Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

ĐẠI VIỆT VÀ MẬU DỊCH VÙNG BIỂN NAM HẢI

ĐẠI VIỆT VÀ MẬU DỊCH VÙNG BIỂN NAM HẢI, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15
Momoki Shiro *
Ngô Bắc dịch

Đại Việt, tiền thân của Việt Nam ngày nay, không còn là một trung tâm mậu dịch ở Biển Nam Hải vào lúc nó dành được nền độc lập trong thế kỷ thứ 10 tại miền bắc Việt Nam ngày nay.Tuy thế, sự phát triển quốc gia kế tiếp của Đại Việt tiếp tục tùy thuộc nhiều vào sự kiểm soát các mạng lưới mậu dịch và các sản vật xuất cảng hơn là vào các nông dân và sản phẩm nông nghiệp.Từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 15, Đại Việt đã tiến hành các công trình dẫn thủy trên quy mô rộng lớn tại vùng Châu thổ sông Hồng và thành lập một nền hành chánh thư lại kiểu Trung Hoa.Công cuộc Hán hóa như thế đã không chỉ làm gia tăng tiềm năng nông ngiệp của khu vực mà còn hỗ trợ cho sự phát triển các sản vật xuất cảng mới, kể cả các đồ gốm. Sức mạnh của nó được phục hồi, Đại Việt đã tiêu diệt chính thể cạnh tranh tại xứ Chàm và đã tiến bước để nắm giữ các hải cảng thịnh vượng tại miền trung Việt Nam ngày nay, chính vì thế, đã tự tái lập mình như lực lượng ưu việt trong công cuộc mậu dịch đường biển trong vùng.

Dẫn Nhập 1

Bài viết này nhằm khảo sát vị thế của Đại Việt, tiền thân của Việt Nam ngày nay, trong màng lưới mậu dịch vùng Biển Nam Hải, và đặc biệt về các phương cách theo đó mạng lưới đã ảnh hưởng đến cấu trúc của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15.2 Nhiều sử gia nhìn Đại Việt trong suốt thời kỳ này như là một quốc gia nông nghiệp tự túc, hướng nội, nhưng sự thực không phải như vậy. Các căn bản nông nghiệp của Đông Nam Á thờ1i ban sơ trong tực tế chưa được phát triển đầy đủ để chống đỡ cho các chính thể to lớn, và những tiến bộ nông nghiệp xảy ra phần lớn để đáp ứng với sự kích thích của mậu dịch và sự trổi lên của các đô thị -- đòi hỏi các sự cung cấp gia tăng trong các sản phẩm nông nghiệp dành cho sự tiêu thụ thực phẩm và cho sự xuất cảng – hơn là [để đáp ứng] với các sự phát triện nội bộ. Bởi thế, điều mỉa mai là trong khi nhiều tài liệu đã được viết về các khía cạnh chính trị và văn hóa trong các quan hệ ngoại giao của Đại Việt, chỉ có ít sự nghiên cứu về ngoại thương thu/a ban đầu, ngay cả trong các công trình bao quát của các nhà đông phương học gốc Nhật Bản (xem Yamamoto 1975).3


Bài viết này tìm cách để sửa chữa sự sơ sót này và mang sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử Đại Việt thời ban sơ hòa nhịp với xư hướng hiện hành trong việc viết sử ký Á Châu, sử dụng đến học thuyết mậu dịch để lượng giá các ảnh hưởng xã hội của công cuộc mậu dịch (đặc biệt trên đương biển) quốc tế thời kỳ tiền hiện đại tại Á Châu.4

Tuy nhiên, để ấn định khung cảnh lý thuyết trọn vẹn cho cuộc thảo luận của mình, trước tiên tôi phải đề cập đến hai khảo hướng thay thế nhau về lịch sử: lý thuyết các xa xỉ phẩm và lý thuyết phát triển nội bộ. Tiền đề của lý thuyết thứ nhất cho rằng phần lớn các sản phẩm mậu dịch tại Á Châu sơ thời hiện đại là các phẩm vật xa xỉ, từ đó lý luận tiếp rằng ngoại thương ảnh hưởng đến các cơ cấu xã hội và nhà nước Đại Việt chỉ có tính cách bề mặt, bởi vì các sự vụ nội bộ, theo dòng lập luận, bị khống chế bởi một nền kinh tế đại chúng tự túc, hơn là bởi nền kinh tế bán tư nhân của giới thương lưu cầm quyền. Mặt khác, lý thuyết phát triển nội bộ nói chung xem nhẹ ngoại thương và thay vào đó chú trọng đến các động lực nội bộ -- các sự cải tiến trong nông nghiệp, sự tăng trưởng dân số, sự phát triển các thị trường địa phương v.v…-- như là các yếu tố then chốt nhất của sự ổn định và thay đổi trong xã hội Đại Việt. 5

Mặc dù các khuôn mẫu này đều có cái hay riêng của mình, các nhược điểm nội tại của chúng dần trở nên hiển hiện khi kiến thức của chúng ta về mậu dịch thời ban sơ của Á Châu được đão sâu hơn và các giả thiết của chúng ta về sự vận hành các mạng lưới mậu dịch được thẩm lọc nhiều hơn. Thí dụ, lý thuyết xa xỉ phẩm bị chỉ trích một cách hợp lý bởi việc đánh giá thấp tầm quan trọng về chính trị của các xa xỉ phẩm: chắc chắn là không chính thể nhào lại tồn tại lâu dài mà không có các nhà lãnh đạo biết kiềm chế khỏi việc tự trang điểm cho mình một cách hoang phí. Hơn nữa, các lý thuyết gia mậu dịch giờ đây đã thu thập đủ bằng cớ cho thấy rằng quảng đại thường dân trong thực tế đã là các tác nhân đáng kể trong mậu dịch thời tiền hiện đại tại Đông và Đông Nam Á châu. Trước thủa ban sơ của thời hiện đại, năng suất nông nghiệp thấp, dân số thưa thớt, và kỹ thuật thô sơ khiến cho các nền kinh tế thuần nông nghiệp không thể này có thể tự duy dưỡng đươc. Dưới các điều kiện như thế, các nông dân thường đã phải kiếm kế sinh nhai bổ túc, và trong khi nhiều người đã làm điều ấy xuyên qua việc săn bắn và thu lượm, thổ phỉ, hay trở nên thuộc hạ của các đại điền chủ, nhiều kẻ cũng đã hướng tới việc mậu dịch thương mại. Sự trỗi dậy ban đầu của các thị trường đại chúng đã được chứng thực bởi sự hiện diện của khối lớn sản vật kim loại không quý giá và đồ gốm trong số các hàng hóa mậu dịch vận chuyển trên đường trường (đặc biệt bằng đường biển) lùi xa đến tận các thế kỷ thứ 8 và thứ 9.


Suốt thời nhà Tống (960-1279) 6 và Thời Hòa Bình Của Mông Cổ (Pax Mongolica) (cuối thế kỷ thứ 13 và đầu thế kỷ thứ 14), sự phát triển các nền kinh tế thị trường đại chúng đã gia tốc khi số thương nhân Trung Hoa gia tăng và sự sử dụng đồng tiền đúc bằng đồng được phổ biến toàn vùng. Nền thương mại nội vi Á Châu sau đó đã vươn đến đỉnh cao nhất trong các thế kỷ thứ 16 và 17 khi bạc của Nhật Bản và Mỹ châu tràn ngập các trung tâm mậu dịch thế giới. 7 Tuy nhiên, bởi nền kinh tế quốc tế ban sơ này không phải là một nền kinh tế tư bản đúng nghĩa (phần lớn những gì được sản xuất vẫn còn nhằm cho sự tự tiêu dùng, lý thuyết các xa xỉ phẩm không thể đưa ra một kiểu mẫu chính xác về hoạt động của nó.

Lý thuyết phát triển nội bộ, nhìn sự phát triển quốc gia trong các điều kiện chính yếu cách ly, đối nghịch với các hoàn cảnh quốc tế, dẫn đến các vấn đề thuộc một loại khác. Tại Á Châu thời tiền tư bản, chỉ có Nhật Bản là thành công trong việc thiết lập một nền kinh tế quốc gia thực sự trong đó các sự việc đối ngoại và nội bộ được phân biệt một cách rõ ràng. Trung Hoa duy trì một nền kinh tế (từ đó một thế giới) đế quốc, và các quốc gia như Hàn Quốc, Việt Nam, và có lẽ cả Miến Đệên, bất kể đến các nỗ lực để dân tộc hóa, vẫn còn giữ nhiều tính chất khác nhau của các quốc gia tiền tư bản chủ nghĩa. Không có trường hợp đế quốc hay tiền chủ nghĩa tư bản còn sót lại có thể được giải thích một cách thỏa đáng xuyên qua khảo hướng phát triển nội bộ. Và ngay cả các nền kinh tế quốc gia đích thực cũng cần phải được phân tích trên một bối cảnh quốc tế. Các học giả Nhật Bản đã bắt đầu nhận thức điều này và giờ đây có khuynh hướng nhấn mạnh đến mậu dịch toàn vùng trong các cuộc nghiên cứu của họ về các quốc gia và xã hội nông dân cổ truyền ở Đông Á (xem chú thích số 4). Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể sử dụng một cách hữu ích cùng khảo hướng này để nghiên cứu lịch sử vùng Đông Nam Á lục địa.

Một vấn đề lý thuyết sau cùng có tầm quan trọng đối với cuộc nghiên cứu này liên quan đến nền kinh tế đế quốc Trung Hoa đã nêu ở trên. Các mạng lưới mậu dịch tại các biển Đông và Nam Trung Hoa đựoc nối kết một cách chặt chẽ với hệ thống các quan hệ triều cống của Trung Hoa, theo đó mọi sứ bộ ngoại quốc đến thăm viếng Trung Hoa đều đã bị nhìn như các phái đoàn triều cống của các nước chư hầu. Người ta có thể nghĩ rằng một hệ thống như thế đã điều hành với một sự bất lợi về tài chính nghiêng về phía các nước mang cống phẩm đến. Tuy nhiên, trong thực tế sự dàn xếp này đã là một sự trao đổi mang lợi lộc cho các chư hầu vì hai lý do. Trước tiên, các hoàng đế Trung Hoa một cách điển hình bồi đáp các cống phẩm bằng các khoản tặng dữ còn đắt giá hơn cả những gì nhận được. Các đồ gia vị, dược phẩm, và hương liệu từ các nước “vùng biển phía nam” (Nan Hai) 8, thí dụ, thường khuyến dẫn các tặng phẩm đáp lại như lụa, đồ sứ, và các đặc sản Trung Hoa khác có giá trị cao hơn rất nhiều. Thứ nhì, các đại biểu trong phái đoàn và các thương nhân độc lập đi cùng với họ thường được phép mua bán tại kinh đô Trung Hoa và ở một số thị trường xác định nhào khác, chính vì thế, làm gia tăng thêm tầm lợi nhuận của sứ bộ. 9 Nói chung, tư thế chư hầu đủ hấp dẫn đến nỗi ngay cả các xứ sở xa xôi không có nhu cầu chính trị cần gửi các sứ bộ triều cống đến Trung Hoa vẫn làm như thế vì các cơ hội mậu dịch mà chúng mang lại. 10


Bản Đồ 1: Đông Nam Á và Các Nước Lân Cận từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15

Đối với các sử gia, điều này dĩ nhiên dần đến các câu hỏi tại sao các hoàng đế Trung Hoa lại bận tâm đến việc duy trì một tập tục tốn phí đến thế. 11 Câu trả lời ở đây gồm ba khía cạnh. Thứ nhất, sự cấu tạo chính trị của đế quốc Trung Hoa khiến cho một hệ thống triều cống như thế trở nên điều cần thiết. Các hoàng đế Trung Hoa phải tỏ cho thần dân của họ biết rằng ngay các quốc gia xa xăm cũng sẵn lòng biểu lộ sự tuân phục đối với Vương Quốc Trung Tâm [Trung Quốc]. Thứ nhì, chính các hoàng đế -- và không chỉ các hoàng đế, mà còn cả các thái giám trong triều, các quan lại, các viên chức chính quyền cấp thấp hơn và các thương nhân địa phương – đón chào cơ hội thực hiện cuộc buôn bán bên lề vì các sản phẩm thương mại mang đến bởi các sứ bộ và các thương nhân tháp tùng họ thường vượt quá về số lượng và chủng loại các phẩm vật dâng cống. Sau cùng, hệ thống triều cống cho phép các phái bộ ngoại giao Trung Hoa đến các quốc gia chư hầu để tham gia vào công cuộc mậu dịch ở đó. Hệ thống mậu dịch triều cống quan trọng đến nỗi hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh đã dùng nó để thiết lập một thị trường mậu dịch độc quyền cho hoàng triều, giống y như trong thời nhà Đường và nhà Nguyên, nó đã trở thành căn bản cho một hệ thống rộng lớn cho mậu dịch được kiểm soát bởi nhà nước.


Ngoại Thương Với Đại Việt Sau Khi Có Sự Thành Lập Quốc Gia Này

Hệ thống mậu dịch ngoại quốc tại Đại Việt trước thế kỷ thứ 13 thì rất phức tạp. Từ hồi cuối của nhà Đường (618-907), con đường mua bán chính trên biển Nam Hải nối liền các thành phố hải cảng tại Quảng Đông (Quảng Châu) và Phúc Kiến trực tiếp với các thành phố cảng của xứ Chàm, thuộc miền trung Việt Nam ngày nay, do đó làm suy yếu vị thế của bắc Việt Nam như một trạm trung chuyển đối với Quảng Châu. Sự sụt giảm này trong sự thịnh đạt của Đại Việt có thể giải thích được lý do tại sao các cuộc nghiên cứu lịch sử về Việt Nam trước thế kỷ thứ 13 có khuynh hướng chỉ chú tâm đến các căn bản nông nghiệp của vùng Châu Thổ sông Hồng. Song biểu thị đặc điểm nước Đại Việt thời ban sơ như một quốc gia thuần nông nghiệp là quá giản đơn, bởi nó vẫn còn tham gia một cách sinh động trong thương mại quốc tế, như các sự thẩm định sau đây trên các nguồn tài liệu chính yếu sẽ phơi bày.

Triều Cống và Mậu Dịch với Trung Hoa thời nhà Tống (960-1279)

Trước tiên, tôi muốn khảo sát các nguồn tài liệu lịch sử còn tồn hữu liên quan đến mối liên hệ triều cống của Đại Việt với Trung Hoa thời nhà Tống. Bảng 1 cho thấy rằng trong số các quốc gia vùng Nam Hải, Đại Việt đã gửi các cống phẩm đến nhà Tống một cách thường xuyên nhất. 12 Các sứ bộ triều cống được phái đi theo thường lệ cứ ba hay bốn năm một lần, với các phái đòan bổ túc được gửi đi cho các mục đích đặc biệt, chẳng hạn như để thông báo sự băng hà của một nhà vua, yêu cầu sự tấn phong cho một vị tân vương, hay để chào mừng hoàng đế Trung Hoa về việc đăng quang lên ngai vàng. Phần lớn các sứ bộ tiến vào Trung Hoa bằng các đường biển đến Ch’in-chou hay Lien-chou, mặc dù đôi khi có đến Yung-chou qua ngả đường bộ (xem Bản Đồ số 2). Các tài liệu về các vật phẩm triều cống từ bốn mươi mốt sứ bộ Đại Việt đến nhà Tống cho thấy rằng sừng tê giác và ngà voi được gửi mười tám lần, lụa mười một lần, hương liệu (nhựa thơm, gỗ trầm) chín lần, đồ dùng bằng vàng và bạc mười sáu lần, và các con voi đã thuần hóa mười tám lần. Các cống phẩm quan trọng khác là mai rùa, đuôi con công, và tê giác đã thuần hóa. (SS các trang 9222-9223 [tập 268: tiểu sử của Zhang Sun] giải thích lý do tại sao, sau khi có sự bình định miền Lĩnh Nam (Ling-nan) (Quảng Đông và Quảng Tây), nhà kho hoàng gia chất đầy các sừng tê giác, ngà voi, dược phẩm, hương liệu, và các sản phẩm quý giá khác: chúng được thu thập xuyên qua các sự triều cống hàng năm từ Giao Chỉ, Java, San-fo-ch’i, Brunei, và Chàm, cũng như xuyên qua các cuộc mậu dịch thương mại đường biển ở biên giới (Trung Hoa).

Bản Đồ số 2: Đại Việt, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15.


Bảng 1: Số các Sứ Bộ Triều Cống từ các quốc gia vùng Nam Hải như được ghi chép trong các nguồn tài liệu quan trọng thời nhà Tống (960-1279) * [Các danh xưng phiên âm đều có chữ Hán đi kèm, chú của người dịch]

Giao Chỉ; An Nam (Đai Việt) 76** Ta-li (Đại Lý, Vân Nam) 3
Chan-ch’eng (Chàm) 62 Po-ni (Brunei) 2
Ta-shih (các nước Ả Rập) 53 *** Shê-p’o (Java) 2
San-fo-ch’i (Sri Vijaya) 26 Tan-mei-liu (Tambralinga?) 2
T’ien-chu (bắc Ấn Độ) 12 **** P’u-kan (Pagan) 2
Ch’en-la (Căm Bốt) 5 Pin-t’ung-lung (Panduranga [Phan
P’u-tuan (Butuan [Mindanao]) 4 Rang, trung bộ Việt Nam]) 1
Chu-nien (Chola) 4 San-ma-lan (?) 1
Chên-li-fu (hạ lưu P’u-p’o-chung (?) 1
Chaophraỷa]) 3 T’u-po (?) 1
Lo-hu (Lopburi) 1

-----

Nguồn: CP, HNYL [tập 154: chao-k’ung (triều cống, có kèm chữ Hán, chú của người dịch]; SHY [fan-i (ghi chép về các sắc dân man di) IV, VIII; SS [pan-chi: bản kỷ [?]} và wai-kuo-chuan (ngoại quốc truyện?).

· Một số danh xưng còn chưa được xác định. Ngoài ra một số danh xưng bằng Hán ngữ không thể xác định được là quốc hiệu của một nước duy nhất (như trong trường hợp Ta-shih và T’ien-chu).
** Có sáu sứ bộ triều cống nữa được ghi chép trong ĐVSKTT và ĐVSL.
*** Một sứ bộ đi theo đường biển từ Wu-hsun, hai từ Ts’êng-tan và các sứ bộ từ “một quốc gia nào đó vùng Ta-shih” (năm quốc gia như thế đã phái đi sáu sứ bộ) đã được kể gồm nơi đây; những sứ bộ của Ta-shih ngang qua đường các ốc đảo vùng trung Á không được kể.
**** Con số này gồm cả chín lần dâng cống phẩm bởi các tu sĩ Phật Giáo khi đi hành hương đến Trung Hoa.


Về mặt tiền tệ, các sản phẩm triều cống của Đại Việt cho Trung Hoa trong thực tế thì đáng kể. Thí dụ, trị giá các cống phẩm trao năm 1022 được ước lượng là 1,682 chuỗi (xâu) tiền mặt (min trong tiếng Hán, có kèm chữ Hán, một mín = 1000 đồng tiền đúc bằng đồng). Đáp lại, hoàng đế đã ban cho Đại Việt hai ngàn chuỗi tiền mặt. Trong năm 1028, một sự triều cống có trị giá ước lương tương đưong vơi 3000 chuỗi đã khiêu dẫn một tặng phẩm đáp trả trị giá 4000 chuỗi tiền mặt (SHY: 7715 [fan-i IV, 31b-32a]). 13 Trong suốt thời Nam Tống (1127-1279), trị giá các cống phẩm cho các sứ bộ cá biệt thường được ước lượng hơn 10,000 chuỗi. Cống phẩm của Đại Việt trong năm 1173, mặc dù được tường thuật nhỏ hơn so với cống phẩm lớn nhất vào năm 1155, được ước lượng có trị giá từ 20,000 đến 30,000 chuồi (LWTT: 24 [II: An-nan-kuo]). 14 Phần quan trọng đặc biệt trong cống phẩm năm 1155 là khối lượng vàng – ít nhất 1000 lạng (SHY: 7848-7849 (fan-i VII: 46b-48b – xem Bảng số 2). Một số lượng như thế hẳn phải làm vui lòng Hoàng Triều một cách lớn lao, khi xét rằng tổng số vàng sản xuất của Trung Hoa chỉ bằng 15,000 lạng mỗi năm trong năm 1049 đến 1054, và 6,000 lạng mỗi năm từ năm 1064 đến 1067 (SS: 4525 [tập 185: Shih-huo VIII]).

Mậu dịch không phải là triều cống giữa Đại Việt và Trung Hoa được quy định một cách chặt chẽ bởi Hoàng Triều. 15 Nhà Bắc Tống (960-1127) cho phép các thương nhân Đại Việt chỉ được buôn bán tại hai cảng biển: Lien-chou và Ch’in-chou. Khi Đại Việt đề nghị được phép buôn bán xuyên qua đường đất đến Yung-chou, đề nghị này đã bị khước từ (CB: 750 [tập 78: 4a]) 16 Cũng có vẻ là trước năm 1105, triều đình cấm chỉ các thuyền buồm Trung Hoa được lái tới một số nước ngoài, giả định gồm cả Đại Việt. Tin tức này phát sinh từ một giấy phép mậu dịch, được cấp phát trong năm đó bởi shih-po ssu [cơ quan giám sát việc mậu dịch đường biển, như đuợc giải thích bởi tác giả trong chú thích số 15, chú của người dịch] vùng Liang-chê (tọa lạc tại Ning-po (Ninh Ba) ngày nay), tuyên bố rằng:

Các thương nhân [Trung Hoa] được phép đi đến San-fo-ch’i [tức Sri Vijaya (Tích Lan?)], nhưng bị ngăn cấm không được đi đến các nước như Triều Tiên (Korea), Nhật Bản và Ta-shih [tức các nước Ả Rập]. Tuy nhiên, các nước mọi rợ này nằm quá xa ngoài đại dương. Làm sao mà họ lại có thể trông chờ [một cơ hội để xâm lăng] Trung Hoa được? … Bởi thế, giờ đây chúng ta muốn gỡ bỏ sự cấm đoán sao cho các thương nhân có thể đi đến các nước mọi rợ chưa từng gây phương hại đến Trung Hoa, ngoại trừ Lãnh Địa phía bắc [tức đế quốc nhà Liao (Liêu) và Giao Chỉ (CYGS: 367).

Về phần mình, Đại Việt có thể chinh thức xem mọi thương nhân ngoại quốc nằm trong lãnh địa của mình như các phái đoàn triều cống đến Đại Việt và vì thế, có thể đã ngăn cấm sự thực hiện công cuộc mậu dịch tư nhân thuần túy tại các hải cảng Đại Việt. 17 Tuy thế, quyển SHY có viết rằng các thương nhân Trung Hoa đôi khi có “trôi giạt” đến Giao Chỉ, nơi mà họ đã quay về với hàng dệt và tiền mặt (trang 4982 [shih huo: thực hóa [?] (có nghĩa tiền tệ và thực phẩm, hay tài chính và kinh tế) XI: 7a]; trang 5467 [xxxviii: 29a-b]). Hơn nữa, quyển KHYHC (được trích dẫn trong Wên-hsien tung-k’ao: 2594) tường thuật rằng bất kỳ khi nào các thương nhân từ Phúc Kiến đến Giao Chỉ bằng thuyền, họ đều được đón nhận nồng nhiệt. 18 Khi đó, giả định rằng các thuyền buồm Trung Hoa từ các tỉnh đông nam ít nhất được đón tiếp một cách không chính thức tại Đại Việt, nhiều phần họ đã thực hiện các cuộc thăm viếng thường xuyên nơi đó, ngay cả trong thời kỳ cấm đóan của nhà Tống.

Song, điều chưa biết chính xác là các thuyền buồm Trung Hoa đến mua bán tại nơi đâu trong nước Đại Việt. Khi Hoa Lư, nằm ven bờ phía tây nam Châu Thổ sông Hồng, là kinh đô (968?-1009), có thể nó đã là một thành phố cảng thịnh đạt (Sakura, không ghi nhật kỳ: 125-130), nhưng mậu dịch nơi đó xem ra đã suy giảm ngay sau khi kinh thành Thăng Long mới (Hà Nội ngày nay) được thành lập trong năm 1010. Các niên giám Việt Nam sau thế kỷ thứ 12 thường đê cập đến Vân Đồn, nơi ven bờ phía đông bắc của Châu Thổ sông Hồng, như cảng chính của Đại Việt, nhưng nhiều phần nó chỉ trở thành như thế vào thời hậu Lý (trị vì từ 1009-1225). 19 Như tác giả Whitmore (1986: 130) đã lập luận, các hải cảng tại vùng Nghệ Tĩnh ngày nay (các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) khi đó nằm phía nam lãnh thổ Đại Việt, hẳn phải có tầm mức quan trọng hơn, như các địa điểm thương mại ban đầu. Triều sóng và chiều gió thuận lợi trong vịnh Bắc Việt hiển nhiên đã hạn chế tàu thuyền tiến tới Châu Thổ sông Hồng từ phía đông vào một sự lựa chọn giữa hai hải lộ, một đi qua phía bắc đảo Hải Nam và cập vào đất liền tại bờ đông bắc của châu thổ (ở Vân Đồn, thí dụ), và ngả khác đi ngang qua phía nam đảo Hải Nam và tiến tới Nghệ Tĩnh. Bộ ĐVSKTT (trang 424, phần ghi chép cho năm 1349) ghi nhận rằng trong thời nhà Lý phần lớn các thương thuyền Trung Hoa tiến vào cửa vịnh Diễn Châu (bờ biển phía bắc của Nghệ An ngày nay) và Tha Viên (không xác định được). 20

Bất kể các sự hạn chế chính thức, khối lượng mậu dịch không phải là triều cống có vẻ còn lớn hơn cả khối lượng mậu dich triều cống. Sự mô tả dưới đây về hoạt động thương mại tại Ch’in-chou, thí dụ, khiến ta nghĩ đến một mức độ hoạt động khó có thể sánh được bởi các sự trao đổi tặng phẩm liên hệ vơi sự triều cống;

Giao Chỉ lệ thuộc vào Ch’in-chou về việc cung cấp mọi nhu yếu phẩm của họ; chính vì thế, sự lưu thông của các tàu thuyền không bao giờ ngừng nghỉ …những kẻ trao đổi cá và tôm cua lấy gạo và vải được gọi là “Chiao-chih tan: các kẻ biển Giao Chỉ” … Các thương nhân giàu có đến để buôn bán … được gọi là các “đoàn nhỏ”. Các sứ bộ triều cống đến từ xứ sở [tức Giao Chỉ] cập bến tại Ch’in-chou, nơi họ có cơ hội để mậu dịch. [Khi một sứ bộ hoạt động mậu dịch, họ] được gọi là các “đoàn lớn”. Những gì mang đến [Ch’in-chou bởi các thường nhân và sứ bộ này] gồm vàng và bạc, tiền đồng bằng đồng, gỗ trầm (kuang-hsiang: quang hương: gỗ trầm “sáng nước”, shou-hsiang: gỗ trầm “chín muồi”, sheng hsiang: sinh hương: gỗ trầm “tươi”, ngọc trai, ngà voi, và sừng tê giác. Gần đây, các thương nhân của chúng ta [tức người Trung Hoa] có bán giấy, bút viết, gạo và vải vóc. Hàng ngày họ mậu dịch trong ngạch số nhỏ với dân Giao [tức dân Giao Chỉ], nhưng trị giá không đáng kể. Chỉ các thương nhân giàu có đến Ssu-chuan mỗi năm một lần để đổi chác gấm lụa của Ssu-chuan cho hương liệu của Giao chỉ mới di chuyển [hàng hóa có trị giá lên tới] vài nghìn xâu chuỗi tiền mặt trong mọi vụ đổi chác. (LWTT: 72 [V: Ch’in-chou po-i-ch’ang (thị trường của Ch’in-chou).

Cùng nguồn tài liệu trên cũng chứa đựng một sự đề cập đến các nhà mậu dịch Giao Chỉ tại Yung-chou trao đổi hương liệu loại tốt, ngà voi, sừng tê giác, vàng, bạc, muối và tiền đồng bằng đồng lấy gấm lụa Trung Hoa (LWTT: 71 [V: Yung-chou Yung-p’ing-chai po-i-ch’ang (thị trường được cho phép tại đồn Yung-p’ing, thuộc Yung-chou)]). 21

“Triều Cống” và Mậu Dịch Với Các Nước Khác

Bộ ĐVSKTT và quyeển ĐVSL tiết lộ rằng trong thời Tiền Lê (980-1009) và thời nhà Lý (1009-1225), các quyền lực lân bang thường gửi các tặng phẩm chính thức đến Việt Nam: Chàm: 55 lần; Căm Bốt: 19 lần; Ngưu Hống [?] 2 lần; và Ai Lao, 1 lần (Ngưu Hống và Ai Lao là các bộ lạc gốc Thái tọa lạc tại vùng đồi núi nằm giữa miền bắc Việt Nam ngày nay và thung lũng sông Cửu Long). Bản chất của các sứ bộ này vẫn chưa được rõ, nhưng chúng xem ra không mang ý nghĩa như các dấu hiệu sẵn lòng tuân phục quyền bá chủ của Đại Việt. Trong bất kỳ trường hợp nhào, sự giao tiếp này, giống như các sứ bộ triều cống đến Trung Hoa, chắc chắn đã đóng một vai trò đáng kể trong các mạng lưới mậu dịch trong vùng. Bộ ĐVSKTT và quyển ĐVSL cũng đề cập ít nhất 123 lần khi các thổ tù và viên chức hoàng gia dâng lên các vua Đại Việt các bảo vật và các linh vật hiếm quý, chẳng hạn như các con voi trắng, dê trắng, chim sẻ trắng, và, kỳ lạ hơn nữa, các con rùa có ba chân và sáu con mắt. Trong khi đó, các vua Đại Việt du hành ra ngoài kinh đô 75 lần, phần lớn để cử hành các nghi lễ tịch điền (22 lần), săn voi (13 lần), và thăm viếng các chùa và đền ở nơi xa xôi (10 lần). Sự từ bỏ về sau nhiều tập tục này – sự dâng hiến các linh vật, sự cử hành các nghi thức nông nghiệp, việc săn voi – cho thấy rằng các quan hệ ban sơ (tức thời trước nhà Lê) giữa các vua Đại Việt và các thế lực địa phương có tính cách nghi lễ thuần túy và rằng sự tích lũy và tái phân phối các xa xỉ phẩm và vật phẩm nổi tiếng vì thế đã là các khía cạnh quan trọng của nền kinh tế quốc gia.

Mậu dịch phi triều cống với các quốc gia Đông Nam Á lân cận cũng tích cực. Bộ ĐVSKTT có đề cập (mặc dù sự tường thuật có tạo ra một vài sự ngờ vực – xem chú thích số 16) rằng các thương nhân từ Java, Lopburi (tại miền trung Thái Lan ngày nay), và Tiêm La (Ayadhya?) đã đến Vân Đồn trong năm 1149 để mua bán, và rằng nhiều thương nhân hơn nữa từ Tiêm La và từ Tam Phật Tế [?] (San-fo-ch’i) đã đến trong năm 1184. 22 Tương tự, các thương nhân Việt Nam đến buôn bán tại Căm Bốt vào cuối thế kỷ thứ 10 và tại Java hồi giữa thế kỷ thứ 14 (Hall 1985: 173, 246). Liên quan đến các tuyến đường mậu dịch giữa Đại Việt và các nước Đông Nam Á láng giềng của nó, sự chú ý một lần nữa cần hướng tiêu điểm vào phần đất cực nam của Nghệ Tĩnh ngày nay, ở thời điểm đó bao gồm hai tỉnh, tức Diễn Châu (góc đông bắc Nghệ An ngày nay) và Nghệ An (được gọi là Hoan Châu cho đến thời Lý sơ và bao gồm phần đất còn lại của Nghệ An ngày nay cùng với Hà Tĩnh ngày nay). Hiện nay, Nghệ Tĩnh được ghi nhận chính yếu vì khí hậu mùa hè khô, nóng và các trận lụt thường vào mua thu, đặc biệt khiến cho nông nghiệp không có hiệu quả. Tuy nhiên, trong các thời kỳ của Đại Việt, khu vực đã là một trạm trung chuyển mua bán giàu có, nơi mà các người Trung Hoa, Chàm và Khmers tụ tập. Con đường mậu dịch trong thế kỷ thứ 8 của nhà Đường xuyên qua dẫy núi Trường Sơn đến Lục Chân Lạp (Lu Chên-La) (nơi cầm quyền toàn vùng đất nam Lào và đông bắc Thái Lan ngày nay), khởi đầu từ Nghệ Tĩnh, 23 và tác giả Hall (1985: 184) đã lập luận rằng con đường đã đặt ra một sự đe dọa nghiêm trọng đối với Chàm, theo đó nó đi vòng quanh con lộ chính giữa Căm Bốt và Trung Hoa, băng ngang vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long, nơi xứ Chàm tọa lạc.

Rõ ràng, nếu Đại Việt thất bại trong việc kiểm soát biên giới phía nam này, vai trò sinh lợi của nó như trung gian mậu dịch giữa Trung Hoa và các xứ Nam Hải sẽ khó mà duy trì được, nếu không phải bị biến mất hoàn toàn. Điều này giải thích lý do tại sao sáu trong bẩy tri châu [tiếng Việt trong nguyên bản, có kèm chữ Hán, chú của người dịch] Đại Việt (các quan cấp huyện được phái bởi chính quyền trung ương đến cai trị các quận huyện ngoại vi quan trọng) ghi chép trong bộ ĐVSKTT và quyển ĐVSL đều đã được cử đến Nghệ An (Momoki 1988: 260). Bộ ĐVSKTT (trang 227) cũng đề cập đến một sắc dụ năm 1037 nhằm xây dựng 50 nhà kho hoàng gia tại Nghệ An, trong khi không có tài liệu về bất kỳ nơi nào khác lại có các nhà kho của hoàng gia được dựng lên ở các vùng xa xôi, trong thời kỳ này. Hơn nữa, nếu Nghệ Tĩnh thực sự là điểm tiếp cận chính yếu của Căm Bốt với biển Nam Hải (đặc biệt từ các vùng đất phía bắc Lào và đông bắc Thái ngày nay), các thương nhân Trung Hoa hẳn đã phải đến Nghệ Tĩnh để buôn bán không chỉ với Đại Việt mà còn cả với Chàm và Căm Bốt (Whitmore 1986: 130). Giả thuyết này, nếu xác thực, sẽ giải thích lý do tại sao các nhà vua Khmer đã gửi “cống phẩm đến Đại Việt thường xuyên (19 lần) hơn so với Trung Hoa thời nhà Tống (5 lần).

Các quan hệ mậu dịch của Đại Việt, như được phác họa trên đây, có tầm quan trọng đối với mạng lưới mậu dịch biển Nam Hải vì nhiều lý do. Trước tiên, Đại Việt đóng vai trò then chốt trong việc chuyển tiếp các vật phẩm mậu dịch từ các nước Đông Nam Á khác sang Trung Hoa và ngược lại. Thí dụ, các nhà mậu dịch Đại Việt có thể mang gỗ trầm từ xứ Chàm đến các thị trường tại Trung Hoa (LWTT 90 [VII: ch’ên-hsiang (gỗ thơm]) và ngược lại, mang ngựa từ Vân Nam, một phần xuyên qua Quảng Tây, để bán lại tại xứ Chàm (Katakura 1978: 152-153). Thứ nhì, Đại Việt có sản lượng nội địa đáng kể về các sản phẩm xuất cảng giá trị. Thí dụ, Bảng 2 liệt kê các cống phẩm lớn nhất từ các nước Nam Hải lên nhà Tống trong các năm 1155 và 1156. Bảng này cho thấy trong hai năm đó chỉ riêng Đại Việt đã dâng cống hoàng đế chín con voi đã thuần hóa và đồ dùng băng vàng hơn 1000 lạng; Chàm dâng cống hơn sáu mươi ngàn cân Mã lai (catties) gỗ trầm hương; và San-fo-ch’i gửi đến nhiều khối lượng về đồ gia vị, hương liệu, và các vật quý giá của vùng Tây Á châu. 24 Các thớt voi, đồ vàng và bạc, và lụa này đều sở đắc được tại Đại Việt. Vàng và bạc đặc biệt quan trọng, bởi cả hai kim loại thì có nhiều tại đồi núi gần biên giới với Trung Hoa và nhiều phần được đổi chác với các nước Nam Hải khác để lấy các sản phẩm như đồ gia vi. (Whitmore 1983: 374-375).

***

Bảng 2: Danh Mục Các Cống Phẩm từ Chàm, Giao Chỉ và San-fo-ch’i trong các năm 25 và 26, đời vua Shao-hsing


CHÀM: (Ngày 14 tháng 10 âm lịch năm 25 niên hiệu Shao-hsing
150 cân Mã Lai (catties) fu-tzu ch’ên hsiang [gồ thơm trông giống như rễ cây phụ tử (aconite)]; 300 cân gỗ trầm; 2 cục gỗ trầm (nặng tổng cộng 12 cân); 3690 cân chien-hsiang gỗ trầm (hạng tốt nhất); 120 cân gỗ chien-hsiang (hạng nhì); 480 cân các cục gỗ trầm chien-hsiang; 239 cân phần ngọn gỗ trầm chien-hsiang; 300 cân yu-hsiang: nhang thơm; 3,450 cân su-hsiang (gỗ thơm) (hạng nhất); 1,446 cân su-hsiang (hạng nhì); 168 gốc ngà voi; 20 gốc sừng tê giác, 60 cân mai rùa; 120 cân gỗ thơm tsan-hsiang; 180 cân nhang thơm tán nhỏ; 360 cọng lông chim bói cá; đầu đốt ngoại quốc cho 10 chiếc đèn; 55,020 cân hương thơm của Wu-li [một nước chư hầu của Chàm].

GIAO CHỈ (Ngày 14 tháng Giêng âm lịch, năm thứ 26 đời vua Shao-hsing, mừng thời trị vì đế quốc hòa bình)

Một hộp gồm cả văn thư biểu tỏ lòng trung thành, mừng thời thái bình thịnh trị (tổng cộng cân nặng 120 lạng vàng); một ngọn núi trang trí làm bằng vàng, để mừng tuổi thọ của hoàng đế (55 lạng); một đôi bình đựng nước, chạm vàng và đúc bằng quặng (50 lạng); một đôi ly uống rượu và khay nạm ngọc trai, để chúc thọ hoàng đế; một lư hương bằng vàng (40 lạng); một bộ các chiếc hộp đựng lư hương bằng vàng (40 lạng); 2 bình hoa bằng vàng (240 lạng, tổng cộng); 20 bát sơn mài bằng vàng để đựng trái cây và các giỏ tre (179 lạng); một bộ hộp bằng vàng khảm bảy viên ngọc thạch, gói trong một chiếc hộp lớn bằng vàng với một con rồng uốn lượn (tổng cộng 120 lạng); 2 chiếc cồng bằng vàng với hình rồng uốn lượn (200 lạng); một yên cưỡi ngựa và hàm ngựa bằng vàng; 120 viên ngọc trai; một bình bằng vàng chứa 1000 wt. [?] gồ thơm; 500 cọng lông chim bói cá; 50 cuộn vải dệt chéo được sắp thành 5 bó; 2 con ngựa; 8 con ngựa chang-chin (trường chinh?); 2 con voi đã thuần hóa (voi đực); 2 con voi đã thuần hóa (voi cái); 5 móc gỗ có hình đầu rồng, chạm vàng và bạc, dùng để điều khiển các con voi; 5 xích sắt với đai bằng đồng, dùng để trang trí cho voi; 5 sợi dây mây đã nhuộm son đỏ, dùng để kiểm soát các con voi.

Cống phẩm thường lệ dâng tiến của cùng sứ bộ:
Một hộp đựng danh biểu các cống phẩm thường lệ; 3 con voi đực; 2 con voi cái; 5 móc gỗ, chạm vàng và bạc, dùng để điều khiển các con voi; 5 xích sắt với đai bằng đồng, dùng để trang trí cho voi; 5 sợi dây mây đã nhuộm son đỏ, dùng để kiểm soát các con voi.

SAN-FO-CH’I (Ngày 25 tháng 12 âm lịch, năm thứ 26 dời vua Shao-hsing)

Một khúc long diên hương (ambergris) (36 cân); 113 lạng trân châu; một gốc cây san hô (240 lạng); 8 gốc sừng tê giác; 3 khay long não “hoa mận” (nhiều mảnh, 200 lạng); 39 tấm kính mờ; 39 giùi kim cương [?]; nhiều nhẫn [gắn ngọc] mắt mèo, mã não, và ngọc trai lớn (tổng cộng 13 cái; 28 lạng dầu xạ hương [hay hải ly hay hải cẩu]; 26 mảnh vải ngoại quốc; 4 chai thủy tinh mờ đựng đường Ta-shi; 16 chai thủy tinh mờ đựng táo ta từ Ta-shi; 168 cân nước hoa hồng; 9 thanh kiếm dài bằng sắt; 6 thanh kiếm ngắn bằng sắt; 81,860 cân nhựa thơm; 87 gốc ngà voi (tổng cộng 4,065 cân); 278 cân dầu cánh kiến trắng (an tức hương); 117 cân rễ cây chế tạo nhang (putchuck); 30 cân đinh hương; 158 cân nhựa “máu rồng”; 127 cân nhựa asafetida [có mùi hôi, thuộc họ cà rốt, dùng làm thuốc, chú của người dịch] ; 2,674 cân hạt nhục đậu khấu; 10,750 cân hạt tiêu; 19,935 cân gỗ đàn hương (sandalwood); 364 cân gỗ thơm chien-hsiang.

____
Nguồn: SHY: 7848-7849 (fan-I VII: 46b-48a)
Dưới thời nhà Tống, 1 cân [Mã Lai] (catty: chin trong tiếng Hán) tương đương với 596.82 gram, trong khi 1 lạng tương đương với 37.3 gram.

***

Ý Nghĩa của Mậu Dịch đối với Quốc Gia Đại Việt Thời Ban Sơ

Có vẻ là trước thời đại nhà Lý, nhà vua Đại Việt chỉ có thể kiểm soát đất và đánh các sắc thuế về đất tại khu vực thị tứ của kinh đô và ít địa điểm chiến lược ở các nơi khác. 25 Nếu thực như thế, điều này nhiều phần có nghĩa rằng số thu cho ngân khố hoàng gia, chính yếu, đến từ sự tích lũy về nhân lực và vật phẩm quý giá – hơn là từ sản lượng nông nghiệp của vùng châu thổ sông Hồng tương đối đông dân. Việc mua thường xuyên số đông nô lệ của Đại Việt và thói quen của nó hay đột kích xứ Chàm lấy chiến lợi phẩm hơn là để mở rộng lãnh thổ hồ trợ cho kết luận này (Taylor 1986: 163); Momoki 1992: 167; 171-172). “Sự “triều cống’ nêu ở trên từ các nước lân cận đến Đại Việt hẳn cũng phải là một nguồn tài nguyên không thể thiếu, và để bảo đảm sự liên tục của nguồn tài nguyên này, nồ lực đáng kể đã được vận dụng để kiểm soát các khu vực ngoại vi hẻo lánh và mạng lưới thương mại trong đó chúng là một bộ phận. Đại Việt và các chư hầu của nó cùng nhau đã xâm lăng Ch’in-chou ba lần và Yung-chou một lần giữa các năm 995 và 1060, mỗi lần với mục tiêu nhiều phần để bảo đảm cho các tuyến đường du hành và mậu dịch vào Trung Hoa, và trong cuộc Nổi Đậy của người Nùng (1038-1053) và một lần nữa trong cuộc tranh chấp với nhà Tống (1076-1084), Đai Việt đã cố gắng chiếm giữ Quảng Nguyên Châu, một khu vực nhiều vàng tại biên giới Trung Hoa-Việt Nam (Kawahara 1975A: 24; 1975B: 30-37; 39-68).

Một khía cạnh quan trọng khác trong hoạt động mậu dịch của Đại Việt là tư thế mà nó dành đạt được như một quốc gia đối diện với Trung Hoa. Chắc chắc phần lớn nhờ ở sức mạnh thương mại của nó, Đại Việt đã được thừa nhận bởi nhà Tống như kẻ thừa kế chính đáng trên phần đất bảo hộ của nhà Tống ở An Nam. Điều này nghe ra có nhiều ấn tượng hơn thực tế, bởi tại các khu vực xa xôi hẻo lánh, các đầu lĩnh địa phương thường tranh nghị về sự tuyên xác nắm quyền kiểm soát của Đại Việt. Dù thế, để mang lại ít nhất bề ngoại của sự cai trị thực tế trên toàn thể lãnh thổ, và theo đó, dành được sự nhìn nhận mặc nhiên như một vương quốc biệt lập, Đại Việt thường gửi đến triều đình nhà Tống các sứ giả mang danh hiệu tz’su-shih (quận, huyện) của một hay một tỉnh khác trước đây thuộc nhà Tống, nằm bên ngoài Châu Thổ sông Hồng (Momoki 1987: 410-411). Các hoàng đế nhà Tống đã sằn ưng thuận các sự khẩn nài này, bởi họ sẽ thừa nhận một nước chư hầu mới, nằm trong các ranh giới chính trị đã đựợc xác định, hơn là đánh liều với bất kỳ sự thay đổi lãnh thổ quan trọng nào trên biên giới của họ.


Hán Hóa và Nam Tiến

Trước khi tiếp tục thảo luận về nền thương mại ban sơ của Đại Việt, điều quan trọng cần nêu ra rằng bất kể một nghìn năm dưới sự cai trị của Trung Hoa, Đại Việt trước tiên đã không phải là một chính thể Hán hóa sâu đậm. Một lý do của sự kiện này là vì các khái niệm của Trung Hoa về sự kiểm soát lãnh thổ không hoàn toàn được chấp nhận bởi các nhà lãnh đạo Đại Việt ban sơ, những kẻ vì thế đã thỏa thuận về các khu vực ảnh hưởng được xác định một cách mơ hồ, hơn là các biên giới lãnh thổ được kiểm soát và đánh dấu một cách rõ ràng. Quyền lực Đại Việt tập trung tại Châu Thổ sông Hồng, và vua Đinh Bộ Lĩnh (trị vị từ 968?-979) và Lê Hoàn (trị vì từ 980-1005) xem ra đã ổn định tình hình chính trị tại đó vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10. Song, các đầu lĩnh nông nghiệp địa phương bán độc lập hãy còn phân tán rải rác khắp khu vực, như họ từng là như thế từ thời kỳ Đông Sơn (thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên? – thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên; Sakurai, không ghi nhật kỳ xuất bản). Bên ngoài vùng châu thổ, tình trạng vẫn chưa ổn định trong suốt thời nhà Lý, với Đại Việt có sự tiếp xúc với bộ tộc họ Nùng hùng mạnh vùng núi đồi miền bắc (Kawahara 1975b: 33-37), Đại Lý tại Vân Nam (Momoki 1992: 175-181), và Chàm cùng Căm Bốt ở phía nam (Momoki 1992: 169-171). Một lý do thứ nhì cho việc Đại Việt ban sơ chưa Hán hóa sâu đậm bởi hiển nhiên nó không có một hệ thống cại trị tập trung kiểu Trung Hoa và các khái niệm Khổng học tùng thuộc về nhà vua, gia đình, giới thư lại và sự kỉểm soát lãnh thổ. Mặc dù các vua nhà Lý đã gắng sức để ấn định một ý thức hệ của triều đại và cá tính dân tộc (Wolters 1976; Taylor 1986; Momoki 1987; 1988), các vị vua Đại Việt nói chung chỉ dựa vào uy lực quân sự và sự quyến rũ về tôn giáo để hành sử sự cai trị trên cả các đầu lĩnh địa phương bán độc lập lẫn quảng đại thường dân. 26

Với căn bản quyền lực có phần nhỏ bé này, vị thế của Đại Việt như một trung tâm mậu dịch dễ bị xâm kích. Một sự mua bán trực tiếp đã được phát triển giữa Trung Hoa và xứ Chàm, và sự khai thông của Căm Bốt một con đường tiến vào thế giới hàng hải xuyên qua Vịnh Thái Lan (nhiều phần là kết quả trong sự xâm nhập của nó vào miền trung Thái Lan ngày nay hồi đầu thế kỷ thứ 11) khiến ta liên tưởng rằng tình trạng trở nên bất ổn tại Nghệ An. Hơn nữa, vào cuối thế kỷ thứ 12, vàng của Nhật Bản bắt đầu tiến vào các thị trường Trung Hoa, gây khó khăn hơn cho sự cạnh tranh của các thương nhân Đại Việt (Kato 1926: 553-561). Tất cả các yếu tố này đều bất lợi cho Đại Việt, và đã có một khả tính có thực về việc nó bị tái chinh phục bởi Trung Hoa, bởi dù rằng bản thân nhà Tống có yếu kém về quân sự, miền nam Trung Hoa mau chóng trở nên hùng mạnh hơn. Hậu quả, có vẻ Đại Việt quay vê cái nhìn hướng nội, trở thành một quốc gia nặng về nông nghiệp nhiều hơn trong suốt thời nhà Trần (1225-1400). Trong khi các nguồn tài liệu Trung Hoa ban sơ, thí dụ (chỉ kể hai nguồn LWTT và CFC), ghi chép nhiều loại gỗ gharu [loại gỗ có mùi thơm, chú của người dịch] đến từ Đại Việt, phần ghi chép về Giao Chỉ trong TICL (trang 510 liên quan đến cuối thời nhà Nguyên [1260-1368] không đề cập gì tới bất kỳ loại hương liệu nào. ANHC cũng ghi chép ít số hương liệu trong các cống phẩm gửi từ Đại Việt lên nhà Nguyên trong các năm 1286 và 1289, mặc dù các sản vật mới như vải vóc của Java và Ấn Độ có xuất hiện (Momoki 1990: 243).

Tuy nhiên, từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 15, các sự thay đổi triệt để xảy ra, đã tái lập quyền lực của Đại Việt. Trước tiên, sự xây dựng và kế đó sự giám quản một loạt các công trình công chánh có quy mô rộng lớn –tron g đó có sự kiến tạo các bờ đê chống lụt tại Châu Thổ sông Hồng và sự khai hoang các cồn cát duyên hải và vùng hạ lưu châu thổ (Sakurai 1987: 271-272) – dẫn đến một hệ thống thư lại và quản trị đất đai kiểu Trung Hoa, củng cố thêm cho sự kiểm soát vốn đã mạnh mẽ của gia tộc nhà Trần trên quyền lực chính quyền. Sự phổ biến công việc thư lại cũng mang đến sự xuất hiện của một tầng lớp trí thức-quan chức sau rốt trở nên nhóm có nhiều ạnh hưởng. Sau sự xâm lăng của nhà Minh (1407-1427), thí dụ, triều đại nhà Lê (1428-1789) dựa vào các viên chức này để hoàn tất sự định chế hóa các hệ thống pháp lý và hành chính kiểu Trung Hoa vốn đã được du nhập xuyên qua các dự án công chánh quy mô (Wolters 1976: 223-224); 1988; Momoki 1982: 106-109). Theo các phương cách này, quốc gia Đại Việt sau rốt đã đạt được một mức độ cấu kết chính trị ít lân bang nhào của nó có thể sánh kịp.

Thứ nhì, cuộc xâm lăng của Mông Cổ trong thế kỷ thứ 12 châm chọc vào quyết tâm tự chủ của Đại Việt. Trong năm 1262, Khan, Hoàng Đế Mông Cổ ra lệnh rằng cứ mỗi ba năm Đại Việt phái gửi đến triều đình của ông ta các cống phẩm như sau: ba nhà văn nhân trí thức, ba thầy thuốc, ba nhà bói toán, ba nghệ nhân, dầu cánh kiến, gỗ thơm kuang-hsiang, vàng và bạc, bột son đỏ, gỗ đàn hương, sừng tê giác, mai rùa, ngọc trai, ngà voi, bông vải, và sồ sứ trắng (YS: 4635 [tập 210, ghi chép về An Nam]). Hoàng đế Mông Cổ còn đòi đích thân các vua nhà Trần phải sang viếng triều đình nhà Nguyên, rằng một quan chức nhà Nguyên để giám sát sẽ được cử sang triều đình Đại Việt, và rằng một đội quân Mông Cổ di hành “xuyên qua Đại Việt” trong một cuộc viễn chinh dến xứ Chàm. Trong khi đó một hsing chung-shu-shêng (thư ký đoàn lưu động) sẽ được thiết lập tại xứ Chàm với nhiệm vụ đi chinh phục các nước vùng Nam Hải khác cho Hoàng Đế Mông Cổ và giám thị chính quyền kế tiếp của chúng (Yamamoto 1975: 87-101). Các nhà cầm quyền Đại Việt rất bất mãn cung cách trực tiếp kiểm soát của Hoàng Đế Mông Cổ và đã mau chóng dẹp bỏ nó sau khi có sự từ trần của ông ta, để nghiêng về các sự sắp xếp ngoại giao và mậu dịch trước đây với nhà Nam Tống. Tuy nhiên, mọi điều không giống hệt như trước, bởi sự xen lấn của Mông Cổ có vẻ như đã thúc đẩy Đại Việt xiết chặt các sự hạn chế của nó trên các hoạt động của các thương nhân Trung Hoa tại lãnh thổ Đại Việt. Theo quyển TICL (trang 51), các thương thuyền ngoại quốc bị ngăn cấm tiến vào các thị trường chính thức tại Giao Chỉ bởi vì chính quyền lo sợ về các gián điệp của Trung Hoa. Điều này có ảnh hưởng đến việc giới hạn các thương nhân Trung Hoa vào hoạt động mậu dịch đồ quốc cấm thầm lặng tại một cảng duy nhất, Tuan-shan (tức Van Dan? [Vân Đồn]). Trong suốt thế kỷ thứ 15, chính quyền nhà Lê đã nới lỏng các chính sách này đôi chút, nhưng ngay khi đó các thương nhân Trung Hoa chỉ được cho phép tiếp cận ở chín cửa ải và thị trấn dọc biên giới. 27 Tóm lại, ở thời điểm này Việt Nam bắt đầu tự xem mình như một chính thể hoàn toàn độc lập, một thể chế, theo cách nói của tác giả Furuta, tự xem mình “Trung Quốc miền nam”, có vị thế đồng đẳng với Trung Quốc miền bắc” (Furuta 1991: 46-51).

Tuy nhiên, bất kể các cảm tính nhuốm màu dân tộc chủ nghĩa này, sự Hán hóa của Đại Việt trong thời kỳ này đã xâm nhập sâu xa, và các sản vật kiểu trung hoa của nhà chế tạo địa phương bắt đầu trở nên các vật phẩm mậu dịch được mong muốn nhiều. Các làng Đại Việt bắt đầu sản xuất đồ gốm và lụa để xuất cẳng chính yếu đến các quốc gia khác ngoài Trung Hoa, và kỹ thuật đã cải tiến thời cuối nhà Trần giúp vào việc sản xuất các đồ nung màu nâu, có họa tiết chìm trước khi tráng men, kiểu nhà Nguyên đã được trả giá cao trên thị trường quốc tế. Trong thời Lê sơ, đồ gốm màu thiên thanh và màu trắng, và đồ sứ tráng men nhiều màu của Đại Việt đã chen chân vào các địa điểm xa xôi như Nhật Bản, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, và đặc biệt được ưa chuộng tại Java và Sulawesi, nơi mà sự ngăn cấm của nhà Minh trên mậu dịch phi triều cống (1371-1571?) đã hạn chế nghiêm trọng sự nhập cảng các đồ sứ từ Trung Hoa (Mikami 1988; Guy 1989: 42-60). Một sản xuất sinh lợi khác của Đại Việt là lụa, sản phẩm vào thế kỷ thứ 15 (và cho mãi đến thế kỷ thứ 17) đã được mua bản khắp vùng Đông Nam Á và Nhật Bản. Tomé Pires (SO: 228) tường thuật rằng hồi đầu thế kỷ thứ 16, Cochinchina (đồng nghĩa với Đại Việt vào thời điểm đó) đã xuất cảng “mọi loại tafetas cao cấp [hàng lụa bóng mượt] và ‘lụa sống hạng tốt”, cùng với vàng, bạc, kalambak (gỗ thơm có phẩm chất cao nhất), đồ gốm, và xà cừ. Vào lúc cuối của cùng thế kỷ này, tác giả de Mendoza (GRC: 576) ghi nhận tương tự rằng số lượng lớn lụa đã được mang sang Malacca bởi người Cochinchina và người Chàm. Ngay cả sau năm 1639, khi “chính sách bế quan: sakoku” của tướng quân Tokugawa trở nên tuyệt đối, số lượng lớn bạc và đồng của Nhật Bản đã đổ vào cả Đông Kinh (Đàng Ngoài, bắc Việt Nam” lẫn Cochinchina (Đàng Trong, miền trung và nam Việt Nam) để đổi lấy lụa Việt Nam. 28

Về mặt chính trị, Đại Việt giờ đây thấy mình có khả năng mở rộng lãnh thổ. Hậu thuẫn bởi một dân số đông và một hệ thống hành chánh được tổ chức hoàn hảo, các lực lượng Đại Việt tiến hành cuộc Nam Tiến [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] nổi tiếng, sau rốt đã ấn định, với sự thua thiệt của Chàm và Căm Bốt, các biên giới lãnh thổ của Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên bản chất đích thực của sự di chuyển này bị hiểu lầm một cách rộng rãi. Sự bành trướng thường trực về phía nam từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 14 hay được nói đến trong thực tế là một huyền thoại, bởi trong thời khoảng đó, số đất mất đi cũng nhiều như phần dành được. Vùng Quảng Bình-Quảng Trị ngày nay vốn được biết đã dành được trong năm 1069 (điều không chắc chắn là sự kiểm soát khu vực này có được bảo toàn hay không) sau đó bị đánh mất bởi nhà Lý trong thế kỷ thứ 12; và cả Quảng Bình ngày nay (chiếm được trong năm 1252) lẫn vùng Quảng Bình-Huế ngày nay (chiếm được vào năm 1307) đều bị đánh mất bởi nhà Trần vào cuối thế kỷ thứ 14. Đây không phải là các biến cố bất ngờ, bởi trong suốt thời kỳ này, Đại Việt quan tâm đến việc đột kích và đánh phá nhiều hơn đến việc ấn định các biên giới mới. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ thứ 14, mục tiêu của Đại Việt tại Chàm đã được chuyển đổi từ việc chỉ cướp phá sang sự dành đoạt đất đai. Các cuộc viễn chinh năm 1446 và 1471 mang các hải cảng của Chàm ở Huế ngày nay và ở các vùng Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Bình Định nằm dưới sự kiểm soát của Đại Việt (Momoki 1992: 160-168), và trong năm 1479 các lực lượng Đại Việt đã thực hiện thành công một cuộc xâm kích vào Lào. Các biến cố này giúp cho Đại Việt tái xác định tư cách chủ tể của nó trong mạng lưới mậu dịch vùng biển Nam Hải. Dưới sự cai trị của vua Lê Thánh Tôn (trị vì từ 1460-1497), quyền lực của Đại Việt gia tăng một cách mau chóng đến nỗi trong năm 1481 Malacca đã cầu cứu lên triều đình nhà Min trên căn bản rằng nếu sự trợ giúp không được đưa ra, Malacca sẽ sớm bị sáp nhập bởi Đại Việt (MSL, Hsien-tzung:n3785-3786 [tập 219: 1a-b]).

Mặc dù các tài liêu chính thức nhà Minh nói khá ít về các vấn đề kinh tế, các khía cạnh thương mại trong quan hệ triều cống Minh-Đại Việt dù thế lại đáng kể. Trong thời nhà Lê (1428-1527), sáu mươi tu sứ bộ triều cống (kể cả triều cống ngoại lê) đã được phái sang triều đình nhà Minh. 30 Mặc dù các loại sản phẩm gửi đi thường được ghi chép – đồ vàng và bạc 34 lần, ngựa 4 lần, ngà voi và sừng tê giác 4 lần, và gỗ trầm 3 lần (Fijiwara 1975: 317-329) – khối lượng hay trị giá các sản phẩm, hay của bất kỳ mậu dịch phi triều cống nào, không may đã không được đề cập đến. Tuy nhiên, việc các sứ bộ đã tận dụng lợi thế và cơ hội cho mậu dịch tư nhân là điều chắc chắn. Những kẻ trong phái bộ năm 1433 và 1434 trong thực tế bị trừng phạt bởi nhà vua (Lê Thái Tông, trị vì từ 1433-1441) vì việc thực hiện thương mại riêng tư trái phép trên đường tiến cống (Ta 1995: 94). 31

Chính vì thế, trong thế kỷ thứ 15, Đại Việt một lần nữa trở nên một trạm trung gian cho cả mậu dịch triều cống lẫn phi triều cống đến Trung Hoa, đảm nhận, trong tiến trình, một tư thế thương mại hùng mạnh, cạnh tranh với tư thế của Ryukyu, Malacca, hay Ayuthya. Đại Việt đã không chỉ mang các sản phẩm của riêng mình và sản phẩm của các nước khác đến Trung Hoa, mà Trung Hoa cũng đến Đại Việt, như trong năm 1462, khi một sứ bộ nhà Minh đến hỏi mua hương liệu (MSL, Ying-tzung: 6885 [tập 337: 5a]). Đại Việt cũng xuất cảng các sản phẩm của Trung Hoa và hàng hóa chế tạo tại nội địa theo kiểu Trung Hoa (chính yếu là đồ gốm và lụa) đến các nước Nam Hải khác có vị trí xa xôi hay tư thế thấp hơn trong hệ thống triều cống đã giới hạn hoạt động mậu dịch trực tiếp với Trung Hoa. Mặc dù chính quyền nhà Minh ngăn cấm các hoạt động của các thương nhân Trung Hoa ở các nước ngoài, các thương nhân này (kể cả các Hoa Kiều “hải ngoại” mới xuất hiện ở Nam Dưong (Nan Yang), tuy thế, đã là các tác nhân không thể thiếu trong mậu dịch của Đại Việt, giống y họ đã từng đóng vai như thế trong thời Nam Tống và thời nhà Nguyên. 32


Kết Luận

Mặc dù Đại Việt mới độc lập hồi thế kỷ thứ 10 không còn là một trung tâm mậu dịch vĩ đại của vùng biển Nam Hải, chính quyền trung ương vẫn đặt thẩm quyền của nó tùy thuộc vào sự chế tạo các sản vật xuất cảng và sự kiểm soát các mạng lưới mậu dịch, hơn là vào sản phẩm và các định chế của xã hội nông nghiệp bản địa tại Châu Thổ sông Hồng. Để bảo tòan được cả mậu dịch triều cống lẫn phi triều cống đối với Trung Hoa, Đại Việt đã gửi nhiều sứ bộ triều cống sang kinh đô Trung Hoa hơn bất kỳ nước thuộc vùng Nam Hải nào khác. Các liên hệ chặt chẽ này có vẻ làm tổn hại cho vị thế của Đại Việt trong mạng lưới mậu dịch vùng biển Nam Hải mà kế đó, mạng lưới này cũng bị suy giảm. Tuy nhiên, dưới các thời nhà Trần và nhà Lê, sự xây dựng và quản trị một loạt các chương trình công chánh trên quy mô lớn ở vùng Châu Thổ sông Hồng đã mang lại một chính quyền theo kiểu Trung Hoa, được hỗ trợ bởi ý thức hệ Khổng học và một chế độ thư lại được tổ chức một cách chặt chẽ. Sự Hán hóa như thế cũng đưa đên các loại sản vật xuất cảng mới, phục hồi sức mạnh thương mại của Đại Việt, và sau rốt giúp Đại Việt đánh bại Chàm và chiếm giữ các thành phố cảng tại miền trung Việt Nam ngày nay. Vào khoảng thế kỷ thứ 15, Đại Việt đã được tái lập như một quyền lực mậu dịch quan trọng tại Đông Nam Á và một lần nữa duy trì các quan hệ triều cống mật thiết với Trung Hoa, hơn bất kỳ nước nào khác trong vùng biển Nam Hải./-

_____

* Momoki Shiro là Phó Giáo Sư về Lịch Sử tại Phân Khoa Văn Chương, đại học Osaka, Nhật Bản. Ông đã biên sọan bộ Daishin Jitsuroku chu Tonan Ajia Kankei Kiji: Kenryu [Tài liệu liên quan đến Đông Nam Á trong bộ Đại Thanh Thực Lục: thời vua Càn Long], 5 quyển. [Kyoto: Tonan Ajia Shigaku-kai Kansai Reikai [Chi Nhánh vùng Kansai của Hội Lịch Sử Đông Nam Á của Nhật Bản], 1984-1985).


CHÚ THÍCH:

1. Đây là bản tu chỉnh của bài tham luận được trình bày tại kỳ hôi nghị lần thứ 13 của hội IAHA (International Association of Historians of Asia: Hội Quốc Tế Các Sử Gia về Á Châu) được tổ chức vào các ngày 5 – 9, tháng Chín năm 1994 tại Đại Học Sophia, Tokyo. Tôi đã tranh luận về dàn bài của bài nghiên cứu này bằng Nhật ngữ (Momoki, 1990).

2. Danh xưng Đại Việt chỉ được sử dụng sau năm 1054. Sau khi có sự chấm dứt một nghìn năm đô hộ của người Trung Hoa, một chính thể độc lập đã được thiết lập tại miền bắc Việt Nam ngày nay hồi thế kỷ thứ 10. Danh xưng của nó trải qua các sự thay đổi thường xuyên thủa ban đầu, nổi tiếng nhất là tên Đại Cồ Việt (trong năm 968?) đặt ra bởi vua Đinh Bộ Lĩnh. Sau năm 1054, Đại Việt trở thành danh xưng chính thức và vẫn giữ nguyên như thế (ngoại trừ trong các năm 1400 đến 1407, khi được đổi thành Đại Ngu [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] cho đến lúc nhà Nguyễn đổi quốc hiệu thành Việt Nam vào năm 1804. Cho đến khi Việt Nam [phiên âm là Yueh-nan trong tiếng Hoa] được thừa nhận bởi nhà Thanh, Đại Việt đã được gọi là Giao Chỉ [Chiao-Chih, có kèm chữ Hán, chú của người dịch] hay An Nam [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] bởi người Trung Hoa, theo tên của một khu vực bảo hộ và chỉ huy quân sự trước đây, nguyên được thiết lập tại miền bắc Việt Nam ngày nay dưới thời chiếm đóng của Trung Hoa.
3. Học giả Trung Hoa, Lin Tien-wei (1960:371-403) có trình bày một cuộc nghiên cứu chi tiết nhưng có tính cách quy ước về việc làm sao mà các quan hệ chính trị giữa Trung Hoa thời nhà Tống, Đại Việt, và xứ Chàm đã ảnh hưởng đến tính thường xuyên của sự triều cống từ Đại Việt và xứ Chàm lên nhà Tống. Từ quan điểm về cấu trúc xã hội và nhà nước, các học giả Việt Nam (đặc biệt sau thế kỷ thứ 17) chỉ thỉnh thỏang mới thảo luận về ngoại thương của đất nước trong khuôn khổ của sự tranh luận nổi tiếng về “mầm mống của chủ nghĩa tư bản”, trong đó sự xuất hiện của nó nói chung bị phủ nhân (xem Thanh Thế Vỹ [?] 1961; Phạm Văn Kinh [?] 1979). Công trình tiên phong của tác giả Whitmore (1983) mau chóng được tiếp nối bởi một số các bài khảo luận ngắn phê bình sự lãng quên về công cuộc mậu dịch thời trước thế kỷ thứ 14 tại Đại Việt (Ishil & Sakurai 1985; Hall 1985: 181-186; 1992: 260-269; Trần Quốc Vượng 1986; Whitmore 1986: 129-131), nhưng kể từ đó không có công trình sâu rộng nhào về mậu dịch thời ban sơ của Đại Việt xuất hiện trong bất kỳ ngôn ngữ Tây Phương nhào, mặc dù có vài công trình quan trọng về các thời kỳ sau này. Để có một sự bình luận đôi khi mang nhiều tính cách dân tộc chủ nghĩa, xem Cân Ngọc Liên [?] (1995); về các chúa Nguyễn trong các thế kỷ thứ 17 và 18, xem Yang Baoyun (1992) và Li Tana (1993).

4. Về mậu dịch đường biển và ảnh hưởng của nó trên các quốc gia và xã hội Đông Nam Á cho đến thế kỷ thứ 14, xem Hall (1985); về các cuộc thảo luận về các sự phát triển trong các thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 17, xem Reid (1987, 1993). Liên quan đến sự phát triển của kinh tế thị trường và mậu dịch tại Nhật Bản trong thời Trung Cổ, xem Amino (1989, 1995); về thủa ban sơ của thời hiện đại, xem Hayami & Miyamoto (1988). Về mậu dịch hàng hải của Trung Hoa, xem Reid (1996); về quốc gia, xã hội, thị trường, và mậu dịch thủa ban sơ của thời hiện đại tại Trung Hoa, xem Kuroda (1994) và Kishimoto (1995). Về mậu dịch và văn minh tại vùng Ấn Độ Dương, xem Chaudhuri (1985) và Yajima (1993).

5. Thí dụ, Lieberman (1993: 477-479; 1995: 799-804) lập luận rằng lý thuyết mậu dịch thủa ban sơ của thời hiện đại của Reid (1987, 1993) chỉ áp dụng được cho thế giới Mã Lai-Nam Dương chứ không áp dụng được cho vùng lục địa Đông Nam Á.

6. Mặc dù chính quyền nhà Tống thường cấm đóan dân chúng xuất ngoại hay thu nhận đồng tiền bằng đồng xuyên qua biên giới, các hoạt động như thế trong thực tế diễn ra một cách phổ biến.

7. Tôi sẽ không thảo luận ở đây sự phục hồi kinh tế của Á Châu hồi đầu thế kỷ thứ 19 vì đề tài đó đã được trình bày một cách xuất sắc bởi tác giả Reid (1997).

8. Chỉ các nước tại Đông Nam Á cũng như các nước ở Ấn Độ và Tây Á đã gửi các sử bộ xuyên qua ngả Đông Nam Á – xem Bản Đồ số 1.

9. Các hoàng đế Trung Hoa, tin rằng các quan hệ quốc tế chỉ phải được thực hiện giữa chính họ với các vua chư hầu, thường từ chối sự nhập cảnh của các thương nhân thuộc các quốc gia không đến triều cống và ngăn cấm các thương nhân Trung Hoa được xuất ngoại.

10. Trật tự thế giới kiểu Trung Hoa và hệ thống triều cống đã được nghiên cứu một cách sâu rộng: xem Fairbank (1968) và Hamashita (1990: 25-47).

11. Triều đình Trung Hoa đôi khi khước từ sự triều cống ngoại quốc bởi triều đình không đài thọ được các phí tổn đáp ứng theo nghĩa vụ liên hệ.

12. Một số cuộc điều tra sâu rộng đã được thực hiện trên các phái bộ triều cống đến Trung Hoa thời nhà Tống, chẳng hạn như các công trình của Yamamoto (1975: 648-664) về Đại Việt, Chang (1980) về xứ Chàm, và Kuwata (1992) về San-fo-ch’i. Tuy nhiên, mỗi cuộc nghiên cứu này đều chứa các sự mô hồ nội tại về các nguồn tài liệu chính yếu mà nó đã đặt căn bản trên đó.

13. Một số nguồn tài liệu Trung Hoa chính yếu được trích dẫn trong bài viết này hiện hữu trong hai hay ba phiên bản, với việc đánh số và chia trang khác nhau. Trong các trường hợp như thế, các sự dẫn chứng chính được bổ túc bởi các dẫn chứng thứ yếu đi kèm nhằm hướng dẫn độc giả đến các phiên bản lựa chọn khác nhau. Thí dụ, (SHY: 7715 [fan-I V: 31a-b]) chỉ trang bên phải (“a”) và trang bên trái (“b”) của tờ thứ 31 trong tập thứ 5 của quyển sách, nơi phần nói về fan-i (“tài liệu về các dân man di”) như xuất hiện trên trang 7715 của ấn bản SHY đã trích dẫn. Trong trường hợp MSL, nơi mà các tài liệu của nhiều vị vua khác nhau được đánh số trang riêng biệt, tên của vị hoàng đế xuất hiện trước số trang của ấn bản trích dẫn, trong khi số tập và trang nguyên thủy được ghi trong các ngoặc thẳng, tí dụ như (MSL, Hien-tzung: 3785 [vol.219: 1a]).

14. Cống phẩm lớn nhất được ghi nhận so với bất kỳ quốc gia Nam Hải nào – triều cống của xứ Chàm năm 1156 – có trị giá được ước lượng là 107,000 chuỗi (SHY: 7739 [fan-i IV: 79b-80a]).

15. Tổng quát, từ nhà Đường đến nhà Nguyên (thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14), mậu dịch không có tính cách triều cống tại các cảng biển và thị trường được phát triển một cách mau lẹ dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền. Các văn phòng quản trị mậu dịch tại các nơi này thường phụ trách việc tiếp đón các sứ bộ triều cống ngoại quốc. Trong trường hợp nhà Tống, lợi tức trung bình hàng năm từ các văn phòng này (Shih-po ssu [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]: Cuộc Giám Sát Mậu Dịch Đường Biển) đã tăng từ 530,000 chuỗi hồi giữa thế kỷ thứ 11 lên 2 triệu chuỗi hồi giữa thế kỷ thứ 12 (Kuwabara 1935: 197-198). Lợi tức này chính yếu đến từ thuế quan đánh trên các sản vật mậu dịch và từ số bán các sản phẩm độc quyền nhập cảng (Shih-po ssu có thể giữ độc quyền mậu dịch về đồ gia vị, dược phẩm, và hương liệu, kể cả những hàng hóa được gồm trong cống phẩm.

16. Các hạn chế và ngăn cấm này có lẽ phản ảnh sự bất mãn của triều đình trên sự xác quyết nền độc lập của Đại Việt. Mặc dù các nỗ lực của Trung Hoa trong năm 980 và một lần nữa trong các năm 1175-76 nhằm tái chiếm đô hộ phủ tại Giao Chỉ bị kết thúc trong sự thảm bại, các nhà lãnh đạo nhà Tống tiếp tục nhìn Đại Việt như một quốc gia mọi rợ hung hăng và bất tuân phục. Mậu dịch bị cấm đóan tại Yung-chou trước năm 1118 chính vì lý do này. Hoàng đế đã gỡ bỏ sự cấm chỉ này trong năm đó bởi vì người Giao [tức người Giao Chỉ] đã không xúi dục chiến tranh [kể từ năm 1075-76[“ (SHY: 7720 [fan-i IV: 41b]) và do vậy đáng được thưởng cho sự tuân phục của họ, mặc dù các sứ bộ triều cống thường xuyên phái đi bởi Đại Việt đến nhà Tống hẳn cũng phải là một yếu tố trong quyết định của hoàng đế.

17. Như Yamauchi (1996) vạch ra, các phẩm vật triều cống từ các thương nhân ngoại quốc trong thời nhà Tống thường được ghi chép trong các niên sử của Việt Nam.

18. Sự việc nổi tiếng là phần lơn “các Hoa Kiều Hải Ngoại” trong thời hiện đại phát sinh từ tỉnh vùng đông nam tức Phúc Kiến, nơi có nhiều thành phố cảng thịnh vượng – Fu-chou, Ch’uan-chou, Amoy – nhưng lại thiếu một căn bản nông nghiệp rộng lớn.

19. Dù vậy ĐVSL, được nghĩ chứa đựng nhiều tài liệu nguyên thủy về thời nhà Lý hơn bộ ĐVSKTT, không đề cập đến hải cảng này, Phần ghi chép trong ĐVSKTT cho năm 1145 và 1149 nói đến sự cập bến Vân Đồn các thương thuyền từ Xiêm La [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], danh xưng được nghĩ để chỉ Ayuthaya (được thiết lập trong thế kỷ thứ 14). Về sự mâu thuẫn này, xem Katakura (1967: 77-78). Trong cuộc khảo cứu về khảo cổ của họ, các tác giả Aoyaga và Ogawa (1992: 62) vạch ra rằng không có các mảnh vỡ đồ gốm thời nhà Lý được tìm thấy tại Vân Đồn.
20. Sau này, trong thế kỷ thứ 15, chính quyền trung ương của Đại Việt đã cho phép mở ba khu định cư của các thương nhân Trung Hoa tại Nghệ An và Hà Tĩnh (Fujiwara 1975: 312). Hồi đầu thế kỷ thứ 17, các thương nhân Nhật Bản thăm viếng Đông Kinh (Tonkin, miền bắc Việt nam dưới quyền chúa Trịnh) trong các shuinsens (các thuyền trét sơn màu son đỏ) cũng thường hay cập bến ở Nghệ An, từ đó họ trương buồm về hướng bắc dọc theo bờ biển để tiến đến Châu Thổ sông Hồng.

21. Việc buôn lậu ở biên giới, đặc biệt các nô lệ từ Trung Hoa sang Đại Việt, có vẻ thường xảy ra tại những nơi khác với các thị trường được phép mở. Theo quyển GKYHC:
Dân bản xứ ít ỏi, nửa dân số của xứ sở này [tức Giao Chỉ], là người gốc Trung Hoa. Các kẻ bán rong ở phía nam Ngũ Lĩnh (Five Ridges) [tức Quảng Đông và Quảng Tây] thuê mướn dân địa phương làm nô lệ và các phu khuân vác. Khi họ đến một chou-tung [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] [tức khu định cư các sắc tộc ít người gần biên giới], các kẻ bán rong đem trói họ lại [các nô lệ và phu khuân vác] để bán cho [tù trưởng] chou-tung, và nhận được 2 lạng [mỗi lạng = 37 gram 5] vàng trên mỗi đầu người. Sau đó chou-tung đem bán họ cho Giao Chỉ và nhận được ba lạng trên mỗi đầu người. Số người bị bán không ít hơn 100,000 [?] người mỗi năm. Giá người có tay nghề thì gấp đôi. Giá cá kẻ bíet đọc và viết gấp đôi một lần nữa. (được trích dẫn trong Wên-hsien tung-k’ao [tập 330: Chiao-chih]).

22. Một sự tường thuật thú vị và hoàn toàn đáng tin cậy trong bộ ĐVSKTT kể lại là một thương nhân từ Java đem dâng một viên dạ quang châu lên nhà vua trong năm 1066 (ĐVSKTT: 244)

23. Quân sĩ Căm Bốt trong thực tế đã xâm lăng Nghệ Tĩnh xuyên qua con đường đó nhiều lần trong thế kỷ thứ 12 (xem Maspero 1918).

24. Về các sản vật ngoại quốc được ghi chép trong các nguồn tài liệu thời nhà Tống, xem Wheatley (1959).

25. Các học giả Việt Nam hiện đại theo Mác-xít ưa thích nhìn Đại Việt thời ban sơ không phải như một xã hội phong kiến mà như một hệ thống kinh tế - xã hội tượng trưng cho “phương thức sản xuất Á Châu”. Các học giả này còn xác nhận xa hơn rằng đã không có quyền tư hữu ruộng đất trong thời kỳ này và rằng các lợi tức bởi thế đã có được xuyên qua sự triều cống, hơn là qua thuế khóa. (Lê Kim Ngân, 1981).

26. Trong ý nghĩa này, xem Whitmore (1986: 128) đã tuyên bố, Đai Việt thời ban sơ phù hợp với mô thức bản địa Đông Nam Á về ngôi vua được ám chỉ trong Mandala [vũ trụ quan thu nhỏ, chú của người dịch], hay vòng tròn về các vị vua (Wolters 1982; Hagestein, 1989) hơn là mô thức chế độ quân chủ Trung Hoa được tổ chức một cách toàn vẹn.

27. Bộ Hình Luật triều Lê (Quốc Triều Hình Luật: có kèm chữ Hán, chú của người dịch] bao gồm một số các điều khoản liên quan đến sự quy định mậu dịch với nước ngoài tại Vân Đồn (Fujiwara 1975: 282-283, 312-313 fn 129, 130).

28. Đề tài này đã được nghiên cứu chính yếu trong khuôn khổ các quan hệ Nhật Bản-Tây Phương và Trung Hoa – Nhật Bản (xem Momoki 1993).

29. Sự sát nhập chưa hề xẩy ra, nhưng Đại Việt hiển nhiên có các tham vọng như thế: trong năm 1485, vua Lê Thánh Tông đã ban hành một bộ luật về các thủ tục triều cống (Chư phan [?] sứ thần triều cống Kinh quốc lệ [? Có kèm chữ Hán, chú của người dịch] trong đó Malacca, cùng với Chàm, Lào, Xiêm và Java, được nêu têm là một chư hầu của Đại Việt (ĐVSKTT: 726).
30. Con số này so sánh với 62 sứ bộ từ Vương Quốc Ryukyu (ở Okinawa) trong cùng thời khoảng (Kobata 1968: 126-162).

31. Cũng chỉ dẫn về khối lượng mậu dịch triều cống, có sắc dụ nhà Minh năm 1478 đặt ra một giới hạn về ngạch số các sản vật phi triều cống được chấp thuận cho các sứ bộ An Nam, điều này được ấn định như thế để làm giảm bớt gánh nặng xâu dịch trên dân chúng địa phương dọc đường đi [theo tập quán đã ấn định, mọi phí tổn của các sứ bộ triều cống từ biên giới Trung Hoa đến kinh đô và trở về đều bị đảm trách bởi chính quyền và dân chúng địa phương – xem MSL, Hsien-tzung: 3673-3674 [tập 176: 5a-b]).

32. Tomé Pires báo cáo rằng các thương nhân Cochinchinese hiếm khi lái thuyền trực tiếp sang Malacca – ông viết, họ thì “yếu kém’’ trên biển cả (SO: 227) – nhưng thay vào đó, họ đến xứ Chàm hay Quảng Châu để dành chỗ đi biển ở đó, trên các chiếc thuyền buồm Trung Hoa sè đi đến Bán Đảo Mã Lai (SO-229).


***

SÁCH THAM KHẢO

Các nguồn tài liệu chính yếu; (các trích dẫn trong văn bản được ghi bằng chữ viết tắt các nhan đề, chứ không theo tên tác giả) [Các danh xưng phiên âm từ tiếng Trung Hoa dưới đây đều có chữ Hán đi kèm, chú của người dịch]


ANHC
An-nan hsing-chi [An Nam Hành Ký, có kèm chữ Hán, chú của người dịch], của Hsu Ming-shan [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Một báo cáo của phái bộ nhà Nguyên sang Đại Việt trong năm 1289. trong Shua-fu [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] (một loạt các tác phẩm Trung Hoa cổ điển được biên sọan trong thời nhà Minh), tập 51. Shanghai: Shang-wu in-shu-kuan [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]

CFC
Chu-fan chih Hsiao-chu, của Chau Ju-k’uo, chú giải bởi Fêng Ch’êng-ch’in. Giới thiệu về các nước ngoài và hoạt động mậu dich của họ, biên soạn năm 1225. Taipei: Shang-wu yin-shu kuan, 1970.

CP
Hsu tzu-chih t’ung-chien chang-p’ien, của Li Tao. Một niên sử quan trọng về thời nhà Tống. Ấn bản lần thứ tư. Taipei: Shih-chieh shu-chu, 1983.

CYGS
Choya Gunsai, của Miyoshi Tameyasu. Một tuyển tập Các Mẫu Tài Liệu Chính Thức tại Nhật Bản hồi đầu thế kỷ thứ 12. Trong Kaitei Shiseki Shuran [Tuyển tập các nguồn tài liệu lịch sử], quyển 18. Kyoto: Rinsen Shoten, 1984.

ĐVSKTT
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nhuận sắc bởi Ch’en Ching-he (Trần Kinh Hòa). Niên sử chính thức của Đại Việt, liên tiếp được biên soạn trong các thế kỷ 15, 16, 17 và được hoàn tất năm 1697. Tokyo: Tokyo Daigaku Toyo Bunka Kenkyusyo [Research Institute of Eastern Culture, University of Tokyo], 1984.

ĐVSL
Đại Việt Sử Lươc. Nhuận sắc bởi Ch’en Ching-he. Một niên sử của Đại Việt được biên soạn bởi một tác giả vô danh trong thế kỷ thứ 13. Thường được gọi là Việt Sử Lược. Tokyo: Soka Daigaku Ajia Kenkyusyo [Institute of Asian Studies, Soka University], 1987

GRC
Shina Daiokoku-shi [Historia de las Cosas Mas Notables, Ritos y Costvmbres, del gran Reyno dela China …], của J. G. de Mendoza. Xuất bản lần đầu tiên năm 1585. Được phiên dịch sang Nhật ngữ bởi Chonan Minoru và Yazawa Toshihiko. Tokyo: Iwanami Shoten, 1965.

HNYL
Chien-yen i-lai his-nien yao-lueh, của Li Hsin ch’uan. Một niên sử về thủa ban đầu của nhà Nam Tống. Kyoto: Chubun Syuppannsya, 1983.

KHYHC
Kui-hai Yu-heng-chih, của Fang Ch’êng-ta. Một tài liệu ghi lại kinh nghiệm trong quyển Kuang-hsi năm 1175. Phần được trích dẫn trong bài viết này không có mặt trong nguyên bản nhưng được chép lại trong tập thứ 33 của bộ Wên-hsian tong-k’ao của Ma Tuan-lin (Taipei: Hsin-hsing shu-chu, 1965), một bách khoa toàn thư nổi tiếng về Trung Hoa hồi đầu thế kỷ thứ 14.

LWIT
Ling-wai tai-ta, của Chou Ch’u-fei. Giới thiệu về Kuang-hsi và các xứ sở vùng Nam Hải cùng các sản phẩm của chúng, biên soạn năm 1178. Peking: Kuo-hsue wên-k’u (tập 42), 1937.

MSL
Ta-ming shih-lu [Đại Minh Thực Lục] Sử ký chính thức triều nhà Minh, thường được gọi là Ming Shih-lu. Taipei: Chung-yang yen-chiu-yuan li-shih yu-yen yen-chin-suo.

SHY
Sung hui-yao Chi-kao. Văn bản được sắp xếp lại từ quyển Sung hui-gao, các tài liệu chính thức về các định chế và nền hành chính triều đại nhà Tống. Taipei: Hsin wenfêng.

SO
Toho Shokoku-ki [Suma Oriental que trata do Mar Roxo ate os Chinas], của Tomé Pires. Được viết trong khoảng 1512-14(?). Được xuất bản lần đầu năm 1944. Phiên dịch sang Nhật ngữ bởi Ikuta Shigeru và các đồng sự khác. Tokyo: Iwanami Shoten, 1966.

SS
Sung-shih [Tống sử] Lịch sử chính thức về thời nhà Tống. Peking: Chung-hua shu-chu, 1977.

TICL
Tao-i chih-lueh hsiao-shih, của Wang Ta-yuan, chú giải bởi Su Chi-ch’ing. Một tác phẩm trình bày các quan hệ giữa các nước vùng Nam Hải vào giữa thế kỷ thứ 14. Peking: Chung-hua shu-chu, 1981.

YH
Yu-hai, của Wang Ying-lin. Một bách khoa toàn thư biên soạn năm 1267. Shanghai: Shanghai shu-tien, 1987.

YS
Yuan-shih [Nguyên sử] Lịch sử chính thức về thời nhà Nguyên. Peking: Chung-hua shu-chu, 1976.


Các Nguồn Tài Liệu Thứ Yếu

Amino Yoshihiko
1994 “Kahei to Shihon” (Tiền Tệ và Tư Bản). Trong bộ Iwanami Koza Nihon Tsushi 9: Chusei 3 [Lịch sử Iwanami về Nhật bản, tập 9: Thời Trung Cổ 3]. Asao Naohiro và các tác giả khác, biên tập 207-246. Tokyo: Iwanami Shoten.

Amino Yoshihiko (biên tập)
1987 Nihon no Syakai-shi 1: Retto Naigai no Kotsu to Kokka [Lịch sử xã hội của Nhật Bản 1: Sự Lưu Thông và Các Quốc Gia Bên Trong và Bên Ngoài Quần Đảo Nhật Bản]. Tokyo: Iwanami Shoten.

Aoyagi Yogi & Ogawa Hidefumi
1992 “Betonamu Tojiki no Hennen-teki Kenkyu to Koyoshi no Tyosa Hokoku” [Nghiên cứu và sưu tầm theo niên lịch về các lò nung cổ chế câno đồ gốm Việt Nam] Tonan Ajia Koko Gakkai kaiko [Cânp chí Khảo Cổ Đông Nam Á] 12: 58-74.

Chang Hsiang-yi
1980 “Nanso Jidai no Shihakushi Boeki ni kansuru Ichi Kosatsu: Senso-koku no Socho eno Choko o toshite Mita” [Nghiên cứu về mậu dịch shih-po ssu trong thời Nam Tống, như được xét qua sự triều cống của Champa]. Trong Aoyama Hakushi Koki Kinen Sodai-shi Ronso [Các nghiên cứu về lịch sử thời nhà Tống, để vinh danh Tiến Sĩ Aoyama nhân dịp mừng lễ sinh nhật thứ bẩy mươi của ông]. Committee for the Commemoration of Dr. Aoyama‘s Seventieth Birthday, biên tập, 263-294. Tokyo: Seishin Syobo.

Chaudhuri, K. N.
1985 Trade and Civilization in the Indian Ocean: An Economic History from the Rise of Islam to 1750. Cambridge University Press.

Fairbank, John K., (biên tập)
1968 The Chinese World Order: Traditional China‘s Foreign Relations. Cambridge: Harvard University Press.

Fujiwara Riichiro
1975 “Reicho Zenki no Min tono Kankei” [Các quan hệ của Việt Nam với nhà Minh vào thời ban đầu của triều Lê]. Trong Yamamoto 1975: 253-332; cũng được gồm trong quyển của Fugiwara, Tonan Ajiashi no Kenkyu [Nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á], 99-173. Kyoto: Hozokan, 1985.

Furuta Motoo
1991 Betonamu-jin Kyosan Shugisya no Minzoku Seisaku-shi: Kakumei no nakano Esunishiti [Một cuộc nghiên cứu về chính sách chủng tộc của cộng sản Việt Nam: các sắc dân trong cách mạng]. Tokyo: Otsuki Shoten.

Guy, John
1989 Ceramic Traditions of South-East Asia. Singapore: Oxford University Press.

Hagestein, Renée
1989 Circles of Kings: Political Dynamics in Early Continent Southeast Asia. Dordrecht: Foris Publication.

Hall, Kenneth R.
1985 Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, Honolulu: University of Hawaii Press.

1992 “Economic History of Early Southeast Asia”, trong quyển The Cambridge History of Southeast Asia, volume 1: From Early Times to c. 1800, Nicholas Tarling, biên tập, 183-275. Cambridge: Cambridge University Press.

Hamashita Takeshi
1990 Kindai Chugoku no Kokusai-teki Keiki: Choko Boeki Shisutemu to Kindai Ajia [Các động lực ngoại lai cho nước Trung Hoa hiện đại: hệ thống mậu dịch triều cống và Á Châu hiện đại]. Tokyo: Tokyo Daigaku Shuppan-kai (University of Tokyo Press).

Hayami Akira và Miyamoto Matao (đồng biên tập)
1988 Nihon Keizai-shi 1: Keizai Suakai no Seiritsu, 17-18 Seiki [Lịch sử kinh tế của Nhật Bản: Sự thành lập một xã hội hướng về kinh tế trong các thế kỷ thứ 17 và 18]. Tokyo: Iwanami Shoten.

Ishii Yoneo & Sakurai Yumio
1985 Tonan Ajia Sekai no Keisei [Sự thành lập thế giới Đông Nam Á], Tokyo: Kodansya.

Kato Shigeshi
1926 Toso Jidai ni okeru Kin-gin no Kenkyu [Nghiên cứu về vàng và bạc dưới thời nhà Đường – nhà Tống]. Tokyo: Tokyo Bunko.

Katakura Minoru
1967 “Betonamu Richo no Boeki ni kansuru Ichi Kosatsu” [Nghiên cứu về mậu dịch Việt Nam trong trie6`1u nhà Lý]. Rekishi Kyoiku [Cânp chí Giáo Dục Lịch Sử] 15(7): 76-81.

1978 “Betonamu no Uma o meguru Nisan no Kosatsu” [Các ghi nhận về con ngựa của Việt Nam]. Trong quyển Uchida Ginpu Hakushi Shoju Kinen Toyo-shi Ronsyu [Các cuộc nghiên cứu về Á Châu học để vinh danh Tiến Sĩ Ginpu nhân Lễ Mừng sinh nhật thứ bẩy mươi của ông], Committee for the Commenmoration of Dr. Ginpu Uchida’s Seventieth Birthday, biên tập, 149-170. Kyoto: Doho-sya. Cũng được gồm trong quyển của Katakura Minoru, Betonamu Zenkindai-ho no Kisoteki Kenkyu [Nghiên cứu cơ bản về luật pháp thời tiền hiện đại của Việt Nam], 487-518. Tokyo: Kazama Shobo, 1987.

Kawahara Masahiro
1975a “Betonamu Dokuritsu Ocho no Seiritstu to Hatten” [Sự thành lập và phát triển các triều đại Việt Nam độc lập]. Trong Yamamoto 1975: 5-28.

1975b “Richo to So tono Kankei” [Các quan hệ giữa nhà Lý và nhà Tống]. Trong Yamamoto 1975: 29-82.

Kishimoto Mio
1994 “Shincho to Yurasia” [Thanh triều và vùng Âu-Á]. Trong Koza Sekai-shi 2: Kindai Sekai heno Michi [Lịch sử thế giới, quyển 2: Con đường dẫn tới thế giới hiện đại]. Rekishigaku Kenkyukai, biên tập, 11-42. Tokyo: Historical Science Society of Japan; Tokyo Daigaku Syuppankai (University of Tokyo Press).

Kobata Atsushi
1968 Chusei Nanto Tsuko Boeki-shi no Kenkyu [Nghiên cứu về ngoại giao và mậu dịch của đảo Lưu Cầu trong thời Trung Cổ]. Tokyo: Tokyo Shoin.

Kuroda Akinobu
1994 Chuka Teikoku no Kozo to Sekai Keizai [Cấu trúc đế quốc Trung Hoa và kinh tế thế giới]. Nagoya: Nagoya Daigaku Syuppan-kyoku (Nagoya University Press).

Kuwabara Jitsuzo
1935 Hojuko no Jisekin [Các Hành Vi của P’u Shou-gêng). Tokyo: Iwanami Shoten. Ba/n tu chỉnh. Tokyo: Heibonsya, 1989.

Kuwata Rokuro
1936 “Sanbussei-ko” [Nghiên cứu về San-fo-ch’i]. Taihoku Teidai Shigaku-ka Kenkyu Nenpo [Niên giám của Ban Lịch Sử, Đại Học Imperial University tại Taipei] 3: 1-42. Cũng được gồm trong NankaiTozai Kotsushi Ronso [Nghiên cứu về lịch sử mậu dịch hàng hải Đông-Tây], của Kawata Rokuro, 183-275. Tokyo: Kyuko Shoin, 1993.

Lê Kim Ngân
1981 “Một Giả Thiết Về Kết Cấu Kinh Tế Của Xã Hội Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XV”, trong quyển Tìm hiểu Xã hội Việt Nam thời Lý-Trần, Viện Sử học Việt Nam, biên tập, 208-297. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội.

Li Tana
1993 “The inner Region: A Social and Economic History of Nguyễn Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries”, luận án tiến sĩ, Đại Học Quốc Gia Úc Đại Lợi.

Lieberman, Victor
1993 “Local Integration and Eurasian Analogies: Structuring Southeast Asian History, c. 1350-1830”. Modern Asian Studies 27(3): 475-572.

1995 “An Age of Commerce in Southeast Asia? Problems of Regional Coherence – A Review Article”. Journal of Asian Studies 54(3): 796-807.

Lin Tien-wei
1960 Sung-tai hsiang-yao mao-I shih-kao [Lịch sử mậu dịch hương liệu thời nhà Tống]. Hong Kong: Lin Tien-wei

Maspero, Henri
1918 “La frontière de l’Annam et du Cambodge”, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient 18(3): 29-36.

Mikami Tsugio
1988 “Tonan Ajia Toji to Toji Boeki” (Đồ gốm Đông Nam Á và mậu dịch đồ gốm). Trong Toji Boeki-shi Kenkyu: chu [Nghiên cứu về lịch sử mậu dịch đồ gốm, tập 2]. Mikami Tsugio, biên tập, 197-249. Tokyo: Chuo Koron Bijutsu Syuppan.

Momoki Shiro
1982 “Chincho-ki Vetonamu no Seiji Taisei ni Kansuru Kisoteki Kenkyu” [Nghiên cứu sơ lược về cơ cấu chính trị Việt Nam trong triều đại nhà Trần. Toyoshi Kenkyu [Cânp chí Nghiên Cứu Đông Phương] 41(1): 84-121.

1987 “Vetonamu Richo no Gunji Kodo to Chiho Shihai” [Các hoạt động quân sự và sự cai trị địa phương tại Việt Nam dươi triều nhà Lý]. Tonan Ajia Kenkyu 26(3): 241-265.

1990 “10-15 Seiki no Nankai Koeki to Vietnam” [Việt nam trong khuôn khổ mậu dịch vùng Nam Hải, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15]. Trong Sekaishi eno Toi 3: Ido to Koryu [Tìm hiểu về lịch sử thế giới 3: Di dân và các sự trao đổi]. Hamsshita Takeshi, biên tập, 225-256. Tokyo: Iwanami Shoten.

1992 “10-15 Seiki Betonamu Kokka no Minami to Nishi [Chính thể Việt Nam đối với các nước láng giềng phía nam và phia tây, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15]. Toyoshi kenkyu 51(3): 158-191.

1993 “Japan and Vietnam in the Asian Trade System in the 17th – 18th Centuries”, Vietnam Social Sciences 1993(2): 43-51. Cũng được gồm trong quyển Phố Hiến,The Centre of International Commerce in the 16th – 17th, Hội Sử Gia Việt Nam và Ủy Ban Nhân Dân Hành Chính tỉnh Hải Hưng, biên tập, 39-49. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế Giới, 1994.

Phạm Văn Kinh [?]
1979 “Bộ mặt thương nghiệp Việt Nam thời Lý-Trần”, Nghiên cứu Lịch Sử 189: 35-42. Cũng được gồm trong quyển Tìm Hiểu Xã hội Việt Nam thời Lý-Trần, Viện Sử Học Việt Nam, biên tập, 180-207. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1981.

Reid, Anrhony
1988 Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680. Volume One: The Land below the Wind. New Haven: Yale University Press.

1993 Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680. Volume Two: Expansion and Crisis. New Haven: Yale University Press.

Reid, Anthony (biên tập)
1996 Sojourners and Settlers: History of Southeast Asia and the Chinese. St. Leonards, New South Wales: Allen & Unwin.

1997 The Last Stand of Asian Autonomies: Responses to Modernity in the Diverse States of Southeast Asia and Korea, 1750-1900. Houndmills and London: Macmillan.

Sakurai Yumio
Không ghi ngày xuất bản. Land, Water, Rice and Men in Early Vietnam, K. W. Taylor, biên tập, T. A. Stanley phiên dịch. Ấn hành riêng bởi Giáo Sư K. W. Taylor (Cornell University).

1987 “Betonamu Koga Deruta no Kaitaku-shi” [Sự khai hoang châu thổ sông Hồng tại Việt Nam]. Trong Ine no Ajia-shi [Lịch sử lúa gạo Á Châu], tập 2. Watabe Tadayo, biên tập 235-276. Tokyo: Syogakukan.

Cân Ngọc Liên
1995 Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV-đầu thế kỷ XVI, Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội.

Taylor, Keith W.
1986 “Authority and Legitimacy in 11th century Vietnam”. Trong quyển Southeast Asia in the 9th to 14th Centuries, do D. G. Marr và A. C. Milner biên tập, 139-176. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies; Canberra: Research School of Pacific Studies, Australian National University.

Thanh Thế Vỹ [?]
1961 Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX. Hà Nội: Nhà xuất bản Sử Học.

Trần Quốc Vượng
1986 “Traditions, Acculturation, Renovation: the Evolutional Pattern of Vietnamese Culture”. Trong Southeast Asia in the 9t to the 14th Centuries, do D. G. Marr và A. C. Milner biên tập, 271-278. Singapore: Institute of Southeast Asia Studies; Canberra: Research School of Pacific Studies, Australian National University.

Wheatley, Paul
1959 “Geographical Notes in Some Commodities Involved in Sung Maritime Trade”. Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society 32(2): 1-140.

Whitmore, John K.
1983 “Vietnam and the Monetary Flow of Eastern Asia, Thirteenth to Eighteenth Centuries”, trong quyển Precious Metals in the Later Medieval and Early Modern World, do J. F. Richards biên tập, 363-393. Durham, North Carolina: Carolina Academic Press.

1986 “Elephants can Actually Swim: Contemporary Chinese Views of Late Lý Dai Viet”. Trong quyển Southeast Asia in the 9t to the 14th Centuries, do D. G. Marr và A. C. Milner biên tập, 271-278. Singapore: Institute of Southeast Asia Studies; Canberra: Research School of Pacific Studies, Australian National University.

Wolters, Oliver W.
1976 “Lê Văn Hưu‘s Treatment of Lý Thần Tôn‘s Reign (1127-1137)”. Trong quyển Southeast Asian History and Historiography, do C. D. Cowan và O. W. Wolters biên tập, 203-226. Ithaca: Cornell University Press.

1982 History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.

1988 Two Essays on Đại Việt in the Fourteenth Century. New Haven: Yale Center for International and Area Studies.

Yajima Hikoichi
1993 Umi ga Tsukuru Bunmei: Indo-yo Kaiiki Sekai no Rekishi [Nền văn minh câno lập từ biển: Một lịch sử về thế giới hàng hải tại Ấn Độ Dương]. Tokyo: Asahi Shimbunsya.

Yamamoto Tatsuro (biên tập)
1975 Betonamu Chugoku Kankei-shi [Lịch sử quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Hoa]. Tokyo: Yamakawa Syuppansya.

Yamauchi Shinji
1995 “Higashi Ajia ni okeru Kaisho to Kokka” [Các thương nhân đường biển và các quốc gia trong thế giới hàng hải tại Đông Á]. Trong Rekishigaku Kenkyu [Cânp chí Nghiên Cứu Lịch Sử] 681: 16-28.

Yang Baoyun
1992 Contribution à l’histoire de la principauté des Nguyễn au Vietnam Méridional (1600-1775). Genève: Edition Olizane.

_____

Nguồn: Momoki Shiro, Dai Viet and the South China Sea Trade, from the 10th to the 15th Century, Crossroads: An Interdisciplinary Journal of Southeast Asian Studies, 12(1): 1-34, 1998, Center for Southeast Asian Studies, Northern Illinois University.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét