đó sự sản xuất đồ gốm – hoạt động xuất cảng hàng đầu của Đại Việt ở thời điểm này – có khả năng phát đạt được. Công nghiệp này phần lớn hiện hữu đáp ứng thị trường hải ngoại, được thúc đẩy và môi giới bởi các thương nhân Hồi Giáo. Trong khi nó đã nẩy nở trong sự phối hợp với các công nghệ khác đã phát triển trong khu vực, lãnh vực này đáng được khảo sát nhiều hơn nữa, hơn là bị bác bỏ như là không quan trọng khi chỉ lượng giá về sự góp phần của nó vào nền kinh tế. Một cuộc điều tra như thế về công cuộc mậu dịch và công nghệ cũng sẽ thu hút sự chú ý của chúng ta đến nhiều sắc dân khác nhau hoạt động tại vùng này trong thời điểm đó, một cái nhìn kế đó có vẻ phát hiện ra một bản đồ chủng tộc hoàn toàn khác hẳn với những gì được tìm thấy tại Việt Nam ngày nay.

Giao Chỉ Dương và Vai Trò Then Chốt Của Miền Trung Phần Việt Nam Ngày Nay

Trái với sự tin tưởng phổ quát rằng Giao Chỉ (miền bắc Việt Nam) được nối liền với Trung Hoa bởi các hải lộ chật hẹp của Vịnh Bắc Việt, cho tới thời nhà Đường, vịnh này vẫn được né tránh khi du hành giữa Giao Chỉ và Trung Hoa bởi có đá lớn nằm ngầm dọc bờ biển. Đây là lý do tại sao Mã Viện (Ma Yuan), “Phục Ba Tướng Quân” thời nhà Hán, đã phải “mở các lôi đi xuyên qua núi để ”tránh biển” trong chiến dịch của ông ta chống lại Giao Chỉ hồi thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Trở ngại này chỉ được khuất phục vào thế kỷ thứ chín, khi các khối đá ngầm được tháo gỡ đi dưới thời quan thái thú nhà Đường nổi tiếng, ông Gao Pian (Cao Biền trong tiếng Việt)(2)

Các tình trạng khó khăn tại Vịnh Bắc Việt đã đem lại miền trung Việt Nam, đặc biệt phân khu Nghệ Tĩnh ngày nay, một vai trò lịch sử quan trọng trong sự hải hành trong vùng. Con đường biển đã chạy từ phía đông đảo Hải Nam cho đến Phúc Kiến và Quảng Đông, trong khi trên đất liền một lối đi băng ngang dẫy Trường Sơn nối liền vùng mà người Trung Hoa gọi là “Lục Chân Lạp (Lu Chenla) (có thể là vùng nam Lào và / hay miền bắc Căm Bôt và sau đó ra tới biển, tạo nên nền móng của một con đường nổi tiếng từ thế kỷ thứ tám(3). Điều nổi bật, khi con đường này được vẽ trên một bản đồ, nó nối liền với Con Đường Phía Tây (Tây Lộ) lối thông hành đường trường cổ xưa nhất để đi lại giữa biển Ấn Độ và Trung Hoa; Con Đường Phía Đông (Đông Lộ), được dùng bởi các thuyền của Trung Hoa và Đông Nam Á, đã chỉ được phát triển sau này. Chính vì thế, không như con đường kể sau, Tây Lộ cổ xưa hơn được sử dụng bởi các thương nhân từ biển Ấn Độ gần như chắc chắn là một sự kết hợp các thông lộ trên biển với đất liền, với miền trung Việt Nam là giao lộ của nó (4). Phía bắc miền trung Việt Nam ngày nay và Vịnh Bắc Việt, với vùng nội địa núi đồi của chúng, trong thực tế cưỡi lên trên Tây Lộ.

Miền trung Việt Nam cũng phục vụ như điểm tiếp cận chính yếu của Căm Bốt với biển Nam Hải, điều giúp để giải thích tại sao các vua Khmer đã gửi “cống phẩm” thường xuyên đên Đại Việt (19 lần) hơn đã phái đến nhà Tống Trung Hoa (5 lần). Các nhà mậu dịch sử dụng con đường này đặc biệt được đề cập đến như có gốc gác Việt Nam trong văn bia thời ban sơ của Khmer, chẳng hạn như một văn khắc năm 987 sau Công Nguyên từ vùng hạ lưu sông Cửu Long (5). Bằng cớ rằng miền trung Việt Nam đã phục vụ như con đường tiếp cận hải hành cho Giao Chỉ cũng có thể được tìm thấy trong câu chuyện về vua An Dương Vương hồi thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên. Bị truy đuổi bởi quân đội của Triệu Đã (Zhao Tuo), “nhà vua chạy trốn ra bờ biển và đã không thể tìm thấy tàu thuyền nào để vượt thoát”, điều đáng kể, nơi nhà vua bị thất trận là Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (6)

Miền trung Việt Nam chính vì thế gần như chắc chắn đã là cửa ngõ cho sự hải hành địa phương – nơi mà phần lớn các thương nhân, các kẻ hành hương và các sứ giả đổ bộ đầu tiên, trước khi ngược dòng sông lên trên để đến Giao Châu (Jiaozhou), kinh đô của nó. Sự vận tải trên con lộ này có thể đã nằm trong tay của các thương nhân Nam Á và Trung Đông, trong khi sự du hành giữa Giao Châu và các khu vực phía nam sẽ được thực hiện bởi các tàu hay thuyền nhỏ hơn, một lãnh vực chuyên môn của các thủy thủ người Việt trong nghiệp vụ hải hành theo tác giả Wang Gungwu (7). Họ chuyên chở hàng hóa từ các con tàu lớn đến từ Nam Á và Trung Đông, lực lượng chủ yếu tham gia vào việc mậu dịch tại Biển Nam Hải cho đến thời nhà Đường.

Các liên hệ lịch sử này giữa miền bắc và miền trung Việt Nam giải thích cho một từ ngữ Trung Hoa khá rối rắm, một sử giải thích quan trọng cho sự hiểu biết của chúng ta về miền này. Trong thế kỷ thứ mười ba có xuất hiện từ ngữ Giao Chỉ Dưong (Jiaozhi Yang; biển Giao Chỉ), chắc hẳn phát sinh từ danh hiệu Giao chỉ (Jiaozhi), tên gọi cổ xưa Trung Hoa để chỉ Đại Việt. Tuy nhiên, liệu từ ngữ này để chỉ Vịnh Bắc Việt hay để chỉ biển dọc bờ biển miền trung Việt Nam chưa bao giờ được nói rõ; trong phần lớn các nguồn tài liệu, có vẻ để chỉ phần kể sau và loại bỏ phần vịnh kể trước, trong khi ở các tài liệu khác, từ ngữ bao gồm cả hai bộ phận (8). Trong sự mơ hồ của từ ngữ này, giờ đây, xem ra một ký ức lịch sử đã được khắc sâu, nhìn nhận sự hợp nhất của hai khu vực, bờ biển miền bắc và miền trung Việt Nam. Mặc dù chưa hề được nói ra một cách trọn vẹn, có vẻ là khu Vịnh Bắc Việt đã phải được xem như một sự nối dài của Giao Chỉ Dương, chạy dọc theo bờ biển miền trung Việt Nam và trong hàng nghìn năm đã là trục then chốt của sự lưu hành giữa Đông và Tây.

Có vài điểm đáng lưu ý về từ ngữ Giao Chỉ Dương. Trước tiên, nó xuất hiện trong phần lớn các nhật ký du hành của Trung Hoa giữa thế kỷ thứ mười ba và mười sáu, nhưng không hề xuất hiện trong bất kỳ tài liệu hay niên sử chính thức nào. Điều này làm liên tưởng đến các liên hệ chặt chẽ của từ ngữ với các thương nhân tư nhân, các nhà mậu dịch và có thể các hải tặc gốc Trung Hoa, cũng như với bản chất của công cuộc mậu dịch tại khi vực này. Thứ nhì, từ ngữ chỉ xuất hiện trong thế kỷ thứ mười ba chứ không sớm hơn. Trong khi nó phải phản ảnh sự tăng trưởng tống quát về kiến thức hải hành của Trung Hoa dưới thời nhà Tống, tại Vịnh Bắc Việt, các sự thay đổi này trở nên thuận tiện hơn bởi có các sự cải tiến thời cuối nhà Đường trong việc du hành duyên hải. Cả hai tính chất này đều quan trọng cho sự hiểu biết của chúng ta về khu vực, và chính trong bối cảnh này mà khu mậu dịch Giao Chỉ Dương đã trở nên hiện hữu. (*a)

Các đoạn kế tiếp sẽ khảo sát khu mậu dịch này qua việc đặt tiêu điểm vào các kẻ mua bán nô lệ, ngựa và muối trong khu vực, kéo dài từ Vân Nam và Quảng Tây tại Trung Hoa đến xứ Chàm tại miền trung Việt Nam ngày nay, và từ vùng núi đồi ra đến biển. Sự truy lùng này tất nhiên dẫn chúng ta đến việc khảo sát địa điểm mậu dịch hàng hải và các thương nhân Hồi Giáo trong việc tham dự và định hình lịch sử của Đại Việt, trước khi quay trở về tiêu điểm của chúng ta nhắm đến lịch sử địa phương và bản đồ dân tộc học. Bằng chứng khảo sát dưới đây cho thấy mức độ khá cao của sự lệ thuộc vào hàng hải, đặc trưng cho nền kinh tế của Đại Việt cho mãi đến thế kỷ thứ mười lăm.


Mậu Dịch Cấp Miền Tại Khu Giao Chỉ Dương

Sự Mua Bán Nô Lệ

Trong khi mọi người biết rõ rằng các thương nhân Chàm là các kẻ mua bán nô lệ tích cực, điều hiếm khi được nói đến rằng vùng đất Đai Việt có thể là một trạm chính yếu trong công cuộc mậu dịch sinh nhiều lợi lộc này. Như được viết trong một quyển sách Trung Hoa hồi thế kỷ thứ mười ba về đời sống và phong tục của tỉnh Quảng Tây (Guangxi) và vùng Vịnh Bắc Việt: “Không có nhiều dân địa phương trong nước này [Đại Việt], [bởi vì] một nửa dân số là từ Quảng Đông và Quảng Tây. Các thương nhân đến miền nam thích mua người làm gia nhân cho mình, và khi họ đến các vùng núi mọi rợ, các thương nhân sẽ trói lại và đem bán họ cho các dân chúng ở đó. Giá là hai lạng vàng mỗi người. Dân miền núi sẽ bán chúng lại cho Giao Chỉ, và giá lên thành 3 lạng vàng.

Hiếm có năm nào không có hàng trăm ngàn người bị đem bán. Giá của những kẻ có tay nghề thì gấp đôi, và cho những người biết đọc và biết viết, giá lại gấp đôi một lần nữa (9). Một tài liệu cùng thời khác, tập Lingwai daida của thế kỷ thứ mười ba, viết về các quan hệ giữa việc mua bán vàng và nô lệ một cách rõ ràng hơn nữa: “Dân chúng tại Giao Chỉ nắm lợi thế có vàng và vì thế có khuynh hướng mua người của chúng ta [tại Quảng Tây] làm nô lệ.” Khi hai sự tường thuật này được nối vào nhau cùng với một văn bản trong nguồn tại liệu đương thời nổi tiếng, tập Zhuhanzhi, ý nghĩa của sự trích dẫn dưới đây đã nổi bật lên: “Lề hội quan trọng nhất cúa xứ sở [Đại Việt] diễn ra vào ngày 15 tháng Bẩy âm lịch, khi mọi gia đình trào đổi quà tặng với nhau. Các quan chức hiến tặng các nô lệ (shengkou) lên nhà vua, nhà vua sẽ ban yến tiệc cho các quan chức vào ngày 16 để đáp tạ.” 10 Các quan chức vào lúc đó hẳn phải xem các nô lệ như các quà tặng rất quý giá, và họ biết rằng họ sẽ được tưởng thưởng vì [cống hiến] các người nô lệ này.

Biên niên sử Việt Nam có ghi thêm một mẩu bằng cớ khác về vai trò quan trọng của các nô lệ này trong thời nhà Lý (1009-1225), bổ túc cho sử sách Trung Hoa đương đại đã được trích dẫn bên trên. Theo bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, các ma thuật của một nô lệ gốc nước Đại Lý (Vân Nam) đã được sử dụng trong một âm mưu tại triều đình năm 1096 bởi chủ nhân, kẻ có ý định giết hại Hoàng Đế Lý Nhân Tông (11). Sự tường thuật này phù hợp với bằng cớ của Trung Hoa rằng các người có kỹ năng được đánh giá cao và rằng các nô lệ đến từ phương bắc.

Hiện tượng mua bán nô lệ giải thích sự liên lạc thường xuyên giữa nhà Tống Trung Hoa và nhà Lý nước Đại Việt về việc đột kích và giao hoàn dân chúng. Chắc chắn là sự thiếu hụt nhân lực tại Đại Việt đã đóng một vai trò trong sự vụ này – và nhiều nô lệ Trung Hoa đã trở thành binh sĩ trong quân đội Việt Nam – nhưng nhiều người khác hẳn đã bị bán lại cho các thương nhân ngoại quốc hay lui tới Đại Việt, và kết thúc tại những nơi chẳng hạn như xứ Chàm (12). Các nô lệ đã là một trong các món hàng quan trọng được chuyển vận bởi các tàu biển Nam Hải (Nanhai po) được sở hữu bởi các thương nhân nước ngoài, các kẻ đôi khi đã mang người da màu sậm được biết là các nô lệ vùng Côn Lôn [Kunlun nu: Côn Lôn nô] vào nước Trung Hoa như loại hàng hiếm có, nhưng cũng là kẻ đã xuất cảng các nô lệ từ đó (13).

Một mẩu bằng cớ về sự buôn người như thế là vua Fan Wen (Phạm Văn) (trị vì từ 331-49) của nước Lâm Ấp, một thể chế được được nhìn như tiền thân của xứ mà sau này được gọi là xứ Chàm. Theo một tài liệu Trung Hoa cổ điển quan trọng, quyển Shujing zhu, Phạm Văn gốc gác từ Dương Châu (Yangzhou), thuộc Châu Thổ sông Dương Tử và đã bị bắt cóc làm nô lệ từ khi còn nhỏ. Ông bị đem bán sang Giao Châu và sau đó được mua bởi một số thương nhân người Chàm mua bán ở đó, và sau cùng dừng chân tại Lâm Ấp. Với thời gian, ông trở thành tể tướng, và sau cùng quốc vương của xứ sở đó. Phần lớn các sách vở trước đây có đề cập đến gốc tích Trung Hoa của Phạm Văn nhưng bỏ sót chi tiết nói rằng ông, tiên khởi, bị đem bán cho Giao Châu, trước khi được chở đến xứ Chàm, nhiều phần đã nhìn việc này có tính chất ngẫu nhiên (14). Tuy nhiên, khi đặt vào bối cảnh lịch sử được phác họa ở trên, nó cho thấy rằng việc mua bán nô lệ là một tập tục xưa hàng nhiều thế kỷ tại khu vực này, rằng nó có liên hệ đến cả các thương nhân Trung Hoa lẫn nước ngoài và rằng Giao Châu ít nhất đã là một đoạn đường, nếu không phải là một thị trường quan yếu trong sự mua bán này.

Điều đáng xét đoán trong bối cảnh này là sự giàu có hiển nhiên của Đại Việt trong thế kỷ thứ mười hai đã liên hệ đến mức độ nào với sự mua bán nô lệ. Thí dụ, theo đây là danh sách cống phẩm của nước này dâng cho triều đình Nam Tống trong năm 1156: “Cống phẩm cực kỳ phong phú và tất cả mọi nét chữ trong lá thư đều được viết bằng vàng. Các phẩm vật bằng vàng cân nặng 1200 lạng, phân nửa chúng được tô điểm bằng trân châu hay ngọc quý; 100 viên trân châu đựng trong các bình bằng vàng, trong đó có 3 viên to như quả cà, sáu viên to như hột mít, 24 viên to như hạt quả đão, 17 viên to như mọng dừa, và 50 viên to như hột chà là, tổng cộng là 100; 1000 cân Mã Lai [catties = 600 gram, chú của người dịch] gỗ trầm hương, 50 lông chim bói cá; 850 cuộn gấm chỉ vàng hình con rồng, sáu con ngựa dành cho hoàng triều với đầy đủ yên ngựa, ngoài số cống thường lệ là tám con ngựa và năm con voi. Các sứ giả hoàn toàn hãnh diện về việc có thể dâng các cống phẩm dồi dào đến như thế.” (15). Cần nói thêm ít lời về kích thước của các ngọc trai được nêu ở trên. Mặc dù khu vực dọc theo bờ biển Quảng Tây (quận Hợp Phố: Hepu) và Vịnh Bắc Việt nổi tiếng về việc sản xuất ra ngọc trai, trân châu nơi đây không được tin là tốt hay to như trân châu từ Ấn Độ. 50 viên trân châu lớn được liệt kê bên trên chính vì thế có thể có nguồn gốc từ sự mua bán của Đại Việt với vùng Nam Á; nếu đúng như thế, việc này ám chỉ mức độ theo đó sự giàu có đã được trao đổi giữa hai miền (16). Tổng quát, bằng có rải rác như bằng chứng này ám chỉ rằng mức giàu có của Đại Việt triều Lý và đầu nhà Trần có lẽ khá đáng kể.


Ngựa từ Vân Nam và Muối Từ Biển

Một sản phẩm trao đổi khác tại Đại Việt thời nhà Lý là các con ngựa. Ngựa là một trong những sản phẩm quan trọng nhất mà người Chàm có được từ Việt Nam. Quyển Song huiyao chép rằng người Chàm di chuyển “trên những con voi hay các võng kiệu làm bằng vải bông, còn các người khác [cỡi] ngựa được mua bán từ Giao Châu”. Tài liệu thời nhà Minh, Dongxi yangkao, cũng xác nhận rằng “trong suốt thời nhà Tống, người Chàm thường mua ngựa từ Giao Chỉ, vì thế, Giao Chỉ có các đuôi ngựa như một thổ sản của nó” (17). Tuy nhiên, ngựa không được nuôi dưỡng tại địa phương Giao Chỉ; chúng được mua từ các người Mán (một từ ngữ để chỉ “kẻ man rợ được dùng bởi người Trung Hoa và Việt Nam) tại khu vực biên giới Vân Nam và Quảng Tây ngày nay (18). Các nguồn tài liệu Việt Nam chỉ rõ các địa phương nơi ngựa có thể mua bán. Thí dụ, trong năm 1012, khi các người Mán đến các khu vực Kim Hoa và Vị Long để mua bán, Hoàng Đế Lý Thái Tổ đã ra lệnh rằng “họ và hơn 10,000 con ngựa của họ phải bị bắt giữ”. Trong các cuộc đột kích như thế, đôi khi được chỉ huy bởi chính các nhà vua cầm quyền của nước Việt, các con ngựa là một trong các sản phẩm được truy lùng nhiều nhất. Quyển Việt Sử Lược hồi thế kỷ thứ mười ba ghi chép rằng trong năm 1008, Hoàng Đế Lê Ngọa Triều “thân chinh cầm đầu một cuộc đột kích vào hai huyện Đô Lang [Lương] và Vị Long, bắt giữ người Mán và vài trăm con ngựa”. (*b) Trong cả hai trường hợp, khu vực Vị Long hiện ra từ sử sách như một nguồn trọng yếu [cung cấp] ngựa cho Đại Việt (19). Điều này xem ra để giải thích, ít nhất một phần, lý do tại sao trong nhiều thế kỷ triều đình nhà Lý đã hướng mắt nhìn bén nhậy đến khu vực và đã gả nhiều công chúa cho thổ tù địa phương, gia tộc họ Hà (He, trong chữ Hán) (20).

Sản phẩm thông thường nhất mà người Việt trao đổi lấy ngựa là muối. Quyển Lingwai daida ghi chép rằng “người Fan [Phan?] một từ ngữ khác để gọi các kẻ man rợ] bán ngựa cho chính quyền hàng năm để đổi lấy các sản vật, muối và trâu bò; nếu không làm được như thế, họ sẽ ngăn cản các đường ngựa đi qua” (21). Một cách đáng lưu ý, người Việt đã không nhất thiết sản xuất ra mưối mà họ đã trao đổi lấy ngựa. Quển Việt Sử Lược cho thấy rằng mãi cho đến năm 1206, phần lớn khu duyên hải bị cai trị bởi các hùng trưởng địa phương; thí dụ, hai khu sản xuất muối quan trọng là Đằng Châu và Khoái Châu (tại tỉnh Hưng Yên ngày nay) nằm dưới quyền của hai sứ quân hơn là dưới quyền kiểm soát của các hoàng đế nhà Lý. Như tác giả John Whitmore đã vạch ra, bức rào cản giữa miền hạ Đại Việt và thượng Đại Việt chỉ được gỡ bỏ trong thập niên 1220 như là kết quả của một nỗ lực chung giữa nhà Lý và các kẻ kế nhiệm họ tức triều đại nhà Trần (1225-1400), và đó chính là lần đầu tiên trong lịch sử mà hai miền thực sự nối liền với nhau (22).

Từ quan điểm này, việc trao đổi ngựa tạo thành một trong các mối liên kết then chốt trong sợi dây chuyền mậu dịch vùng núi – vùng biển của miền này và đã là một thành tố quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ trong bối cảnh này người ta mới có thể hiểu được, thí dụ, tại sao xứ Nam Chiếu, và các con đường dẫn đến nơi đó, là mối bận tâm của các nhà cai trị Việt Nam đương thời cũng như của Trung Hoa; và làm sao mà một vương quốc có vẻ quá xa xôi với người Việt Nam hiện đại lại có thể xâm lăng vào kinh đô Việt Nam bốn lần (trong các năm 846, 860, 862 và 863) và đã chiếm giữ nó trong hai năm (863-5). Các con ngựa trong thực tế chính là lý do mà các hùng trưởng địa phương lôi cuốn xứ Nam Chiếu hùng mạnh sang xâm lăng lãnh địa của họ, sau khi Li Zhuo, viên thái thú Trung Hoa tại vùng khi đó nhà Đường gọi là An Nam Đô Hộ Phủ, đã cưỡng hành một giá thấp phi lý trong tỷ số trao đổi giữa muối và ngựa (23). Xa hơn, cũng có thể lập luận rằng chính cùng các cuộc xâm lăng của Nam Chiếu này đã làm suy yếu rất nhiều sự thống trị của nhà Đường tại vùng đất bảo hộ và chính vì thế đã mở đường cho sự độc lập của dân Việt trong năm 939. Ngay trong thế kỷ thứ mười hai, Vân Nam hãy còn đóng giữ một vai trò quan trọng trong chính trị Việt Nam, khi hoàng gia nước Đại Lý có thừa nhận một vị hoàng tử hạ sinh bởi một nàng phi của vua Lý Nhân Tông, ban cho hoàng tử này quốc tính (Zhao: Triệu?), và trợ giúp ông các đội quân khi ông hoàng này mưu toan tuyên nhận ngai vàng sau khi có sự từ trần của vua cha (24).

Tất cả các thí dụ trên đây tiêu biểu cho các tính chất chính yêu của Giao Chỉ như một hải cảng quốc tế. Như đã ghi nận ở trên, Giao Châu và Quảng Châu đều nổi tiếng như các trung tâm mậu dịch từ thời nhà Đường, nhưng hai nơi khác biệt ra sao thì chưa bao giờ được nêu rõ ra, hay ít nhất, được nói ra một cách rõ rệt. Giờ đây, có vẻ là trong khi Quảng Châu đã tiếp nhận phần lớn khối lượng mậu dịch của nó bằng đường biển, Giao Châu tự xác định nghiêng về mậu dịch miền núi và trên đất liền nhiều hơn, xuyên qua các sự liên kết của nó với các miền Khmer, Chàm, Lào và Vân Nam. Các sự nối kết này đã trở nên dễ dàng hơn bởi các mối tương thông sông – biển của nó, trong đó miền trung Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng. Kết quả, các sản vật nhờ đó Giao Chỉ trở nên nổi tiếng trong suốt nhiều thế kỷ phần lớn lại không phải là các sản phẩm chính địa phương mình, như được nhấn mạnh bởi nội dung của một danh sách “cống phẩm” từ Ngưu Hống [?] (chung quanh vùng ngày nay là Yên Châu, tỉnh Sơn La) và Ai Lao (một địa điểm thuộc Lào ngày nay) lên Đại Việt trong năm 1067: “vàng, bạc, hương liệu, sừng tê giác và ngà voi” (25).


Giao Chỉ Dương trong phối cảnh quốc tế: vị thế trung gian của người theo Hồi Giáo và Đại Việt

Các thương gia Hồi [hay Hổ?, chú của người dịch [Hu), một danh xưng gộp chung chỉ các thương nhân có gốc miền Nam Á – và sau này vùng Trung Đông – cũng đã có các 11sự tiếp xúc quan trọng với Đại Việt. Từ thời nhà Hán trở về sau, các thương nhân gốc Hồi được khích lệ đển thăm viếng Giao Châu, bởi “giá trị chính yếu của nó [đối với Trung Hoa] là về thương mại”, như được vạch ra bởi tác giả Wang Gungwu (26). Thí dụ, dưới thời cai trị của Thái Thú Sĩ Nhiếp (Shixie) trong thời khoảng giữa các năm 187-226, vài chục người Hồi được ghi chép đã hộ tống cỗ xe của ông và đốt các nén hương dọc con đường bất kỳ khi nào ông đi ra ngoài (27). Giao Châu là nơi mà các thương nhân và quan chức Trung Hoa có thể gặp gỡ các thương nhân ngoại quốc ở giữa đường. Một truyền thống trung gian như thế xem ra vẫn còn được giữ lại sau khi dân Việt dành lại nền độc lập của họ trong thế kỷ thứ mười. Khi các sứ giả Mông Cổ đến thăm viếng Đại Việt năm 1266, họ nhận thấy một số khá đông các người Hồi [Huihu: Hồi Hột, có kèm chữ Hán, chú của người dịch] cư ngụ tại đó. Sự khám phá này đưa đẩy đến một bức thư được viết bởi hoàng đế Mông Cổ Kublai gửi Đại Việt trong năm 1267, trong đó ông ta chỉ trích triều đình Việt về việc không cho phép nhiều người Hồi Hồi tiếp xúc với các sứ giả của ông trong cuộc thăm viếng của họ. Trong năm 1268, Kublai tiếp tục một nỗ lực khác để tiếp xúc với người Hồi Hột tại Đại Việt, đòi hỏi rằng Hoàng Đế Trần Thánh Tông phải gửi các thương nhân người Hồi sang Trung Hoa để ông ta có thể hỏi thăm họ về tình hình tại Trung Đông. Vua [Trần] Thánh Tông trả lời một cách né tránh, tuyên bố rằng hỉ có hai thương nhân gốc Hồi trong xứ sở, nhưng cả hai đều đã chết, nên yêu cầu của Kublai không thể đáp ứng được, điều mà hoàng đế [Mông Cổ] đã tức giận tố cáo như một sự nói dối (28).

Như các biên niên sử của chính Việt Nam đã chứng minh, Kublai đã có lý khi nói các sự móc nối đã hiện hữu giữa Đại Việt, Trung Hoa và vùng Trung Đông. Bộ Toàn Thư chép rằng trong năm 1274, không lâu sau khi có biến cố nêu trên, một đoàn khoảng 30 chiếc thuyền đi biển đã đến từ Trung Hoa. Trên các con thuyền là các di dân mang theo tài sản và gia đình của họ. Họ tự gọi mình là “Hồi Kê” [Hui Ji, có kèm chữ Hán, chú của người dịch], từ ngữ gần như chắc chắn là một danh từ gọi sai của từ ngữ Hồi Hột [Huihu, có kèm chữ Hán, chú của người dịch](29) (*c). Hẳn phải có một số lượng đáng kể người dân cùng gốc với họ đã sống tại Đại Việt mới khiến họ làm một cuộc di chuyển lớn lao như thế. Sự hiện diện văn hóa vùng Trung Đông tại nước Đại Việt thời nhà Trần cũng được ghi rõ trong cùng nguồn tài liệu này. Trong thực tế, trong năm 1268, chính năm mà vị hoàng đế Mông Cổ yêu cầu một cuộc thăm viếng của các thương nhân gốc Hồi từ Đại Việt, nhà vua trị vì Trần Thánh Tông và người em của ông được nói đã nhảy múa theo điệu Hồ [trog nguyên bản, chứ không phải là Hồi, chú của người dịch] tại cung điện hoàng gia để làm trò vui cho vua cha, Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông. (Phần lớn các nhà vua họ Trần đã từ ngôi trước khi chết và giữ danh hiệu Thái Thượng Hoàng (senior emperor), trong thời trị vị của vị vua kế nhiệm). Bộ Toàn Thư đặc biệt ghi chép rằng thái thượng hoàng đã thay đổi để mặc áo choàng bằng vải trắng trong dịp này. Điều cần ghi nận rằng mặc quần áo vải trắng tại một buổi lễ không phải là phong tục của Trung Hoa hay Việt Nam vào thời điểm đó; đúng hơn, nó có vẻ phù hợp với tập quán của vùng Trung và Nam Á là ‘mặc đồ trắng trong dịp mừng lễ và đồ đen trong dịp để tang” (30).

Con của Thánh Tông, Hoàng Đế Trần Nhân Tông, đã nhiều lần đến thăm viếng xứ Chàm trong tư cách cá nhân như một Phật tử. Nơi đó ông gặp gỡ nhiều người đến từ vùng Trung Đông, điều sẽ mở cánh cửa cho các ảnh hưởng văn hóa của Hồi. Chỉ trong một bối cảnh như thế chúng ta mới có thể hiểu được các sự ghi chép xem ra có tính cách biệt lập hay ngẫu nhiên trong bộ Toàn Thư, chẳng hạn như sự đề cập trong năm 1304 về “các nhà sự thiền định đến từ xứ Chàm, hỉ uống sữa không thôi”. Trong năm 1311, có một nhà sư gốc Hồi khác xưng mình đã sống 300 tuổi, và được nói có khả năng đi trên mặt nước và thực hiện các hành vi siêu nhiên khác chẳng hản như lộn ngược bên trong ra ngoài để phơi bày nội tạng của mình. Đây là cuộc thăm viếng thứ nhì của ông ta tại Đại Việt; lần này ông mang theo cô con gái và đã gả cho Hoàng Đế Anh Tông. Cuộc hôn phối này nhiều phần được sắp xếp bởi vua Nhân Tông, người đã tiếp nhà sư trong kỳ thăm viếng đầu tiên của ông ta. Triều đình Đại Việt có các sự tiếp xúc thường xuyên với xứ Chàm và xa hơn thế cũng đã được chứg minh bởi các kỹ năng ngôn ngữ của giới quý tộc nhà Trần, tiếp thụ được nhờ ở vị thế trung gian của Đại Việt trong sự hải hành: Tướng quân Trần Quang Khải, thí dụ, thông thạo nhiều ngôn ngữ, giống như người anh em của ông, ông hoàng Trần Nhật Duật. Ông Hoàng kể sau đã có thể nói chuyện với các sứ giả từ Temasek (Singapore ngày nay) bằng ngôn ngữ của họ, theo Toàn Thư; đây có thể là tiếng Mã Lai, nhưng cũng có thể là tiếng Ba Tư hay Ả Rập (31).

Dân Việt chắc chắn đã khai thác vị trí trung gian của họ giữa các nước hải ngoại với Trung Hoa. Một trong những sản phẩm của Đại Việt trong thế kỷ thứ mười ba là các vòng đeo tay có mùi thơm. Để chế tạo các vòng đeo tay này, dân Việt sẽ trộn các bột hương liệu với đất bùn, nặn đất sét thành hạt và xâu chúng bằng sợi lụa màu, được nghĩ thu mua được từ các thương nhân vùng Tây hay Nam Á. Các chuỗi hạt này sau đó được mang sang Trung Hoa để bán và được nói rất được ưa chuộng bởi phụ nữ ở đó (32). Các vòng đeo tay này cũng có thể đã được tái xuất cảng từ Trung Hoa sang các nơi khác của Đông Nam Á; các đồ gốm của Việt Nam được tìm thấy trong một chiếc thuyền bị đắm tại miền nam Phi Luật Tân bao gồm các hạt bằng thủy tinh, như sẽ được thảo luận dưới đây.

Đảo Hải Nam và Các Liên Hệ Hồi Giáo

Liên hệ tổng quát của Hồi Giáo với vùng này trở nên rõ ràng hơn khi đảo Hải Nam được đặt trong khung cảnh này. Giao Chỉ đã có các liên hệ chặt chẽ vớu Hải Nam; vị nữ thần địa phương chính yếu của Hải Nam là Lê Mẫu (Li Mu) (Mẹ của sắc dân Lê), thí dụ, đã được mô tả như sau: “Bà ăn trái cây của vùng núi đồi và sống trên các vòm cây. Rồi thì có một người đãn ông từ Giao Chỉ vượt biển và đến đảo Hải Nam để dể thu gom gỗ trầm [một hương liệu]. Bà Lê Mẫu đã kết hôn với ông ta và họ có sinh ra nhiều con cháu. Chỉ khi đó họ mới khởi sự khai khẩn đất đai và nuôi trồng thực phẩm”. Điêu đáng chú ý, khu vực của bà ta, Lê Mẫu Sơn, là địa điểm của gỗ trầm hương tốt nhất. 33 Thần thoại địa phương này không chỉ ra dấu về nguồn gốc của gô trầm hương của Giao Chỉ, mà còn về các quan hệ đan kết và thân mật hơn giữa Giao Chỉ và đảo Hải Nam. Các tài liệu khác về thời nhà Tống cũng chứng thực rằng người Dan [?] từ Đại Việt có đên thăm viếng Hải Nam để góp nhặt gỗ trầm, mặc dầu mậu dịch với dân Hải Nam là một nguồn cung cấp đáng tin cậy hơn cho loại sản vật này. Sắc dân Lê ở đó “sống bằng nghề mua bán gỗ trầm”, theo tập Zhufanzhi (34). Bởi thế, một số “các kẻ thu nhặt” từ Giao Chỉ có thể là những người Việt Nam đến đảo Hải Nam để mua bán.

Các loại gỗ trầm này, tạo thành bộ phận quan trọng trong hàng hóa Việt Nam, sẽ tái xuất hiện tại địa điểm mậu dịch ở Qinzhou trong tỉnh Quảng Tây, nơi chúng được trao đổi lấy lụa với các thương nhân Trung Hoa đến từ những nơi xa xôi như tận Tứ Xuyên: Mọi đồ nhật dụng của Giao Chỉ tùy thuộc vào Qinzhou, chính vì thế các con tàu thường xuyên qua lại giữa hai nơi. Bãi mua bán nằm phía Đông con sông, bên ngoài thị trấn. Những người đến với hải sản để đổi lấy gạo và vải bông trong số lượng nhỏ được gọi là sắc dân “Dan [?] của Giao Chỉ [tham chiếu với sắc dân Dan [?] tại Quảng Đông]. Những thương nhân giàu có đến mua bản từ khu vực biên giới [của Đại Việt] thuộc huyện Vĩnh Yên [?] đến Qinzhou, những người này được goi là “mối hàng nhỏ” (xiaogang). “Mối hàng lớn” (dagang) để chỉ các sứ giả được phái đi bởi triều đình [Đại Việt] để mua bán tại đây. Các sản phẩm mà họ mậu dịch là vàng, bạc, đồng tiền bằng đồng, gỗ trầm, nhiều loại gỗ có mùi thơm khác nhau, ngọc trai, ngà voi và sừng tê giác. Các nhà mậu dịch cỡ nhỏ bên phía chúng ta đến để trao đổi giấy, bút viết, gạo và vải bông với dân Giao Chỉ không đáng để ý mấy; nhưng có các thương nhân giàu có mà hàng gấm từ vùng Shu (Tứ Xuyên) đến Qinzhou để trao đổi lấy hương liệu mỗi năm một lần, thường liên quan đến cả hàng nghìn đồng quan bằng tiên mặt. Các thương nhân này mặc cả về giá cả trong nhiều tiếng đồng hồ trước khi đạt được một sự thỏa thuận. Một khi đã đồng ý, không bên nào lại được phép thương thảo với các thương nhân khác. Khi cuộc nói chuyện mới bắt đầu, khoảng cách giữa giá đòi và giá trả thường rộng lớn như trên trời với dưới đất. Các thương nhân giàu có [người Hán gốc Trung Hoa] của chúng ta phái các gia nhân của họ đi mua các vật dụng cho cuộc sinh sống hàng ngày của họ và còn cho xây dựng các trú sở tạm thời và ở tại đó, nhằm làm nản lòng các thương nhân [Giao Chỉ]. Các thương nhân giàu có của họ giữ sự điềm tĩnh, và cũng sử dụng sự kiên trì làm vũ khí. Khi hai thương nhân gặp nhau, họ cùng uống với nhau; và với thời gian trôi qua, họ hợp ý với nhau hơn. Những cuộc nói chuyện trôi chảy này cắt bớt hay gia tăng ít quan tiền sao cho các giá cả của hai bên ngày càng gần hơn. [Khi cuộc điều đình đã hoàn tất], các viên chức [tại các chợ] cân hương liệu và giao hàng gấm cho đôi bên để kết thúc vụ mua bán. Tại địa điểm mậu dịch, các viên chức [nhà Tống] chỉ đánh thuế trên các thương nhân về phía chúng ta” (35). Như đoạn văn này cho thấy, Giao Chỉ là bên tham gia quan trọng nhất trong công cuộc mậu dịch trên bờ biển Trung Hoa nằm trong Vịnh Bắc Việt và các sự trao đổi thực hiện tại khu vực này đã được phát triển và hoàn chỉnh. Công cuộc mậu dịch này có thể được xem hoặc có tính chất cấp miền hay địa phương, với sự di chuyển một khoảng cách ngắn bằng thuyền. Mậu dịch chắc chắn là một phần cốt yếu trong đời sống của nhiều người dân trong vùng này.

Tuy nhiên, liên hệ sinh tử nhất của Hải Nam với thế giới bên ngoài là người Chàm; bắt đầu từ thời Tống, các sứ giả Chàm thường ghé chân đầu tiên tại Hải Nam trước khi tiến vào lục địa. Điều được xác định từ lâu rằng các thương nhân tích cực nhất tại đảo Hải Nam đến từ hay xuyên qua xứ Chàm, nơi mà các nhà mậu dịch Hồi Giáo có thiết lập các trạm như một mắt nối kết trong sợi dây xích mậu dịch chạy dài của họ. Tại Quảng Châu và Phúc Kiến, các thương nhân Chàm/Hồi Giáo sinh sống như các thường trú nhân tại các khu vực ngoại kiều (fanfang), trong khi tại Hải Nam, họ sinh sống chính yếu tại Yaizhou (36). Các nhóm ngoại kiều khác, có thể phần lớn cũng đến từ xứ Chàm, sinh sống tại Danxian khu tây bắc của Hải Nam và tại Baisha (37). Nhiều người mang họ “Pu” (Abu). Chính vì thế các phả hệ họ Pu được dùng như các dấu vết để truy tìm các mối nối kết giữa Hải Nam, Đông Dương và lục địa Trung Hoa. Các phả hệ này được tìm thấy tại Hải Nam (Yaizhou), Phúc Kiến (Dehua), Quảng Đông (Quảng Châu) và khu Qinzhou thuộc tỉn Quảng Tây. Nói cách khác, các gia đình họ Pu tỏa rộng và sinh sống nơi mà công cuộc mậu dịch của họ diễn ra, và khu vực chung quanh Vịnh Bắc Việt là một trong các nơi chốn mà họ đã tập trung. Mặc dù trong những năm gần đây, có một số sự nghi ngờ được phát biểu về nguồn gốc Hồi Giáo của gia tộc họ Pu, như tác giả Pierre-Yves Manguin đã vạch ra, bằng cớ bằng tiếng Trung Hoa và Ả Rập “xác định vượt quá sự cãi cọ nhỏ nhặt rằng vào lúc khởi đầu thế kỷ thứ tám, đã có các mối nối kết giữa Chàm, các thuộc địa của các thương nhân Hồi Giáo tại miền Nam Trung Hoa, và các gia đình họ Pu” (38). Trong một phương cách như thế các người Hồi Giáo tại Hải nam và các liên hệ của họ với khu vực Quanzhou [Tuyền Châu?] thuộc tỉnh Phúc Kiến đã góp phần một cách thiết yếu cho sự vươn lên về thương mại của tỉnh kể tên sau, như được lập luận bởi tác giả Chang Pintsun. Có vẻ hợp lý để giả định, như tác giả Roderik Ptak đã làm, rằng các thương nhân từ xứ Chàm, hoạt động từ Hải Nam hay thường xuyên ghé nơi đó, đã có một số ảnh hưởng tại các hải cảng mậu dịch của lục địa Trung Hoa, và rằng những nhóm này có sự tiếp xúc gần gủi, cảnh trạnh hay hợp tác với các cộng đồng Hồi Giáo khác và với dân Phúc Kiến (39).

Trong khung cảnh này, điều không tưởng tượng được là các nhà mậu dịch Hồi Giáo lại không để lại các dấu vết bao quanh khắp Vịnh Bắc Việt, tại Qinzhou, Hải Nam và xứ Chàm, nhưng cách nào đó bị trôi tuột mất bởi Đại Việt trong hàng ngàn năm mua bán và liên lạc của họ tại khu vực này – xong đây là có vẻ là điều mà văn liệu hiệu hữu cho chúng ta hay. Như tác giả Kenneth Hall đã nhận xét, mọi sự tham chiếu của người Việt về các trung tâm đô thị phương bắc đã bị pha màu bởi các thành kiến của các sử gia Khổng học sau này, đặc biệt bởi tư tưởng hoài nghi nói chung của họ đối với công cuộc mậu dịch. Trong các tình huống như thế, các liên hệ với Hồi Giáo sẽ bị tẩy xóa với nhiệt tình gấp đôi bởi các sử gia Khổng học bởi các mối liên kết này sự mang lại sự hỗn loạn và không mạch lạc trong sự xây dựng của họ một lịch sử dân tộc hợp lý cả về mặt ý thức hệ lẫn chủng tộc. 40 Hậu quả, một phần quan yếu trong lịch sử Việt Nam bị đánh mất, như được chứng minh bằng chính bộ Toàn Thư: ít nhất trong hai trường hợp, danh xưng của sắc dân và xứ sở nước ngoài đã bị ghi chép sai lạc; một là trường hợp Huihu (Hồi Hồ) nêu trên, và trường hợp kia là Temasek. 41 Bởi lý do này, hai đối tác mậu dịch quan trọng của Đại Việt vào lúc này đã biến mất dạng vào trong các danh xưng lạ lùng và không quen thuộc mà người ta đã giả định là không quan trọng và có tính cách địa phương. Sự kiện này kế đó củng cố hơn nữa cảm tưởng về Đại Việt như là một nước tù túng về thương mại quốc tế và là một nơi ít có các sự dính líu đến phần còn lại của thế giới. Được viết ít nhất 150 năm sau các biến cố đã được trình bày và dưới thời mà ý thức hệ Khổng Học ở địa vị không chế, các nhà biên tập bộ Toàn Thư biểu lộ ít sự quan tâm đến các danh xưng của các dân tộc mà các tổ tiên ngừoi Việt của họ đã thương thảo trên một căn bản khá thường xuyên. Một bộ phận bằng chứng có tính chất quyết đóan cho thấy làm sao các nền văn hóa và truyền thống khác nhau đã nuôi dưỡng và định hình xã hội Đại Việt chính vì thế đã bị phân tán và vùi lấp dưới lớp bụi bặm.

Một lý do khác là các sử gia Việt Nam có khuynh hướng phác họa nước Đại Việt thời ban sơ càng giống Trung Hoa càng tốt có thể là vì vấn đề an ninh. Sự quan ngại này được trình bày trong một bài thơ được viết bởi vị vua tiếm quyền, Hồ Quý Ly, kẻ mà sự trị vì đã thành duyên cớ cho cuộc xâm lăng của nhà minh vào năm 1407. Khi trả lời một câu hỏi của một vị khách thăm viếng người Trung Hoa, nhà vua có nói: “Nếu ông hỏi tôi về phong tục của An Nam, tôi sẽ nói với ông rằng các phong tục có tính cách thuần túy An Nam. Y phục chúng tôi may theo kiểu nhà Đường, và các nghi lễ chúng tôi cử hành là theo thể lệ của nhà Hán” (42). Nhà vua viết ra điều này với sự hay biết rằng Trung Hoa một lần nữa nằm dưới sự kiểm soát của sắc dân Hán sau khi có sự lật đổ ách thống trị của Mông Cổ. Các liên hệ Hồi Giáo và ngoại lại khác tốt hơn nên dấu đi khi mà xứ sở đang đối diện với một siêu cường tái phục hiện. Tại Đại Việt cũng như tại Trung Hoa, các vết tích Hồi Giáo (và Mông Cổ) gần như chắc chắn bị xóa bỏ một cách mạnh mẽ trong thời nhà Minh.

Mối liên hệ chặt chẽ giữa đảo Hải Nam và xứ Chàm đã được ghi chép bởi một sử gia Trung Hoa trong thế kỷ mười bẩy nhưng cũng được lãnh hội bởi một sử gia Việt Nam thế kỷ thứ mừi tám nổi tiếng, ông Lê Quý Đôn, người đã trích dẫn ông [sử gia Trung Hoa]. Đoạn trích dẫn sau đây phản ảnh sự quan tâm của Lê Quý Đôn về không gian hàng hải này: “Tác giả Qu Dajun có nói trong quyển Guangdong xinyu [Ý kiến Mới Về Quảng Đông] rằng 600 dặm [lý] nam Yaizhou [Nhai Châu [?] thuộc Hải Nam] là xứ Chàm. Khi gió nam thổi đến [Yaizhou], người ta có thể nghe thấy tiếng gà gáy tại xứ Chàm rõ như nghe tiếng chuông. Điều này cho thấy hai nơi gần gũi nhau đến như thế nào. {[Bởi thế], nếu Hải Nam là bức bình phong của Quảng Đông, Xứ Chàm là bình phong của Hải Nam” (43). Rõ ràng đối với ông Lê Quý Đôn, toàn vùng được nối liền với nhau bằng biển và bị ảnh hưởng bởi các luồng gió mùa và biên giới quốc gia không mấy quan trọng. Có một điểm quan trọng khác trong bối cảnh này. Thay vì tưởng tượng rằng “Trung Hoa” như một loại khối văn hóa đặc cứng được phân vạch bởi các biên cương hiện đại của nó, chiếu tỏa văn minh của nó đến các nước chung quanh và vì thế ảnh hưởng trên Việt Nam từ phương bắc xuống, chúng ta phải ghi nhớ trong đầu rằng cho mãi đến thời nhà Minh (và mãi cho đến cuối thế kỷ tứ mười tám đối với Vân Nam), phần lớn đất của Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Hải Nam hầu như chắc chắn là còn kém “phát triển” hơn khu vực Bắc Kỳ cả về mặt văn hóa lẫn kinh tế. Trong khía cạnh này, sự sản xuất đồ sứ được dùng như một sự chỉ dẫn hữu ích. Trong khi có vài khu vực sản xuất đồ sứ nổi tiếng tại vùng ngày nay là Hải Dương và Thanh Hóa ngay từ thế kỷ thứ mười ba, chỉ có một lò nung được biết đã hiện hữu tại Quảng Tây và không có lò nào tại Vân Nam (44). Một cuộc khảo sát các con số các người trúng tuyển các cuộc khảo thí từ miền Giao Chỉ so sánh với số trúng tuyển từ Quảng Tây, Vân Nam và Hải Nam dưới thời nhà Đường cho thấy Giao Chỉ vượt xa các miền lân cận của nó trong mức độ Trung Hoa hóa và trình độ văn minh vật chất. Điều được biết rõ là Hải Nam phục vụ như một nguồn cung cấp chính các con ngựa cho xứ Chàm, ở thời điểm ki đó là “quyền lực mậu dịch có sự giao dịch quốc tế sâu rộng với một hạ tầng canh nông cơ bản” (45). Có vẻ rằng trong khi Đông Nam Á hoạt động như một nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm sơ chế cho Trung Hoa trong Kỷ Nguyên Thương Mại (Age of Commerce), trong một thời gian dài trước đó, Hải Nam đã phục vụ trong cùng vai trò như thế đối với Đại Việt và xứ Chàm; thay vì văn hóa nhà Hán ảnh hưởng Việt Nam từ phương bắc, khu vực Việt Nam đã Trung Hoa hóa và có giao tiếp thế giới rộng rãi hơn đã phục vụ như một cơ sở của văn hóa Hán để ảnh hưởng trên các miền Vân Nam và Quảng Tây.


Vân Đồn và Hải Dương

Sự việc càng trở nên rõ ràng hơn từ sự thảo luận ở trên rằng Vân Đồn, hải cảng chính của Đại Việt trong thời nhà Trần và đầu nhà Lê đã không được lựa chọn một cách ngẫu nhiên, và rằng nó đã không thể xuất hiện sớm hơn lúc thái thú cuối nhà Đường, Cao Biền (Gao Pian) đã gỡ bỏ các chướng ngại vật quan trọng cho sự du hành trên biển dọc theo duyên hải Vịnh Bắc Việt. (Cả hai tác giả Whitmore và Momoki đều vạch ra rằng hải cảng của Đại Việt thời sớm hơn tọa lạc tại vùng Nghệ Tĩnh). 46 Sự kiện rằng Vân Đồn, địa điểm có vẻ xa xôi và bị cô lập, đã được chọn làm hải cảng chính của xứ sở được nhìn như một sự xác nhận quan điểm cho rằng các triều đại Việt Nam ưa thích rằng hoạt động ngoại thương nên được thực hiện ở nơi càng xa càng tốt đối với kinh đô và về giả định rằng hoạt động như thế không là cái gì đó mang tính cách trung tâm của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhớ lại rằng cho đến thế kỷ thứ mười lăm, thủy lộ chính nối liền kinh đô của Đại Việt và bờ biển Trung Hoa là con sông Bạch Đằng (khi đó là phụ lưu chính của sông Hồng, trong khi giờ đây phụ lưu chính chảy giữa Nam Định và Thái Bình), khi đó chúng ta sẽ thấy Vân Đồn tọa lạc trên thông lộ chính của thời đại. Nó đã được phát triển trong “cuộc cách mạng thương mại” đầu tiên của Trung Hoa dưới thời nhà Tống, và tọa lạc ở trung tâm khu mậu dịch Vịnh Bắc Việt nằm giữa đảo Hải Nam và Qinzhou, cả hai địa điểm được lui tới thường xuyên bởi các thương nhân Phúc Kiến, Chàm và Hồi Giáo (47). Chính sách của nhà Nguyên ưu đãi các quan chức, thương nhân, phong tục Hồi Giáo tại Phúc Kiến chắc hẳn đã góp phần nhiều hơn vào sự vươn cao của khu vực mậu dịch được thúc đẩy bởi Hồi Giáo này.

Một khu như thế trở nên rõ nét hơn khi chúng ta đem các khu vực sản xuất đồ gốm chính yếu của Đại Việt vào thời điểm này vào trong bức tranh. Đã có một sự tăng trưởng dân số quan trọng trong thời khoảng giữa 1200 đến 1340 – con số được gia tăng gấp đôi theo tác giả Yumio Sakurai – hẳn đã cổ vũ cho sự phân công và thúc đẩy ngành sản xuất thủ công nghệ (48). Đồ gốm được sản xuất tại nhiều địa điểm trong nước, chẳng hạn như Thanh Hóa và Thiên Trường (xem bên dưới). Từ thập niên 1350 trở đi một số lò nung không chính thức xuất hiện tại khu vực giờ đây là Hải Dương, sản xuất các đồ gốm với sự tinh xảo cao cấp, đánh dấu một giai đoạn tiên tiến của một sự sản xuất như thế bởi người Việt Nam. Đa số trong tám lò nung này thuộc vùng Chu Đậu, chỉ cách Vân Đồn một đoạn đường sông ngắn. Động cơ cho sự sản xuất đồ gốm này là thị trường Chàm/Hồi Giáo và điều đáng ghi nhận là sự phát triển đồ gốm Việt Nam trong suốt thế kỷ thứ mười bốn trùng hợp với thời cực thịnh của xứ Chàm, dưới vị vua được biết trong tiếng Việt là Chế Bồng Nga. Có bằng chứng rằng đồ gốm màu thiên thanh và trắng của Đại Việt đã được sản xuất để đáp ứng với nhu cầu từ các thương nhân phục vụ cho thị trường Tây Á, với các sản phẩm ngọan mục nhất được xuất cảng đến tận các nơi xa xôi như Ba Tư, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Các đồ gốm Việt Nam cũng đã được tìm thấy tại các khu vực Hồi Giáo lân cận, chẳng hạn như vùng Sulawesi và miền trung và nam Phi Luật Tân. Đồ gốm của Chàm tại Gò Sành cũng được tìm thấy tại cùng các địa điểm này (49).

Đồ gốm Đại Việt đặc biệt được thiết kế cho việc bán ở nước ngoài làm nổi bật sự hòa nhập của xứ sở vào thi trường cấp miền. Chúng ta biết rằng các viên gạch lót men bóng với hình dạng khác nhau đã được chế tạo cho miền đông Java, theo các kiểu mẫu được cung cấp bởi triều đình Majapahit, và các loại đất nung và men bóng khiến ta nghĩ rằng chúng được sản xuất tại vùng Hải Dương (50). Điều cũng đáng lưu ý là các tạo phẩm Việt Nam cũng được tìm thấy trong một chiếc tàu bị đắm (khoảng năm 1370-80) được trục vớt trong năm 1995 tại miền nam Phi Luật Tân bao gồm các hạt xâu chuỗi bằng thủy tinh và các chiếc nẫn bằng đồng, phát lộ tính phức tạp trong các sản vật được trao đổi xuyên khắp các hệ thống mậu dịch thứ yếu tại Đông Nam Á. Các liên hệ rõ ràng giữa người Chàm và Phi Luật Tân trong giai đọan này, được ghi chép một cách cặn kẽ bởi tác giả Geoff Wade, bổ túc thêm một mảnh cho bức tranh ghép về mậu dịch của người Chàm/Hồi Giáo trong vùng này(51).

Cái nhìn từ biển vào này cũng còn chiếu rọi ánh sáng mới về ngành thủ công nghệ tại khu vực Hải Dương. Nhiều nhà buôn bán hàng thủ công tại Hà Nội tại 36 Phố Phường nổi tiếng (giờ được gọi là Khu Phố Cổ) truy nguyên nguồn gốc của họ ở Hải Dương – thợ nề, thợ mộc, thợ nhuộm, làm giầy da, và các người có kỹ năng trong việc đục chạm gỗ hay trong ngành in, cũng như những người liên hệ đến ngành làm đồ kim loại tại phố Hàng Đồng và Hàng Bạc. Một gia đình làm đồ kim hoàn tại Hà Nội gần đây cũng truy nguyên nguồn gốc của mình về đến tận Hải Dương (52). Tất cả các ngành nghề khác nhau này khiến cho ta suy tưởng rằng khu vực kể sau đã có một lịch sử lâu dài về nghề và ngành sản xuất thủ công, có lẽ còn nhiều hơn cả Hà Nội. Trong thực tế, ngay từ thế kỷ thứ mười ba, khu vực này đã sẵn nổi tiếng về việc chế tạo một loại nón bằng tre (nón Ma Lôi), không khác gì nón tre nổi tiếng của Huế trong thế kỷ thứ mười tám (53).

Danh sách các nghề nêu trên không chỉ đơn thuần sử dụng các nghệ nhân; mỗi ngành công nghệ cũng sẽ đòi hỏi đến hàng ngàn thợ lao động. Thí dụ, ngành đồ gốm, cần đến nhiều lao động: một sản phẩm duy nhất có thể phải đi qua ít nhất 12 đôi bàn tay trước khi hoàn tất. Làm gạch, một công nghệ liên hệ nhưng ít phức tạp hơn, liên hệ không chỉ đến các nghệ nhân mà còn đến cả các công nhân đôn củi trên các núi đồi hay sản xuất than đá, cũng như đão và biến chế đất sét từ các vùng lân cận (54). Tại đảo Vân Đồn không thôi, có phế tích của bẩy ngôi chùa thời Trần, khiến chúng ta nghĩ đến một khối lượng đáng kể các vật liệu xây cất đã được sử dụng và chuyên chở đến đó. Con số các người liên hệ một cách gián tiếp đên ngành thủ công nghiệp tại Hải Dương, trong các lãnh vực chẳng hạn như vận tải đường đất hay đường biển, xây dựng và biến chế thực phẩm hẳn phải là đáng kể (55).

Đây là căn bản cho “sự trổi dậy của các thị trường đại chúng”, đã được vạch ra bởi tác giả Momoki Shiro (55). Công nghiệp đồ gốm tại Hải Dương, bởi thế, không phải là hiện tượng phát sinh một cách ngẫu nhiên như một loại nghề cô lập được thực hiện bởi một nhóm nhỏ các làng cách nào đó vần còn có tính cách nông thôn. Giống như nhiều trung tâm thương mại tại Trung Hoa, nó là một công nghiệp chuyên môn hóa được phát triển nhịp nhàng với các công nghệ địa phương khác, chẳng hạn như các ngành nghề đã liệt kê ở trên; điều này cũng đúng cho việc đóng tàu-thuyên, dệt vải, và sản xuất muối. Hậu quả, công nghệ xuất cảng của Đại Việt “không thể đơn thuần được lượng giá về mặt phần đóng góp tương đối của nó đối với toàn bộ các hoạt động kinh tế không thôi” như tác giả Kishimoto Mio đã vạch ra trong bối cảnh của Trung Hoa (57).

Trong khi sự tổ chức chính xác của ngành thủ công nghiệp trong giai đoạn này còn cần sự nghiên cứu thêm nữa, các ngôi chùa Phật Giáo có thể đã đóng một vai trò then chốt trong việc nối kết giới thượng lưu tinh hoa, sự sản xuất và các thị trường. Điều rõ ràng là các ngôi chùa đã là các khách hàng quan trọng nhất về đồ gốm và các vật liệu xây cất; con số đền chùa không thôi có nghĩa là các nhu cầu của chúng được tỏa rộng và thường xuyên hơn số cầu của triều đình. Quan trọng không kém, các ngôi chùa cũng có thể là các chủ nhân và các nhà quảng cáo lớn nhất của ngành thủ công nghiệp. Các liên kết của chúng với công cuộc mậu dịch hải ngoại có tính cách cồ truyền và được ghi chép một cách kỹ càng; trong nhiều thế kỷ, việc mua bán các di vật tôn giáo đã là một trong các động lực trọng tâm của công cuộc mậu dịch giữa Trung Hoa và Nam Á, cùng với nhu cầu về hương liệu để phục vụ các các sự tế lễ, một sản vật kế đó làm gia tăng tầm quan trọng của mậu dịch Đông Nam Á. 58 Các học giả của các xứ sở khác trong vùng lục địa Đông Nam Á trong suốt “thời kỳ đặc cấp” (charter period) này cũng đã nhấn mạnh rằng sự bành trướng kinh tế được đặt trọng tâm trên sự cúng tặng quỹ vốn cho các ngôi chùa Phật Giáo và đã khảo sát vai trò của ngôi chùa như một trung tâm của các hoạt động kinh tế tái phân phối địa phương. Áp dụng cái nhìn thấu triệt sẽ góp phần vào việc cấu trúc một mô thức để tạo dựng khung cảnh của các hoạt động kinh tế khác nhau và các mối quan hệ của chúng vơi xã hội Đại Việt trong thế kỷ thứ mười bốn, và trong việc thực hiện một sự phân tích định tính của các ảnh hưởng của ngoại thương trên cơ cấu của nền kinh tế. 59

Điều đáng lưu y khi chúng ta nhớ lại rằng núi Yên Tử, trung tâm Phật Giáo chính của Đại Việt hồi cuối thế kỷ thứ mười ba, tọa lạc trong miền này – tại Uông Bí, tức Quảng Ninh ngày nay. Đây là nơi mà Hoàng Đế [Trần] Nhân Tông đã thiết lập một phái Phật Giáo Việt Nam nổi tiếng, Phái Trúc lâm – ngay tại trung tâm của khu mậu dịch. Một ngôi cùa nổi tiếng khác, Quỳnh Lâm, cũng đã được xây dựng tại khu vực này bởi nhà sư lừng danh, Pháp Loa, kẻ được nói đã đúc 1300 tượng Phật bằng đồng trong suốt cuộc đời của ông (60). Một công việc như thế sẽ đòi hỏi một số lượng tiền lớn lao và một khối nhân lực đáng kể, nhưng điều còn nổi bật hơn nữa là khối lượng đồng liên hệ, khi xem xét rằng Đại Việt đã không sản xuất ra kim loại đó trong thời kỳ này. Người ta được nhắc nhở rằng xứ Chàm, xuyên qua các liên kết của nó với các thương nhân từ Trung Đông, có thể đã hành động như một nguồn cung cấp quan trọng cho kim loại này. Sự liên kết của Chàm với kim loại đồng được biểu thị trong danh sách cống phẩm năm 445 sau Công Nguyên, khi Lâm Ấp mang sang Trung Hoa 10,000 catties (cân vùng Mã Lai, tương đương với 600 ram) vàng, 100,0000 [cân hay đồng tiền, nguyên bản không nói rõ, chú của người dịch] bạc, 300,000 [?] bằng đồng (61). Chàm cũng có thể tác động như một nguồn cảm hứng tôn giáo cho Đại Việt trong thời kỳ này. Điều quan trọng cần nhận thức rằng Đao Phật Phái Đại Thừa (Mahayana) thì đáng kể cả ở Chàm lẫn Đại Việt (cùng với Angkor ở vào một số thời điểm nào đó trong thời đại này), đã giải thích cho các cuộc thăm viếng của vua Trần Nhân Tông đến nước láng giềng phương nam của ông (62).

Khu vực này cũng là trung tâm chính trị cụ thể của triều đình nhà Trần trong hơn 150 năm. Như các vua nhà Trần nhiều lần tuyên bố, gia tộc họ “khởi lên từ vùng duyên hải”. Khởi đầu trong năm 1239, triều đình nhà Trần đã xây dựng một nhóm các cung điện khác tại quê hương của họ thuộc huyện Thiên Trường, gần Nam Định ngày nay, một địa điểm gần biển hơn nhiều so với Hà Nội. Giống như Ayudhya một thế kỷ sau này, trung tâm chính trị này “được bao quanh bởi nước thủy triều, và bờ biển đầy các loại cây và hoa thơm ngát. Các chiếc thuyền giải trí được sơn vẽ một cách vui tươi đi tới đi lui [cung điện] giống như một khu đất thần tiên”. Các vua nhà Trần cư trú tại các cung điện ở Thiên Trường thường xuyên hơn là ở Hà Nội, biến khu vực này thành kinh đô trong thực tế. Như tác giả Whitmore đã vạch ra, mặc dù kinh đô đã không được dời ra bờ biển như Pegu và Ayudhya đã làm sau này, vùng duyên hải đã nắm quyền kiểm soát ngay chính kinh đô cũ (63).

Một quần thể tụ hội các trung tâm mậu dịch, tôn giáo và chính trị như thế tọa lạc cạnh nhau – và cạnh các trung tâm chính của ngành sản xuất đồ gốm – có vẻ xác định một mô thức cho các thể chế cổ xưa tại vùng là miền trung Việt Nam ngày nay mà các học giả người Nhật Bản và Việt Nam đã áp dụng trong thập niên qua. Thể chế dọc dòng sông là một tổ chức quyền lực ba thành phần trong đó một trung tâm tôn giáo (thường ở trên núi), một trung tâm chính trị (trong đồng bằng đất phù sa bồi đắp) và một thành phố hải cảng được nối liền với nhau bằng các đường sông (64). Các thí dụ về các sự nối kết giữa các trung tâm tôn giáo và các hải cảng là các sự liên kết giữa Mỹ Sơn và Hội An tại miền trung Việt Nam hay giữa Cát Tiên (tại tỉnh Lâm Đồng) với Cần Giờ (nay là một huyện ngoại thành của Sài Gòn).

Sự thảo luận bên trên làm chúng ta nghĩ đến một vùng kết hợp nhiều hơn sơ với sự nhận thức trước đây. Các học giả đã trình bày Đại Việt như một thực thể nằm dưới ảnh hưởng Trung Hoa, Chàm như một xứ mang tính chất văn hóa Ấn Độ và Hải Nam như một vùng nước đọng tù túng xa xôi, nằm chơ vơ giữa trời. Mặc dù về mặt địa dư nằm gần nhau, cả ba bị nhìn như các địa phương bị cô lập với ít hay không có các điểm tương đồng về văn hóa và kinh tế. Tuy nhiên, công tác khảo cổ học tại miền trung Việt Nam trong thập niên qua, đã phát hiện nhiều vết tích sâu đậm của ảnh hưởng của Trung Hoa trong văn hóa Chàm, cùng với ảnh hưởng của Ấn Độ. Điều này đặc biệt hiện rõ tại miền bắc xứ Chàm. Trong khi một số ảnh hưởng của Trung Hoa chắc chắn đến trực tiếp từ lục địa Trung Hoa, một phần lớn ảnh hưởng có thể đến xuyên qua bàn tay thứ nhì hay thứ ba, từ Giao Chỉ và Hải Nam, bằng ngả mậu dịch. Ngược lại, ảnh hưởng của Chàm trên Đại Việt xem ra cũng sâu xa hơn điều đã được chấp nhận trước đây. Sự khám phá gần đây nhất các hoàng cung của nhà Lý, Trần, và đầu nhà Lê tại trung tâm Hà Nội phát hiện các ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật và kiến trúc Chàm, làm liên tưởng đến các sự tương tác thường xuyên và sâu rộng giữa hai bên (65).


Một Bản Đồ Nhân Chủng Khác Biệt

Cuộc thảo luận bên trên nêu lên câu hỏi về các dân tộc sinh sống quanh Vịnh Bắc Việt trong giai đoạn này. Châu thổ sông Hồng được xem là đông nhất chủng tộc Việt Nam trong suốt lịch sử Đại Việt, một điều gì đó gần như độc nhất trong số mọi xứ sở ở Đông Nam Á. Điều này nhiều phần là trường hợp sau thế kỷ thứ mười lăm, nhưng quyển Việt Sử Lược, được biên soạn trong thế kỷ thứ mười ba, tiết lộ rằng cho mãi đến năm 1206, phần lớn khu duyên hải nằm dưới quyền các thủ lĩnh địa phương. Một số trong họ được ghi chép như người “Liao” trong tiếng Trung Hoa, có thể để chỉ là “Lào” hay nhóm chủng tộc khác. Trong bất kỳ trường hợp nào, họ không phải là người Việt (66). Tọa lạc trong số các dân tộc khác nhau dọc các khu vực biên giới Trung Hoa-Việt Nam, người Việt hẳn phải trải qua sự hợp chủng vừa sâu vưà rộng khắp. Các sự quan hệ và tương tác này không có thể bị tóm lược vào khuôn mẫu dân tộc tính quá đơn giản như “Việt” hay “Hán”, để đối diện với các dân tộc miền núi, nhưng phải nảy sinh từ một tiến trình lâu dài của sự tương liên và hấp thụ thâm sâu, sau đó các cá tính bền bỉ và rắn chắc hơn mới được thành hình trong thời kỳ hiện đại.

Một nửa dân số tại Đại Việt trong thế kỷ thứ mười hai đến từ miền nam Trung Hoa, theo nguồn tài liệu đương đại, Lingwai daida; chắc chắn có sự phóng đại trong lời tuyên bố này, nhưng nó có chứa đựng một số thành phần chân lý nào đó. Tương tự, một nguồn tài liệu quan trọng khác về sắc dân Dan [?] (rải rác tại miền nam Trung Hoa) có nguồn gốc Giao Chỉ, theo một văn bản được biên soạn thời nhà Thanh. Họ chắc chắn được tường thuật trong các nguồn tài liệu thế kỷ thứ mười hai là sắc dân “Giao Chi Dan: Jiaozhi Dan [?]”. Một cách điển hình, sống trên mặt nước, họ đến Qinzhou với cá và các hải sản để trao đổi lấy gạo và vải vóc (67). Điều không rõ là liệu họ có phải là cùng sắc dân được mô tả trong bộ địa phương chí Việt Nam hồi thế kỷ thứ mười chín, bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, là những người đã di chuyển từ hải đảo vào vùng Châu Thổ sông Hồng và sống bằng nghề đánh cá và làm muối. Bởi những người này không nói tiếng Việt Nam một cách rõ ràng, ngôn ngữ của họ được đề cập như “tiếng vùng bể” [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] (ngôn ngữ vùng biển) (68). Một số người trong họ xem ra đã di chuyển đến vùng duyên hải miền nam Trung Hoa, trở thành hay gia nhập người Dan [?]. Chính trong số các ngư phủ này, Mạc Đăng Dung, người sáng lập triều đại nhà mạc tại Đại Việt hồi thế kỷ thứ mười sáu, đã được nuôi dưỡng và sau này vươn lên nắm giữ quyền lực. Ông đến từ Hải Dương, nhưng tổ tiên của ông là dân Dan [?] từ Quảng Đông (69).

Sự hợp chủng sâu xa và tái diễn nhiều lần tạo thêm sinh khí cho nhà Lý và nhà Trần. Như tại phần lớn vùng đất khác của Đông Nam Á, có một sự khan hiếm nhân lực đáng kể tại Giao Chỉ cho đến giữa thế kỷ thứ mười bốn. Người Trung Hoa bị mua làm nô lệ, như ghi nhận bên trên. Quân du thủ tại Quảng Tây cũng thường cướp bóc dân chúng địa phương – các kẻ có thể là người Nùng (tức người Choang (Zhuang) tại Trung Hoa) hay nhóm chủng tộc khác trong vùng – và đem bán họ cho Giao Chỉ (70). Hôn nhân liên chủng cũng xảy ra giữa người Việt và người Hải Nam, như được cho thấy bởi thần thoại về nữ thần Lê Mẫu kể ở trên. Trước khi bước tới “Kỷ Nguyên Thương Mại”. Giao Chỉ là nơi đến được ưa chuộng nhất đối với các người tỵ nạn và di dân Trung Hoa. Thí dụ khi quân Mông Cổ xâm lăng Đại Việt, họ đã bắt giữ hơn 400 người tỵ nạn là các viên chức nhà Tống, vì thế chắc chắn còn có nhiều thường dân Trung Hoa hơn nữa. Người Chàm và Lào cũng có thể có một sự hiện diện đông đảo tại Đại Việt, dẫn đến việc nhà Trần ban bố nhiều lần các sắc dụ ngăn cấm sự phát âm tiếng Chàm và tiếng Lào, cùng với việc mặc quần áo theo kiểu Trung Hoa (71).

Bãi mậu dịch ở Qinzhou cũng là địa điểm từ đó hoàng tộc nhà Trần mở đường vào Việt Nam, theo một thần thoại thời nhà Tống. Câu chuyện nói rằng vị vua đầu tiên nhà Trần là một người đến từ vùng Changle, tỉnh Phúc Châu, kẻ đánh bạc mất hết của cải của gia đình và đi lang thang đến khu vực Qinzhou. Bởi các nhà quý tộc của Việt Nam thường đến đây để mua bán, anh ta đã gặp cô cháu gái của vị hoàng đế, kẻ đã ngả lòng yêu và lấy anh ta. Trong khi câu chuyện này nghe giống như một truyện thần tiên, nó xác nhận sự tường thuật của các biên niên sử Việt Nam về nguồn gốc chủng tộc của gia tộc nhà Trần, theo đó vị hoàng đế đầu tiên là hậu duệ đời thứ tư của các người di dân đến từ Phúc Kiến (72). Nó cũng chứng thực bằng cớ từ quyển Lingwai daida rằng mậu dịch thực hiện tại khu vực Qinzhou liên hệ đến khối lượng tiền của to lớn và rằng giới thượng lưu Việt Nam có tham dự vào trong đó.

Căn cơ Trung Hoa nguyên thủy của nhà Trần là điều được hay biết rộng rãi và nhìn nhận một cách công khai bởi các nhà chép sử người Việt trong bộ Toàn Thư. Câu hỏi là, gia tộc nhà Trần đã vươn lên một cách cá biệt và ngẫu nhiên, như được hiểu cho đến nay, hay họ đã dựa trên chính mạng lưới các đồng minh của riêng họ? Nếu ở vào trường hợp kể sau, đó là những loại đồng minh nào? Các học giả đã đồng ý rằng sự linh động của các hệ thống chính trị và xã hội đã phụ lực cho sự trổi dậy của nhà Trần. Chúng ta cũng nhìn thấy rằng một nhà lãnh đạo thành công ở Đông Nam Á là kẻ đã vươn cao từ một nhóm các thủ lĩnh cạnh tranh nhau hay các kẻ thuộc giới thượng lưu đặt căn bản trên đất đai, mỗi người đều có một mạng lưới các đồng minh của chính mình. Trong bối cảnh này, điều đáng nêu câu hỏi là liệu vùng mậu dịch Vịnh Bắc Việt có cung cấp một đấu trường trong đó nhà Trần có thể nổi dậy một cách thành công lên trên các kẻ cạnh tranh hay không. Có vẻ sự việc là như thế (73). Các học giả người Việt Nam gần đây có vạch ra rằng căn bản kinh tế của gia tộc nhà Trần, bao gôm ngư và nông nghiệp, đã giúp nó đoạt được ngôi vua (74). Quan điểm này nhìn nhận rằng các lãnh vực kinh tế khác hơn công nghiệp đã tham dự vào việc định hình lịch sử Việt Nam, cũng như nhấn mạnh đến vai trò sinh tử của biển trong sự nổi dậy của nhà Trần. Đặt triều đại của họ vào lại căn bản lịch sử của nó, chúng ta tìm thấy một gia đình con cháu người Phúc Kiến kiếm sống từ biển và đã kết hôn cùng với hoàng gia nhà Lý nhờ ở sự giàu có của họ. Đây là khuôn mẫu thông thường trong lịch sử của các xứ sở khác ở Đông Nam Á. Đặt nhà Trần vào trong khung cảnh chính trị của họ cũng nhắc nhở chúng ta về tổ tiên Trung Hoa của Trần Quốc Tuấn, một anh hùng dân tộc hàng đầu của Việt Nam, được đề cập như “người Cha” trong một bản dân ca Việt Nam (75). Tất cả điều này giúp thu hồi được các cảm nghĩ bị câm lặng về nơi chốn và gốc gác làm phức tạp và phá hủy câu chuyện trắng đen đơn giản của lịch sử mang nặng chủ nghĩa dân tộc.


Kết Luận

Cuộc thảo luận trên nêu ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời ở một mức độ làm thỏa mãn được các học giả sắc bén. Trong khi cái nhìn của chúng tôi từ biển vào phóng chiếu ra sự ngờ vực nghiêm trọng về mô thức nông nghiệp Trung Hoa trên nền kinh tế chính trị và tình trạng chủng tộc của Việt Nam thủa ban đầu, và đã đẩy Đại Việt lại gần hơn phần còn lại của Đông Nam Á, điều mà chúng ta nhìn thấy không gì khác hơn các điểm chấm phá đứt đoạn trên bờ biển, chứ không phải là một cấu trúc hòan chỉnh. Chúng ta nhìn thấy các dây liên kết trải dài từ bờ biển này đến bờ biển kia tại Vịnh Bắc Việt, cũng như giữa Vịnh và quần đảo và xa hơn nữa, song chúng ta hiểu biết một chút điều quý báu ở trình độ trung gian – về việc làm thế nào mà sự sản xuất đồ gốm đã được tổ chức, mối quan hệ của nó với sự vươn lên của một thị trường đại chúng và sự sụp đổ của khu mậu dịch có thời thịnh đạt này.

Song cái nhìn từ biển vào hữu dụng trong việc phá bỏ các biên cương. Sự thiết lập các biên giới hiện đại và nền học thuật mang nặng chủ nghĩa dân tộc chú tâm vào các phần riêng biệt và được xác định rõ rệt trong các lịch sử quốc gia (chẳng hạn như thời nhà Đường, nhà Tống, và nhà Minh) hay về các thực thể cá biệt như Trung Hoa, Việt Nam, Chàm v.v… đã để lại cho chúng ta một Giao Chỉ Dương, nói theo phép ẩn dụ, như một tảng băng kiên cố dầy đặc. Điều trở nên khó tưởng tượng rằng những thực thể mang vẻ riêng biệt này, trước khi trôi giạt xa nhau, đã phát sinh từ cùng một giải băng hà hay một phiến đá, và vì thế đã liên kết với nhau từ lúc sinh ra. Một cái nhìn từ biển, như được phác họa nơi đây, phát hiện rằng làm sao mà các lịch sử dân tộc lại có thể che dấu đi các động lực toàn vùng trên đó các quốc gia đã được thành lập sau này./-

_____


CHÚ THÍCH:

1. Để có một cái nhìn tái xét có hệ thống về vị thế của Đại Việt thủa ban đầu ra sao trong các mạng lưới mậu dịch vùng Biển Nam Hải, xem bài của Momoki Shiro, “Đại Việt và Mậu Dịch vùng Biển Nam Hải từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15”, Crossroads, 12, 1 (1998): 1-34; và của Christopher Goscha, “The Borders of Vietnam‘s Early Wartime Trade with Southern China; A Contemporay Perspective”, Asian Survey, 40, 6 (2000); 987-1018. Một lập luận hùng biện về tầm quan trọng của biển được tìm thấy trong bài của Charles Wheeler, trong cùng số tạp chí này.

2. Dưới đây là sự nguy hiểm của đường biển tại Vịnh Bắc Việt dưới mắt nhìn của Cao Biền (Gao Pian): “Ông phải vứt bỏ niềm hy vọng sống sót trở về, ngay khi ông vừa bước chân lên thuyền [tại khu này]; “Gao Pian kai hailo”, của Sun Guangxian, Beimeng suoyan, được thu thập trong quyển Congshu jicheng chubian (Shanghai: Shangwu, 1936), quyển 2, trang 9. Về Mã Viện, xem “Tianwei jịngxinzao haipai pei”, của Phan Văn các và Claudine Salmon, trong quyển Epigraphie en chinois du Viet nam: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Paris and Hanoi: École Francaise d’Extrême orient and Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, 1998), các trang 33-40.

3. Ouyang Xiu và các tác giả khác, Tân Đường thư (Xin Tangshu) (Beijing: Zhonghua Shulu, 1975), quyển 43, các trang 1151-2. Maspero nghĩ rằng đường trên đất liền đi ngang qua Đèo Keo Nua [?] sang Lào, trong khi Đào Duy Anh tin rằng nhiều phần từ khu vực Quỳ Hợp; Quỳ Hợp là điểm tiếp xúc quan trọng nhất giữa Việt Nam và Lào qua nhiều thế kỷ. Xem Đào Duy Anh, Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1964), trang 198. Các liên hệ với Trung Hoa của miền Trung Việt Nam thì sâu đậm đến nỗi tác giả John Whitmore và các học giả khác nghĩ rằng đã khởi dậy một văn hóa mở rộng cửa cho thế giới Trung Hoa hơn là vùng kinh đô (Whitmore, “The Rise of The Coast”, trong cùng số tạp chí này).

4. Roderich Ptak, “Jottings on Chinese sailing routes to Southeast Asia, especially on Eastern Route in Ming times”, trong quyển China, The Portuguese, and The Nanyang (Aidershot, Hants: Ashgate, 2004), p. 109. Một điều cần ghi nhớ về vị trí của miền trung Việt Nam trên Con Đường phía Tây là sự kiện rằng trong nỗ lực đầu tiên của Đế Quốc La Mã để thiết lập các sự tiếp xúc hàng hải với Trung Hoa trong thế kỷ thứ nhì sau Công Nguyên, các quà tặng được gửi đến bởi các sứ giả của Hoàng Đế Marcus Aurelius Antonious bao gồm “ngà voi, sừng tê giác và mu rùa”, tất cả đều là các sản vật tiêu biểu của miền trung Việt Nam vào lúc đó; Wang Gungwu, The Nanhai Trade: The Early History of Chinese Trade in the South China Sea (Singapore; Times Academic Press, 1998), trang 25.

5. Kenneth Hall, Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia (Honolulu: University of Hawaii Press, 1985), trang 184; Hall ức đoán rằng các nhà mậu dịch Việt Nam đã dùng con đường sông Cửu Long để đến Căm Bốt, từ Nghệ An xuyên qua đèo Hà Trai [?] và xuôi nam theo sông Cửu Long (trang 173). Về việc triều cống, xem Momoki, “Đại việt”, trang 15.

6. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (từ giờ trở đi viết tắt là TT), do Trần Kính Hòa (Chen Chingho) biên tập (Tokyo: Keio University, 1984), Ngoại Kỷ, 1: 9b. Tầm quan trọng của liên hệ sông-biển của các miền bắc và miền trung được hỗ trợ bởi các cuộc nghiên cứu về lụch sử nhân chủng Việt Nam. Phần lớn các trung tâm mua bán trâu bò quan trọng đều tọa lạc tại Nghệ An, và chợ lớn nhất vùng nằm ở quận Nghi Lộc, gần Vinh, tỉnh lỵ. Trâu bò có vẻ đã được chở bằng thuyền buồm từ Lào trên con sông Cả đến chợ trên bờ biển trước khi được vận tải về Châu Thổ sông Hồng. Các thuyền buồm mang trở về các bình đất nung lớn, được sản xuất tại vùng Châu Thổ; Nguyễn Đức Nghinh, “Markets and Villages”, trong quyển The Traditional Village in Vietnam [Làng Truyền Thống tại Việt Nam?], biên tập bởi Phan Huy Lê (Hà Nội: thế Giới, 1993), các trang 324-5.

7. Wang, Nanhai Trade, các trang 4-5, 12, 21.

8. Một sự thảo luận chi tiết về các nguồn tài liệu chữ Hán chính yếu trên đề tài này ở trong bài của Li Tana, “The Rise and Fall of the Jiaozhi Ocean”, tham luận tại kỳ hội thảo quốc tế về Không Gian Hàng Hải Trong Các Nguồn Tài Liệu Trung Hoa Cổ Xưa (Maritime Space in Traditional Chinese Sources, Munich, 25-26 February 2005. Sự chỉ dẫn rõ ràng nhất về vị trí của Giao Chỉ Dương được tìm thấy quyền Lingwai daida: “Con Đường [đến Trung Hoa] từ Srivijaya đi theo hướng Bắc-Bắc, chạy qua các đảo Thương và Hạ Zhu và Giao [chỉ] Dương. Những người đến Quảng Châu sẽ tiến vào qua ngã Tunmen, và những kẻ đi dến Quanzhou (Tuyền Châu?) sẽ theo ngã Jiazimen”; Zou Qufei, Lingwai daida (Beijing: Zhonghua Shuju, 1998, trang 126. Ngoại diện của chính từ ngữ hậu thuẫn cho lập luận trung tâm của Whitmore trong bài nghiên cứu của ông “Sự Trổi Dậy Của Vùng Duyên Hải: The Rise of the Coast” rằng nước Đai Việt thời nhà Lý, cũng như Angkor và Pagan, đã hướng đến vùng thượng nguồn trong lãnh thổ của nó cho mãi đến thế kỷ thứ mười ba, khi công cuộc mậu dịch của nhà Tống dẫn đến một sự di chuyển ra bờ biển và sự thay đổi quan trọng tại quốc gia Việt Nam.

9. Fan Chengda, Guihai yuheng zhi jiaobu, biên tập bởi Qi Zhiping (Nanning: Guangxi Minzu Chubanshe, 1984), trang 53.

10. Zhou, Lingwai daida, trang 270; Zhao Rukua, Zhufanzhi (Hongkong: Hong Kong Univerdity Press, 2000), trang 3.

11. TT, Bản Kỷ, 3: 13a; tất cả các sự tham chiếu kế tiếp từ quyển niên sử này đều thuộc phần Bản Kỷ, trừ khi được ghi nận một cách khác.

12. Muốn có các thí dụ về tương giao giữa Trung Hoa và Đại Việt, xem Xu zzizhi tongjian changbien, trong Wenyuan ge siku quanshu, History 160, quyển 9 (Taipei: Shangwu press, 1982, sách in lại); và Xu Song, Song huiyao jiyao (Beijing: Zhonghua Shuju, 1957, sách in lại), cho các năm 1059, 1070, 1084 và 1086. Các người nô lệ Trung Hoa trong quân đội Việt Nam được đề cập trong Xu zizhi, quyển 349, năm 1089.

13. James K. Chin, “Ports, Merchants, Chieftains and Eunuchs”, trong quyển Guangdong Archaeology and Early Texts, biên tập bởi Sging Muller và các tác giả khác (Wiesbaden: Harrassowitz, 2004), trang 228.

14. Thí dụ xem George Coèdes, The Indianized States of Southeast Asia, biên tập bởi Walter F. Vella và phiên dịch bởi Susan Brown Cowing (Honolulu: East-West Center Press, 1968), trang 44; và D. G. E. Hall, A History of Southeast Asia, ấn bản lần thứ 3 (London: Macmillan, 1968), trang 30. Một tác phẩm ngoại lệ của George Maspero, Le Royaume de Champa (Paris and Brussels: G. Vanoest, 1928), trang 55. Câu chuyện của Fan Wen (Phạm Văn) được ghi trong Shujing zhu (Shanghai: Shangwu, 1936), quyển 36.

15. Zhou, Lingwai, quyển 2, trang 57.

16. Wang Gungwu, Nanhai Trade, các trang 19-20, có đề cập đến phẩm chất của ngọc trai. Rằng các việc ngọc trai to lớn đến từ những nơi bên ngoài Vịnh Bắc Việt cũng được trình bày trong các biên niên sử của Việt Nam, trong đó có ghi rằng trong năm 1066 một thương nhân người Java có mang đến “một viên ngọc sáng rực lên trong đêm tối” (dạ quang châu trong tiếng Hán) và rằng triều đình nhà Lý đã trả vài xâu chuôi 10,000 đồng để mua viên trân châu này (TT, 3: 4a). Sự kiện này hẳn đã khích lệ nhiều thương nhân hơn nữa đến mua bán trong khu vực.

17. Song huiyao jigao, quyển 8116, trang 1; Dongxi yangbao (Beijing: Zhonghua Shuju, 1981), trang 15. Ngựa chắc hẳn phải có nhiều tại Giao Chỉ nếu cả người dân thường cũng dùng chúng để di chuyển. Trong năm 1128 triều đình nhà Lý có ban dụ cấm dân chúng cỡi ngựa, như một cử chỉ để quốc tang cho vị Hoàng Đế vừa từ trần, Lý Nhân Tông; Việt Sử Lược (Yue Shilue) (từ giờ trở đi viết tắt là VSL), 3: 1a, trong Congshu Jicheng (Shanghai: Shangwu: Yinshuguan, 1936), trang 47.

18. Các con ngựa đã là một phương tiện để trả thuế tại các huyện dọc theo biên giới Hoa-Việt; Gu Zuyu, Dushi fangyu jiyao (Beijing: Zhonghua Shuju, 1955, in lại), quyển 111, các trang 4513, 4527.

19. Kim Hoa Bộ [?] tức huyện Quảng Uyên [?] ngày nay tại tỉnh Cao Bằng, trong khi Vi Long Châu là huyện Chiêm Hóa ngày nay tại tỉnh Tuyên Quang; vị trí của Do Lang [Đô Lương?] không rõ ở đâu (Đào Duy Anh, Đất Nước Việt Nam, các trang 92 và 189). Biến cố năm 1012 ghi trong TT, 2: 6a; về cuộc đột kích năm 1008, xem VSL, 1: 22a. Một sự tham chiếu khác có ghi rằng trong năm 1006, châu Vị Long có dâng tặng một con lừa màu trắng lên vua Lê Ngọa Triều (TT, 1: 28b).

20. Một vài trường hợp các công chúa nhà Lý gả cho các thổ tù châu Vị Long được nói tới: 1036 (TT, 2: 24b), 1082 (TT, 3: 11a) và 1180 (VSL, 3: 10a). Cũng xem, Các and Salmon, Épigraphie en chinois, trang 93.

21. Lingwai daida, quyển 10 (Man su), trang 416.

22. Whitmore, “Rise of the Coast…”; xem VSL, 3: 17b về Đại Hoàng [?] (phía tây Nam Định và phía bắc Ninh Bình) và 3: 18b về Đằng châu và Khoái châu (Hưng Yên). Về vị trí của các khu vực này, xem Đào Duy Anh, Đất Nước Việt Nam, các trang 91-3.

23. Chính sách của Li Zhou được đề cập tới trong TT, Ngoại Kỷ, 5: 8b-9a. Cũng xem Keith Taylor. The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983), các trang 240-1; Edward Schafer, The Vermillion Bird (Berkeley: University of California Press, 1967), trang 67; và John K. Whitmore, “Colliding peoples: Tai/Viet Interactions in the 14th and 15th centuries”, tham luận trình bày tại Association of Asian Studies, San Diego, 2000. Các con đường và khoảng cách chi tiết của mỗi nơi giữa An Nam và Vân Nam được ghi trong Man Thư (sách về giống dân man rợ ở phương nam). Fan Chuo, tác giả quyển sách, cũng là một quan chức tại An Nam Đô Hộ Phủ đã mất toàn thể gia đình trong cuộc tấn công Nam Chiếu năm 863; Fan Chuo, Manshu (Beijing: Zhonghua Shuju, 1962), các trang 1-10.

24. Song huiyao jigao, trang 7735.

25. TT, 3: 4a.

26. Wang, Nanhai Trade, trang 30.

27. TT, Ngoại Kỷ, 3: 10a-b.

28. Bức thư năm 1267 có trong sách của Lê Trắc, An Nam Chí Lược [Lịch Sử Tóm Luợc Của An Nam] (Huế: Viện Đại Học Huế, 1961), quyển 1, trang 33; sự trao đổi năm 1268 trong Nguyên Sử (Yuanshi; Sử nhà Nguyên] (Beijing: Zhonghua Shuju, 1976), quyển 209, các trang 4635-6. Từ ngữ “Hồi Hồ hay Hồi Hột [?]” trong hầu hết các tài liệu chữ Hán để chỉ vương quốc và sắc dân Uighur [Duy Ngô Nhĩ?] tại vùng Tân Cương ngày nay, nằm trên Con Đường Tơ Lụa. Tuy thế, một cuộc truy tầm sâu rộng tuyển tập Siku Quanshu cho thấy nhiều nguồn tài liệu từ thời nhà Nguyên [Mông Cổ], từ ngữ này đặc biệt để chỉ các thưong nhân theo Hồi Giáo đến từ vùng Trung Đông; đây chính là lúc mà từ ngừ “Huiho: Hồi Hồ” đã xuất hiện nhiều lần trong các tài liệu về Việt Nam. “Haihu [sic, phải là Huihu?]” có thể là người Uighur, người Khorezm hay người Thổ theo Hồi Giáo và các dân khác đến từ vùng Trung Đông; tôi xin cám ơn Igor de Rachewiltz, một học giả có thẩm quyền về lịch sử nhà Nguyên, về sự giúo đỡ của ông về từ ngữ này.

29. “(Trong năm 1274), người Tống sang Đại Việt. Họ đến trong 30 chiếc thuyền chuyên chở bảo vật và gia đình của họ và được phép định cư tại Phố Tuân Phương, Thăng Long. Họ tự gọi mình là “Hồi Kê” (âm tiếng Hán là “huji: Con Gà Trở Về). Sở dĩ có điều này vì chúng ta gọi nước Tống là “Kê Quốc” [“Jiguo: nước có con gà”], bởi vì họ có đồ thêu và thuốc để bán và họp thành chở” (TT, 5: 34a). Các nhà biên tập ấn bản năm 1993 tập biên niên sử này nêu ý kiến rằng “Huji: Hồi kê” phải là “Huihu: Hồi Hột”, và tôi [tác giả] hoàn toàn đồng ý với giả thuyết này; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển II, (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1993), trang 39. (*c)

30. TT, 5: 32a. Các nhà vua triều Lý trong thế kỷ thứ mười hai được ghi chép mặc trên thân áo màu vàng và phần bên dưới màu tím, với trâm bằng vàng cài trên tóc. Các đàn ông còn lại mặc đồ đen, với trâm cài tóc bằng bạc hay sắt, trong khi các phụ nữ ưa thích mặc áo màu xanh lục và váy đen; Fan, Guihai yuheng zhi, trang 52. Áo choàng màu trắng trong khung cảnh này có thể trong thực tế là một y phục hoàn toàn khác lạ để đánh dấu dịp này.

31. TT, 6: 19b (1304), 6: 27b (1311), 6: 1b (Trần Quang Khải), 7: 2a-b (Trần Nhật Duật).

32. Fan, Guihai yuheng zhi, trang 10.
33. Câu huyện về Li Mu là của Liu Yi, trong tập Ping Li ji (Ghi Nhận về việc bình định dân Lê), được trích dẫn trong Zhufanzhi buzhu [Các chú giải mới cho Zhufanzhi), biên tập bởi Han Zhenhua (Hongkong: Hong Kong University Press, 2000), trang 459; cũng xem Wang Shixing, Guangzhi yi (Notes on the Guang) (Beijing: Zhonghua Shuju, 1981, sách in lại), trang 104. Theo một tài liệu thời cuối thế kỷ thứ mười bẩy, “gỗ trầm sinh ra tại xứ Chàm không tốt bằng gỗ trầm ở Chân Lạp, và gỗ trầm của Chân Lạp không tốt bằng gỗ trầm tại khu dân Lê trên đảo Hải Nam. Trong khu vực dân Lê, gỗ trầm tại phía đông núi Lê Mẫu (Li Mu) có phẩm chất tốt nhất trên toàn thế giới”; Zhou Jiazhou, Xiangcheng (Về Hương Liệu), được thu thập trong quyển Qianlu (Về Tiền Tệ) (Shanghai: Shanghai Guji Chubanshe, 1991), trang 356.

34. Biên tập bởi ông Han, Zhufanzhi, quyển 2, trang 443. Gồ trầm từ Hải Nam thường được đổi lấy trâu bò trong thời nhà Tống với tỷ số một dan [?] (60 kg) lấy một con (Fan, Guihai yuheng zhi, trang 10). Các du khách từ Đại Việt đến Hải Nam được đề cập trong Qu Dajun, Guangdong xinyu (Bình luận mới về Quảng Đông) (Guangzhou: Guangdong Renmin Chubanshe, 1991), quyển 8, trang 242.

35. Zhou, Lingwai daida, các trang 196-7.

36. Về các nhà mậu dịch Hồi Giáo, xem Pierre-Yves Manguin, “The Introduction of Islam into Campa”, Journal of the Malaysian Branch of the Royal Asiatic Society, 58, 1 (1995): 1. Điều không rõ rệt là các thương nhân “Chàm” được đề cập trong bối cảnh Trung Hoa khác biệt đến mức độ nào so với các nhóm từ Ba Tư và Ả Rập. Có hai fanfang [? phường dành cho ngoại kiều cư trú, chú của người dịch] tại Yaizhou. Trong Yaizhou zhi [Địa Phương Chí về Nhai Châu) chúng ta thấy nhận xét rằng “người dân địa phương ở đây có gốc gác từ xứ Chàm. Họ đến dưới các thời nhà Tống và nhà Nguyên bằng thuyền và đã định cư dọc bờ biển, [các nơi định cư của họ được gọi là “fancun” [?] và “fanpu”[?]; Yaizhou zhi, quyển 8, trong Gugong zhenben congkan (Taipei: Palace Museum, 2001), quyển 194, trang 136.

37. Roderich Ptak, “Hainan‘s Position in Maritime Trade, c. 1000 to 1550”, tham luận trình bày tại hội nghị về Trung Hoa và Đông Nam Á: The Changing Links Through History, Centre of Asian Studies, University of Hong Kong, 19-21 July 2001.
38. Manguin, “Introduction of Islam”, trang 3; về phả hệ của Pu, xem Luo Xianglin, Pu Shougeng zhuan [A Biography of Pu Shougeng) (Taipei: Zhonghua Wenhua Chuban Shiye Weiyuanhui, 1965), các trang 2-3.

39. Chang Pin-tsun, “The Formation of a Maritime Convention in Minnan (southern Fujian), c. 900-1200” trong tập “From Mediterraanean to the China Sea: Miscellaneous Notes,” biên tập bởi Claide Guillot, Denys Lombard và Roderich Ptak (Wiesbaden: Harrassowitz, 1999), các trang 148-50, 153. Nằm giừa xứ Chàm và bắc [?] Đại Việt, Nghệ An cũng có thể có các quan hệ mật thiết với cả Chàm lẫn Hải Nam. Tác giả Christopher Goscha báo cáo rằng “cho đến ngày nay, cộng đồng ngư phủ người Hải Nam sống trên đảo Bạch Long Vĩ (Bailongwei) tại vịnh Bắc Việt, giữa Hải Phòng và Hải Nam, nói tiếng Việt và tiếp tục mua bán với miền trung Việt Nam. Các nhà mậu dịch bằng thuyền buồm của Hải Nam từ lậu đặc biệt can dự vào ngành buôn bán quế với miền trung Việt Nam”; xuyên qua Nghệ An, mạng lưới của họ cũng mở rộng tới Lào. Xem Christopher Goscha, “The Maritime Nature Of the Wars for Vietnam (1945-1075)”, tham luận trình bày tại The Fourth Triennial Vietnam Symposium, Texas Tech University, 11-13 April 2002.

40. Hall, Maritime Trade, các trang 320-1. Về Một sự phê bình tuyệt hảo truyền thống sử ký theo Khổng học, xem Shawn McHale, “Texts and Bodies”: Refashioning the Disturbing Past of Tran Vietnam (1225-1400), Journal of Economic and Social History of the Orient, 42, 4 (1999): 495-516.

41. Có kèm chữ Hán, được viết bởi (có kèm chữ Hán) và (có kèm chữ Hán), Temasek (Todáys Singapore) được viết bởi (có kèm chữ Hán).

42. Thơ Văn Lý Trần, quyển III (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1978), trang 245.

43. Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ (Classified alk from The Study) (Sàigòn: Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, 19720 1: 32a-b. Ông Đôn đang trích dẫn Qu, Guangdong xinyu, trang 38.

44. Feng Xianming, Zhongguo gutaoci wenxian jishi (Tuyển tập chú giải các tài liệu lịch sử về đồ gốm Trung Hoa cổ xưa), tập I (Taipei: Yishujia, 2000), trang 142, cho Guangxi.

45. Ian Mabbett, “Buddhism in Champa”, trong quyển Southeast Asia in the 9th to 14th Centuries, biên tập bởi David marr và Anthony C. Milner (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1986), trang 292.

46. Whitmore, “Elephants can Actually Swim”, trong sách biện tập bởi David Marr and Milner, Southeast Asia …, tran 130; Momoki, “Đại Việt”, các trang 11-12.

47. “Cuộc cách mạng thường mại” được thảo luận bởi Mrk Elvin trong quyển The Pattern of the Chinese Past (Stanford: Stanford University press, 1973); về sông Bạch Đằng, xem Đào Duy Anh, Đất Nước Việt Nam, trang 37.

48. Victor Lieberman, Strange Parallels: Southeast Asia in Global Context, c. 800-1830, quyển 1: Integration On the Mainland (Cambridge and new York: Cambridge University Press, 2003), trang 368, trích dẫn một bản thảo chưa được ấn hành của Sakurai nhan đề ‘Vietnam after the Age of Commerce”.

49. Roxanna Brown, The Ceramics of South-East Asia (Singapore: Oxford University Press, 1988), các trang 28-9; John Stevenson and John Guy, Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition (Chicago: Art Media Resources, 1997), trang 54. Các đồ gốm này được bảo tồn trong các sưu tập hoàng gia cùng với các đồ dùng của Trung Hoa thời nhà Nguyên và đầu thời Minh, vốn tạo thành khối lượng lớn lao trong các sưu tập này. Về Gò Sanh, xem “Champa Ceramics Production and Trade – Excavation Report of the Go Sanh Kiln Sites in Central Vietnam, biên tập bởi Yogi Aoyagi và Gakuji Hasebe (Tokyo: Study Group of Go Sanh in Central Vietnam, Tokyo University of Foreign Studies, 2002), các trang 8-9. Tôi xin cám ơn tác giả Momoki đã lưu ý tôi về nguồn tài liệu này.

50. Brown, Ceramics of South-East Asia, trang 23; Stevenson and Guy, Vietnamese Ceramics, trang 58.

51. ACRO Update, biên tập bởi Hu Chuimei (Chicago, 1996), số 1, trang 3, được trích dẫn trong sách nêu trên, trang 56; Geoff Wade, “On The Possible Cham Origin of the Philippine Scripts”, Journal of Southeast Asian Studies, 24, 1 (1993): 44-87.

52. Nguyễn thừa Hỷ, Thăng Long – Hà Nội, Thế Kỷ XVII – XVIII – XIX (Thăng Long - Hà Nội from the 17th to 19th centuries) (Hà Nộị: Hội Sử Học Việt Nam, 1993), các trang 230-48. Cũng xem, văn khắc bia của các thương nhân Hải Dương đặt trụ sở tại phố hàng Đào, Hà Nội, trong Tuyển tập văn Bia Hà Nội (Collections of Inscriptions in Hanoi) (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1978), tập II, các trang 146-8. Về phố hàng Đồng và hàng Bạc, xem Nguyễn Vĩnh Phúc và Trần Huy Bá, Đường Phố Hà Nội (Hanoi Streets) (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Hà Nội, 1979), các trang 135-9. Gia đình người thợ vàng được đề cập trong một bản tường trình trên băng tần truyền hinh Việt Nam số 3, ngày 30 tháng 4, năm 2004.

53. Yuenan Lishi (Beijing: Renmin Chubanshe, 1977), trang 212.

54. He Xiling và các tác giả khác, Daoguang Fuliang xianzhi (Địa phương Chí huyện Fuliang, tỉnh Giang Tây), quyển 8, các trang 37-43, được trích dẫn trong Zhongguo jindai shougongye ziliao (Các nguồn tài liệu chính về lịch sử các ngành thủ công nghệ tại Trung Quốc hiện đại), tập I (Shanghai: Sanlien Press, 1957), các trang 19-24. Trong thời nhà Minh, Jingdezhen (Cảnh Đức Trấn), thủ đô đồ gốm của Trung Hoa, được nói là có cả gang trăm ngàn người làm việc ngày đêm. Hồi đầu thập niên 1990, tại Hải Dương, các học giả Việt Nam đã khai quật một khu vực rộng 40,000 mét vuông với chiều sâu xuống 2 mét, nơi họ tìm thấy hơn 100 nền lò nung với hàng chục nghìn các chế tạo phẩm quý giá. Tại một làng khác gần đó, họ tìm thấy các mảnh đồ gốm còn lại trên một khu vực dài 1500 mét và sâu xuống 2 thước, nơi phát triển dưới thời nhà Trần và đầu thời Lê như một trung tâm đồ gốm; Vũ Ngọc Khánh, Làng Cổ Truyền Việt Nam (Ancient Vietnamese Villages) (Hà Nội; Thanh Niên, 2004), các trang 227-8. Ngôi làng ngày nay chỉ còn sản xuất gạo và kỹ thuật chế tạo đồ gốm đã thất truyền trong nhiều thế kỷ (trang 232).

55. Về các đền chùa, xem Đỗ Văn Ninh, Huyện Đảo Vân Đồn (Mysterious Vân Đồn Island) (Vân Đồn: Ủy Ban Nhân Dân Huyện, 1997), các trang 177-99. các đồ gốm tìm thấy trong một chiếc thuyền bị đắm ở Hội An ngoài khơi Cù lao Chàm được tin là từ Chu Đậu, được vận tải bởi các thuyền đi sông đến Vân Đồn hay một vài hải cảng thuộc vịnh Bắc Việt, sau đó được chuyển sang các thuyền buồm đi biển đang chờ đợi; A Sunken Ship at Hội An: Treasures from the Hội An Hoard (Butterfield, 2000), trang x.

56. Momoki, “Đại Việt …”, các trang 2-3.

57. Kishimoto Mio, “The Nanhai Trade and the Structure of the Qing Economy During The 18th Century”, Biên bản kỳ Hội Nghị Lần thứ 13 của Hiệp Hội Quốc Tế các Nhà Sử Học về Á Châu, 1994, trang 2.
58. Wang, Nanhai Trade, các trang 48-53.

59. Tôi cảm ơn tác giả Victor Lieberman (thông tin cá nhân) về việc làm nổi bật điểm quan trọng này; về vai trò kinh tế của các ngôi chùa xem tác phẩm của ông, Strange Parallels, các trang 95-6; và Richard O’Connor, “Sukhothai: Rule, Religion and Elite Rivalry”, trong tập The Ram Khamhaeng Controversy, biên tập bởi James Chamberlain (Bangkok: Siam Society, 1991), các trang 288-91.

60. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kư, và Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam (Buddhist Temples) (Hà Nội: Social Sciences Publishing House, 1993), các trang 206-19 (Trúc Lâm) và 110 (Quỳnh Lâm). Trong năm 1329 không thôi, các danh gia nhà Trần đã đúc 1300 tượng Phật, và trong năm 1324 họ có đúc 1000 tượng khác nữa; Khảo Cổ Học Việt Nam [Archaeology in Vietnam], biên tập bởi Hà Văn Tấn, tập III (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2002), trang 150.

61. Wang, Nanhai Trade, trang 48.

62. Michael Vickery, “Cambodia and its neighbours in the 15th century”, Working Paper no. 27, Asia Research Institute, Singapore (2004), p. 6 (
http://www.ari.nus.edu.sg/docs/wps/wps04_27.pdf); Mabbett, “Buddhism in Champa”, trang 304.

63. Whitmore, “Rise of the coast”; sự mô tả về khu vực Thiên Trường lấy từ Lê Trắc, trong An Nam Chí Lược, quyển 1, trang 19. Về nguồn gốc duyên hải nhà Trần, xem, thí dụ, TT, 6: 7a.

64. Momoki Shiro, “A Short Introducion to Campa Studies”, trong tập The Dry Areas in Southeast Asia: Harsh or Benign Environment, biên tập bởi Fukui Hayao (Kyoto: Centre for Southeast Asian Studies, Kyoto University, 1999), trang 70. Trong một khung cảnh Đông Nam Á, mô thức dọc theo sông nguyên thủy đã được áp dụng cho Srivijaya và Champa; xem Hall, Maritime Trade, đặc biệt chương 4 và các trang 190-3.

65. Lieberman, Strange Parallels, trang 367, ghi nhận sự chú ý của triều đình Việt đến các vị thần và tín ngưỡng kiểu Ấn Độ. Tôi có được sự hiểu biết về khảo cổ học về Chàm trong một cuộc thăm viếng hiện trường tại miền trung Việt Nam trong năm 1998 cùng với một toán nghiên cứu được tổ chức bởi Giáo Sư Fukui Hayao, người mà tôi tri ân nhất. Tôi cũng xin cám ơn các ông Momoki và Nguyễn tiến Đông [?] về sự soi sáng của họ trên vấn đề này, và Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam về việc chấp thuận cho tôi thăm viếng một đia điểm khai quật tại Hà Nội trong tháng Năm năm 2004.

66. Các khu vực này nằm giữa các tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Hưng Yên ngày nay; xem VSL, 3; 17b, 18b.

67. Zhou, Lingwai daida, trang 196; Mao Qiling, Mansi hezhi [Một Tường Trình Đầy Đủ Về Các Sắc Dân Man Di và Các Định Chế của Họ], trong tập Siku quanshu cunnu congshu, History 227 (Taipei: Zhuangyan Wenhua Shiye, 1996), quyển 15, trang 698.

68. Vũ Tư [?] Lập và các tác giả khác, Văn Hóa và Cư Dân Đồng Bằng Sông Hồng [Culture and Inhabitants of the Red River Delta] (Hà Nội; Khoa Học Xã Hội, 1991), trang 160; Đại Nam Nhất Thông Chí [Gazetteer of Đại Nam], tập III (Huế: Thuận Hóa, 1992), trang 334.

69. Yan Congjian, Shuyu zhouzi lu [Ghi Nhận Về Các Nước Chung Quanh] (Beijing: Zhonghua Shuju, 1993, bản in lại), trang 223; tham chiếu sự phát biểu của Mạc Kinh Thư [?] gửi các viên chức nhà Thanh rằng “tổ tiên tôi người làng Chaxiang, huyện Dongguan, tỉnh Quảng Đông” (Beijing National Archives No. 1, tập 7775, số 25).

70. Yaolu [Ghi Nhận Về Sắc Dân Yao], quyển 69, được trích dẫn trong Gudai Zhong-Yue guanxishi ziliao xuanbian [Các nguồn tài liệu chính về các quan hệ lịch sử Trung-Việt] (Beijing: Zhongguo Shehui Kexue Chubanshe, 1982), các trang 242-3.

71. TT, 7: 41b; Lieberman, Strange Parallels, trang 362. Cuộc xâm lăng của Mông Cổ được ghi trong Yuanshi (Nguyên Sử), “An Nam”, quyển 209. Bức tranh đa chủng tộc này tương tự như hình ảnh ngày nay tại Châu Thổ sông Cửu Long, nơi mà người dân Việt Nam cùng sinh sống với người Khmer, Cham, và Trung Hoa, và chia sẻ các vũ trụ quan văn hóa khác biệt nhau một cách đáng kể; Philip Taylor, “The Ethnicity of Efficacy: Vietnamese Goddess Worship and The Encoding of Popular Histories”, Asian Ethicity, 3, 2 (2002): 85 – 102.

72. TT, 5: 1a; tha6`n thoại Trung Hoa được ghi trong tập Qidong yeyu, được trích dẫn trong Gudai Zhong – Yue guanxishi, các trang 187 – 8.

73. Whitmore (“Elephants Can Actually Swim”, trang 131) lập luận rằng “không có gì ngạc nhiên nếu nhà Trần đã thu đoạt được từ công cuộc mậu dịch trong miền và liên hệ của họ với Trung Hoa để vươn lên nắm quyền. [Họ] đã dành được lối nhập vào kinh đô xuyên qua việc kết hôn với hòang tộc.”

74. Lịch Sử Việt Nam Thế Kỷ X – Đầu Thế Kỷ XV (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2002), các trang 212-13.


75. Câu phong dao như sau: “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ me.” (tưởng nhớ đến Cha [Trần Hưng Đạo] trong tháng Tám [âm lịch], và Mẹ [bà Chúa Liễu Hạnh] trong tháng ba [âm lịch].


Tác giả Li Tana làm việc nghiên cứu tại School of Asian and Pacific Studies, Đại Học Quốc Gia Australian National University.

Bài viết này thu hoạch được từ hai cuộc hội thảo quốc tế: Southeast Asia in Maritime Perspective: The Sea as Centre (Đông Nam Á Trong Cách Nhìn Hàng Hải; Biển Như là Trung Tâm), Center for Asian Studies, University of California, Irvine, 28-29 Feb. 2004; và “Maritime Space in Traditional Chinese Sources” (Không Gian Hàng Hải trong Các Tài liệu Trung Hoa Cổ Truyền), Institute of Sinology, Munich, 25-26 Feb. 2005. Tôi xin cám ơn các tác giả Charles Wheeler và Roderich Ptak về việc cung cấp cho tôi cơ hội trình bày các ý tưởng sơ lược của mình tại các cuộc hội thảo để có phản hồi quý báu. Một phần bài viết này đã được ấn hành bằng Nhật ngữ trong tạp chí Toyoshi Kenkyu, 63, 3 (2004); tôi xin cảm ơn dịch gỉả Akinori Nakasuna về bản dịch của ông và sự kiểm tra kỹ lưỡng các nguồn tài liệu nguyên thủy. Tôi cũng xin cảm ơn các tác giả Nola Cooke, Victor Lieberman, Bruce Lockhart và David Marr về sự giúp đỡ và cho ý kiến./-

_____

Nguồn: Li Tana, A View From The Sea: Perspectives On The Northern And Central Vietnamese Coast, Journal of Southeast Asian Studies, 37.1 (Feb. 2006), các trang 83-102



PHỤ CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH:


Ngô Bắc dịch
24/11/2008

http://www.gio-o.com/NgoBacLitanaBien.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét