Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

"Xay lúa thì đừng ẵm em"

Cái lý của sự chủ động xin trò đánh giá thầy là nhằm thỏa mãn tính cầu toàn của bản thân nhà giáo - không một "chủ trương sáng suốt" nào, không một thông tư chỉ thị nào, không một tiêu chuẩn thi đua nào... có thể thay thế cái nhu cầu tự hoàn thiện nội tại của nhà giáo.
Xay lúa thì đừng ẵm em!

1.Cứ mỗi lần nghĩ đến câu tục ngữ ấy, tôi lại cười thầm: Hóa ra dân mình có tinh thần công nghịêp hóa từ lâu đời rồi! Công nghiệp hóa thì mỗi người chỉ làm một việc, mỗi bộ phận chỉ làm một việc, mỗi dây chuyền chỉ làm một việc.
Công nghiệp hóa không có đất cho thứ tư duy "kết hợp", "đồng thời", mà là tư duy làm việc gì xong việc ấy, tạo ra sản phẩm gì hoàn thiện sản phẩm ấy. Ngay cả "bán thành phẩm" thì cũng phải hoàn thiện, để có thể lắp ráp được với bộ phận tiếp theo trong dây chuyền, để không thành phế phẩm - các chắt nội và ngoại nhà tôi học nói lái, gọi đó là những cái "đỉ bo" (bỏ đi).
2. Bây giờ ngẫm nghĩ tiếp sang chuyện trò đánh giá thầy. Sao lại cần trò đánh giá thầy?
Là vì xưa nay thầy nhất thống sơn hà trong một lớp học, trong một tiết dạy, trong một giáo trình. Thống tướng trong một lớp, trong một tiết dạy, trong suốt một giáo trình là thầy.
Thầy giỏi cũng nhiều, thầy lăn lộn với công việc cũng nhiều, nhưng những cái đỉ bo trong tập hợp thầy cũng không ít. Điều đó có nhiều nguyên nhân. Nhưng nếu mỗi bậc thầy nhìn nhận những bất cập chỉ từ phía bản thân mình thì ta sẽ thấy nhẹ nhõm hơn.
Dĩ nhiên những nguyên nhân khách quan to hơn trái núi, ai mà chẳng biết, ai mà chẳng thấy!
Thế bây giờ đề ra chủ trương cho trò đánh giá thầy, là để làm gì?
Thuận theo cái tư duy "xay lúa thì đừng ẵm em", ta sẽ thấy mục đích của công việc đánh giá này chỉ là vì sự tiến bộ của thầy thôi. Chỉ nên đề ra một và chỉ một mục tiêu này thôi: Trò đánh giá thầy là vì thầy. Vì phẩm gía của thầy. Vì sự tiến bộ của thầy. Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt: Cốt cho thầy giỏi lên, cốt cho thầy càng lúc càng thầy hơn.
Nếu lại tư duy lối tiểu nông muôn đời, thích chủ trương vừa xay lúa vừa ẵm em, thì thế nào cũng hỏng việc.
Đó là trường hợp ta thấy đề ra những điều "kết hợp", những mục tiêu "đồng thời", gắn công việc trò đánh giá thầy cao quý và mang duy nhất một mục đích trò giúp thầy, sang những mục tiêu có những chuẩn đánh giá khác và sử dụng những phương thức đánh giá khác, chẳng hạn như nâng bậc, tăng lương, kỷ luật, khen thưởng, đề bạt, vv...
Nhu cầu tự hoàn thiện nội tại của nhà giáo


3. Về phía thầy, một người giáo viên theo đúng nghĩa nhà giáo nhất định sẽ hoan nghênh chủ trương trò đánh giá thầy.
Người ta chưa đề ra thành chủ trương trò đánh giá thầy, mình đã nên chủ động yêu cầu học trò đánh giá mình. Chủ động cư xử như vậy mới là hợp nhẽ.
Sở dĩ nói "hợp nhẽ", vì cái lý của sự chủ động xin trò đánh giá thầy là nhằm thỏa mãn tính cầu toàn của bản thân nhà giáo - không một "chủ trương sáng suốt" nào, không một thông tư chỉ thị nào, không một tiêu chuẩn thi đua nào... có thể thay thế cái nhu cầu tự hoàn thiện nội tại của nhà giáo.
Một người giáo viên chân chính theo đúng nghĩa thầy chỉ làm một việc thôi: Dạy học suốt đời. Sống gọi bằng ông giáo bà giáo; chết vẫn gọi bằng ông giáo bà giáo. Thế mà, một khi đã định dạy học cả đời, thì thế nào cũng phải gắng dạy giỏi. Không dạy giỏi sẽ gánh chịu hai hậu quả.
Hậu quả thứ nhất, khi trẻ em vào đời, khi các bạn đó ngộ ra rằng thầy chuẩn bị cho chúng không tử tế, khi ấy chúng sẽ oán thoán không biết đến bao nhiêu mà kể. Những oán thoán không đến tai mình mà vẫn làm mình đỏ tai.
Hậu quả thứ hai, bản thân mình không dạy giỏi, mà vẫn cứ bám lấy cái vị trí đó, thì suốt đời tuy vẫn được gọi là ông giáo bà giáo, nhưng cả đời sẽ chỉ thấy nghề dạy học như một việc lao động khổ sai.
Tôi hoàn toàn tin rằng những người thầy làm tròn nhiệm vụ, những vị nào dạy được những học sinh đạt yêu cầu, những bậc thầy giúp các bậc mẹ cha thực hiện được ước mơ con ơi muốn nên thân người ... những bậc thầy đó có cuộc sống hạnh phúc, dù họ chỉ sống cuộc đời rất thanh bạch.
4. Mọi sản phẩm trình ra cho xã hội đều được "phản hồi" thông qua đánh giá trực tiếp hoặc thông qua dư luận xã hội. Có điều là, một hàng hóa vật chất sẽ được đánh giá rất chóng vánh thông qua lượng hàng bán ra. Hàng không tốt thì ế ngay. Ma-két-tinh đến đâu cũng chỉ vá víu được đôi chút trước khi sập tiệm.
Nhưng hàng hóa do hệ thống giáo dục "bán ra" rất nhiều khi không trực tiếp cho thấy ngay chất lượng.
Có loại hàng chưa tốt vẫn phải mua. Tấm gương nhỡn tiền là những bộ sách giáo khoa sau khi phải mua và dùng cả chục năm, và chỉ tới năm học vừa rồi thì chịu không nổi, đành phải "nhờ" học trò cả nước ngồi chữa lại hàng chục triệu bản sách đã tiêu thụ trót lọt.
Cái hệ thống kém chất lượng làm tổn hại danh giá của cả nhà giáo tốt lẫn nhà giáo chưa tốt, nhà giáo giỏi lẫn nhà giáo chưa thật giỏi. Nhà giáo dù tự trọng và dù đã được trọng vọng tới đâu cũng có khi bị hệ thống làm tổn hại danh tiếng của mình.
Nhưng yên lòng đi, trò rất vô tư khi đánh giá. Hãy cứ tiến hành để cho trò đánh giá thầy đi, và rồi ta càng yên lòng. Vì việc này phục vụ cho "ta" chứ không vì ai khác.
Thế nhưng, giả sử có một tỷ lệ nho nhỏ những em học sinh đánh giá không thật lòng, thì cũng không sao hết. Nhà giáo nhờ những feedback cả tốt lẫn xấu vẫn có cho mình những địa chỉ rõ ràng để mà đối thoại. Và với nhà giáo chân chính, việc giáo dục những học sinh vì lý do gì đó mà "chơi xấu" mình cũng là sứ mệnh của mình chớ còn biết đổ cho ai nữa đây?
5. Nhà giáo chỉ biết giữ tròn bổn phận mình, nên nếu có chủ trường trò đánh giá thầy thì cũng chấp nhận đó như là một việc bình thường.
Chỗ khó khăn là ở những ai đặt bút ký vào cái chủ trương kia.
Nếu ai đó không hiểu nối xay lúa thì đừng ẵm em là gì, lại cứ thích một công đôi ba việc, nào "kết hợp", nào "tích nhập", nào "đồng thời" và thêm mấy "vân vân vi vi" vào nữa, thì một việc làm sạch đẹp đối với nhà giáo sẽ thành một việc dở.
Tác giả: Phạm Toàn
http://tuanvietnam.net/2009-12-26-xay-lua-thi-dung-am-em-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét