Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Những cư dân “nhà ống” ở Hà Nội thề sẽ không đi khỏi Khu Phố Cổ

Những cư dân “nhà ống” ở Hà Nội thề sẽ không đi khỏi Khu Phố Cổ
Ian Timberlake
Thứ Ba, ngày 22-12-2009

HÀ NỘI (AFP) – Bà cụ đứng bên ô cửa chật hẹp, một đường hầm tối tăm chạy dài phía sau lưng bà cho tới khi nó kết thúc tại một nơi tranh tối tranh sáng nằm cách xa khoảng nửa block (1/20 dặm, khoảng 80 mét).
Bên trong con đường hầm là những căn phòng chật hẹp mà bà cụ già và gia đình của bà gọi là nhà.
“Tôi thích sống ở đây và tôi sẽ chết ở đây”, đó là lời khẳng định của bà cụ già 83 tuổi, môi bà nhuộm màu rượu vang đỏ do nhai trầu. Bà đã không muốn cho biết tên.
Những du khách tấp nập băng ngang qua con đường hầm trong Khu Phố Cổ của bà ở Hà Nội có thể lãng quên nó, cùng với nhiều địa điểm tối tăm tương tự ở khắp cái vùng vốn đã ăn sâu bén rễ vào quá khứ tới gần 1.000 năm này.
Hầu hết những người sống trong Khu Phố Cổ trên những con phố ồn ào, đông đúc đang xảy ra hàng ngày mà các du khách tình cờ không nhìn thấy – bên trong những căn nhà dài, chật hẹp được người ta biết đến là “nhà ống” này.
Các giới chức thành phố cho rằng nhiều căn nhà trong số này không đủ tiêu chuẩn để sống. Họ đang tìm kiếm sự chấp thuận để di dời khoảng một phần ba cư dân ở Khu Phố Cổ lên những tòa nhà cao tầng để cải thiện điều kiện sống, theo báo chí của nhà nước cho hay.
“Chúng tôi sử dụng chung nhà vệ sinh với hàng chục người khác”, theo lời kể của ông Trần Đình Nam, từng sống suốt 45 năm đời mình trong một căn nhà ở Khu Phố Cổ và tự hào về nơi mình ở.
Ông và những cư dân trong các căn nhà ống thề sẽ không đi đâu.
“Tôi không muốn di dời tới nơi nào khác cả, thậm chí cả chuyển sang phố bên cạnh nữa”, một phụ nữ lớn tuổi từng sống trong căn nhà của bà suốt 60 năm đã tuyên bố.
Những khu phố nơi bà ở trước đây không phải lúc nào cũng chật hẹp như bây giờ. Bà kể là cái hang này mới phát sinh gần đây, chia đôi khu vực của gia đình bà từ những gia đình khác mà cửa ra vào của họ mở vào hành lang tối om này.
Những kiểu nâng cấp sửa chữa như vậy là phổ biến, theo như thông tin từ một cuốn sách nhỏ dựa trên nghiên cứu của Bản quản lý Khu Phố Cổ và các trường đại học Nhật Bản.
“Nếu có một khoảng trống, thì sẽ có một nơi ở được xây ngay tại đó, cuốn sách cho biết. “Hầu như mọi không gian có thể dùng được giữa các tòa nhà hiện tồn tại đều được khai thác hoặc bít lại”.
Thủ đô Việt Nam vào năm 2010 sẽ chào đón kỷ niệm 1.000 năm tuổi và Khu Phố Cổ luôn luôn là trái tim của thành phố này. Toàn quận được phát triển quanh 36 phố theo những thứ hàng hóa từng được sản xuất và bày bán ở đó.
Phố Hàng Bạc, nơi mà bà lão nói được nói ở trên đang sống, đã trở nên nổi tiếng bởi những người thợ bạc ở đây. Những người thợ kim hoàn vẫn còn miệt mài với công việc kinh doanh buôn bán của mình trên phố Hàng Bạc, song giờ đây họ sát cánh cùng tất cả những thương gia khác: một tiệm bán bánh, một khách sạn nhỏ, các đại lý du lịch và một quán cà phê phục vụ đồ ăn thức uống cho những du khách ba lô ngang qua.
Đó là khung cảnh được lặp đi lặp lại khắp Khu Phố Cổ, nơi mà khách bộ hành phải len lỏi qua những người bán dạo trên vỉa hè bán đồ uống và thức ăn nhanh. Các con phố nhỏ đầy ắp những xe máy và tiếng còi đinh tai nhức óc phát ra từ chúng.
“Mật độ người ở đây là quá cao”, theo nhận xét của một cư dân Khu Phố Cổ biết rõ kế hoạch tái thiết ở đây. “Họ muốn di chuyển người dân ra khỏi đây, để cho cuộc sống tốt hơn,” ông nói, và cho biết thêm là kế hoạch đã được đưa ra nhưng chưa được các quan chức thành phố chuẩn thuận.
Có 21.900 hộ gia đình trong một khu vực rộng chưa tới 100 hec ta, cuốn sách nghiên cứu về Khu Phố Cổ cho biết, khi trích dẫn một cuộc điều tra vào năm 2006.
“Trong nhiều ngôi nhà, cả toàn bộ một gia đình có thể cư ngụ trong một căn phòng độc nhất”, cuốn sách viết.
Bà Nguyến Thái Hậu, 63 tuổi, đã sống gần 50 năm tại một ngôi nhà ở phố Hàng Cá, cái tên loài cá từng được bán ở con phố này.

Bà kể là ngôi nhà của bà được xây từ những năm 1940, nguyên thủy nó thuộc về một người đàn ông giàu có và vợ ông ta.
“Giờ thì có tới sáu hộ gia đình sống ở đây với khoảng 30 người”, bà nói.
Vươn ra suốt dọc một cái hang ngắn, cấu trúc hai tầng gác này mọc lên từ một cái sân nhỏ, nơi bà Hậu đang vo gạo để nấu trong một cái bếp tí xíu.
“Tất nhiên là điều kiện sống không được tốt … nhưng chúng tôi đã quen rồi”, bà Hậu, người có gia đình chuyên bán quần áo bên vỉa hè trước cửa, cho biết.
Không gian 30 mét vuông của bà là nhỏ, nhưng giống như các gia đình khác ở Khu Phố Cổ, nó vẫn cực kỳ giá trị.
“Tôi đoán là nó có thể đến gần 20 tỉ đồng (một triệu đô la) theo giá cả năm nay. Tôi không bán nó vì thằng con trai lớn của tôi chẳng chịu chuyển đi bất cứ đâu cả. Nó bảo là ở trung tâm Hà Nội này dễ sống hơn”.


(Ảnh: Bà Nguyễn Thái Hậu, 63 tuổi, đang vo gạo nấu cơm trong căn bếp nhỏ nhà mình ở phố Hàng Cá)
Những người khác cũng đồng ý là sự tiện lợi của việc sống trong Khu Phố Cổ bù đắp cho tình trạng thiếu tiện nghi ở đây.
Truyền thống cũng là một yếu tố, theo một người đàn bà lớn tuổi ở phố Hàng Bạc nhận định. Bà cho biết một số cư dân ở đây có những ngôi nhà lớn hơn ở nơi khác “nhưng vẫn không có ai bán nhà ở đây vì đó là những căn nhà do tổ tiên để lại”.
Tờ Vietnam News của nhà nước cho biết kế hoạch kêu gọi di dời 25.000 trong tổng số 84.000 người trong khu này, bắt đầu vào cuối năm tới khi 1.900 hộ gia đình sẽ chuyển tới một khu vực được xây dựng mới có tên gọi là Việt Hưng ở bên kia Sông Hồng.
Với những con phố rộng và vỉa hè mênh mông trống rỗng hầu như không có người và xe cộ, sự pha trộn của những căn nhà thấp và cao tầng rõ ràng có cái gì đó mà Khu Phố Cổ thiếu vắng: một cảm giác về không gian.
Điều đó không đủ lôi cuốn Nam, một cư dân đã sống lâu năm ở Khu Phố Cổ với một cái nhà vệ sinh dùng chung.
“Chúng tôi không muốn sống ở một cái tòa nhà cao tầng”, ông Nam nói. “Chúng tôi không quen kiểu ấy”.
Sẽ không có ai bị ép buộc phải di dời, theo một cư dân khác ở đây biết rõ về kế hoạch cho biết. Các giới chức sẽ mất thời gian để nhận ra những gì mà người dân mong muốn để làm cho họ có cảm giác thoải mái tại nơi ở mới của mình, ông nói.
“Đây là một dự án rất khó khăn. Chúng tôi phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu”, ông cho biết.
Như là một bước khởi đầu, sau hai năm thương thảo, vài gia đình từng chiếm dụng bất hợp pháp bên trong một ngôi chùa ở phố Hàng Bạc đã được di dời tới nơi ở tiện nghi mới và được đền bù, ông kể.
Toàn bộ kế hoạch tái định cư sẽ không làm ảnh hưởng tới nét đặc sắc của Khu Phố Cổ, ông cho biết thêm, khi phản ánh về những lo lắng của vài du khách ngoại quốc.
“Kế hoạch này có thể hủy hoại nét đặc sắc đó”, theo nhận xét của Jean Kennedy, 65 tuổi, một nhà khảo cổ học người Úc. “Đây là một thành phố sinh động”.
Cha So-Yeon, 29 tuổi, người Hàn Quốc, nói rằng hoạt động trên đường phố của khu vực này đã hấp dẫn cô.
“Chúng tôi muốn quan sát đời sống của người dân ở đây”, cô tâm sự.
Thế nhưng du khách người Ba Lan Paul Paanakker, 54 tuổi, thực hiện chuyến du ngoạn thứ hai của ông tới Khu Phố Cổ, thì nói là ông không muốn quay lại.
“Nó quá là chật chội nếu so với Sài Gòn”, ông nhận xét.
Hiệu đính: N.T.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009 http://anhbasam.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét